Học tập Thông điệp Laudato Si’: Bài 10
Để đưa Laudato si’ vào đời sống, trước hết đòi hỏi thành tâm thừa nhận rằng chúng ta đã có nhiều lỗi lầm khi thực sự nghiêm túc xét thấy “chúng ta sẽ để lại cho thế hệ tương lai, con cháu của chúng ta, một thế giới như thế nào?”
HỌC TẬP THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’:
BÀI 10 - ÁP DỤNG TINH THẦN LAUDATO SI’ VÀO ĐỜI SỐNG
Để đưa Laudato si’ vào đời sống, trước hết đòi hỏi thành tâm thừa nhận rằng chúng ta đã có nhiều lỗi lầm khi thực sự nghiêm túc xét thấy “chúng ta sẽ để lại cho thế hệ tương lai, con cháu của chúng ta, một thế giới như thế nào?” Laudato si’ là thông điệp hỗ tương, giúp chúng ta sống liên đới với những người khác và vạn vật không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai. Thông điệp Laudato si’ giúp chúng ta, những người đọc hiểu, trả lời câu hỏi căn bản nêu trên bằng cách đưa ra một số vấn đề mà chúng ta đang đối diện, liên kết với thần học Laudato si’ và vạch ra những phương hướng cho mọi người đi từ lý thuyết tới thực hành và dấn thân cách trung tín với Tạo Thành như một chương trình loan báo Tin Mừng.
Trong tinh thần đó, chúng ta đã tìm hiểu tinh thần Laudato si’, Thông Điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong những loạt bài trước, nay đến lúc chúng ta cố gắng tìm kiếm lợi ích từ Thông Điệp này bằng cách nêu ra những phương thế cụ thể để áp dụng tinh thần Laudato si’ vào trong thực tế đời sống hằng ngày.
Đứng trước những sự tàn phá môi trường sinh thái hoặc những dự án có mối nguy cơ sẽ tàn phá môi sinh, các tín hữu Công Giáo Việt Nam nên lựa chọn những ưu tiên, gợi ý như sau:
• làm những điều tốt trong khả năng hơn là mạnh tiếng phản đối, lên án;
• cố gắng tìm thấy điều tích cực, thiện chí nơi mọi người và mọi phía;
• chọn lựa đối thoại trong sự bình an hơn là đối đầu, đấu tranh;
• lắng nghe những hướng dẫn của Hội đồng Giám mục, Giám mục sở tại… hơn là theo những lập trường các tổ chức dân sự xã hội.
Thực hiện sự tôn trọng và việc chăm sóc tính vẹn toàn của Tạo Thành, chúng ta cố gắng bảo vệ môi trường sinh thái xung quanh cộng đồng mình đang sinh sống qua những việc làm cụ thể thường được gọi là “thực hiện 3R”:
• Reduce: giảm thiểu tối đa lượng chất thải và repair – sửa chữa những đồ vật hư hỏng để dùng tiếp.
• Reuse: tái sử dụng những đồ vật hoặc sản phẩm còn khả dụng.
• Recycle: thu gom và bán hoặc cho các loại rác thải hay vật liệu thải có thể tái chế.
Đề nghị các cộng đoàn giáo xứ đều được trình bày chi tiết các giá trị và hướng dẫn cách thức thực hiện cụ thể kế hoạch này, cần có sự đánh giá (có thể “đo lường” được) sau khi “thực hiện 3R”.
Trong chương trình tôn trọng và chăm sóc tính vẹn toàn của Tạo Thành, bên cạnh việc bảo vệ môi trường sinh thái, chúng ta cũng cần thiết bảo vệ môi trường tâm lý bằng việc chữa lành huynh đệ, kế hoạch đề nghị cụ thể như sau:
• thực hiện sự hòa giải và chữa lành thật sự giữa anh chị em, góp ý và sửa sai trong tình yêu thương huynh đệ qua việc đối thoại và chia sẻ với nhau, tìm các giải pháp giải quyết vấn đề phù hợp các giá trị Tin Mừng, tinh thần bác ái Kitô giáo;
• thực hiện sự tôn trọng và bình đẳng giữa anh chị em theo lẽ tự nhiên và đức tin;
• quan tâm, thăm viếng và chăm sóc đặc biệt những anh chị em đang bị đau ốm bệnh tật thể lý hoặc đang bị tổn thương tâm lý hoặc tinh thần;
• quan tâm xây dựng các mối tương quan tôn trọng, bình đẳng và huynh đệ trong các cộng đoàn giáo xứ;
• không nói xấu người khác, những gì đức ái không cho phép chúng ta nói trước mặt anh chị em mình thì chúng ta cũng không nói sau lưng họ, khi họ vắng mặt;
• giữ sự bình đẳng và công bằng với anh chị em, quan tâm tới công bằng xã hội với mọi anh chị em, đặc biệt những người được chúng ta thuê mướn;
• bày tỏ tính hiếu khách, cởi mở và giao hảo với mọi người.
Lm. JB. Đậu Quang Luật, O.F.M.
Nguồn: ubclhb.com (30.9.2022)