Căn tính và sứ mạng đời sống thánh hiến...


CHIA SẺ VỚI TU SĨ NAM NỮ NHÂN NĂM THÁNH KIM KHÁNH GIÁO PHẬN BMT, 09/17

Kính thưa Cha Trưởng Ban Tu sĩ Gp Banmêthuột
Kính thưa quý Cha, quý Bề Trên, cùng quý tu sĩ nam nữ

Con xin cám ơn Cha Trưởng Ban Tu sĩ Gp. Banmêthuột đã cho con cơ hội được chia sẻ với Gia Đình Liên Tu sĩ các Giáo hạt Chính tòa, Buôn Hô, Mẫu Tâm và Giang Sơn thuộc Giáo phận Banmêthuột hôm nay.

Căn tính và sứ mạng đời sống thánh hiến...

Từ hơn tháng nay, khắp các Giáo hạt trong Giáo phận Banmêthuột long trọng cử hành các Thánh lễ khai mạc Năm Thánh Kim khánh Giáo phận. Hòa cùng niềm vui chung với toàn thể Giáo phận, con xin phép được cùng quý cha, quý tu sĩ đọc lại Tông thư «Năm Đời Sống Thánh Hiến» của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi cho tất cả những người thánh hiến, được ban hành ngày 21/11/2014.

Tông thư của Đức thánh cha mời gọi tất cả những ai sống đời tận hiến hãy trở về nguồn cội ơn gọi và sống triệt để sứ mạng của mình.

Dựa vào tông thư «Năm Đời Sống Thánh Hiến» của ngài, chúng ta cùng tìm hiểu về căn tính và sứ mạng đời sống thánh hiến, để sống tốt hơn ơn gọi của mình trong bối cảnh Năm Thánh Kim khánh Giáo phận, nhận ra đây chính là thời điểm đầy hồng ân Chúa giúp chúng ta biến đổi, và tân Phúc Âm hóa bản thân cũng như cộng đoàn để đáp lại kỳ vọng mà Giáo phận, Giáo hội và thế giới đang mong đợi nơi chúng ta.

I. Nội dung tông thư «Năm Đời SốngThánh Hiến»

Trong phần mở đầu, Đức thánh cha nói lên lý do ban hành Tông thư này là: Do nhu cầu cần thiết phải canh tân đời sống thánh hiến.

Nhằm thúc đẩy việc dấn thân trong ngàn năm mới. Đức Phanxicô trích lại lời của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nói  lên mục tiêu và con đường đi tới trong Năm Đời sống Thánh hiến: “Các con không  chỉ có một lịch sử huy hoàng để nhớ lại và tường thuật, mà còn có một lịch sử oai hùng  cần viết nên! Hãy nhìn về tương lai, nơi mà Thánh Linh đã dự định thực hiện cùng với các  con những điều trọng đại hơn nữa” (Vita consecrata, số 110).

1. Những mục tiêu của Năm Đời sống Thánh hiến

1.1 Mục tiêu thứ nhất là «nhìn về quá khứ với niềm tri ân» (số 1).

Tạ ơn về nguồn gốc lịch sử, về việc duy trì và phát triển đặc sủng của Dòng. Tạ ơn vì “luồng gió” mới của công đồng Vatican II đã mang lại những hoa trái cho đời sống  thánh hiến và cho Giáo hội.

1.2 Mục tiêu thứ hai là «sống hiện tại một cách say mê» (số 2).

Trước hết là say mê Tin Mừng: là quy luật tối thượng cho mọi định hướng và chọn lựa trong cuộc sống. Thứ đến là say mê Chúa Kitô: là lý tưởng của đời sống thánh  hiến. Sau nữa là say mê con người: nhạy cảm, gần gũi để chia sẻ những niềm vui, đau khổ, lo âu và hy vọng của họ.

1.3 Mục tiêu thứ ba là hướng đến tương lai với niềm hy vọng (số 3), tín thác vào Đấng làm chủ lịch sử và không ngừng lặp lại với chúng ta: “Đừng sợ... ” (Gr 1,8).

