Mê đắm sắc dục


Philippe Sollers, báo: L’Évènement du Jeudi
 
Tội mê đắm sắc dục còn tồn tại đến ngày nay không? Ở đâu? Lúc nào? Bằng cách nào? Ở thiên đàng hay hạ giới? Vào thời Trung cổ? Ở thế kỷ 18 tại Pháp? Chắc chắn tội mê đắm sắc dục giờ này chẳng còn gì, hay hầu như chẳng còn gì. Chính danh từ dâm dục đã già nua, nó chỉ còn giữ một dấu vết có tính cách thần học mơ hồ và ngày nay chẳng còn ai xứng đáng mang tội này. Trong cả bảy tội, nó là tội hiếm có nhất, tội bị đánh ngã gục nhất, bại trận nhất. Chỉ còn hai tội lớn còn trải dài tới thời nay: đó là hà tiện và ham muốn. Lấy gì đo lường sự khốn cùng tột độ của thời đại này: một bên là nạn đói, bên kia là vắt cổ chiếm đoạt người khác. Trong khi ở sân khấu mệt mỏi của giới tính, hàng hóa tự tiêu dùng lấy, cám ơn, cứ việc dùng.
 
Đầu tiên hãy xem lại danh từ, chữ lux có nghĩa là ánh sáng: Nguyên thủy là luxus có nghĩa là quá độ, phóng đãng, huy hoàng, khuê trương, sang trọng. Danh từ dành cho thực vật, Luxuria có nghĩa: rậm rạp, phì nhiêu; dành cho động vật lại có nghĩa: có sinh khí. Một cách tổng quát là xa xỉ, dồi dào. Lạ thay, đến loài người nó lại có nghĩa: “Đời sống nhu nhược và ham khoái lạc!” Tại sao năng lực ở thực vật và động vật khi qua loài người lại biến thành suy đồi tẻ nhạt?  Nếu tội nguyên thủy có thật, nó cũng chỉ được mô tả như vậy là cùng. Trong bài thơ “Xấu Máu” Rimbaud bỗng nhiên ca ngợi mê đắm sắc dục là “tráng lệ.” Bạn có thể còn nhớ (mà cũng chẳng thể nào nhớ vì thời này chẳng còn ai đọc Rimbaud) câu thơ sáng ngời đó là: “Các tên trọng tội xấu xa ghê tởm như những tên bị thiến. Còn tôi, tôi còn nguyên, chẳng làm sao được với tôi.”
 
Nếu ngày nay có còn ai là kẻ mê đắm sắc dục, thì họ chẳng còn dấu vết nào của lỗi lầm xưa cũ ngày xưa. Họ kiêu ngạo? Không, phóng đãng chỉ dạy họ khiêm tốn. Tham ăn? Cũng không hơn gì, vì lạc thú làm mình có ý thức cho sự sáng suốt của khổ hạnh. Lười biếng? Không thể được, hành vi lười đòi hỏi một sự tỉnh thức thường xuyên. Biển lận? Đó là người hít thở không khí trong sự tiêu pha. Ham muốn? Xa xỉ được định nghĩa qua lòng khoan dung. (“Có những nhà chỉ được dùng cho chuyện này”) Giận dữ? Làm sao giận cho được lúc người ta vui hưởng? Kết luận: bản chất tự nhiên của con người: kiêu ngạo, tham ăn, biển lận, lười biếng, giận dữ, ham muốn, nhưng rất ít ai mê đắm sắc dục. Đó là một ân huệ, một món quà thần thánh nhưng cũng có thể biến thành quỷ ma ngay lập tức bởi những người không có khả năng dùng, một ân huệ vì nếu được thực hiện, nó tạo nên một cảm giác không biết mệt mỏi. Đây là một sự thật nghịch lý với kinh nghiệm: trên thực tế, ngược với sự suy nghĩ bình thường, con quỷ rất nghiêm nhặt, trong lúc Thượng Đế (rất nhiều ví dụ trong Thánh Kinh) thích giấu mình trong sắc dục. Có vị thần nhục dục nào mà không bị nhân loại khai trừ? Tôi tin là có. Khi thánh Phaolô kêu lên: “Nơi nào có nhiều tội lỗi, nơi đó ơn Chúa xuống dồi dào”, ngài nói về tội gì, nếu không là tội mê đắm sắc dục? Mặt khác, đạo ki-tô (công giáo nói chung) thường làm thần kinh con người căng thẳng, đạo được xây dựng trên những lời khuyên áp đặt gián tiếp, ám ảnh, loại: hãy đi xem đàng kia kìa, bạn sẽ thấy……… Munificentissimus DeusHuy hoàng  tráng lệ của Thượng Đế, thật tình, đó là tước hiệu ngông nhất trong các giấy tờ được đóng triện của Tòa Thánh cho lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Đó không phải là “bất tuân” “non serviam!” như Lucifer nói, nhưng là “chẳng thỏa mãn được gì” “non gaudiam”, cứ việc kiểm chứng. Để chứng minh cho tầm mức tác hại ghê gớm của việc tu khổ hạnh, hãy xem: Cám dỗ của Thánh Antoine. Mê đắm sắc dục tuyệt vời! Đúng sự thật làm sao! Ít đạo đức giả và cặn bã sâu xa làm sao! Như thử lôi xềnh xệch con quỷ đi ra từ cái xó xỉnh nhăn nhó của lòng sùng kính bị áp đặt! Thỉnh thoảng, từ những con rắn độc huy hoàng và hiếm hoi, hay từ những cái máy đánh chữ tàn bạo người ta có thể đọc những câu, chẳng hạn như Sade đã viết: “Sung sướng, trăm lần sung sướng cho những ai có óc tưởng tượng linh động và dâm đãng, luôn giữ vững các cảm giác cho ấn tượng đầu tiên của lạc thú.”
 
Với thời gian, càng ngày tôi càng thấy rõ hơn tất cả những gì tôi đã sống và viết, tôi chỉ xoay quanh đề tài: mê đắm sắc dục, dù cho gặp các phiền toái đủ loại và bị tẩy chay tận gốc về phía người đời cũng như giáo quyền. Kiểm duyệt luân lý có thể ở dưới ngàn chiếc mặt nạ và ngay cả bị cho là “giả tạo sâu xa”, điều tối cần cho sự kiểm duyệt – tội của các tội, phẩm hạnh không dung tha được – là mê đắm sắc dục. Đa số bọn nhà văn là bọn hèn, cầu khẩn, chán ngắt, bị bí, thiển cận, chậm chạp, rởm rang, nhiễu nhương, vẩn vơ, khép nép. Còn đám tiểu thuyết dở ẹt thì chen nhau ngồi chòm hỏm ở quầy hàng! Một tiểu thuyết không có sắc dục thì không đọc nổi, sắc dục là tiểu thuyết. Mọi người đều mơ đến nó, Freud, một Copernic tân thời, nói như thế; mỗi đêm, họ đều mơ tới sắc dục, nhưng không đạt đến được. Peccato! Có tội! Thật tệ! Mê đắm sắc dục vừa hành động, vừa chiêm ngưỡng, vừa trầm tư; là lủy thừa, là biến hóa, là tương đối; trường học thực hành của không gian và thời gian; ơn huệ của các ngôn ngữ; toán học rung động của thần kinh và sáng tạo, chiến thắng luôn luôn tái tạo trên cái chết và trên vùng thần kinh buồn bã thảm loạn; vắn tắt, đó là jazz, là cuộc chơi vĩ đại. Những người siêu hiện thực sẽ ngừng ở giới hạn này: thay vào đó, là màn ảnh bị xóa mờ và chiếc lá thơ mộng của cây nho. Một bức tranh tiêu biểu để ca tụng sắc dục? Bất cứ bức nào vào cuối đời của Picasso cũng được. Hoặc nếu bạn thích Delacroix thì có La Mort de Sardanapale. Để kết luận, là một chút tư tưởng của Nietzche, trích từ quyển sách nóng bỏng thời sự Gia phả của đạo đức (La Généalogie de la morale): “Nếu bệnh tật là chuyện thường tình ở con người – và đó là điều không chối cãi được -, thì lẽ ra người ta phải đánh giá rất cao những trường hợp họa hiếm biểu dương cho sức mạnh của cả tâm hồn và thể xác, những cú sung sướng của nhân loại, và lại càng nghiêm nhặt bảo vệ những con người thành công trong môi trường xấu, môi trường của những người bệnh tật. Người ta có làm không?” Không.
 
Marta An Nguyễn dịch
 
Xin đọc thêm: Kiêu ngạo ; Hà tiện ; Giận dữ
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...