3 THKT ĐỌC VÀ GIẢI THÍCH KINH THÁNH

Càng nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta càng được đảm bảo là đức tin của chúng ta được xây trên nền vững chắc.

 
Lm. Oscar Lukefahr C.M. - Dịch giả: Pt. Giuse Trần Văn Nhật
 

3 THKT ĐỌC & GIẢI THÍCH KINH THÁNH

Mỗi sáng hàng ngàn người Hoa Kỳ ngồi với tách cà phê và tờ báo. Các độc giả thường lướt qua tin tức ở trang đầu, nhìn đến các tựa trong trang thể thao, duyệt qua một số quảng cáo, đọc một hai bài của ban biên tập, nhìn đến một số mục phổ thông, và thích thú với các tranh vui cười.

Họ không biết rằng họ đang tham dự vào một hình thức phân tích văn chương một cách phức tạp. Khi họ lướt qua các phần khác nhau của trang báo, họ tự động xếp loại nhiều thể văn khác nhau và giải thích cách phù hợp. Họ tìm kiếm một điều ở trang đầu, một điều khác ở trang xã luận. Họ rút ra một loại thông tin từ bình luận viên họ ưa thích, một loại khác từ các quảng cáo. Trong các trang thể thao họ hăng hái đọc về các đội “Giants” và “Angels” và mỉm cười với các câu khôi hài của các chó mèo biết nói trong trang vui cười.

Phân Tích Các Thể Văn Trong Các Văn Hóa

Chúng ta có thể tự hỏi việc đọc báo buổi sáng có gì quá phức tạp. Nhưng hãy tưởng tượng một kịch bản như sau. Vào năm 2025 trái đất bị một khối vẩn thạch khổng lồ đụng vào. Hầu hết người ta chết ngay lập tức và sau đó là những chấn động địa lý. Chỉ một ít người còn sống sót và ở trong các hang động. Họ bắt đầu tiến trình xây dựng lại nền văn minh. Vào năm 5000 họ đã đạt đến điểm nghiên cứu uyên thâm các nền văn hóa cổ xưa, kể cả Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ở đầu thế kỷ hai mươi mốt. Dưới đống gạch vụn sau ba ngàn năm, họ khám phá các tài liệu cổ xưa và phân tích chúng cho đến khi họ có thể dịch từ Anh Ngữ sang thứ ngôn ngữ của họ.

Một ngày kia, các nhà khảo cổ khám phá ra các trang của một tờ báo. Họ cực nhọc giải mã một câu chuyện ở trang đầu về vụ trộm cướp. Họ đọc, “Guard guns down bandit trying to steal company payroll” (Nhân viên canh gác bắn hạ tên cướp định lấy tiền lương của công ty), với tấm hình tên cướp nằm trên vũng máu. Kế đó họ khám phá ra một đoạn tin thể thao viết: “Crowd cheers as New York catcher guns down St. Louis runner trying to steal second base” (Đám đông reo hò khi ‘catcher’ đội New York bắn hạ ‘runner’ của đội St. Louis định chiếm lấy cái trụ thứ hai). Các nhà khảo cổ sửng sốt. Họ đi đến kết luận là người Hoa Kỳ thích các sinh hoạt thể thao mà các đấu thủ giành giật nhau cho đến chết!

Họ càng bối rối hơn nữa khi tìm thấy một đoạn trang khôi hài. Họ tự hỏi: “Không lẽ các con chó hồi xưa biết nói và các con mèo rượt đuổi chủ của chúng?”

Các nhà khảo cổ vẫn bối rối cho đến khi họ tìm ra các tờ báo khác giúp họ gia tăng kiến thức về Anh Ngữ và về văn hóa Hoa Kỳ. Họ khám phá ra rằng “gunning down a runner” trong trang thể thao thì có nghĩa thật khác với “gunning down a bandit” ở trang đầu. Họ nghiên cứu các sách về tranh hoạt họa và sau đó họ mỉm cười về những câu khôi hài, họ tự hỏi làm thế nào họ lại hiểu lầm cách tệ hại như vậy.

Công việc của các nhà khảo cổ thế kỷ thứ năm mươi này là đi vào tâm trí của người Hoa Kỳ ở thế kỷ hai mươi mốt, để tìm hiểu văn hóa, để hiểu được ngôn ngữ, để tìm ra ý định của các văn sĩ là gì. Nhiều cuộc nghiên cứu và tra khảo cần phải có trước khi họ có thể giải thích các tài liệu của chúng ta. Điều mà người Hoa Kỳ chúng ta thực hành cách dễ dàng mà không cần suy nghĩ thì lại là một công việc thật nhiêu khê và đòi hỏi sau một giai đoạn ba ngàn năm!
 
