Tông thư PATRIS CORDE (Bằng Trái Tim Người Cha)
Của Đức Thánh Cha Phanxicô
Về Kỷ niệm 150 năm việc công bố Thánh Giuse là bổn mạng Giáo Hội Hoàn vũ



Để kỷ niệm năm thứ 150 ngày Đức Chân Phúc Piô IX tôn vinh Thánh Giuse là Bổn Mạng của Giáo Hội Hoàn Vũ, cùng với việc Tòa Thánh công bố Năm Thánh Giuse bắt đầu từ ngày 8 tháng 12 năm 2020 tới ngày 8 tháng 12 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông Thư Patris Corde (Bằng Trái Tim Người Cha) nhân dịp này. Chúng tôi xin chuyển Tông thư qua Việt ngữ:
 


BẰNG TRÁI TIM CỦA MỘT NGƯỜI CHA: Thánh Giuse đã yêu Chúa Giêsu, Đấng mà cả bốn sách Tin Mừng đều gọi là “con trai của Ông Giuse” [1].

Mátthêu và Luca, hai Thánh sử nói về thánh Giuse, cho chúng ta biết rất ít, nhưng đủ để chúng ta đánh giá ngài là người cha như thế nào và sứ mệnh được Chúa quan phòng giao phó cho ngài ra sao.

Chúng ta biết rằng thánh Giuse là một người thợ mộc tầm thường (x. Mt 13:55), đã hứa hôn với Đức Maria (x. Mt 1:18; Lc 1:27). Ngài là “người công chính” (Mt 1:19), luôn sẵn sàng thi hành thánh ý Thiên Chúa như đã mạc khải cho ngài trong Lề Luật (x. Lc 2:22.27.39) và qua bốn giấc mơ (x. Mt 1:20; 2: 13.19.22). Sau một hành trình dài và mệt mỏi từ Nadarét đến Bêlem, ngài được chứng kiến Đấng Mêsia sinh ra trong chuồng ngựa, vì “không có chỗ cho họ” ở nơi khác (x. Lc 2: 7). Ngài đã chứng kiến việc tôn thờ của các mục đồng (x. Lc 2: 8-20) và các đạo sĩ (x. Mt 2:1-12), những người lần lượt đại diện cho dân tộc Israel và các dân tộc ngoại giáo.

Thánh Giuse đã can đảm trở thành người cha hợp pháp của Chúa Giêsu, Đấng mà ngài đã đặt cho cái tên được sứ thần tiết lộ: “Ông hãy gọi tên Người là Giêsu, vì Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21). Như chúng ta biết, đối với các dân tộc cổ xưa, đặt tên cho một người hoặc một sự vật, như A-đam đã làm trong lời tường thuật trong Sách Sáng thế (xem 2: 19-20), là thiết lập một mối liên hệ.

Trong Đền thờ, bốn mươi ngày sau khi Chúa Giêsu sinh ra, Thánh Giuse và Đức Maria đã dâng con mình cho Chúa và ngạc nhiên lắng nghe lời tiên tri của ông Simêon về Chúa Giêsu và Mẹ Người (x. Lc 2,22-35). Để bảo vệ Chúa Giêsu khỏi Hêrôđê, Thánh Giuse đã cư ngụ như một người ngoại bang ở Ai Cập (x. Mt 2,13-18). Sau khi trở về quê hương của mình, ngài sống ẩn dật trong ngôi làng Nadarét nhỏ bé và ít người biết đến ở Galilê, cách xa Bêlem, thị trấn của tổ tiên ngài, cũng như cách Giêrusalem và Đền thờ. Người ta nói về Nadarét, “Không có ngôn sứ nào trỗi dậy từ đấy” (x. Ga 7:52) và quả thật, “Có điều gì tốt lành có thể xuất hiện từ Nadarét đâu?” (x. Ga 1:46). Trong cuộc hành hương lên Giêrusalem, Thánh Giuse và Đức Maria lạc mất Chúa Giêsu mười hai tuổi, các ngài hồi hộp đi tìm và thấy Người trong Đền thờ, đang thảo luận với các tiến sĩ Luật (x. Lc 2,41 -50).

