ĐỜI ĐỘC THÂN LINH MỤC - Bài 2, Bài 3


“SỎI ĐÁ CŨNG CẦN CÓ NHAU”
VÀ ĐỜI ĐỘC THÂN LINH MỤC

 
1. Tất cả đều có đôi
2. Tính dục mầu nhiệm
3. Khám phá lại thân xác
4. Độc thân như một đề nghị từ Tin Mừng
5. Độc thân như một dấn thân của đời linh mục
6. Mẻ lưới rỗng và mẻ lưới đầy
7. Chỉ tình yêu của Đức Kitô thúc bách
.

Linh mục với tính dục: Trao hiến và Phục vụ

Thiên Chúa dựng nên con người có đôi. Người nam và người nữ được “làm ra” tách biệt nhưng không đối nghịch. Họ khác biệt để hướng về nhau, bổ túc cho nhau. Họ xuất hiện như một “cặp biện chứng”. Số phận người này phụ thuộc người kia.

Vẻ đẹp của thân xác và tâm hồn của cả hai giới trên là sức hút và lôi cuốn cho nhau. Hai người được tạo dựng để trở thành quà tặng cho nhau. Hai người được tạo dựng để trở thành “quà tặng” cho nhau, như là những-nhân-vị-không-thể-thay-thế, không-thể-sao-chép. Ở trước mặt nhau như là đối tượng khác biệt, nhưng lại có xu hướng sâu thẳm hòa nhập để trở thành cặp đôi vĩnh viễn không thể xa lìa.

Linh mục là con người như mọi người. Linh mục đi tìm “nửa mình” nơi mọi người nam-nữ, đặc biệt, nơi Đức Kitô ở trong mọi người nghèo khổ.

Lý tưởng đó được theo đuổi và thực hiện bởi hàng triệu triệu người nam-nữ, qua các thế hệ, thời đại từ hơn hai ngàn năm nay. Đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô trong Tin Mừng, họ đã tự nguyện chọn “nếp sống độc thân”, như phương thế hữu hiệu để phục vụ các linh hồn. Thành công hay thất bại, tùy thuộc vào sự trung thành của họ với lời mời gọi của Đức Kitô.

Đôi dòng tóm lược những ý chính của 7 Bài giảng cho các linh mục Giáo phận Ban Mê Thuột, trong Tuần Tĩnh Tâm thường niên từ 9.11.2020 đến 13.11.2020, do Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn, hướng dẫn.



Bài 2
TÍNH DỤC MẦU NHIỆM

Con người được tạo dựng có nam có nữ. Hai người khác giới nhưng cùng là một bản tính người. Nhân tính họ có chung ấy là căn tính (identity) của con người. Còn giới tính nam và nữ khác biệt là dị biệt tính (difference). Họ có chung một căn cước lưỡng tính được biểu lộ ra là một người nam hoặc một người nữ.

Tại sao lại có sự khác biệt nam nữ ấy? Ý nghĩa của sự dị biệt giới tính là gì?

Giới tính làm nên sự khác biệt. Giới tính tạo nên một giới hạn trong bản tính nhân loại vốn luôn luôn và chỉ tồn tại trong tư cách như là một người nam (giống đực) hoặc như là một người nữ (giống cái). Giới tính khác biệt này thâm nhập khắp thân xác đến tận cùng các tế bào. Cha mẹ góp phần di truyền cho con từ trong thai mẫu đã xác định thai nhi là nam hay nữ.

Dị biệt giới tính là một giới hạn của con người, thuộc thân phận của con người, đó là một hoàn cảnh đặc thù của tình trạng thụ. Thế nhưng sự giới hạn ấy có ích cho con người vì buộc nó phải cởi mở ra trong tương giao phụ thuộc để đón nhận cái mình còn thiếu và được bổ túc cho phong phú. Người nam và người nữ tìm kiếm nhau để gặp nhau, hiến thân cho nhau và kết hợp nên một mầu nhiệm khôn thấu.

Chính sự giới hạn bởi dị biệt giới tính này làm nổi bật hình ảnh của Thiên Chúa trong mối quan hệ nam-nữ. Chính nó khiến cho người nam và người nữ có thể phản chiếu imago Dei: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình [...]. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ (St 1, 27).

Tính dục: một cơ hội để tương quan

Giới tính phân li hai con người nam và nữ khác biệt và đánh dấu sự dị biệt tính dục. Thế nhưng, họ không tồn tại để mà chia li và sống đơn độc, điều đó trái nghịch với ý nghĩa của thân phận thụ tạo của họ. Sự giới hạn đặc trưng của họ bộc lộ một sự khiếm khuyết cần được lấp đầy, đó là tha nhân, một con người khác.

Làm thế nào để lấp đầy khoảng trống này? Phải có một quan hệ khả dĩ giúp họ vượt qua được nỗi cô đơn của mỗi người như thế nào đó để họ gần gũi, lôi cuốn, chinh phục, yêu thương, dâng hiến và kết hợp nên một với nhau. Tính dục - qui định bởi giới tính - liên quan trước hết đến cấu hình thể xác của một nhân vị, là nam hay nữ và từ đó liên hệ đến chức năng của thân xác ấy như khả năng tương quan và dâng hiến cho nhau đến mức tạo ra sự sống.

Tính dục khởi đi từ thân xác có phân giới giúp con người cởi mở bước vào những quan hệ phong phú. Tính dục làm cho quan hệ thêm phong phú nên nó có chức năng xã hội hóa. Trong mối quan hệ đôi bạn đặc thù nam-nữ tính dục được diễn tả mạnh mẽ nhất khi, chạm tới con người thâm sâu nhất qua tiếp xúc sinh dục, tính dục nhấn con người ngập vào một quan hệ yêu thương trao hiến mở ra với sự sống mới. Sự hữu hạn được vượt qua nhờ có tính dục, nó giúp người này mở ra sống vì người kia, trong sự trao hiến bổ túc tương hỗ cho nhau. Người ta chỉ là chính mình khi người này hiện hữu vì người kia.

Mầu nhiệm hôn phối rất linh thiêng. Chính trong sự kết hợp cả xác hồn mà người nam và người nữ tái tạo trong trật tự tạo thành hình ảnh của Thiên Chúa: una caro phản chiếu Thiên Chúa duy nhất.

Dị biệt tính dục mở ra với truyền sinh (dị biệt thế hệ)

Nhờ tính dục phong nhiêu, quan hệ hôn phối mở rộng ra với một mối quan hệ sau cùng, là con cái. Tính dục mở ra với sự sống. Tặng phẩm sự sống được tích hợp trong tặng phẩm người nam trao hiến cho người nữ, và ngược lại. Có thể nói đó là tặng phẩm ở trong một tặng phẩm. Bởi thế, tính dục cho phép hai sự dị biệt đan dệt vào nhau, đó là: dị biệt tính dục và dị biệt thế hệ (do truyền sinh).

Những sự dị biệt bện thắt vào nhau này, bấy giờ, cho phép các thế hệ xuất hiện theo từng chu kì nối tiếp nhau và nối dài trong thời gian, qua việc hồi phục và khắc ghi trong thân xác sinh linh mới tượng thai dấu ấn dị biệt và giới hạn của giới tính, để rồi, tính dục xét như là quan hệ lại có thể kết hợp hai con người mới và, như thế là mở rộng trong không gian và thời gian cái thực thể một xương một thịt (una caro) này như là hình ảnh của Thiên Chúa (imago Dei).
Quan hệ tính dục khác biệt có tính bổ túc, tương hỗ, giao thoa và không cân đối.

Khác biệt tính dục không để cho họ yên ổn, mà khuấy động xuyên suốt bên trong và cả bên ngoài con người ta. Bên trong, vì chúng ghi sâu trong hữu thể họ sự trống không vì khiếm khuyết tha nhân; bên ngoài, vì sự khuyết thiết này phóng họ đi ra khỏi bản thân để đi đến với tha nhân. Vận dộng do khác biệt và tìm lại được sự thống nhất có những đặc tính sau đây: bổ túc, tương hỗ, giao thoa và không cân (lệch).

Sự dị biệt nam-nữ là mầu nhiệm khôn dò

Sự dị biệt tính dục nam-nữ không những là khác biệt nhau, nhưng còn là một bí ẩn, là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm khôn dò.

