CÔNG CUỘC PHÚC ÂM HÓA VÀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI


      

CÔNG CUỘC PHÚC ÂM  HÓA VÀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI  
---------------------------------------------------
         
                          a. Giáo Hội, nơi Thiên Chúa ở với con người
                             (Số 60-61).
                          b. Lấy Tin Mừng thâm nhập và làm phong phú xã hội
                             (Số 62-   65).
                          c. Học thuyết xã hội, Phúc Âm hóa và việc thăng tiến con người
                                (Số 66-68).
                          d. Các quyền hạn và nghĩa vụ của Giáo Hội
                              (Số 69-71).
        
                + CÔNG CUỘC PHÚC ÂM  HÓA VÀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI                  
          
 a. Giáo Hội, nơi Thiên Chúa ở với con người
 
60. Khi chia sẻ với nhân loại những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng, Giáo Hội đã đứng về phía mỗi con người ở mọi nơi mọi thời, mang tin vui Nước Chúa đến cho họ, Nước ấy đã xuất hiện nơi Đức Giêsu Kitô và vẫn đang tiếp tục hiện diện giữa nhân loại 73. Giữa lòng nhân loại và trong thế giới ấy, Giáo Hội chính là bí tích của tình yêu Thiên Chúa, và bởi thế, Giáo Hội là bí tích của niềm hy vọng huy hoàng nhất, khơi gợi và nâng đỡ mọi cố gắng và dấn thân của con người nhằm giải phóng và thăng tiến con người. Giáo Hội hiện diện giữa nhân loại, tựa như túp lều hội ngộ của Thiên Chúa, tựa như “nơi Thiên Chúa ở với con người” (x. Kh 21,3 ), để con người không cô đơn, lạc lõng hay khiếp sợ trong lúc thi hành nhiệm vụ làm cho thế giới trở nên nhân bản hơn; nhờ đó, con người tìm được sự hỗ trợ nơi tình thương cứu chuộc của Đức Kitô. Là thừa tác viên của ơn cứu độ, Giáo Hội không sống trong trừu tượng hay thuần túy thiêng liêng, mà ở trong chính bối cảnh của lịch sử và thế giới mà con người đang sống 74. Chính tại nơi đây, con người gặp được tình thương Thiên Chúa và được mời gọi cộng tác vào kế hoạch của Ngài.
 
61. Dù độc đáo và không thể sao chép trong nét riêng của mình, mỗi người vẫn là một hữu thể mở ra cho mối quan hệ với những người khác trong xã hội. Sống với nhau thành xã hội, sống với nhau trong mạng lưới quan hệ nối kết các cá nhân, gia đình và các tập thể trung gian lại với nhau, bằng cách gặp gỡ, truyền thông và trao đổi, đó chính là cách thế đảm bảo cho con người có một cuộc sống với chất lượng cao hơn. Công ích mà con người tìm kiếm và đạt được khi thành lập các cộng đồng xã hội chính là bảo đảm cho con người tìm được ích lợi cho cá nhân, gia đình và xã hội 75. Đây chính là những lý do khiến cho xã hội sinh ra và hình thành, cùng với những cơ cấu của mình, tức là cùng với các cơ cấu chính trị, kinh tế, pháp luật và văn hóa của mình. Giáo Hội gửi học thuyết xã hội của mình đến cho con người “đang sống trong một mạng lưới phức tạp với vô số quan hệ trọng khuôn khổ các xã hội hiện nay”.76 Như một chuyên gia về nhân học,77 Giáo Hội thừa sức hiểu con người trong thiên chức và khát vọng, trong những giới hạn và khiếm khuyết, cũng như trong các quyền lợi và nghĩa vụ của con người; Giáo Hội cũng thừa sức công bố lời đầy sức sống, đủ sức vang vọng trong những hoàn cảnh lịch sử và xã hội của cuộc sống con người.
 
b. Lấy Tin Mừng thâm nhập và làm phong phú xã hội.
 