2. Những mong đợi cho Năm Đời sống Thánh hiến

Đức thánh cha đưa ra 5 điều mong đợi cho Năm Đời sống Thánh hiến:

2.1 Một là luôn luôn sống vui tươi: “ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui” (số 1). Vui vì được tình yêu Chúa lấp đầy trái tim và cuộc sống; và được sống một cuộc đời có ý nghĩa trọn vẹn.

2.2 Hai là sống đặc tính ngôn sứ để “đánh thức thế giới” (số 2). Nghĩa là trở nên tiếng nói và bàn tay của Thiên Chúa.

2.3 Ba là trở nên những “chuyên viên hiệp thông” (số 3). Trước hiết là hiệp thông trong nội bộ cộng đoàn mình, kế đến là hiệp thông với các Hội dòng khá. Sau cùng là hiệp thông trong Giáo hội để hướng tới những dự án chung về đào tạo, loan báo Tin mừng, hoạt động xã hội

2.4 Bốn là ra “khỏi chính mình để đi tới những vùng ngoại ô của cuộc đời”. Nơi đó có cả một nhân loại đang chờ đợi chúng ta (số 4).

2.5 Năm là “tự chất vấn chính mình” về điều mà Thiên Chúa và nhân loại hiện đang đòi hỏi chúng ta (số 5).

3. Những chân trời của Năm Đời sống Thánh hiến

Đức Thánh cha ngỏ lời với các đối tượng khác nhau về 5 viễn tượng:

• Trước tiên, ngài mời gọi giáo dân hãy chia sẻ lý tưởng, tinh thần, sứ vụ với những người sống đời tận hiến (số 1).

• Thứ hai ngài ngỏ lời với toàn thể dân Kitô giáo hãy để ý đến ân huệ hiện diện của biết bao người tận hiến đã làm nên lịch sử Kitô giáo (số 2).

• Thứ ba ngài ngỏ lời với những người tận hiến và các cộng đoàn thuộc các Giáo hội ngoài Công giáo (Chính thống, Tin lành…) (số 3).

• Thứ tư ngài ngỏ lời với những tu sĩ trong các tôn giáo lớn (Phật giáo, Ấn giáo…), mở rộng việc đối thoại liên tôn về đời sống tu trì với nhau (số 4).

• Thứ năm ngài ngỏ lời với các giám mục, hãy đón nhận và chăm sóc những ai sống đời tận hiến và cho giáo dân thấy được giá trị và vẻ đẹp của đời thánh hiến (số 5).

* Kết luận: Đức thánh cha phó dâng cho Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ và là Mẫu gương của những người tận hiến.

II. Căn tính và sứ mạng của đời sống thánh hiến theo Tông thư

Thần học tu đức đã diễn tả đời sống thánh hiến qua hai hành vi, đó là bước theo Chúa Kitô và họa lại đời sống của Người. Chúng ta đã quen với những thuật ngữ diễn tả căn tính và sứ mạng của đời sống thánh hiến là “Sequela Christi” và “alter Christus”.

1. Căn tính của đời sống thánh hiến

Nói về căn tính đời sống thánh hiến, cũng có nghĩa là phải trả lời cho câu hỏi chúng ta là ai và chúng ta là gì? Qua việc nhận ra chúng ta là ai và chúng ta là gì, chúng ta sở hữu một sự phong phú lớn lao của một truyền thống. Truyền thống này được tìm thấy trong linh đạo và trong đặc sủng của mỗi Dòng. Đó là điều chúng ta không ngừng tái khám phá và thực hành trong cuộc sống hằng ngày.

Căn tính chung và thiết yếu của đời sống thánh hiến là tự nguyện hiến thân theo Chúa Kitô để sống Tin Mừng một cách triệt để và trọn vẹn hơn trong đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục (x. Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 1,5-13). Như vậy, sống đúng căn tính của đời tu cũng có nghĩa là tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm để trở nên giống Chúa Kitô và gắn bó với Chúa Kitô hơn.

Ngoài căn tính chung này, mỗi ơn gọi hay mỗi Hội dòng lại có một căn tính đặc thù khác với những Hội dòng khác.

