KHỞI ĐẦU HÀNH TRÌNH DÂNG HIẾN


KHỞI ĐẦU HÀNH TRÌNH DÂNG HIẾN


“Vạn sự khởi đầu nan”. Bằng kinh nghiệm của cuộc sống, có lẽ ai cũng có thể cảm nhận được giai đoạn khởi đầu của bất kì cuộc hành trình nào cũng ẩn chứa nhiều khó khăn. Hành trình ơn gọi tận hiến cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Trên những nốt nhạc khởi tấu của bản tình ca dâng hiến, những tâm hồn tươi trẻ luôn cảm thấy một nguồn lực sung mãn trào tràn khắp con tim: Cuộc đời sao tươi đẹp quá! Rạo rực quá! Lý tưởng quá!... Dường như không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu Đức Ki-tô… Thế nhưng, khoảnh khắc hân hoan tột độ ấy tưởng chừng lại chỉ như một vài tích tắc của cuộc đời. Bước từng bước chậm rãi trên con đường lý tưởng, những môn đệ nhiệt thành bỗng chốc hụt hẫng bởi phải đối diện với quá nhiều thử thách, những cám dỗ điên cuồng đột nhiên nổi loạn trong bản ngã yếu đuối. Tất cả đều trở nên những căn bệnh đang làm yếu nhược và từ từ phá hủy cả trái tim của những tông đồ trẻ. Có những loại bệnh phát sinh khi mỗi người phải thích nghi với những môi trường mới, nhưng cũng còn đó vô số loại bệnh đã âm ỉ lâu năm nảy sinh từ hoàn cảnh sống, từ cộng đồng, từ môi trường giáo dục và cả ý thức hệ. Hầu hết những người trẻ bước chân vào cuộc đời dâng hiến đều đã trải qua những tháng ngày dài dưới mái trường học đường. Họ đã được lĩnh hội biết bao nhiêu tinh hoa của tri thức nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, họ cũng bị ảnh hưởng bởi vô vàn chất độc đang giết hại tâm hồn.

Trước hết, thứ chất độc nguy hiểm nhất mà thời đại đem đến chính là loại độc dược giết chết lương tâm. Thế giới đang chuyển mình bước vào thời đại công nghệ 4.0 (bốn chấm không), thời đại mà con người sánh ví bằng những mỹ từ: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Chính trong lúc này, niềm hy vọng vào sức mạnh của trí tuệ nhân tạo được ấp ủ hơn bao giờ hết. Liệu rằng đây có phải là một trong những biểu hiện cho thấy nhân loại đang có xu hướng cơ giới hóa trí tuệ của con người? Quả thực, chẳng ai có thể phủ nhận những nỗ lực lớn lao trong việc tạo ra những sản phẩm phục vụ lợi ích chính đáng cho toàn nhân loại. Nhưng dường như trái lại, chẳng mấy ai khát khao đến việc có một cuộc cách mạng thay đổi thực trạng lương tâm của con người khi đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Lương tâm tha hóa dẫn đến nhiều hệ lụy: vô cảm, thiếu trung thực và tội lỗi ngập tràn. Thật nguy hiểm biết bao nếu chất độc này vẫn còn âm ỉ nơi những con người tận hiến khi họ bước vào đời tu. Chẳng ai có thể chiếm hữu được hạnh phúc trong đời tu với một lương tâm đã bị tha hóa. Bởi lẽ, làm sao người ấy có thể vươn tới Thiên Chúa nếu vô cảm trước những giá trị thiêng liêng? Làm sao có thể khám phá sự thật nếu cứ nhởn nhơ trong sự gian dối? Làm sao có thể trở nên thánh thiện nếu chẳng còn biết run sợ trước tội lỗi?... Đây là một thực trạng đáng buồn đang len lỏi trong nhiều cá nhân. Phải chăng đã đến lúc những người môn đệ theo Chúa cũng cần một cuộc cách mạng cho tâm hồn?

Bên cạnh loại độc dược làm chai cứng lương tâm, có một thứ độc dược khác cũng nguy hiểm không kém: chủ nghĩa duy lý trí. Đây là một thể loại vô cùng tinh vi, vì nó ngụy tạo cho con người những ảo tưởng rất lớn, khiến con người tưởng mình đang bước đi trên hành trình tìm kiếm chân lý - một hành động rất cao cả. Hiện tượng này là hệ quả của một đường lối giáo dục luôn xui khiến mọi người đi tìm tri thức, hơn là khám phá những giá trị Chân-Thiện-Mỹ đích thực. Từ thời niên thiếu cho tới lúc rời ghế nhà trường, một học trò phải trải qua vô số môn học với đủ loại kiến thức hàn lâm. Hệ thống giảng dạy dường như quá cồng kềnh nhưng vẫn còn thiếu thốn những bài học về nhân bản, kỹ năng và tình yêu con người. Có những cô cậu học trò mải miết trên hành trình học tập đến nỗi quên ăn, quên ngủ, đánh rơi cả những tình cảm bình dị nơi gia đình và những tương quan xã hội. Vì thế, người trẻ hôm nay rất giàu có tri thức nhưng lại nghèo nàn sự khôn ngoan, rất thông minh nhưng lại kém tinh tế. Khi bắt đầu cuộc sống tu trì, các bạn trẻ ấy cũng dễ dàng bị lôi cuốn quá sâu vào vòng xoáy của tri thức. Vô tình, các nhà dòng, chủng viện trở nên những trường đại học để nhiều người tiếp nối con đường học vấn sau những năm tháng bôn ba trong cuộc đời. Khi ấy, nhiều vấn đề nóng bỏng của học đường bị kéo theo: gian lận, ganh tỵ và lệ thuộc điểm số… Tất cả đều gây ra những hành động tiêu cực xuất phát từ chính bản thân người tu học, phá vỡ bầu khí thân ái của cộng đoàn mà người ấy đang hiện diện. Hay nguy hiểm hơn, khi các bạn trẻ chỉ dùng lý trí của mình để khám phá Thiên Chúa, họ dễ bị lôi cuốn vào nhiều học thuyết kỳ lạ và xa rời với Giáo Hội. Thực tế, tồn tại vô vàn trào lưu tư tưởng khoác lên mình những vẻ đẹp hết sức hấp dẫn lôi kéo tư duy mọi người vào quỹ đạo của chúng. Nếu không có một trái tim yêu mến thực sự đối với Thiên Chúa và Mẹ Giáo Hội, ắt hẳn con người sẽ bị đánh lừa bởi sự kiêu ngạo về tầm hiểu biết của mình. Vì vậy, người môn đệ của Đức Ki-tô luôn được thôi thúc khám phá tri thức trong sự khiêm nhường, bởi Đức Ki-tô cũng tha thiết mời gọi mọi người hãy học nơi Ngài bản chất khiêm nhường thẳm sâu: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11. 30). Khám phá Thiên Chúa đích thực là hành động hạ mình trước mầu nhiệm về Ngài, để Ngài biến đổi con tim và lý trí của mỗi người. Mục đích việc giữ đạo và sống đạo đích thực là để gặp gỡ một Con Người, hơn là đi tìm một kho tàng tri thức. Chắc hẳn để đứng vững trên hành trình theo đuổi Đức Ki-tô, và nhất là để đương đầu với những cạm bẫy trên sứ vụ, người môn đệ không chỉ cần đến những gì mình hiểu biết, nhưng cần đến trái tim, cần đến cảm thức đức tin dồi dào và phong phú – những điều chỉ có thể gặt hái trong tương quan tình yêu với Chúa và trong lòng Mẹ Giáo Hội.

Kế đến, một loại chất độc nguy hại khác đang lưu hành trong thế hệ trẻ ngày nay: làm biếng. Nếu có dịp rảo quanh các giảng đường đại học, nhiều người có lẽ sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh tượng những sinh viên thờ ơ với công việc học tập của mình, thay vì hào hứng đón nhận môi trường đại học như chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai. Có những lớp học bị biến thành “phòng ngủ” bất đắc dĩ cho nhiều bạn trẻ. Bên cạnh đó, rất nhiều sinh viên ra trường than thở về tình trạng thất nghiệp và cầu mong một sự đồng cảm, giúp đỡ. Trình trạng này là hệ quả của một cơ chế đào tạo thiếu cân đối, cũng như một cơ chế xã hội thiếu sự trọng dụng nguồn nhân lực. Quả thực, các bạn trẻ ấy thật đáng thương hơn đáng trách. Tuy nhiên, trên một góc nhìn khác, không thiếu số lượng người trẻ đang lấp đầy những quán xá, những tụ điểm vui chơi giải trí… Như thế, thay vì nỗ lực để cải thiện số phận, họ bằng lòng chấp nhận lãng phí thời gian nhàn rỗi của mình. Đâu là nguyên nhân của những hiện tượng như thế? Phải chăng là vì người trẻ hôm nay đã được dạy dỗ trong một thời gian dài bởi một nền giáo dục khiến con người bạc nhược và yếu đuối, một nền giáo dục khiến con người không có khả năng độc lập làm việc, một nền giáo dục khiến con người không dám sáng tạo và đương đầu với thử thách, một nền giáo dục không kiến tạo tâm tình dấn thân nơi mỗi người… Như một hệ lụy tất yếu, những người trẻ bước vào con đường tu trì sẽ cảm thấy choáng ngợp khi phải đối diện với thập giá riêng tư của đời mình. Nhiều người cảm thấy chán nản và than thở rất nhiều trước những đòi hỏi của sứ vụ, trước những trách nhiệm được giao phó trong cộng đoàn, hay lúc gặp phải những vấn đề trắc trở. Khi mâu thuẫn giữa cái tôi bạc nhược và những đòi hỏi của sứ mạng tận hiến không được giải quyết, nhiều môn đệ trẻ sẵn sàng  bỏ cuộc. Trước sự lan rộng của loại chất độc này, có lẽ chỉ có phương dược Thập Giá mới có thể khôi phục lại ý chí nơi con người. Thập Giá mang hình hài của Chúa Ki-tô là bài học giá trị nhất về việc tận hiến với tất cả Tình Yêu. Thập Giá ẩn chứa những lời nguyện cuối cùng của Đức Ki-tô vọng lên tới Trời trước sự cô liêu của cõi lòng. Quả thế, trong những nỗi cô đơn, những thất bại ê chề, người môn đệ chỉ có thể tìm thấy sức mạnh thật sự nơi Thiên Chúa. Trong những yếu đuối của cuộc sống, chỉ có cách xây dựng mối tương quan mật thiết với Chúa mới có thể giúp người môn đệ có đủ nghị lực mà trung thành đến cùng.

 

Trong thực tế, còn đó vô vàn yếu tố đang ảnh hưởng đến những con người chập chững bước vào hành trình dâng hiến. Chẳng ai có thể liệt kê hết tên gọi của từng loại bệnh tâm hồn, bởi chúng ngày một gia tăng theo sự tăng trưởng của đời sống xã hội. Thách đố lớn lao đó đòi hỏi mỗi người cần một sự phân định kỹ lưỡng dưới ân sủng của Thánh Thần. Hay nói cách khác, mỗi người cần khám phá loại bệnh mà mình đang mắc phải dưới những tiêu chí của Tin Mừng. Có như vậy, những người trẻ mới có khả năng loại bỏ những gì đang cản trở hành trình dâng hiến và thực sự có một đời tu lành mạnh.
 
Ứng sinh chủng viện Paul Lê Bảo Tịnh, BMT
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...