Thánh Tôma, Tông đồ
Thánh Tôma, Tông đồ, lễ kính ngày 03/7
Thánh Tôma, Tông đồ
1. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ
Tại Tây Phương, từ các thế kỷ VII – VIII, Lễ Thánh Tôma Tông Đồ được kính vào ngày 21 tháng Mười Hai. Nhưng rồi đã được đổi sang ngày 3 tháng Bảy, và từ nay trùng với ngày chuyển hài cốt của thanh nhân về Edesse. Đây cũng là ngày lễ kính trọng thể của các giáo dân, theo nghi lễ Syro-madabar ở Ấn Độ (họ vẫn tự coi là con cái thiêng liêng của Thánh Tôma), và của nghi lễ Syro Phương Tây.
Vị Tông Đồ mà các sách Phúc Âm gọi một cách đơn sơ là Tôma (Mt 10, 9; Mc 3, 18; Lc 6, 15; Cv 1, 13) thì Thánh Gioan gọi tên là Điđymô Song Sinh (11, 16; 20, 24) và ta thấy Người đóng vai trò quan trọng (14, 5; 20, 24-29; 21, 2). Truyền thống Antiochia, về cuộc đời truyền giáo của Người ở Ba Tư, nhất là ở Ấn Độ, xuất phát từ các văn bản ngụy kinh trong đó có lẽ chứa đựng vài yếu tố lịch sử.
2. Thông điệp và tính thời sự
Các lời nguyện cũng như các điệp ca và ca vãn của phụng vụ giờ kinh nhìn Thánh Tôma dưới ánh sáng Phúc Âm.
Lời nguyện của ngày và điệp ca hiệp lễ nhắc lại mẩu chuyện Phúc Âm, trong đó, Thánh Tôma công nhận Đức Giêsu là Chúa (Ga 20, 24-27). Vị tông đồ cứng lòng tin đã phải công nhận bằng một lời tuyên xưng niềm tin nối kết hai tước vị Chúa và Thiên Chúa.
Lời nguyện sau hiệp lễ, cũng như ca vãn giờ kinh, cầu xin Chúa Cha, cho chúng ta “cùng với Thánh Tông đồ Tôma, biết tuyên xưng Người là Chúa và là Thiên Chúa” chúng ta. Niềm tin chúng ta vào sự phục sinh là vững chắc, và được dựa trên kinh nghiệm của các tông đồ, những kẻ đã tận mắt thấy và tận tay chạm vào Ngôi Lời của sự sống (xem 1 Ga 1, 1) và đã thấy Người sống lại.
Thánh Grêgoriô Cả mà Bài đọc trích dẫn có tuyên bố: “Câu nói, Phúc cho ai không thấy mà tin, thực sự đem lại cho chúng ta vui mừng. Vì câu nói đó chính để nói về chúng ta, những người bám víu bằng tinh thần vào Đấng mà chúng ta không thấy bằng xác thể” (xem điệp ca bài Ca vinh Giacaria).
Điệp ca thứ nhất giờ kinh mai, nhắc tới một khía cạnh khác trong nhân cách của Thánh Tôma: tính cách duy lý, bởi vì, trong bữa tiệc ly, Tôma đã thưa với Thầy: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao có thể biết được đường Thầy đi là đường nào?”
Enzo Lodi