Về việc sử dụng bài hát “Chúa chăn nuôi tôi”

Bài hát Chúa chăn nuôi tôi của nhạc sĩ Phanxicô không thể được dùng làm Thánh vịnh đáp ca, vì lời bài hát không phải bản văn Lời Chúa.

VỀ VIỆC SỬ DỤNG BÀI HÁT
CHÚA CHĂN NUÔI TÔI” CỦA NHẠC SĨ PHANXICÔ
LÀM THÁNH VỊNH ĐÁP CA


WHĐ (20.10.2021) - Nhiều lần, khi tham dự các thánh lễ an táng, hay cầu cho người qua đời, chúng tôi nhận thấy ở khá nhiều nơi, người ta sử dụng bài hát Chúa chăn nuôi tôi của nhạc sĩ Phanxicô trong phần Thánh vịnh đáp ca. Bài hát có giai điệu khá hay, nhưng lời bài hát chỉ lấy một số ý từ Tv 23 (22), chứ không phải chính bản văn Lời Chúa, nên không thể sử dụng làm Thánh vịnh đáp ca. Khi có dịp thuận tiện, chúng tôi thường nhắc nhở những người chọn bài hát, các chủng sinh và nữ tu, về việc này. Tuy nhiên, chúng tôi thấy cần phải trình bày vấn đề này ở phạm vi rộng rãi hơn để tránh những sai sót không đáng có trong các cuộc cử hành phụng vụ.

Một số những qui định phụng vụ

Bài Thánh vịnh đáp ca được xác định là một thành phần trong phụng vụ Lời Chúa. Quy chế tổng quát sách lễ Rôma, ở số 57, đưa ra hướng dẫn như sau:

Trong các bài đọc, bàn tiệc lời Chúa được dọn ra cho các tín hữu và các kho tàng Thánh Kinh được mở ra cho họ. Bởi thế, nên giữ thứ tự các bài đọc Thánh Kinh để cho người ta thấy rõ sự thống nhất của cả hai giao ước và lịch sử cứu độ, cũng không được phép thay thế các bài đọc và thánh vịnh đáp ca vốn chứa đựng lời Chúa, bằng các bản văn khác ngoài Thánh Kinh.

Sau đó, cũng Quy chế trên đây hướng dẫn cụ thể hơn về Thánh vịnh đáp ca, ở số 61:

Sau bài đọc thứ nhất là thánh vịnh đáp ca, bài ca này là thành phần trọn vẹn của phụng vụ lời Chúa và rất quan trọng về mặt phụng vụ và mục vụ, vì giúp suy niệm lời Chúa. Thánh vịnh đáp ca phải thích hợp với mỗi bài đọc và thường phải lấy từ Sách Bài đọc.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tìm được thắc mắc của Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa về vấn đề này, với tư cách là Giám mục phụ trách Uỷ ban thánh nhạc toàn quốc, gửi cho Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích ngày 10-11-2008. Câu trả lời liên quan đến lời văn Thánh vịnh đáp ca trong thư của Bộ nêu trên, ngày 3-2-2010, như sau:

Về bản văn của các Thánh vịnh Đáp ca bằng tiếng Việt, Ngài có trình bày những khó khăn trong việc soạn các âm điệu vì tiếng Việt có tới sáu dấu, bởi vậy việc cho các dấu của ngôn ngữ hòa hợp với các nốt nhạc qủa rất khó. Bộ hiểu nỗi khó khăn này, nhưng đồng thời, Bộ cũng tin tưởng rằng Ủy ban Thánh Nhạc thuộc Hội đồng Giám mục sẽ tìm ra những giải đáp thỏa đáng để có được những âm điệu hay và xứng hợp cho các bản văn này (xin xem Huấn dụ De Liturgia Romana et Inculturatione [Về Phụng vụ Roma và việc Hội nhập văn hóa, 25 /01/ 2004, số 40).

Nếu mỗi âm điệu đều đòi hỏi phải sửa đổi đôi chút bản văn, cho dù là những lời rất đơn giản, thì tình trạng của các bản văn phụng vụ chính thức này cuối cùng sẽ ra sao? Bản văn phụng vụ chắc chắn sẽ lộn xộn. Các nhạc sĩ công giáo Việt Nam khi được các Đức Giám mục yêu cầu sáng tác các âm điệu cho các bản văn phụng vụ, thì cũng được yêu cầu chấp nhận hy sinh cần thiết trong việc soạn các âm điệu theo các chuẩn mực của Giáo Hội liên quan đến vấn đề.[1]

Như vậy, những qui tắc phụng vụ đều nhấn mạnh rằng Thánh vịnh đáp ca là một phần của phụng vụ Lời Chúa và nếu có dệt nhạc, bản văn phải được lấy từ Sách Bài Đọc.

Đối chiếu lời bài hát Chúa chăn nuôi tôi của nhạc sĩ Phanxicô

Ở đây, chúng tôi sẽ không tiến hành công việc đối chiếu theo kiểu hàn lâm, tức là so sánh lời bài hát với các bản văn Kinh Thánh bằng tiếng Hípri hay tiếng Latinh. Chúng tôi sẽ đặt lời bài hát Chúa chăn nuôi tôi của nhạc sĩ Phanxicô bên cạnh bản dịch Sách Bài Đọc được ấn hành năm 1973 và bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV) để độc giả tiện so sánh.

THÁNH VỊNH 23 (22)

Bản dịch 1973[2]

Bản dịch CGKPV[3]

Lời bài hát[4]

Tv 22,1-3a.3b-4.5.6

Xướng 1: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguốn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Đáp (1): Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.

Hoặc đọc (4a): Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi.

 2: Người dẫn tôi qua những con đường đoan-chánh, sở dĩ vì uy danh Người. Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi, cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng tôi.

3: Chúa dọn ra cho tôi mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đâu tôi thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

4: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống: và trong nhà Chúa tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

1Thánh vịnh. Của vua Đa-vít.

CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

2Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành

3và bổ sức cho tôi.

Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính

vì danh dự của Người.

4Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u

con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

5Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.

Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,

ly rượu con đầy tràn chan chứa.

6Lòng nhân hậu và tình thương CHÚA

ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,

và tôi được ở đền Người

những ngày tháng, những năm dài triền miên.

ĐK: Chúa chăn nuôi tôi, Chúa chăn nuôi tôi, Chúa đưa tôi đi qua mọi nẻo đường. Người đưa tôi đi lên núi cao say sưa gió biển, vui uống suối miền Nam, vững tâm qua rừng mịt mù.

TK1: Người đưa tôi đi lên vườn trái ngát xanh trên đồi. Người dẫn tôi về tựa trùng khơi buông gió dìu mây trời. Người sắp cho tôi yến tiệc thơm hương hoa, Người rót cho tôi ly rượu thắm chan hòa. Đầu tôi người xức dầu thơm nồng nàn.

TK2 : Lòng không lo âu tuy vào giữa núi vây quân thù. Lòng vẫn êm đềm dù trời đêm thung lũng đầy sương mù. Cùng Chúa tôi đi suốt đời luôn hiên ngang. Nhờ Chúa tôi vui bao ngày tháng huy hoàng. Trần gian tươi thắm mùa xuân địa đàng.

TK3: Đời tôi trăm năm trong cuộc sống biết bao thăng trầm. Nghìn cõi xa gần vòng thời gian đưa mãi nhịp xoay vần. Này áo với cơm, đây bài thơ ươm mơ. Này xác với thân mang nặng tấm linh hồn. Đời tôi ôi Chúa hiểu sâu ngọn nguồn.

TK4: Dù bao chông gai tin vào Chúa vẫn luôn an bài. Lòng chẳng u hoài chờ bình minh lên giã từ đêm dài. Hạnh phúc cho tôi giữa đời không đơn côi. Vạn lý xa xôi có Người dẫn đưa về. Đời tôi mây trắng nhẹ trôi về trời.

 

Một vài nhận xét

Trước hết, khi đối chiếu các bản văn trên đây, độc giả có thể dễ dàng nhận ra rằng bản văn Sách Bài Đọc năm 1973 và bản văn CGKPV quả thực là hai bản dịch khác nhau của Tv 23, trong khi lời bài hát Chúa chăn nuôi tôi của nhạc sĩ Phanxicô rõ ràng không phải là bản dịch, mà chỉ được gợi hứng từ Thánh vịnh này. Nhạc sĩ đã lấy ra một số cách diễn tả và hình ảnh từ Tv 23 để dệt thành lời bài hát.

Theo những qui định đã được ghi nhận ở phần trên, nhận xét này khiến chúng tôi đi đến nhận xét thứ hai: Bài hát Chúa chăn nuôi tôi của nhạc sĩ Phanxicô không thể được dùng làm Thánh vịnh đáp ca, vì lời bài hát không phải bản văn Lời Chúa. Thiết tưởng việc dùng một bản văn của con người, dù bản văn đó được gợi hứng từ Lời Chúa, để thay thế Lời Chúa là một việc làm khó có thể biện minh và không thể chấp nhận được trong truyền thống phụng vụ của Hội Thánh công giáo.

Chúng tôi cũng ghi nhận rằng những người chọn bài hát có lẽ không chú ý đến những qui tắc phụng vụ, cũng không mấy quan tâm đến việc lời bài hát có phải là bản văn Lời Chúa hay không. Bài hát này được chọn làm Thánh vịnh đáp ca đơn giản vì người ta vẫn thường chọn những bài hát Chúa chăn nuôi tôi cho phần này trong thánh lễ. Hơn nữa, giai điệu bài hát của nhạc sĩ Phanxicô lại khá hay, những lời ca mượt mà hấp dẫn.

Do vậy, bài viết của chúng tôi chỉ muốn là một lời nhắc nhở để những ai có trách nhiệm chọn bài hát trong phụng vụ lưu ý, nhằm tránh những sai sót không đáng và không nên có. Tóm lại, bài hát Chúa chăn nuôi tôi của nhạc sĩ Phanxicô có thể được dùng vào những thời điểm khác trong phụng vụ, nhưng không thể dùng bài hát này làm Thánh vịnh đáp ca trong thánh lễ.

Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS


[1] Trích từ trang điện tử simonhoadalat.com, truy cập ngày 15-10-2021.

[2] Sách bài đọc trong Thánh lễ ngoại lịch, (Sài Gòn 1973), trang 236.

[3] Kinh Thánh ấn bản 2011, (Hà Nội 2011), trang 1145.

[4] Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, Tuyển tập thánh ca Laudato Si, (Thành phố Hồ Chí Minh 2018), trang 176-177.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...