62. Với giáo huấn xã hội của mình, Giáo Hội tìm cách công bố Tin Mừng và  làm cho Tin Mừng hiện diện trong hệ thống phức tạp các mối quan hệ xã hội. Không phải chỉ là làm sao đem Tin Mừng đến được với con người trong xã hội – con người là kẻ tiếp nhận Tin Mừng được công bố - mà còn là làm sao cho xã hội được thấm nhuần Tin Mừng và được phong phú  lên nhờ Tin Mừng 78. Bởi đó, đối với Giáo Hội, chăm lo cho các nhu cầu của con người chính là đưa xã hội vào trong công cuộc truyền giáo và cứu độ của mình. Cách con người sống với nhau trong xã hội thường chi phối chất lượng cuộc sống của họ, nghĩa là chi phối các điều kiện sống, trong đó con người hiều nhau và đưa ra những quyết định về bản thân họ. Chính vì lý do đó, Giáo Hội không thể thờ ơ với những gì con người quyết định, thực hiện hay trải nghiệm trong xã hội; Giáo Hội quan tâm tới những tính chất luân lý của đời sống xã hội , tức là quan tâm tới những khía cạnh đúng là của con người và làm nhân bản hóa đời sống xã hội của con người. Xã hội – và cùng với xã hội, chính trị, kinh tế, lao động, luật lệ và văn hóa – không chỉ đơn thuần là một cái gì trần tục ở thế gian này và vì thế xa lạ đối với thông điệp cứu độ và nhiệm cục cứu độ . Thật vậy, xã hội và tất cả những gì được thực hiện trong xã hội, luôn có liên quan tới con người. Xã hội được thiết lập bởi những con người, mà con người lại cũng chính là “lộ trình quan trọng nhất và căn bản của Giáo Hội” 79.
 
63. Nhờ học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội đảm nhận công việc loan báo những gì Chúa trao phó cho mình. Giáo Hội tìm cách làm cho thông điệp về sự tự do và cứu chuộc do Đức Kitô đem lại, tức là Tin Mừng về Nước Trời, được hiện diện trong lịch sử nhân loại. Khi loan báo Tin Mừng, Giáo hội “làm chứng cho con người nhân danh Đức Kitô, làm chứng cho phẩm giá và thiên chức của con người là hiệp thông với những người khác. Giáo Hội dạy cho con người biết những đòi hỏi của công lý và hòa bình phù hợp với sự khôn ngoan của Thiên Chúa” 80
 Giống như nhờ Giáo Hội mà Tin Mừng vang lên trong cuộc sống hôm nay của con người, 81 học thuyết xã hội cũng là lời đem lại tự do cho con người. Nói thế có nghĩa là học thuyết xã hội có hiệu quả như chân lý và ân sủng xuất phát từ Thánh Thần Thiên Chúa, Ngài là đấng thâm nhập các tâm hồn, chuẩn bị các tâm hồn đón nhận các suy nghĩ và ý định yêu thương, công bằng, tự do và hòa bình. Vì vậy, Phúc Âm hóa xã hội có nghĩa là đưa vào tâm hồn con người sức mạnh của ý nghĩa và sự tự do tìm thấy trong Tin Mừng, để xây dựng một xã hội phù hợp với con người, vì phù hợp với một Đức Kitô : có nghĩa là xây dựng một đô thị cho con người có tính người hơn bởi vì nó phù hợp với Nước Chúa.
 
64. Với học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội chẳng những không đi lạc khỏi sứ mạng của mình mà còn trung thành sít sao với sứ mạng ấy. Ơn cứu chuộc do Đức Kitô mang lại và được giao cho sứ mạng cứu độ của Giáo Hội chắc hẳn thuộc trật tự siêu nhiên. Xác định chiều hướng này không phải là đặt giới hạn cho ơn cứu độ, nhưng đúng hơn là muốn diễn tả ơn cứu độ một cách toàn diện 82. Không được hiểu siêu nhiện như một thực thể hay một địa điểm khởi đi từ nơi mà tự nhiên kết thúc, nhưng phải hiều siêu nhiên là nâng tự nhiên lên một bình diện cao hơn. Nếu thế thì không có gì thuộc về trật tự tạo thành hay nhân loại mà xa lạ hay bị loại khỏi trật tự siêu nhiên hay trật tự thần học của đức tin và ân sủng, trái lại, tất cả đều tìm thấy trong trật tự này, đều được đảm nhận và nâng cao.                                 “Trong Đức Giêsu Kitô, thế giới hữu hình do Chúa tạo thành cho con người (x. St 1, 26-30) -thế giới “đã bị rơi vào tình trạng phù phiếm” kể từ khi có tội xâm nhập vào ( Rm 8, 19-22;     x. Rm 8, 19-22) đã lấy lại mối liên hệ nguyên thủy của mình vứi nguồn mạch  Khôn Ngoan và Yêu Thương là Thiên Chúa. Thật vậy, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã tặng ban Con Một của mình” (Ga 3,16). Mối liên hệ này đã bị phá vỡ trong con người Ađam, nay được hàn gắn lại trong con người Đức Kitô. (x. Rm 5, 12-21) 83
                                                                                                    PopeFrancis.jpg
 
65. Công việc cứu chuộc bắt đầu bằng việc nhập thể, qua đó Con Thiên Chúa mặc lấy tất cả những gì là của con người, ngoại trừ tội lỗi, thể theo tinh thần liên đới mà Thiên Chúa Tạo Hóa đã khôn ngoan đặt ra và đón nhận lấy tất cả mọi sự trong tình thương cứu chuộc của mình.
    Con người được tình thương này chạm tới trong trọn vẹn cuộc hiện hữu của nó; một con người vừa có xác lẫn hồn, một con người có mối quan hệ liên đới với người khác. Toàn bộ con người – chứ không phải chỉ riêng linh hồn hay chỉ là một hữu thể khép kín trong cá tính riêng của mình, mà là con người toàn diện và là một xã hội loài người – đã được đưa vào trong nhiệm cục cứu độ của Tin Mừng. Là người cưu mang thông điệp Nhập Thể và Cứu Chuộc của Tin Mừng, Giáo Hội không thể đi con đường nào khác hơn: cùng với học thuyết xã hội và những hành động hữu hiệu xuất phát từ đó, Giáo Hội chẳng những không che giấu dung mạo của mình hay hạ thấp sứ mạng của mình, mà còn trung thành với Đức Kitô và tìm cách tỏ cho mọi người thấy Giáo Hội là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ” 84. Điều này đúng trong những thời đại như hôm nay, một thời đại được đánh dấu bằng sự lệ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn và mọi vấn đề xã hội đều mang tính toàn cầu.
c. Học thuyết xã hội, Phúc Âm hóa và việc thăng tiến con người
 
66. Học thuyết xã hội là một phần cần thiết để cho tác vụ Phúc Âm hóa của Giáo Hội nên trọn vẹn. Không có gì liên quan đến cộng đồng nhân loại – những tình huống và những vấn đề liên quan đến công lý, tự do, phát triển, quan hệ giữa các dân tộc, hòa bình – mà nằm ngoài công cuộc Phúc Âm hóa; việc Phúc Âm hóa sẽ thiếu sót nếu không xét tới các đòi hỏi liên tục của Tin Mừng đối với đời sống các nhân và xã hội cụ thể của con người85. Giữa việc Phúc Âm hóa và việc thăng tiến con người có những mối liên hệ hết sức sâu xa: “Trong đó có mối liên hệ thuộc phạm vi nhân học, vì con người được Phúc Âm hóa không phải là một hữu thể trừu tượng mà là một hữu thể lệ thuộc các vấn đề kinh tế và xã hội. Trong đó cũng có mối liên hệ thuộc phạm vi thần học, vì chúng ta không thể tách rời bình diện sáng tạo với bình diện cứu chuộc. Bình diện cứu chuộc đụng chạm tới chính những tình huống công bằng cụ thể cần phải được khôi phục. Trong đó còn có mối liên hệ nổi bật thuộc phạm vi Tin Mừng, tức là phạm vi đức ái: làm sao có thể công bố điều răn mới mà không tìm cách thăng tiến con người một cách đích thực trong công lý và hòa bình?” 86
 
67. Học thuyết xã hội của Giáo Hội “tự nó là một công cụ hữu hiệu để Phúc Âm hóa” 87. và học thuyết ấy được khai sinh là bởi những cuộc gặp gỡ luôn mới mẻ của thông điệp Tin Mừng với đời sống xã hội. Nếu hiểu như thế thì học thuyết xã hội chính là một phương cách đặc biệt để Giáo Hội thi hành tác vụ rao giảng Lời Chúa và làm ngôn sứ88.Việc làm có liên quan tới sứ mệnh Phúc Âm hóa của Giáo Hội và là một phần thiết yếu trong thông điệp Kitô giáo, vì học thuyết ấy cho biết những hậu quả cụ thể của thông điệp này trong đời sống xã hội, cũng như đặt những việc làm hằng ngày và những cuộc đấu tranh cho công lý mỗi ngày vào trong bối cảnh làm chứng cho Đức Kitô Cứu Thế” 89. Đây không phải là một bận tâm hay một hoạt động bên lề, hoặc chỉ là một bận tâm hay một hoạt động gắn thêm vào sứ mạng của Giáo Hội, mà đúng hơn đó chính là trọng tâm công tác phục vụ của Giáo Hội: với học thuyết xã hội, Giáo Hội “công bố Thiên Chúa và mầu nhiệm cứu độ của Ngài trong Đức Kitô cho hết mọi người, và đó cũng chính là cách để giúp con người biết mình là ai” 90. Đây là một tác vụ không chỉ xuất phát từ việc công bố mà còn phát xuất từ việc làm chứng.
 
68. Giáo Hội không lãnh lấy trách nhiệm vè hết mọi khía cạnh của cuộc sống trong xã hội mà chỉ lên tiếng trong phạm vi chuyên môn của mình, tức là công bố Đức Ki tô là Đấng Cứu Chuộc 91: “ Đức Kitô không để lại cho Giáo Hội một sứ mạng thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội; mục tiêu Người trao cho Giáo Hội là mục tiêu tôn giáo. Nhưng sứ mạng tôn giáo này có thể là nguồn đưa tới những dấn thân, đường hướng và sức sống để Giáo Hội tìm cách thiết lập và củng cố cộng đồng nhân loại cho đúng với luật Chúa” 92. Nói thế có nghĩa là Giáo Hội không can thiệp vào các vấn đề kỹ thuật qua học thuyết xã hội của mình, cũng không đề xuất hay thiết lập những hệ thống hoặc những mô hình tổ chức xã hội.93Đó không phải là sứ mạng Đức Kitô muốn trao cho Giáo Hội. Sở trường chuyên môn của Giáo Hội bắt đầu từ Tin Mừng: từ thông điệp làm cho con người được tự do, đã từng được Con Thiên Chúa làm người công bố và làm chứng.
 
d. Các quyền hạn và nghĩa vụ của Giáo Hội
 
69. Với học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội nhằm “giúp con người trên đường cứu độ”94. Đây là mục tiêu quan trọng nhất và duy nhất của Giáo Hội. Giáo Hội không hề có ý định chiếm đoạt hay giành lấy các nghĩa vụ của người khác, cũng không có ý định muốn bỏ bê nghĩa vụ của mình; Giáo Hội cũng chẳng có ý tưởng muốn theo đuổi những mục tiêu xa lạ với sứ mạng của mình. Sứ mạng ấy được dùng để ấn định hình thức cho Giáo Hội thi hành quyền hạn và nghĩa vụ của mình khi triển khai học thuyết xã hội riêng của mình và cố gắng làm cho học thuyết ấy tác động đến xã hội và các cơ chế xã hội, thông qua những trách nhiệm và nghĩa vụ mà học thuyết xã hội đó đặt ra.
 
70. Giáo Hội có quyền làm người thầy cho nhân loại, một người thầy dạy sự thật đức tin: sự thật này không chỉ qua các tín điều mà qua cả luân lý vì nằm trong chính bản tính của con người và Tin Mừng 95. Thật vậy, lời Tin Mừng không phải chỉ để nghe mà còn để tuân giữ và thi hành (x. Mt 7,24; Lc 6, 46-47; Ga 14,24.23-24; Gc 1,22). Cư xử kiên định là dấu chứng tỏ điều mình tin và điều đó không chỉ giới hạn trong những việc có liên quan chặt chẽ với Giáo Hội hay thuần túy thiêng liêng, mà còn liên hệ đến con người trong toàn bộ kinh nghiệm sống của họ và trong các trọng trách của họ. Nhưng dù các trách nhiệm này có mang tính trần thế đến đâu, người thi hành  các trách  nhiệm ấy vẫn là con người, nghĩa là
một người được Chúa kêu gọi tham gia vào ơn cứu độ, thông qua Giáo Hội. Vì thế con người phải đáp lại ơn cứu độ không phải một cách nửa vời, trừu tượng hay chỉ bằng lời nói suông mà phải đáp lại bằng toàn bộ đời sống của mình - trong tất cả mọi mối quan hệ làm nên đời sống - đến nỗi không bỏ bê điều gì, không để điều nào nằm trong trần thế và phàm tục mà lại không có liên quan hay xa lạ với ơn cứu độ. Vì thế học thuyết xã hội của Giáo Hội không phải là một đặc ân dành riêng cho Giáo Hội, cũng không phải là một dịp nói lạc đề, một lần nói tùy tiện hay một sự can thiệp vào việc người khác: loan báo Tin Mừng trong khuôn khổ xã hội chính là quyền của Giáo Hội, Quyền làm cho Lời Chúa có sức giải phóng ấy vang lên trong các thế giới phức tạp của sản xuất, lao động, kinh doanh, tài chính, thương mại, chính trị, luật pháp, truyền thông xã hội, tức là những thế giới con người đang sống.
                                                            
 
71. Quyền này cũng đồng thời là nghĩa vụ của Giáo Hội, vì Giáo Hội không thể bỏ bê trách nhiệm này mà đồng thời không chối bỏ chính mình và bất trung với Đức Kitô:     "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!". (1Cr 9,16) Lời cảnh cáo mà thánh Phaolô đưa ra cho  mình đang vang lên trong ý thức của Giáo Hội như một lời mời gọi mọi người hãy lên đường truyền giáo, không chỉ trên các nẻo đường dẫn tới các lương tâm cá nhân mà cả trên những nẻo đường đi vào các cơ quan công cộng: vì một đàng tôn giáo không chỉ giới hạn "trong lĩnh vực thuần túy riếng tư" 96 mà đàng khác, thông điệp Kitô giáo không thể bị gạt sang một bên, trở thành một sự cứu độ hoàn toàn thuộc về một thế giới khác, không đủ sức chiếu giãi ánh sáng lên cuộc sống trần gian này 97.
+ Vì Tin Mừng và đức tin có liên hệ đến đời sống chung như thế, vì các hậu quả của bất công hay của tội rất tai hại, nên Giáo Hội không thể giữ thái độ thờ ơ với các vấn đề xã hôi: 98 Giáo Hội có quyền rao giảng những nguyên tắc luân lý mọi nơi mọi lúc, bao gồm cả những nguyên tắc có liên quan tới trật tự xã hội, và có quyền đưa ra các lời phê phán về  bất cứ việc làm nào của con người chừng nào các quyền căn bản của con người hay việc cứu độ các linh hồn đòi hỏi". 99
                                                        -----------------------------------+++-----------------------------------
              
             [ Trích nguyên văn chương hai: -- SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI VÀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI --
             + I/ - CÔNG CUỘC PHÚC ÂM HÓA VÀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI - từ số 60 - 71 / trang 69 -76 /           Quyển Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo - Nhà Xuất Bản Tôn Giáo - 2007].
                                                       - Ban Công Lý và Hòa Bình - Giáo Phận Ban Mê Thuột -
                                                                                                         - 01/01/2014 -
 
*************************************************************************
                 + CÔNG CUỘC PHÚC ÂM  HÓA VÀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI                  
    [ Bản Hỏi - Đáp dựa theo chương hai: -- SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI VÀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI --
             + I/ - CÔNG CUỘC PHÚC ÂM HÓA VÀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI - từ số 60 - 71 / trang 69 -76 / 
                Quyển Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo - Nhà Xuất Bản Tôn Giáo - 2007].
                           a. Giáo Hội, nơi Thiên Chúa ở với con người
                             (Số 60-61).
                          b. Lấy Tin Mừng thâm nhập và làm phong phú xã hội
                             (Số 62-   65).
                          c. Học thuyết xã hội, Phúc Âm hóa và việc thăng tiến con người
                                (Số 66-68).
                          d. Các quyền hạn và nghĩa vụ của Giáo Hội
                              (Số 69-71).
              -----------------------------------------------------------------------------
               + CÔNG CUỘC PHÚC ÂM  HÓA VÀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI                  
a. Giáo Hội, nơi Thiên Chúa ở với con người
1. H - Giáo Hội hiện diện giữa nhân loại như thế nào?
     Đ -"Giáo Hội hiện diện giữa nhân loại, tựa như túp lều hội ngộ của Thiên Chúa, tựa như “nơi Thiên Chúa ở với con người" (x. Kh 21, 3 ).          
        -"Giữa lòng nhân loại và trong thế giới, Giáo Hội chính là bí tích của tình yêu Thiên Chúa, và bởi thế, Giáo Hội là bí tích của niềm hy vọng huy hoàng nhất, khơi gợi và nâng đỡ mọi cố gắng và dấn thân của con người nhằm giải phóng và thăng tiến con người". (TLHTXH 60)
2. H - Khi chia sẻ với nhân loại những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng, hành động chính yếu của Giáo Hội là gì?
     Đ - Khi chia sẻ với nhân loại những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng, Giáo Hội đã đứng về phía mỗi con người ở mọi nơi mọi thời, mang tin vui Nước Chúa đến cho họ. Nước ấy đã xuất hiện nơi Đức Giêsu Kitô và vẫn đang tiếp tục hiện diện giữa nhân loại. 73  (TLHTXH 60)
3.  H- Như một chuyên gia về nhân học, Giáo Hội có khả năng thế nào?
     Đ- "Như một chuyên gia về nhân học,77Giáo Hội thừa sức hiểu con người trong thiên chức và khát vọng, trong những giới hạn và khiếm khuyết, cũng như trong các quyền lợi và nghĩa vụ của con người; Giáo Hội cũng thừa sức công bố lời đầy sức sống, đủ sức vang vọng trong những hoàn cảnh lịch sử và xã hội của cuộc sống con người".
 (TLHTXH 61).
 
b   Lấy Tin Mừng thâm nhập và làm phong phú xã hội.
 
4. H- Với Giáo Huấn xã hội của mình, Giáo Hội hành động với mục đích chính yếu nào?
    Đ - "Với giáo huấn xã hội của mình, Giáo Hội tìm cách công bố Tin Mừng và  làm cho Tin Mừng hiện diện trong hệ thống phức tạp các mối quan hệ xã hội; làm sao cho xã hội được thấm nhuần Tin Mừng và được phong phú  lên nhờ Tin Mừng 78. Bởi đó, đối với Giáo Hội, chăm lo cho các nhu cầu của con người chính là đưa xã hội vào trong công cuộc truyền giáo và cứu độ của mình".    (TLHTXH 62)
 
 
5. H- Theo quan điểm Giáo Hội, có phải xã hội chỉ đơn thuần là một cái gì trần tục ở thế gian này không?
    Đ- Xã hội – và cùng với xã hội, chính trị, kinh tế, lao động, luật lệ và văn hóa – không chỉ đơn thuần là một cái gì trần tục ở thế gian này và vì thế xa lạ đối với thông điệp cứu độ và nhiệm cục cứu độ...Xã hội được thiết lập bởi những con người, mà con người lại cũng chính là "lộ trình quan trọng nhất và căn bản của Giáo Hội" 79. (TLHTXH 62)
 
6. H- Nhờ học thuyết xã hội, Giáo Hội đảm nhận những hoạt động nào?
    Đ- + Nhờ học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội đảm nhận công việc loan báo những gì Chúa trao phó cho mình. Giáo Hội tìm cách làm cho thông điệp về sự tự do và cứu chuộc do Đức Kitô đem lại, tức là Tin Mừng về Nước Trời, được hiện diện trong lịch sử nhân loại. Khi loan báo Tin Mừng, Giáo hội “làm chứng cho con người nhân danh Đức Kitô, làm chứng cho phẩm giá và thiên chức của con người là hiệp thông với những người khác. Giáo Hội dạy cho con người biết những đòi hỏi của công lý và hòa bình phù hợp với sự khôn ngoan của Thiên Chúa” 80  (TLHTXHCG 63)
         + "Với học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội chẳng những không đi lạc khỏi sứ mạng của mình mà còn trung thành sít sao với sứ mạng ấy". (TLHTXHCG 64)
          + "Giáo Hội chẳng những không che giấu dung mạo của mình hay hạ thấp sứ mạng của mình, mà còn trung thành với Đức Kitô và tìm cách tỏ cho mọi người thấy Giáo Hội là “bí tích phổ quát của ơn cứu độ” 84. Điều này đúng trong những thời đại như hôm nay, một thời đại được đánh dấu bằng sự lệ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn và mọi vấn đề xã hội đều mang tính toàn cầu". (TLHTXHCG 65)
          + "Giáo Hội “công bố Thiên Chúa và mầu nhiệm cứu độ của Ngài trong Đức Kitô cho hết mọi người, và đó cũng chính là cách để giúp con người biết mình là ai"90. (TLHTXHCG 67)
c. Học thuyết xã hội, Phúc Âm hóa và việc thăng tiến con người
7. H- Học thuyết xã hội Công Giáo có vai trò nào đối với tác vụ Phúc Âm hóa.
    Đ- + "Học thuyết xã hội là một phần cần thiết để cho tác vụ Phúc Âm hóa của Giáo Hội nên trọn vẹn". (TLHTXHCG 66)
           + "Học thuyết xã hội của Giáo Hội “tự nó là một công cụ hữu hiệu để Phúc Âm hóa” 87. và học thuyết ấy được khai sinh là bởi những cuộc gặp gỡ luôn mới mẻ của thông điệp Tin Mừng với đời sống xã hội. (TLHTXHCG 67)
 
8. H- Giữa việc Phúc Âm hóa và việc thăng tiến con người có những mối liên hệ nào?
    Đ- "Giữa việc Phúc Âm hóa và việc thăng tiến con người có những mối liên hệ hết sức sâu xa:
+ "Mối liên hệ thuộc phạm vi nhân học: vì con người được Phúc Âm hóa không phải là một hữu thể trừu tượng mà là một hữu thể lệ thuộc các vấn đề kinh tế và xã hội.
+ "Mối liên hệ thuộc phạm vi thần học: vì chúng ta không thể tách rời bình diện sáng tạo với bình diện cứu chuộc.
+ "Mối liên hệ nổi bật thuộc phạm vi Tin Mừng: tức là phạm vi đức ái - làm sao có thể công bố điều răn mới mà không tìm cách thăng tiến con người một cách đích thực trong công lý và hòa bình?" 86 (TLHTXHCG 66)
 
9. H- Giáo Hội có lãnh lấy trách nhiệm về hết mọi khía cạnh của cuộc sống xã hội không?
     Đ- + "Giáo Hội không lãnh lấy trách nhiệm v hết mọi khía cạnh của cuộc sống trong xã hội mà chỉ lên tiếng trong phạm vi chuyên môn của mình, tức là công bố Đức Ki tô là Đấng Cứu Chuộc 91.
          + "Đức Kitô không để lại cho Giáo Hội một sứ mạng thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội; mục tiêu Người trao cho Giáo Hội là mục tiêu tôn giáo. Giáo Hội tìm cách thiết lập và củng cố cộng đồng nhân loại cho đúng với luật Chúa" 92.
               + "Sở trường chuyên môn của Giáo Hội bắt đầu từ Tin Mừng: từ thông điệp làm cho con người được tự do, đã từng được Con Thiên Chúa làm người công bố và làm chứng".  (TLHTXHCG 68)
 
 
10. H- Với học thuyết xã hội của mình, mục tiêu quan trọng nhất     Giáo Hội cần thực hiện là gì?
      Đ- "Với học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội nhằm “giúp con người trên đường cứu độ”94. Đây là mục tiêu quan trọng nhất và duy nhất của Giáo Hội". (TLHTXHCG 69)
 
d. Các quyền hạn và nghĩa vụ của Giáo Hội
 
11. H- Con người được Chúa kêu gọi tham gia vào ơn cưu độ, thông qua Giáo Hội, vậy con người phải đáp trả ơn cứu độ như thế nào?
       Đ- "con người phải đáp lại ơn cứu độ không phải một cách nửa vời, trừu tượng hay chỉ bằng lời nói suông mà phải đáp lại bằng toàn bộ đời sống của mình - trong tất cả mọi mối quan hệ làm nên đời sống - đến nỗi không bỏ bê điều gì, không để điều nào nằm trong trần thế và phàm tục mà lại không có liên quan hay xa lạ với ơn cứu độ". (TLHTXHCG 70)
 
12.  H- Giáo Hội có quyền và nghĩa vụ nào đối với nhân loại?
       Đ- + "Giáo Hội có quyền làm người thầy cho nhân loại, một người thầy dạy sự thật đức tin: sự thật này không chỉ qua các tín điều mà qua cả luân lý vì nằm trong chính bản tính của con người và Tin Mừng" 95. (TLHTXHCG 70)
            + "Loan báo Tin Mừng trong khuôn khổ xã hội chính là quyền của Giáo Hội, Quyền làm cho Lời Chúa có sức giải phóng ấy vang lên trong các thế giới phức tạp của sản xuất, lao động, kinh doanh, tài chính, thương mại, chính trị, luật pháp, truyền thông xã hội, tức là những thế giới con người đang sống". (TLHTXHCG 70)
             + "Giáo Hội có quyền rao giảng những nguyên tắc luân lý mọi nơi mọi lúc, bao gồm cả những nguyên tắc có liên quan tới trật tự xã hội, và có quyền đưa ra các lời phê phán về  bất cứ việc làm nào của con người chừng nào các quyền căn bản của con người hay việc cứu độ các linh hồn đòi hỏi". 99 (TLHTXHCG 71)
 
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------                                                
 
 
 
                                                               
 
 
 
 
                                                         MỤC LỤC CHÚ THÍCH
 
73  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 1: AAS 58 ( 1966), 1025-1026.
74 x. Ibid., 40: AAS 58 (1966), 1067-1059; Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 53-54: AAS 83 (1991), 859-860; Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 1: AAS 80 (1988), 513-514.
75 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 32: AAS 58 ( 1966), 1051.
76  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 54: AAS 83 (1991), 859.
77 x. Gioan Phaolô VI Thông điệp Populorum Progressio, 13: AAS 59 (1967), 263.
78 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 40: AAS 58 (1966), 1057-1059.
79 x.Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemtor Hominis, 14: AAS 71 (1979), 284.
80 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2419.
81 x.Gioan Phaolô II, Bài giảng trong lễ Chúa Thành Thần Hiện Xuống nhân kỷ niệm           100 năm Thông điệp Rerum Novarum (19-05-1991): AAS 84 (1992), 282.
82  x. Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii nuntiandi, 9, 30: AAS 68 (1976), 10-11; GP II, Diễn Văn tại Tổng Đại Hội lần thứ III các giám mục Châu Mỹ Latinh, Puebla, Mexico (28-01-1979)...
83  x. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptor Hominis, 8: AAS 71 (1979), 270.
84  x. CĐ. Vatican II, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 48: AAS 57 (1965), 53.
85  x. Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii nuntiandi, 29, AAS 68 (1976), 25.
86  x. Ibid, 31: AAS 68 (1976), 26.
87  x. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Centesimus Annus, 54: AAS 83 (1991), 860.
88  x.Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis, 41: AAS 80 (1988), 570-572.
89  x. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Centesimus Annus, 54: AAS 83 (1991), 799.
90   x. Ibid, 54:: AAS 83 (1991), 860.
91   x. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, 2420.
92   x.  CĐ. Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ  Gaudium et Spes, 42: AAS 58 (1966), 1060.
93   x. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis, 41: AAS 80 (1988), 570-572.
94   x. Gioan Phaolô II, Thông Điệp Centesimus Annus, 54: AAS 83 (1991), 860.
95  x. CĐ. Vatican II, Tuyên Ngôn Dignitatis Humanae, 14: AAS 58 (1966), 940; Gioan Phaolô II, Thông Điệp Veritatis Splendor, 27, 64, 110: AAS 85 (1993), 1154-1155, 1183-1184, 12119-1220.
96   x. Phaolô II, Thông Điệp gửi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhân 30 năm ngày công bố bản Tuyên Ngôn Dignitatis Humanae, (02-12-1978): Insegnamenti di Giovanni Paolo II, I (1978) 261.
97   x.  Gioan Phaolô II, Thông Điệp Centesimus Annus, 54: AAS 83 (1991), 799.
98   x. Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii nuntiandi, 34, AAS 68 (1976), 28.
99   x. Giáo Luật, điều 747, 2.
 
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
 
 
 
 
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...