TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm C

“Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời”. (Ga 10, 27-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 4 PHỤC SINH

Thứ sáu - 09/05/2025 14:27 |   33
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.” (Ga 10,22-30)

13/05/2025
Thứ ba tuần 4 phục sinh
Đức Mẹ Fatima

t3 t4 PS

Ga 10,22-30


thuộc về chúa
Đức Giê-su nói với người Do thái: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.”
(Ga 10,22-30)

Suy niệm: Người Do thái cần một câu trả lời dứt khoát xem Chúa Giê-su thực sự là ai, nhưng Ngài lại dẫn họ về căn nguyên của những gì Ngài làm. Đó là do sự ủy nhiệm tuyệt đối của Chúa Cha. Những gì Ngài nói và làm đều đã được lãnh nhận từ Cha. Không những thế, những kẻ thuộc về Ngài cũng được đưa vào mối quan hệ thân mật với Cha như Ngài vậy, vì Ngài và Chúa Cha là một. Do đó, ai thuộc về đoàn chiên của Ngài thì nghe tiếng Ngài và noi theo những hành động của Ngài, cho dù gặp phải những thiệt thòi, những khổ lụy và ngay cả những bách hại trên đường đời.

Mời Bạn: Chúng ta thuộc về đoàn chiên của Chúa Giê-su khi dõi bước theo Ngài, khi dám hành động theo những đòi hỏi của Ngài, và khi sống theo gương Ngài trong yêu thương, phục vụ và hiến thân mình cho người khác. Bạn đã sẵn sàng bước theo Ngài chưa?

Sống Lời Chúa: Mỗi hành vi của chúng ta cần biểu lộ được sự gắn kết chặt chẽ với Chúa Giê-su Ki-tô, vị Mục Tử duy nhất, như lời thánh Phao-lô: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Mục Tử nhân lành, chúng con khẩn xin Chúa gìn giữ chúng con luôn ở trong đoàn chiên của Chúa, để chúng con luôn biết nghe và nhận ra tiếng Chúa trong cuộc sống, và để cho chúng con dũng cảm bước theo Chúa mỗi ngày. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ ba tuần 4 phục sinh

Ca nhập lễ

Chúng ta hãy hân hoan và vui mừng, hãy tôn vinh Thiên Chúa, vì Chúa là Thiên Chúa toàn năng của chúng ta đã thông trị – Allêluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con đang họp mừng mầu nhiệm Ðức Ki-tô phục sinh; xin cho chúng con biết hưởng trọn niềm vui vì được Người cứu độ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Cv 11, 19-26

Họ cũng rao giảng Chúa Giê-su cho người Hy-lạp”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 86, 1-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Chúa yêu cơ sở Ngài thiết lập trên núi thánh; Ngài yêu cửa nhà Sion hơn mọi cư xá nhà Giacóp. Hỡi thành trì của Thiên Chúa, thiên hạ đang nói những điều hiển hách về ngươi.

Xướng: Ta sẽ kể Rahab và Babel vào số người thờ phượng Ta, kìa Philitinh, Tyrô và dân Êthiôpi: những người này đã sinh ra tại đó. Và thiên hạ sẽ nói về Sion rằng: “Riêng từng người và hết mọi người đã sinh tại đó, chính Ðấng Tối Cao đã củng cố thành này”.

Xướng: Chúa sẽ ghi chép vào sổ sách của chư dân rằng: “Những người này đã sinh ra tại đó”. Và khi ca vũ, người ta sẽ ca rằng: “Mọi nguồn vui thú của tôi đều ở nơi ngươi”.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Chúa Kitô, Ðấng tác tạo mọi loài, đã sống lại và đã xót thương nhân loại. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 10, 22-30

“Tôi và Cha Tôi là một”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng vui sướng trong suốt thời gian mừng mầu nhiệm Vượt Qua; để mầu nhiệm thánh này không ngừng đem lại ơn cứu độ và trở nên nguồn vui bất tận cho mọi tín hữu. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh

Ca hiệp lễ

Chúa Kitô đã phải chịu khổ hình và từ cõi chết sống lại, và như vậy Người được vinh quang – Allêluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong thánh lễ chúng con vừa được tham dự, Chúa đã thực hiện cuộc trao đổi lạ lùng, nhằm cứu chuộc chúng con; xin nhận lời chúng con cầu khẩn, mà nâng đỡ chúng con trong cuộc sống hiện tại, và cho hưởng niềm hoan lạc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐỨC GIÊ-SU, CON THIÊN CHÚA (Ga 10,22-30)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Nhân kỷ niệm cuộc tẩy uế Đền thờ Giê-ru-sa-lem và khánh thành bàn thờ mới thời Giu-đa Ma-ca-bê. Đức Giê-su cũng có mặt. Trong khi Đức Giê-su đi bách bộ tại hành lang Sa-lô-môn, người Do-thái vây quanh và chất vấn Ngài về nguồn gốc của Ngài. Nhân đây, Ngài tuyên bố một chân lý quan trọng: “Tôi với Chúa Cha là một”, nghĩa là Ngài đồng bản tính với Chúa Cha.

2. Năm 165 TCN, một trong những nhà ái quốc nổi tiếng của Do-thái là Giu-đa Ma-ca-bê đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của người Do-thái chống lại ách thống trị của vua Sy-ri-a là Antiôkô Epiphane. Chiến công vẻ vang nhất trong cuộc nổi dậy là tái lập và thanh tẩy Đền thờ Giê-ru-sa-lem vốn đã bị tục hóa bởi bàn tay thô bạo của ngoại xâm. Từ đó, hàng năm vào khoảng Mùa Đông, người Do-thái tưởng niệm biến cố này trong vòng 8 ngày liền, tuần lễ này được gọi là Cung hiến Đền thờ.

3. Đức Giê-su đã có mặt tại Giê-ru-sa-lem nhân tuần lễ tưởng niệm này. Lễ Cung hiến Đền thờ vốn khơi dậy lòng ái quốc của dân chúng. Chính vì thế nhiều người đã vây quanh Đức Giê-su và yêu cầu ngài tuyên bố dứt khoát Ngài có phải là Đấng Ki-tô nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và sai đến như vị cứu tinh của dân tộc không?

Đối với họ, Đức Giê-su có thể là vị anh hùng dân tộc hay một nhà cách mạng nào đó. Chính vì thế, Đức Giê-su đã không trả lời dứt khoát cho câu hỏi của họ. Mối tương quan giữa Chúa Cha và Ngài mà Đức Giê-su vén mở trong câu trả lời mời gọi người Do-thái đi vào mầu nhiệm của Ngài.

4. Chúng ta thấy Đức Giê-su không trả lời thẳng câu hỏi họ đặt ra, nhưng một lần nữa, Chúa cho họ biết Đấng Ki-tô không phải như quan niệm trần tục của họ, Đấng Ki-tô không đến để làm thỏa mãn những tham vọng chính trị của họ là giải phóng dân tộc của họ và đem lại thịnh vượng vật chất cho họ. Cho nên, Chúa vượt lên trên quan niệm thiên sai trần thế, và tuyên bố cho họ biết Ngài đồng bản tính với Chúa Cha: “Tôi và Cha tôi là một”.

5. Như vậy, Đức Giê-su đã khẳng định rõ Ngài là ai. Ngài không những là Đấng Ki-tô, là Con Thiên Chúa, mà còn là chính Thiên Chúa nữa. Trong vấn đề này, chỉ trong đức tin, con người mới có thể biết Đức Giê-su, nhận diện được khuôn mặt đích thực của Ngài và loan truyền một cách đúng đắn về Ngài. Nhiều khi qua cuộc sống và cung cách tuyên xưng niềm tin của mình, người Kitô hữu chỉ trình bày một khuôn mặt, nếu không méo mó về Đức Giê-su, thì cũng giới hạn Ngài trong những quan niệm hoàn toàn trần tục. Biết Đức Giê-su và đi vào mầu nhiệm thẳm sâu của Ngài thiết yếu là đi vào cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Liền sau khi Phê-rô tuyên xưng Ngài là Đức Ki-tô, Đức Giê-su đã loan báo cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài.

6. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”.

Giáo hội là đàn chiên của Chúa. Lời hứa chăm sóc bảo vệ đàn chiên của Đức Giê-su không chỉ dành riêng cho thời các Tông đồ hoặc các cộng đoàn tiên khởi, nhưng đã trải dài suốt 21 thể kỷ nay. Biết bao thế lực chống đối chủ trương triệt hạ Giáo hội của Đức Ki-tô, thế nhưng Giáo hội của Chúa vẫn tồn tại nhờ sự bảo vệ đầy quyền năng của chủ chăn.

Trong đàn chiên Giáo hội này, mỗi con chiên đều được người chăn chiên biết rõ, gọi tên, và chiên có bổn phận phải nghe và đáp trả. Sự đáp trả có thể mang nhiều sắc thái khác nhau, nhưng dù sao không thể ra ngoài  lối đi của tất cả đàn chiên, vì đó là lối dẫn đến sự sống.

7. Cuộc sống của người Kitô hữu là lời tuyên xưng và rao giảng về một dung mạo của Đức Giê-su khi nào họ kết hiệp với Ngài trong mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Người Ki-tô hữu phải cố gắng để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô để có thể nói như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi mà Chúa Ki-tô sống trong tôi”. Chúng ta nghe lời văn sĩ John Bayer đã khen vợ mình vào giây phút cuối đời ông: “Mình thân yêu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng”.

8. Truyện: Bức tượng Chúa chiên lành

Hành hương Rôma, pho tượng gây xúc cảm nhất cho khách hành hương là pho tượng Chúa chiên lành vác con chiên thất lạc trên vai đem trở về. Dưới pho tượng, có ghi câu của Abercies vào thế kỷ thứ II rằng: “Ta là môn đệ của một mục tử thánh thiện đã dẫn dàn chiên ra đồng có xanh tươi bên sườn núi và dưới đồng bằng, vị mục tử có đôi mắt lớn nhìn đến khắp mọi nơi”.