Phân Tích Các Thể Văn của Kinh Thánh

Kịch bản tưởng tượng này có thể giúp chúng ta ý thức được một số khó khăn trong việc tìm hiểu Kinh Thánh. Khoảng ba ngàn năm đã trôi qua kể từ khi những phần đầu của Kinh Thánh được viết xuống. Như được nói trong Chương Một, các nhà khảo cổ chỉ mới khám phá các yếu tố cần thiết để hiểu Kinh Thánh cách đúng đắn. Vì thế, không ngạc nhiên khi việc tái thẩm định các sách trong Kinh Thánh đã xảy ra. Điều này làm một số người bối rối, nhưng thực sự nó gia tăng khả năng thấu hiểu ý nghĩa đích thực của Kinh Thánh. Từ đó, một số sách trước đây được coi là có tính cách lịch sử thì bây giờ được xếp vào loại khác. Nhưng cũng phải thấy rằng nền tảng lịch sử thiết yếu của đức tin Kitô Giáo của chúng ta bây giờ lại được tỏ rõ hơn bao giờ hết. Thí dụ, không có một sử gia nào thắc mắc về thực tại của cuộc đời Đức Kitô. Càng nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta càng được đảm bảo là đức tin của chúng ta được xây trên nền vững chắc.

Phương pháp dẫn giải Kinh Thánh, khi nó thử tìm ngược về các ý định ban đầu của các tác giả qua việc phân tích thời đại, văn hóa, ngôn ngữ của họ, và các hoàn cảnh khác, được gọi là phương pháp contextual (theo bối cảnh). Đây là phương pháp được đề nghị bởi ĐGH Piô XII trong thông điệp 1943 của người, Divino Afflante Spiritu, bởi Công Đồng Vatican II, và bởi Giáo Lý Công Giáo (số 109-110).

Một phương pháp khác để giải thích Kinh Thánh là “fundamentalist interpretation” (dẫn giải cơ bản) mà nó thường chủ trương rằng những chữ trong Kinh Thánh Thánh phải giải thích theo nghĩa đen. Có nhiều phái cơ bản khác nhau, và tất cả đều dính dáng đến việc dẫn giải Kinh Thánh theo kiểu này hay kiểu khác.

 
Một số người phái cơ bản nói rằng câu chuyện tạo dựng trong chương đầu của sách Sáng Thế phải hiểu đúng như vậy: Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày 24 giờ, sau đó nghỉ ngơi vào ngày thứ bẩy. Các người phái cơ bản khác dậy rằng những ngày ở đây không còn là giai đoạn thời gian. Những người phái cơ bản thực sự dẫn giải từng đoạn trong Kinh Thánh, họ giải thích cách phải hiểu Kinh Thánh.

Điều này càng cho thấy rằng Kinh Thánh phải được giải thích. Chúng ta đã từng thấy những đoạn gọi Thiên Chúa là “Tảng Đá” và những đoạn đòi hỏi chúng ta phải “ghét bỏ” các thành viên trong gia đình, đó là điều cần được giải thích. Và hầu như mọi phần trong Kinh Thánh cũng vậy. Vấn đề là: Những nguyên tắc nào chúng ta sẽ sử dụng để dẫn giải Kinh Thánh?

Các Nguyên Tắc Công Giáo để Dẫn Giải Kinh Thánh

Những người phái cơ bản dẫn giải Kinh Thánh theo các nguyên tắc chủ quan của từng vị giảng thuyết hay theo sự dẫn giải riêng của họ. Người Công Giáo được khuyên hãy dẫn giải Kinh Thánh theo các nguyên tắc khách quan do Giáo Hội đưa ra. Người Công Giáo được hướng đến cách dẫn giải Kinh Thánh thích hợp trong những vấn đề căn bản của Đức Tin vì Giáo Hội đã rõ ràng định nghĩa các giáo lý tỉ như sự Phục Sinh của Đức Kitô và sự Hiện Diện Thật của Người trong Thánh Thể. Sách Giáo Lý Công Giáo dậy rằng chúng ta phải đọc Kinh Thánh trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội. Thiên Chúa giao phó Kinh Thánh cho Giáo Hội và gửi Chúa Thánh Thần đến để dẫn dắt Giáo Hội đến chân lý toàn vẹn, và chúng ta chỉ có thể hiểu Kinh Thánh với sự hướng dẫn của Giáo Hội (GLCG 113).
Nguyên tắc dẫn giải đầu tiên được đưa ra bởi ĐGH Piô XII, Công Đồng Vatican II, và sách Giáo Lý Công Giáo (109-110). Chúng ta phải dùng phương-pháp bối-cảnh để khám phá ý nghĩa của từng đoạn, ý nghĩa mà tác giả muốn nói. Để tìm được điều này, chúng ta nghiên cứu thời đại, nơi chốn, cách sống, kiểu suy nghĩ, mục đích bản văn, và cách diễn tả của những tác giả đó.

Một nguyên tắc quan trọng khác được nói trong Giáo Lý Công Giáo (112) là chúng ta phải để ý đến nội dung và sự thống nhất của toàn thể Kinh Thánh. Chúng ta phải dẫn giải một đoạn theo ý nghĩa của đoạn khác có liên hệ. Một thí dụ cổ điển về điều này là Mátthêu 26:26-28, nơi Đức Giêsu nói về bánh và rượu: “Hãy cầm lấy, hãy ăn, đây là mình ta… Hãy uống từ chén này, hỡi tất cả các con; vì đây là máu ta.” Đây là đoạn mà phái cơ bản không hiểu theo nghĩa đen, thật kỳ lạ! Nhưng người Công Giáo giải thích đoạn này theo ý nghĩa của Gioan 6, ở đây Đức Giêsu tuyên bố chính Người là bánh sự sống. Khi Đức Giêsu nói rằng chúng ta phải ăn thịt và uống máu của Người, nhiều người nghe lúc đó đã từ bỏ Người. Đức Giêsu đã không gọi họ lại và nói rằng, “Các ông hiểu lầm rồi. Tôi chỉ muốn nói theo nghĩa biểu tượng.” Điều Người yêu cầu họ tin thì thật khó để chấp nhận, và khi họ từ chối, Đức Kitô buồn sầu để họ đi. Các đoạn khác, tỉ như 1 Côrintô 11:27, cũng nói đến sự Hiện Diện Thật của Đức Giêsu dưới hình bánh và rượu. Người Công Giáo nhìn đến nội dung của toàn thể Kinh Thánh, và tin rằng Đức Giêsu thực sự hiện diện trong Thánh Thể.

Một nguyên tắc thứ ba để dẫn giải Kinh Thánh là phải có sự thống nhất và kiên định đối với các chân lý mà Thiên Chúa đã tiết lộ vì sự cứu độ của chúng ta. Sách Giáo Lý Công Giáo gọi đây là analogy of faith (tín ngưỡng loại suy -- số 114). Một số người dẫn giải đã sai lầm đặt đức tin và việc làm đối chọi nhau, họ cho rằng chúng ta được cứu chỉ bởi đức tin. Nhưng đức tin và việc làm không thể tách rời. Trong Galát 3:1-9, ông Phaolô nhấn mạnh rằng sự công chính hóa đến từ đức tin nơi Chúa Kitô chứ không vì tuân giữ lề luật Do Thái. Khi nói điều này, ông Phaolô không từ chối sự quan trọng của việc làm, vì trong Galát 5-6 ông nhấn mạnh rằng công việc là “hoa quả của Thánh Thần” (5:22). Các đoạn xác nhận tầm quan trọng của đức tin thì kiên định với những đoạn nói về sự cần thiết của việc làm: “Điều duy nhất đáng kể là đức tin hoạt động qua đức ái” (5:6). Khi nguyên tắc thống nhất và kiên định bị bỏ qua, hậu quả là sự hỗn độn. Tỉ như, có thể lý luận bất cứ lập trường nào bằng cách trích dẫn những phần của Kinh Thánh mà loại trừ những phần khác. Người Công Giáo được nhắc nhở hãy nhận ra sự hài hòa trong hoạch định của Thiên Chúa.

Nguyên tắc thứ tư là ngôn ngữ của Kinh Thánh có những diễn tả đầy mầu sắc mà không nên hiểu theo nghĩa đen. Một vài thí dụ: “Nếu anh em có đức tin bằng hạt cải, anh em nói cây dâu này, ‘Hãy bứng rễ lên và trồng dưới biển,’ nó sẽ vâng lời anh em” (Lc 17:6). “Nếu mắt phải của anh em làm cho anh em phạm tội, hãy móc mắt và quăng nó đi” (Mt 5:29). Và câu đã được nhắc trước đây “Ai đến với tôi và không ghét bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em, phải, và ngay cả chính mạng sống, thì không thể là môn đệ của tôi” (Lc 14:26). Loại ngôn ngữ này thì không dễ để dịch sang tiếng Anh, nhưng chúng ta phải nhớ rằng trong ngôn ngữ của chúng ta cũng có những câu không thể dịch. Như bà mẹ nói với đứa con, “Mẹ đã nói với con hàng triệu lần là không được phóng đại.”