1.1 Trở về với tinh thần và đặc sủng của Đấng sáng lập

Trong Tông thư, Đức thánh cha không nói rõ căn tính của đời sống thánh hiến là gì. Vì mỗi Hội dòng có một đặc tính riêng. Nhưng ngài mời gọi chúng ta hãy “trở về quá khứ” để tri ân Chúa về đặc sủng và linh đạo của Đấng sáng lập. Nghĩa là trở về với căn nguyên và khởi nguồn ơn gọi của chúng ta.

Đây cũng là điều Công đồng Vatican II mời gọi chúng ta từ 50 năm trước: “Việc canh tân thích nghi đời sống Dòng tu một trật bao gồm sự liên tục trở về nguồn mạch của đời sống Kitô hữu và ơn linh ứng nguyên thủy của Hội dòng cũng như sự thích nghi Hội dòng với những hoàn cảnh đổi thay qua các thời đại.…” (PC, số 2).

Vì thế Đức thánh cha kêu gọi, “mỗi gia đình đặc sủng hãy nhớ lại buổi khởi đầu của mình và những chặng phát triển trải qua lịch sử, để tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho Hội thánh biết bao hồng ân để trang điểm cho Hội thánh và chuẩn bị sẵn sàng để thi hành mọi công cuộc tốt lành” (Phần I, số 1; x. LG, 12).

Đặc sủng của mỗi Hội dòng là một hồng ân của Chúa Thánh Thần, ơn gọi của mỗi cá nhân cũng là ân huệ Chúa ban, do đó không bao giờ già cỗi. Do đó, ôn lại lịch sử cũng là dịp để hun đúc lại lòng mến thủa ban đầu và làm sống động lại ngọn lửa tri ân và hy vọng.

1.2 “Sống quy luật của Tin Mừng” trong hiện tại một cách say mê

Đức thánh cha nói: “Tin mừng luôn là quy luật tuyệt đối, những luật lệ khác chỉ là cách thức diễn đạt Tin mừng và dụng cụ để sống Tin mừng cách súc tích”. Bởi vì đối với các vị sáng lập, lý tưởng của đời tu là “gắn bó toàn thân với Chúa, đến nỗi có thể nói như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21). Các lời khấn chỉ có ý nghĩa khi làm thể hiện tình yêu say đắm ấy” (Phần I, số 2).

Sống Tin Mừng chính là căn tính nền tảng của đời sống thánh hiến. Chính vì thế, Đức thánh cha đặt ra những câu hỏi để chất vấn chúng ta rằng: “Chúng ta có để cho Tin mừng chất vấn không? Tin mừng có phải là kim chỉ nam cho cuộc sống hằng ngày và cho những lựa chọn của mình không?… hãy làm cho Tin Mừng hiện thực, hãy sống lời của Chúa” (Phần I, số 2).

Từ lời mời gọi trở về với đặc sủng của Đấng sáng lập và sống quy luật Tin Mừng một cách say mê, Đức thánh cha đưa chúng ta đi vào trong sứ vụ của đời sống thánh hiến.

2. Sứ mạng của đời sống thánh hiến

Theo Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Thế” (Redemptoris Missio) của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Giáo hội chỉ có một sứ vụ (missio) là trình bày Chúa Giêsu cho nhân loại để giúp mọi người gặp được Người là nguồn sống và là Đấng cứu độ trần gian. Nói khác đi, sứ mạng căn bản của đời sống thánh hiến là “alter Christus”. Nghĩa là họa lại dung mạo của Chúa Kitô, trở nên một Đức Kitô khác cho mọi người. Tuy nhiên, tùy theo đặc sủng, sứ vụ này được thực hiện dưới nhiều hoạt động tông đồ khác nhau, thích hợp cho những đối tượng cụ thể. Chính vì thế, mỗi ơn gọi, hay mỗi Hội dòng, mỗi Tu hội lại có một sứ vụ đặc thù riêng biệt.

2.1 Sứ mạng thứ nhất của tu sĩ là “sống vui tươi”: “ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm niềm vui”.

Trong ngày lễ khai mạc trọng thể “Năm Đời sống Thánh hiến”, do đức hồng y Braz de Aviz, tổng trưởng Bộ Tu sĩ chủ tế, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ngày 30/11/2014, Đức thánh cha đã gửi sứ điệp: “Hãy lay động thế giới! Hãy chiếu sáng thế giới bằng chứng tá ngôn sứ của mình… Hãy chỉ cho thấy tình huynh đệ phổ quát không phải là sự ảo tưởng, nhưng chính là ước nguyện của Đức Giêsu đối với toàn thể nhân loại”. Có thể nói, đây cũng chính là sứ mạng của mỗi chúng ta trong dịp Năm thánh Kim khánh Giáo phận này.

Từ tựa đề “Niềm Vui Tin Mừng”, đặc biệt những đoạn mở đầu, cho tới những dòng cuối của Tông huấn, niềm vui được Đức thánh cha mô tả hết sức rõ ràng nhưng cũng rất sôi nổi và thi vị. Chỉ cần trích dẫn một vài câu cũng đủ chứng minh:

«Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. (...). Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh, (...) đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này” (số 1).

«Người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về! Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu “niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt...” (số 10).

Niềm vui tràn ngập đó được Đức thánh cha lặp đi lặp lại trong Tông thư này và áp dụng trực tiếp cho tu sĩ. Ngài nói: «Chúng ta được mời gọi cảm nghiệm và chứng tỏ rằng Thiên Chúa có khả năng lấp đầy con tim của chúng ta và làm cho chúng ta được hạnh phúc, … tình huynh đệ chân chính sống trong các cộng đoàn của chúng ta nuôi dưỡng niềm vui» (Phần II, số 1). Do đó, ngài mong ước rằng «giữa chúng ta không có những khuôn mặt buồn rầu, những con người bực bội bất mãn, bởi vì “ai buồn bã đi theo Chúa thì việc đi theo Chúa đáng buồn». Ngài còn khẳng định rằng: “Giáo hội tăng gia không bởi chiêu mộ nhưng bởi thu hút” (Niềm vui Tin Mừng, số 14). Thật vậy đời sống thánh hiến không gia tăng nhờ vào những chiến dịch quảng cáo quy mô, nhưng nhờ vào việc chúng ta sống vui tươi và hạnh phúc. Nếu một tu sĩ mà sống buồn, trên môi không thấy nụ cười, ánh mắt không chiếu tỏa hy vọng và khuôn mặt không thấy mùa xuân thì đã đánh mất đi căn tính và sứ mạng của mình. Vì thế, Đức thánh cha kết luận: «Phải làm sao cho chính cuộc đời của anh chị em trở thành tiếng nói, cuộc đời chiếu tỏa niềm vui và vẻ đẹp của việc sống Tin mừng và của việc đi theo Đức Kitô» (Phần II, số 1).

Đức thánh cha mời gọi những người thánh hiến hãy sống niềm vui của Tin Mừng, đập nhịp đập sâu xa của niềm vui Tin Mừng. Nếu đi theo Chúa mà sống buồn là một điều phản chứng.

2.2 Sứ mạng thứ hai của tu sĩ phải là người “đánh thức thế giới”

Trong buổi gặp gỡ của Đức thánh cha Phanxicô với Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền Dòng Nam, lần thứ 82, tháng 11 năm 2013, Đức thánh cha đã nhắn nhủ những người sống đời thánh hiến là: “Hãy đánh thức thế giới! Hãy trở nên chứng nhân của một cách làm việc khác, cách hành động khác, cách sống khác! Có thể sống khác đi trong thế giới này”. Đức thánh cha Phanxicô còn khẳng định rằng: “… Tính quyết liệt của Tin Mừng không chỉ dành cho các tu sĩ: mà đòi hỏi tất cả mọi người. Nhưng tu sĩ đi theo Chúa một cách đặc biệt, mang tính ngôn sứ. Đó là chứng tá mà tôi mong đợi nơi anh em. Các tu sĩ phải là những người có thể đánh thức thế giới”.

Trong Tông thư, Đức thánh cha Phanxicô lập đi lập lại điều này và coi đó như là sứ mạng của đời thánh hiến. Tu sĩ phải là người có khả năng «đánh thức thế giới ». Nhưng trước khi đánh thức thế giới, chúng ta phải đánh thức chính mình.

Nếu đặc trưng của đời sống thánh hiến là tính ngôn sứ, thì «đánh thức thế giới», chính là sống đặc tính ngôn sứ của mình.

2.3 Sứ mạng thứ ba của tu sĩ phải là “những chuyên viên hiệp thông”

Đức thánh cha dùng nhiều kiểu nói khác nhau mời gọi tu sĩ phải trở thành “những chuyên viên hiệp thông”, những người làm chứng và kiến tạo “dự án hiệp thông” (Phần I, số 2). Hãy “làm cho Giáo hội trở thành ngôi nhà và trường học của hiệp thông”. Sự hiệp thông đó được “tăng trưởng ở nhiều cấp độ, tựa hồ những vòng tròn đồng tâm”.

Sự hiệp thông được diễn tiến qua các mức độ khác nhau, trước hết là ngay trong cộng đoàn, trong Hội dòng mình. Đức thánh cha nhắn nhủ rằng: “anh chị em hãy đọc lại điều mà tôi không ngừng lặp đi lặp lại nhiều lần rằng những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tị hiềm, đố kỵ không được phép cư ngụ ở trong nhà của anh chị em”. Trái lại, hãy sống tình bác ái huynh đệ với nhau. Bởi vì, “chính huyền nhiệm chung sống với nhau làm cho cuộc đời trở nên một cuộc lữ hành thánh thiện” (Phần II, số 3). Sự hiệp thông trong cộng đoàn là một điều quan trọng và khẩn thiết. Sau đó là hiệp thông giữa các Hội dòng với nhau.

Kính thưa quý cha, cùng quý tu sĩ,

Năm thánh Kim khánh Giáo phận phải chăng chính là cơ hội để chúng ta mạnh dạn đi ra khỏi giới hạn của Dòng mình để cùng nhau bàn thảo và lên kế hoạch cho những dự án chung về đào tạo, loan báo Tin mừng, hoạt động xã hội, ở cấp địa phương và cả Giáo phận. Có như vậy, chứng tá ngôn sứ mới hữu hiệu. Bởi vì “sự hiệp thông và gặp gỡ giữa các đặc sủng và ơn gọi khác nhau là một con đường hy vọng” (Phần II, số 3).

Cuối cùng là hiệp thông trong Giáo hội và với toàn thể nhân loại, nghĩa là “gia tăng linh đạo hiệp thông trước tiên ở trong nội bộ, rồi đến trong cộng đồng Giáo hội và đi xa hơn nữa” (Phần II, số 3).

2.4 Sứ mạng thứ tư là “ra khỏi mình để đi về những vùng ngoại biên”.

Đức thánh cha mời gọi tu sĩ thực hiện lệnh truyền của Chúa là “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ” (Mc 16,15), để đem hy vọng cho thế giới. Đừng ai khép lại trong chính mình, đừng để mình bị giam hãm, ngột ngạt trong những chuyện lẩm cẩm của nội bộ. Nhưng hãy đi ra ngoài, đến với “những người đã mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, những trẻ thơ bị bỏ rơi, các bạn trẻ gặp ngõ cụt trước tương lai, những người già lão bệnh tật bị loại trừ, những người giàu của cải nhưng trống rỗng trong lòng, những người đang tìm ý nghĩa cuộc đời, khao khát đời tâm linh”... (Phần II, số 4).

Đón tiếp những người di dân và đến với người nghèo. Vì Giáo hội là của người nghèo như Đức thánh cha từng mong ước khi trả lời giới báo chí rằng: “Ôi! tôi mong ước biết bao một Hội thánh nghèo và vì người nghèo”. Đức thánh cha rất chú trọng đến lối sống nghèo của toàn thể Giáo hội, cách riêng là của tu sĩ. Chính bản thân ngài đã nêu gương cho toàn thể Giáo hội sống tinh thần khó nghèo của Tin Mừng.

Trong diễn từ ngày 16/05/2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhở các Giám mục và linh mục phải cẩn thận tránh xa cám dỗ, để có thể trở thành người mục tử hữu hiệu. Ngài nói: “Nếu chúng ta đi với người giàu, là chúng ta đang đi về phía hư vô. Chúng ta sẽ trở thành chó sói, chứ không phải người chăn chiên”. Hơn nữa, sống nghèo chính là dấu chỉ của sự hiệp thông mà thế giới đang mong đợi chúng ta.

