Kinh Thánh Nói Gì Về Sự Luân Hồi?


Kinh Thánh Nói Gì Về Sự Luân Hồi?
Trích trong Bạn Biết Gì Về Kinh Thánh?
Nguyên bản tiếng Tây Ban Nha: ¿Qué sabemos de la Biblia?
của ARIEL ALVAREZ VALDES 
San Pablo, Madrid 1999
Chuyển ngữ: Mát-thêu Vũ Văn Lượng, OP
Nhiều điều làm chúng ta tin
Cách đây không lâu, một nữ diễn viên danh tiếng đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn chính thức đăng trong một tạp chí rằng: “Tôi chính là một người Công giáo, nhưng tôi vẫn tin có sự luân hồi. Từ lâu tôi đã tin rằng cuộc sống hiện nay là lần sống thứ ba của tôi. Lần sống thứ nhất tôi là một công chúa Ai Cập. Lần thứ hai tôi là một nữ hoàng đế quốc Rô-ma. Và lần thứ ba là tôi đầu thai thành một nữ diễn viên đây.”
Dù những kết quả sau thực sự khó tin qua mỗi lần điều tra thì con số ngày càng tăng, dù họ là người Công giáo mà vẫn tin có sự luân hồi. Qua cuộc điều tra thực hiện tại Ác-hen-ti-na trong phần lớn giới Công giáo, ông Gallup cho biết có 33% người tin vào sự luân hồi. Tại Âu Châu, có 40% dân số rất tin vào sự luân hồi này. Tại Bra-xin, có 70% dân số tin là họ đang được đầu thai.
Trong số những người trên có 34% là người Công giáo, 29% là người Tin Lành, và 20% là lương dân hằng tin vào sự luân hồi ấy.
Vì thế, niềm tin vào sự luân hồi đã làm thành một hiện tượng lan tràn khắp thế giới. Từ đó, ai ai cũng chú tâm vào vấn đề này, nhiều đài phát thanh, truyền hình, nhật báo, tạp chí và cả rạp chiếu bóng cũng liên tục phát tán công không về vấn đề luân hồi này.
Nhưng, vì sao thuyết luân hồi này lại thu hút người ta nhiều như thế?
Sự luân hồi nghĩa là gì?
Sự luân hồi là tin vào một điều theo đó là khi một người chết thì hồn của người ấy lập tức lìa khỏi xác, rồi sau một thời gian hồn ấy lại mặc lấy một thân xác khác và trở lại sống trên trần gian. Đối với những người này, hiện trở thành người sống trên trần gian này thì cũng đã trải qua nhiều lần đầu thai rồi.
Vậy tại sao hồn người ta lại phải đầu thai như thế? Tại sao khi đã đầu thai vào một cuộc sống mới, người ta lại phải đền trả những tội lỗi đã phạm trong đời sống hiện tại hoặc nhận được phần thưởng vì đã sống thái độ ngay thẳng? Có thể nói linh hồn con người đang tiến hoá dần dần. Và khi trải qua nhiều lần đầu thai liên tiếp, linh hồn được phép tiến triển cho đến khi đạt được sự hoàn thiện. Về điểm này, khi được biến đổi sang một tinh thần thanh khiết hoàn toàn, linh hồn không cần phải đầu thai nữa và mãi mãi ngập tràn sự vĩnh cửu vô tận.
Quy luật mơ hồ này buộc linh hồn đầu thai vào một định mệnh không thể tránh được và được gọi là quy luật của “karma” (nghiệp chướng). Theo thuyết này, thân xác không gì khác hơn là một lớp vỏ bọc bên ngoài mau tàn lụi, là một thứ bị huỷ diệt, còn linh hồn bất tử thì được cất nhắc lên cao mãi mãi và, vào một thời điểm cuối cùng, linh hồn được phép tách ra để tạo thành một phần sống khác.
Linh hồn đã đầu thai rồi mà vẫn còn lang thang vất vưởng thì được gọi là “kẻ phải chịu đầu thai nữa”, theo đó, nếu một người phạm nhiều tội thì hồn người ấy có thể chịu đầu thai làm súc vật và thậm chí thành cỏ cây nữa.