Nguyên tắc thứ năm là các đoạn Cựu Ước phải được dẫn giải theo ý nghĩa của Tân Ước và Chúa Kitô (GL 129). Một số đoạn trích từ Cựu Ước làm chúng ta băn khoăn: “Có thể nào câu này thuộc về thông điệp thiêng liêng mà Thiên Chúa gửi để dẫn dắt chúng ta không?” Thí dụ, tác giả Thánh Vịnh kêu xin sự báo thù, “Gái Babylon hỡi, đồ trời tru đất diệt! Phúc thay người nào đối xử với mi, như mi đã xử với ta! Phúc thay người nào bắt những con thơ của mi mà đem đập vào đá” (Tv 137:8-9). Chắc chắn đó không phải là một phần của sứ điệp của Chúa Kitô!  Vì thế, chúng ta có thể cho rằng đó là một suy tư thiếu thần học của Cựu Ước, chứ không phải là một dấu chỉ của thánh ý Chúa.

Quy tắc tổng quát là nếu một đoạn Cựu Ước gán cho Thiên Chúa điều mà chúng ta thấy không thể gán cho Chúa Kitô thì thật an tâm để giải thích nó theo cuộc đời và sự giảng dậy của Chúa Kitô. Thí dụ, dường như Thiên Chúa không thực sự ra lệnh cho các người lãnh đạo quân sự thời Cựu Ước phải giết chết mọi đàn ông, đàn bà, và trẻ con vô tội trong các thành mà họ chiếm được. Rất có thể là các nhà lãnh đạo này lầm tưởng rằng Thiên Chúa đứng sau các mệnh lệnh của họ và rồi bào chữa cho thái độ sai lầm của mình bằng cách cho rằng Chúa ra lệnh như thế. (Vấn đề này sẽ được đề cập đến các chi tiết trong chương 5).

NHỮNG CÂU TRẮC NGHIỆM

Trả Lời       &       Câu Hỏi

Việc tái thẩm định các sách trong Kinh Thánh dựa trên những khám phá khảo cổ học mới đây đã gia tăng khả năng hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa thực sự của Kinh Thánh.

Sự tái thẩm định này cho thấy một số sách Kinh Thánh trước đây được nghĩ là có tính cách lịch sử thì thực sự không phải vậy, và nó cho thấy rằng nền tảng lịch sử cốt yếu của đức tin Kitô Giáo thì không chắc chắn.

Dẫn giải Kinh Thánh bằng cách đi ngược trở về để tìm hiểu ý định ban đầu của các tác giả, phân tích thời gian, văn hóa, ngôn ngữ, và hoàn cảnh của họ, là một phương pháp được gọi là (a) cơ bản; (b) văn chương; (c) phi lịch sử; (d) bối cảnh.

Có thể dẫn giải và hiểu ý nghĩa chính xác của bất cứ phần nào trong Kinh Thánh bằng cách xem xét các chữ mà thôi.

Các nguyên tắc dẫn giải Kinh Thánh của Công Giáo bao gồm tất cả những điều sau, ngoại trừ: (a) phương pháp bối cảnh; (b) chú ý đến nội dung của toàn thể Kinh Thánh; (c) để ý đến sự thống nhất và kiên định trong các chân lý mà Thiên Chúa tiết lộ; (d) nhấn mạnh đến cá tính và tính chất chủ quan của sự dẫn giải.

Sự dẫn giải Kinh Thánh của Công Giáo bao gồm các điều sau, ngoại trừ: (a) tín ngưỡng loại suy; (b) dẫn giải Cựu Ước trong ánh sáng Tân Ước; (c) khẳng định rằng Kinh Thánh không thể tường thuật những thái độ sai lầm; (d) dùng các nguyên tắc khách quan được Giáo Hội thừa nhận; (e) c và d.

Khi Cựu Ước tường thuật rằng Thiên Chúa nói với các người lãnh đạo Do Thái là hãy tàn sát kẻ thù, điều đó dường như là (a) điều này thực sự xảy ra; (b) các người lãnh đạo sai lầm nghĩ rằng Thiên Chúa muốn như vậy; (c) Thiên Chúa muốn người xấu phải bị tiêu diệt; (d) đây là thái độ của Đức Giêsu Kitô.
 
Còn tiếp ...
https://www.nguoitinhuu.org/sachtruyen/C\
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...