Uganda. Những hoạt động tốt nhất của trung tâm ReachOut



Chúng ta đều biết về chứng bệnh nhiễm HIV khủng khiếp đó. Khi chứng bệnh xuất hiện lần đầu, không có hy vọng nào cho những người bị mắc phải. Ngày nay, có những phương pháp điều trị mang lại rất nhiều hy vọng cho các bệnh nhân HIV. Đối với nhiều người trong số họ, chứng bệnh này cũng trở thành dịp để xem lại lối sống của mình, bắt đầu một lối sống mới và học cách chăm sóc người khác. Các nhà truyền giáo cũng tham gia vào cuộc đấu tranh này, vào quá trình cứu độ này. Một nhà truyền giáo dòng Comboni, Cha Joseph Archetti, qua đời năm 2014, là một trong số các vị đó. Câu chuyện truyền giáo của tháng này là về Trung tâm dành cho bệnh nhân HIV mà Cha đã thành lập ở Uganda, một trung tâm đến nay đã nổi tiếng khắp thế giới.

Khởi đầu tại giáo xứ Đức Mẹ Châu Phi ở Mbuya vùng ngoại ô thủ đô Kampala, trung tâm có tên gọi là ReachOut (Giơ tay ra) đã thay đổi cuộc sống của nhiều người bị nhiễm HIV. Khi bước qua cánh cửa của trung tâm ReachOut, người ta biết mình đang ở một nơi đặc biệt. Các bức tường đều treo đầy các giấy chứng nhận và khen thưởng. Ở khắp nơi đều có trưng bày hình ảnh của các chức sắc từ khắp nơi trên thế giới đã đến tìm hiểu về công việc đang diễn ra ở đây.

Điều ấn tượng nhất là mọi người đều vui cười. Nụ cười không phải là một thứ có thể dễ dàng gắn với cuộc khủng hoảng AIDS ở châu Phi, nhưng các nhân viên và bêhnh nhân tại trung tâm ReachOut có rất nhiều điều để vui cười. Năm 2001, Cha Joseph Archetti, một nhà truyền giáo dòng Comboni, đã nhận ra một chuyển biến mới tại giáo xứ của ngài, giáo xứ Đức Mẹ Châu Phi ở Mbuya gần thành phố Kampala, thủ đô của Uganda. Ngày càng có nhiều linh mục được mời đến để xức dầu và ban phép bí tích cho những người hấp hối. Nhiều giáo dân mắc bệnh AIDS và Cha Archetti bắt đầu tự hỏi liệu giáo xứ có thể làm nhiều hơn là chỉ an ủi những người hấp hối hay không.Từ một dự án thí điểm khởi đầu trong một căn phòng ở tầng hầm nhà thờ và phục vụ 14 bệnh nhân, trung tâm ReachOut đã phát triển lên hơn 20.000 bệnh nhân và hỗ trợ hơn 1.000 trẻ mồ côi. Trung tâm có thêm những cơ sở khác ở Kampala và các vùng nông thôn của Uganda. Cha Paolino Twesigye, linh mục chính xứ hiện nay, đã chia sẻ một trong những bí quyết khiến trung tâm ReachOut thành công: kho cất giữ thuốc ARV (thuốc kháng virút HIV) do Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ cung cấp.

Kho thuốc được bảo vệ kỹ lưỡng để chống trộm cắp. Nhân viên trung tâm ReachOut ghi chép sổ sách một cách tỉ mỉ. Trong khi một số tổ chức từ thiện không được tiếp tục tiếp nhận các chuyến hàng thuốc ARV (vật tư y tế thường bị trộm cắp hoặc quản lý kém, mang lại lợi nhuận cho những kẻ ngoài vòng pháp luật thay vì mang lại sức khỏe cho bệnh nhân), Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ luôn ca ngợi thành tích hoạt động của trung tâm ReachOut là gương mẫu. Trên thực tế, các phòng khám HIV ở các nước láng giềng đã đến thăm Mbuya để tìm hiểu các hoạt động tốt nhất của Trung tâm.

Trong khi an ninh và tích cực là những đặc điểm quan trọng, trung tâm ReachOut cũng cho thấy một đặc điểm đặc biệt khác: một phương pháp chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng. Hai thập kỷ trước ở Uganda, một chẩn đoán HIV dương tính giống như một bản án tử hình và bệnh nhân chắc chắn sẽ bị xa lánh.

Ở một số khu vực, HIV được coi là một lời nguyền. Vì vậy, những người bị nhiễm HIV không những phải đương đầu với những tin xấu về chứng bệnh, thường họ còn bị gia đình và hàng xóm bỏ rơi, không ai quan tâm đến nhu cầu cá nhân hoặc nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của họ. Kết quả là rất ít người được xét nghiệm và tình trạng nhiễm HIV lây lan nhanh chóng trong dân chúng.

Trung tâm ReachOut tích cực tổ chức các chiến dịch khuyến khích người dân xét nghiệm HIV trong cả nước và giúp bất kỳ ai có chẩn đoán HIV dương tính đều hiểu rằng HIV có thể điều trị được. Mỗi bệnh nhân được chỉ định một nhân viên tư vấn để giải thích về chẩn đoán HIV dương tính, được cung cấp các lựa chọn điều trị và được lắng nghe. Điều quan trọng là nhiều nhân viên tại trung tâm ReachOut từng là bệnh nhân HIV. Họ biết rõ tiếp nhận một chẩn đoán HIV dương tính có nghĩa là gì, và họ biết nỗi sợ hãi, xấu hổ, cũng như quá trình đấu tranh tìm cách điều trị.Vì lý do này, họ quyết tâm loại bỏ sợ hãi và xấu hổ, trong khi tập trung vào việc điều trị. 

Một nhân viên kể với chúng tôi: “Khi tôi phải đến thăm một người nào đó để đảm bảo họ vẫn đang dùng thuốc, tôi kể cho họ nghe câu chuyện của riêng tôi. Điều đó thay đổi mọi thứ. Họ không nhìn tôi như một người ngoài cuộc coi thường họ, nhưng là một người đã từng sống nơi họ hiện đang sống và vẫn đang sống, vẫn đang làm việc và tích cực đóng góp. Điều đó mang lại cho họ niềm hy vọng lớn lao và giúp họ tiếp tục điều trị, ngay cả khi điều đó là khó khăn.”

Phòng khám vẫn nằm trong khuôn viên của giáo xứ và hiện đang chiếm một tòa nhà lớn, hiện đại và một số cấu trúc nhỏ hơn. Mọi người có thể được xét nghiệm và được tư vấn ở đây. Họ được nhận thuốc men. Nhưng cũng có những dịch vụ đặc biệt khác: một đơn vị di động đem nhân viên y tế, nhân viên tư vấn và thuốc men đến cho những người sống ở những nơi xa xôi hoặc vì một số lý do nào đó không thể đến khám ở Trung tâm; một nhà trẻ dành cho con cái của bệnh nhân (một số trong các trẻ em này cũng là bệnh nhân); và một ‘phòng khám bà mẹ và em bé’ đáp ứng nhu cầu của phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

 Trước khi ‘phòng khám bà mẹ và em bé’ được mở cửa, một phụ nữ có HIV dương tính đều nghĩ rằng có lẽ bất kỳ đứa con nào bà sinh ra cũng sẽ dương tính với HIV; hiện nay, phần lớn phụ nữ mang thai đã đăng ký tham gia chương trình này đều sinh con âm tính với HIV. Tất cả các dịch vụ của trung tâm ReachOut đều được cung cấp miễn phí. Tuy nhiên, gia đình của bệnh nhân được yêu cầu giúp đỡ trong quá trình điều trị và phục hồi. Một nhân viên tư vấn nói: “Khi ai đó xét nghiệm dương tính, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến một người. Điều đó ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng. Ai sẽ coi sóc con cái hoặc làm công việc khi người này phải khám bác sĩ hoặc đi điều trị? Trung tâm ReachOut vận động cả gia đình, và nhờ đó mọi người đều có được một thái độ lạc quan hơn tích cực hơn: cả gia đình đều trở nên tốt hơn!”


Tác giả: Kathleen M. Carroll

 
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...