Sau Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, không vị thánh nào được nhắc đến thường xuyên trong huấn quyền Giáo hoàng hơn Thánh Giuse, người phối ngẫu của Đức Mẹ. Những Vị Tiền Nhiệm của tôi đã suy gẫm về thông điệp chứa đựng trong tín liệu hạn chế mà các sách Tin Mừng đã truyền lại để đánh giá đầy đủ hơn vai trò trung tâm của ngài trong lịch sử cứu độ. Chân phúc Piô IX đã tuyên bố ngài là “Bổn Mạng của Giáo Hội Công Giáo” [2], Đức Piô XII tuyên xưng ngài là "Bổn Mạng những người lao động” [3] và Thánh Gioan Phaolô II tôn ngài là “Đấng bảo vệ Chúa Cứu thế” [4]. Thánh Giuse được mọi người cầu khấn như “đấng bảo trợ cái chết hạnh phúc” [5].

Nay, một trăm năm mươi năm sau khi được Chân phúc Piô IX tuyên bố là Bổn Mạng Giáo Hội Công Giáo (ngày 8 tháng 12 năm 1870), tôi muốn chia sẻ một số suy gẫm cá nhân về nhân vật phi thường này, rất gần với kinh nghiệm nhân bản của chúng ta. Vì, như Chúa Giêsu đã nói, “lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12,34). Mong muốn của tôi gia tăng trong những tháng đại dịch này, khi, giữa cuộc khủng hoảng, chúng ta cảm nghiệm việc làm thế nào “cuộc sống của chúng ta được dệt vào với nhau và được duy trì bởi những người bình thường, những người thường bị ngó lơ. Những người không xuất hiện trên các tiêu đề báo chí và tạp chí, hoặc trên chương trình truyền hình mới nhất, nhưng trong những ngày này chắc chắn họ đang lên khuôn các sự kiện quyết định của lịch sử chúng ta. Các bác sĩ, y tá, thủ kho và nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, những người chăm sóc, công nhân vận chuyển, những người đàn ông và đàn bà đang làm việc để cung cấp các dịch vụ thiết yếu và an toàn công cộng, các thiện nguyện viên, các linh mục, nam nữ tu sĩ, và rất nhiều người khác. Họ hiểu rằng không ai được cứu một mình… Biết bao nhiêu người hằng ngày thực thi kiên nhẫn và cung hiến hy vọng, quan tâm loan truyền không phải hoảng sợ mà là trách nhiệm chung. Biết bao nhiêu người cha, người mẹ, ông bà và thầy cô đang chỉ bảo con cái chúng ta, bằng những cách nhỏ nhặt hàng ngày, cách chấp nhận và đối phó với khủng hoảng bằng cách điều chỉnh thói quen, nhìn về phía trước và khuyến khích thực hành việc cầu nguyện. Biết bao nhiêu người đang cầu nguyện, hy sinh và cầu thay cho thiện ích của mọi người” [6]. Mỗi người chúng ta đều có thể khám phá nơi Thánh Giuse - người không ai lưu ý, một sự hiện diện hàng ngày, kín đáo và giấu ẩn - một người cầu thay, hỗ trợ và hướng dẫn khi gặp khó khăn. Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng những người tỏ ra giấu ẩn hoặc sống trong bóng tối có thể đóng một vai trò vô sánh trong lịch sử cứu độ. Với họ, ta phải có lời công nhận và biết ơn.

1. Người cha kính yêu

Sự vĩ đại của Thánh Giuse là ngài là người phối ngẫu của Đức Maria và là cha của Chúa Giêsu. Qua cách này, như lời Thánh Gioan Kim Khẩu nói, ngài tự đặt mình “phục vụ toàn bộ kế hoạch cứu rỗi” [7].

Thánh Phaolô VI đã nhấn mạnh rằng Thánh Giuse đã phát biểu một cách cụ thể vai trò làm cha của ngài “bằng cách biến cuộc sống của ngài trở thành một việc hy sinh phục vụ mầu nhiệm nhập thể và mục đích cứu chuộc của nó. Ngài sử dụng thẩm quyền hợp pháp của mình đối với Thánh Gia để hoàn toàn cống hiến hết mình cho các vị trong cuộc sống và công việc của ngài. Ngài biến ơn gọi làm người của ngài đối với tình yêu gia đình thành một tiến lễ siêu phàm chính bản thân ngài, trái tim và mọi khả năng của ngài, một tình yêu nhằm phục vụ Đấng Mêsia đang lớn lên trong nhà của ngài” [8].

Nhờ vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ, Thánh Giuse luôn được giáo dân Kitô giáo tôn kính như một người cha. Điều này được biểu lộ qua vô số nhà thờ dâng kính ngài khắp thế giới, nhiều viện tu, hội dòng và các nhóm giáo hội lấy cảm hứng từ linh đạo của ngài và mang tên ngài, và nhiều phát biểu truyền thống về lòng mộ đạo để tôn vinh ngài. Vô số những người thánh thiện nam nữ đã nhiệt thành tôn kính ngài. Trong số đó có Thánh Têrêsa thành Avila, người đã chọn ngài làm đấng bênh vực và cầu bầu của mình, đã thường xuyên chạy đến với ngài và nhận được bất cứ ơn thánh nào mà thánh nữ xin nơi ngài. Được khích lệ bởi kinh nghiệm của chính mình, Thánh Têrêsa thuyết phục người khác nuôi dưỡng lòng sùng kính đối với Thánh Giuse [9].

Mọi sách cầu nguyện đều có những lời cầu nguyện với Thánh Giuse. Những lời cầu nguyện đặc biệt được dâng cho ngài vào mỗi thứ Tư và đặc biệt là trong tháng Ba, theo truyền thống được dành kính ngài [10].

Lòng tín thác bình dân vào Thánh Giuse được nhìn thấy trong thành ngữ “Hãy đến với Giuse”, gợi ta nhớ đến nạn đói ở Ai Cập, khi người Ai Cập cầu xin Pharaô cho họ bánh mì. Ông trả lời: “Hãy đến với Giuse; hãy làm những gì ông ấy nói với bạn” (St 41:55). Pharaô ám chỉ Giuse, con trai của Giacóp, người bị bán làm nô lệ do lòng ghen tị của anh em mình (xem St 37: 11-28) và là người - theo lời tường thuật trong Kinh thánh - sau đó trở thành phó vương của Ai Cập (xem St. 41: 41-44).

Là dòng dõi vua Đavít (x. Mt 1,16-20), mà từ gốc rễ ấy, Chúa Giêsu đã nẩy sinh theo lời hứa của tiên tri Nathan ngỏ với Đavít (x. 2 Sm 7), và là chồng của Đức Maria thành Nadarét, Thánh Giuse đứng ở ngã tư giữa Cựu ước và Tân ước.

2. Một người cha dịu dàng và yêu thương

Thánh Giuse thấy Chúa Giêsu lớn lên “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52). Chúa đã làm với Israel thế nào, Thánh Giuse cũng đã làm với Chúa Giêsu như vậy: “Ngài dạy Người bước đi, cầm tay Người; ngài đối với Người như một người cha nâng đứa con thơ lên má, cúi xuống cho con ăn” (x. Hs 11: 3-4).

Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu thấy tình yêu thương dịu dàng của Thiên Chúa: “Như người cha thương con cái, Chúa xót thương những ai kính sợ Người” (Tv 103: 13).

Trong hội đường, lúc cầu nguyện bằng Thánh vịnh, chắc chắn Thánh Giuse đã nghe đi nghe lại nhiều lần rằng Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa của tình yêu thương dịu dàng [11], là Đấng tốt với mọi người, Đấng “mà lòng cảm thương tỏ cùng muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145: 9).

Lịch sử cứu rỗi được thực hiện “trong hy vọng chống lại hy vọng” (Rm 4:18), qua các yếu đuối của chúng ta. Thông thường, chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ làm việc qua những phần tốt hơn của chúng ta, nhưng hầu hết các kế hoạch của Người đều được thể hiện, bất chấp sự yếu đuối của chúng ta. Vì vậy, Thánh Phaolô đã có thể nói: “để tôi khỏi tự cao tự đại, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xatan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối’”(2Cr 12: 7-9).

Vì đây là một phần của toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi, chúng ta phải học cách nhìn vào những điểm yếu của mình với lòng thương xót dịu dàng [12].

Kẻ Ác khiến chúng ta thấy và lên án sự yếu đuối của chúng ta, trong khi Chúa Thánh Thần đem nó tới ánh sáng bằng tình yêu dịu dàng. Sự dịu dàng là cách tốt nhất để đụng tới sự yếu đuối bên trong chúng ta. Chỉ tay và phán xét người khác thường là dấu hiệu của việc không có khả năng chấp nhận các điểm yếu của chúng ta, sự yếu đuối của chúng ta. Chỉ có tình yêu dịu dàng mới cứu chúng ta khỏi cạm bẫy của kẻ tố cáo (x. Kh 12:10). Đó là lý do tại sao việc gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt trong Bí tích Hòa giải, nơi chúng ta cảm nghiệm được sự thật và sự dịu dàng của Người là điều hết sức quan trọng. Nghịch lý thay, Kẻ ác cũng có thể nói sự thật với chúng ta, nhưng hắn làm vậy chỉ để lên án chúng ta. Chúng ta biết rằng sự thật của Thiên Chúa không lên án, nhưng thay vào đó chào đón, bảo bọc, nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta. Sự thật ấy luôn tự hiện diện cho chúng ta như người cha nhân hậu trong dụ ngôn của Chúa Giêsu (x. Lc 15:11-32). Nó đến để gặp gỡ chúng ta, phục hồi phẩm giá của chúng ta, đặt chúng ta đứng trở lại trên đôi chân mình và vui mừng vì chúng ta, vì như người cha nói: “Con trai ta đã chết và nay sống lại; nó đã mất và nay được tìm thấy ”(câu 24).

Ngay cả qua nỗi sợ hãi của Thánh Giuse, ý muốn của Thiên Chúa, lịch sử và kế hoạch của Người vẫn hoạt động. Do đó, Thánh Giuse dạy chúng ta rằng đức tin nơi Thiên Chúa hệ ở việc tin rằng Người có thể hoạt động qua cả nỗi sợ hãi của chúng ta, sự yếu ớt và các yếu đuối của chúng ta. Ngài cũng dạy chúng ta rằng giữa những sóng bão của cuộc sống, chúng ta đừng bao giờ sợ hãi để Chúa hướng dẫn đường đi của chúng ta. Đôi khi, chúng ta muốn hoàn toàn kiểm soát, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh lớn hơn.

3. Một người cha vâng lời

Như từng làm với Đức Maria, Thiên Chúa mạc khải kế hoạch cứu rỗi của Người cho Thánh Giuse. Người làm như vậy bằng cách sử dụng những giấc mơ, điều mà trong Kinh thánh và trong tất cả các dân tộc cổ xưa, vốn được coi như một cách để Người làm cho ý chí của Người được biết đến [13].

Thánh Giuse vô cùng bối rối trước việc mang thai bí ẩn của Đức Maria. Ngài không muốn “tố cáo bà chịu sự ô nhục của công chúng”, [14] nên ngài quyết định “bỏ bà một cách lặng lẽ” (Mt 1:19).

Trong giấc mơ đầu tiên, một thiên thần giúp ngài giải quyết tình thế lưỡng nan nghiêm trọng của ngài: “đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:20-21). Thánh Giuse đáp lại ngay lập tức: “tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1:24). Sự vâng lời giúp ngài có thể vượt qua khó khăn của mình và không làm nhục Đức Maria.

Trong giấc mơ thứ hai, thiên thần nói với Thánh Giuse: “dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy”(Mt 2:13). Thánh Giuse đã không ngần ngại vâng lời, bất kể khó khăn gian khổ vì thế: “trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà” (Mt 2:14-15).

Tại Ai Cập, Thánh Giuse đã kiên nhẫn chờ đợi thông báo của thiên thần rằng ngài có thể trở về quê an toàn. Trong giấc mơ thứ ba, thiên thần nói với ngài rằng những kẻ tìm cách giết con trẻ đã chết và ra lệnh cho ngài trỗi dậy, đem con trẻ và mẹ Người trở về đất Israel (x. Mt 2:19-20). Lại một lần nữa, Thánh Giuse đã nhanh chóng vâng lời. “Ngài trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel” (Mt 2:21).
Trên hành trình trở về, “Nhưng khi nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, (lần này là lần thứ tư), ông lui về miền Galilê, và ở đó, ông đã làm nhà tại một thành kia gọi là Nadarét” (Mt 2: 22-23).