Chúa Ki-tô chính là người mục tử nhìn xa thấy rộng ấy. Nhờ sự chết và phục sinh, Chúa đã đạp đổ mọi ngăn cách để mở rộng đàn chiên, bao trùm cả thế giới. Đàn chiên ấy, ngày nay chúng ta chỉ được nhìn thấy một phần nhỏ và hạn hẹp, sau này trên chốn vinh quang mới được chứng kiến tầm vóc vĩ đại của đại gia đình Thiên Chúa.


TÔI VÀ CHA TÔI LÀ MỘT
(THỨ BA TUẦN 4 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 4 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta đang họp mừng mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh, xin Chúa cho chúng ta biết hưởng trọn niềm vui vì được Người cứu độ.

Hưởng trọn niềm vui vì được Người cứu độ, khi ta biết kính sợthờ lạy Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, trích sách Khải Huyền nói về: Con Chiên đã chiến thắng, cả một đoàn dân đông đảo được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết, trong khi, những người đã tra tay bách hại họ xưa kia, nay phải chịu muôn ngàn đau khổ. Tôi đã nghe tiếng vô số thiên thần từ trời hô lên rằng: Hãy kính sợ Thiên Chúa và tôn vinh Người, hãy thờ lạy Đấng tạo thành trời đất, biển khơi và mọi nguồn nước.

Hưởng trọn niềm vui vì được Người cứu độ, khi ta biết dâng hiến chính mình làm tế phẩm, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách thánh Phêrô Kim Ngôn nói về: Bạn hãy trở thành tế phẩmtư tế cho Thiên Chúa… Lạy Chúa, Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách trời, và mở ấn niêm phong vì Ngài đã bị giết, và đã lấy máu đào chuộc chúng con về cho Thiên Chúa. Ngài cũng làm cho chúng con thành một vương quốc, thành những tư tế.

Hưởng trọn niềm vui vì được Người cứu độ, khi ta biết làm cho tất cả mọi người được hưởng ơn cứu độ của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Công Vụ Tông Đồ nói: Họ rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu cho cả người Hylạp. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 86, vịnh gia kêu gọi: Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa. Thành Xion được lập trên núi thánh. Chúa yêu chuộng cửa thành hơn mọi nhà của dòng họ Giacóp. Thành của Thiên Chúa hỡi, thiên hạ nói bao điều hiển hách về thành!

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng, và chúng theo tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Tôi và Cha tôi là một. Đức Giêsu là Mục Tử nhân lành: luôn chăm sóc đoàn chiên của mình, như Chúa Cha là Cha nhân hậu: luôn sẵn sàng thương xót và tha thứ cho ta, vì thế, Người và Chúa Cha là một. Đức Giêsu đã nên một với Chúa Cha, khi hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha để trở nên lễ phẩmtư tế để cứu chuộc ta, và, Người cũng muốn mời gọi ta trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong hy tế đó, để được hưởng ơn cứu độ của Người. Thập giá không phải là mũi đòng đâm Người chết, nhưng là, đâm chết tử thần; Những đinh nhọn khiến Người yêu mến ta thắm thiết hơn; Các thương tích đưa ta vào sâu hơn trong tim của Người; Thân Người bị kéo căng ra, để mở rộng vòng tay ôm lấy ta vào lòng, và Máu Người đã đổ ra làm giá chuộc ta. Vậy, ta hãy đến, hãy trở về với Chúa, mà cảm nghiệm xem thế nào là tấm lòng của người Mục Tử nhân lành, Người Cha nhân hậu, để thấy rằng: Người lấy thiện báo ác, lấy tình thương đáp lại xúc phạm, lấy lòng từ ái bao la đáp lại thương tích ê chề. Chúng ta hãy trở thành tế phẩmtư tế cho Thiên Chúa, đừng bỏ mất ân huệ mà Người đã lấy uy quyền tặng ban cho ta. Chúng ta hãy mang lễ phục là sự thánh thiện, thắt đai lưng là đức thanh khiết, đội khăn che đầu là chính Đức Kitô; hãy mang huy hiệu thập giá trên trán để thập giá luôn gìn giữ ta; hãy lấy sự hiểu biết sâu nhiệm về Thiên Chúa làm khăn che ngực; hãy dâng lời cầu nguyện như hương trầm nghi ngút; hãy nắm lấy thanh gươm là Thần Khí, và lấy chính tâm hồn chúng ta làm bàn thờ. Như thế, chúng ta cứ vững tâm đem chính thân mình làm tế phẩm dâng Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn lòng tin, chứ không, đòi cái chết; Người thích lời cầu nguyện, chứ không, ưa máu tươi; Người vui thỏa vì lòng chân thành, chứ không, vì việc sát tế. Chúng ta đang họp mừng mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh, ước gì chúng ta biết hưởng trọn niềm vui vì được Người cứu độ. Ước gì được như thế!


PowerPoint-t3-t4-PS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây