Đức Giêsu Kitô – Đường vĩnh cửu
“Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là Đấng sáng tạo toàn cõi đất” (Is 40,28).
ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG VĨNH CỬU TRONG THỜI GIAN
WHĐ (18.12.2022) - Trong tiếng Do-thái, עוֹלָם/ olâm có nghĩa là vĩnh cửu, luôn luôn, luôn mãi, mọi thời, muôn đời, chẳng hạn như: “Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là Đấng sáng tạo toàn cõi đất” (Is 40,28). Từ tương đương với עוֹלָם trong tiếng Hy-lạp là αἰών/ aiôn (aeternitas, eternity) và tính từ ‘vĩnh cửu’ là αἰώνιος/ aiônios (eternal, everlasting), chẳng hạn như: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” [πᾶς ὅστις ἀφῆκεν οἰκίας ἢ ἀδελφοὺς ἢ ἀδελφὰς ἢ πατέρα ἢ μητέρα ἢ τέκνα ἢ ἀγροὺς ἕνεκεν τοῦ ὀνόματός μου ἑκατονταπλασίονα λήμψεται καὶ ζωὴν αἰώνιον κληρονομήσει] (Mt 19,29). Chúng ta biết rằng vĩnh cửu là một trong những khái niệm quan trọng nhất của mặc khải Ki-tô Giáo. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu, Người không lệ thuộc vào bất kỳ diễn tiến thời gian nào của thế giới thụ tạo. Theo dòng lịch sử, các Giáo Phụ tiếp tục diễn giải chủ đề này, chẳng hạn trong tác phẩm Tự Thuật (Confessions), thánh Au-gút-ti-nô (354-430) khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu, Người không lệ thuộc thời gian hay những gì trong thời gian (Confessions, Book XI, Chapter XIV). Cùng với khái niệm vĩnh cửu, thời gian là một trong những khái niệm căn bản của mặc khải Ki-tô Giáo cũng như của các nền văn hóa trong gia đình nhân loại.
Tiếng Hy-lạp có hai từ chỉ thời gian, đó là χρόνος/ chronos và καιρός/ kairos. Trong đó, χρόνος là thời gian nói chung và thiên về định lượng (quantitative time), là trình tự, tiến trình xảy ra của bất cứ cái gì, bao gồm quá khứ, hiện tại, tương lai. Còn καιρός là thời gian đặc biệt, thiên về định tính (qualitative time), là trình tự, tiến trình xảy ra của cái gì có ảnh hưởng quan trọng đối với những cái khác, tức những sự kiện, biến cố lịch sử, những thời điểm, thời kỳ thuận lợi, thích hợp cho cái xảy ra, chẳng hạn như lời đầu tiên của Đức Giê-su trong sứ mệnh công khai theo trình thuật Tin Mừng của thánh Mác-cô: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” [πεπλήρωται ὁ καιρὸς καὶ ἤγγικεν ἡ βασιλεία τοῦ θεοῦ μετανοεῖτε καὶ πιστεύετε ἐν τῶ εὐαγγελίῳ] (Mc 1,15) hay lời của Đức Giê-su theo trình thuật của thánh Lu-ca: “Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?” [ὑποκριταί, τὸ πρόσωπον τῆς γῆς καὶ τοῦ οὐρανοῦ οἴδατε δοκιμάζειν, τὸν καιρὸν δὲ τοῦτον πῶς οὐκ οἴδατε δοκιμάζειν] (Lc 12,56). ‘Thời kỳ đã mãn’ (πεπλήρωται ὁ καιρὸς) hay ‘thời đại này’ (τὸν καιρὸν δὲ τοῦτον) của hai câu Tin Mừng trên không đề cập thời gian theo nghĩa trình tự, lịch sử nhưng theo nghĩa biến cố, cơ hội hay thời kỳ thuận tiện.
Là con người, ai cũng nói về thời gian và luôn quan tâm tới thời gian. Tuy nhiên, ‘bản tính thời gian là gì?’ thì không phải dễ hiểu và không phải được mọi người hiểu như nhau. Theo thánh Au-gút-ti-nô, thời gian được Thiên Chúa sáng tạo (Confessions, Book XI, Chapter XIII). Thời gian song hành cùng với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Điều này có nghĩa rằng thế giới thụ tạo tiến triển trong thời gian, biến đổi theo thời gian và hướng tới cùng đích với thời gian. Thánh Au-gút-ti-nô cho rằng thời gian thật nhiệm mầu, không ai có thể nắm bắt hay định nghĩa được. Một mặt, ngài nói rằng ngài hiểu khi ngài nói về thời gian và ngài cũng hiểu khi nghe người khác nói về thời gian. Mặt khác, ngài nói rằng nếu không ai hỏi ngài về thời gian thì ngài còn biết, còn nếu nhờ ngài giải thích ‘thời gian là gì?’ thì ngài không biết (Confessions, Book XI, Chapter XIV). Cũng theo thánh nhân, thay vì nói quá khứ, hiện tại và tương lai thì nên nói ‘hiện tại của những gì trong quá khứ’, ‘hiện tại của những gì trong hiện tại’ và ‘hiện tại của những gì trong tương lai’. Bởi vì, cả quá khứ, hiện tại và tương lai đều tồn tại trong tâm hồn con người, bằng không thì con người ‘không thấy’ chúng. Theo ngài, hiện tại của những gì trong quá khứ là ký ức [memory]; hiện tại của những gì trong hiện tại là cảnh tượng [sight]; hiện tại của những gì trong tương lai là hy vọng [expectation] (Confessions, Book XI, Chapter XX). Nói cách khác, dưới nhãn quan của thánh Au-gút-ti-nô, quá khứ cũng như tương lai đều hiện diện hay hội tụ trong hiện tại. Do vậy, với thánh nhân, hiện tại là quan trọng nhất.
Trong Cựu Ước, Gia-vê Thiên Chúa của dân Do-thái là Đấng vĩnh cửu, Đấng không lệ thuộc thời gian cũng như những gì trong thời gian bởi vì Người là Chủ của tất cả. Chúng ta hãy xem xét một số trích đoạn diễn tả Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu: “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn. Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên, địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành, Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời” (Tv 90,1-2); “Thiên Chúa là Đấng hiển trị tự muôn đời” (Tv 55,20); “Đến muôn đời, hãy tin vào Đức Chúa: Chính Đức Chúa là Núi Đá bền vững ngàn năm” (Is 26,4). Cựu Ước cho chúng ta biết rằng lời của Thiên Chúa hiện diện qua những gì được tạo thành và tồn tại trong thời gian để hướng chúng về cùng đích vĩnh cửu. Quả thực, lời của Thiên Chúa là lời sáng tạo, cụ thể là với thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước và lời của Thiên Chúa phán ra thì muôn vật muôn loài được dựng nên (St 1,1-27). Lời của Thiên Chúa thật diệu kỳ: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6); “Muôn lạy Chúa, lời Ngài bền vững đến ngàn đời, trên cõi trời cao” (Tv 119,89); “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105). Sách ngôn sứ I-sai-a cũng cho chúng ta biết lời của Thiên Chúa luôn bền vững so với những gì chóng qua mau tàn trong thế giới thụ tạo: “Cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững” (Is 40,8).
Vào thời kỳ cuối của mặc khải Cựu Ước, Lời Chúa, Lời Nguyên Thủy, Lời Sáng Tạo, Lời được phán qua miệng các ngôn sứ cách nào đó xuất hiện như đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa nhưng được mô tả, khai triển, nhấn mạnh, nhất là nhân cách hóa (personification) như là Đấng đối diện với Thiên Chúa, phân biệt với Người, dù phát sinh từ Người, gắn bó hoàn hảo và mật thiết với Người: “Ta [Khôn Ngoan] đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra” (Cn 8,23-24); “Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, Ta [Khôn Ngoan] đã được sinh ra, khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ” (Cn 8,25-26) hay “Đấng tác thành vạn vật truyền lệnh cho Ta [Khôn Ngoan], Đấng tạo thành Ta dựng lều cho Ta ở. Người phán: ‘Hãy cắm lều ở Gia-cóp, hãy hưởng phần sản nghiệp ở Ít-ra-en'" (Hc 24,8). Tác giả sách Huấn Ca cho chúng ta biết Khôn Ngoan là vĩnh cửu: “Cát biển, giọt mưa và tháng ngày của vĩnh cửu, ai đếm được cho hết? Trời cao, đất rộng, vực sâu và sự khôn ngoan, ai dò cho thấu? Khôn ngoan đã được tác thành trước vạn vật, sự hiểu biết anh minh đã có tự muôn đời” (Hc 1,2-4); “Người đầu tiên chẳng biết hết khôn ngoan, kẻ cuối cùng cũng không hiểu thấu được. Vì tư tưởng của khôn ngoan rộng hơn đại dương, ý định của khôn ngoan sâu hơn vực thẳm” (Hc 24,28-29). Như vậy, Lời Chúa hay đức Khôn Ngoan của Người thật nhiệm mầu, thật sâu thẳm, trí hiểu con người trong thời gian không thể dò thấu.
Những trang đầu của sách Sáng Thế, cuốn sách đầu tiên của Bộ Kinh Thánh, cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa sáng tạo con người với phẩm giá cao trọng, theo hình ảnh của Người (St 1,26-27). Con người thuở ban đầu với phẩm giá cao trọng đến nỗi có được sự sống tình nghĩa thân mật với Thiên Chúa, có đủ mọi khả năng, phương thế tự nhiên và siêu nhiên cần thiết để thực thi thánh ý Người hầu mai ngày được chung hưởng sự sống vĩnh cửu trên thiên quốc với Người. Nhưng bất hạnh thay, Nguyên Tổ loài người đã phạm tội, đã đánh mất sự sống đó. Tuy nhiên, Thiên Chúa vô cùng từ bi, nhân hậu đã không hề bỏ cuộc hay thay đổi kế hoạch yêu thương của Người nhưng vẫn trung thành tiếp tục thực hiện. Tình thương này được diễn tả cách tiệm tiến theo dòng lịch sử nhân loại, trên hết là lịch sử thánh của dân Do-thái. Khi thời gian tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã tặng ban cho gia đình nhân loại Đức Giê-su, Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa. Nhờ Người, Thiên Chúa sáng tạo, cứu độ con người khỏi quyền lực tội lỗi và sự chết cũng như siêu thăng và cho con người phẩm giá cao trọng là trở nên con cái Thiên Chúa. Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, được sinh ra từ trước muôn đời nhưng đã trở thành con loài người trong thời gian ba mươi ba năm. Người đã loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, chịu muôn vàn đau khổ và chết trên cây thập tự. Người đã phục sinh và lên trời, tuy nhiên, mọi ngày cho đến tận thế Người vẫn ở cùng những kẻ tin Người và hoạt động qua họ nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Trong Tân Ước, thánh Gio-an viết những lời đầu tiên của Tin Mừng như sau: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3). Với thánh Gio-an, Đức Giê-su vốn là Lời sáng tạo của Thiên Chúa (cũng là Lời được tuyên sấm qua miệng các ngôn sứ và được ứng nghiệm) thì nay trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14). Với Đức Giê-su Nhập Thể, Lời Chúa không còn vô định hình trong bản thân nhưng đã trở thành thực tại hữu hình cụ thể, một con người thật sự để mọi người có thể gặp gỡ, trò chuyện và đi vào mối tương quan mật thiết với Người. Phân biệt căn bản về lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước và trong Tân Ước là: Lời của Thiên Chúa trong thời Cựu Ước được diễn tả qua các hình thức trung gian nhưng đến thời Tân Ước thì cũng chính Lời đó lại được mặc khải là Con yêu dấu của Thiên Chúa trong thân phận con người, hiện hữu và hoạt động trong thời gian cụ thể.
Trong Lời Tựa Tin Mừng, thánh Gio-an tiếp tục cho biết Đức Giê-su là Lời vĩnh cửu: “Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4). Còn trong Thư thứ nhất, ngài viết về Đức Giê-su như sau: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1 Ga 1,1). Với thánh nhân, nhờ sự hiện diện của Lời sự sống trong thân phận con người mà thánh nhân cũng như các môn đệ khác đã thấy, đã nghe, đã đụng chạm và thiết lập tương quan liên vị. Tương tự như thánh Gio-an, thánh Phê-rô minh định về Lời Chúa như sau: “Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng” (1 Pr 1,25). Thật kỳ diệu biết bao khi con người lại được diện đối diện với Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa! Thánh Lu-ca trình thuật rằng khi các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng và đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, Đức Giê-su nói với họ: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: Nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc 10,24). Quả thực, những ai nhìn thấy Đức Giê-su là Lời vĩnh cửu trong thời gian thì thật có phúc bởi vì họ được chiêm ngưỡng Đấng vừa siêu việt vừa giới hạn, vừa uy nghi vừa gần gũi, vừa cao cả vừa thân quen, vừa thuộc vĩnh cửu vừa thuộc thời gian. Nhờ Đức Giê-su là Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa nhập thể, con người mới có thể nhận ra tình yêu xót thương của Thiên Chúa cách rõ ràng hơn.
Chúng ta có thể nói rằng Biến Cố Đức Giê-su đến sống giữa lòng nhân thế là Biến Cố Thiên Chúa đến với con người cách vừa trọn vẹn vừa cụ thể nhất bởi vì trung gian giữa Thiên Chúa và con người không phải là một ngôn sứ thuộc con cái loài người hay bất cứ thụ tạo nào nhưng là Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa thật sự hiện diện. Tiến trình mặc khải của Thiên Chúa đã đạt tột đỉnh viên mãn khi Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp, Đấng vô cùng thánh thiêng đến nỗi không con người nào trên trần thế (kể cả Mô-sê hay Ê-li-a) có thể thấy mặt Người mà sống được, vậy mà nay lại trở thành con trẻ sinh ra bởi một trinh nữ và được gọi là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Xh 3,15; Xh 33,18-23; Is 7,14; Mt 1,23). Với Đức Giê-su, Thiên Chúa không còn ‘ẩn mặt’ nữa bởi vì Đức Giê-su là Thiên Chúa, Người nên một với Chúa Cha (Ga 10,30); ai thấy Đức Giê-su là thấy Chúa Cha (Ga 14,9). Nơi Đức Giê-su, con người không còn tìm kiếm Thiên Chúa như là Đấng cao xa vời vợi vì bản tính siêu việt vô cùng của Người nhưng là Đấng họ có thể thấy, nghe, chạm đến... không khác gì họ thấy, nghe, chạm đến… một con người cụ thể trước mắt họ (1 Ga 1,1-2). Kết thúc Lời Tựa Tin Mừng, thánh Gio-an viết: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Nhờ Đức Giê-su là Lời ban Thần Khí, là Lời Sự Thật của Thiên Chúa nhập thể mà từ đây con người mới có thể thờ phượng Thiên Chúa cách xứng hợp hơn, tức là thờ phượng Người trong thần khí và sự thật (Ga 4,23).
Nơi Đức Giê-su nhập thể là sự gặp gỡ giữa Đấng Sáng Tạo và thế giới thụ tạo, giữa vĩnh cửu và thời gian, giữa trời và đất, giữa vô biên và hữu hạn, giữa siêu nhiên và tự nhiên, giữa huyền diệu và kinh nghiệm. Nơi Đức Giê-su là sự gặp gỡ giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính con người, giữa sức mạnh của Thiên Chúa và sự yếu đuối của con người, giữa Thiên Chúa thánh thiện và con người tội lỗi. Nói cách khác, nơi Đức Giê-su, những gì không có thể đối với con người lại có thể đối với Thiên Chúa. Nơi Đức Giê-su, con người được cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi, được hòa giải với Thiên Chúa (Ep 1,7). Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa hằng sống và bất khả cảm thụ, đã thành xác phàm có cảm giác, thật sự chịu đựng muôn vàn đau khổ kể cả cái chết, để tiêu diệt sự chết một lần cho tất cả và đem lại cho con người sự sống vĩnh cửu (Rm 6,10; Dt 7,27; Dt 10,12).
Tương tự như thánh Gio-an, tác giả Thư gửi tín hữu Do-thái viết những câu đầu tiên như sau: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,1-3). Những câu này cho phép chúng ta nhận thức rằng (1) Đức Giê-su là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, phản ánh hoàn hảo bản thể thiên linh, (2) nhờ Người, Thiên Chúa sáng tạo muôn vật muôn loài và chúng hết thảy thuộc quyền sở hữu của Người (3) nơi Người, Thiên Chúa trực tiếp phán dạy chúng ta. Dưới nhãn quan của tác giả Thư gửi tín hữu Do-thái, lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước được truyền phán qua nhiều trung gian khác nhau, còn Đức Giê-su là Lời vĩnh cửu được Thiên Chúa ‘phán’ vào thời viên mãn, vào thời sau hết này. Nơi Đức Giê-su, con người nhận biết được ba sự thật căn bản sau đây về lời của Thiên Chúa: (1) Lời của Thiên Chúa đã được truyền phán cho nhân loại qua trung gian các ngôn sứ thuộc lịch sử Cựu Ước của dân Do-thái, trong lúc đối với lịch sử các dân tộc khác Lời của Thiên Chúa hiện diện cách tiềm tàng, chuẩn bị cho mặc khải Do-thái Giáo và Ki-tô Giáo (semina Verbi); (2) Đến thời Tân Ước, Đức Giê-su chính là Lời vĩnh cửu, nguyên thủy, sáng tạo (muôn vật muôn loài) của Thiên Chúa đã nhập thể, trở nên người phàm; (3) Lời của Đức Giê-su trong thời gian chính là lời của Thiên Chúa trực tiếp phán dạy như là lời hoàn hảo và chung cục mà con người cần tin nhận để được cứu độ.
Theo não trạng con người, điển hình thời Đức Giê-su là những người quen thuộc với triết lý Hy-lạp (đặc biệt những người theo phái Khắc Kỷ và phái Tân Plato) và nhiều người thuộc Do-thái Giáo (phái Pha-ri-sêu và Sa-đốc) thì Thiên Chúa không thể đến với con người theo cách thức được diễn tả trong đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su. Con người không thể tưởng tượng Thiên Chúa quá siêu việt và uy quyền lại có thể hy sinh, trút bỏ và hạ mình đến thế được. Tuy nhiên, trong hành trình trần thế, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Thiên Chúa đã không hành động phù hợp với lô-gích của con người. Mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn hành động theo đường lối của Người, đường lối cao vời, khôn sánh, siêu việt mọi dự định, tính toán, hiểu biết hay dự phóng của con người (Is 55,8-9). Do đó, thay vì giả thiết hay thậm chí đòi hỏi Người hành động phù hợp với tâm trí hạn hẹp của mình, con người cần có tâm hồn khiêm nhường, đơn sơ, tín thác giống như trẻ thơ thì mới có thể tin nhận mặc khải của Thiên Chúa về đường lối cứu độ của Người (Mt 11,25-26). Không tin nhận đường lối, cách thức cứu độ của Thiên Chúa vì không có tâm hồn khiêm hạ thì đương nhiên con người sẽ không thể khám phá được tính cách kỳ diệu khôn cùng của đường lối đó để có thể ngạc nhiên thán phục mà thốt lên lời ca ngợi, tri ân, cảm tạ như Đức Ma-ri-a (Lc 1,46-55). Thiên Chúa trở thành con người nhưng con người không nhận ra, đúng như Lời Tựa Tin Mừng theo trình thuật của thánh Gio-an: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,10-11). Tương tự như vậy, thánh Gio-an Tẩy Giả là ‘tiếng trong thời gian’ chuẩn bị cho Đức Giê-su là ‘Lời vĩnh cửu’ của Thiên Chúa nói với những người tới xin ngài làm phép rửa như sau: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,26-27). Quả thực, Đức Giê-su luôn hiện diện và hoạt động trong gia đình nhân loại, tuy nhiên, con người thường không ý thức về sự hiện diện và hoạt động của Người.
Trong hành trình trần thế, sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su vừa tỏ bày cách cụ thể vừa ẩn giấu cách nhiệm mầu. Một mặt, Người hiện diện trong thời gian nhưng lại có quyền trên thời gian, nghĩa là Người siêu việt thời gian. Những phép lạ Người thực hiện thật sự vượt qua mọi quy luật diễn biến theo thời gian của thế giới vật chất. Chẳng hạn, Người làm cho nước trở thành rượu hay làm cho bánh hóa ra nhiều mà không theo trình tự thời gian (Ga 2,1-12; Ga 6,1-15); Người chữa lành bệnh tật cho nhiều người mà không cần thời gian (Mt 9,27-31; Mc 3,1-6; Lc 5,12-14; Ga 9,1-7). Mặt khác, Người lệ thuộc thời gian, chịu ảnh hưởng cảnh bấp bênh, thăng trầm, thay đổi trong thời gian, bao gồm cả những đau khổ, lầm than trong xã hội Do-thái đương thời. Chẳng hạn, Người trưởng thành và khôn lớn theo thời gian, đau với người đau, khóc với người khóc, thổn thức trước cuộc khổ nạn và cái chết gần kề (Lc 2,51-52; Ga 11,33; Mt 26,36-46). Câu hỏi đặt ra là ‘tại sao Người phải như vậy?’ Thưa, tại vì Người muốn hiệp thông trọn vẹn với loài người trong khó nghèo, trong đau khổ, trong bất lực, trong cái chết để diễn tả cụ thể tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho nhân loại sa ngã và tội lỗi.
Các trình thuật Tin Mừng cho phép chúng ta nhận thức rằng, dù hiện diện và hoạt động trong thời gian, Đức Giê-su vẫn luôn là Đấng vĩnh cửu. Nói theo cách cụ thể hơn, Đức Giê-su Na-da-rét luôn là Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa và là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Quyền năng của Đức Giê-su siêu việt thời gian cũng như tất cả sức mạnh thụ tạo hoạt động trong thời gian. Tuy nhiên, vì yêu thương nhân loại, Người tự nguyện trút bỏ chính mình để liên đới với con người trong việc lệ thuộc vào thời gian cũng như chịu muôn hình thức bấp bênh, đau khổ trong thời gian (Pl 2,6-8). Nói cách khác, trong hành trình trần thế, Đức Giê-su vẫn luôn là Đấng vĩnh cửu, Đấng siêu việt thời gian nhưng Người tự do dâng hiến chính mình để cứu chuộc nhân loại và biến đổi vạn vật theo chương trình của Thiên Chúa. Như vậy, ngoài tình yêu và sự tự do trút bỏ trong tinh thần hy sinh, khiêm hạ của Đức Giê-su, chúng ta khó có thể hiểu tại sao Người là Đấng vĩnh cửu lại hiện diện trong thời gian để mang lấy tội lỗi và muôn hình thức đau khổ của mọi người trong gia đình nhân loại.
Trở về với Cựu Ước, trình thuật của sách Xuất Hành cho chúng ta biết rằng khi gặp gỡ Thiên Chúa, Mô-sê hỏi Người: "Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?" (Xh 3,13) và Thiên Chúa trả lời: "Ta là Đấng Hiện Hữu" [אֶֽהְיֶ֖ה אֲשֶׁ֣ר אֶֽהְיֶ֖ה/ I am who I am] (Xh 3,14). Thật là khó hiểu cho Mô-sê, cho con cái Ít-ra-en thời đó cũng như cho mọi người khác khi nghe cái tên của Thiên Chúa hết sức kỳ lạ như vậy. Tuy nhiên, nhờ Đức Giê-su của Tân Ước, con người hiểu biết Thiên Chúa hơn bởi vì Đức Giê-su vừa là Con Thiên Chúa theo thiên tính vừa là một con người thật sự (Mt 3,17; Mt 17,5; Ga 5,19; Ga 14,13; Ga 10,30; Cl 2,9). Thánh Gio-an trình thuật lời của Đức Giê-su nói với những người Do-thái: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” [ἐγώ εἰμι/ ego eimi/ I am] (Ga 8,28). Có những người Do-thái chất vấn Đức Giê-su: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham!” (Ga 8,57), Người đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: Trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” [ἀμὴν ἀμὴν λέγω ὑμῖν, πρὶν ἀβραὰμ γενέσθαι ἐγὼ εἰμί] (Ga 8,58). Đức Giê-su nói rằng Người Hằng Hữu (ἐγὼ εἰμί/ I am hay I exist) gợi lên trong chúng ta lời của Thiên Chúa nói với Mô-sê trong Cựu Ước (Xh 3,14). Khi Đức Giê-su nói rằng Người Hằng Hữu cũng có nghĩa rằng Người là Thiên Chúa.
Không người Do-thái nào dám nói ‘tôi hằng hữu’ bởi vì nói như thế là phạm thượng, cho mình ngang hàng với Thiên Chúa. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta biết Đức Giê-su nói ‘Tôi là’ (ἐγώ εἰμι/ ego eimi/ I am) nhiều lần, trong đó có bảy diễn từ Người nói ‘Tôi là’ với bổ nghĩa cụ thể: (1) Tôi là bánh hằng sống (Ga 6,25-58), (2) Tôi là ánh sáng thế gian (Ga 8,12; 9,1-12), (3) Tôi Hằng Hữu (Ga 8,31-58), (4) Tôi là Mục Tử Nhân Lành (Ga 10,7-18), (5) Tôi là sự sống lại và là sự sống (Ga 11,23-26), (6) Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,1-7), (7) Tôi là cây nho thật (Ga 15,1-11). Chúng ta biết rằng trong truyền thống và văn hóa Do-thái, số bảy (7) là số hoàn hảo, liên quan đến Thiên Chúa, sáng tạo, giao ước, phúc lành, thánh thiện. Bảy diễn từ ‘Tôi là’ (ἐγώ εἰμι/ ego eimi/ I am) của Đức Giê-su được xem như ‘bức tranh hoàn hảo’ cho phép mọi người nhận ra căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người là Lời vĩnh cửu và cũng là Khôn Ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa hiện diện trong thời gian. Như vậy, qua mặc khải về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người với bổ nghĩa cụ thể, Đức Giê-su không chỉ cho mọi người biết Người là Đấng Hằng Hữu mà còn cho mọi người biết rằng những gì liên quan đến Người đều liên quan đến ‘hằng hữu’, liên quan đến vĩnh cửu, liên quan đến sự sống đời đời của con người. Đặc biệt, Người còn nói với những người Do-thái rằng: “Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8,24).
Trong ba năm loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su đã thực thi nhiều phép lạ hay dấu lạ để minh chứng cho căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người giữa lòng nhân loại. Theo trình thuật của thánh Gio-an, Đức Giê-su thực thi bảy dấu lạ quan trọng: (1) Biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na (Ga 2,1-12); (2) cho con của một sĩ quan cận vệ nhà vua ở Ca-phác-na-um được khỏi bệnh (Ga 4,46-54); (3) chữa một người đau ốm ở hồ nước tại Bết-da-tha (Ga 5,1-18); (4) hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá (Ga 6,1-15); (5) đi trên mặt Biển Hồ mà đến với các môn đệ (6,16-21); (6) cho người mù từ thuở mới sinh được nhìn thấy (Ga 9,1-7); (7) cho La-da-rô được hồi sinh (Ga 11,1-44). Tuy nhiên, khi có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu xin Đức Giê-su làm một dấu lạ, Người lại nhắc họ về dấu lạ Giô-na: “Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy” (Mt 12,40). Quả thực, dấu lạ Đức Giê-su ở trong lòng đất ba ngày đêm thật huyền diệu, nằm ngoài sự hiểu biết của con người. Tại sao Đức Giê-su lại phải chịu cảnh đau thương tột cùng như vậy? Thưa, tại vì Người muốn hiệp thông tối đa, trọn vẹn với con người trong cái chết của họ, để diệt trừ sự chết tận gốc, một lần cho tất cả. Các trình thuật Tân Ước cho chúng ta biết rằng đa số dân chúng muốn Đức Giê-su thực thi các phép lạ hay dấu lạ để đáp ứng nhu cầu cấp thời (tuy nhiều lúc chính đáng nhưng đối với họ không đi quá cuộc đời trần thế này) để đáp ứng ‘não trạng sở hữu của mình cho cuộc đời này’ hay đơn giản chỉ vì tính hiếu kỳ hay tệ hơn chỉ để thử thách quyền năng của Người. Còn Đức Giê-su lại thực thi các phép lạ hay dấu lạ để mời gọi mọi người hướng về Thiên Chúa, hướng về môi trường hay thực tại vĩnh cửu mà Thiên Chúa tặng ban cho những ai yêu mến, tin tưởng và thực thi thánh ý Người (1 Cr 2,9).
Thánh Mát-thêu trình thuật rằng khi Đức Giê-su dẫn các môn đệ lên miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi họ: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16,13). Các môn đệ thưa rằng có kẻ thì nói là Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là Ê-li-a, có người lại cho là Giê-rê-mi-a hay một ngôn sứ nào đó. Đức Giê-su hỏi tiếp: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15). Nhân danh các môn đệ, thánh Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Như vậy, trong khi dân chúng nhìn nhận Đức Giê-su như là nhân vật cao trọng theo nhãn quan Do-thái Giáo và cùng lắm cũng chỉ sánh bằng các ngôn sứ vĩ đại của họ thì thánh Phê-rô được Thiên Chúa mặc khải đã tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Con Thiên Chúa vĩnh cửu. Nói cách khác, dân chúng cùng lắm cũng chỉ biết Đức Giê-su là sứ giả của Thiên Chúa, dù được Người sai đến làm Đấng cứu thế đi nữa thì cũng chỉ là con của loài người, được sinh ra trong thời gian nhưng chưa bao giờ và không thể hiện hữu trước thời gian, ngoài thời gian được. Lời tuyên xưng của thánh Phê-rô cho thấy Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu, Đức Giê-su là Con vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đức Giê-su hiện hữu trước mọi thời gian, ngoài thời gian nhưng được sai đến trần gian, hiện diện trong thời gian để cứu giúp nhân loại, đưa con người đạt đến sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Do đó, lời tuyên xưng của thánh Phê-rô cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su là trung tâm và chóp đỉnh của kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa sắp đặt cho con người.
Các tác giả Tân Ước giúp chúng ta biết rằng tuy hiện diện và hoạt động trong thời gian nhưng đời sống của Đức Giê-su diễn tả hoàn hảo sự công chính, thánh thiện siêu việt của Thiên Chúa vĩnh cửu vì Người không bao giờ phạm bất kỳ tội gì và tất cả lời nói cũng như việc làm của Người đều phù hợp với thánh ý Chúa Cha, phù hợp cách trọn vẹn. Trong cuộc khổ nạn của Người, chính Phi-la-tô, đại diện cho chính quyền Rô-ma tại Ít-ra-en, nói với những người Do-thái rằng Đức Giê-su vô tội: “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy” (Ga 19,4). Thánh Gio-an thì viết: “Đức Giê-su đã xuất hiện để xóa bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi” (1 Ga 3,5). Thánh Phê-rô nói về Đức Giê-su vô tội như sau: “Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1 Pr 2,22-23). Còn thánh Phao-lô thì giải thích cho các tín hữu biết: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21). Như vậy, Người hiệp thông liên đới với con người trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi và luôn sống theo những giá trị vĩnh cửu của Nước Thiên Chúa (Dt 4,14-16).
Dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, là Thiên Chúa nhưng Đức Giê-su “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,7). Với sự trút bỏ (κένωσις/ kénōsis), Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa, chưa ai có thể nhìn thấy, đã tham dự trọn vẹn thân phận con người. Đức Giê-su vốn toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ đã sống kiếp phàm nhân và chịu cảnh giới hạn của thời gian như mọi người trong gia đình nhân loại. Người trở thành tôi tớ để yêu thương, phục vụ con người cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự (Pl 2,8). Cái chết của Đức Giê-su là cái chết của Con Thiên Chúa xuống thế làm Người. Nhìn bề ngoài, cái chết của Người cũng tương tự cái chết của nhiều người khác trong hoàn cảnh như vậy, chẳng hạn cái chết của hai tên gian phi cùng chịu đóng đinh với Người. Tuy nhiên, cái chết của Đức Giê-su là cái chết mang lấy gánh nặng tội lỗi của mọi người trong gia đình nhân loại (1 Pr 2,24). Thánh Au-gút-ti-nô giúp chúng ta hiểu thêm về sự cao cả và tự hạ của Đức Giê-su: “Đấng là Sự Sống đã xuống để bị giết chết; Đấng là Bánh đã xuống để chịu đói; Đấng là Đường đã xuống để chịu mệt nhọc trên đường lữ hành; Đấng là Nguồn Suối đã xuống để chịu cơn khát” (thánh Au-gút-ti-nô, Bài Giảng 78.6, GLGHCG 556). Những nghịch lý trong hành trình trần thế của Đức Giê-su cho mọi người biết rằng để đạt được hạnh phúc chân chính, vĩnh cửu, hãy từ bỏ chính mình (εγώ/ ego), tức từ bỏ ‘cái tôi kiêu ngạo’, cậy dựa vào mình và thụ tạo hơn là đặt niềm tin tưởng vào Đức Giê-su, để sống tinh thần khiêm hạ như Người, để yêu thương cách hy sinh (ἀγάπη/ agápē) như Người, vì chính nhờ tình yêu khiêm hạ, hy sinh của Đức Giê-su mà nhân loại được giải thoát khỏi xiềng xích tội lỗi và sự chết, được thông phần vào sự sống hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Phục sinh là hoa trái tột đỉnh của sự đau khổ và sự chết của Đức Giê-su trên cây thập tự. Nhờ sự phục sinh, Đức Giê-su khai mào và thông ban sự sống mới, sự sống vĩnh cửu cho con người, sự sống mà khi đạt đến tình trạng hoàn hảo chung cuộc thì sẽ vĩnh viễn không còn bóng dáng nào của tội lỗi, sự chết, hay bất kỳ sự dữ nào khác. Nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su, vực thẳm giữa Thiên Chúa hằng sống và con người hay chết được nối liền. Nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su, con người phải chết được mặc lấy sự bất tử và được hội nhập môi trường vĩnh cửu của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô viết: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr,15,14). Nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su, con người được chung hưởng sự sống vĩnh cửu: “Khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng” (1 Cr 15,54). Như vậy, sự phục sinh của Đức Giê-su vừa là bảo chứng chân thực nhất cho niềm tin của con người về sự sống vĩnh cửu vừa là hy vọng lớn lao nhất của con người trong thời gian là được kết hợp cùng Người luôn mãi. Quả thực, niềm tin vào sự sống vĩnh cửu mà Đức Giê-su đem đến nhờ mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Người thuộc về trọng tâm của nội dung đức tin Ki-tô Giáo. Nhờ sự phục sinh, Đức Giê-su mở ra cho nhân loại viễn cảnh mới mẻ mà nhờ đó con người, khi còn ở đời này, sống trong thời gian cũng đã có được niềm hy vọng, cậy trông vững chắc sẽ được tham dự trọn vẹn vào sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Sự phục sinh của Đức Giê-su đương nhiên minh báo (vindication) cho mọi người biết rằng những lời Người nói và những việc Người làm trước đó đều đúng đắn, đều trở thành hiện thực. Không những thế, sự phục sinh của Người còn đem lại cho con người cái nhìn lạc quan với nền tảng vững chắc về tương lai của mình.
Đức Giê-su đến trần gian để cho mọi người biết thế nào là sự sống vĩnh cửu. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Người thân thưa cùng Chúa Cha: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Người cũng nguyện xin cùng Chúa Cha: “Con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24). Như vậy, vĩnh cửu theo mặc khải của Đức Giê-su có nhiều khác biệt quan trọng so với vĩnh cửu theo tư tưởng của các triết gia Hy-lạp, dù là Plato, Aristotle, những người theo phái Khắc Kỷ hay phái Tân Plato. Đức Giê-su tỏ cho mọi người biết rằng thực tại hay hữu thể vĩnh cửu của Do-thái Giáo và Ki-tô Giáo tuy hoàn hảo và bất khả biến dịch trong bản tính nội tại nhưng không có nghĩa là bất động về mọi phương diện hay lãnh đạm, dửng dưng đối với mọi thực tại khác nhất là những thực tại hiện hữu và hoạt động trong thời gian; thực tại vĩnh cữu của Đức Giê-su lại càng không phải là hữu thể vô ngã, không có trí hiểu và ý muốn. Thật vậy, mặc khải của Đức Giê-su soi sáng cho con người hiểu biết thích hợp về thực tại vĩnh cửu bằng cách tin nhận và chiêm ngắm mầu nhiệm của chính Người. Theo đó, Người là Lời vĩnh cửu và sống động phát sinh từ Chúa Cha, từ đời đời và mãi mãi sống trong tương quan liên vị theo sự hiểu biết và tình yêu mến đối với Chúa Cha: Như tương quan của Chúa Con được sinh ra từ Chúa Cha là Lời vĩnh cửu diễn tả Chúa Cha cách hoàn hảo và hiệp nhất với Chúa Cha trong cùng tình yêu liên kết là Chúa Thánh Thần. Chẳng những thế, muôn vật muôn loài đã được sáng tạo từ hư vô nhờ Đức Giê-su là Lời vĩnh cửu của Chúa Cha và trong những gì được sáng tạo có loài người và thiên thần là hai loài còn được thông ban sự sống ân sủng nhờ Chúa Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Con. Rồi khi loài người sa ngã thì được cứu thoát khỏi tội lỗi nhờ Đức Giê-su là Lời của Thiên Chúa trở nên người phàm. Hơn nữa, loài người được Chúa Thánh Thần ban sự sống ân sủng để được liên kết với Đức Giê-su như là chi thể với Đầu trong cùng một Thân Thể để rồi sau cùng được hiệp nhất nên một trong Nước Thiên Chúa. Chẳng những thế, muôn vật muôn loài khác trong thế giới thụ tạo nhờ tương quan với con người cũng hy vọng sau cùng sẽ được biến đổi, siêu thăng mà tham dự cách nào đó vào vinh quang bất diệt của con cái Thiên Chúa (Rm 8,18-22).
Khoảng bảy trăm năm trước Đức Giê-su, ngôn sứ I-sai-a cho chúng ta biết Đức Giê-su là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Is 7,14; Is 8,8). Quả thực, trong Biến Cố Đức Giê-su nhập thể, Thiên Chúa vĩnh cửu đích thân ở cùng con người trong thời gian. Người không chỉ hiện diện trên trần gian ba mươi ba năm nhưng hiện diện luôn mãi. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Trình thuật Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Mát-thêu cho chúng ta biết rằng trước khi về trời, Đức Giê-su phục sinh nói lời cuối với với các môn đệ: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” [ἕως τῆς συντελείας τοῦ αἰῶνος/ until the end of the age] (Mt 28,20). Điều này có nghĩa rằng trong Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su luôn hiện diện với các Tông Đồ cũng như với tất cả những ai tin vào Người nhờ lời rao giảng của các ngài. Điển hình là Đức Giê-su hiện diện khi các Ki-tô hữu tụ họp để chia sẻ Lời Chúa hay cử hành các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, vì trong bí tích cực thánh này, Người hiện diện trọn vẹn theo bản thể dưới dấu chỉ bánh rượu, hầu cho các tín hữu trong thời gian được gặp gỡ Người là Đấng vĩnh cửu, vì được rước Mình và Máu Thánh Người mà nên một với Người trong Thân Mình mầu nhiệm của Người là Giáo Hội, nên một với Đấng vĩnh cửu ngay trên đường lữ hành trần thế, trong thời gian và không gian cụ thể của mỗi người.
Trong Diễn Từ Bánh Hằng Sống, Đức Giê-su nói với mọi người như sau: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,54-56). Khi Đức Giáo Hoàng U-ba-nô IV thiết lập Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô (Corpus Christi, 1264), thánh Tô-ma A-qui-nô (1225-1274) đã viết: “Ôi bữa tiệc thánh thiêng trong đó Đức Kitô được lãnh nhận: Tưởng niệm về cuộc khổ nạn của Người được thực hiện, tâm trí được đầy tràn ơn sủng, và bảo chứng của vinh quang tương lai được tặng ban” [O sacrum convivium in quo Christus sumitur: Recolitur memoria passionis Eius, mens impletur gratia et futurae gloriae nobis pignus datur]. Chúng ta thấy sự hiện diện của quá khứ (sự tưởng nhớ Người được thực hiện), hiện tại (tâm trí chúng ta đầy tràn ân sủng) và tương lai (chúng ta được trao ban bảo chứng vinh quang mai ngày) trong Bí Tích Thánh Thể. Như vậy, đối với thánh Tô-ma A-qui-nô, ai rước lấy Đức Giê-su Thánh Thể là rước lấy Đấng vĩnh cửu trong thời gian. Ai kết hợp với Đức Giê-su Thánh thể là kết hợp với Đấng vẫn là một trong quá khứ, hiện tại cũng như mai ngày.
Nếu con người và muôn vật muôn loài chỉ hiện diện trong thời gian và qua đi hay tàn lụi cùng với thời gian thì câu hỏi đặt ra: ‘Đâu là ý nghĩa của thời gian cũng như muôn vật muôn loài trong thời gian?’ Dưới nhãn quan Ki-tô Giáo, con người sẽ không hiểu được thời gian nếu không tham chiếu vĩnh cửu. Bởi vì, thời gian và những gì trong thời gian chỉ có ý nghĩa khi được đặt trong bối cảnh huyền nhiệm hơn, cao quý hơn và kỳ diệu hơn, đó là vĩnh cửu. Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta nhận thức rằng con người được dựng nên trong thời gian và được mời gọi đến với vĩnh cửu. Do đó, là thụ tạo nhưng con người trở nên cao trọng bởi vì con người không chỉ thuộc về thời gian mà còn thuộc về vĩnh cửu nữa. Để chuẩn bị cho con người trong thời gian về với vĩnh cửu, Đức Giê-su đã đến trong thời gian để chia sẻ với con người mọi sự ngoại trừ tội lỗi và hậu quả luân lý của tội lỗi hầu cứu độ và giải thoát con người khỏi xiềng xích của tội lỗi và nanh vuốt của sự chết (Dt 2,17-18; Dt 4,15). Người luôn là khuôn mẫu cho mọi người về việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa, để nhờ sự vâng phục đó mà tích cực và trung thành cộng tác với ân sủng để bản thân được biến đổi sao cho ngày càng phù hợp hơn với phẩm giá và thực tại vĩnh cửu dành cho con cái Thiên Chúa.
Ai lắng nghe, tin tưởng, thực thi lời của Thiên Chúa mà Đức Giê-su giảng dạy, vâng theo thánh ý Thiên Chúa và nhờ vậy sống kết hợp với Người, ở lại trong Người, gắn bó với Người như cành nho với cây nho thì họ là mẹ, anh, chị, em của Người trong Chúa Thánh Thần (Mt 12,46-50; Mc 3,31-35; Lc 8,19-21; Ga 15,5-10). Nói cách khác, nhờ tương quan như thế với Đức Giê-su mà họ đang tiếp cận vĩnh cửu trong thời gian. Chẳng hạn, thánh Lu-ca trình thuật rằng khi tên gian phi cùng chịu đóng đinh trên cây thập tự (như Đức Giê-su) ăn năn hối cải và xin Đức Giê-su nhớ đến anh ta thì Đức Giê-su nói: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23,43). Một số vị thánh trong dòng lịch sử Giáo Hội như thánh Phao-lô, thánh Phan-xi-cô Át-xi-di, thánh Gio-an Thánh Giá hay thánh Tê-rê-xa A-vi-la xem ra nếu không được hưởng kiến Thiên Chúa (visio beatifica) ngay trên trần gian thì cũng có kinh nghiệm thần bí (xuất thần) hoàn hảo, gần với hưởng kiến thiên quốc (2 Cr 12,2-4). Nhưng dù có hay không có hưởng kiến thiên quốc ở đời này thì đối với bất kỳ vị thánh nào trên đường lữ hành cũng đã sống và chết trọn vẹn cho Đức Giê-su, trở nên đồng hình đồng dạng với Người xét như Người là Lời vĩnh cửu nhưng nhập thể để trở nên người phàm trong thời gian hầu thiết lập ơn cứu độ cho con người. Nói cách khác, mỗi vị thánh đều có thể nói được như thánh Phao-lô: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21) hay “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Khi thánh Phao-lô và các vị thánh khác có thể xác tín như vậy thì quả thực các ngài đang tiếp cận thế giới vĩnh cửu của Thiên Chúa ngay ở đời này, không chỉ về mặt siêu nhiên mà cả về mặt tự nhiên, hay đúng hơn thế giới vĩnh cửu đang thâm nhập và ảnh hưởng mạnh mẽ trên sự sống tự nhiên nhờ sự sống siêu nhiên của các ngài. Tuy nhiên, bao lâu còn trong thời gian thì bấy lâu các thánh còn phải kinh nghiệm những bất toàn, khiếm khuyết cũng như những hạn chế của thân xác hay chết, phải chịu sự chi phối của luật biến dịch nhưng sự sống lại vĩnh cửu trong linh hồn các ngài cũng đã và đang rạng lên, tỏa sáng cách nào đó trong thân xác.
Kinh nghiệm con người thuộc mọi thời, mọi nơi đều cho chúng ta thấy rõ rằng con người không bao giờ thỏa mãn với quyền năng, tình yêu và sự sống thấp kém hơn, nhỏ bé hơn quyền năng, tình yêu và sự sống vĩnh cửu được Đức Giê-su loan báo và diễn tả trong hành trình trần thế của Người. Chỉ có sự vĩnh cửu và những gì thuộc thế giới vĩnh cửu của Thiên Chúa mới đáp ứng khát vọng hướng về tuyệt đối hiện diện trong chốn sâu thẳm nhất của lòng người cho dù không phải lúc nào cũng được nhận ra trên bình diện ý thức. Trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, khi diễn giải nội dung Tám Mối Phúc, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6,19-20). Trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Người là ‘Cửa’ (cho chiên ra vào) và là Mục Tử Nhân Lành (Ga 10,7; Ga 10,11). Người cũng nói rõ sứ mệnh của Người: "Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào" (Ga 10,10). Tại sao vậy? Thưa, tại vì Đức Giê-su là Nguồn Sống, là Sự Sống và là Đấng trao ban sự sống vĩnh cửu cho mọi người. Điều này được thánh nhân diễn tả rõ hơn trong Thư gửi các tín hữu: “Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: Sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi” (1 Ga 1,2). Thánh nhân cũng quả quyết: “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người” (1 Ga 5,11). Đức Giê-su đến trần gian không chỉ giúp con người được sống xứng đáng với phẩm giá của mình mà còn được thừa hưởng sự sống vĩnh cửu. Nhờ Đức Giê-su, con người mới có thể định hướng đúng đắn hơn cho sự sống trần thế trong thời gian của mình, xét theo mọi phương diện (thể lý, tâm lý, luân lý), nghĩa là sự sống ngày càng phù hợp hơn với sự sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Quả thực, ai tin tưởng và thực thi giáo huấn của Đức Giê-su thì đã sống những giá trị vĩnh cửu trong thời gian. Họ thực sự là công dân của Nước Thiên Chúa. Như vậy, Nước Thiên Chúa không chỉ ở 'thì tương lai' mà ngay trong 'thì hiện tại', thì của những ai trung tín với Đức Giê-su, thực thi giáo huấn của Người và hoàn toàn đặt hy vọng nơi Người. Quả thực, trong hành trình trần thế, Đức Giê-su cho mọi người biết rằng Nước Thiên Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến nhưng con người thường không quan tâm đúng mức (Lc 10,9; Mt 12,28; Lc 22,18).
Theo thánh Phao-lô, những gì hữu hình phản ánh những gì vô hình. Thế giới hữu hình diễn tả Thiên Chúa vô hình, Thiên Chúa vĩnh cửu. Thánh nhân viết: “Những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm 1,20). Thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu quan tâm đến những gì vô hình hơn là những gì hữu hình: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2 Cr 4,17-18). Thánh nhân nhắc nhở các tín hữu: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2). Cùng chung nhãn quan với thánh Phao-lô, tác giả Thư gửi tín hữu Do-thái viết: ”Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế, những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có” (Dt 11,3). Như vậy, dưới nhãn quan của thánh Phao-lô và tác giả Thư gửi tín hữu Do-thái, con người cần đặt ưu tiên cho những gì vô hình hơn là hữu hình, những gì nội tâm hơn là những gì ngoại tâm, những gì thuộc bổn phận luân lý hơn là những gì thuộc nhu cầu thể lý, những gì thuộc thiên giới vĩnh cửu hơn là những gì thuộc hạ giới đang qua đi và tiến dần đến chỗ kết thúc.
Ngay trong thế giới hữu hình, khả giác, sự hiểu biết của con người cũng rất giới hạn. Quả thực, con người không bao giờ biết được thành phần nhỏ nhất hay lớn nhất của thế giới vật chất là gì; con người không bao giờ có thể phân biệt tường tận những khác biệt giữa muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo; con người không bao giờ hiểu biết mình ‘như mình là’; con người cũng không bao giờ hiểu biết tường tận các tương quan giữa các thực thể trong vũ trụ. Không chỉ tri thức và ước muốn khả giác của con người mà ngay cả tri thức khả niệm và ý muốn của họ (theo chừng mực mà những khả năng trước lệ thuộc vào những khả năng sau, bị chi phối bởi chúng) cũng bị giới hạn bởi thời gian, không gian và nhiều nhân tố khác thuộc thế giới vật chất, hữu hình. Những gì con người biết về bản thân, về người khác, về muôn vật muôn loài luôn ít hơn nhiều so với những gì chưa biết. Những câu hỏi của con người về bản chất của các sự vật, về các hiện tượng tự nhiên, về các biến cố, các sự kiện xã hội, lịch sử luôn nhiều hơn những câu trả lời. Thời nào cũng vậy, luôn có những người cho rằng một ngày nào đó con người sẽ hiểu biết tất cả. Tuy nhiên, mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng nhận thức của con người luôn giới hạn. Theo tác giả sách Giảng Viên: “Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử” (Gv 3,11). Do vậy, để có thể hiểu biết nhiều hơn, con người cần khiêm tốn hơn, cần trút bỏ hơn và luôn ý thức rằng mình không bao giờ hiểu biết mọi sự.
Khi chúng ta tiếp cận chủ đề ‘vĩnh cửu trong thời gian’ thì nhờ mặc khải của Thiên Chúa mà hiểu biết của chúng ta được soi sáng và được khích lệ để tìm hiểu thêm. Tuy nhiên, chúng ta luôn phải đối diện với nhiều khó khăn trong việc diễn tả tương quan giữa vĩnh cửu và thời gian. Một mặt, theo ánh sáng mặc khải Ki-tô Giáo, chúng ta biết rằng Thiên Chúa sáng tạo thời gian và những gì trong thời gian từ hư vô (ex nihilo, St 1,1-25; 2 Mcb 7,28). Do đó, dù thời gian có kéo dài vô tận hay thậm chí cũng không có khởi điểm (thời điểm đầu tiên mà thời gian bắt đầu) thì nó cũng không phải là vĩnh cửu. Chúng ta cũng nhận định rằng thực tại vĩnh cửu không hiện hữu theo tiến trình hay trật tự của thời gian; phách nhịp của vĩnh cửu không đồng điệu với phách nhịp của thời gian. Mặt khác, mặc khải Ki-tô Giáo cũng cho chúng ta biết rằng thời gian không xa lạ với vĩnh cửu. Thời gian cũng như muôn vật muôn loài luôn hiện diện trong sự quan phòng của Thiên Chúa vĩnh cửu. Nghĩa là thời gian và những gì trong thời gian luôn được Thiên Chúa nâng đỡ, biến đổi và quy tụ trong trời mới đất mới (Rm 8,18-21; Kh 21,1-4).
Như đề cập ở trên, thực tại vĩnh cửu không có khởi đầu cũng không có kết thúc vì đó là Thiên Chúa hay những gì thuộc về Người cách trực tiếp và thích hợp, trong khi đó, thời gian lại có khởi đầu và có kết thúc theo nghĩa hiện hữu của nó không đến từ nó mà hoàn toàn lệ thuộc vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa ở ngoài và ở trên nó. Thời gian được sáng tạo từ hư vô khi Người sáng tạo thế giới vật chất. Thời gian phản ánh vĩnh cửu cách bất toàn, thời gian mang dấu ấn mờ nhạt của vĩnh cửu, thời gian lệ thuộc vĩnh cửu chứ không ngược lại. Nói cách khác, nguồn gốc và cùng đích của thời gian là vĩnh cửu. Do đó, con người cần đặt ưu tiên cho vĩnh cửu, hướng tâm trí về vĩnh cửu hơn là thời gian. Đối với Thiên Chúa, sự hiện diện của Người là sự hiện diện vĩnh cửu (Eternal Presence). Nhờ sự toàn tri vô hạn, tuyệt đối của Thiên Chúa và nhờ bản thể Người là nguyên nhân tối cao và siêu việt của mọi sự hiện hữu mà muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo luôn hiện diện đồng thời trước tôn nhan Người, ‘xảy ra lập tức’ như thể cùng một trật trước tôn nhan Người. Dù diễn tiến theo trật tự, tiến trình thời gian nào, mọi cái đều được Thiên Chúa biết như thể trong hiện tại cùng một trật. Tác giả Thánh Vịnh 90 viết: “Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90,4). Thánh Phê-rô cũng viết tương tự: “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: Đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2 Pr 3,8). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Mầu nhiệm Chúa Ki-tô làm sáng tỏ mầu nhiệm sáng tạo… Ngay từ buổi đầu, Thiên Chúa đã nhắm tới vinh quang của sáng tạo mới trong Đức Ki-tô" (GLGHCG 280). Quả thật, Thiên Chúa sáng tạo con người cách kỳ diệu, Thiên Chúa cứu chuộc con người cách kỳ diệu hơn nhờ Đức Giê-su là Lời vĩnh cửu hiện diện trong thời gian (St. Anselm, ‘Cur Deus Homo’, Basic Writings, Ed. and Trans. by Thomas Williams, 309).
Tại sao Đức Giê-su là Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa lại trở thành người phàm? Tại sao Vĩnh Cửu lại đến với thời gian? Tại sao Thiên Chúa không dùng cách thức khác để tha thứ tội lỗi và hòa giải con người với Thiên Chúa? Đây là những câu hỏi của quá khứ, hiện tại cũng như mai ngày mà không bao giờ con người có thể giải thích cách tường tận xét về mặt lý trí. Mầu nhiệm nhập thể mãi mãi là mầu nhiệm khôn dò khôn thấu, bởi vì, Đức Giê-su, Đấng vĩnh cửu và vô biên lại hiện diện trong thời gian và không gian hữu hạn. Một mặt, chúng ta hiểu biết Đức Giê-su nhờ những lời Người nói và những việc người làm. Mặt khác, chúng ta không hiểu biết Đức Giê-su cách trọn vẹn vì những giới hạn của chúng ta trong không gian, thời gian, ngôn ngữ, biểu tượng cũng như nhiều hình thức giới hạn khác nữa. Quả thực, Biến Cố Đức Giê-su hiện diện trong thời gian, trong môi trường thế giới thụ tạo, luôn siêu việt kinh nghiệm truyền thống, văn hóa của con người qua muôn thế hệ (1 Cr 1,17-25). Đó là lý do tại sao con người cần Thiên Chúa ban ơn trợ giúp để có thể tin tưởng vào Đức Giê-su cách thích hợp và tin tưởng như vậy ngày càng nhiều hơn, hoàn hảo hơn, để nhờ sự tin tưởng đó hay đúng hơn nhờ ‘đức tin qua việc làm’, nghĩa là đức tin được đức mến định hình, con người ngày càng tiến triển hơn trong tương quan siêu nhiên với Người (Gc 2,14-26).
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su mặc khải cho các môn đệ biết Người là Đường (Ga 14,6). Chúng ta có thể nói rằng Đường của Đức Giê-su là Đường của Thiên Chúa, là Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian và cũng là Đường dẫn con người trong thời gian về với vĩnh cửu. Bởi vì, nhờ Người, với Người và trong Người, Thiên Chúa sáng tạo, cứu độ và thánh hóa con người cũng như biến đổi muôn vật muôn loài để cho tham dự vào thế giới vĩnh cửu. Lịch sử thế giới thụ tạo và lịch sử nhân loại chung quy cũng chính là lịch sử cứu độ, là lịch sử về sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa theo nhiều cách thức khác nhau mà trung tâm và tột đỉnh của lịch sử thánh là sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su trong trần gian, tức của Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian. Mọi người được mời gọi đi trên Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian để nhờ vậy mà hiệp nhất với Đường đó cũng như hiệp nhất với nhau và sau cùng về với Thiên Chúa vĩnh cửu. Trong Biến Cố Nhập Thể, Đức Ma-ri-a đại diện cho nhân loại như là người nghèo hèn, khiêm hạ nhất trong những người nghèo của Gia-vê (anawim Yahweh), đã cưu mang Con Thiên Chúa vĩnh cửu. Với Biến Cố Nhập Thể, Con Một vĩnh cửu của Thiên Chúa đã trở thành Đường Vĩnh Cửu của con người hầu giúp con người nhận ra tình yêu, lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa đối với mình.
