25/04/2025
Thứ sáu trong tuần bát nhật phục sinh
Ga 21,1-14
thú vị thay được ở bên chúa!
Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn!” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?” vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến cầm lấy bánh, trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. (Ga 21,1-14)
Suy niệm: Đức Giê-su đã chết; các tông đồ hoang mang như rắn mất đầu. Giờ đây tuy vẫn ở với nhau nhưng họ có nguy cơ ‘tụt hậu’ để chỉ là một nhóm đồng nghiệp đánh cá với nhau. Thế thôi. May thay! Đức Giê-su phục sinh đến với các môn đệ để khôi phục đời sống cộng đoàn đích thực nơi họ.
Mời Bạn: Thật giống hệt một kỳ trại hè trên bờ biển: - mật thư “Hãy thả lưới bên phải thuyền” được dịch ra là một mẻ cá lạ lùng; - kho tàng tìm được hoá ra không phải là dưới biển sâu mà là chính Thầy đang chờ đợi trên bờ; - ngon lành biết mấy, những con cá tươi rói nướng thơm lừng trên ngọn lửa hồng; mà cảm kích nhất là do chính Thầy nướng cho; - sau một đêm vất vả, còn gì thân tình hơn cảnh Thầy trò hàn huyên giữa tiếng sóng biển rì rào vào buổi sáng tinh mơ. Thật thú vị thay phút thư giãn bên Thầy!
Mời bạn chia sẻ một kinh nghiệm của bạn sống kết hiệp thân tình với Chúa Giê-su Thánh Thể.
Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm một vài nét của cộng đoàn môn đệ đang ở bên Chúa để cảm nghiệm và để sống: - cộng đoàn hiệp nhất: “Các môn đệ nói với Phê-rô: Chúng tôi cùng đi với ông”; - cộng đoàn lắng nghe lời ngôn sứ: Người môn đệ được Chúa thương mến nói: “Chúa đó!”; - cộng đoàn hiệp thông trong tiệc thánh: Đức Giê-su nói: “Anh em hãy đến mà ăn”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật thú vị thay được sống bên Chúa. Thật hạnh phúc thay được sống thuộc về Chúa.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ sáu trong tuần bát nhật phục sinh
Ca nhập lễ
Chúa đã dẫn dắt dân Chúa đi yên hàn, trong khi biển sâu vùi lấp quân thù của họ – Allêluia.
Đọc hoặc hát kinh vinh danh
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho loài người lại được phúc giao hoà với Chúa; xin cho cả cuộc đời chúng con nói lên chính mầu nhiệm mà chúng con cử hành với tất cả niềm tin. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 4, 1-12
“Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, đang lúc Phê-rô và Gio-an giảng cho dân chúng (sau khi chữa lành người què), thì các tư tế, vị lãnh binh cai đền thờ và các người thuộc nhóm Sa-đốc áp tới, bực tức vì các ngài giảng dạy dân chúng và công bố việc Ðức Giê-su từ cõi chết sống lại. Họ ra tay bắt các ngài và đem tống giam vào ngục cho đến hôm sau, vì lúc đó đã chiều tối rồi. Nhưng trong số những kẻ nghe giảng, có nhiều người tin, và nguyên số đàn ông cũng đã tới năm ngàn người. Ðến hôm sau, các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ ở Giê-ru-sa-lem, có cả An-na thượng tế, Cai-pha, Gio-an, A-lê-xan-đê, và tất cả những người thuộc dòng tư tế, nhóm họp. Họ cho điệu hai ngài ra giữa mà chất vấn rằng: “Các ông lấy quyền hành và danh nghĩa nào mà làm điều đó?”
Lúc bấy giờ Phê-rô được đầy Thánh Thần đã nói: “Thưa chư vị thủ lãnh toàn dân và kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị tất cả, và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ Danh Ðức Giê-su Kitô Na-da-rét, Chúa chúng tôi, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính Người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để nhờ vào Danh đó mà chúng ta được cứu độ”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1-2 và 4. 22-24. 25-27a
Ðáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Ít-ra-en, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.
Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.
Xướng: Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến; từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi.
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 21, 1-14
“Chúa Giê-su đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Ti-bê-ri-a, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Si-mon Phê-rô, Tô-ma cũng gọi là Ði-đy-mô, Na-tha-na-en quê tại Ca-na xứ Ga-li-lê-a, các con ông Giê-bê-đê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Si-mon Phê-rô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giê-su hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giê-su. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giê-su bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giê-su yêu, liền nói với Phê-rô: “Chính Chúa đó”. Si-mon Phê-rô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Si-mon Phê-rô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách.
Chúa Giê-su bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: “Ông là ai?” Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giê-su lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giê-su đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa nhân hậu từ bi, xin thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu chúng con hằng mong ước: là thức tỉnh chúng con đang mải mê thế sự, biết vươn lên tìm kiếm những phúc lộc Nước Trời. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Phục Sinh I
Ca hiệp lễ
Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy đến đây mà dùng bữa” và Người lấy bánh trao cho các môn đệ -Alêluia
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin không ngừng bảo vệ chúng con. Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình để cứu chuộc chúng con, xin cho chúng con cũng được chia sẻ phần vinh quang phục sinh của người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Suy niệm
CHÚA HIỆN RA Ở BỜ BIỂN HỒ TIBÊRIA (Ga 21,1-14)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Bài Tin Mừng hôm nay là phần cuối của Tin Mừng Gio-an. Gio-an viết để tường thuật về việc Chúa hiện ra với các Tông đồ trên bờ biển hồ Ti-bê-ri-a. Nhờ mẻ cá lạ mà các Tông đồ nhận ra Chúa. Người đầu tiên nhận ra Chúa là Gio-an, và kế đến là các Tông đồ khác. Cuối cùng, là một bữa ăn thân mật bên bờ hồ sau khi Thầy trò đã nhận ra nhau.
2. Tin mừng cho biết, lúc đó ông Phê-rô cùng 6 ông khác là Tô-ma, Na-tha-na-en, Gia-cô-bê, Gio-an và hai môn đệ khác không kể rõ tên, tất cả là bảy người. Đêm hôm đó các ông cùng nhau đi thả lưới bắt cá nhưng vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Đến gần sáng, các ông chèo thuyền vào gần bờ thì có một người lạ đứng trên bờ hỏi các ông có bắt được gì không và bảo các ông thả lưới bên phải thuyền, các ông làm theo đề nghị đó, và thật lạ lùng, cá đâu nhiều đến nỗi không sao kéo thuyền vào được.
3. Tin Mừng còn cho biết, các môn đệ bắt được 153 con cá lớn mà lưới không bị rách. Các nhà chú giải Thánh Kinh vẫn xem con số 153 là tượng trưng cho 153 loài cá dưới biển. Cũng cần phải nói thêm rằng, chi tiết “lưới nhiều cá mà không bị rách, thuyền chở nặng gần chìm” cũng là một ý nghĩa biểu tượng mà tác giả Tin Mừng muốn chuyển tải. Giáo hội qui tụ muôn dân nhưng vẫn đủ chỗ, không bao giờ thiếu chỗ cho các công dân gia nhập Nước Trời, và ân sủng của Thiên Chúa mà các chứng nhân mang đến cho mọi người không bao giờ bị vơi.
4. Đức Giê-su đã chọn các Tông đồ để họ tiếp tục sứ mệnh của Ngài. Nhưng rồi trong cuộc sống theo Chúa, cũng có những lúc thăng trầm, nhất là các ông đã bị thử thách nặng nề với cái chết của Đức Giê-su trên Thập giá. Đó là mầu nhiệm mà lúc đầu các ông không hiểu, mặc dầu nhiều lần Đức Giê-su đã loan báo và giải thích về cái chết có giá trị cứu rỗi của Ngài.
Trong lúc các ông trở về với nghề cũ tại biển hồ Ti-bê-ri-a và tâm hồn chở đợi một dấu lạ gì đó từ Chúa Giê-su Phục sinh. Chính lúc đó, Đức Giê-su hiện ra, và một lần nữa, Ngài thực hiện phép lạ mẻ cá lạ lùng để qua đó Ngài tái xác nhận rằng Thiên Chúa không thay đổi chương trình cứu rỗi của Ngài; Ngài vẫn trung thành với lời mời gọi và sứ mệnh đã trao cho các môn đệ. Con số 153 con cá ở đây tượng trưng cho mọi dân tộc trên thế giới, đã đến lúc các Tông đồ phải làm chứng cho Chúa nơi mọi dân tộc (Mỗi ngày một tin vui).
5. Qua phép lạ mẻ lưới lạ lùng, Đức Giê-su muốn bảo cho các Tông đồ biết trước Giáo hội của Ngài sẽ được phổ biến khắp nơi dưới quyền lãnh đạo của Phê-rô và không quyền lực nào có thể làm cho tan rã vì Giáo hội của Ngài được xây trên nền tảng vững chắc. Vì danh Chúa, các ông phải mạnh dạn tuyên xưng đức tin và bảo vệ Giáo hội: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29).
Bài học mà Chúa dạy các môn đệ hôm nay là các ông phải tùy thuộc vào ơn Chúa và quyền năng của Ngài, chứ không dựa vào khả năng chuyên môn của mình. Trong việc thi hành chương trình cứu độ, Chúa dùng các ông như những dụng cụ tầm thường nhưng dụng cụ ấy lại hữu hiệu khi biết vâng theo ý Chúa và nhiệt tình cộng tác dưới sự hướng dẫn của Ngài.
6. Đức Giê-su Phục sinh tuy không còn hiện diện một cách xác thể để các môn đệ có thể chạm đến Ngài, nhưng Ngài vẫn hiện diện với họ một cách vô hình: “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”, và chắc chắn sẽ xuất hiện đúng lúc để giúp cho công việc đã trao cho họ được trổ sinh hoa trái. Điều cần thiết là họ phải tuân theo mệnh lệnh của Ngài, bởi vì “Không có Thầy, các con không thể làm gì được”.
