TÒA ÁN HÔN PHỐI và việc THÁO GỠ HÔN NHÂN CÔNG GIÁO (P5)
CHƯƠNG NĂM
NHỮNG TRƯỜNG HỢP HÔN PHỐI ĐÃ ĐƯỢC THÁO GỠ
Ghi chú của tác giả:
Những trường hợp sau đây là những trường hợp có thật đã được các Tòa Án Hôn Phối trên thế giới phân xử. Tuy nhiên, vì tính cách kín đáo, bí mật của Tòa Án, tác giả đã đổi tên, đổi họ và đổi ngay cả các chi tiết quan trọng khiến người trong cuộc có thể nhận diện ra hoàn cảnh của mình.
Tác giả chỉ ghi lại 12 trường hợp điển hình. Dĩ nhiên trên đây chỉ là một số những trường hợp điển hình đã được tháo gỡ. Mỗi hoàn cảnh mỗi khác nhau, mỗi nguyên cớ một khác. Tác giả không thể trình bày mọi hoàn cảnh như những thí dụ. Những thắc mắc về hoàn cảnh của hôn phối của mình phải được trình bày diện đối diện với nhân viên Tòa Án, nếu cần được tham khảo hay thắc mắc.
Trường hợp 1.
Diwata sinh ngày 26/5/1938, rửa tội ngày 30/3/1941 tại Manila.
Albert sinh ngày 29/7/1934, rửa tội ngày 30/12/1934 tại Manila.
Hai người cử hành hôn phối tại nhà thờ Santa Cruz, Manila ngày 1/8/1959 trong hoàn cảnh như sau:
Tháng Năm năm 1959, Diwata ghi tên tham dự cuộc tuyển lựa hoa hậu do Hội Hồng Thập Tự Quốc tế tại Manila bảo trợ. Với sự “can thiệp” của một tổ chức du đãng có thế lực, Diwata được chọn.
Albert lúc đó là một trong những anh chị trong tổ chức và là người lãnh đạo công tác giúp Diwata thành hoa hậu. Anh thú nhận với người cầm đầu là anh đã đem lòng thương yêu và muốn cưới Diwata làm vợ. Người cầm đầu do đó phác họa một chương trình để giúp Albert đạt được ước nguyện.
Ngày 15/7/1959, sau giờ làm việc, tổ chức mời Hoa hậu Diwata dự bữa cơm tối tại nhà hàng Bulakena. Sau bữa cơm tối, Diwata được chở tới khách sạn Easten Hotel. Tại khách sạn, tổ chức triệu tập một buổi họp kín với sự tham dự của Hoa hậu Diwata và buộc Diwata phải chọn một trong hai đề nghị: ký hôn thú với Albert hay sẽ bị giam giữ. Diwata đồng ý ký giấy hôn thú. Việc thu xếp hoàn tất ngay sau đó và giấy hôn thú được ký do Albert và Diwata ngày 15/7/1959. Sau khi ký giấy hôn thú, Diwata được trả tự do ra về.
Ngày 16/7/1959, Albert nghĩ rằng Diwata đã là vợ mình nên tỏ ý muốn gặp Diwata. Do dự một lúc, Diwata nhận lời vì nghĩ rằng dù sao Albert cũng là người đã giúp cô trở thành hoa hậu. Khi hai người tới nhà hàng Bulakena, tổ chức lại đã có mặt đầy đủ. Họ đưa hai người tới khách sạn Airport Lodge và tại đây hai người sống chung với nhau đêm đầu tiên. Sáng hôm sau, tổ chức đưa hai người tới khách sạn Shellborne Hotel và giữ hai người tại đây hai tuần lễ cho đến ngày hôn lễ tại nhà thờ Santa Cruz 1/8/1959.
Trong khi đó, gia đình của Diwata báo cáo với cảnh sát là con gái họ bị bắt cóc. Tổ chức sợ rằng họ sẽ gặp nhiều rắc rối nên đặt điều kiện với Diwata: “hoặc Diwata phải nhận rằng thương yêu và muốn lập gia đình với Albert, hoặc gia đình cô sẽ bị tàn sát”. Vì biết thế lực của tổ chức và vì lo cho an ninh của gia đình, Diwata chấp nhận điều thứ nhất, cử hành hôn lễ với Albert tại nhà thờ Santa Cruz và trở thành nô lệ của tổ chức từ đó. Hai người sống chung với nhau đến năm 1970, sau đó họ ly thân.
Diwata đứng đơn trình Tòa Án Hôn Phối Tổng Địa Phận Manila ngày 15/4/1979 và hôn phối này được tuyên bố vô hiệu ngày 6/3/1980.
Trường hợp 2
Henry là một sinh viên nghèo, mới tốt nghiệp Đại học vài năm và được nhận vào làm việc tại một công ty lớn. Vì giỏi giang và siêng năng, Henry được đề cử vào chức vụ Giám đốc một chi nhánh của công ty. Một bữa tiệc mừng được tổ chức tại nhà của ông Tổng Giám Đốc, tại đây Henry gặp Sonia, con gái ông. Hai người bị tiếng sét ái tình với nhau. Qua thời gian tìm hiểu, Henry nhận thấy vì Sonia được gia đình nuông chiều quá đáng nên tỏ ra hách dịch và cô giao thiệp với rất nhiều bạn trai. Mẹ của Sonia còn hách dịch hơn cả cô nữa.
Nhận thấy Henry trẻ có tương lai, bà mẹ của Sonia muốn bắt làm rể, nên đề nghị hai người làm đám cưới. Bà đứng ra lo liệu việc đính hôn và tổ chức đám cưới. Henry thật tâm không muốn mặc dù anh có yêu Sonia, nhưng vì e ngại chức vụ của mình trong công ty sẽ bị đe dọa nên chấp nhận.
Khi được tin, gia đình của Henry vui mừng vì cũng muốn Henry làm đám cưới với Sonia vì tương lai của chàng. Henry cho gia đình biết rằng chàng không yêu thương Sonia nhiều lắm và tính nết của nàng không thích hợp với chàng. Gia đình chàng buồn bã ra mặt. Suy tính lại, vì tương lai của chính mình, vì gia đình khuyến khích, Henry xúc tiến việc đám cưới. Lễ cưới và tiệc cưới diễn tiến bình thường, vui vẻ.
Ngay trong tuần trăng mật, hai người đã có những xích mích và hơn một năm sau đó, họ chia tay nhau. Sonia đệ đơn nơi Tòa Án Hôn Phối xin tháo gỡ hôn nhân với lý do Henry không thật lòng khi nói lên lời ưng thuận đồng ý kết hôn. Những chứng cớ được thu thập từ Henry, mẹ chàng và cha mẹ của Sonia. Tòa Án đã tháo gỡ hôn phối của họ.
Trường hợp 3
Peter và Mary, cả hai người đều 17 tuổi lúc họ gặp nhau. Mary là con nuôi trong một gia đình khá giả. Tuy nhiên, tình cảm giữa Mary và bà mẹ nuôi không được tốt đẹp lắm. Mary luôn cho rằng vì cô là con nuôi nên không thể nào có được tình thương như con ruột.
Gặp Peter, lúc ban đầu hai người rất thân mật với tình yêu thương đậm đà, nhưng dần dần tình yêu phai lạt, hờ hững. Cuối cùng hai người chia tay nhau. Hai tháng sau, Mary mới biết mình đã mang thai với Peter. Cô liên lạc lại với anh và hai người đồng ý cho hai bên gia đình biết.
Hai gia đình buồn rầu ra mặt, nhưng sự thể đã lỡ làng biết giải quyết thế nào, họ để tùy hai người trẻ quyết định. Nếu hai người muốn làm đám cưới, hai bên gia đình sẵn sàng đứng ra lo liệu, nhược bằng họ quyết định chia tay, bên gia đình ba má nuôi Mary sẽ cáng đáng việc thai nghén, sanh đẻ của Mary. Mary quyết định làm đám cưới, nhưng không tỏ lộ sự sốt sắng hay rộn rã của một người con gái sắp về nhà chồng.
Dù ngại ngùng, nhưng hai gia đình vẫn thu xếp hôn phối của hai người khá tươm tất với lễ cưới, tiệc tùng v.v...
Sau đám cưới, ngoại trừ một vài lần miễn cưỡng ưng thuận, Mary từ chối không chung chạ với chồng. Cô tuyên bố cô sẽ ở với Peter cho đến khi sanh, để khi sanh, con cô là đứa con có cha và để cho mọi người chung quanh khỏi dị nghị. Sau khi sanh, cô ở lại với Peter được vài tháng, sau đó dọn về nhà cha mẹ nuôi và cuối cùng dọn ra riêng ở một mình với đứa con nhỏ.
Peter nộp đơn ra Tòa Án Hôn Phối xin tháo gỡ hôn nhân giữa anh và Mary. Dựa trên căn bản việc Mary chỉ ưng thuận nói lên lời kết hôn vì đứa con sắp sinh, vì lời dị nghị của người chung quanh chứ không phải vì yêu thương Peter và muốn sống với Peter suốt đời. Chứng cớ được thu thập từ những nhân chứng. Tòa Án Hôn Phối tuyên bố hôn nhân giữa Peter và Mary không thành sự.
Trường hợp 4
Đầu năm, Cecilia đính hôn với Richard, họ dự định làm lễ cưới vào cuối năm. Cecilia thường hội họp với một nhóm người trong tổ chức “Thế giới Mới”. Tổ chức này quan niệm rằng trẻ con là nguồn sinh ra ô nhiễm trong thế giới ngày nay, do đó, nếu có lập gia đình thì không nên có con cái. Richard không đồng ý với quan niệm này. Cuối cùng trong một cuộc tranh luận, khi hai người đề cập đến vấn đề con cái, họ cãi nhau kịch liệt và hủy bỏ đám cưới vì lý do Cecilia không muốn có con, nhưng Richard lại muốn có.
Một năm sau Cecilia quen với Anthony. Cecilia không muốn sự việc xảy ra như lần trước với Richard, nên cô không nói chuyện này với Anthony. Hai người yêu thương nhau và thực hiện hôn phối. Cecilia tránh không đề cập tới vấn đề con cái khi được thẩm vấn. Đám cưới diễn ra bình thường.
Hai người sống với nhau như những vợ chồng bình thường khác, ngoại trừ việc Cecilia xử dụng các phương tiện ngừa thai và ngay cả một lần phá thai. Anthony hoàn toàn không biết gì về việc này.
Sau sáu năm chung sống, Cecilia sợ các phương pháp ngừa thai sẽ gây nên hậu quả ung thư sau này nên cô thú thật với Anthony và đề nghị Anthony đi bác sĩ cột ống dẫn tinh. Anthony nổi giận khi biết vợ mình đã tránh né việc có con cái trong suốt thời gian chung sống, dứt khoát quyết định bỏ nhà ra đi. Không lâu sau đó Anthony biết được nguyên do tại sao đám cưới giữa Cecilia và Richard bị hủy bỏ. Anthony trình bày hoàn cảnh của mình nơi Tòa Án hôn phối. Tòa Án Hôn Phối sau khi thu thập đủ chứng cớ, tuyên bố hôn phối giữa Cecilia và Anthony bất thành sự.
Trường hợp 5
Monica rửa tội sau ngày sinh một tuần lễ, nhưng khi lớn lên bỏ bê việc đạo đức, không siêng năng, sốt sắng giữ đạo, chơi bời giao du với những bạn bè không tốt và tập tành nhiều thói xấu. Paul là một thanh niên ngoan đạo, có đời sống nhân đức. Hai người gặp nhau, quen nhau. Từ khi quen Paul, nghe lời khuyến dụ của Paul, Monica bắt đầu siêng năng đi lễ đi nhà thờ, bỏ dần dần các thói quen xấu, từ giã các bạn trai đã quen trước đó.
Trong lần từ giã nọ với một người bạn trai, Monica đã không giữ mình được và ngã vào vòng tay của người bạn trai đó. Monica mang thai. Khi được tin Monica mang thai, gã bạn trai nọ quất ngựa truy phong, dọn nhà đi tiểu bang khác trốn biệt tích. Monica trình bày sự việc với Paul để chia sẻ và nâng đỡ.
Là người tốt, Paul đề nghị lấy Monica làm vợ và hứa sẽ coi đứa con sắp sinh như con của mình và Paul cũng yêu Monica nữa. Monica không đồng ý, cô nói rằng chả thà phá thai, còn hơn là làm đám cưới với người mình không thương yêu. Nhưng khi nói chuyện với ba má, Monica lại nói rằng Paul là cha của đứa nhỏ cô đang cưu mang và cô sắp làm đám cưới với Paul. Với bạn bè của cô, khi được hỏi về đám cưới, cô nói rằng lập gia đình với Paul chỉ là vì bị ‘tai nạn’, khi tai qua nạn khỏi, nếu vui, hạnh phúc thì tiếp tục, bằng không chấm dứt lúc nào cũng được. Paul hoàn toàn không nghe biết được những chuyện này.
Đám cưới diễn ra tưng bừng vui vẻ. Năm tháng sau đứa bé chào đời. Paul thật sự coi đứa nhỏ như con, nâng đỡ, chia sẻ, chiều chuộng Monica hết mực. Monica lại coi những tình cảm và cử chỉ của Paul là bố thí, là thương hại và cô tự ái. Tự ái này đã đưa Monica đến việc bỏ nhà ra đi một mình để lại đứa nhỏ cho Paul nuôi.
Paul chân tình nuôi nấng đứa nhỏ không phải con của mình chờ đợi ngày Monica trở lại. Năm năm sau, không còn sức chờ đợi nữa, Paul trình bày hoàn cảnh của mình nơi Tòa Án Hôn Phối. Sau khi điều tra, thâu thập chứng cớ từ Paul, Monica và các nhân chứng đáng tin cậy. Tòa Án tuyên bố hôn phối của hai người không thành sự lúc cử hành, dựa trên căn bản Monica đã không thật sự có ý chung thủy trong đời sống hôn phối.
Trường hợp 6
Albert là tài xế xe vận tải hạng nặng chạy xuyên bang. Natalie là cô bán hàng trong một siêu thị. Hai người đã quen nhau hai năm mới làm lễ cưới. Sau sáu năm chung sống có hai mặt con, họ thôi nhau.
Theo sự yêu cầu của Natalie, lễ cưới của họ đã được Tòa Án Hôn Phối tháo gỡ sau hơn một năm điều tra thu thập chứng cớ từ những nhân chứng đáng tin cậy. Câu chuyện hôn phối của họ như sau:
Trong suốt thời gian quen nhau, họ chỉ gặp nhau vào những ngày Albert lái xe chở hàng trở về tiểu bang họ đang sống. Tại một tiểu bang khác, nơi Albert thường lui tới, anh lại quen thêm một cô gái khác và chung sống với cô này mỗi lần hai người gặp nhau. Ngay cả sau thời gian đã đính hôn với Natalie cũng vậy, cuộc tình vụng trộm vẫn tiếp tục, anh còn hứa cả với cô ta là khi thu xếp mọi chuyện xong hai người sẽ lấy nhau. Albert không cho vợ sắp cưới biết về cô gái nọ và cũng không cho cô gái nọ biết anh đã đính hôn và sắp cưới vợ.
Lễ cưới của hai người diễn ra trang trọng trong nhà thờ và tưng bừng nơi tiệc cưới. Họ đi hưởng tuần trăng mật một tuần lễ tại bãi biển đẹp nhất nước.
Sau tuần trăng mật, hai vợ chồng trở lại cuộc sống bình thường: Natalie đi làm tại siêu thị còn Albert tiếp tục lái xe xuyên bang, tiếp tục gặp gỡ, chung chạ vụng trộm với người tình phương xa. Anh không hề kể cho người tình này biết gì về đám cưới của anh cả. Cô gái vẫn kiên nhẫn, âm thầm chờ ngày Albert thu xếp xong công chuyện để làm đám cưới. Bị thúc dục nhiều lần, cuối cùng, Albert bèn phải đính hôn với cô ta cho có lệ qua một thủ tục đơn giản và một chiếc nhẫn kim cương.
Một ngày kia, cô gái phương xa nọ nghi ngờ Albert ngoại tình bèn chú tâm theo dõi khăn gói lên đường xuyên bang, cô ta bắt gặp Albert và một cô gái trẻ sống chung với nhau (cô gái này chính là Natalie - vợ anh). Thế là cô ta làm ầm lên, xỉ vả anh ta và Natalie không tiếc lời. Kết quả là Natalie gào lên khóc lóc thảm thiết cuốn gói bỏ nhà ra đi không bao giờ trở lại.
Trường hợp 7
Roger là một bác sĩ y khoa trẻ khá nổi tiếng về nghề nghiệp cũng như về sinh hoạt chính trị. Anh có hoài bão sau này sẽ trở thành người lãnh đạo lớn. Roger gặp Penelope, con gái của một chính trị gia, đồng thời cũng là một nhà triệu phú. Penelope sau khi tốt nghiệp trung học, được gửi sang Thụy Sĩ theo học một trường Đại học nổi tiếng của Âu Châu. Hai người thật xứng đôi vừa lứa, nhưng thật ra hai người chỉ là bạn với nhau mà thôi. Roger đã có tình với một người con gái khác là Candida.
Trong một lần tiễn chân Penelope lên đường sang Thụy Sĩ sau kỳ hè, nhà triệu phú tổ chức một bữa tiệc tiễn chân con gái, Roger cũng được mời tham dự. Có lẽ vì cả hai người đều quá chén chăng, nửa đêm ông triệu phú bắt gặp Roger và con gái yêu của mình đang làm chuyện vợ chồng trong phòng ngủ của con gái ông.
Đùng đùng nổi giận, ông bắt Roger và Penelope phải lấy nhau, ông là người thủ cựu, không quan niệm khác được. Khi hai người nhận lỗi và phản đối việc cưới hỏi, ông tuyên bố rằng ông sẽ làm ầm ỹ lên và tương lai của cậu bác sĩ chính trị gia sẽ chỉ là đống bọt ngoài bãi biển, và tương lai của con gái ông là sẽ không được ghi tên trong bản di chúc của ông sau này, nghĩa là mất phần gia tài kếch sù của ông để lại.
Hai người gượng vui làm đám cưới, cười cười, nói nói trong lễ cưới và tiệc cưới, nhưng trong lòng thì tan nát dở dang.
Một năm sau, hôn nhân tan rã. Roger nộp đơn xin tháo gỡ. Tòa Án tuyên bố hôn phối vô hiệu dựa trên căn bản của việc sợ hãi và cưỡng ép khi nói lời ưng thuận kết hôn.
Trường hợp 8
Rosa là một cô gái nhà quê, sống trong một làng đánh cá ven biển. Rosa gặp thủy thủ Simon, năm cô 18 tuổi. Dù đã 18 tuổi, nhưng Rosa rất đơn sơ vì sống trong một gia đình nhà quê mộc mạc, chân lấm tay bùn.
Những hẹn hò với người tình thủy thủ luôn luôn có người chung quanh hiện diện và cũng không được thường xuyên lắm. Trước ngày cưới, mẹ Rosa cũng đã rỉ tai cho con gái những điều cần thiết phải biết, nhưng vì hoàn cảnh và vì thói quen giáo dục của gia đình, Rosa cũng chỉ ậm ừ cho có lệ.
Từ một hoàn cảnh như thế, Rosa tin tưởng rằng, nếu cô đắp chiếc mền của chồng cô thì cô sẽ mang thai, còn chuyện chung chạ là “chuyện mấy người đàn ông thường làm”, cô không từ chối nhưng kệ họ. Mỗi lần thủy thủ Simon đi công tác xa, Rosa lấy chiếc mền của anh quấn vào người với hy vọng sẽ mang thai. Cô không hề có một ý niệm mong manh nào về liên hệ giữa việc chung chạ vợ chồng và vấn đề có con cái. Và vì thế, sau một thời gian chung sống, Rosa cảm thấy bực mình về “chuyện mấy người đàn ông thường làm”. Ban đầu là chuyện chống đối không hợp tác, sau là từ chối luôn, không chung chạ với người chồng thủy thủ nữa. Nhiều lần bị ép buộc, Rosa bỏ nhà về nhà bố mẹ và không chịu trở về với chồng, với lý do cô không đồng ý và tán thành “chuyện mấy ngươi đàn ông thường làm” mà thủy thủ Simon thường thực hiện với cô.
