Thánh lễ tạ ơn: Tân LM Antôn Trần Bửu Phùng


Thánh lễ tạ ơn của tân linh mục Antôn Trần Bửu Phùng


Lúc 9 giờ sáng thứ Năm ngày 31.0102020 nhằm ngày 06 tháng giêng Canh Tý, cha Antôn Trần Bửu Phùng thuộc Đại Chủng Viện St. Joseph Seminary tại thành phố Edmonton, Alberta, Canada đã dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân Linh mục tại nhà thờ Chính Tòa giáo phận Banmêthuột.

Cha Antôn Trần Bửu Phùng cất tiếng khóc chào đời tại giáo xứ Thổ Hoàng, giáo phận Banmêthuột, Hiện ngụ tại 13 Yết Kiêu - Tp BMT, Nhà Thờ Chính Tòa Banmêthuột.

Thân phụ là ông cố Giuse Trần Hữu Linh và thân mẫu là bà cố Anna Hoàng Thị Trọng đều đã qua đời.

Cùng đồng tế có quý cha trong giáo phận, quý cha quê hương Thổ Hoàng, cha Vũ Văn Chính (Gx Xa Cát, Gp Thái Bình) và cha Parker Love người Canada. Đặc biệt, có Đức Tổng Giám mục Donald J. Bolen, người đã đặt tay truyền chức Linh mục cho cha Antôn, và cha Vũ Văn Chính, cha Parker Love tại Thánh Đường Holy Rosary Cathedral - SK – Canada, vào hồi 7:00 tối thứ 6 ngày 14.6.2019 (giờ Canada), tức vào lúc 8:00 sáng thứ 7 ngày 15.6.2019 (giờ Vietnam).

Trong bài giảng, cha Antôn Trần Bửu Phùng đã dùng 2 gợi hứng từ Tin Mừng để chia sẻ với cộng đoàn về cách chọn gọi rất đặc thù của Thiên Chúa qua cảm nhận ơn chọn gọi mà Chúa dành riêng cho bản thân ngài:

Gợi hứng thứ nhất từ Thánh Vịnh 136, ngài nói“ Kế hoạch yêu thương này chỉ được thấu hiểu trong cầu nguyện và thinh lặng. Chỉ và chỉ trong môi trường như thế, con người gặp gỡ THIÊN CHÚA, con người khám phá hoặc là tái khám phá ra thánh ý Ngài và đáp trả lại thánh ý nhiệm mầu ấy…” Bài thánh vịnh tưởng như đã kết thúc ở câu 26. Nhưng không! Bài thánh vịnh này thiết tưởng nên được lập đi lập lại liên lỷ trong suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta. Khi chúng ta nhìn lại cuộc đời và hành trình Đức tin của mình, chúng ta như nhìn thấy những việc kì diệu mà Thiên Chúa đã làm cho ta, và mau mắn đáp trả “muôn ngàn đời chúa vẫn trọn tình thương”.” Lời đáp trả này phải được xướng lên liên lỷ với niềm xác tín mãnh liệt mà đôi khi với đôi mắt phàm nhân chúng ta không hiểu thấu. Nhìn lại cách thức và hành trình ơn gọi của chính mình, con như xác tín hơn vào điều này.

Gợi hứng thứ hai từ biến cố thánh Phaolô trở lại:”… kể từ biến cố Đa-mát, Phaolô biết được rằng ơn cứu độ của ông không nằm ở chỗ giữ luật cách nghiêm nhặt, nhưng ở Lòng tin vào Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất. Vì thế, những thuận lợi mà ông có được dưới danh nghĩa Do-thái, ông xem như không còn giá trị gì trước sự khám phá ra Đấng Phục sinh, Nguồn Cứu Độ duy nhất và chân thật. Được bắt đầu và được tăng sức bởi cái kinh nghiệm đã biến đổi Phaolô trở thành một người “được gọi” cho một sứ vụ đặc biệt là đem Tin Mừng cho dân ngoại đến tận cùng trái đất…”

Kết thúc bài giảng ngài xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho ngài:”Hành trình ơn gọi của con không phải đã đến đích khi lãnh nhận thừa tác vụ Linh mục, mà chỉ là lật ra một chương mới trong sứ vụ tông đồ của Đức Kitô. Kính xin quý vị tiếp tục nâng đỡ con trong hành trình Đức tin này, để con có thể theo Chúa như lòng ngài mong ước. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta. Amen”

Thánh lễ kết thúc lúc 10g30. Sau đó, quý cha đồng tế chụp hình lưu niệm với Tân linh mục, và cùng với quý khách chung vui trong bữa cơm thân mật với Tân linh mục.

IMG 9700_resize

IMG 9702_resize

IMG 9712_resize

IMG 9713_resize

IMG 9723_resize

IMG 9724_resize

IMG 9732_resize

IMG 9747_resize

IMG 9761_resize

Xem Thêm Hình Ảnh

Hồng Bính

 

  

Bài Giảng của cha Antôn Trần Bửu Phùng

“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ vẫn một niềm thành tín.”

Kính thưa quý Đức cha, quý cha, thầy phó tế, tu sĩ nam nữ, và anh chị em thân mến,

Cuộc sống mỗi người chúng ta thể hiện một chương trình đặc thù của THIÊN CHÚA. Và chương trình đó khác biệt giữa người này với người khác. Nhiều người cảm nhận ra kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa từ rất sớm nhưng cũng có những người cần một quãng thời gian dài để ấp ủ và tìm tòi. Từng bước từng bước Thiên Chúa đã dắt dìu chúng ta trên con đường tình yêu này và sẽ giúp chúng ta khám phá ra chương trình kỳ diệu của Ngài. Dù rằng Ngài đã có một kế hoạch hoàn hảo dành cho mỗi người chúng ta, nhưng Ngài cần chúng ta cộng tác để kế hoạch ấy đi vào trần thế: ”Trước khi cho con thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết con. Trước khi con lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa con. Ta đặt con làm ngôn sứ cho chư dân.” Kế hoạch yêu thương này chỉ được thấu hiểu trong cầu nguyện và thinh lặng. Chỉ và chỉ trong môi trường như thế, con người gặp gỡ THIÊN CHÚA, con người khám phá hoặc là tái khám phá ra thánh ý Ngài và đáp trả lại thánh ý nhiệm mầu ấy. Nhiều khi với thân phận mọn hèn chúng ta không hiểu thấu, nhưng với đôi mắt Đức tin chúng ta biết rằng ngài luôn yêu thương ta. Tình yêu ấy đã được cảm nhận trong suốt chiều dài lịch sử của dân thánh Israel. Thánh vịnh 136 ở bài đọc một đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự nhiệm mầu của tình yêu vĩ đại này.

Dọc suốt bài thi ca này, nhiều công việc kì diệu và quyền năng của Thiên Chúa thể hiện trong suốt lịch sử của Israel đã được liệt kê: bắt đầu từ chương trình tạo dựng đến việc đưa dân riêng của ngài ra khỏi Ai Cập; từ việc ngài quan phòng toàn vũ trụ bao la đến việc quan phòng cho từng cá nhân chúng ta. Đối với mỗi một lời tuyên dương về hành động cứu độ của Chúa, thì bài tụng ca này đáp lại theo một nguyên lý sâu xa, nguyên lý đó là tình yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa, một tình yêu, theo ngôn từ Do Thái được sử dụng, bao gồm lòng tín trung, nhân hậu, thiện hảo, sủng ái và dịu dàng. Đó là lý do duy nhất cho toàn bài thánh vịnh này; bao giờ nó cũng được lập lại như nhau, trong khi thay đổi những việc biểu lộ đúng lúc và biến báo của Ngài.

Bài thánh vịnh tưởng như đã kết thúc ở câu 26. Nhưng không! Bài thánh vịnh này thiết tưởng nên được lập liên lỷ trong suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta. Khi chúng ta nhìn lại cuộc đời và hành trình Đức tin của mình, chúng ta như nhìn thấy những việc kì diệu mà Thiên Chúa đã làm cho ta, và mau mắn đáp trả “muôn ngàn đời chúa vẫn trọn tình thương”.” Lời đáp trả này phải được xướng lên liên lỷ với niềm xác tín mãnh liệt mà đôi khi với đôi mắt phàm nhân chúng ta không hiểu thấu. Nhìn lại cách thức và hành trình ơn gọi của chính mình, con như xác tín hơn vào điều này.

Bài đọc hai giúp chúng ta nhìn lại một trong những ơn gọi đặc thù của Kitô giáo. Trong cái nhìn Kitô giáo, người ta có xu hướng xem ơn gọi của Thánh Phaolô là “một cuộc trở lại” lớn nhất. Từ biến cố Đa-mát, một kẻ bách đạo thành một chứng nhân kiên cường của Đức Kitô, ta phải gọi đó là “sự trở lại” hay “ơn gọi”? Thật ra Phaolô không chối bỏ Do thái giáo để đi vào Kitô giáo như một đạo giáo mới. Cuộc đời của ông có nhiều yếu tố Do thái giáo. Chúng ta không nên phân biệt hay đặt câu hỏi về tôn giáo của Phaolô. Ông đã là và vẫn là Do thái, nhưng cuộc biến đổi thâm sâu mở ra nơi ông là: ông không còn đặt niềm tin tưởng, liên quan đến ơn cứu độ, vào những đặc quyền Do Thái của ông, nhưng cậy dựa vào một mình Đức Giêsu, và chỉ Đức Kitô mới mang lại ơn cứu độ triệt để.

Nói một cách khác, kể từ biến cố Đa-mát, Phaolô biết được rằng ơn cứu độ của ông không nằm ở chỗ giữ luật cách nghiêm nhặt, nhưng ở Lòng tin vào Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất. Vì thế, những thuận lợi mà ông có được dưới danh nghĩa Do thái, ông xem như không còn giá trị gì trước sự khám phá ra Đấng Phục sinh, Ngưồn Cứu Độ duy nhất và chân thật. Được bắt và được tăng sức bởi cái kinh nghiệm đã biến đổi Phaolô trở thành một người “được gọi” cho một sứ vụ đặc biệt là đem Tin mừng cho dân ngoại đến tận cùng trái đất.

Và vì những chương trình kì diệu như thế, giữa một đoàn dân đông đảo đi theo ngài, ngài đã thương yêu và chọn gọi nhóm 12. Sự lựa chọn của ngài không theo bất cứ một tiêu chuẩn trần thế nào. Ngài không quan trọng anh là ai, anh đến từ đâu, quá khứ của anh như thế nào. Ngài chỉ quan trọng một điều đó là: anh cần cho chương trình cứu độ nhiệm mầu của tôi. Anh cần cho chương trình làm cho danh cha cả sáng, nước cha trị đến, ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Vì chương trình cứu độ kì diệu như thế và vì anh là một mắt xích quan trọng như thế nên tội anh có đỏ như son cũng sẽ được thanh luyện và tẩy rửa nên trắng như tuyết như trong chương thứ nhất của sách tiên tri Isaiah đề cập đến. Điều quan trọng kế tiếp là sự đáp trả của chính mỗi người chúng ta. Chúng ta có mau mắn đứng dậy đáp lời hay chần chừ trong những đam mê trần thế của mình. Những ước mong chúng ta có thể noi gương Abraham, Đức Maria và các thánh, những người đã đáp trả tiếng mời gọi của Chúa một cách triệt để.

Hành trình ơn gọi của con không phải đã đến đích khi lãnh nhận thừa tác vụ Linh mục, mà chỉ là lật ra một chương mới trong sứ vụ tông đồ của Đức Kitô. Kính xin quý vị tiếp tục nâng đỡ con trong hành trình Đức tin này, để con có thể theo Chúa như lòng ngài mong ước. Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta. Amen.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...