Thôi đừng nói…
Trên Quan Lộ Cuộc Đời: Thôi đừng nói…
Thôi đừng nói…
Câu chuyện thầy giáo Sơn (Gv Trường TH An Lợi, Long Thành, Đ.Nai) viết đơn xin thôi việc vì lý do: “Công tác trong ngành giáo dục nhưng có nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá…” đã làm dậy sóng cộng đồng, sục sôi tâm hồn những người đầy nhiệt huyết và năng lực cống hiến nhưng đang phải “ngậm một khối căm hờn trong uất ức”, vì không đủ can đảm để phản kháng như ông thầy này.
Nếu như thầy Sơn trước khi viết đơn mà tư vấn ai, đảm bảo sẽ được nghe lời khuyên “Thôi đừng viết”, “Thôi đừng nói”… Nên vậy, vì hậu quả sau đó sẽ thảm lắm: Bị trù dập, chơi xấu, nghi kỵ và cuối cùng mất hết sự nghiệp. Bản thân mình bị sao còn cố chịu được, nhưng khi nó ảnh hưởng đến vợ con, đến chén cơm cả gia đình, dòng họ thì sẽ chùn chân bước ngay cả người tráng sĩ can đảm nhất.
Văn hóa, lối sống đời cũng ảnh hưởng rất lớn đến lối sống đạo. Sự suy thoái của đời sống xã hội cũng làm tha hóa tâm hồn những người con cái Chúa. Nhưng phải thừa nhận là rất khó để có thể lên tiếng trước các vấn nạn thời cuộc mà cộng đoàn con Chúa hiện nay đang mắc phải. Ví dụ:
- Xài hóa chất độc hại vào thực phẩm như thuốc tăng trọng trong chăn nuôi và trồng trọt để mau thu hoạch, nhiều lợi nhuận.
- Xả rác bừa bãi xuống sông, kênh rạch… nhất là chất thải và xác chết súc vật.
- Đánh bài ăn tiền, số đề, vay nặng lãi…
- Nghiện ngập ma túy, chất kích thích và thậm chí buôn bán các chất cấm này.
- Quỵt tiền, gian lận, nói hành nói xấu nhau, rượu chè bê tha…
- Thích chức tước, trọng hình thức, phe này nhóm nọ, bưng bô nịnh bợ, sống không thật…
Các giáo xứ vùng kênh – Bắc 54 từ thời các cha cố đưa vào lập nghiệp, họ tạo được một vị thế vang danh trong và ngoài nước, được dân trong Nam quý mến vì tính tình ngay thẳng, tốt bụng, giữ lề lối đạo đức, sống có tình có nghĩa, có trước có sau, siêng năng cần kiệm… Thế nhưng điều đó đang dần trở thành chuyện quá khứ. Thành trì đạo đức và truyền thống đã không thể bảo vệ những giá trị của cha ông họ trước cơn sóng chủ nghĩa duy vật xâm lấn.
Trong đạo rất cần có những tiếng nói như thầy Sơn, để đưa cộng đoàn mình về lại tinh thần bác ái hy sinh Ki-tô giáo. Lên tiếng trước tiêu cực có thể làm mất lòng những người giàu, những người đang chân trong chân ngoài đạo đời lẫn lộn, những người bất cần đời phản kháng… Nhưng dầu thiệt thòi thế nào đi nữa thì Mục Tử của Đức Ki-tô cũng phải lên tiếng, nếu không sẽ mất căn tính của mình.
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh