Làm giàu trước mặt Thiên Chúa

Chúa Giêsu mời gọi người ta sống nghèo khó. Người nghèo dễ vào Nước Trời. Phải chăng người Công giáo không được ủng hộ làm giàu? Đó có phải là “trái đạo đức”?

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

Bài 105: LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA
 

vn011123a


Câu hỏi: Chúa Giêsu mời gọi người ta sống nghèo khó. Người nghèo dễ vào Nước Trời. Phải chăng người Công giáo không được ủng hộ làm giàu? Đó có phải là trái đạo đức”?

Trả lời:  

Bạn mến, mình rất hứng thú với câu hỏi của bạn về chuyện giàu nghèo. Hồi còn là teen, nhạc sến bao vây nhà mình. Khi đó cứ lấy làm lạ sao những bài hát đó hầu hết là anh thì nghèo, còn nàng thì giàu, hoặc nàng mê “giàu” mà làm cho cuộc tình tan vỡ! Rồi lại nghe những kiểu nói đầy chất rap như:

Tiền là Tiên là Phật
Là sức bật của lò xo
Là thước đo của lòng người
Là tiếng cười của tuổi trẻ
Là sức khỏe của tuổi già
Là cái đà danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cán cân công lý
Tiền là hết ý!

(Bài thơ Tiền ơi – Bùi Văn Sạch)

Giàu có là một sự chúc phúc

Một từ ngữ khác diễn đạt sự giàu có là “phong nhiêu”. Nó xuất hiện ngay từ chương đầu sách Sáng Thế: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (St 1,28). Với Abraham, Đức Chúa hứa cho ông có con cháu đông như sao trên trời và một miền đất để sở hữu (x. St 15,5. 7; 17,6-8). Mọi loài, mọi sự trong vũ trụ phản ánh sự giàu có của Thiên Chúa. Đa dạng sinh học, cấu trúc DNA (Deoxyribonucleic acid) là những bằng chứng của sự chúc phúc của Thiên Chúa cho sự phong nhiêu.

Cha Pierre Teilhard de Chardin, SJ (1881-1955) một nhà sinh học và thần học đã nêu lên tầm nhìn về Đức Kitô Vũ Trụ - Đấng nhập thể vào vũ trụ và cùng với vũ trụ này đi đến đỉnh cao và quy hướng về Chúa Cha. Thánh Phaolô suy tư rằng: “Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3,22-23). Ngài còn diễn tả muôn loài, cùng với con người đang rên xiết mong chờ ngày được cứu độ (x. Rm 8,19-23). Hình ảnh ‘Trời mới đất mới’ của sách Khải Huyền được hứa ban xinh đẹp như Tân Nương, là Giêrusalem mới, bao gồm mọi con người và vạn vật tốt lành (Kh 21,1-4). Nói cách đơn giản, sự phong phú và giàu có là tốt đẹp và có giá trị trước mặt Thiên Chúa.

Anawim: người nghèo trong Kinh Thánh

Sách Gióp là một cuộc vật lộn đi tìm ý nghĩa của người công chính phải đau khổ và nghèo khó. Dù bị giới hạn trong quan niệm thưởng phạt ngay ở đời này, cuối cùng, ông Gióp đã bị khuất phục bởi quyền năng sáng tạo vạn vật của Thiên Chúa nên sám hối. Tuy nhiên, phải đợi đến đức Giêsu thì vấn nạn đau khổ của người công chính mới tìm được ý nghĩa trọn vẹn.

Kinh Thánh cố gắng quân bình lại quan điểm giàu có là một sự chúc phúc, nghèo khó (kể cả việc vô sinh) là một sự chúc dữ bằng việc nêu lên các mẫu gương “người nghèo Yaweh” hay Anawim - chỉ về những người nghèo, người thấp cổ bé họng, người bị bách hại vì trung thành với Luật Chúa… thì sẽ được chính Chúa che chở, nâng dậy.

- “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa.” (Xp 3,12)

- Bởi vì Chúa mến chuộng dân Người, ban cho kẻ nghèo hèn được vẻ vang chiến thắng. (Tv 149,4)

Tại sao “người giàu” bị kỳ thị?

Trong bối cảnh nhiều bất công xã hội, các ngôn sứ lên án, nguyền rủa “người giàu” để đòi công bằng cho người nghèo, bà góa, cô nhi, khách ngoại kiều (x. Gv 5,9; Cn 17,16). Thêm vào đó, nền triết học nhị nguyên – phân chia thân xác với linh hồn, tâm với trí, đời này với đời sau, kể cả thiện với ác – đã góp phần vào việc coi khinh thân xác, lý trí, vật chất và những gì “thuộc trần thế”. “Tiền bạc là tên nô lệ tốt và là một ông chủ xấu” là lối nói cho thấy nọc độc của tiền của. Nền tu đức Kitô giáo vẫn rất thận trọng với tiền của! (x. 1Tm 6,6-10)

Làm giàu trước mặt Thiên Chúa

Trong Tân ước, Đức Giêsu mời gọi người ta sống “nghèo khó về tinh thần” (Mt 5,3) và cả nghèo vật chất (Lc 6,20); thậm chí đối lập giữa tiền của và Thiên Chúa (Mt 6,24). Ngài mời gọi người thanh niên chia sẻ của cải vật chất để được thanh thoát làm môn đệ Ngài (Mt 19,21) và để được giàu có trước mặt Thiên Chúa (Lc 12,33).

Có một sự thay đổi trong cách hiểu và thực hành đời sống liên quan đến ‘xã hội trần thế” và những gì thuộc về nó trong dòng lịch sử.

Các tín hữu sơ khai thực hành để của cải chung, chuyên tâm sám hối và cầu nguyện để chờ Nước Chúa đến.

Sau năm 313, hoàng đế Constantine I đã công nhận Kitô giáo và ban cho nhiều bổng lộc. Trên nền tảng đó, Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng đã phát triển sự cường thịnh của mình, song song với nhiều sự sa đọa và những cuộc chiến tranh giữa thần quyền và thế quyền. Sự xuất hiện của các lối tu trì trong lòng Giáo hội là một cách đi ngược lại xu thế quyền lực, giàu sang và hưởng thụ.

Đầu thế kỷ XVI, nhiều cuộc cải cách của anh em Tin Lành vừa chống lại xu thế lạm quyền, trục lợi của một số giáo sĩ, vừa tạo dịp để trở về với cội nguồn Kinh Thánh, bắt đầu từ Đức và Pháp. Đặc biệt một nét riêng trong phong trào cải cách này đã được nhà xã hội học người Đức là Max Weber (1864-1920) đưa ra trong cuốn Đạo đức Tin Lành và Tinh thần của chủ nghĩa tư bản[1] xuất bản bằng tiếng Đức năm 1904, và tiếng Anh năm 1930, đã chỉ ra nguyên nhân phía sau của những người Tin Lành (Calvin) đã góp phần phát triển Chủ nghĩa Tư bản. Weber chỉ ra rằng, dựa trên niềm tin tôn giáo, họ tìm kiếm các lợi ích kinh tế thông qua việc lập kế hoạch hoạt động kinh tế trên nền tảng duy lý, chứ không phải vì mục tiêu vị kỷ; nghiêm cấm việc chi tiêu hoang phí; không khuyến khích bố thí nhưng dùng lợi nhuận để tái đầu tư; và xem đó như là dấu chứng được cứu độ.

Giữa thế kỷ XX, công đồng Vatican II đã xác định nhiệm vụ “tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa” (Lumen Gentium 31) của các tín hữu. Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo không ngừng nêu cao những nguyên tắc và bổn phận thánh hóa trần thế qua hoạt động kinh tế như nguyên tắc liên đới và bổ trợ, nguyên tắc tư hữu và công ích, lao động và việc làm, quy định nguồn lợi của trái đất là của chung. Đức Giáo hoàng Phanxicô còn nói về hoạt động kinh tế có bản chất là “một ơn gọi cao quý, trực tiếp tạo ra sự phồn thịnh và cải thiện thế giới chúng ta” (Laudato Si 129), và xem “khả năng kinh doanh là quà tặng từ Thiên Chúa” (Fratelli Tutti 123).

Từ những năm đầu 2000, tôi được học trong môn Luân lý Kinh tế Công giáo rằng những người làm kinh tế như một lính canh nơi biên cương; nghiêng một chút có thể rơi vào tội lỗi, nghiêng một chút ngược lại thì thuộc về Nước Thiên Chúa. Vị thế của họ quá đẹp và quá nhạy cảm nên Giáo hội đánh giá cao sự dấn thân của họ.

Đức Phanxicô ca ngợi nỗ lực của những doanh nghiệp nhỏ đã tạo ra nhiều việc làm và giữ gìn sự đa dạng sinh thái (Laudato Si 129). Bản thân mình cũng từng góp phần xây dựng một Doanh nghiệp xã hội (Social Enterprise)[2] với tầm nhìn tạo một hệ thống hoạt động “kinh tế sạch” tự vận hành để tạo việc làm cho phụ nữ nghèo với môi trường làm việc tốt và hưởng lương xứng đáng, được tập huấn kỹ năng và giá trị sống để nâng cao chất lượng đời sống gia đình, và để tạo nguồn hỗ trợ học bổng.

Bài hát Cho Nước Trời mai sau của cha Nguyễn Duy diễn tả rất tốt tinh thần sống tích cực vì Nước Trời: “Trái đất này nơi con người náu thân. Thế gian này con đường dẫn lên trời. Kiếp sống này ta xây dựng thế giới, để dọn đường cho Nước Trời mai sau.”

Bạn hỡi, hãy bỏ đi những suy những suy nghĩ lỗi thời. Đức Kitô chờ mong có những nhà làm kinh tế sạch và lợi nhuận được chia sẻ. Ngài đang nhìn bạn đấy!

Thùy Trang, DHM
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 6, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)

WHĐ (31.10.2023)


[1] The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism

[2] https://www.investopedia.com/terms/s/social-enterprise.asp; Social entrepreneurship takes root though Vietnam still not affluent (truy cập 28/5/2021).

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...