Hướng tới sự hiện diện tròn đầy
Bối cảnh ra đời cùng những nét chính của Tài liệu “Hướng tới sự hiện diện tròn đầy - Suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội” do Bộ Truyền Thông công bố ngày 29.05.2023.
WHĐ (30.05.2024) – Trong bài viết sau đây, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm giới thiệu đôi nét về bối cảnh ra đời cùng những nét chính của Tài liệu “Hướng tới sự hiện diện tròn đầy - Suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội” do Bộ Truyền Thông công bố ngày 29.05.2023.
HƯỚNG TỚI SỰ HIỆN DIỆN TRÒN ĐẦY
GHI CHÉP VỀ BỐI CẢNH RA ĐỜI
TÀI LIỆU SUY TƯ MỤC VỤ VỀ MẠNG XÃ HỘI
Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn mọi sinh hoạt, vì thế sau đại dịch, các thành viên Bộ Truyền thông của Tòa Thánh Vatican vui mừng gặp lại nhau trong hội nghị tháng 11/2022. Cùng với Thư mời tham dự hội nghị, Bộ Truyền thông đã gửi cho các thành viên bản dự thảo Suy tư mục vụ về Mạng xã hội. Trong hội nghị, trước khi thảo luận về Dự thảo, hội nghị đã nghe các tường trình từ các châu lục và hai bài thuyết trình của hai giáo sư chuyên ngành truyền thông.
Tiến sĩ Derrick De Kerckhove trình bày đề tài “Mối tương quan giữa Giáo hội và ngôn ngữ trong bối cảnh kỹ thuật số”. Theo ông, trong lịch sử, sau khi báo in ra đời, đã có rất nhiều thay đổi trong ngôn ngữ, thông tin, tác động trên con người và xã hội. Cũng thế, sự ra đời của kỹ thuật số thay đổi rất nhiều trong thông tin, quan hệ con người và xã hội, vừa mang lại những hứa hẹn vừa có những đe dọa. Do đó, suy nghĩ về mối tương quan giữa Giáo hội và ngôn ngữ kỹ thuật số là điều cần thiết. Trong bối cảnh đó, với trách nhiệm bảo vệ đức tin, Giáo hội không những có trách nhiệm bảo vệ chân lý đức tin, mà còn bảo vệ chính ngôn ngữ và người sử dụng trong thế giới kỹ thuật số tràn ngập thông tin cả tốt lẫn xấu.
Tiến sĩ Felicia Wu Song thuyết trình đề tài “Tin Mừng trong kỷ nguyên kỹ thuật số: tiếng gọi hướng đến chiêm niệm”. Bà chia sẻ kinh nghiệm cá nhân từng say mê mạng xã hội vì thấy ích lợi của nó, nhưng khi nhận ra ngày càng lệ thuộc, bà đã tìm cách điều chỉnh lại. Thêm vào đó là kinh nghiệm về mạng xã hội khi giảng dạy sinh viên. Câu hỏi đặt ra là Tin Mừng có nghĩa gì đối với những người đang bị cuốn hút trước những hứa hẹn của kỹ thuật số? Với nhiều người, sống trong thế giới kỹ thuật số có nghĩa là hằng ngày chỉ nhìn thấy sự thiếu thốn của mình (do so sánh với những gì người ta giới thiệu) thay vì nhìn thấy sự phong phú của ân sủng. Trong bối cảnh đó, làm sao để thói quen kỹ thuật số trở thành một thứ “phụng vụ” có khả năng đào tạo và loan báo tình yêu của chúng ta? Đây là điều Kitô giáo phải quan tâm để trong thế giới kỹ thuật số, chúng ta khơi dậy năng lực nội tâm giúp các Kitô hữu hiện diện với Thiên Chúa, với chính mình, và với tha nhân.
Sau khi lắng nghe các bài thuyết trình, hội nghị tiếp tục thảo luận dựa trên một số câu hỏi:
– Giáo hội có thể sử dụng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông ra sao để không những trình bày sứ điệp Kitô giáo, nhưng còn vạch trần tin giả?
– Đâu là những nguồn lực thần học và thể chế có thể hữu ích cho đời sống các Kitô hữu đang hằng ngày đối mặt với những thách thức của thế giới kỹ thuật số?
– Đâu là những nơi có khả năng không những giúp cho người trẻ nhưng cả các bậc cha mẹ, giáo viên, những người lãnh đạo, sống trung tín trong thế giới kỹ thuật số?
– “Đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”, chúng ta nên thực hiện lời Kinh Hòa Bình như thế nào trong thế giới kỹ thuật số?
Sau khi lắng nghe tường trình của các châu lục và hai bài thuyết trình, hội nghị dành thời giờ cho việc trình bày Dự thảo Suy tư mục vụ về mạng xã hội, và đóng góp ý kiến cho dự thảo này. Có thể tóm tắt một số ghi nhận.
1. Mạng xã hội là thế giới sống của con người ngày nay, nhất là giới trẻ
– Hiện nay trên toàn thế giới có 5,1 tỉ người sử dụng điện thoại di động, chiếm 67% dân số toàn cầu.
– Có 4,7 tỉ người sử dụng internet, chiếm 57% dân số toàn cầu.
– Có 3,5 tỉ sử dụng mạng xã hội và con số này tiếp tục tăng hằng năm, chiếm 45% dân số toàn cầu.
– 3,3 tỉ người sử dụng mạng xã hội trên điện thoại thông minh, chiếm 42% dân số toàn cầu.
– Thời gian mỗi người dành cho mạng xã hội mỗi ngày tính chung là 2 giờ và 16 phút. Đây là tính chung, còn dĩ nhiên có những thay đổi và khác biệt theo mỗi quốc gia và lứa tuổi.
Những con số trên cho thấy mạng xã hội đang là thế giới sống của đa số nhân loại ngày nay, nhất là người trẻ, và thế giới ấy tác động lên suy nghĩ cũng như cách sống của con người: “Vấn đề không chỉ là sử dụng các phương tiện truyền thông, nhưng là sống trong nền văn hóa kỹ thuật số với những tác động sâu xa của nó lên những ý niệm về không gian và thời gian, về nhận thức bản thân, nhận thức về người khác và thế giới, về cách thế chúng ta thông tin, học hỏi, thu thập thông tin, và tương tác với những người khác” (Đức Ông Lucio Adrian Ruiz, Thư ký Bộ Truyền thông).
2. Những mặt tích cực của mạng xã hội
Trong hội nghị, Bộ Truyền thông gửi tặng mỗi thành viên một tập sách ảnh khổ lớn, với ảnh bìa là hình Đức Giáo hoàng Phanxicô đứng giữa cơn mưa tại quảng trường Thánh Phêrô mênh mông, ban phép lành Urbi et Orbi, cầu nguyện cho sức khỏe của mọi người trên toàn thế giới trong đại dịch Covid-19. Ngài cầm trên tay Thánh giá ở Nhà nguyện San Marcello al Corso, là Thánh giá đã được kiệu qua các con đường của Rôma trong cơn dịch năm 1522. Ước tính khoảng 11 triệu người trên khắp thế giới đã theo dõi giờ cầu nguyện trực tuyến này và nhận phép lành toàn xá. Hơn bao giờ hết, tính phổ quát của Hội Thánh và sự hiệp thông giữa các tín hữu được bày tỏ cách hùng hồn thông qua mạng xã hội. Các Giáo phận trên toàn thế giới cũng cảm nhận được điều này thông qua những Thánh Lễ và các giờ cầu nguyện trực tuyến trong Hội Thánh địa phương.
Không chỉ cho Hội Thánh mà thôi, mạng xã hội đã trở thành mạng lưới kết nối con người với nhau trong tình liên đới và chia sẻ: những buổi hòa nhạc kết nối biết bao người đang bị nhốt trong nhà; những hành động bác ái và chia sẻ lan truyền chóng mặt, nâng đỡ tinh thần hằng triệu người. Kể cả với những người khuyết tật, nữ tu Veronica Donatello ghi nhận rằng: “Với những người khuyết tật, mạng xã hội là cánh cửa mở ra với thế giới, giúp cho họ trở thành một phần của thế giới. Nhưng như thế mà thôi chưa đủ, chúng ta phải giúp đỡ nhau xây dựng tương quan và đặt mình vào hoàn cảnh của người khác”.
3. Tuy nhiên, như con dao hai lưỡi, mạng xã hội cũng có nhiều mặt tiêu cực:
Các thuật toán được thiết kế nhằm thu hút người xem, vì thế có khả năng thăm dò thị hiếu người sử dụng và cung cấp những thông tin, hình ảnh phù hợp với thị hiếu đó, dẫn đến cách nhìn lệch lạc, một chiều về thực tại, cổ võ những thái độ quá khích và cực đoan, khích động hận thù và bạo lực, thay vì tạo những gặp gỡ và đối thoại để có tầm nhìn khách quan về thực tại và phản ứng thích hợp.
Ngoài ra nếu không được sử dụng đúng mức, mạng xã hội có thể đẩy người dùng vào trạng thái cô lập và cô đơn, dẫn đến những hậu quả cho sức khỏe tâm thần: trầm cảm, tự ti, buồn chán, thất vọng, tự hại bản thân.
Hơn thế nữa, mạng xã hội có thể biến người dùng thành món hàng mua bán như người ta nói, “Nếu bạn không phải trả tiền cho sản phẩm, thì có nghĩa là bạn đã trở thành sản phẩm”. Các thông tin về người sử dụng được thu thập và bán cho những người muốn mua để quảng cáo, bán hàng, tiếp cận. Khi con người bị nhìn như một đồ vật để mua bán và trao đổi chứ không như một nhân vị, thì điều được quan tâm là lợi nhuận chứ không phải là những giá trị nhân văn cao quý.
Trong bối cảnh phức tạp đó, các Kitô hữu, nhất là người trẻ, mong được hướng dẫn.
4. Vai trò của Lời Chúa
Là Kitô hữu, chúng ta phải lấy Lời Chúa làm ánh sáng soi dẫn những suy tư và chọn lựa của mình. Các Kitô hữu không sống trong một thế giới khác, họ sống trong thế giới hiện tại như bao người nhưng điều khác biệt là Lời Chúa cung cấp cho họ ánh sáng mới, nhờ đó nhìn thực tại cách mới mẻ và có thái độ sống tích cực.
Lời Chúa được viết ra trong một thời gian và không gian xác định nhưng có giá trị vượt không gian và thời gian. Chọn dụ ngôn Người Samari nhân hậu (Lc 10, 29-37) làm khung dẫn lối suy tư mục vụ về mạng xã hội là chọn lựa rất tốt. Dụ ngôn được viết ra trong bối cảnh xã hội Do Thái thế kỷ đầu, chưa có những tiến bộ kỹ thuật ngày nay, tuy nhiên sứ điệp Lời Chúa trong dụ ngôn vẫn hết sức cần thiết cho thế giới kỹ thuật số ngày nay.
Trong thế giới kỹ thuật số, đang có rất nhiều người bị trấn lột, đánh nhừ tử, nằm bên vệ đường nửa sống nửa chết: trầm cảm, cô lập, cô đơn, bị loại ra bên lề xã hội.
Trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, vẫn có những tên cướp, tước đoạt danh dự, phẩm giá và sự sống của người khác vì mục đích thao túng tư tưởng, lèo lái chính trị, làm ăn kinh tế: gian dối, lừa đảo, hận thù, bạo lực, bắt nạt…
Trong thế giới kỹ thuật số, vẫn có thầy tư tế và thầy Lêvi trông thấy nạn nhân nhưng lảng tránh, những người nhân danh lý tưởng đạo đức cao siêu mà bỏ quên những phận người bé nhỏ.
Trong bối cảnh đó, dụ ngôn trở thành lời chất vấn chúng ta – cá nhân và cộng đoàn, về cách thế hiện diện của mình trong thế giới kỹ thuật số: chúng ta là thầy tư tế, thầy Lêvi, hay người Samari?
Đặt câu hỏi như thế để thấy dụ ngôn mời gọi một hướng đi cần thiết trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, đó là hãy bước vào thế giới kỹ thuật số với tâm thế của người Samari nhân hậu.
Đó là tâm thế của người vượt lên trên mọi định kiến, nhìn mọi người là anh chị em của mình, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo… như Đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi trong Thông điệp Fratelli Tutti.
Đó là tâm thế của người “nhìn thấy và chạnh lòng thương”: trên mạng xã hội, có những tổn thương không dễ nhận ra, cần phải tinh tế để “nhìn thấy”, và không chỉ nhìn thấy để biết nhưng nhìn thấy và “chạnh lòng thương” thay cho thái độ vô cảm.
Đó là tâm thế của người “lại gần”: tìm cách nối lại khoảng cách thay vì đào sâu khác biệt, xây dựng hiệp thông hơn là gây chia rẽ, kiến tạo hòa bình hơn là cổ võ chiến tranh.
Đó là tâm thế của người mong muốn chữa lành: không chỉ băng bó nhưng còn đưa về quán trọ để tiếp tục chăm sóc: quan tâm, đồng cảm, đồng hành.
5. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh toàn thể Giáo hội được mời gọi sống tinh thần hiệp hành (synodality)
Trong tinh thần đó, “Tài liệu này mời gọi các Kitô hữu thiết lập những mạng lưới cộng đồng, cùng nhau bước đi trên con đường đòi hỏi lắng nghe, đối thoại và cảm thức cộng đồng. Giáo hội phải suy nghĩ về vai trò của mình như là người xây dựng cộng đoàn và có trách nhiệm trong việc kiến tạo những tương quan thúc đẩy sự hiệp thông và hỗ trợ sứ mạng loan báo Tin Mừng. Tài liệu này là lời kêu gọi hãy là Giáo hội trong thế giới kỹ thuật số” (Sr Nathalie Becquart, Thư ký THĐGM).
GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 139 (Tháng 01 & 02 năm 2024)