Bài giảng Thánh lễ Phục Sinh -2020

Đối với người tín hữu chúng ta, lễ Phục Sinh, mừng Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, là một biến cố quan trọng. Dẫu cho không ai trực tiếp chứng kiến giây phút Chúa Giê-su sống lại, nhưng những lần được tiếp xúc với Đấng Phục Sinh của các Tông Đồ và những anh chị em tín hữu đầu tiên là điều không thể chối cãi được.
Bài giảng Thánh lễ Phục Sinh 2020



(Cv 10, 34a.37-43; Col 3, 1-4; Ga 20, 1-9)


Anh chị em thân mến,

Chúng ta đang cùng với những người phụ nữ đạo đức và các môn đệ sống lại kinh nghiệm của buổi sáng ngày Phục Sinh.

Chiều thứ Sáu, vì phải gấp rút chôn Chúa Giê-su vào trong mộ trước khi mặt trời lặn, để khỏi mắc ô uế không thể dự lễ Vượt Qua, nên người ta đã khâm liệm Ngài một cách khá vội vã. Những người phụ nữ đạo đức, yêu mến Chúa Giê-su, cảm thấy cũng chưa thực sự an tâm về cách khâm liệm này, nên chờ đến vừa tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần vội vã đem thêm thuốc thơm để ướp xác Chúa. Họ đến để ướp xác của một người thân yêu đã chết.

Thế nhưng, khi đến mộ họ khám phá ra là tảng đá che mộ đã được lăn ra ngoài, nghĩa là có một chuyện gì đó liên quan đến ngôi mộ và vì thế liên quan đến xác Chúa Giê-su. Và họ đã báo tin cho các môn đệ rằng: “Người ta đã đem Chúa ra khỏi mồ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Thấy mất xác Thầy, các bà nghĩ ngay đến việc trộm xác; không hề nghĩ đến một khả năng nào khác có thể xảy ra.

Nghe các bà báo tin, Phê-rô và Gioan vội vã chạy ra mộ. Các ông vào mộ và thấy gì? Họ thấy các tấm khăn liệm còn ở đó. Khăn che đầu được cuốn lại, xếp riêng, không lẫn lộn với các băng vải. Gioan đã thấy hiện tượng này như Phê-rô và ông đã tin.

Gioan đã tin gì? Chắc chắn đây không phải là một vụ trộm xác. Nếu người ta ăn trộm xác Chúa Giê-su vào ban đêm, có lẽ họ không có thời giờ để xếp những tấm khăn ngay ngắn như thế. Vậy đó là hiện tượng gì? Có lẽ tông đồ Gioan đã nhớ lại Lời của Chúa Giê-su đã nói trước về việc Ngài sẽ sống lại vào ngày thứ ba, và dựa vào kinh nghiệm thấy Chúa làm cho Lazarô bước ra khỏi mồ sau khi đã được chôn 4 ngày, nên ông đã tin, dẫu cho ông cũng không hiểu rõ về việc Thầy sống lại như thế nào.

Điều gì đã giúp cho Gioan liên kết sự kiện mồ trống, những tấm khăn liệm xếp ngay ngắn, và sự phục sinh của Chúa Giê-su, trong khi tông đồ Phê-rô chỉ kinh ngạc, và các bà đạo đức thì nghĩ đến việc trộm xác? Có lẽ chính tình yêu dành cho Chúa Giê-su một cách tuyệt đối, nên Gioan luôn tin vào Lời của Chúa dẫu cho phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Tình yêu và lòng tin giúp cho tông đồ Gioan có một cái nhìn xuyên suốt, và nhờ đó, ngài có thể hiểu được điều mà những người khác không thể hiểu nổi.

Anh chị em thân mến,

Đối với người tín hữu chúng ta, lễ Phục Sinh, mừng Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết, là một biến cố quan trọng. Dẫu cho không ai trực tiếp chứng kiến giây phút Chúa Giê-su sống lại, nhưng những lần được tiếp xúc với Đấng Phục Sinh của các Tông Đồ và những anh chị em tín hữu đầu tiên là điều không thể chối cãi được. Chính sự gặp gỡ với Đấng Phục Sinh đã củng cố niềm tin của các môn đệ, đã giúp các ngài biến đổi đời sống, và không ngại gian khổ để đi rao giảng Tin Mừng của Đấng Phục Sinh đến cho muôn người.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng của cơn đại dịch Vũ Hán, với gần 1.700.000 người bị nhiễm virus, với hơn 100.000 người tử vong trên toàn cầu, con người sống trong nỗi lo sợ, Tin Mừng Phục Sinh được rao giảng trong lúc này có ý nghĩa gì với con người không?

