Dại - Khôn

Thế sự đua nhau nói dại khôn

Dại - Khôn


Thế sự đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn?
(Trần Tế Xương).

Ở đời ai cũng muốn mình là người khôn. Chẳng ai tự nhận mình là người dại. Tuy nhiên:

Này kẻ nên khôn đều có dại,   
Làm người có dại mới nên khôn.
(Trần Tế Xương).

Và, không dễ mà đánh giá đúng được người khôn, kẻ dại. Những người thành đạt, giàu có, chưa hẳn đã là khôn. Những kẻ thất bại, nghèo hèn, chưa hẳn đã là dại. Vậy, đâu là khôn, đâu là dại?

Dụ ngôn “Mười cô trinh nữ” (Mt 25, 1-13) cầm đèn đi đón chú rể phân biệt rõ ràng. Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn. Các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.

Theo tục lệ người Do Thái thời bấy giờ, nghi thức rước dâu về nhà chồng bao giờ cũng được cử hành vào ban đêm. Người ta giải thích rằng: một trong những niềm vui lớn nhất trong một đám cưới trung lưu ở Palestine là làm sao bắt gặp nhà gái đang ngủ. Vì vậy, chàng rể thường đến bất ngờ, đôi khi vào lúc nửa đêm. Bởi thế, bạn bè, thân nhân, họ hàng bên nhà cô dâu,… phải canh thức, sẵn sàng chờ chàng rể đến để cùng nhau vào dự tiệc cưới. Trong nghi thức này, có nhiều trinh nữ cầm đèn cháy sáng để cuộc nghênh đón diễn ra tưng bừng náo nhiệt…

Hôm ấy, chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: “Kìa chú rể, ra đón đi!”

Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu của các chị, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn”.

Thế rồi: Những cô đã sẵn sàng được theo chú rể vào dự tiệc cưới. Và người ta đóng cửa lại. Mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Xin mở cửa cho chúng tôi!” Nhưng chỉ có tiếng đáp lại: “Tôi không biết các cô!”

Dụ ngôn “Mười cô trinh nữ” khẳng định rằng Chúa đến bất ngờ, như chú rể đến vào lúc nửa đêm. Cần phải tỉnh thức và sẵn sàng như năm cô khôn ngoan, cầm đèn cháy sáng trong tay.

Theo các nhà chú giải Kinh Thánh: Mười cô trinh nữ tượng trưng cho Hội Thánh, một Hội Thánh thánh thiện, tinh tuyền, vô tì vết. Chú rể tượng trưng cho sự tái lâm của Chúa Giêsu. Đèn là tâm linh con người. Dầu là ân sủng của Chúa Thánh Linh, là đức tin, đức cậy, đức mến của người tín hữu.

Mang thân phận con người, ai cũng có những yếu đuối phần hồn, phần xác. Do đó, con người phải được nuôi dưỡng bằng đức tin, tăng cường đức cậy, và củng cố đức mến mỗi ngày để luôn sẵn sàng, tỉnh thức chờ đợi Giờ Chúa đến. “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

Dụ ngôn “Mười cô trinh nữ” khuyên dạy mỗi người hãy mang tâm tình, hành động tựa như những cô khôn ngoan. Có đèn thôi, chưa đủ. Cần phải có đèn cháy sáng trong  tay, lúc Chúa đến bất ngờ. Nghĩa là phải luôn luôn sáng.
 

Mang danh là Kitô hữu thôi, chưa đủ. Cần phải sống hết mình theo ý Chúa. Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Cần chăm chút cho ngọn đèn đời mình. Cần thắp sáng ngọn đèn bằng thứ dầu của tình yêu bao dung, của niềm hy vọng vững vàng, của niềm tin sắt đá. Cần đổ thêm dầu mỗi ngày...
 

Một nhà giáo đã đặt câu hỏi cho các học sinh: “Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết rõ bạn chỉ sống đúng một ngày nữa thôi?” Kết quả: 20% học sinh trả lời ngay: Chúng tôi sẽ dùng thời gian còn lại để uống say sưa, hút ma túy, để vui chơi cho thỏa thích.

Chỉ có một nữ sinh trả lời rằng: Tôi sẽ dùng thời gian còn lại để chuẩn bị cho giờ cuối cuộc đời. Tôi sẽ cầu nguyện với Thượng đế và cảm tạ Ngài đã ban cho tôi một cuộc sống hạnh phúc viên mãn”.

Còn người Kitô hữu thì sao? -Hãy như cô dâu đang đứng trước ngày cưới. Luôn biết trang điểm cho mình bằng những việc lành phúc đức, chờ đón chàng rể là Đức Kitô đưa vào dự tiệc cưới Nước Trời.

Vũ Đình Bình

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...