Con người mỏng manh nhưng vinh dự là một “mầu nhiệm”. Linh hồn hợp nhất trong một thân xác giới hạn bởi giới tính được tạo dựng giăng mở trước vô biên để có thể đón nhận Thiên Chúa (capax Dei). Đàng sau xác thịt yếu đuối nhưng sinh động kia ẩn tàng một mầu nhiệm là con người, nhân vị. Con người là mầu nhiệm, không ai có thể “chiếm hữu” được ngoại trừ Đấng Tạo Dựng. Trình thuật Thánh Kinh đã khẳng định điều ấy. Vào lúc tạo dựng người đàn bà, Ađam hoàn toàn không ý thức, ông rơi vào một giấc ngủ sâu khi Thiên Chúa rút chiếc xương sườn của ông ra và tạo thành người đàn bà, tha nhân phối ngẫu của ông. Ông không hiện diện khi Chúa tạo dựng người đàn bà là bằng chứng dù thế nào ông cũng không thể “sở hữu” nàng. Lí do dầu tiên bởi đó dị biệt tính dục là khôn dò hệ tại ở sự nhân vị tự thân là mầu nhiệm.

Sự khôn dò của dị biệt tính dục còn có gốc rễ sâu xa hơn nằm ở nơi mối quan hệ giữa hai nhân vị khác giới này. Người đàn bà đứng, trước người đàn ông như là một “tha nhân rất khác lạ” và người đàn ông đứng trước người đàn bà cũng như thế. Khác lạ tới mức, mỗi người hiện hữu trước người kia như là “một lục địa bí ẩn”. Một đàng tha nhân khiến ta e ngại đến e sợ vì có vẻ huyền bí khác với ta, đàng khác khiến ta quan tâm, tò mò, bị lôi cuốn đến độ muốn chiếm hữu và yêu mến vì chính sự khác biệt huyền bí ấy. Dị biệt tính dục khôn dò như thế đã được Thánh Kinh dùng như ẩn dụ chỉ quan hệ của Thiên Chúa với con người.

Sau cùng, dị biệt tính dục không thể diễn tả được và được phủ vây trong thinh lặng. Nhưng dị biệt lính dục mầu nhiệm không cản trở họ quan hệ, đúng hơn có vẻ như nó còn kiến tạo nên quan hệ ấy, như thể mầu nhiệm nhân vị như là “tha nhân rất khác lạ” còn kích thích tìm kiếm tha nhân hơn nữa.

Ý nghĩa của hành vi phu thê. Cấu trúc hành vi thân mật của vợ chồng xem ra bao gồm hết cả mọi yếu tố ghi dấu sự dị biệt tính dục. Trong hành vi vợ chồng vốn có tính bổ túc vừa tương hỗ vừa giao thoa, hai người giới tính khác biệt nhau - một nam một nữ - với thân xác và nhờ thân xác có phân giới của họ, mà họ gặp lại được mình trên cơ sở cùng một bản tính nhân loại trong tình yêu thương phu thê hiệp nhất. Người phụ nữ được phú ban cho người đàn ông nhân danh Chúa, là chứng tá của sự khác biệt giới tính và là “Em” một đối tác đến trước “Tôi” và mạc khải cái bản ngã đàn ông ấy cho “Tôi”. Ngược lại, người đàn ông với sáng kiến và tặng phẩm tính dục của mình, xác nhận người nữ trong ơn gọi nữ giới của nàng. Tuy nhiên, cho dù vợ chồng kết hợp thật thâm sâu, họ vẫn còn và mãi là một mầu nhiệm khôn dò đối với nhau.

Cấu trúc hữu thể của hành vi vợ chồng không chỉ giới hạn trong ý nghĩa ‘kết hợp’ (unitive) nhưng còn mở ra với ý nghĩa ‘truyền sinh’ (procreative). Chính người cha - cùng với người mẹ - ghi dấu giới tính cho đứa con sắp chào đời. Sự khác biệt không cân đối giữa hai giới tính nam-nữ đã chừa một không gian kết cấu ngay trong lòng sự kết hợp thâm sâu của họ. Sự trao hiến hôn phối trở thành nguồn gốc của tặng phẩm sự sống được lưu truyền. Như thế, hành vi vợ chồng là bản lề dựa trên đó hai con người khác giới gặp gỡ nhau.

Như thế, ta thấy hành vi vợ chồng rất là quan trọng và cơ bản. Nó là nền tảng cho hai sự dị biệt, và từ đó, cho cả đôi bạn, gia đình, xã hội, và toàn thể nhân loại. Hành vi vợ chồng là nền tảng thiết yếu bảo đảm cho người nam và người nữ kết hợp trong hôn phối nên một xương một thịt, tiếp tục phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa (imago Dei).
 
Bài 3
THÂN XÁC MỘT TẶNG PHẨM TÌNH YÊU
 
Cái nhìn về vẻ đẹp của thân xác biểu lộ một chiều sâu vô cùng diệu vợi hơn nhiều. Đức Gioan-Phaolô II, được mệnh danh là nhà cách mạng tính dục làm đảo lại cuộc “cách mạng tình dục” thế kỷ vừa qua, đổi hướng qui thân xác con người về Nguồn cội và Cùng đích của nó. Ngài nói: “Thân xác và chỉ có thân xác, mới có khả năng làm cho những gì là vô hình, thiêng liêng và thần linh trở thành hữu hình. Thân xác được tạo dựng để chuyển giao vào thực tại hữu hình của thế giới, mầu nhiệm vô hình được ẩn giấu tự muôn thuở nơi Thiên Chúa, và như thế nó là một dấu chỉ của mầu nhiệm ấy” [1]

Thiên Chúa đã muốn làm cho Mầu nhiệm của Ngài trở nên thấy được đối với chúng ta, nên Ngài đã ghi dấu nó vào trong thân xác chúng ta bằng cách tạo dựng chúng ta có nam có nữ theo hình ảnh của Ngài (St l, 27). Nhiệm vụ của hình ảnh này là phản chiếu Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là “sự hiệp thông của các Ngôi vị thần linh khôn dò” [2]. Bởi thế, Đức Giáo hoàng mới kết luận rằng “con người trở thành “hình ảnh và họa ảnh” của Thiên Chúa không chỉ bởi nhân tính của mình nhưng còn nhờ sự hiệp thông các ngôi vị giữa người nam và người nữ ngay từ thuở ban đầu”. Và ngài còn nói thêm: “Ngay từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã tuôn đổ phúc lành của phong nhiêu liên hệ tới sự sinh sản trên tất cả những điều đó” (x. St l, 28) [3].

Từ các chương đầu của sách Sáng thế và suy tư thần học về thân xác của đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II cho thấy:

Thân xác con người có tính biểu tượng

- Từ kinh nghiệm đơn độc nguyên thủy, con người nhận thấy mình vừa là thành phần của thế giới tạo thành này vừa vượt lên trên thế giới. Như muôn loài, con người có một thân xác, con người là “xác đất vật hèn”. Nhưng thân xác con người còn có cái gì đó trong ta còn hơn thân xác vật hèn này. Con người là một hữu thể hợp nhất, kết hợp cái hữu hình và cái vô hình. Hai chiều kích thấy được và không thấy được này tồn tại và tạo nên một nhân vị. Thân xác con người là vật mang vác cái vô hình.

Đó chính là vai trò của một biểu tượng, nghĩa là: làm cho cái vô hình hiện diện, trở nên hữu hình. Biểu tượng kết hợp thế giới hữu hình và thế giới vô hình lại thành một thực thể duy nhất.

Nói thân xác con người có tính biểu tượng tức là nói nó có đặc tính đưa trả về thế giới bên kia thân xác. Thân xác thì hữu hình và khía cạnh thể lí và vật chất của nó có một ý nghĩa và một nội dung chắc chắn nào đó. Thân xác vật lí hữu hình của con người hướng đến bờ bến thiêng liêng và vô hình bên kia của nhân vị.

Khi ta nghĩ đến một người bạn, ta không chỉ nghĩ đến thân xác người bạn ấy, mà nghĩ đến chính người ấy, đến cá tính người ấy, đến khả năng trí tuệ tinh thần của người ấy,… Nói cách khác, ta nghĩ đến thực tại thiêng liêng và vô hình của người ấy.

Linh hồn là chiều kích sâu xa nhất của con người, là cái nguyên lí thiêng liêng của con người. Nó là cội nguồn của sự thống nhất hữu thể nơi ta. Nói thân xác con người có tính biểu tượng, có nghĩa là nói có một nguyên lí sự sống trong ngã vị của ta không thấy được Thân xác thì ở trong thời gian và không gian, linh hồn thì ở trong vĩnh cửu. Chúng ta sống trong cả hai thế giới này. Đó là nét đặc thù của riêng chúng ta xét như là con người.

- Ađam không thấy có ai trong vô số loài trong tạo thành của Chúa mà thân xác giống như của mình. Ông không thể tạo lập được giao tiếp xã hội với chúng, mà chỉ có Eva. Cái khác biệt này là một cách khác nữa cho Ađam kinh nghiệm bản tính biểu tượng của xác thân con người. Thân xác các loài vật cũng là thân xác, nhưng chúng không thể là biểu tượng như thân xác của con người vốn làm hiện diện toàn thể ngã vị, cả phần hữu hình lẫn vô hình.

Thân xác có “ý nghĩa hợp hôn”

Ngay khi Ađam nhìn thấy Eva, ông hiểu có cái gì khác biệt ở đây. Một thân xác con người khác đang có đó sẵn sàng thiết lập cùng ông một mối quan hệ thân mật. Nàng là một bổ túc cho ông. Điều đó có nghĩa là họ có thể trở nên “một”.

Thân xác đàn ông và thân xác đàn bà khác biệt nhau. Đàn ông thì cường tráng, có sức vóc mạnh mẽ hơn. Cơ thể phụ nữ thì mỏng manh, mềm yếu hơn. Họ cũng khác biệt về tính dục. Cơ quan sinh dục của đàn ông thì ở ngoài, trong khi của phụ nữ thì ở trong. Chúng được tạo dựng để dành cho nhau. Đàn ông đi vào trong cơ thể của đàn bà, đàn bà thì tiếp nhận ông. Họ nên “một xương một thịt”. Khi nói thân xác con người có tính hợp hôn, đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô muốn nói rằng chúng được tạo dựng nên cho tình yêu, để sống tương giao. Đó là một hệ luận của bản tính biểu tượng của thân xác con người. Đàn ông và đàn bà hấp dẫn lẫn nhau. Có hấp dẫn thể xác bên ngoài mà cũng có hấp dẫn tinh thần từ bên trong. Họ kết hôn và hợp hoan nên một. Hành động ấy vừa thuộc thể xác vừa thuộc tinh thần, bởi thân xác con người có tính biểu tượng.

Trong tình trạng trần truồng của mình, người đàn ông và người phụ nữ đầu tiên đã khám phá ra điều mà Đức Giáo hoàng gọi là “ý nghĩa họp hôn của thân xác”. Tình yêu hôn nhân là tình yêu hiến thân trọn vẹn. Bởi thế, ý nghĩa hợp hôn của thân xác là “khả năng diễn tả tình yêu: một tình yêu trong đó con người trở thành tặng phẩm ngôi vị và - nhờ tặng phẩm này - con người thực hiện chính ý nghĩa của hữu thể và hiện hữu của mình”.[4]. Sự khác biệt giới tính tỏ lộ một kế hoạch không thể lầm lẫn của Thiên Chúa trong đó thân xác của người nam và người nữ có ý nghĩa là tặng phẩm dành cho nhau. Nhưng không chỉ có thế, việc họ dâng hiến cho nhau, theo tiến trình bình thường tự nhiên, sẽ dẫn đến một “kẻ thứ ba”.

Thân xác con người có tự do nhưng trong tình trạng yếu đuối vì sa ngã

Trước khi phạm tội, thân xác con người hay nhân vị vốn tự do, nghĩa là không bị nô lệ cho tội lỗi cùng những dục vọng của nó. Tự do ấy của thân xác là sự tự do của tặng phẩm dành trao hiến cho nhau, như đã nói trên đây, và là nền tảng cần thiết để yêu thương như Thiên Chúa yêu thương. Không có tự do, người nam và người nữ không thể trao ban cũng không thể đón nhận tình yêu.

Thế nhưng, thân xác của con người đã bị tội lỗi làm ảnh hưởng. Thân xác không là nguyên nhân của tội. Nhưng vì chúng ta là hữu thể thống nhất của hồn và xác, và tội lỗi xuất phát từ sự lạm dụng tự do vốn thuộc lãnh vực tâm linh, nên thân xác bị ảnh hưởng.

Hậu quả đầu tiên của tội nguyên tổ là cái chết. Thiên Chúa không dựng nên chúng ta để chết. Sự chết không có ý nghĩa gì cả. Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Ngài muốn chúng ta được sống, và sống viên mãn. Như sách Khôn Ngoan đã viết: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu” (Kn 1, 13-14). Một hậu quả khác của tội nguyên tổ là dục tình dâm loạn. Một người đàn ông có thể đem lòng thèm muốn một người đàn bà. Người ấy có thể chỉ xem người đàn bà như một món đồ chơi để thỏa khoái lạc dục vọng trong chốc lát, rồi bỏ. Có thể người ấy nhìn một người phụ nữ chỉ ở vẻ đẹp thể chất với ánh mắt nhục cảm, mà không chạm tới ngã vị vốn vô hình của một chủ thể.

Nhưng thân xác con ngươi đã được Đức Kitô cứu chuộc

Nhưng tất cả không bị đánh mất. Đức Kitô, nhờ cái chết và sự phục sinh của Người, khôi phục lại cho chúng ta ý nghĩa của cuộc sống và thân xác con người. Thân xác Người đã bị đóng đinh. Bởi cái chết thể lí của Người, thân xác chúng ta được “phục hồi”. Thân mình Người bị ngọn giáo đâm thấu tim, từ đó máu và nước tuôn trào thành “nguồn mạch cho đời sống bí tích trong Hội thánh”. Sau phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và cho họ chạm đến thân thể Người. Các Tông đồ gặp gỡ Đấng Phục sinh, còn Thánh Tôm thì được chạm ngón tay vào cạnh sườn Người. Kinh nghiệm thể lí đó đưa ngài đến đức tin.

Thật ra, sau cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, cuộc sống của chúng ta trở nên còn tốt hơn cả lúc nguyên tổ chưa phạm tội. Từ nay, Thiên Chúa đã bước vào lịch sử. Chúa Cha đã sai Con mình đến trần gian. Thiên Chúa siêu việt và vô hình đã trở nên hữu hình. Hơn nữa, vì Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể, giờ đây ta có thể sờ chạm, nếm hưởng, cảm nghe được tiếng Ngài. Thật tuyệt diệu đến không thể tin được! Tội lỗi của chúng ta được tẩy sạch, cuộc sống của chúng ta được khôi phục lại và chúng ta được nâng lên sống một đời sống mới với Đức Kitô.

Kết

Thân xác chúng ta và chính chúng ta được tạo dựng để yêu thương, chứ không để phục lụy dục vọng thấp hèn. Như thế, chúng ta khám phá ra ý nghĩa sâu thẳm rằng thân xác là để tương giao hơn là để cho khoái lạc tính dục. Tính dục chỉ quan trọng trong mức độ khi nó phục vụ cho sự tương giao.
 

Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn
- Giám mục Phụ tá TGP Sài Gòn

[1] GIOAN-PHAOLÔ II, Thần học về Thân xác; Tình yêu phàm nhân trong kế hoạch thần linh, bản dịch Việt ngữ, nxb Tôn giáo - 2016, 155-156.
[2] Ibid., 85.
[3] Ibid.
[4] Ibid.,125.
[5] LACROIX, Le corps retrouvé, op. cit., 92 (bản dịch tiếng Ý), 263.
[6] SANT’AGOSTINO, Enchindion de fide, spe et caritate, VII, 22.
[7] GIOAN PHAOLO II, Thần học về thân xác, op. cit., 106.
[8] So với người nữ, các kinh nghiệm nguyên thủy nơi người nam bị tội lỗi vùi dập hơn. Người đàn ông phải lao động nhọc nhằn vất vả: người sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất (St 3, 19).
[9] GIOAN PHAOLO II, Thần học về thân xác. op. cit., 170: toàn thể cấu trúc bên ngoài của thân thể người phụ nữ, sắc đẹp riêng của họ, những phẩm chất với sức hấp dẫn luôn luôn vốn hiện diện ở khởi đầu của “cái biết”: mà St 4, 1-2 nói tới. đều liên kết chặt chẽ với mẫu tính. [...]. “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy” (Lc 11, 27). Đó là những lời ca tụng mẫu tính, nữ tính, thân xác người nữ, và là diễn tả tiêu biểu của tình yêu sáng tạo”.
[10] Ibid., 106.
[11] HADJADI. Mistica della carne, op. cit., 164: “Cái gì chạm vào xác thịt tôi cũng chạm sâu xa vào linh hồn tôi. Dấu ấn đó có thể có một âm hưởng thiêng liêng còn lớn hơn các kết luận luận lí của lời lẽ tôi nói. Nhưng âm hưởng này lại hoạt động âm thầm trong bóng tối, trong khi tư tưởng bởi suy tư phản tỉnh thì được sáng tỏ phần nào đó”.
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...