7. Chúng ta đã từng cảm thấy vô vọng trước những hoàn cảnh đau khổ, thiếu thốn, lo lắng, gian nan… trong cuộc sống, trong hành trình ra khơi với trách nhiệm, với sứ vụ. Hãy tin vào sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa, Ngài sẽ thay đổi được tất cả, dù với chỉ hạt bụi: Trở nên người sống động theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 2,7) hòn đá có thể trở nên con cái Áp-ra-ham (x. Mt 3,9).
8. Truyện: Ngài đi đâu đó?
Câu chuyện “Quo vadis” được kể như sau: Phê-rô đến Rô-ma giữa lúc hoàng đế Nê-rông đang bắt bớ đạo. Nhiều người đã chịu tử đạo. Tình thế nguy kịch, các tín hữu khuyên Phê-rô chạy trốn ra khỏi thành, để còn người duy trì và giữ vững đạo Thánh.
Khi ra khỏi cổng, Phê-rô gặp Chúa vác thập giá đi vào thành Rô-ma. Ông lên tiếng hỏi: “Quo vadis”, nghĩa là Ngài đi đâu đó? Chúa trả lời: “Thầy đi vào Rô-ma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”. Ông chợt hiểu và quay lại Rô-ma. Ông an ủi và giúp đỡ các tín hữu sắp chịu cực hình giữ vững niềm tin.
Sau khi chứng kiến các tín hữu bị làm mồi cho thú dữ ăn thịt, bị hỏa thiêu trên một rừng thập giá, thì chính ông cũng bị đóng đinh ngược, đầu quay xuống đất, theo lời ông xin, vì ông nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh như Thầy.
ĐỨC GIÊSU CẦM LẤY BÁNH VÀ CÁ
(THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho loài người lại được phúc giao hòa với Chúa, xin Chúa cho cả cuộc đời chúng ta nói lên chính mầu nhiệm, mà chúng ta cử hành với tất cả niềm tin.
Cuộc đời nói lên chính mầu nhiệm cử hành, bằng cách đoạn tuyệt với tội lỗi và yêu thương nhau, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư thứ nhất của thánh Phêrô cho thấy: Chờ mong Chúa trở lại vinh quang. Đức Kitô đã sống lại rồi, thì người Kitô hữu phải đoạn tuyệt với tội lỗi và phục vụ lẫn nhau. Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi chúng ta, Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh. Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền.
Cuộc đời nói lên chính mầu nhiệm cử hành, bằng cách chung phần với Đức Kitô qua việc xức dầu Thánh Thần, như bài đọc hai của giờ Kinh Sách nói: Thánh Thần là dầu thiêng… Một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa. Thiên Chúa đã xức dầu cho chúng ta. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.
Cuộc đời nói lên chính mầu nhiệm cử hành, bằng cách tin vào Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất của chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Công Vụ Tông Đồ, ông Phêrô: Không có một danh nào khác, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 117, vịnh gia cho thấy: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ítraen hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật: Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho môn đệ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đức Giêsu đã cầm lấy bánh và cá, trao cho các môn đệ trên biển hồ Tibêria, như Người đã làm trong Bữa Tiệc Ly. Đức Kitô đã cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm hiến tế, và mời gọi chúng ta cử hành mầu nhiệm này, trong chính đời sống hằng ngày của chúng ta. Chúng ta đã được dìm vào nước thánh tẩy để thuộc về Đức Kitô, chúng ta đã mặc lấy Đức Kitô, được ơn làm nghĩa tử, được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, và đã được chung phần với Người, nên, chúng ta được gọi cách chính đáng là các Kitô hữu, khi lãnh nhận ấn tích của Thánh Thần. Chúng ta đã được xức dầu. Đó là hình ảnh của dầu thiêng xức cho Đức Kitô, Đức Kitô chịu xức dầu, không phải với thứ dầu thường, hay thứ dầu vật chất nào khác, cũng không phải do tay người phàm, nhưng, Chúa Cha đã xức cho Người dầu thiêng là Thánh Thần, đặt Người làm Đấng cứu độ toàn thể trần gian. Đức Kitô đã được xức dầu thiêng hoan lạc là Chúa Thánh Thần. Thánh Thần được gọi là dầu hoan lạc, vì là Đấng ban niềm hoan lạc thiêng liêng. Còn ta đã được xức dầu thiêng, để trở nên bạn hữu của Đức Kitô và được chung phần với Người. Đang khi thân xác ta được xức dầu hữu hình, thì linh hồn ta được hiến thánh, nhờ Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh và là Đấng ban sự sống. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho loài người lại được phúc giao hòa với Chúa, ước gì cả cuộc đời chúng ta nói lên chính mầu nhiệm, mà chúng ta cử hành với tất cả niềm tin. Ước gì được như thế!
PowerPoint-t6-BNPS
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn