Dụ ngôn cái xiềng hay làm sao nói về đức tin của mình mà vẫn tôn trọng tự do của người khác?


Dụ ngôn cái xiềng hay làm sao nói về đức tin của mình mà vẫn tôn trọng tự do của người khác?

Trích sách 15 Dụ ngôn quy về điều chủ yếu, Linh mục René-Luc, nxb. Plon


Một ánh sáng trong đêm tối! Đó là cách chúng tôi gọi các buổi canh thức giảng Phúc Âm ở địa phận chúng tôi, nhất là ở nhà thờ Saint-Roch trung tâm thành phố Montpellier. Nguyên tắc đơn giản và dễ làm. Trước hết lựa một nhà thờ ở địa điểm tốt, nơi mà dân chúng có thể thanh thản đi bộ, rồi buổi tối có thể ra uống cà-phê ở một quán nhỏ.


Bên ngoài nhà thờ, chúng tôi dựng các tấm trướng lớn, loại cờ quảng cáo với hình ảnh bàn tay cầm ngọn nến “một ánh sáng trong đêm tối”.


Các tấm trướng này được chiếu sáng. Bên cạnh đó, chúng tôi đặt hệ thống phát âm nhạc nhẹ, các tác phẩm do các nhạc sĩ bên trong nhà thờ chơi. Một vài thanh niên trẻ truyền giáo làm “con rối”: họ mời người qua lại dừng chân một chút để “nghỉ ngơi thiêng liêng”. Nụ cười là chứng từ đầu tiên được trao tặng, và thật ngạc nhiên, đa số người qua lại chịu khó dừng chân.


Ngay cửa vào là tấm bảng lớn giải thích cách làm:


– Thắp một ngọn nến;


– Viết một ý chỉ;


– Đặt ý chỉ đó tên bàn thờ;


– Nhận một Lời Chúa.


Khi người qua đường đến cửa ra vào nhà thờ, họ hiểu ngay tiến trình được đề nghị. Một nhóm các bạn tiếp khách tế nhị, với tinh thần vừa táo bạo vừa dè dặt của các nhân viên bán hàng trong các tiệm sang trọng; luôn sẵn sàng nhưng tế nhị, không vồ vập. Nhà thờ chìm trong làn ánh sáng nhẹ, các hòn đá tỉ tê theo tiếng nhạc. Tất cả đều an bình. Mình Thánh Chúa được đặt trên bàn thờ và được chiếu sáng nhờ đèn chiếu đặt đàng sau, hương trầm lan ra trong làn ánh sáng này.


Sự ngạc nhiên được đọc trên khuôn mặt của khách. Đa số họ vui được tháp tùng trong tiến trình này. Sau khi viết ý chỉ trên tờ giấy nhỏ, họ nhận một ngọn nến và theo lối đi giữa, họ đi lên bàn thờ. Trước bàn thờ có hai rỗ: một rỗ đựng ý chỉ, rỗ kia là lời Chúa. Mỗi lời mỗi khác và thường thường khách nhận câu đang phù hợp với mình lúc đó. Thỉnh thoảng khách quỳ lâu trước Mình Thánh Chúa. Và thường khi họ ngồi trong nhà thờ, thả hồn theo điệu nhạc, ngạc nhiên thấy “dòng người tình cờ” giống họ liên tục vào nhà thờ.


Tiến trình đơn giản này đôi khi lại được tiếp tục bởi các cuộc thảo luận dài về đức tin với các người truyền giáo luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi của họ. Không phải để thuyết phục nhưng để lắng nghe, để có sự hiện diện yêu thương của Đấng đã gởi chúng tôi đến, Chúa Giêsu Kitô.


Các câu chuyện của các buổi gặp gỡ này rất cảm động. Các buổi tối này đáp ứng được mong chờ của một thế giới đang khát, chỉ cần biết làm sao đưa ra ly nước lúc họ cần.


Trong số các kinh nghiệm truyền giáo này, có một kinh nghiệm đặc biệt làm tôi xúc động. Ngày hôm đó tôi đang làm việc với khoảng ba mươi thanh niên trẻ. Chúng tôi chia nhau từng hai người một ra đường phố để mời người đi đường vào dự buổi canh thức cầu nguyện với chúng tôi. Nếu khách không có thì giờ hay không muốn vào, chúng tôi xin họ viết ý chỉ vào tờ giấy. Đa số vui với đề nghị này và ý chỉ thì rất nhiều. Matthieu, một thanh niên cao to người Bỉ 19 tuổi cùng đi với cô Liga, một thiếu nữ tóc vàng cũng cao to người Lituania. Hai người không gặp một ai đặc biệt, khách qua đường lịch sự cám ơn nhưng họ không mấy quan tâm. Hai người đi về và có cảm tưởng mình không làm được gì. Vào cuối buổi canh thức, chúng tôi dâng lên Chúa tất cả những người mình đã gặp. Mỗi người cầm máy vi âm để đọc tên những người đã được giao phó cho mình. Tôi đang đọc lời nguyện kết thúc thì có một bà xin được lên tiếng. Chúng tôi đưa máy vi âm cho bà và bà nói:


– Chúa Giêsu, con xin cám ơn Chúa về hai người trẻ đã mời con vào nhà thờ này. Như Chúa biết, từ sau khi con gái con là Ingrid chết vì tai nạn xe cách đây bốn năm, con rất giận Chúa và từ đó con không bao giờ bước chân vào nhà thờ. Nhưng hôm nay, nhờ hai bạn trẻ này, con đã bước chân vào đây với Chúa. Cuộc gặp gỡ này đã rọi sáng cho con ngày hôm nay và có thể là cả đời con…


Chúng tôi tất cả đều cảm động và cháng váng. Vì kín đáo chúng tôi không dám nhìn bà. Nhưng Matthieu được đánh động trong lòng. Anh lên tiếng:


– Lại thêm một lần nữa, ai cũng có những cuộc gặp tuyệt vời còn con thì không! Con rất muốn được ở vào địa vị của hai người được gặp bà.


Hơi tò mò một chút, anh quay lại nhìn bà và anh kinh ngạc! Vài giờ trước đây anh đã cùng với cô Liga gặp bà. Anh đã đưa cho bà tờ chương trình buổi canh thức và nói:


– Chúng con xin chào bà, chúng con là các thanh niên công giáo, chúng con có tổ chức buổi canh thức cầu nguyện…


Bà cầm tờ giấy và tiếp tục đi, bà chỉ nói:


– Cám ơn.


Vừa đi bà vừa nghĩ đến cơn giận bà vẫn còn giữ trong lòng, bà giận Chúa từ mấy năm nay sau khi con gái bà chết vì tai nạn xe, nhưng cuối cùng bà quyết định vào dự buổi canh thức. Chỉ cần một chút can đảm và một hành vi đơn sơ của một thanh niên gặp ngoài đường, đã giúp cho bà hết đau buồn và tìm lại được bình an.


Hạnh phúc thay cho các bạn trẻ như Liga và Matthieu đã dám đáp trả lời Chúa Giêsu kêu gọi mọi tín hữu đi ra khỏi tháp ngà của mình để rao giảng Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20). Ở Pháp, nhiều tín hữu không nghĩ mình thuộc thành phần “truyền giáo” này của Chúa Giêsu. Họ nghĩ truyền giáo là địa hạt của những người chuyên môn, của các tín hữu ở ba thế kỷ đầu tiên nhưng sau đó thì Giáo hội đảm trách lo cho những người tự bản thân họ đến với Giáo hội. Vì đến với người khác sẽ bị cho là đi chiêu dụ, phạm đến tự do của người khác và nhất là chúng ta không muốn mình bị đồng hóa với các Chứng nhân Jéhovah.


Về vấn đề này, một câu ngạn ngữ được hình thành cho cả một thế hệ và được trích trong quyển Youcat, tác phẩm giáo lý tuyệt vời dành cho các bạn trẻ mà giáo hoàng đã giao phó cho họ năm 2010. Tôi hết lòng giới thiệu với các bạn trẻ từ 7 đến 77 tuổi: quyển sách được trình bày dưới dạng hỏi-đáp tất cả các câu hỏi về đức tin, đạo đức, đời sống thiêng liêng. Đó là dụng cụ cần thiết để đào tạo tín hữu kitô một cách đơn giản và hiệu quả. Ở câu số 74, có một ngạn ngữ quen thuộc được các nhà rao giảng trích dẫn nhiều lần: “Chỉ nói về Chúa Kitô khi được yêu cầu nhưng sống theo cách mình được yêu cầu!” Sách giáo lý Youcat cho câu này là của nhà văn Pháp Paul Claudel, nhưng nhiều người thì nói đó là của Thánh Phanxicô Salê, nhưng ai cũng được. Tôi bị quấy rầy rất nhiều bởi câu này, như tôi vừa nói, câu này đã đào tạo nhiều thế hệ tín hữu kitô. Một mặt tôi hoàn toàn sống theo câu này, mặt khác, tôi nghĩ nó có những hệ quả âm ỉ. Tôi xin giải thích. Câu này có công lao lớn mời gọi chúng ta làm chứng cho cuộc sống. Không nhọc công nói về Chúa Kitô chung quanh mình nếu chúng ta không sống như các tín hữu kitô chân thật. Chúng ta không thể vừa đi lễ mỗi ngày chúa nhật vừa nổi tiếng là người thích nói xấu trong khu phố.


Triết gia Nietzsche thấy vấn đề một cách chính xác khi ông viết: “Tôi sẽ tin vào Chúa khi người tín hữu có cái đầu của sự sống lại.” Như thế, hoàn toàn đồng ý với câu trích mời gọi chúng ta bắt đầu làm chứng bằng chính cuộc đời của mình! Đức Phaolô-VI đã nói về việc này: “Con người thời buổi này nghe chứng nhân nhiều hơn là nghe các vị thầy, nếu họ nghe các vị thầy là vì những người này là các chứng nhân1”.


Nhưng vấn đề của câu trên là nó miễn cho chúng ta phải cố gắng để loan báo. Chỉ cần sống là tín hữu kitô tốt là chúng ta đã làm bổn phận của mình. Vậy mà theo Chúa Giêsu là phải loan báo danh Ngài cho tất cả các dân tộc? Câu trả lời rất đơn giản: “Chúng ta đừng nói nữa nhưng sống như tín hữu kitô gương mẫu và người khác sẽ đến hỏi chúng ta Chúa Giêsu là ai.” Đó là phương pháp mới để rao giảng Tin Mừng. Nhưng có khi nào có ai ngừng lại để hỏi bạn khi bạn vừa ra khỏi nhà thờ trên cổ còn đeo tượng ảnh phép lạ: “Thưa ông, thưa bà, xin ông bà cho biết nụ cười của ông bà từ đâu đến, ánh sáng trên đôi mắt của ông bà từ đâu đến?” Tôi muốn tin điều này đã xảy đến cho các bạn không lúc này thì lúc khác, nhưng các bạn cũng thú nhận là không phải lúc nào người ta cũng hỏi. Nhất là khi xã hội phương Tây ngày nay chủ trương… dửng dưng: ai tin gì thì tin, đó không phải là vấn đề của tôi! Vậy phải viết lại đoạn cuối chương 28 Phúc Âm Thánh Mát-thêu: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ… nhưng phải chờ họ đặt câu hỏi cho anh em!”


Đúng, làm chứng bằng chính đời sống là điều tiên quyết. Không, nó không miễn cho chúng ta việc loan báo! Từ thời Đức Phaolô-VI ngài đã giải thích rõ ràng:


“Chứng ngôn đẹp nhất về lâu về dài sẽ chứng thực sự bất lực nếu nó không được khai sáng, không được làm rõ bằng lời loan báo rõ ràng, không lập lờ của Chúa Giêsu. Tin Mừng được loan báo bằng chính chứng từ của cuộc sống sớm muộn gì cũng được loan báo bằng lời của sự sống. Không có rao giảng Tin Mừng đích thực nếu danh Ngài, giáo huấn, đời sống, lời hứa, nước Chúa, mầu nhiệm Chúa Giêsu Nadarét con Thiên Chúa không được loan báo1.”


Dụ ngôn cái xiềng


Chúng ta được mời gọi để loan báo Tin Mừng như anh Matthieu và cô Liga đã làm. Cùng một lúc, chúng ta phải tôn trọng tự do của mỗi người. Làm thế nào để giải quyết phương trình này? Tôi cố gắng trả lời cho các bạn qua dụ ngôn cái xiềng.


Chìa khóa


Các bạn hình dung người tù khổ sai đi bộ ở cảng với cái xiềng cột nặng ở chân. Ngày xưa các bạn cũng là người tù khổ sai nhưng có người đã giải phóng cho bạn và bây giờ bạn có chìa khóa. Bạn đi bên cạnh người tù khổ sai này, vừa đi vừa huýt sáo vừa tung tăng lắc xâu chìa khóa. Trong lòng bạn thầm nhủ:


– Tôi tôn trọng họ, mỗi người có đời của mình, mỗi người có nhọc khổ sai của mình!


Hoặc bạn ngừng lại và nói với họ:


– Nếu bạn muốn, đây là chìa khóa của bạn. Có thể họ sẽ dùng, có thể họ sẽ không dùng chìa khóa của bạn.


Chuyện này không thuộc về bạn. Nhưng một chuyện chắc chắn, cách hay nhất để tôn trọng họ không phải là cách đi bên cạnh họ vừa đi vừa huýt sáo, xem như không có chuyện gì xảy ra, nhưng cách hay nhất là đề nghị với họ xâu chìa khóa của mình.


Tất cả là ở chữ: đề nghị. Thánh Gioan-Phaolô II đã nói: “Đức tin là đề nghị, đức tin không áp đặt2.” Nhưng nếu chúng ta không còn đề nghị đức tin thì làm sao người khác có thể nhận được? Thánh Phaolô đã viết trong thư gởi tín hữu Rôma: “Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14).


Các khổ nhọc


Tôi ý thức hình ảnh cái xiềng có thể làm người không tin ngạc nhiên, và có thể họ cũng chẳng vui khi bị so sánh với người tù khổ sai. Nhưng mọi so sánh đều có giới hạn của nó, ở đây phải hiểu là tín hữu kitô xác quyết mình được Chúa Giêsu cứu, và như thế Ngài cứu mọi người khỏi mọi khổ nhọc của họ. Sống có Ngài hay không có Ngài không phải cùng là một đời sống. Không nên hiểu trong nghĩa tiêu cực nhưng nên hiểu theo nghĩa tích cực.


Không bao giờ là dễ dàng khi quyết tâm rao giảng đức tin của mình vào Chúa Giêsu, nhất là muốn rao giảng nhiều nhất có thể. Dĩ nhiên là dễ hơn nếu mình cứ ở nhà yên ấm trong phòng khách chờ người khác đến hỏi mình. Trong một lần nghe giảng, tôi nghe câu đau nhói của linh mục cựu Bề trên tổng quyền Dòng Đa Minh Timothy Radcliffe: “Tín hữu kitô rao giảng Tin Mừng là người bị đóng đinh, tín hữu kitô không rao giảng Tin Mừng là người đã chết.”


Thước đo


Điều mang lại động lực cho chúng tôi trong việc loan báo Tin Mừng là chúng tôi hiểu, công việc này là cách thế tốt nhất để chúng tôi lớn lên trong chính con đường thiêng liêng của mình. Đúng vậy, Đức Gioan-Phaolô II đã nói rất đúng về việc này, truyền giáo là thước đo đức tin chúng ta. Bạn mơ có một phương cách để định giá tương quan của bạn với Chúa Kitô? Bạn muốn có cây thước để đo chiều dài đức tin của mình? Vậy bạn nên tự hỏi ước muốn chia sẻ ở mức nào trong lòng mình, bạn sẽ có câu trả lời.


Thước đo này có thể áp dụng cho toàn Giáo hội: “Trong lịch sử Giáo hội, sự tích cực truyền giáo luôn là dấu hiệu của một sức sống, cũng như sự suy giảm là dấu hiệu của khủng hoảng đức tin2.”


Viêm gan Đ


Các bạn đã biết bệnh viêm gan A, B, C, bạn có biết viêm gan Đ là gì không? Đó là khủng hoảng Đức tin của tín hữu kitô. Khi mặt người tín hữu xanh lè, buồn bã, chán nản. Làm thế nào để lấy lại sức, để chữa lành cho cơn khủng hoảng đức tin này, họ phải dùng con đường truyền giáo. Rao giảng mang lại một sức sống phi thường cho chính đức tin của chúng ta, như Thánh Gioan-Phaolô II đã nói: “Đức tin làm mạnh đức tin khi mình cho2.” Đúng vậy, trong tất cả tiến trình loan báo Tin Mừng, chúng ta được sự trợ giúp của Thần Khí: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,19-20).


Mỏ hàn


Nếu bây giờ bạn tin chắc mình phải chia sẻ đức tin cho những người chung quanh mình thì bạn phải cầu nguyện để có được ơn khôn ngoan và phân định. Dĩ nhiên là dễ dàng để nói về đức tin của mình khi trò chuyện bông lông với đồng nghiệp của mình ở văn phòng. Điều chủ yếu là trong lòng, mình luôn có ước muốn chia sẻ, không có gì là bắt buộc. Phải làm một cách tế nhị. Đó là điều thường thiếu nơi những người mới chia sẻ. Họ quá say sưa và đôi khi vụng về. Tôi xin giải thích chuyện này qua một hình ảnh rất đẹp, đó là dụ ngôn mỏ hàn. Các bạn chắc đã từng xem các phim trong đó có cảnh tên cướp có vũ khí dùng mỏ hàn để mở két sắt. Khi ngọn lửa cháy lên, mới đầu nó vàng và rất lớn, nhưng nó chỉ đen và không có hiệu quả. Tên cướp điều chỉnh hơi ga và ngọn lửa nhỏ lại, ngọn lửa có màu xanh và đủ sức mở được két sắt to nhất. Cũng vậy với cách chúng ta giới thiệu đức tin. Có những người nói không chừng mực, nói trên trời dưới đất. Nghe “vang” nhưng không hiệu quả, có khi lại có tác dụng ngược. Có những người nói ít nhưng chừng mực, lời của họ chọc thủng được các tâm hồn chai đá nhất.


Một bổn phận và là một quyền
 

Chúng ta quyết định đi ra khỏi tiện nghi của mình, đi ra khỏi nhà thờ của mình, đi ra khỏi “chúng tôi luôn làm như vậy” để đi đến “các vùng ngoại vi” như Đức Phanxicô mời gọi. Ngài mời gọi chúng ta đừng bao giờ rao giảng Phúc Âm bằng cách chiêu dụ nhưng bằng lôi cuốn. Và cùng một lúc, ngài nhắc cho chúng ta nhớ cách mà các giáo hoàng tiền nhiệm của ngài đã nói: “Mọi người đều có quyền nghe ‘Tin Mừng’ của Chúa, Đấng thể hiện và hy sinh nơi Chúa Kitô để thực hiện trọn vẹn ơn gọi của mình. Và quyền này phù với một bổn phận, đó là bổn phận rao giảng Phúc Âm!”
 

Với các lời sắc bén của mình, Đức Phanxicô nói với chúng ta, chúng ta không thể nào chỉ dựa trên người khác để rao giảng Tin Mừng, chúng ta không thể nào bằng lòng mình chỉ là “môn đệ giữ đạo bình thường”, vì môn đệ có nghĩa là truyền giáo:
 

“Mỗi tín hữu đã được rửa tội, dù họ ở chức vụ nào trong Giáo hội, dù mức độ chỉ dẫn đức tin của họ như thế nào, họ là đương sự tích cực trong việc rao giảng Tin Mừng, và sẽ không phù hợp nếu họ nghĩ chương trình rao giảng Phúc Âm chỉ có được nơi những người có thẩm quyền, còn các tín hữu chỉ là người hưởng lợi ích từ công việc của những người có thẩm quyền này.
 

Việc rao giảng Tin Mừng bao gồm tất cả những người đã được rửa tội, họ là nhân vật chính làm theo một cách mới. Xác quyết này biến đổi thành lời mời gọi cho mỗi tín hữu kitô, để không một ai từ chối từ chối sự cam kết rao giảng Phúc Âm của mình, vì nếu họ thực sự có được chứng nghiệm tình yêu của Chúa đã cứu họ thì họ không cần nhiều thì giờ để chuẩn bị cho việc loan báo, họ không thể nào chờ để có thêm bài học, có thêm chỉ dẫn.
 

Mọi tín hữu kitô là nhà truyền giáo trong mức độ họ đã gặp Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô; chúng ta không còn nói mình là ‘môn đệ’ và ‘truyền giáo’, nhưng luôn luôn chúng ta là ‘môn đệ-truyền giáo3’”.
 

Và đúng vậy, Thánh Phaolô đã nhắc chúng ta: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Co 9,16). Vậy hạnh phúc cho tôi nếu tôi rao giảng Tin Mừng!
 

Marta An Nguyễn dịch
 

1- Tông huấn Loan báo Tin Mừng, Evangelii nuntiandi, Đức Phaolô-VI, 1975

2- Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, Redemptoris Missio, Đức Gioan-Phaolô II 7-12-1990

3- Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii gaudium, 2013

http://phanxico.vn/2019/02/03/%EF%BB%BFdu-ngon-cai-xieng-hay-lam-sao-noi-ve-duc-tin-cua-minh-ma-van-ton-trong-tu-do-cua-nguoi-khac/

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...