Simon chán nản sống chung với một người con gái khác, mặc cảm tội lỗi đã đưa Simon đến Tòa Án Hôn Phối trình bày sự việc và xin giúp đỡ. Sau khi điều tra thu thập chứng cớ, Tòa Án tuyên bố hôn phối giữa Simon và Rosa không thành sự khi cử hành, dựa trên căn bản Rosa không biết gì về nhiệm vụ và hành động phải có của vợ chồng trong việc hợp tác với tạo hóa sinh sản con cái.
Trường hợp 9
Sandra 30 tuổi, xuất thân từ một gia đình nghiêm khắc, đạo giáo. Sandra học hành giỏi giang, tốt nghiệp ngành thương mại, được bổ nhiệm làm phụ tá giám đốc xuất bản tại chi nhánh của một nhà in lớn. Mặc dù cô đã lớn tuổi, nhưng vì có nhan sắc nên nhiều người theo đuổi. Trong số những người theo đuổi đó, Sandra có cảm tình với Stephen nhất, nhưng đồng thời cô cũng biết rành Stephen không phải là người chồng lý tưởng cho cô trong đời sống, anh đẹp trai, hào hoa nhưng phóng đãng.
Trong nhóm người theo đuổi cô, có anh Terry là người si tình cô nhất, anh sẵn sàng hy sinh mọi sự để đạt được Sandra. Sandra rất dè dặt trong việc giao thiệp với bạn bè nam giới. Với một thái độ rất cẩn trọng, đôi khi cô nhận lời mời của Stephen và đôi khi khác cô nhận lời mời của Terry.
Trong một bữa tiệc sinh nhật của bạn bè, Stephen cố tình phục rượu cho Sandra. Sandra say lúy túy và khi thực sự tỉnh dậy, cô thấy mình đã thất thân với Stephen. Stephen hứa đủ thứ chuyện, nào là đám cưới, nào là nhà cửa xe cộ v.v... Một tháng sau đó, Sandra thấy cơ thể của cô khác lạ, đi chẩn bệnh, bác sĩ cho biết cô đang mang thai. Tin được báo cho Stephen. Thay vì vui mừng đón nhận, Stephen tỏ ra lạnh nhạt và còn hỏi những câu hỏi đau đớn: Không biết bào thai có phải do chính anh tạo ra không, và xa hơn nữa, Stephen còn đề nghị phá bỏ, lấy lý do là vì hai người chưa thể lập gia đình ngay lúc này được…
Hoảng hốt với bào thai một tháng trong người, Sandra hẹn gặp Terry, cô phục rượu cho Terry và cố tình thất thân với anh. Sau một vài tuần lễ, ngập ngừng, Sandra tỏ cho Terry biết cô đã mang thai. Vui mừng khôn tả, Terry tưởng chính anh là tác giả, anh đề nghị hai người làm đám cưới. Đầu tiên Sandra giả vờ chống đối, nhưng sau đó vì Terry cố thuyết phục, nên cô chấp thuận. Đám cưới diễn ra rình rang vui vẻ.
Hai tháng sau ngày cưới, Sandra bị sẩy thai, cô cho đó là một điều vui mừng vì từ nay không phải lo lắng; bối rối vì điều cô đã cố tình lừa đối Terry. Cô bắt đầu thương yêu, săn sóc Terry để đền bù lại những gì cô đã làm. Họ sống khá hạnh phúc trong năm đầu tiên sau ngày cưới.
Trong một dịp tình cờ nọ, Terry gặp Stephen và một số bạn bè. Sau một hồi bàn luận chuyện thời tiết, chính trị, họ đem chuyện cưới hỏi của Terry ra làm đề tài. Terry nghe biết chuyện, đau khổ không ít, anh cố gắng quên, tha thứ cho Sandra. Nhưng càng cố gắng bao nhiêu thì anh lại càng khổ tâm, gắt gỏng bấy nhiêu. Đời sống gia đình bắt đầu lục đục. Khi đã biết chồng khám phá ra sự lừa dối bí mật của mình, Sandra bỏ nhà ra đi. Hối hận về việc đã làm, Sandra trình bày với Tòa Án Hôn Phối xin điều tra và cứu xét.
Dựa trên căn bản của việc lừa dối khi thực hiện Bí tích Hôn phối và sau khi đã có những chứng cớ rõ ràng, Tòa Án tuyên bố hôn phối giữa Sandra và Terry vô hiệu khi cử hành.
Trường hợp 10
Angela 21 tuổi, đẹp, duyên dáng và quyến rũ. Roland 24 tuổi, cao, đẹp trai và hấp dẫn. Hai người quen nhau trong buổi dạ vũ mừng sinh nhật của em gái Angela.
Họ gặp thau thường xuyên sau đó, ai cũng khen họ xứng đôi vừa lứa. Roland lịch lãm với bạn bè, lễ phép với người trên, anh xài tiền khá hào hoa và thường lái những chiếc xe hơi mới khác nhau, mặc dù ngay cả Angela cũng không biết đích xác anh làm nghề gì, khi được bố mẹ hỏi, Angela cũng chỉ cho biết loáng thoáng ràng Roland làm chủ một cơ sở buôn bán xe du lịch.
Chuyện kém may mắn đầu tiên xảy ra cho hai người được Roland kể lại cho Angela khi trao cho cô chiếc nhẫn đính hôn: Chiếc nhẫn này không phải là chiếc nhẫn chính anh mua, chiếc nhẫn anh mua xong để trong xe, đậu trong sân đậu xe, khi trở lại vào buổi chiều, kiếng xe đã bị đập bể và kẻ trộm lấy cắp hết tiền bạc và cả chiếc nhẫn. Anh đã xin bảo hiểm đền và hãng bảo hiểm đã đền đầy đủ những thứ bị mất. Chiếc nhẫn anh trao cho Angela là chiếc nhẫn được hãng bảo hiểm đền.
Đám cưới của hai người tổ chức linh đình với đầy đủ bạn bè tham dự. Sau tiệc cưới, hai người thong dong đi hưởng tuần trăng mật. Khi đến nơi, Roland hoảng hốt cho Angela biết anh để quên “chiếc bóp” ở nhà với tất cả tiền bạc của anh. Angela bèn dùng “credit card” của cô để trang trải mọi phí tổn của tuần trăng mật. Angela hưởng tuần trăng mật một cách kinh hoàng, không phải vì số tiền cô phải trả, nhưng vì Roland quá vũ phu trong hành động vợ chồng, cô bắt đầu cảm thấy chán nản.
Khi về đến nhà, Roland có lẽ vì nhiều công chuyện, nên quên trả lại tiền cho vợ. Bàn đến việc trang hoàng nhà cửa, Roland đưa ra những hoạch định xa hoa và tốn kém để cuối cùng Angela biết rằng Roland là một gã thất nghiệp, du thủ du thực chuyên môn cờ bạc, lường gạt, vay mượn không bao giờ trả. Angela đã lỡ chân, cố gắng đi làm nuôi chồng, cô đề nghị chồng đi tìm việc, Roland hăng hái nhận lời, yêu cầu vợ đưa tiền đổ xăng, ăn uống. Mỗi tuần Angela đều cung cấp gần nửa số lương cho chồng đi tìm việc, nhưng không bao giờ chồng tìm được công việc nào cả. Angela quyết định không đưa tiền cho chồng nữa, kết quả đưa đến là việc đánh đập tra khảo tiền bạc. Khi Angela có thai, sự việc càng khủng khiếp hơn nên cô tuyên bố ly dị Roland.
Khi nghe tin Angela sẽ ly dị, Roland khóc lóc thảm thiết nài van vợ đừng bỏ anh, anh sẽ không thể sống được nếu không có nàng, cuối cùng, anh dọa sẽ tự tử nếu Angela bỏ anh. Angela nén lòng chịu đựng.
Gần đến ngày sinh, Angela không còn đi làm được nữa, gia đình không có tiền, cô bèn phải về nhà bố mẹ để nương nhờ. Roland tưởng vợ đã bỏ anh, anh dọa sẽ giết cô và cả gia đình, nếu gia đình chứa chấp vợ anh.
Angela bỏ trốn đi một nơi khác, trình bày với Tòa Án Hôn Phối. Sau khi điều tra với những nhân chứng xác thực, Tòa Án tuyên bố hôn nhân giữa Roland và Angela không thành sự đặt trên căn bản việc Roland vũ phu, cách xử thế không bình thường và Roland không có khả năng chu toàn vai trò của người chồng trong gia đình.
Trường hợp 11
Janet và Mark, cả hai người đạo Công Giáo, cử hành hôn phối tại Thánh đường Thánh Ignatio, Edgewood, Connecticut ngày 14/6/1975. Lúc đó Janet 28 tuổi và Mark 30 tuổi.
Trước khi hai người cử hành hôn phối, Mark cho Janet biết rằng trong suốt năm 1970, anh có sống chung với một người con gái tên là Diana, vì hai người không phải là vợ chồng chính thức nên họ không muốn có con, do đó Mark quyết định cột cả hai ống dẫn tinh. Một năm sau họ chia tay nhau, Mark hối hận vì đã hành động như thế nên trở lại bệnh viện xin tháo ống dẫn tinh để có thể có con cái sau này, nhưng việc tháo gỡ không thực hiện được.
Khi Mark tiết lộ và Janet biết điều này, cả hai người đều có vẻ buồn bã vì nếu kết hôn họ sẽ không có con cái. Dù vậy, họ vẫn quyết định cử hành hôn lễ ngày 14/6/1975 như đã nêu trên. Cuộc sống tình dục vợ chồng giữa hai người vẫn bình thường, ngoại trừ việc có con cái.
Hai vợ chồng sống chung tương đối hạnh phúc trong suốt năm năm sau ngày cưới. Nhưng tình cờ vào mùa hè năm 1980, Janet khám phá ra Mark ngoại tình với một người đàn bà khác. Janet chán nản, đau khổ và không nghĩ rằng có thể tiếp tục sống chung với Mark được nữa. Hai người ly thân vào tháng 10/1980.
Janet đứng đơn trình Tòa Án Hôn Phối ngày 26/10/1982. Dựa trên căn bản định nghĩa về bất lực từ trước 13/5/1977. Hôn phối của họ vô hiệu.
Trường hợp 12
Sam và Ann, cả hai người đạo Công Giáo, cử hành hôn phối tại Thánh đường Thánh Simon, Upton ngày 23/6/1978. Lúc đó Sam 25 tuổi và Ann 21 tuổi.
Ann sinh năm 1957, khi còn nhỏ không có gì khác thường, nhưng khi đến tuổi dậy thì, dù cô có sắc đẹp, nhu mì và học giỏi nhưng không phát triển bình thường về bộ phận sinh dục và không có kinh nguyệt như các bạn gái khác cùng lứa tuổi. Năm 13 tuổi, Ann trải qua một cuộc giải phẫu điều chỉnh vì bộ phận sinh dục của cô được cấu tạo “ái nam ái nữ”. Theo cách cấu tạo này, Ann không có kinh nguyệt, không thể giao hợp và mang thai được. Từ năm 14 tuổi, Ann bắt đầu xử dụng kích thích tố nữ giúp phát triển bộ ngực. Năm 18 tuổi, Ann trải qua cuộc giải phẫu thứ hai, qua cuộc giải phẫu nầy, bác sĩ dùng phần da đùi của cô để ráp cho cô một âm đạo nhân tạo, với tất cả các trợ giúp này, Ann sống tương đối như một người con gái bình thường.
Ann gặp Sam năm 1976, hai người yêu nhau. Qua thời gian, hai người vẫn tiếp tục mối tình đã chớm nở. Họ sống chung với nhau như vợ chồng, giao hợp với nhau cách bình thường. Cuối năm 1977, hai người quyết định cử hành hôn lễ và đám cưới được tổ chức ngày 23/6/1976.
Hai người sống chung trong bốn năm. Cả Sam và Ann thường uống rượu say sưa, họ cãi cọ nhau mỗi ngày. Cuối cùng, hai người ly thân vào tháng Năm năm 1982. Họ không có con cái vì Ann không thể mang thai.
Sam đứng đơn trình Tòa Án Hôn Phối ngày 4/12/1982, dựa trên lý cho rằng Ann bất lực. Tòa Án quyết định nhận đơn ngày 20/12/1982.
(hết Chương Năm)
Lm. Jos. Bùi Đức Tiến,
Thẩm Phán Tòa Án Hôn Phối,
Tổng Địa Phận Melbourne & Tasmania,
Australia.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn