Leonardo Boff: Thượng hội đồng Amazon, “siêu việt” cho Giáo hội


Leonardo Boff: Thượng hội đồng Amazon, “siêu việt” cho Giáo hội

 
 

cath.ch, Jacques Berset, 2019-10-03

Thần học gia Leonardo Boff / #gallery Sergio Ferrari

Cuộc họp đặc biệt của thượng hội đồng giám mục về Amazon được diễn ra tại Vatican từ ngày 6 tháng 10 đến 27 tháng 10 -2019. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhà báo Sergio Ferrari (*), tư tưởng gia và nhà hoạt động xã hội người Ba Tây Leonardo Boff nhìn trong sự kiện quan trọng này là sự củng cố cho cương vị của Giáo hội đứng trước vấn đề sinh thái phức tạp và càng ngày càng là vấn đề thời sự. Và đây cũng là địa bàn suy tư về các thay đổi đáng kể trong chính nội tình Giáo hội. Thần học gia Leonardo Boff, một trong các nhà thần học giải phóng khẳng định: “Thượng hội đồng Amazon là các tiến trình mới cho Giáo hội và cho một hệ sinh thái toàn diện”.

Từ ngày 6 đến 27 tháng 10, Thượng hội đồng Amazon sẽ diễn ra ở Rôma. Xin ông cho biết quan điểm của ông về tầm quan trọng cuộc triệu tập này của Vatican?

Leonardo Boff: Tôi thấy đây là dịp duy nhất để Đức Phanxicô mang đến các thay đổi mà trung tâm quyền lực tôn giáo ở Vatican chưa bao giờ có thể thực hiện được. Trước tiên, phải nhấn mạnh đến đặc tính đồng nghị của cuộc họp, có nghĩa là quyết định tùy thuộc vào tất cả các người tham dự, bao gồm cả các dân tộc bản địa. Văn bản rất rõ ràng: đây không phải là hoán cải các văn hóa, nhưng là truyền giáo cho họ, để một Giáo hội mới được sinh ra với khuôn mặt bản địa, với minh triết của tổ tiên, với các nghi thức và phong tục của họ.

Phó tế cùng với vợ bên cạnh Linh mục Dòng Tên José Avilés Arriola. Chiapas | © Jacques Berset

Trong bối cảnh này, thượng hội đồng sẽ thảo luận về việc có nên tạo một sứ vụ giáo dân cho những người bản địa đã lập gia đình sống trong các cộng đoàn này hay không. Và cũng sẽ cần thiết để xác định một sứ vụ chính thức cho phụ nữ. Một vài giám mục đề xuất không đề cập đến “viri probati” (những người đàn ông chín chắn đức hạnh) nhưng nên đề cập đến “personae probatae”, bao gồm cả đàn ông và phụ nữ, với khả năng có một sứ vụ cho phụ nữ.

Ngay khi bắt đầu họp Thượng Hội đồng, không thiếu các thành phần bảo thủ trong thứ trật Giáo hội đã gióng lên tiếng nói chống một số nội dung quan trọng sẽ được thảo luận…

Theo một vài đoạn trong tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng, có một số người ở Mỹ và châu Âu cáo buộc giáo hoàng dị giáo, họ là con tin của mô thức châu Âu mà quên đi kitô giáo ngày nay phát sinh từ sự kết hợp các nền văn hóa Hy Lạp, La-tinh và Đức. Vì sao lại không cho các dân tộc chúng tôi làm như vậy?

Đàng sau các cáo buộc nhằm chống giáo hoàng ẩn giấu một vấn đề quyền lực. Những người buộc tội ngài không chấp nhận sự xuất hiện một loại Giáo hội khác, các Giáo hội dấn thân hơn và nhiều hơn với các thần học và phụng vụ của họ. Cuối cùng, điều quan trọng cần nhớ là với 62% người công giáo trên thế giới, các tín hữu châu Mỹ chiếm đa số, trong khi tín hữu châu Âu chỉ chiếm hơn 25%.

Sự ra đời của một Giáo hội với một khuôn mặt khác

Ở đây đích thực có sự nảy sinh ra một Giáo hội công giáo với một khuôn mặt khác. (Thần học gia Lonardo Boff quy chiếu đến quyển sách của ông ‘Phát sinh Giáo hội, các cộng đoàn nền tảng tái phát minh Giáo hội’ (Eclesiogênese. As comunidades de base reinventam a Igreja’, nxb Petrópolis, 1977).

Một số hồng y, chủ yếu là Đức và Mỹ đã tuyên bố công khai họ không chấp nhận một sự đổi mới như vậy. Họ muốn duy trì quyền bá chủ của Giáo hội công giáo la mã, một Giáo hội ngày nay đang chết dần và ít lan tỏa trên thế giới.

Phó tế người tzeltal được vợ hỗ trợ trong sứ vụ. Chiapas | © Jacques Berset

Đức Phanxicô đại diện cho loại Giáo hội mới này với một cái nhìn khác trong việc thực thi quyền năng thiêng liêng, đơn giản và truyền giáo, không đặt nặng trên học thuyết và giáo điều, nhưng trên sự gặp gỡ sống động với Chúa Giêsu. Vì theo Đức Phanxicô, noi gương Chúa Giêsu, Ngài đến để dạy chúng ta sống một tình yêu không điều kiện, trong tình tương trợ, trong lòng trắc ẩn, hoàn toàn mở lòng ra với “Chúa-Cha” theo thuật ngữ ‘Tata Dios’ của Châu Mỹ La Tinh.

Tầm nhìn về sự gần gũi, về một con đường chung được củng cố qua việc Thượng Hội đồng đặt ưu tiên vào vùng Amazon, một vùng rất tế nhị trong tổng thể các cân bằng sinh thái của hành tinh và bây giờ đang cực kỳ bị đe dọa…

Đúng… Đức Giáo hoàng đã chọn vùng Amazon vì ngài biết tầm quan trọng của nó đối với sự cân bằng của Quả đất và cho số phận chung của toàn nhân loại trên hãng tin này. Vùng Amazon đóng một vai trò quyết định cho tương lai cuộc sống. Chính vì vậy ngài muốn Thượng Hội đồng được tổ chức tại Rôma để toàn nhân loại có thể theo dõi các cuộc thảo luận và ý thức cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang đi qua hệ thống-Trái đất và hệ thống-Cuộc sống.

Ông có tham dự vào Thượng Hội đồng?

Tôi không được mời. Tôi là người gây tranh cãi cho nhiều giám mục, dù mọi hỗ trợ tôi đã dành cho Đức Phanxicô và tôi cũng nhận được sự hỗ trợ của cá nhân ngài. Tuy nhiên tôi hợp tác với các văn bản, một vài văn bản tôi gởi trực tiếp cho ngài, một số qua nhóm thổ dân Châu Mỹ La Tinh (amérindien), họ sẽ có mặt ở Rôma.

Có phải Thượng Hội đồng là một bước thông minh, một cơ hội cho Giáo hội công giáo la-mã đứng trước tình trạng nghiêm trọng của môi trường hay trước hết đây là một phương cách để bù đắp thời gian đã mất trong việc bảo vệ môi sinh cho hành tinh không?

Giáo hội công giáo cuối cùng đã thức tỉnh để mở ra với vấn đề sinh thái toàn diện mà Hội đồng Đại kết các Giáo hội (COE) ở Geneve đã nêu lên trong những năm 1970 với phương châm: Công lý, Hòa bình và Cứu Tạo dựng (JPSC). Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si’ năm 2015 nhằm bảo vệ Đất mẹ là bước ngoặt của Giáo hội công giáo. Đây không phải là bản văn dành cho tín hữu kitô nhưng cho toàn nhân loại.

Thông điệp Chúc tụng Chúa cũng không phải chỉ nói đến một hệ sinh thái xanh: đây là thông điệp bảo vệ một hệ sinh thái toàn diện bao gồm nhiều mặt, môi sinh, xã hội, chính trị, văn hóa, đời sống hàng ngày và thiêng liêng. Với thông điệp này, Đức Phanxicô có một cương vị vững chắc trong cuộc thảo luận về môi sinh trên toàn cầu. Từ trước đến nay, các Giáo hội là vấn đề hơn là giải pháp cho tình trạng của hành tinh. Ngày nay các Giáo hội mang đến sự phong phú về mặt thiêng liêng và đóng góp với một chất lượng cao. 

Các dân tộc bản địa sẽ có mặt

Thượng hội đồng gồm 185 thành viên. Trong số các người tham dự có các chủ tịch được Đức Phanxicô chỉ định: các hồng y Baltazar Enrique Porras Cardozo (Venezuela), Pedro Ricardo Barreto Jimeno (Pêru) và João Braz de Aviz (Ba Tây), hồng y Claudio Hummes (Ba Tây), tổng tường trình viên. Ngoài ra còn có 13 vị đứng đầu Giáo triều.

Trong số các thành viên tham dự có 114 giám mục từ các vùng Amazon bao gồm vùng Antilles và 6 nước: Bô-li-vi-a, Ba Tây, Cô-lông-bi, Ecuador, Pêru, Venezuela. Trong số các giám chức, chỉ có một giám mục Pháp tham dự, giám mục Emmanuel Lafont, giáo phận Cayenne (vùng Guyane thuộc Pháp).

Linh đạo bản địa và mục vụ hội nhập văn hóa

Theo quy định, các chuyên gia và nhiều dự thính viên được chỉ định tham dự vào các công việc của Thượng Hội đồng. Các chuyên gia phần lớn đến từ Châu Mỹ La Tinh và chuyên ngành của họ bao gồm các lãnh vực đa dạng liên hệ đến Thượng Hội đồng như linh đạo bản địa, mục vụ hội nhập văn hóa, lịch sử Giáo hội ở vùng Amazon, nhân chủng học xã hội và dân tộc học.

Giáo hội phải tính đến tầm nhìn đặc biệt về vũ trụ của các dân tộc bản địa | © Jacques Berset

Một linh mục bản địa của dân tộc zapotèque ở trong nhóm các người tham dự. Nhóm 55 dự thính viên có các đặc điểm giống nhau, họ là thành viên các bộ tộc và người thiểu số địa phương như ông Tapi Yawalapiti, tộc trưởng 16 bộ lạc ở Alto-Xingu, thuộc bang Mato Grosso, Ba Tây. Ông Aloysius Rajkumar John, người Pháp gốc bản địa là tổng thư ký Caritas Quốc tế ở trong nhóm dự thính viên. 

Ông Ban Ki-Moon trong số các khách mời đặc biệt

Ngoài ra có sáu đại diện các Giáo hội anh em như Giáo hội Presbyterian, Tin lành và Anh giáo Nam Mỹ. Các khách mời đặc biệt là cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc

Ban Ki-Moon, ông Jean-Pierre Dutilleux người Bỉ, đồng sáng lập và chủ tịch danh dự hiệp hội Forêt Vierge, bà Josianne Gauthier người Canada, tổng thư ký tổ chức Hợp tác Quốc tế Phát triển và Tương trợ (CIDSE), ông Carlos Alfonso Nobre, người được Giải Nobel Hòa bình năm 2007, giáo sư Jeffrey D. Sachs trong chương trình phát triển dài lâu của đại học Columbia, nước Mỹ. 

Thần học gia Leonardo Boff sinh năm 1938 ở Ba Tây. Ông bà nội ngoại của ông là những “người tị nạn kinh tế” như hàng chục ngàn gia đình đồng hương của ông từ miền bắc nước Ý đến Thế giới Mới. Mẹ của ông Leonardo suốt đời mù chữ. Leonardo Boff vào Dòng Phanxicô năm 20 tuổi. Ông theo học ở Ba Tây và ở Đức, ông có bằng tiến sĩ thần học hệ thống tín lý tại Munich, Đức. Sau khi chịu chức ông về Ba Tây năm 1970. Ông dạy học ở Viện thần học Dòng Phanxicô Petrópolis, gần Rio de Janeiro, và trở thành một trong các thần học gia hàng đầu về thần học giải phóng của thế giới thứ ba.

 Theo đường hướng của Thánh Phanxicô, “người nghèo” Assisi

Thần học gia Leonardo Boff là tác giả của hàng chục quyển sách, ông là cố vấn cho Hội đồng giám mục Ba Tây (CNBB). Trong những năm 1980, ông bị Bộ Giáo lý Đức tin cấm đi giảng và giảng dạy trong các Phân khoa của đại học công giáo nhất là sau khi ông xuất bản quyển sách “Giáo hội: đặc sủng và quyền lực” (Eglise: charisme et pouvoir, 1981). Đặc biệt Rôma trách cứ ông quá gần với chủ nghĩa mác-xít. Sau đó ông rời chức tư tế và ra khỏi Dòng Phanxicô về kết hôn với bà Marcia Monteiro da Silva Miranda, ông làm việc ở Petrópolis trong Phần vụ giúp các bà mẹ và trẻ em đường phố.

Từ những năm 1990, ông càng ngày càng quan tâm đến vấn đề môi sinh trong tinh thần Thánh Phanxicô dưới cái nhìn phê phán triệt để chủ nghĩa tư bản. Năm 1995 ông xuất bản quyển sách “Giá trị của Đất. Sinh thái: tiếng kêu của Quả đất, tiếng kêu của người nghèo” (Dignitas Terrae. Ecologie: cri de la Terre, cri des pauvres) và nhiều bài khảo luận triết học, luân lý học và thần học. Trong chuyến viếng thăm Fribourg, ông tâm sự ông hoàn toàn theo linh đạo của Thánh Phanxicô, “người nghèo” của Assisi.

(*) Ông Sergio Ferrari là cựu nhân viên truyền thông của tổ chức Phi Chính Phủ E-Changer ở thành phố Lausanne, Thụy Sĩ, cộng tác viên nhật báo Le Courrier ở Geneve và là tùy viên của nhiều báo ở Châu Mỹ La Tinh.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...