Thiên Chúa đang đi với con người
Thiên Chúa không phán một lời từ trời cao để cứu con người. Chính Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người và ở với chúng ta. Ngài muốn đồng hành với cuộc sống của từng người. Đó là cách Thiên Chúa đã chọn để đem con người về với hạnh phúc.
Suy niệm CN III Phục Sinh:
Thiên Chúa đang đi với con người trong đại dịch
Thiên Chúa đang đi với con người trong đại dịch
Nếu nhân loại đang phải chịu nhiều thách đố trong thời gian này, thì chính Thiên Chúa vẫn luôn chọn cách đồng hành để từ từ đưa con người về với nhau và với Thiên Chúa.
1. Con đường Emmau năm 2020
Tin Mừng Chúa Nhật thứ 3 phục sinh kể về một câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau. Đó là con đường nối giữa thành phố Giêrusalem nguy nga tráng lệ và ngôi làng nhỏ bé nghèo hèn. Số là hai môn đệ này nuôi giấc mộng đổi đời khi đi theo Đức Giêsu. Các ông có lý khi bỏ mọi sự để đi theo một Đức Giêsu nổi tiếng. Kể từ khi Đức Giêsu chết và được chôn trong lòng đất, giấc mộng của các ông cũng bị chôn vùi. Mộng vỡ mơ tan. Các ông không còn con đường nào khác là lủi thủi đi về lại chốn xưa. Hẳn là các ông cũng không thiếu hoang mang, buồn phiền và lo lắng.
Tâm trạng của hai ông nếu chắp nối vào tâm trạng của mỗi người thời Covid–19 chắc cũng không khác nhau nhiều. Trước đại dịch, người ta mơ về một viễn tượng huy hoàng của biết bao dự án. Phát triển kinh tế đang tăng mạnh, mọi lãnh vực đời sống dường như khấm khá hơn xưa nhiều. Ai cũng tự tin để thực hiện ước mơ của mình. Công danh sự nghiệp hứa hẹn cho nhiều người. Bỗng dưng Covid–19 xuất hiện, mọi thứ bị đảo lộn và bức tranh kinh tế cũng phủ màu đen tối. Nhiều dự báo không mấy sáng sủa ở phía trước. Nếu như hai môn đệ vỡ mộng vì thầy Giêsu đã chết, thì nhiều người thời nay cũng rơi vào cảnh khó khăn chồng chất vì Virus. Đây hẳn là con đường chông gai đòi người ta phải bước đi nặng nề.
Nếu cụ Nguyễn Du viết rằng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”, thì chúng ta cũng chẳng vui gì trong hoàn cảnh này. Hầu hết mang tâm trạng lo lắng. Nhất là những ai là nạn nhân trực tiếp của virus. Thật khó để vượt qua nỗi đau này. Chẳng thế mà nhiều dự báo cho rằng sau thời đại dịch, sẽ có nhiều khủng hoảng kéo theo: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức, v.v... Đó thực sự là con đường gồ ghề khiến không ít người đuối sức. Nếu có mặt với hai môn đệ trên đường Emmau năm xưa, họ cũng đã không vượt qua được những thất vọng ê chề.
2. Có lý do để hy vọng
Trên con đường vô vọng đó, hai môn đệ gặp một vị khách bộ hành. Chúng ta biết đó là Đức Giêsu phục sinh, nhưng khi ấy các ông đâu biết gì. Đức Giêsu chọn cách đi cùng với họ. Dạo bước để từ từ tiếp chuyện. Ngài hỏi, các ông trả lời; Ngài lắng nghe, các ông hăng say kể; Ngài giải thích, các ông chưa hiểu gì; Ngài đi tiếp, các ông mời ở lại, vì trời đã xế chiều. Đó là tóm tắt ngắn gọn, nhưng thực tế câu chuyện của ba người này chắc đủ dài để cho thấy: Thiên Chúa luôn đồng hành với con người.
Trong câu chuyện trên, Đức Giêsu đang trao cho họ niềm vui Phục Sinh, khơi lên hy vọng trong lòng của họ. Ngài không nói ngay cho các ông rằng Ngài đã phục sinh. Ngài nhẹ nhàng đi cùng và muốn trò chuyện như những người bạn. Đó là con đường sư phạm của Đức Giêsu. Nhờ đó, mà “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người nhưng Người lại biến mất.” (Lc 24,30–31). Họ đã thấy và tin vào Chúa Phục Sinh. Lúc này, hai ông rộn ràng vui mừng trở về Giêrusalem để báo tin.