* Kết Luận

Kính thưa quý cha, cùng quý tu sĩ nam nữ

Chiều ngày, 2-2-2017, Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh và cũng là Ngày Thế giới về Đời sống Thánh hiến lần thứ 31, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô và kêu gọi các tu sĩ tránh cám dỗ tìm cách ”sinh tồn”.

Trong bài giảng, sau khi bình luận bài ca hy vọng của cụ già Simeon và nữ ngôn sứ Anna tín thác nơi lời hứa của Thiên Chúa: Thiên Chúa không đánh lừa, niềm hy vọng nơi Ngài không làm chúng ta thất vọng, Chúa đến gặp gỡ dân Ngài, ĐTC nhận xét rằng:

“Thái độ ấy làm cho chúng ta được phong phú, nhất là giữ gìn chúng ta khỏi một cám dỗ có thể làm cho đời sống thánh hiến của chúng ta trở nên khô cằn, son sẻ, đó là ”cám dỗ sinh tồn”. Đó là một tai ương có thể dần dần lẻn vào và ở lại trong chúng ta. Thái độ sinh tồn làm cho chúng ta phản ứng chống lại thay đổi, sợ sệt, dần dần âm thầm khép kín mình trong nhà, trong các khuôn khổ của mình. Nó phóng dội chúng ta về đằng sau, vào những cử chỉ vinh quang, nhưng thuộc về quá khứ, thay vì khơi lên tinh thần sáng tạo ngôn sứ, xuất phát từ những giấc mơ của các vị sáng lập Dòng của chúng ta, nó làm cho chúng ta tìm những con đường tắt để trốn chạy những thách đố đang gõ cửa nơi chúng ta”.

ĐTC cũng cảnh giác rằng: “Tâm lý sống còn tước đoạt sức mạnh các đoàn sủng của chúng ta vì nó làm cho chúng ta thuần hóa các đoàn sủng ấy, làm cho các đoàn sủng vừa tầm tay chúng ta, nhưng không còn sức mạnh sáng tạo để chúng ta làm bùng lên.. Cám dỗ sinh tồn khiến chúng ta quên đi ơn thánh, làm cho chúng ta trở thành những nhà chuyên nghiệp về thánh thiêng chứ không phải là những người cha, người mẹ, người anh em của niềm hy vọng mà chúng ta được kêu gọi loan báo”.

Đức thánh cha Phanxicô đã từng nhắn nhủ chúng ta hãy sống đặc tính ngôn sứ của đời thánh hiến để «thức tỉnh thế giới», qua ba từ mấu chốt là: vui tươi, can đảm và hiệp thông: “Vui tươi để cho thấy sự theo Chúa và thực hành Tin Mừng của Người tràn ngập tâm hồn. Can đảm trong việc yêu mến Chúa và gửi gắm nơi Ngài tất cả niềm tin tưởng của mình, giống như các Đấng sáng lập Dòng đã làm. Hiệp thông trước hết phải được bén rễ trong mối tương quan giữa cá nhân với Thiên Chúa để trở nên những người xây dựng tình huynh đệ qua việc thực hành tình bác ái tương trợ xuất phát từ Tin Mừng đối với người nghèo khó”.

Qua Tông thư này, Đức thánh cha mời gọi mỗi người chúng ta canh tân ba điểm chính yếu sau:

+ Thứ nhất là canh tân đời sống tâm linh qua việc trở về với linh đạo và đặc sủng của Đấng sáng lập để sống đúng với căn tính và sứ mạng của mình hầu thích ứng với thời đại hôm nay.

+ Thứ hai là canh tân đời sống huynh đệ để trở thành những chuyên viên hiệp thông trong cộng đoàn, trong hội dòng, trong Giáo hội và trong thế giới.

+ Thứ ba là canh tân đời sống mục vụ để trở thành những ngôn sứ thức tỉnh thế giới, khơi dậy niềm vui và hy vọng cho đời.

Ước gì Năm Thánh Kim khánh Giáo phận này sẽ là thời điểm đầy hồng ân Chúa giúp chúng ta biến đổi, và tân Phúc Âm hóa bản thân cũng như cộng đoàn để đáp lại kỳ vọng mà Giáo hội và thế giới đang mong đợi nơi chúng ta.

Lm Phaolô Maria Lê Văn Quyền, CSsR

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...