GIÁO XỨ THÁNH TÂM: THÁNH LỄ TIỆC LY


GIÁO XỨ THÁNH TÂM: THÁNH LỄ TIỆC LY

 
Chiều thứ Năm Tuần Thánh, cùng với Giáo Hội toàn cầu, tất cả các thánh đường trong giáo phận tổ chức Thánh lễ Tiệc ly để cùng sống lại những giờ phút cuối cùng của Chúa Giêsu ở trần gian, Ngài đã bày tỏ tình yêu của Người, khi Người thiết lập bí tích Thánh Thể, khi Người cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.

Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, đã đến nhà thờ Chính Tòa Giáo xứ Thánh Tâm, cùng với Quý Cha trong Giáo xứ dâng Thánh lễ trọng thể. Vào lúc 17g30 ngày 18/04/2019, với sự hiện diện đông đảo các tín hữu cùng hiệp thông, sống trọn vẹn với Chúa Giêsu trong những tâm tình và việc làm yêu thương đến cùng của Người.

Mở đầu thánh lễ, Đức Giám mục nêu rõ ý nghĩa của Thánh lễ chiều nay, ngài mời gọi cộng đoàn hãy nhìn vào chính con người Đức Giêsu, trong những giây phút cuối cùng trước khi bước vào cuộc tử nạn cứu độ, để có thể phần nào hiểu được tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và dành cho từng người.

Ngày hôm nay, Đức Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể để luôn hiện diện trong lòng Giáo hội và trở nên của ăn nuôi dưỡng người Kitô hữu trên đường về quê trời. Lễ vượt qua đưa dân Do Thái vào giao ước Sinai, bí tích thánh thể đưa Giáo hội bước vào giao ước mới, giao ước được ký kết trên núi sọ. Trong thánh lễ này chúng ta cũng tưởng niệm việc Chúa Giêsu lập bí tích truyền chức thánh để qua trung gian của các linh mục sứ vụ cứu độ và hy tế của Ngài luôn được cử hành trên toàn thế giới. Chúng ta cũng không quên bài học yêu thương mà Chúa Giêsu đã nêu gương khi Ngài quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngài đã yêu thương họ và ngài tiếp tục yêu thương họ cho đến cùng. Tình yêu của Ngài giúp các môn đệ hiểu được ý nghĩa của việc phục vụ và biết chú ý hơn đến những người nghèo khó, những người thiếu may mắn, những người bị bỏ rơi trong cộng đoàn.

Bài giảng trong Thánh lễ, Đức Giám Mục đã chia sẻ: Bài Tin Mừng thánh Gioan giới thiệu với chúng ta bối cảnh tiệc ly mà thánh Gioan viết trước lễ vượt qua. Chúa Giêsu biết giờ đã đến, giờ phải từ bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và người yêu thương họ đến cùng.

Chúa Giêsu biết rõ là đã đến giờ bước vào cuộc khổ nạn như là Ngài sắp sửa chịu chết, Ngài yêu thương các môn đệ đến tận cùng như là yêu thương với tất cả khả năng của mình, yêu thương với tất cả trái tim của mình. Tình yêu Chúa dành cho các môn đệ còn lớn hơn khả năng hiểu biết của các ngài, còn lớn hơn sự yếu đuối lòng ích kỷ của các ngài. Ngài muốn làm thế nào với các môn đệ sau cái chết của Ngài vẫn tiếp tục là một thân thể liên kết với Ngài và hiệp nhất với nhau như cành nho gắn liền với thân nho. Chỉ có sự hiệp nhất mới giúp cộng đoàn cử hành bí tích Thánh thể một cách có ý nghĩa, bởi vì chúng ta hiệp thông với nhau trong cùng một chén, một bánh và nhờ đó Chúa Giêsu luôn hiện diện và nuôi dưỡng cộng đoàn tín hữu.

Phải chăng sự chia rẽ của dân Do Thái vào thời hậu Salomon, nước Do Thái chia làm hai. Mười chi tộc phía bắc đã tạo lập dân Israel, nhà nước Israel và hai chi tộc miền nam làm thành vương quốc Giuđa. Phải chăng kinh nghiệm chia rẽ đó đòi hỏi các môn đệ phải làm quen với một phong cách lãnh đạo mới: NGƯỜI LÃNH ĐẠO PHẢI PHỤC VỤ ANH CHỊ EM TRONG TINH THẦN KHIÊM TỐN VÀ VÔ VỊ LỢI. Chính thánh Phêrô và các tông đồ cũng chưa quen với cách suy nghĩ này làm sao mà chấp nhận được, một người Thầy, một người lãnh đạo lại đi làm một người đầy tớ, một người nô lệ là rửa chân cho các môn đệ. Phản ứng của thánh Phêrô qua câu nói: “thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Cho chúng ta thấy được điều đó tuy nhiên Chúa Giêsu vẫn kiên trì đáp lại nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy, điều này có nghĩa là nếu Phêrô không biết sống theo gương Thầy, không biết phục vụ cộng đoàn bằng con đường khiên hạ, yêu thương,  không biết thay đổi cách hiểu biết về sứ vụ của người môn đệ thì Phêrô không những không chu toàn trách nhiệm của người đứng đầu giáo hội mà còn có thể trở nên nguyên nhân để tạo ra sự chia rẽ ở trong lòng giáo hội nữa.

Ở đây, chúng ta thấy nghe vang vọng của lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ về cung cách của người bước theo Ngài: AI MUỐN THEO THẦY PHẢI TỪ BỎ CHÍNH MÌNH VÁC LẤY THẬP GIÁ CỦA MÌNH MÀ THEO vì con người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người và bấy giờ người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng với việc họ đã làm…

Đức Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể, là Mình và Máu Chúa đã đổ ra để cứu chuộc muôn dân. Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta cùng nhau kính dâng lên Chúa Cha của lễ cao quý đã hiến thân mình là Đức Kitô. Chúng ta hãy cầu nguyện và tích cực góp phần, để trở nên gương sáng Chúa Cha của lễ cao quý đã hiến thân mình là Đức Kitô.

Đức Giêsu cũng ban cho chúng ta một giới răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chúa muốn chúng ta hãy dám để cho tình yêu thôi thúc, để cho tình yêu dẫn dắt và tình yêu sẽ chỉ cho chúng ta phải làm gì để thực thi giới răn yêu thương trong từng giây phút trong cuộc sống của mỗi người. Yêu thương như Thầy là chúng ta không còn để lòng thù hận nhau mà mau làm hòa với nhau, để cuộc sống của chúng ta được thanh thản nhẹ nhàng.

Sau bài chia sẻ, Đức giám Mục đã noi gương Chúa Giêsu cởi áo ngoài, cúi xuống rửa chân cho 12 môn đệ. Hình ảnh một vị chủ chăn quỳ xuống trước con chiên của mình, đã đánh động tâm hồn chúng ta. Nếu dám cởi bỏ cái áo của sự tự mãn, thì chúng ta có thể cúi xuống phục vụ anh chị em chung quanh. Nếu không chịu cúi xuống, chúng ta không thể nhìn thấy được hoàn cảnh của anh chị em, không thể hiểu và thông cảm với những đau khổ của tha nhân.

Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ là tình yêu thương đối với mọi người. Ngài sẵn sàng chịu chết vì chúng ta, và dạy chúng ta cũng phải biết tiếp nhận mọi người. Yêu thương là để tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả và yêu mến chia sẻ bác ái những người đau yếu, bệnh tật.

Sau Thánh lễ là cuộc rước Mình Máu Thánh Chúa chung quanh nhà thờ tiến vào trong thánh đường. Các đoàn thể và giáo khu thay phiên nhau chầu Thánh Thể theo lời mời của Chúa Giêsu: “Anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?” (Mt 26, 40).

Giờ chầu Thánh Thể kết thúc vào lúc 22g trong bầu khí tĩnh lặng, tâm hồn mỗi người lắng đọng hướng về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu năm xưa.

 
















VIDEO


 

THANH CAO
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...