Lòng đạo đức bình dân trong văn hoá dân tộc
Đức Thánh Cha: Lòng đạo đức bình dân bén rễ trong văn hoá dân tộc
Lúc 7 giờ sáng Chúa Nhật ngày 15/12, Đức Thánh Cha đã rời nhà thánh Marta để ra sân bay Fiumicino của Roma để thực hiện chuyến tông du 1 ngày đến đảo Corsica của Pháp nhân Đại hội lòng đạo đức bình dân của khu vực Địa Trung Hải. Tại Đại hội, Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ dấn thân cách tích cực hơn nữa trong đời sống xã hội, văn hóa và chính trị, với sức mạnh của những lý tưởng cao đẹp và niềm đam mê phục vụ thiện ích chung.
Tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm của thành phố Ajaccio Đức Thánh Cha đã có một bài diễn văn trước các tham dự viên của Đại hội.
Trước hết ngài diễn tả sự vui mừng về buổi gặp gỡ “nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải, nơi quy tụ nhiều nhà nghiên cứu và các Giám mục đến từ nước Pháp cũng như từ các quốc gia khác”.
Truyền thống tôn giáo và văn hóa của các dân tộc Địa Trung Hải
Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha mô tả: Các vùng đất bao quanh biển Địa Trung Hải vốn là cái nôi của nhiều nền văn minh rực rỡ trong lịch sử, đặc biệt là các nền văn hóa Hy-La và Do Thái-Kitô giáo, minh chứng cho tầm quan trọng văn hóa, tôn giáo, lịch sử của “hồ lớn” này, một biển duy nhất trên thế giới kết nối ba châu lục.
Không thể quên rằng, trong văn học cổ điển Hy Lạp và La Mã, Địa Trung Hải thường là bối cảnh lý tưởng cho sự ra đời của các huyền thoại, truyện kể và truyền thuyết. Tại đây, tư tưởng triết học và nghệ thuật, cùng với các kỹ thuật hàng hải, đã giúp các nền văn minh Biển của chúng ta (Mare nostrum) phát triển một nền văn hóa vượt bậc, mở các tuyến giao thương, xây dựng cơ sở hạ tầng, các hệ thống thủy lợi, và đặc biệt là các hệ thống pháp luật và thể chế, mà các nguyên tắc cơ bản vẫn còn giá trị đến ngày nay.
Giữa Địa Trung Hải và Cận Đông, đã xuất hiện một trải nghiệm tôn giáo độc đáo, gắn liền với Thiên Chúa của Israel, Đấng đã mạc khải chính mình cho nhân loại và khởi đầu một cuộc đối thoại không ngừng với dân của Người, mà đỉnh cao là sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải dung mạo đáng tin cậy nhất của Chúa Cha, là Cha của Người cũng là Cha của chúng ta, và hoàn tất Giao Ước giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Lòng đạo đức bình dân trong xã hội hiện đại
Hơn hai ngàn năm đã trôi qua kể từ Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, và nhiều thời đại và văn hoá nối tiếp nhau. Trong lịch sử, đức tin Kitô giáo đã nhiều lần ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống các dân tộc và cả các thể chế chính trị của họ. Trong khi ngày nay, đặc biệt ở các quốc gia châu Âu, câu hỏi về Thiên Chúa dường như mờ nhạt đi, và nhiều người trở nên thờ ơ với sự hiện diện cũng như Lời của Người. Tuy nhiên, cần thận trọng khi phân tích bối cảnh này để tránh các nhận định vội vàng hoặc các phán xét mang tính ý thức hệ, vốn đôi khi cả ở ngày nay, đối lập văn hóa Kitô giáo với văn hóa thế tục. Đây là một sai lầm.
Trái lại, điều quan trọng là phải nhìn nhận sự mở ra hỗ tương giữa hai chiều kích này: người tín hữu mở ra với sự thanh thản hơn bao giờ hết trước khả năng sống đức tin của mình mà không áp đặt nó, như men trong bột của thế gian và của môi trường mà họ sống; những người không tin hoặc đã xa rời thực hành đức tin vẫn không xa lạ với việc tìm kiếm chân lý, công lý, tình liên đới, và đôi khi, dù không thuộc tôn giáo nào, vẫn mang trong lòng khát vọng ý nghĩa sâu xa hơn, một câu hỏi về ý nghĩa dẫn họ đến chỗ chất vấn mầu nhiệm sự sống và tìm kiếm giá trị nền tảng cho thiện ích chung.
Chính trong bối cảnh này, chúng ta nhận thấy vẻ đẹp và tầm quan trọng của lòng đạo đức bình dân (x. Thánh Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi, 48). Thánh Phaolô VI đã thay đổi tên gọi, trong Evangelii nuntiandi, ngài đổi từ “tính tôn giáo” thành “lòng đạo đức bình dân”. Một mặt, nó đưa chúng ta trở lại Mầu nhiệm Nhập thể như là nền tảng của đức tin Kitô giáo, được biểu hiện trong văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ của một dân tộc và truyền tải qua các biểu tượng, trang phục, nghi lễ và truyền thống của một cộng đồng sống động. Mặt khác, việc thực hành lòng đạo đức bình dân còn thu hút và gắn kết cả những ai đang đứng ở ngưỡng cửa đức tin, những người không siêng năng thực hành, và những người tìm lại cội nguồn và tình cảm của họ, cùng với những lý tưởng và giá trị mà họ coi là hữu ích cho cuộc sống của bản thân và xã hội.
Lòng đạo đức bình dân, diễn tả đức tin bằng những cử chỉ đơn sơ này và ngôn ngữ biểu tượng bắt nguồn từ văn hoá dân tộc, tỏ lộ sự hiện diện của Thiên Chúa trong máu thịt sống động của lịch sử, củng cố sự liên kết với Giáo hội và thường trở thành cơ hội gặp gỡ, trao đổi văn hóa và lễ hội. Có điều thú vị là: một lòng đạo đức mà không có lễ hội thì không có hương vị, không phải là lòng đạo đức từ dân chúng, mà là một lòng đạo đức gạn lọc. Theo nghĩa này, các thực hành của nó mang lại hình hài cho mối tương quan với Chúa và cho các nội dung đức tin. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại suy tư của Blaise Pascal, khi ông đối thoại với một nhân vật tưởng tượng nhằm giúp hiểu làm thế nào để đạt đến đức tin. Ông nói rằng chỉ đưa ra nhiều bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa hay thực hiện những nỗ lực trí tuệ thôi thì chưa đủ; tốt hơn, chúng ta cần nhìn vào những người đã tiến tới trên hành trình, bởi vì họ bắt đầu bằng những bước nhỏ, bằng cách “nhận nước thánh, tham dự thánh lễ” (Pensieri, trong Opere complete, Milano, 2020, n. 681). Từng bước nhỏ dẫn chúng ta tiến tới. Lòng đạo đức bình dân là lòng đạo đức đi cùng với văn hoá, nhưng không lẫn lộn với văn hoá.
Một điều không được quên là: “Nơi lòng đạo đức bình dân, chúng ta có thể nắm bắt cách thức đức tin được đón nhận, được nhập thể vào một nền văn hóa và tiếp tục được truyền đi”, và vì thế trong đó “tiềm ẩn một sức mạnh loan báo Tin Mừng tích cực mà chúng ta không thể xem thường: làm như thế chẳng khác nào phủ nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần” (Tông huấn Evangelii gaudium, 123; 126).
Và chúng ta phải để ý việc lòng đạo đức bình dân bị sử dụng, bị lợi dụng bởi các tổ chức nhằm củng cố căn tính của mình một cách tranh cãi, nuôi dưỡng chủ nghĩa cục bộ, đối lập, và các thái độ loại trừ. Tất cả những điều này không phù hợp với tinh thần Kitô giáo của lòng đạo đức bình dân và mời gọi tất cả chúng ta, cách đặc biệt là các Mục tử, phải luôn tỉnh thức, phân định và quan tâm cách liên tục đến các hình thức đạo đức bình dân trong đời sống tôn giáo.
Sự cộng tác giữa Giáo hội và xã hội dân sự
Khi lòng đạo đức bình dân có khả năng truyền tải đức tin Kitô giáo và các giá trị văn hóa của một dân tộc, liên kết các tâm hồn và quy tụ một cộng đoàn, thì nó mang lại hoa trái quan trọng, không chỉ cho xã hội nói chung mà còn cho các mối quan hệ giữa các thể chế dân sự, chính trị và Giáo hội. Đức tin không thể là một thực tại riêng tư, chỉ dừng lại trong thánh điện của lương tâm, nhưng – nếu muốn trung thành cách trọn vẹn với chính mình – nó đòi hỏi một sự dấn thân và chứng tá cho tất cả mọi người, vì sự phát triển con người, tiến bộ xã hội và việc chăm sóc thụ tạo, trong dấu chỉ của đức ái. Chính vì vậy, từ việc tuyên xưng đức tin Kitô giáo và đời sống cộng đoàn được soi sáng bởi Tin Mừng và các Bí tích, qua dòng lịch sử đã nảy sinh vô số các công trình bác ái và các tổ chức như bệnh viện, trường học, trung tâm trợ giúp – tại Pháp có rất nhiều! – nơi các tín hữu dấn thân phục vụ những người túng thiếu và góp phần vào việc phát triển thiện ích chung. Lòng đạo đức bình dân, các cuộc rước kiệu, những lời cầu nguyện khẩn nài, các hoạt động bác ái của các hội đoàn, cầu nguyện cộng đoàn với kinh Mân Côi và các hình thức sùng kính khác có thể nuôi dưỡng “tinh thần công dân mang tính xây dựng” của người Kitô hữu.
Đồng thời, trên nền tảng chung của việc can đảm thi hành điều thiện hảo, các tín hữu có thể cùng đồng hành với các thể chế đời, dân sự và chính trị trong việc phục vụ con người, khởi đi từ những người bé mọn nhất, để hướng đến sự phát triển toàn diện con người và bảo vệ “Hòn đảo xinh đẹp” này.
Do đó, cần thiết phải phát triển một khái niệm “tính thế tục” không cứng nhắc hay bảo thủ, mà mang tính tiến hoá và năng động, có khả năng thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau hay bất ngờ, và thúc đẩy sự hợp tác liên tục giữa các nhà chức trách dân sự và Giáo hội, vì lợi ích của toàn thể cộng đồng, trong khi mỗi bên vẫn tôn trọng giới hạn và phạm vi trách nhiệm của mình. Như Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định, tính thế tục lành mạnh “có nghĩa là giải phóng tôn giáo khỏi gánh nặng của chính trị và làm phong phú chính trị với những đóng góp của tôn giáo, trong khi vẫn duy trì khoảng cách cần thiết, sự phân biệt rõ ràng và sự hợp tác cần thiết giữa đôi bên. […] Một tính thế tục lành mạnh như thế bảo đảm cho chính trị có thể hoạt động mà không lợi dụng tôn giáo, và tôn giáo có thể tự do sống mà không bị áp đặt bởi chính trị, vốn đôi khi mang những lợi ích không phù hợp, hoặc thậm chí trái ngược với niềm tin tôn giáo. Vì lý do này, tính thế tục lành mạnh là cần thiết, thậm chí không thể thiếu cho cả hai” (Tông huấn hậu Thượng Hội đồng về Giáo hội vùng Trung Đông, 29).
Bằng cách này, nhiều năng lượng và khả năng hợp tác sẽ được giải phóng, không có định kiến hay sự đối lập mang tính nguyên tắc, trong một cuộc đối thoại cởi mở, thẳng thắn và phong phú.
Lời mời gọi dành cho giới trẻ và mục tử
Anh chị em thân mến, lòng đạo đức bình dân, vốn bén rễ sâu tại Corsica mà không phải là mê tín, làm nổi bật các giá trị đức tin và đồng thời diễn tả khuôn mặt, lịch sử và văn hóa của các dân tộc. Trong sự đan xen này, mà không lẫn lộn, hình thành nên cuộc đối thoại liên tục giữa thế giới tôn giáo và thế giới dân sự, giữa Giáo hội và các thể chế dân sự, chính trị. Trong lĩnh vực này, anh chị em đã tiến bước từ lâu và là một mẫu gương điển hình ở châu Âu. Hãy tiến tới! Và tôi muốn khuyến khích các bạn trẻ dấn thân cách tích cực hơn trong đời sống xã hội, văn hóa và chính trị, với sức mạnh của những lý tưởng cao đẹp và niềm đam mê phục vụ thiện ích chung. Đồng thời, tôi cũng khuyến khích các mục tử và tín hữu, các nhà chính trị và những người có trách nhiệm công, hãy luôn gần gũi với dân chúng, lắng nghe những nhu cầu của họ, thấu hiểu những đau khổ của họ và diễn giải những hy vọng của họ, bởi vì mọi quyền bính chỉ lớn mạnh trong sự gần gũi. Các mục tử phải có sự gần gũi này: gần gũi với Chúa, với các mục tử khác, với dân chúng. Các mục tử không có sự gần gũi này, cũng không gắn với lịch sử văn hoá, thì chỉ đơn giản là một “ngài tu viện trưởng”, không phải là mục tử. Chúng ta phải phân biệt hai cách thức tiếp cận mục vụ.
Tôi cầu chúc Đại hội này về lòng đạo đức bình dân sẽ giúp anh chị em khám phá lại cội rễ đức tin của mình và thúc đẩy một sự dấn thân mới mẻ trong Giáo hội và xã hội dân sự, phục vụ Tin Mừng và thiện ích chung của mọi người.
Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ Giáo hội, đồng hành và nâng đỡ anh chị em trên hành trình này. Cảm ơn anh chị em!
Sau buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha đến Nhà thờ Đức Mẹ Lên trời để gặp các các giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại đây.
Nguồn tin Vatican News