Về thần tính và ngôi vị tính của Chúa Thánh Thần
Về thần tính và ngôi vị tính của Chúa Thánh Thần
VỀ THẦN TÍNH VÀ NGÔI VỊ TÍNH CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương,
Đại Chủng Viện Vinh Thanh
Mục lục
I. NGÔI VỊ TÍNH VÀ THẦN TÍNH CỦA CHÚA THÁNH THẦN
3. Định tín về Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa
II. THẦN HỌC VỀ CHÚA THÁNH THẦN
1. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu – Ngôi Vị (Amor – Persona)
2. Chúa Thánh Thần là Ân Huệ - Ngôi Vị (Donum- Persona)
III. NHỮNG ĐẶC TÍNH RIÊNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
1. Chúa Thánh Thần như người Mẹ hiền
2. Chúa Thánh Thần là “We”
WHĐ (10.05.2021) - Đây là bài tóm tắt thần học về Chúa Thánh Thần, được trình bày theo dàn ý như sau: (1) Ngôi vị tính và thần tính của Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm Ba Ngôi, (2) Thần học về Chúa Thánh Thần, (3) Những đặc tính riêng của Chúa Thánh Thần, (4) Tạm Kết.
I. NGÔI VỊ TÍNH VÀ THẦN TÍNH CỦA CHÚA THÁNH THẦN
1. Ngôi vị là gì?
Ngôi vị là chỗ đứng riêng của mình. Hạn từ ngôi vị có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp (prosopon) hoặc (hypostasis) hay (persona trong tiếng La Tinh), nghĩa là khuôn mặt hay nguồn các mối tương quan. Hypostasis là cái đứng ở dưới, cái có thể tự hiện hữu nơi mình.
Trong ngôn ngữ Kitô giáo, ngôi vị chỉ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần để phân biệt các tương quan của Ba Ngôi. Ba Ngôi phân biệt nhau nhờ tương quan, nhưng hiệp nhất, nhờ bản tính, một Thiên Chúa duy nhất.
Sau này, triết học định nghĩa: “Ngôi vị là bản thể cá biệt có lý tính” (Bothius). Ngôi vị là một hữu thể tự lập, có lý trí, ý chí và tự do, hiện hữu nơi chính mình.[1]
2. Nền tảng Kinh Thánh
“Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25-26).
“Chúa Thánh Thần của chân lý nhiệm xuất từ Chúa Cha” (Ga 15,26).
Tín biểu của Công Đồng Constantinople đã lấy lại dụng ngữ đó: “Thánh Thần xuất phát (ekporeuomenon, procedit) từ Cha.”
3. Định tín về Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa
Công Đồng Constantinople (năm 381):
“Chúng tôi tin kính Chúa Thánh Thần, Người là Đức Chúa và là Đấng ban sự sống, Người phát xuất từ nơi Chúa Cha, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con, Người đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy.”
Công Đồng chính thức tuyên xưng rằng Thánh Thần cũng chính là Đức Chúa, nghĩa là ngang bằng với Thiên Chúa.
Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Dominum et Vivificantem, số 10 đã nhận định như sau:
“Đồng bản thể với Cha và Con theo thần tính, Chúa Thánh Thần là tình yêu, là ân sủng vô tạo, từ đó – như là từ uyên nguyên hằng sống (fons vivus) – phát xuất mọi hành vi trao ban ân huệ đến các thụ tạo (ân sủng thụ tạo): ơn hiện hữu cho muôn loài qua công cuộc tạo dựng; ơn sủng ái cho con người qua toàn bộ kế hoạch cứu độ.”
II. THẦN HỌC VỀ CHÚA THÁNH THẦN
Tuy nhiên, dựa vào Kinh Thánh và truyền thống của Giáo hội, các nhà thần học đã cố gắng để trình bày căn tính của Chúa Thánh Thần qua nhiều biểu tượng, danh hiệu hay dạng thức khác nhau của Người.
1. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu – Ngôi Vị (Amor – Persona)
Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta” (Rm 5,5).