Về phần mình, thánh sử Luca cho chúng ta biết rằng thánh Giuse đã trải qua cuộc hành trình dài và khó khăn từ Nadarét đến Bêlem để được đăng ký tại thị trấn gốc của gia đình mình trong cuộc điều tra dân số của Hoàng đế Xêda Augustô. Ở đó, Chúa Giêsu đã sinh ra (x. Lc 2: 7) và sự ra đời của Người, giống như mọi đứa trẻ khác, đã được ghi vào sổ đăng ký của Đế quốc. Thánh Luca đặc biệt quan tâm khi nói với chúng ta rằng cha mẹ của Chúa Giêsu đã tuân giữ tất cả các quy định của Luật pháp: các nghi thức cắt bì của Chúa Giêsu, thanh tẩy cho Đức Maria sau khi sinh con, dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa (xem 2: 21-24) [15].

Trong mọi tình huống, Thánh Giuse tuyên bố “fiat” của riêng ngài, giống như tình huống của Đức Maria lúc Truyền tin và Chúa Giêsu trong Vườn Diệtsimani.

Trong vai trò chủ gia đình, thánh Giuse đã dạy Chúa Giêsu phải vâng lời cha mẹ (x. Lc 2:51), theo giới răn của Thiên Chúa (x. Xh 20:12).

Trong những năm ẩn dật tại Nadarét, Chúa Giêsu đã học ở trường thánh Giuse để làm theo ý muốn của Chúa Cha. Ý muốn đó là lương thực hàng ngày của Người (x. Ga 4:34). Ngay cả vào thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời, tại Diệtsimani, Chúa Giêsu vẫn chọn làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha hơn là ý muốn của Người [16], trở nên “vâng lời cho đến chết, thậm chí chết trên thập giá” (Pl 2: 8). Do đó, tác giả của Thư gửi người Do Thái kết luận rằng Chúa Giêsu “đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (5: 8).

Tất cả những điều này cho thấy rõ “Thánh Giuse đã được Thiên Chúa kêu gọi để phục vụ trực tiếp con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu qua việc thực thi thiên chức làm cha của ngài” và bằng cách này, “vào lúc viên mãn của thời gian, ngài đã cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ vĩ đại và thực sự là một thừa tác viên của ơn cứu rỗi” [17].

4. Một người cha biết chấp nhận

Thánh Giuse đã chấp nhận Đức Maria một cách vô điều kiện. Ngài tin những lời thiên thần nói. “Tấm lòng cao thượng của Thánh Giuse lớn lao đến nỗi những gì ngài học được từ lề luật, ngài đều làm chúng phụ thuộc vào đức ái. Ngày nay, trong thế giới của chúng ta, nơi bạo lực tâm lý, lời nói và thể xác đối với phụ nữ quá rõ ràng, Thánh Giuse xuất hiện như một hình tượng của một người đàn ông đáng kính và mẫn cảm. Mặc dù ngài không hiểu bức tranh lớn hơn, nhưng ngài quyết định bảo vệ danh tiếng, phẩm giá và cuộc sống của Đức Maria. Trong lúc do dự không biết nên hành động như thế nào cho tốt nhất, Thiên Chúa đã giúp ngài bằng cách soi sáng sự phán đoán của ngài” [18].

Thường trong cuộc sống, những điều xảy ra mà chúng ta không hiểu ý nghĩa của chúng. Phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là thất vọng và nổi loạn. Thánh Giuse gạt bỏ những ý tưởng của riêng mình để chấp nhận diễn tiến của các biến cố và dù chúng xem ra bí ẩn bao nhiêu, nắm lấy chúng, chịu trách nhiệm về chúng và biến chúng thành một phần lịch sử của chính ngài. Nếu chúng ta không hòa hợp với lịch sử của chính mình, chúng ta sẽ không thể tiến thêm được một bước, vì chúng ta luôn là con tin cho những kỳ vọng và những thất vọng tiếp theo.

Con đường thiêng liêng mà Thánh Giuse vạch ra cho chúng ta không phải là con đường giải thích, nhưng chấp nhận. Chỉ nhờ kết quả của sự chấp nhận này, sự hòa giải này, chúng ta mới có thể bắt đầu thoáng thấy một lịch sử rộng lớn hơn, một ý nghĩa sâu sắc hơn. Chúng ta gần như có thể nghe thấy vọng lại câu trả lời đầy xúc động của Gióp nói với vợ, người đã thúc giục ông chống lại điều ác ông đang chịu đựng: " Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (Gióp 2:10).

Chắc chắn thánh Giuse không cam chịu một cách thụ động, nhưng chịu đựng một cách can đảm và vững vàng chủ động. Trong cuộc sống của chúng ta, sự chấp nhận và chào đón có thể là một biểu thức của ơn mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần. Chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để chấp nhận cuộc sống như hiện tại, với tất cả những mâu thuẫn, ngã lòng và thất vọng của nó.

Sự xuất hiện của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta là một hồng ân của Chúa Cha, giúp mỗi người chúng ta có thể hòa giải với toàn bộ lịch sử của chính chúng ta, ngay cả khi chúng ta không hoàn toàn hiểu được nó.

Thiên Chúa nói với Thánh Giuse: "Con vua Đa-vít, đừng sợ!" (Mt 1,20) thế nào, xem ra Người cũng nói với chúng ta như vậy: “Đừng sợ!” Chúng ta cần gạt qua một bên mọi sự tức giận và thất vọng, và đón nhận mọi thứ như hiện tại, ngay cả khi chúng không diễn ra như chúng ta mong muốn. Không phải một cách cam chịu mà một cách đầy hy vọng và can đảm. Bằng cách này, chúng ta cởi mở đón nhận một ý nghĩa sâu sắc hơn. Cuộc sống của chúng ta có thể được tái sinh một cách kỳ diệu nếu chúng ta tìm được can đảm để sống chúng một cách phù hợp với Tin Mừng. Không quan trọng nếu mọi điều dường như đã đi sai hoặc một số điều không thể sửa chữa được. Thiên Chúa có thể làm cho hoa mọc lên từ mặt đất sỏi đá. Ngay cả khi lòng chúng ta kết án chúng ta, “Thiên Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết mọi sự” (1Ga 3,20).

Ở đây, một lần nữa, chúng ta gặp chủ nghĩa hiện thực Kitô giáo, một chủ nghĩa không bác bỏ bất cứ điều gì hiện hữu. Thực tại, trong tính phức tạp bí ẩn và không thể giảm thiểu của nó, là điều mang ý nghĩa hiện sinh, với tất cả ánh sáng và bóng tối của nó. Do đó, Thánh tông đồ Phaolô đã có thể nói: “Chúng ta biết rằng : Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8:28). Thánh Augustinô nói thêm, “ngay cả cái được gọi là cái ác (etiam illud quod malum dicitur)” [19]. Theo viễn ảnh lớn hơn này, đức tin mang lại ý nghĩa cho mọi biến cố, bất luận là vui hay buồn.

Chúng ta cũng đừng bao giờ nghĩ rằng tin có nghĩa là tìm được các giải pháp dễ dàng và phấn chấn. Đức tin mà Chúa Kitô dạy chúng ta là những gì chúng ta thấy nơi Thánh Giuse. Ngài không tìm kiếm những con đường tắt, mà đối đầu với thực tế bằng đôi mắt rộng mở và chấp nhận trách nhiệm bản thân đối với nó.

Thái độ của Thánh Giuse khuyến khích chúng ta chấp nhận và chào đón người khác như họ vốn là, không có ngoại lệ, và bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với những người yếu đuối, vì Thiên Chúa chọn những gì yếu đuối (xem 1 Cr 1:27). Người là “Cha của những trẻ mồ côi và là người che chở các góa phụ” (Tv 68: 6), Đấng truyền cho chúng ta yêu thương người lạ ở giữa chúng ta [20]. Tôi thích nghĩ rằng chính từ Thánh Giuse, mà Chúa Giêsu đã lấy được cảm hứng cho dụ ngôn người con hoang đàng và người cha nhân hậu (x. Lc 15:11-32).

Còn 1 kỳ
 
Vietcatholic News