Kể ra chút chi tiết như thế để chúng ta thấy Thiên Chúa, qua Giáo Hội, cũng đang đi cùng với con người. Chưa bao giờ Giáo Hội muốn phớt lờ nỗi đau của con cái mình. Nhất là khi chúng ta gặp nạn, Thiên Chúa không bỏ rơi. Ngược lại, Ngài đến để ủi an, lắng nghe và chuyện trò. Tiếc là còn quá nhiều người chẳng tiếp chuyện với Ngài. Kết quả là không ít người mất hy vọng vào cuộc sống. Ai có thể trao ban bình an và hy vọng lớn lao bằng Thiên Chúa? Thay vì chạy đi tìm hy vọng nơi tạo vật hoặc chính mình, hãy chạy đến Thiên Chúa. Nói đúng hơn, chính Thiên Chúa cũng đã muốn được đi cùng con người. Vấn đề còn lại là người ta có hoan hỷ tiếp chuyện với Chúa hay không mà thôi.
Là người Công Giáo, chúng ta có kinh nghiệm ít nhiều về Thiên Chúa đồng hành. Ngài đang hiện diện trong tâm hồn mỗi người, nơi Giáo Hội, Xã Hội và chính trong những biến cố đang diễn ra. Ngài đang khơi lên hy vọng cho từng người. Biết bao lần Thiên Chúa nói qua vị đại diện của Ngài trên trần gian là Đức Giáo Hoàng:
“Niềm tin Phục Sinh nuôi dưỡng hy vọng của chúng ta. Tôi muốn chia sẻ điều ấy với anh chị em. Đó là hy vọng về một giai đoạn tốt đẹp hơn, chúng ta có thể tốt hơn, và sau cùng là được giải thoát khỏi sự ác và khỏi đại dịch này. Đó là một hy vọng: hy vọng không làm chúng ta thất vọng; hy vọng không phải là ảo tưởng, nó là một hy vọng.”[1]
3. Cho Chúa một cơ hội
Hai môn đệ trên đường Emmau năm xưa đã cho Đức Giêsu cùng dạo bước. Khi gần gũi Thiên Chúa, các ông thấm dần ngọn lửa hy vọng vào Đức Giêsu Phục Sinh. Lòng các ông sáng lên từ khi Đức Giêsu ngỏ lời với các ông. Đó là không gian của nguyện cầu, là nhịp cầu để Thiên Chúa bước vào trong tương quan của các ông. Hơn nữa, các ông còn mời Đức Giêsu vào nhà mình. Đó không chỉ là hành vi hiếu khách, nhưng các ông ít nhiều cảm thấy vị khách này có cái gì đó đặc biệt. Dọc đường trong câu chuyện, các ông bớt chán nản sầu não hơn.
Hôm nay cũng thế, trên đường đời của mỗi người còn đó biết bao thách đố. Thay vì oán trời trách đất, thở ngắn than dài, hãy cho Chúa một cơ hội bước vào nhà mình. Đã có nhiều người để Đức Giêsu chi phối đời họ; kết quả là cuộc sống họ được đổi thay. Cứ nhìn các vị thánh vốn hằng để Thiên Chúa đồng hành. Họ hạnh phúc dường bao! Thực ra trong bình an và nhất là trong giai đoạn khốn khó, ai để Thiên Chúa đồng hành, người ấy hẳn là tìm thấy ánh sáng từ nơi bóng tối. Thiên Chúa của chúng ta thì gần gũi. Gần kề con người, Thiên Chúa có thể trao ban cho chúng ta một con đường của sự sống và hy vọng. Đó là Tin Mừng Phục Sinh đã vực các môn đệ đứng lên loan báo cho muôn dân: Đức Giêsu đã chết và nay đã sống lại!
Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau luôn có tính thời sự. Đó không chỉ xảy ra cho hai ông, nhưng còn là câu chuyện của mỗi người. Nhất là trong hoàn cảnh lúc này, Đức Giêsu vẫn đang “hiện ra”, Ngài vẫn hỏi, vẫn lắng nghe và trò chuyện với mỗi người. Có khi nhiều người đi nhanh quá bỏ Thiên Chúa lại đằng sau, nhiều người sống vội nên quên mất bên mình còn Thiên Chúa, hoặc nhiều lúc người ta hoảng loạn quá cũng quên mất Thiên Chúa. Thật tốt khi đứng lại một chút để thấy Thiên Chúa đang ở đâu. Ngài đang gõ cửa! Mong sao mỗi người can đảm đón Ngài vào đường đời của mình. Khi đó, chắc chắn người con của Chúa sẽ vượt qua mọi khó khăn, kể cả trong và sau đại dịch virus cũng thế.
Lạy Chúa Giêsu, mời Ngài ở lại với con, với gia đình chúng con, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn. Bóng đêm đang buông dần, chúng con cần Ngài đỡ nâng, trợ giúp và đồng hành. Amen.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