Thánh Augustinô giải thích: “Các Ngài là Ba Đấng, Đấng yêu mến, Đấng được yêu mến và Tình Yêu.”[2] Cần phân biệt: Tình yêu thuộc bản thể Thiên Chúa và Tình Yêu như một Ngôi Vị. Trong trường hợp thứ nhất, đó là tình yêu bản thể (amor substantiel), vốn là chính bản tính thần linh, yếu tính của thực tại thần linh. Trong trường hợp thứ hai, đó là Tình Yêu như một Ngôi Vị, là Ngôi Vị Thánh Thần. Chúa Thánh Thần phân biệt ra khỏi Đấng hằng yêu thương và khỏi Đấng hằng được yêu thương và là một với các Ngài trong tình yêu.
Như thế, Thánh Thần là Tình Yêu như một Ngôi Vị (Amor-Persona) khác với Chúa Cha, Chúa Con, vừa là tình yêu bản thể giống với Cha và Con.
Theo nghĩa này, Thánh Thần là sự chan chứa dạt dào của tình yêu thần linh, là sự viên mãn đến tràn bờ, là trạng thái cực kỳ hoan lạc của Thiên Chúa. Nhờ đó, tình yêu của Cha qua Con ngập tràn vào Thánh Thần, được phản ảnh trong sức năng động của công trình sáng tạo cứu độ.
Thánh Tôma Aquinô cho rằng danh hiệu Tình Yêu này là danh hiệu của Chúa Thánh Thần.[3] Chúa Thánh Thần là Tình yêu liên kết giữa Cha với Con. Tình Yêu ấy không đóng khung khép kín nhưng đã tuôn trào ra, bởi vì Thiên Chúa đã thông đạt tình yêu và mọi thiện hảo cho tạo vật (cách riêng là cho nhân loại) để mời gọi họ vào chia sẻ sự sống với Người. Chúa Cha là Đấng yêu thương, Chúa Con là Đấng được yêu thương, và Chúa Thánh Thần là Tình Yêu Ngôi Vị.
2. Chúa Thánh Thần là Ân Huệ - Ngôi Vị (Donum- Persona)
Thánh Thần được mạc khải như là Ân Huệ của Thiên Chúa (x. 1Ga 4,13). Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samari: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,14).
Trong bài giảng đầu tiên sau ngày Lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô đã mời gọi thính giả nghe ngài hoán cải và đón nhận phép rửa, để “anh em sẽ nhận được Ân Huệ là Thánh Thần” (x. Cv 2,38; 10,45).[4]
Augustinô giải thích Ân Huệ đó chính là Thánh Thần. Ý tưởng Thánh Thần như là Ân Huệ, như là trạng thái cực kỳ hoan lạc của Thiên Chúa hướng về tha thể đã được các Giáo Phụ diễn tả bằng công thức nổi tiếng:
“Từ Cha, qua Con, trong Thánh Thần.” Thánh Thần là điều mà nơi Người tiến trình kết thúc… Thần Khí là Đấng mà bởi Người sự thông ban của Thiên Chúa được hoàn tất. Trong thực tại Ba Ngôi hiệp nhất của Thiên Chúa, Thánh Thần là sự hoàn tất.[5]
Sau đó, thánh Augustinô cũng cho rằng: để biểu thị mối hiệp thông giữa Cha và Con “Chúa Thánh Thần được coi như ân huệ cả hai” cũng như sự nối kết giữa chúng ta với các Đấng; Người là Ân Huệ vì được trao ban bởi Cha và Con.[6]
Trong Thông điệp Dominum et Vivificantem số 10, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: “Có thể nói rằng, trong Chúa Thánh Thần, đời sống mật thiết của Ba Ngôi Thiên Chúa đã trở nên một ân huệ trọn vẹn, một trình trạng chuyển thông của mối tương ái giữa các Ngôi Vị; và thông qua Thánh Thần chính là hiện thân của ân huệ trao ban, của tình yêu hằng hữu. Người là ngôi vị Tình Yêu. Người là Ngôi Vị Ân Huệ.”[7]
Với tư cách này, Thánh Thần đến với Tha Thể như một sự tặng ban nhưng không tuyệt đối.
3. Xuất Thần (Ektasis)
Thần học Đông Phương nhìn Chúa Thánh Thần như sự khai mở của Thiên Chúa ra khỏi chính mình để đi đến với con người, làm cho con người ra khỏi mình để gặp gỡ Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu, Thánh Thần làm cho Thiên Chúa và con người kết hợp với nhau. Chúa Giêsu là khuôn mặt thần linh của con người, và là khuôn mặt con người của Thiên Chúa. Người là Thiên Chúa mang lấy xác thể để con người mang lấy thần linh. Nhờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa tự hiến mình trong Chúa Thánh Thần để cứu độ chúng ta.
Truyền thống Tây phương vẫn quen nhìn Chúa Thánh Thần là chiều sâu của Thiên Chúa, là Tình Yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con (vinculum amoris). Thánh Thần vừa là Đấng Bên Trong (Intimum Dei), vừa là Đấng Mút Cùng (Extremum Dei), Đấng nội tại nhất lại là Đấng siêu việt nhất. Tình yêu tự hiến giữa Chúa Cha và Chúa Con cô đọng trong ngôi vị Thánh Thần. Thánh Thần như sự xuất hành trọn vẹn của Chúa Cha và của Chúa Con.
Về điểm này, nhà thần học Pháp Christian Duquoc diễn tả rất ý nghĩa như sau:
“Biểu tượng Ba Ngôi cho thấy một cuộc sống hoặc sự hiệp thông khác biệt và cởi mở. Chúa Thánh Thần phá vỡ sự tự thỏa mãn có thể của hai Ngôi đầu tiên “diện đối diện.” Truyền thống Kitô giáo đã nhận ra một vai trò sáng tạo và năng động đối của Người, và trong ý nghĩa này, Thánh Thần là Người tạo nên sự khác biệt. Người là sự mở ra của sự hiệp thông thiêng liêng với những gì không thiêng liêng. Người là sự cư ngụ của Thiên Chúa, nơi mà trong cách thức nào đó, Người ra khỏi chính mình. Do đó, Người được gọi là “Tình Yêu.” Người là “xuất thần” (ektasis) của Thiên Chúa để hướng về các “Ngôi khác” và với thụ tạo.[8]
4. Tự Hạ (Kenosis)
Mầu nhiệm tự hạ của Chúa Thánh Thần là trút bỏ mình trong thinh lặng và ẩn dấu mình vì các Ngôi Vị khác. Nên Người không có một khuôn mặt cụ thể, và dường như không có một danh xưng riêng biệt. Thánh Thần luôn hiện hữu cho các Ngôi Vị khác, đến nỗi gần như lu mờ chính chủ vị của mình. Quả thật, nơi Chúa Con, thần tính ẩn dấu trong nhân tính. Nơi Thánh Thần, ngôi vị ẩn dấu trong thần tính. Chúa Con hạ mình cho đến ngày phục sinh; Chúa Thánh Thần hạ mình cho tới ngày quang lâm cánh chung.[9]
Truyền thống Đông Phương và Tây Phương đều nhận ra sự hạ mình sâu thẳm của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa vượt trên chính mình bằng cách hạ mình. Sự xuất ngoại của Thánh Thần là một sự hạ mình, để yêu thương và tự hiến (x. Ga 12,24; Mc 8,35). Sự tự hạ đó được diễn tả như sau:
- Chúa Thánh Thần gần như không có danh xưng riêng biệt. Hai chữ Thánh (Sanctus) và Thần (Spiritus) ghép lại để làm danh xưng cho Người, là những từ ngữ chỉ các ưu phẩm chung cho Chúa Cha và Chúa Con. Thánh Tôma cho rằng sự “phát xuất” của Thánh Thần không có tên riêng. Theo E. Brunner, sự độc đáo của Thánh Thần là hiện hữu cho. Mức độ hiện hữu cho cao đến gần như làm lu mờ chính chủ vị của Người.
- Sự ẩn khuất của Ngôi Vị Thánh Thần. Ngôi vị Chúa Cha và Chúa Con được mạc khải khá rõ ràng. Chúa Cha được Chúa Con mạc khải, Chúa Con được Thánh Thần mạc khải. Còn ngôi vị Thánh Thần như ẩn khuất sau hai ngôi vị kia. Thánh Thần như hơi thở trong tiếng nói của Cha: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con” (Tv 2,7); và như hơi thở trong tiếng nói của Con hướng về Cha: “Ápba, Cha ơi!”
- Chúa Thánh Thần như không sử dụng chữ “Tôi”. Người là “sự phong nhiêu của Thiên Chúa,” nhưng chẳng có ngôi vị nào phát xuất từ Người. Người là chìa khóa để mở ra mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng chính Chúa Con được sinh ra và nhập thể; và thế giới được tạo dựng theo hình ảnh Chúa Con. Người là sự hiệp thông, phục vụ cho sự gặp gỡ vĩnh hằng giữa Chúa Cha và Chúa Con, là dây liên kết giữa Cha và Con.
- Ngay cả trên bình diện lịch sử cứu độ, Thánh Thần vẫn luôn hạ mình. Trong Cựu Ước, Người biểu lộ như là sức mạnh của Thiên Chúa, được diễn tả bằng những hình ảnh vô chủ vị, như hơi thở, nước và lửa. Trong Tân Ước, Chúa Thánh Thần hạ mình trong biến cố Ngũ Tuần, ngôi vị của Người ẩn dấu đằng sau thần tính.
- Chúa Thánh Thần luôn hướng về Chúa Kitô. Vai trò của Người là tháp nhập các tín hữu vào Chúa Kitô, tạo nên cho Chúa Cha những dưỡng tử yêu dấu, thánh thiện. Thánh Thần làm cho chúng ta thuộc về Chúa Kitô (Rm 8,9), và hướng về Chúa Cha (x. Rm 8,15; Gl 4,6). Người cầu nguyện cho chúng ta và trong chúng ta, nhưng không làm cho chúng ta ngỏ lời với Người, trái lại ngỏ lời với Chúa Cha qua lời cầu của Chúa Con, và hướng dẫn chúng ta tuyên xưng Chúa Con (x. 1 Cr 12,3).
- Người hành động trong chúng ta cách kín đáo, làm như hành động chỉ là của riêng ta, làm cho chúng ta trở nên chính mình. Người chấp nhận trở nên “Ơn tha tội” của Thiên Chúa dành cho những tội nhân. Trong Thánh Thần, Thiên Chúa như tự hủy để cho con người được sống.
- Việc của Chúa Thánh Thần là việc âm thầm cho đến tận thế. Người không bao giờ nói gì về chính mình, nhưng chỉ nói về Chúa Cha và Chúa Kitô; cũng không tự động nói điều gì, mà mọi sự đều do Chúa Kitô (x. Ga 16,13-15). Người không làm vinh danh chính mình, nhưng làm vinh danh Chúa Kitô. Người vẫn là Đấng không được biết đến bên kia Ngôi Lời.
- Ngày cánh chung khi Chúa Cha trở nên mọi sự trong mọi nguời, Chúa Thánh Thần sẽ như ánh sáng chiếu soi gương mặt Chúa Kitô và gương mặt các thánh, nhưng Người vẫn như không có gương mặt riêng, Người tự biểu lộ nơi những con người được thần hóa, là Thánh Thần trong các thánh.
5. Kết Hợp (Synthesis)
Như trên đã đề cập, Chúa Thánh Thần chính là Tình Yêu. Tình Yêu nối kết giữa Chúa Cha và Chúa Con, và nối kết nhân loại với Thiên Chúa. Tình Yêu vốn là bản chất thẳm sâu của Thiên Chúa (1Ga 4,8), chung cho cả Ba Ngôi. Thế nhưng Tình Yêu chủ vị hay Ngôi Vị Yêu Thương lại được gắn cho Thánh Thần. Thánh Thần là của Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Cha yêu Chúa Con bằng chính Thánh Thần.[10]
Bởi thế, các giáo phụ Hy Lạp thích diễn tả Thánh Thần như là vinculum amoris – sợi dây tình yêu, sợi dây nói kết, Người là sự viên mãn, sự hoàn tất (telos, teleiòsis) của Ba Ngôi.
Chúa Thánh Thần được xem là sự tự hiến hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Người ở trong Chúa Cha là đầu, Đấng sinh hạ, và cũng ở trong Con là Đấng được sinh hạ. Chúa Cha vừa sinh ra Ngôi Lời, vừa đối diện với Ngôi Lời, vừa nên một với Ngôi Lời trong Thánh thần là Tình Yêu kết hợp.
Trong mầu nhiệm Giáo Hội, Chúa Thánh Thần đóng vai trò là người nối kết tất cả mọi người đã chịu phép Rửa Tội trở thành con cái Thiên Chúa và là chi thể của Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô (1 Cr 12,13). Cũng chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy con người tìm kiếm Chân Thiện Mỹ và có lòng sám hối, từ bỏ tội lỗi của mình, để được liên kết với Đức Kitô là đầu nhiệm thể.[11]
III. NHỮNG ĐẶC TÍNH RIÊNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
1. Chúa Thánh Thần như người Mẹ hiền
Theo Yves Congar: Chúa Thánh Thần là sự nội tâm, sự tự do. Được đổ vào lòng ta, chúng ta khẩn cầu Người như là Vị khách dịu hiền và rất khả ái của tâm hồn chúng ta.
Theo Bruno Forte: Thiên Chúa Tam Vị mặc khải ra cho chúng ta một dung mạo mà người ta có thể nói là mang mẫu tính. Tình yêu dịu dàng và bao bọc chở che của Ngài gơi ra tình yêu “từ trong tâm cảm” của người mẹ. Đó là hình ảnh sự dịu dàng mang mẫu tính của Thiên Chúa (rahem, rahamin = lòng dạ mẹ tình yêu từ lòng dạ), vốn có nguồn gốc trong Kinh Thánh: “Vì Sion đã nói: Giavê đã bỏ tôi, Đức Chúa đã quên tôi. Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi”(Is 49,14). Từ Cha, mẫu tính của tình yêu cũng được lan tỏa qua Con, Đấng mà trong Người thụ tạo được đón nhận và trở thành sự đón nhận tình yêu. Mẫu tính đó đồng thời cũng lan tỏa đến Thần Khí, mà Tên của Người, trong ngôn ngữ Hípri (Ruah) mang giống cái, xem ra gợi lên tình yêu của người mẹ trao ban sự sống và mở toang ra với sự sống.[12]
Theo linh mục Norbeto: Thiên Chúa là Cha, nhưng cũng là mẹ nhờ tác động có thể nói là từ mẫu của Thần Khí: “Ta đã tập đi cho Épraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây ân nghĩa, lấy mối ân tình để lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ nâng lên áp vào má. Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11, 3-4).[13]
Theo J. Moltman: Thánh Thần của Thiên Chúa gần gũi với chúng ta hơn tất cả những gì mà chúng ta gần gủi với chính mình... chúng ta biết rất ít về Chúa Thánh Thần bởi vì Người quá gần với chúng ta, chứ không phải là Người ở quá xa chúng ta.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phát biểu trong bài giảng lễ ngày 10/09/1978: “Thiên Chúa là Cha, hơn thế nữa Người cũng là Mẹ.”
Từ Do Thái chỉ Chúa Thánh Thần là Ruah, ở giống cái nhưng thực thể mà nó diễn tả hơi thở, lại phi ngôi vị.[14] Thật vậy, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói rằng Ba Ngôi thì Ngôi Nhất như là Người Cha, Ngôi Hai là Người Con và Ngôi Ba là Mẹ. Đúng vậy, Chúa Thánh Thần “như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy. Tại Giêusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66,13).
Quả vậy, chính nhờ Chúa Thánh Thần mà mỗi người chúng ta được chăm sóc, giúp sức và dạy dỗ như người mẹ hiền lo cho đứa con thơ: Trong gia đình, người mẹ đóng vai trò quan trọng và là người đầu tiên dạy cho con mình tiếng “Ba”. Chúng ta cũng thế, được Chúa Thánh Thần dạy cho tiếng “Ápba! Cha ơi” (x. Rm 8,14-15). Hay trong thư Galát nói: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Ápba! Cha ơi”(Gl 4,6).
Trong gia đình, người mẹ dạy cho con mình biết về “anh cả Giêsu” và anh em đồng loại. Chính Chúa Thánh Thần cũng đóng vai trò này: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến […], Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,12-14).
Trong gia đình, người mẹ luôn chăm sóc con cái mà không mệt mỏi vì biết nó dễ bị tổn thương, người mẹ phải hy sinh, bao bọc, che chở và nâng đỡ. Bởi vì, tất cả mọi sinh hoạt của con trẻ không tự làm được mà cần đến bàn tay người mẹ. Cũng thế, xưa Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần ngự xuống thanh luyện lòng trí các Tông Đồ. Nay Người cũng xuống thanh luyện lòng dơ bẩn, tội lỗi của chúng ta. Người thấm nhuần tâm trí những ai khô khan, nguôi lạnh, băng bó những tâm hồn lâm nạn.
2. Chúa Thánh Thần là “We”
Quả vậy, khi nói Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần là ba Chủ Thể phân biệt không có nghĩa các Người là ba Cá Thể khác nhau (trois Individus distincts). Cá thể (individu) là hữu thể có xác thể, vừa không thể chia cắt mình ra được, vừa không thể chung đụng với bản thể của bất kỳ một cá thể nào khác được. Trong khi Chủ Thể, trong tương quan liên chủ thể, vốn luôn được định vị hoặc như là “chủ vị” (“Je” = “I”) hoặc như là “đối vị” (“Tu” = “You”), hoặc như là “tha vị” (“Il” = “He”), hoặc như là “liên chủ vị” (“Nous” = “We”).
Như thế, trong Kinh Thánh, Chúa Thánh Thần thường được gắn cho Liên Chủ Vị “We”. Thánh Thần hay Thần Khí của ai đó (của Thiên Chúa, của Chúa Cha, của Chúa Con, hay của Chúa Cha và Chúa Con). Như vậy, Chúa Thánh Thần là “We” thần linh (chúng ta), nghĩa là không chỉ là “Ngôi Ba của Ba Ngôi”, nhưng còn là Ngôi Nhất số nhiều, là Chúng Ta trong Ba Ngôi.[15]
IV. TẠM KẾT
Yves Congar cho rằng Tình Yêu và Quà Tặng là tên gọi của Chúa Thánh Thần, theo nghĩa là những tên gọi này diễn tả được mối liên hệ của Người với các Ngôi Vị khác. Trong trật tự Ba Ngôi nội tại, Chúa Thánh Thần là Tình Yêu hỗ tương của Chúa Cha và Chúa Con. Người là sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con, một sự hiệp thông được bản thể hóa, là niềm vui vinh cửu, là sự hoan lạc và thánh thiện của Ba Ngôi. Chúa Thánh Thần là Ân Huệ nhưng không của chính Tình Yêu Ba Ngôi cho nhân loại, trong lòng mỗi người. Bên cạnh đó, các thần học gia cũng chỉ cho chúng ta thấy các đặc tính riêng của Người như: Yves Congar, Norbeto, Bruno Fonte diễn tả đặc tính riêng của Chúa Thánh Thần như Người mẹ hiền và là We trong Ba Ngôi.
[1] x. Từ Điển Công Giáo, 500 mục từ, 249-250.
[2] Augustinô, De Trinitate, 8,14.
[3] Felipe Goméz Ngô Minh Sj, Chúa Thánh Thần - Học Thần Học Tín Lý 5, 67.
[4] Ibidem, 68.
[5] Yves Congar, Je crois en Saint Esprit, vol 3, 199s.
[6] Ibidem, 67-68.
[7] Thông điệp Dominum et Vivificantem, số 10
[8] Citato da Congar, in CNSS, 156.
[9] Fr. Lambiasi, Lo Spirito Santo: Mistero e presenza, EDB, Bologna 1987.
[10] ĐGH Gioan Phaolô II, Dominum et Vivificatem 5.
[11] ĐGH Pio XII, Mystici Corporis Christi 23.
[12] x. Bruno Forte, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Như Một Lịch Sử, n.d. Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ (Hà Nôi: NXB Tôn Giáo, 2010), 283.
[13] Norberto, Thiên Chúa của Tin Mừng, Thiên Chúa Ba Ngôi, 256.
[14] Francois Xavier Durrwell, Thần Học Về Chúa Thánh Thần, n.d. Thiên Hựu và Kim Ngân chuyển ngữ (NXB Phương Đông, 2016), 294.
[15] Raniero Cantalamessa, Nguyễn Văn Hương chuyển dịch, Để Không Gì là Vô Ích (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2016),137.
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/ve-than-tinh-va-ngoi-vi-tinh-cua-chua-thanh-than-41893