Những lợi ích đem lại
Những ai tin vào sự luân hồi thường nghĩ rằng điều này đem lại nhiều lợi ích. Lúc đầu, nó đem lại cho chúng ta cơ hội thứ hai (hay thứ ba, hoặc thứ tư). Ở trong tình trạng bất chính là liều đánh mất tất cả tương lai chúng ta trong một lần duy nhất. Ngoài ra, người đó phải chịu đau khổ và cam chịu sống mãi kiếp sống nhiều phiền muộn và khổ sầu. Còn sự luân hồi lại cho phép người ta bắt đầu cuộc sống mới.
Mặt khác, thời gian sống duy nhất của con người thì không đủ để đạt được sự hoàn thiện cần thiết. Điều này cần có một nơi thanh luyện từng bước một. Vào lúc chết, chẳng có ai sống tốt lành mà được coi là đạt đến tình trạng hoàn thiện được. Nên sự luận hồi mới cho phép con người đạt thêm được sự hoàn thiện cho những lần đầu thai trong những thân xác khác.
Cuối cùng, sự luân hồi giúp lý giải những điều khó hiểu nào đó, chẳng hạn một người nào đó không thông minh bằng người khác, sự đau khổ chi phối muôn mặt nơi con người, sự thông cảm và ác cảm nơi con người với nhau, một số người lập gia đình mà vẫn bất hạnh, v.v... hay người chết trẻ. Tất cả những vấn đề này sẽ dễ lý giải hơn nếu những người này đền trả các nợ nần hay lập các công trạng trong kiếp trước.
Khi linh hồn không tồn tại nữa
Do đó, sự luân hồi là một giáo thuyết mê hoặc và gài bẫy vì nó ra như muốn “giải quyết” các vấn đề sâu xa của đời sống con người. Hơn nữa, nó làm cho con người mê man tò mò tìm đến những người danh tiếng tự cho mình trước đây đã được đầu thai. Dù sao lòng khao khát này giúp cho con người quên đi cuộc sống vô nghĩa của mình và cũng giúp họ thoát khỏi cuộc sống u mê và lề thói thường ngày chúng ta bị lôi cuốn. Nhưng niềm tin vào sự luân hồi phát sinh thế nào?
Các nền văn minh cổ xưa nhất của Su-mê, Ai Cập, Trung Quốc và Ba Tư không hề biết đến sự luân hồi. Sức mạnh vô song họ dành vào việc khai sáng các kim tự tháp, lăng mộ và các việc ướp xác cho thấy họ tin chỉ có một cuộc sống duy nhất trên trần gian này. Nếu tin rằng người chết quay trở lại đầu thai vào một kiếp sống khác, họ đã chẳng bỏ công ra lãng phí rất nhiều thời giờ với những công trình trang hoàng với những gì mà họ chuẩn bị cho cuộc sống mai sau của mình.
Tại sao lại có thuyết luân hồi?
Lần đầu tiên xuất hiện thuyết luân hồi là ở Ấn Độ, thế kỷ VII trước công nguyên. Những người đầu tiên này, dù còn gắn bó nhiều với tinh thần nhà nông, cho rằng tất cả những gì trong thiên nhiên sau khi đã hoàn tất vòng sống của chúng sẽ đầu thai lại. Tương tự mặt trời mọc lúc hừng đông rồi lặn lúc chiều tà, và lại quay trở lại mọc lúc hừng đông. Trăng tròn sẽ mờ dần đi, rồi luôn quay trở lại lúc trăng tròn nhất. Các ngôi sao lập lại cùng chu kỳ và giai đoạn của chúng mỗi năm. Các mùa hạ và mùa đông thay đổi tuần hoàn không sai lệch. Đồng ruộng, hoa cỏ, lụt lội, tất cả đều luân phiên xuất hiện rồi hoán chuyển không ngừng. Cả cuộc sống cũng là điều xảy ra theo chu kỳ tuần hoàn mãi mãi.
Những khẳng định trên khiến họ phải suy nghĩ rằng con người chết rồi phải quay trở lại lần nữa trên trần gian. Tuy nhiên, khi cho rằng xác chết con người sẽ phân huỷ, họ hình dung chỉ có hồn con người mới quay trở lại để mặc lấy một thân xác mới và tiếp tục sống.
Với thời gian, họ vận dụng niềm tin này để giải thích rõ ràng các vấn đề nào đó của cuộc sống chẳng hạn những điều khác thường của con người đã nói ở trên và xem là không thể lý giải được đối với tâm trí ngây ngô và chóng qua của thời đại ấy.
Khi Phật giáo ở Ấn độ khai sinh vào thế kỷ V trước công nguyên thì Phật giáo đã ủng hộ cho niềm tin vào sự luân hồi này. Và niềm tin này đã lan sang Trung Quốc, Nhật Bản, Ti-bét (vùng tự trị ở phía Bắc Trung Quốc thuộc Hy Mã Lạp sơn), và còn lan đến tận Hy Lạp và Rô-ma nữa. Niềm tin này cũng thâm nhập vào trong các tôn giáo khác vốn có những yếu tố niềm tin tương tự.
Ông Gióp từ lâu đã không tin vào sự luân hồi
Tuy nhiên, những người Híp-ri từ lâu đã không muốn chấp nhận quan niệm luân hồi này và trong các văn phẩm Sách Thánh của họ, họ đã hoàn toàn chối bỏ thuyết này.
Chẳng hạn thánh vịnh 39 khi suy gẫm về đời sống ngắn ngủi này, nói rằng: “Xin Ngài ngoảnh đi khỏi con và con được thanh thoả vào lúc trước khi con ra đi và không còn nữa” (câu 14).
Hay thánh vịnh 49 khi suy gẫm về số phận người giàu cũng như người nghèo, nói rằng: “Mộ của họ là nhà đến mãi mãi, nơi cư trú của họ đến muôn đời muôn kiếp” (câu 12).
Suốt thời gian bệnh tật nghiêm trọng của mình, ông Gióp nghèo khổ khẩn cầu Thiên Chúa: “Xin Ngài để con một mình, để con được thanh thoả đôi chút, trước khi con ra đi, và con không trở lại cõi đất tối tăn và bóng tử thần” (G 10,20-21).
Vua Đa-vít cũng không tin
Niềm tin vào sự luân hồi chúng ta nói đến xuất hiện vào cùng hai thời điểm sống của vua Đa-vít. Thời điểm thứ nhất, khi được chấp nhận thưa chuyện, người đàn bà đã nói với vua Đa-vít: “Chúng ta chắc chắn phải chết, như nước được đổ xuống đất mà không được hốt lại” (2 Sm 14,14).
Thời điểm thứ hai, khi thấy con mình chết, vua Đa-vít nói: “Khi đứa bé con sống, ta ăn chay và khóc lóc... Nhưng giờ nó chết rồi, ta ăn chay để làm gì? Liệu ta có thể làm cho nó trở lại nữa được chăng? Ta đi đến với nó, chứ nó không trở lại với Ta” (1 Sm 12,22-23).
Chúng ta cũng thấy rằng trong Cựu Ước không thấy nói đến ý niệm sống lại, thì cũng chẳng nói đến việc trở lại trần gian từ cõi chết.
Điều mới lạ thâm nhập
Tuy nhiên, vào năm 200 trước công nguyên thì vấn đề thế giới hậu lai được lý giải rõ ràng mãi mãi. Trong kỷ nguyên này, niềm tin vào sự sống lại đã thâm nhập vào đời sống dân Híp-ri và cuối cùng đi đến việc khẳng định có thể có sự luân hồi.
Niềm tin mới mẻ này cho rằng khi một người chết thì lập tức người ấy hồi sinh lại sự sống. Nhưng không phải hồi sinh trên trần gian, nhưng trong một trạng thái gọi là “vĩnh cửu”. Người ấy bắt đầu sống một cuộc sống khác không bị giới hạn trong thời gian cũng như không gian. Đây là cuộc sống không bao giờ chết nữa và vì thế mà gọi là “đời sống vĩnh cửu”.
Niềm tin này xuất hiện lần đầu tiên trong Kinh Thánh ở sách Đa-ni-en. Sách nói đến một thiên sứ mạc khải điều bí mật này: “Nhiều người trong số những người ngủ trong đất bụi sẽ trỗi dậy, có những kẻ hưởng sự sống vĩnh cửu, có những kẻ chịu sự sỉ nhục và sự ghê tởm muôn đời” (12,2). Vì thế, cuộc sống ngay sau cái chết là cuộc sống vĩnh cửu. Cuộc sống này là hạnh phúc đối với người lành và đau khổ đối với kẻ tội lỗi. Tuy nhiên cuộc sống nào cũng là vĩnh cửu.
Chúng ta thấy niềm tin này được đề cập đến lần thứ hai trong một trình thuật nói về vua An-ti-ô-khô IV thuộc Xi-ri đã hành hình bảy người anh em Do Thái khi bắt họ phải chối bỏ niềm tin mình. Lúc sắp chết, người thứ hai nói với vua: “Ông... khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng Vua vũ trụ... sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2 Mcb 7,36).
Vì thế, Cựu Ước nói đến việc không thể trở lại cuộc sống trần gian sau khi chết. Sau khi trải qua cuộc sống ngắn ngủi và đau khổ, con người sau khi chết sẽ được sống lại.
Điều Đức Giê-su đã nói
Với quyền năng của Con Thiên Chúa, Đức Giê-su Ki-tô đã chính thức xác nhận đạo lý này. Trong dụ ngôn ông nhà giàu (x. Lc 16,19-31), tác giả nói về một người ăn xin nghèo khó tên là La-da-rô khi chết đã được các thiên sứ đem ngay về trời. Cũng trong dụ ngôn này lại nói về ông nhà giàu nhưng vô tâm thì khi chết đã bị đày xuống âm phủ chịu lửa thiêu đốt mãi mãi.
Đức Giê-su không nói rằng ông nhà giàu phải đầu thai lại để chịu khốn khổ do tội lỗi đã phạm trên trần gian gây nên. Trái lại, dụ ngôn chỉ giải thích rằng vì đã có thái độ sống bất chính mà ông nhà giàu đã nhận được nhiều phần phước trên trần gian rồi, còn “bây giờ” (nghĩa là vào lúc chết trong đời sống vĩnh cửu chứ không phải trên trần gian) ông nhà giàu phải chịu khốn khổ vì tội lỗi của ông (x. Lc 16,25).
Trong tuyệt vọng, ông nhà giàu kêu xin Tổ phụ Áp-ra-ham cho phép La-da-rô trở lại trần gian, vì ông ta có năm người anh em tội lỗi hơn ông còn sống, để cảnh cáo họ về những gì đang chờ đợi họ nếu họ không hoán cải cuộc sống mình (x. Lc 16,27-28). Nhưng ông Áp-ra-ham đáp lại điều đó là không thể được vì giữa thế giới này và thế giới kia có một vực thẳm không ai có thể qua lại được (x. Lc 16,26).
Ông nhà giàu bị kết án đã quá lo lắng khi nói rằng các người anh em của ông chỉ có một cuộc đời để sống, một khả năng duy nhất, một cơ hội duy nhất để làm cho cuộc sống có ý nghĩa.
Số phận người trộm lành
Khi Đức Giê-su chết trên thập giá, Tin Mừng thuật lại rằng một trong hai tên trộm bị đóng đinh bên cạnh Người thưa rằng: “Lạy Đức Giê-su, xin Ngài hãy nhớ đến tôi khi Ngài vào vương quốc của Ngài” (Lc 23,42). Nếu Đức Giê-su chấp nhận sự luân hồi, thì Người phải nói với tên trộm lành: “Anh hãy kiên nhẫn, các tội ác của anh nhiều lắm. Anh phải trải qua các cuộc đầu thai khác nhau cho đến khi anh thanh luyện hoàn toàn”. Nhưng Đức Giê-su lại nói: “Tôi nói thật với anh, hôm nay anh sẽ ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
“Mỗi người” đều ở trên Thiên Đàng, đó là lý do tại sao không bao giờ còn ai có thể trở lại để đầu thai trên trần gian nữa.
Thánh Phao-lô cũng chối bỏ sự luân hồi. Thực ra, khi viết thư gởi tìn hữu Phi-líp-phê, thánh nhân nói với họ rằng: “Tôi bị giằng co giữa hai đàng: có lòng khao khát ra đi và ở với Đức Ki-tô... ; nhưng ở lại trong thân xác thì cần thiết vì anh em” (Pl 1,23-24). Nếu thánh nhân tin có sự luân hồi, thì ngài đã chẳng khao khát chết, ngài sẽ trở lại để đối mặt với những đau khổ trong cuộc sống mới trên trần gian.
Sự trái ngược hoàn toàn
Khi giải thích cho các tín hữu Cô-rin-tô những gì sẽ xảy ra trong giờ chết, thánh Phao-lô nói: “Việc sống lại của kẻ chết cũng vậy: cái được gieo xuống thì hư nát, được trỗi dậy thì bất diệt ; được gieo xuống thì hèn hạ, được trỗi dậy thì vinh quang ; được gieo xuống thì yếu đuối, được trỗi dậy thì mạnh mẽ ; được gieo xuống là thân thể tự nhiên, được trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1 Cr 15,42-44).
Người Ki-tô hữu có tin vào sự luân hồi không? Chắc chắn là không. Quan niệm cho rằng mặc lấy một thân xác khác và trở lại trần gian sau khi chết thì hoàn toàn trái ngược với đạo lý Kinh Thánh.
Kinh Thánh khẳng định dứt khoát và súc tích rằng không thể chấp nhận sự luân hồi. Điều này được nói rõ trong thư Híp-ri: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó là phán xét” (Hr 9,27).
Lời mời gọi thiếu trách nhiệm
Tuy nhiên, không chỉ có Kinh Thánh mà còn cả đa số mọi người cấm tin vào sự luân hồi.
Thực ra, việc cho rằng có thể lý giải được sự thông cảm và ác cảm nơi con người, mối bất hoà trong gia đình, sự khác biệt trí khôn nơi con người hay việc người chết trẻ thì hầu như chẳng có ai chấp nhận cả.
Tâm lý học hiện đại dùng phương pháp khoa học rõ ràng giúp giải thích lý do tại sao con người biểu lộ cách này hay cách khác, chứ không đem lại niềm tin vào sự luân hồi.
Vì thế, thuyết luân hồi là một giáo thuyết chẳng đem lại lợi ích gì, chẳng thích hợp gì với niềm tin Ki-tô giáo, tiêu biểu cho một tâm trí ngây dại, là kẻ huỷ diệt niềm hy vọng vào sự sống mai sau, chẳng giúp ích gì cho việc lý giải những bí ẩn cuộc sống và, vì là điều tệ hại, còn nguy hiểm đến độ nó là một lời mời gọi vô trách nhiệm nữa.
Thực ra, nếu người nào tin rằng mình có được những kiếp sống khác hơn là kiếp sống này, thì người ấy không gây ra nhiều phiền phức cho cuộc sống hiện tại, cũng chẳng đem lại được điều hứa hẹn lớn lao nào, cũng chẳng ăn nhập gì với hành động của người ấy. Người ấy luôn phải mơ tưởng rằng mình sẽ đầu thai vào các kiếp sống khác để làm cho những khiếm khuyết trong kiếp sống hiện tại thêm tốt hơn.
Chỉ một lần
Trái lại, nếu người nào đó biết rằng điều kỳ diệu trong cuộc sống không bao giờ lập lại và chỉ có một cuộc sống để biến những ước mơ của mình thành hiện thực, chỉ có năm nay để sống giây phút hiện tại, chỉ có những ngày tháng này và những đêm này để sống hạnh phúc với những người mình yêu mến, thì người ấy sẽ chú tâm nhiều hơn không để lãnh phí thời gian, chẳng đánh mất mình trong những điều vặt vãnh, cũng không lãng phí cơ hội. Người ấy sẽ sống từng phút giây cách mãnh liệt, tương quan tốt khi gặp gỡ và không để vuột mất bất cứ hoàn cảnh thuận lợi mà cuộc sống mang lại.
Trong quãng đời của mình, trung bình một người làm việc 136 000 tiếng đồng hồ, ngủ nghỉ khoảng 210 000 tiếng, ăn khoảng 3 360 kí-lô bánh, 24 360 quả trứng và 8 900 kí-lô rau quả, sử dụng khoảng 507 ống kem đánh răng, trải qua 3 lần phẫu thuật, cạo râu khoảng 18 250 lần, rửa tay khoảng 89 000 lần, hắt hơi khoảng 14 080 lần, thắt cà vạt trong khoảng 52 000 dịp lễ hội, và hít thở khoảng 500 triệu lần.
Nhưng mỗi người chỉ chết một lần và chỉ một lần mà thôi.
Trước khi lấy lại quãng đời sống của con người, Thiên Chúa ban cho chúng ta khoảng thời gian duy nhất để luôn lấp đầy từng ngày sống bằng những việc làm yêu thương nhất.
Câu hỏi gợi ý
1. Người ta nghĩ gì về nền văn minh cổ xưa nhất quan niệm về cái chết và hướng xa hơn về điều ấy?
2. Quan niệm về sự luân hồi xuất hiện thế nào?
3. Quan niệm của đa số mọi người nói gì về việc có thể trở lại trần gian để sống trong những thân xác khác?
4. Những đoạn văn Kinh Thánh nào chúng ta có thể trích dẫn để bác bỏ thuyết luân hồi này?
http://catechesis.net/index.php/thanh-kinh/tong-quat/4552-kinh-thanh-noi-gi-ve-su-luan-hoi
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...