Nếu chúng ta đặt mình vào trong hoàn cảnh của các tông đồ trong ngày Chúa chịu nạn, chúng ta sẽ cảm nhận được nỗi sợ hãi lớn hơn ngày hôm nay rất nhiều. Sợ đến nỗi Phê-rô phải chối Chúa đến 3 lần trước mặt những người đầy tớ của thầy thượng tế, các môn đệ còn lại đã bỏ thầy mà trốn hết, ngoại trừ Gioan. Cả đám đông hò hét trong cơn cuồng nộ, hận thù. Thế mà Mẹ Maria, tông đồ Gioan, và những người phụ nữ đạo đức vẫn âm thầm đi trong đám đông ấy, đến tận chân thập giá. Nỗi sợ không đè bẹp được niềm hy vọng của các ngài. Vì thế, chỉ cần thấy ngôi mộ trống, thấy những băng vải và khăn liệm được xếp ngay ngắn trong mộ, niềm hy vọng của Gioan được củng cố và giúp anh em mình gặp gỡ Đấng Phục Sinh.

Ngày hôm nay, với niềm hy vọng giúp thế giới vượt qua cơn đại dịch, các y bác sĩ quên mình để chăm sóc các bệnh nhân, các nhà khoa học miệt mài nghiên cứu những liệu pháp thích hợp. Cho đến nay, dẫu cho có nhiều người chết, nhưng các nhà khoa học không bó tay. Những phương thuốc cũ mới được đem ra áp dụng và cho thấy những kết quả tích cực. Trong số những người bị lây nhiễm, đã có được 357.180 người bình phục. Tại Việt Nam, trong số 257 bệnh nhân, đã có được 144 người được chữa lành. Bên cạnh những loại thuốc trị bệnh sốt rét, trị bệnh cúm, đang được dùng để ứng phó tạm thời, bệnh viện Georges Pompidou, Pháp, sử dụng liệu pháp mới để cấp cứu các bệnh nhân nhiễm siêu vi Corona đến giai đoạn nghiêm trọng. Trong tình trạng thập tử nhất sinh, huyết sắc tố của loài giun cát trên bãi biển (Arenicola marina) có thể là toa thuốc hiệu nghiệm nhất và không gây phản ứng phụ.

Theo báo La Croix, chất Hemoglobin trong con giun biển có ba đặc tính tuyệt vời: “Một là có thể "vận chuyển" Oxy nhiều 40 lần hơn hemoglobin của con người. Hai là nhỏ hơn hồng cầu của chúng ta, chỉ bằng 1/250 lần, do vậy nó có thể đem Oxy đến những phế nang nằm xa tận cùng của phế quản. Hemoglobin của giun biển còn đặc tính thứ ba nữa là chất "chống Oxy hóa" (anti-oxdant) góp phần làm giảm tình trạng viêm tế bào phổi.

Vì phế nang bị viêm, thiếu Oxy, cho nên 50% bệnh nhân siêu vi Corona tử vong trong giai đoạn trợ thở bằng máy hô hấp nhân tạo. Hồng cầu con người, đường kính 7,2 micro mét, không đem hemoglobin đến được các nang phổi bị viêm, phản ứng trao đổi Oxy và CO2 không thực hiện được. Hemoglobin của  giun biển, nhỏ hơn 250 lần, giải tỏa chướng ngại vật lý, sinh học này.”

Ở phương tây, đa số các bệnh nhân không qua khỏi là vì không đủ máy trợ thở cho những người bị viêm phổi nặng. Với liệu pháp mới, người ta không cần đến nhiều máy trợ thở, và những người được chữa lành sẽ nhiều hơn. Và với thời gian, người ta sẽ có thể tìm ra những phương pháp hiệu quả để chấm dứt cơn dịch này.

Trong khi phải chiến đấu với cơn bệnh dịch ngày càng lan rộng với mức độ khủng khiếp, làm thế nào mà các nhà khoa học, các y bác sĩ, vẫn kiên trì chữa bệnh và khám phá những liệu pháp mới: chính là niềm hy vọng. Những tài năng Chúa ban cho con người, nếu biết khiêm tốn phát huy một cách có phương pháp, với sự cộng tác của các anh chị em khác, chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra những phương thuốc hữu hiệu. Chúng ta nhớ đến hình ảnh của các khoa học gia, các bác sĩ, đứng im lặng hoặc nắm tay nhau cầu nguyện, trước khi bước vào công việc, chúng ta mới hiểu được niềm tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh có sức nâng đỡ con người như thế nào.

Xin cho mỗi người kitô hữu chúng ta biết sống niềm vui Phục Sinh một cách mạnh mẽ, để có thể làm chứng cho Chúa bằng một đời sống tốt đẹp trong tinh thần tôn trọng con người và yêu thương anh chị em mình.

Xin Chúa Giê-su Phục Sinh ban phúc lành cho tất cả anh chị em. 

+GM. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản 

 
Thánh lễ Trực tuyến
 
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...