Như đề cập ở trên, nhờ Đức Giê-su là Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian, con người mới được chiêm ngưỡng Lời Chúa hay Ngôi Hai Thiên Chúa trở nên người phàm và nhờ Người mà được thông phần vào tương quan liên vị của Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người cần hiệp thông với Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian, ngắm nhìn với Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian, đối thoại với Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian. Nhờ đó, những trăn trở của mình về nguồn gốc, về sự sống, về định mệnh có được câu trả lời thích hợp và đúng đắn nhất. Chúng ta có thể khẳng định rằng khi Đức Giê-su là Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian được đón nhận cũng là khi con người có được bản đồ cần thiết cho lộ trình trần thế của mình. Bản đồ này được diễn tả bằng lời nói và hành động yêu thương của Đức Giê-su đối với mọi người, nhất là những người tội lỗi, bé mọn và bị loại trừ trong xã hội. Do đó, mọi người cần ý thức hơn về việc đặt bức tranh nhỏ của bản thân mình trong bức tranh lớn của gia đình nhân loại cũng như vạn vật, bởi vì, nhờ Đức Giê-su, mọi người trong thời gian được mời gọi trở thành con cái của Thiên Chúa vĩnh cửu (Mt 5,9; Ga 1,12; Rm 9,8; 2 Cr 6,18; Gl 3,26).
Trong Thư thứ nhất gửi các tín hữu, thánh Gio-an viết: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2). Chúng ta được mời gọi đặt niềm tin vào Đức Giê-su là Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian và đi theo Người cho dù chúng ta không thấy Người ‘bằng xương bằng thịt’. Trong đức tin, đức cậy và đức mến, chúng ta hãy mở lòng để đón nhận và đi Đường Đức Giê-su, nhờ đó, chúng ta mới có thể đến được với Thiên Chúa vĩnh cửu. Chúng ta cần ý thức rằng các thực tại vô hình, nhất là các thực tại vĩnh cửu chỉ có thể được khám phá và nhìn nhận dưới lăng kính của các nhân đức Ki-tô Giáo căn bản (đức tin, đức cậy và mến) kết hợp với lăng kính của lý trí tự nhiên hay khả năng tri thức lành mạnh, một khả năng nhất thiết bao hàm sự khiêm tốn của con người để có thể nhận ra giới hạn của nó. Quả thực, tri thức của con người, của thụ tạo ‘kém thiên thần một chút’, thật cao quý bởi vì nhờ đó con người có thể tiếp cận, phân định hay đánh giá những gì liên quan đến bản thân, vạn vật cũng như thế giới siêu nghiệm. Tuy nhiên, tri thức con người không phải là vô hạn để có thể lĩnh hội và hiểu biết mọi sự.
Chúng ta cần ý thức rằng nơi các cộng đoàn Ki-tô hữu thời sơ khai, nhất là vào những giai đoạn bị đế quốc Rô-ma bách hại, không có tranh luận nhiều và sâu xa về thiên tính hay nhân tính của Đức Giê-su. Với xác tín đúng đắn, căn bản và bất diệt rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, họ chỉ cần yêu mến, sống chết cho Người, vì Người, với niềm cậy trông, hy vọng vững chắc rằng nhờ gắn bó với Người là Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian mà sau cùng họ sẽ đạt được sự sống vĩnh cữu trong Nước Thiên Chúa. Chỉ về sau, nhất là từ đầu thế kỷ IV cho đến cuối thế kỷ V, khi Ki-tô Giáo được đế quốc Rô-ma thừa nhận, thậm chí tôn trọng như quốc giáo thì Giáo Hội mới được tự do phát triển và Tin Mừng được tự do loan truyền, phổ biến. Khi Tin Mừng tiếp xúc, gặp gỡ sâu rộng với văn hóa Hy Lạp, đối diện với những thách đố tri thức của nó (đương nhiên không thể không xuất hiện và phát triển nơi các Ki-tô hữu nhu cầu đào sâu, giải thích và bảo vệ các sự thật đức tin về thiên tính, nhân tính và ngôi vị của Đức Giê-su) thì những tín biểu Ki-tô học quan trọng được đúc kết và giới thiệu. Chẳng hạn, định tín Ki-tô học bởi Công Đồng Can-xê-đô-ni-a năm 451 xác quyết sự kết hiệp hoàn hảo nhưng phân biệt thật sự giữa hai bản tính (thiên tính và nhân tính) trong cùng một ngôi vị duy nhất của Đức Giê-su. Cũng từ đây, định tín này trở thành nền tảng cho sự phát triển Ki-tô học và những suy tư thần học chân chính, có hệ thống về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người.
Tác giả Thư gửi tín hữu Do-thái cho chúng ta biết: "Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời" (Dt 13,8). Người đã đến, đang đến và sẽ đến, đó là nội dung chính yếu của mặc khải Ki-tô Giáo. Do đó, bao lâu con người không nhìn nhận Đức Giê-su là Đường của mình thì bấy lâu con người không thể thoát khỏi cám dỗ của muôn hình thức chủ nghĩa, nhất là mãnh lực hư vô hóa của chủ nghĩa tương đối trong thời đại hôm nay. Những ai kết hợp mật thiết với Đức Giê-su trong hành trình trần thế thì được kết hợp với Người trong thời cánh chung, trong Nước Thiên Chúa vĩnh cửu. Kinh nghiệm của các thánh trong lịch sử cho chúng ta biết rằng ai yêu mến Đức Giê-su, Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian thì người đó luôn được bình an giữa những bấp bênh, bất định, thăng trầm, kể cả những gian nan, thử thách của thời cuộc. Người hết lòng trung thành sống theo Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian thì sinh hoa kết quả dồi dào cho bản thân, gia đình và anh chị em đồng loại. Người say mê Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian thì càng ý thức hơn về sự cần thiết phải hy sinh, quên mình cho tha nhân, đặc biệt những ai nghèo hèn, khốn khổ hay bị loại trừ trong xã hội bởi vì những đối tượng này được đồng hóa với Đức Giê-su (Mt 25,31-46). Người đi Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian thì luôn ý thức về sự cần thiết phải sống theo những giá trị vĩnh cửu mà Đức Giê-su đã loan báo và minh chứng bằng đời sống và cái chết trên cây thập tự như được các tác giả Tin Mừng trình thuật.
Khởi đầu Thư gửi Ti-tô, thánh Phao-lô bày tỏ sứ vụ của ngài trong việc loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại. Ngài viết: “Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Thiên Chúa và Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô, có nhiệm vụ đưa những kẻ Thiên Chúa chọn đến đức tin và sự nhận biết chân lý phù hợp với đạo thánh, với niềm hy vọng được sự sống đời đời mà Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối đã hứa từ thuở đời đời” (Tt 1,1-2). Trên đường tới Đa-mát để bắt trói các Ki-tô hữu và giải về Giê-ru-sa-lem, nhờ sự gặp gỡ Đức Giê-su phục sinh là Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian, thánh Phao-lô đã thay đổi đường đời của mình từ người lùng bắt các Ki-tô hữu thành người Ki-tô hữu, người môn đệ và tông đồ trung tín nhất của Đức Giê-su (Cv 9,1-30). Ngài đã nên một với Đức Giê-su trong quãng đường còn lại của đời mình (2 Cr 4,5; Gl 1,15-16; Ep 3,7-9). Thấm nhuần giáo huấn của Đức Giê-su và ý thức sự cần thiết phải loan báo Tin Mừng về Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian, thánh Phao-lô viết Thư cho Ti-mô-thê, môn đệ của thánh nhân như sau: “Tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su, và được hưởng vinh quang muôn đời” (2 Tm 2,10). Kinh nghiệm của thánh Phao-lô giúp chúng ta ý thức rằng ai mang danh là Ki-tô hữu thì hãy sống theo những giá trị mà Đức Giê-su loan báo, biến đổi bản thân theo những giá trị đó và làm cho những giá trị đó sinh hoa kết quả dồi dào nơi bản thân mình cũng như các hình thức cộng đoàn mà mình tham dự. Như vậy, là hậu duệ của thánh nhân, các Ki-tô hữu không chỉ được mời gọi đi theo Đức Giê-su, Đường Vĩnh Cửu Trong Thời Gian, mà còn được mời gọi loan báo Tin Mừng về Đường này cho anh chị em đồng loại. Đây là Tin Mừng lớn lao nhất bởi vì Đức Giê-su, Đấng vĩnh cửu đã hiện diện trong thời gian, giữa lòng nhân loại để đồng hành, biến đổi và quy tụ con người cũng như vạn vật cho Thiên Chúa (Ep 1,9-10).