Lễ tân niên năm Canh Tý 2020


Lễ tân niên năm Canh Tý 2020
(St 1, 14-18, Pl 4, 4-8, Mt 6, 25-34)


Anh chị em thân mến,

Trong giây phút linh thiêng của ngày đầu năm mới, năm Canh Tý, chúng ta cùng nhau qui tụ trước Nhan Thánh Chúa, để dâng lên Ngài tâm tình biết ơn của những người con hiếu thảo; và đồng thời xin Ngài ban cho mỗi người chúng ta một năm mới an lành, được tràn đầy sức khỏe, nhiều may mắn và mọi người trong gia đình biết trân trọng, yêu thương nhau.

Là người con dân Nước Việt anh chị em chúng ta hiểu được giá trị truyền thống của gia đình nơi chúng ta được sinh ra, được nuôi dưỡng, giáo dục với một tình yêu không so đo tính toán. Ngoài gia đình ra, tìm đâu ra được một người yêu thương chúng ta hơn cả chính bản thân của họ, một người luôn nhớ đến những điều tốt đẹp của chúng ta và sẵn sàng quên đi những điều thiếu sót, một người luôn nhìn thấy trong tương lai của người con là sự hiện hữu của chính họ? Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta những người cha, người mẹ thật là tuyệt vời. Hơn nữa, khi chăm lo cho tương lai của con cái, những người bố mẹ Công giáo còn biết hướng dẫn con cái sống theo ánh sáng của đức tin, của tình yêu tha nhân theo lời dạy của Chúa Giê-su, nên người trẻ Công giáo được lớn lên, được phát triển một cách quân bình, và trở thành những nhân tố tích cực góp phần xây dựng xã hội này.

Chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho giáo phận Ban Mê Thuột thân yêu của chúng ta luôn sống trong tinh thần của một gia đình đang sống theo ý Chúa trên con đường truyền giáo.

Chúng ta cũng không quên xin Chúa và những người thân yêu, ông bà cha mẹ, anh chị em, tha thứ cho chúng ta những lỗi lầm thiếu sót trong năm cũ, để trong năm mới, chúng ta cố gắng sống xứng đáng hơn với tình yêu mà Chúa và những người thân yêu dành cho chúng ta.

Giờ đây, chúng ta cùng nhìn nhận những tội lỗi, thiếu sót, trước mặt Chúa, xin Ngài tha thứ để chúng ta xứng đáng cử hành thánh lễ minh niên này.
 
Anh chị em thân mến,

Trong những giây phút đầu tiên của năm mới, Lời Chúa mời gọi chúng ta xếp qua một bên những lo lắng bận rộn của đời sống thường ngày, để nhìn xa hơn về điểm khởi đầu của thời gian, của sự sống trên trần gian, và nhìn thấy cùng đích của đời sống con người: đó là nhận ra Thiên Chúa là tác giả của sự sống và chúng ta cần phải sống thế nào để cho cuộc sống của mình có ý nghĩa.

Sách Sáng Thế cho chúng ta thấy là ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dùng Lời Quyền Năng của Ngài tạo nên trời đất muôn vật. Sách trình bày về việc dựng nên con người như sau: “Thiên Chúa phán: chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh của chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (1, 26). Chúa chúc lành cho con người và ra lệnh sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất. Ngay từ lúc tạo dựng, Chúa đã mời gọi con người cộng tác với Ngài, và ban cho con người những khả năng để tiếp tục công việc quản trị thế giới.

Chính trong khi thi hành nhiệm vụ cộng tác với Chúa trong việc quản trị thế giới mà con người học được cách làm việc chung với nhau, dần dần khám phá ra những giới hạn, những thiếu sót của mình. Đôi khi con người không còn biết phân định đâu là điểm chính, đâu là điểm phụ tùy trong cuộc sống của mình nữa. Ví dụ như trong một gia đình, nhiệm vụ của người cha là gì, nhiệm vụ của người mẹ là gì, bổn phận của người con là gì? Trước đây, trong xã hội phong kiến, công việc của người làm cha làm mẹ được phân định rõ ràng: đàn ông lo kiếm tiền nuôi sống gia đình, lo công việc ngoài xã hội; phụ nữ lo công việc nội trợ, nuôi dạy con cái. Nhưng dần dần, trong xã hội ngày hôm nay, với những khám phá của các ngành giáo dục, tâm lý xã hội, người ta nhận thấy rằng: để bếp lửa trong gia đình được ấm áp, để người con được phát triển một cách hài hòa, người chồng người vợ cần phải bổ túc cho nhau trong việc chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái. Dẫu cho người mẹ nuôi dưỡng con cái giỏi đến đâu đi nữa, thì đứa trẻ vẫn cần đến đôi vai của người cha để có thể vươn mình lên cùng chúng bạn, vẫn cần đến đôi tay cứng cáp dắt mình vượt qua những khoảng cách sợ hãi trước những cái mới lạ khi bước vào đời. Nếu có được người bố toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, thì đứa trẻ vẫn cần đến những bài học về lòng nhân hậu, từ trái tim yêu thương của người mẹ. Cả hai vợ chồng không quan tâm đến việc ai có quyền hơn ai, nhưng là cùng nhau chia sẻ trách nhiệm và giúp cho các thành viên trong gia đình được sống hạnh phúc.

Bài Tin Mừng nhắc nhở chúng ta: “Thầy bảo các con: chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì ăn, hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc”. Trong năm vừa qua, anh chị em phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong công ăn việc làm. Vì nông sản không được giá, nên anh chị em phải so đo tính toán hơn những năm trước.

Những ngày cuối năm, tôi ghé thăm những cửa hàng quần áo, người bán hàng than là “bán chậm hơn sên”. Nghe câu này, tôi hơi chột dạ, vì sợ rằng người dân không có đủ tiền sắm tết. Nhưng rồi tôi cũng tự an ủi rằng: có lẽ bà con mình đã có đủ đồ mặc tết, nên không có nhu cầu phải mua sắm thêm nữa.

Tối 28 tết, chợ hoa ở quảng trường vắng người qua lại. Những người bán cây kiểng chơi tết như ngồi trên đống lửa. Nỗi lo lắng hiện trên khuôn mặt. Không biết năm nay anh chị em ăn tết như thế nào? Có đầy đủ như năm ngoái không? Khi kinh tế khó khăn, thì bà con mình ăn tết có vui không? Nhưng chiều 30 tết, tôi đạp xe một vòng quanh thành phố, một cảm giác vui lâng lâng, vì các chậu hoa cúc vàng đã được bán gần hết. Tôi hiểu rằng các loại hoa chơi tết, như hoa cúc, hoa thược dược, trước tết thì hoa là tiền, nhưng sau tết hoa chỉ còn là rác thôi. Còn hoa mai, hay quất chủ vườn có thể dưỡng để bán vào năm sau.

Tôi nghĩ rằng niềm vui ngày tết thì không có gì so sánh được. Về thăm nhà, được ngồi bên mâm cơm cùng bố mẹ, được gặp những người thân thương, được bày tỏ tấm lòng mến yêu, hiếu thảo, chính là niềm vui của ngày truyền thống dân tộc. Tôi còn nhớ: trong những năm thuộc thập niên 80, đời sống bà con rất khó khăn, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, thế mà ngày tết vẫn vui. Miếng bánh chưng ăn với dưa món thật là đậm đà, thấm đượm ngày xuân. Cho nên, ý nghĩa của ngày tết là sum họp, là hiện diện bên nhau, là biết rằng mình cùng chung một nguồn cội, và nhắc nhở nhau sống cho tròn đạo hiếu. Chúa ban cho con người chúng ta khả năng biết thích ứng với hoàn cảnh. Cho nên dẫu điều kiện kinh tế như thế nào, anh chị em vẫn biết “liệu cơm gắp mắm” để gia đình có thể cùng nhau vượt qua được cơn sóng gió và không quên mất cùng đích của đời mình.

Là người tín hữu, không những chúng ta biết sống phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, nhưng chúng ta còn biết sống tinh thần chia sẻ, biết quan tâm đến những người thiếu may mắn, những người nghèo khó đang sống chung quanh ta nữa. Chính tinh thần sống chia sẻ giúp chúng ta biết sử dụng tài năng, nén bạc Chúa trao một cách ích lợi nhất. Trong dịp lễ Noel và mừng xuân mới, từ cửa hàng quần áo không đồng, đến bánh chưng bánh tét không đồng, giáo xứ Thánh Tâm đang cố gắng sống tinh thần chia sẻ này. Cám ơn Cha quản xứ và tất cả anh chị em trong giáo xứ đã thể hiện tình liên đới một cách có ý nghĩa như thế.

Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta sự khôn ngoan của con cái Chúa, để trong mọi hoàn cảnh chúng ta biết sống và hành động theo sự hướng dẫn của Đức Tin và lòng bác ái.

Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những anh chị em đang gặp khó khăn trong công ăn việc làm, trong đời sống tình cảm gia đình, trong việc giáo dục con cái... để trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng biết đi theo Chúa Giê-su là Đường, là ánh Sáng và là Sự Thật. Chỉ có hành động theo đức tin mới đem lại sự bình an đích thực cho chúng ta.

Xin kính chúc anh chị em một năm mới Canh Tý an bình, tràn đầy ơn Chúa, và thành công trong mọi điều anh em thực hiện. Xin Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em.

 

+Gm Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...