Tiếng Chó Sủa
Trăng sáng, con chó sủa. Một lúc sau, nó mỏi mệt và thôi sủa, mặc dù trăng vẫn cứ sáng.
13 tháng Giêng
Tiếng Chó Sủa
Những người có chức vụ và quyền hành trong bất cứ xã hội nào cũng thường bị chỉ trích và chống đối.
Có một nhà lãnh đạo quốc gia kia thường bị những người đối lập tấn công và thóa mạ một cách bất công, nhưng lúc nào ông ta cũng tỏ ra bình thản như không có gì xảy ra. Một hôm, có người bạn hỏi lý do tại sao ông có thể tỏ ra bình tĩnh được trước không biết bao nhiêu khiêu khích của người khác, ông đã giải thích như sau:
“Tôi đã học được bí quyết giữ bình tĩnh ngay từ lúc nhỏ. Chúng tôi sống bên cạnh một nhà láng giềng có nuôi một con chó khó tính. Cứ mỗi lần trăng tròn, con chó lại sủa một cách giận dữ vô căn cứ, có khi cơn sủa của nó kéo dài đến cả tiếng đồng hồ. Tất cả những người xung quanh đều tỏ ra bực bội đối với con vật khó tính ấy, chỉ trừ có người chủ của nó. Ông không bao giờ tỏ ra bực bội, bởi vì ông ta là một người điếc.
Tất cả bí quyết của tôi nằm ở đó. Trăng sáng, con chó sủa. Một lúc sau, nó mỏi mệt và thôi sủa, mặc dù trăng vẫn cứ sáng”.
Kiên nhẫn chịu đựng thường bị xem như một thể hiện của tính thụ động, tiêu cực. Có người còn gọi đó là nhân đức của người nghèo. Thế nhưng, trong cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, có lẽ chúng ta cần đến nhân đức này hơn bao giờ hết.
Thiên Chúa là Ðấng kiên nhẫn. Kiên nhẫn vẫn là nét đặc thù trong công trình sáng tạo của Ngài. Chúng ta có biết rằng trái đất của chúng ta có bao nhiêu tuổi chưa? Các nhà địa chất nói với chúng ta rằng trái đất đã được cấu tạo qua từng thời kỳ kéo dài đến cả triệu triệu năm. Ðịa chất học quả thực là môn học của sự kiên nhẫn của Thượng Ðế. Thiên Chúa luôn tỏ ra kiên nhẫn đối với con người. Toàn bộ Cựu Ước là một quyển ký lục về những nhẫn nhục chịu đựng của Thiên Chúa đối với sự yếu đuối, khờ dại cũng như hung bạo của con người. Ngài phải chờ đợi đến cả trăm năm để cho lụt Hồng Thủy trút xuống trên con người. Ngài chờ đợi đến cả mười năm mới trừng phạt vua Saolô.
Tân Ước lại càng cho chúng ta cảm nhận được bằng xương thịt. Tình yêu thương nhẫn nhục, chịu đựng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy chiêm ngắm sự nhẫn nhục của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, đối với kẻ thù của Ngài và nhất là đối với đám đông nghèo khổ, lạc lõng. Nhưng nhất là những đau khổ, bách hại mà chính bản thân mình gánh chịu, Chúa Giêsu chỉ biết giữ thinh lặng, thinh lặng không phải của căm hờn, oán trách mà là của yêu mến, tha thứ cho đến cùng.