Toàn văn Thông điệp Fratelli Tutti, Chương Bẩy, tiếp theo
Xung đột chính đáng và sự tha thứ
241. Điều trên cũng không có nghĩa là kêu gọi sự tha thứ khi liên quan đến việc từ bỏ các quyền của chính chúng ta, đối đầu với các quan chức tham nhũng, tội phạm hoặc những người sẽ làm giảm phẩm giá của chúng ta. Chúng ta được mời gọi yêu thương mọi người, không trừ ai; đồng thời, yêu một kẻ áp bức không có nghĩa là để họ tiếp tục đàn áp chúng ta, hoặc để họ nghĩ rằng những gì họ làm là có thể chấp nhận được. Ngược lại, tình yêu chân chính đối với kẻ áp bức có nghĩa là tìm cách khiến người đó chấm dứt sự áp bức của họ; nó có nghĩa là tước bỏ khỏi họ một sức mạnh mà họ đã không biết cách sử dụng, và là điều làm giảm nhân tính của chính họ và của người khác. Sự tha thứ không ngụ hàm việc để những kẻ áp bức tiếp tục chà đạp lên nhân phẩm của họ và của người khác, hoặc để cho các kẻ tội phạm tiếp tục hành vi sai trái của họ. Những người bị bất công phải hết sức bảo vệ quyền lợi của chính họ và của gia đình họ, chính vì họ phải bảo tồn phẩm giá mà họ đã nhận được như một hồng ân đầy yêu thương của Thiên Chúa. Nếu một tên tội phạm đã làm hại tôi hoặc một người thân yêu, không ai có thể cấm tôi đòi hỏi công lý và bảo đảm rằng người này - hoặc bất cứ ai khác - sẽ không làm hại tôi hoặc những người khác, một lần nữa. Điều này hoàn toàn công chính; việc tha thứ không ngăn cấm nó mà thực sự đòi hỏi nó.
242. Điều quan trọng là không được châm ngòi cho sự tức giận, một điều vốn không lành mạnh cho linh hồn chúng ta và linh hồn của những người thuộc chúng ta, hoặc trở nên bị ám ảnh với việc trả thù và tiêu diệt người khác. Không ai đạt được bình an nội tâm hoặc trở lại với cuộc sống bình thường theo cách đó. Sự thật là “không một gia đình nào, không một nhóm láng giềng nào, không một nhóm sắc tộc nào, càng không một quốc gia nào, có tương lai nếu sức mạnh hợp nhất họ, đem họ lại với nhau và giải quyết các khác biệt của họ là báo thù và hận thù. Chúng ta không thể đi đến thỏa thuận và hợp nhất vì mục đích trả thù, hoặc đối xử với người khác bằng cùng một bạo lực mà họ đã đối xử với chúng ta, hoặc âm mưu tạo cơ hội trả đũa dưới sự bảo trợ biểu kiến của pháp luật” [224]. Ta sẽ không thu được gì theo cách này và cuối cùng, sẽ mất mọi thứ.
243. Chắc chắn, “Vượt qua di sản cay đắng của những bất công, thù địch và sự ngờ vực do xung đột để lại không phải là một trách vụ dễ dàng. Nó chỉ có thể thực hiện được bằng cách chiến thắng sự ác bằng sự thiện (xem Rm 12:21) và bằng cách trau dồi những nhân đức phát huy hòa giải, liên đới và hòa bình ” [225]. Bằng cách này, “những người nuôi dưỡng lòng tốt trong trái tim họ sẽ thấy rằng lòng tốt đó sẽ dẫn đến một lương tâm thanh thản và một niềm vui sâu sắc, ngay cả khi đang gặp khó khăn và hiểu lầm. Ngay cả khi bị đối đầu, lòng tốt không bao giờ yếu đuối mà trái lại, biểu lộ sức mạnh của nó bằng cách từ chối trả thù ” [226]. Mỗi người trong chúng ta nên nhận ra rằng “ngay cả bản án khắc nghiệt mà tôi giữ trong lòng đối với anh trai hoặc em gái của mình, vết thương đang gây đau không bao giờ được chữa lành, hành vi phạm tội không bao giờ được tha thứ, sự hiềm thù sẽ chỉ làm tổn thương tôi, tất cả đều là những điển hình của cuộc đấu tranh mà tôi phải mang trong mình, một ngọn lửa nhỏ tận sâu thẳm trong trái tim tôi cần được dập tắt trước khi nó biến thành ngọn lửa lớn” [227].
Cách tốt nhất để tiếp tục tiến bước
244. Khi các xung đột không được giải quyết mà được giấu kín hoặc chôn vùi trong quá khứ, sự im lặng có thể dẫn đến việc đồng lõa với những việc làm sai lầm và tội lỗi nghiêm trọng. Hòa giải đích thực không chạy trốn khỏi xung đột, mà phải đạt được trong xung đột, giải quyết nó qua đối thoại và thương lượng cởi mở, trung thực và kiên nhẫn. Xung đột giữa các nhóm khác nhau “nếu nó từ khước thù hằn và hận thù lẫn nhau, dần dần sẽ thay đổi thành một cuộc thảo luận trung thực về những khác biệt dựa trên khát vọng công lý” [228].
245. Trong nhiều trường hợp, tôi đã nói về “một nguyên tắc không thể thiếu đối với việc xây dựng tình hữu nghị trong xã hội: đó là hợp nhất lớn hơn xung đột… Điều này không hẳn là việc chọn một loại chủ nghĩa chiết trung, hoặc bắt người này phải tan hòa vào người khác, nhưng đúng hơn nhằm một giải quyết diễn ra trên bình diện cao hơn và duy trì những gì hợp lệ và hữu ích cho cả hai bên” [229]. Tất cả chúng ta đều biết rằng “khi chúng ta, trong tư cách cá nhân và cộng đồng, học cách nhìn xa hơn bản thân và những quyền lợi đặc thù của chúng ta, thì sự hiểu biết và cam kết hỗ tương sẽ đơm hoa kết trái… trong một khung cảnh trong đó, xung đột, căng thẳng và thậm chí các nhóm từng bị coi là thù nghịch có thể đạt được một sự hợp nhất nhiều mặt, điều vốn làm nảy sinh cuộc sống mới [230].
KÝ ỨC
246. Đối với những người đã phải chịu đựng nhiều đau khổ bất công và tàn ác, không nên đòi một loại “tha thứ có tính xã hội”. Hòa giải là một hành vi bản thân, và không ai có thể áp đặt nó lên toàn bộ xã hội, dù nhu cầu cổ vũ nó lớn lao đến đâu. Về phương diện hoàn toàn bản thân, một người nào đó, bằng một quyết định tự do và quảng đại, có thể quyết định không đòi trừng phạt (x. Mt 5: 44-46), ngay cả khi xã hội và hệ thống công lý của nó có quyền đòi hỏi một cách chính đáng. Tuy nhiên, không thể tuyên bố một “việc hòa giải tổng quát” (blanket reconciliation) trong nỗ lực băng bó các vết thương bằng sắc lệnh hoặc che đậy những bất công bằng chiếc chiếc áo choàng lãng quên. Ai có thể nhân danh người khác đòi hỏi tha thứ? Quả là cảm động khi thấy có những người có thể bỏ qua những tổn hại mà họ phải chịu đựng để tha thứ, nhưng về mặt con người, cũng dễ hiểu nếu có những người không thể làm thế. Dù sao, quên không bao giờ là câu trả lời.
247. Nạn Diệt Chủng Do Thái (Shoah) không nên bị lãng quên. Nó là “biểu tượng lâu dài cho những vực thẳm mà cái ác của con người có thể sa xuống khi, bị thúc đẩy bởi các ý thức hệ sai lầm, nó không nhận ra phẩm giá căn bản của mỗi con người, một điều đáng được tôn trọng vô điều kiện bất kể nguồn gốc sắc tộc hay niềm tin tôn giáo” [231]. Khi nghĩ về điều đó, tôi không thể không lặp lại lời cầu nguyện này: “Lạy Chúa, xin nhớ đến chúng con trong lòng thương xót của Chúa. Xin ban cho chúng con ơn biết xấu hổ về những gì mà loài người chúng con đã làm, xấu hổ về sự sùng bái ngẫu thần to lớn này, về việc đã khinh thường và hủy hoại xác thịt chúng con mà Chúa đã tác tạo từ trái đất, rồi ban sự sống cho nó bằng hơi thở sự sống của chính Chúa. Không bao giờ nữa, lạy Chúa, không bao giờ nữa! ” [232].
248. Chúng ta cũng không được quên những trái bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Một lần nữa, “Tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với tất cả các nạn nhân, và tôi cúi đầu trước sức mạnh và phẩm giá của những người đã sống sót những giây phút đầu tiên đó, trong nhiều năm sau đó, đã mang trong da thịt họ sự đau khổ tột cùng, và trong tinh thần họ những hạt giống tử thần vốn rút cạn dần sinh lực của họ… Chúng ta không thể để cho các thế hệ hiện tại và tương lai mất ký ức về những gì đã xảy ra. Đó là một ký ức bảo đảm và khuyến khích việc xây dựng một tương lai công bằng và huynh đệ hơn” [233]. Chúng ta cũng không được quên những cuộc bách hại, buôn bán nô lệ và những cuộc tàn sát sắc tộc vẫn tiếp diễn ở nhiều quốc gia khác nhau, cũng như nhiều biến cố lịch sử khác khiến chúng ta xấu hổ về nhân tính của mình. Chúng cần được ghi nhớ, luôn luôn và mãi mãi. Chúng ta không bao giờ được quen hoặc nhàm với chúng.
249. Ngày nay, chúng ta dễ bị cám dỗ muốn lật sang trang, nói rằng tất cả những điều này đã xảy ra từ lâu và chúng ta nên nhìn về tương lai. Vì Thiên Chúa, đừng làm vậy! Chúng ta không bao giờ có thể tiến lên phía trước mà không nhớ đến quá khứ; chúng ta không thể tiến bộ nếu không có một ký ức trung thực và thanh thản. Chúng ta cần “giữ cho ngọn lửa lương tâm tập thể sống động, làm chứng cho các thế hệ kế tiếp về nỗi kinh hoàng của những gì đã xảy ra”, vì việc làm chứng này “đánh thức và duy trì ký ức của các nạn nhân, để lương tâm nhân loại thức tỉnh khi đối đầu với mọi khao khát thống trị và hủy diệt ” [234]. Chính các nạn nhân - các cá nhân, các nhóm xã hội hay các quốc gia - cần phải làm như vậy, kẻo họ rơi vào não trạng dẫn tới việc biện minh cho trả đũa và mọi loại bạo lực nhân danh cái ác phải chịu đựng. Vì lý do này, tôi nghĩ không những tới việc cần phải nhớ những hành động tàn bạo, mà còn tất cả những người, giữa sự vô nhân đạo và đồi trụy khủng khiếp đó, vẫn giữ được phẩm giá của họ và, bằng những cử chỉ nhỏ hay lớn, đã chọn phía liên đới, tha thứ và tình huynh đệ. Ghi nhớ sự tốt lành cũng là một điều lành mạnh.
Tha thứ nhưng không quên
250. Tha thứ không có nghĩa là quên. Hoặc đúng hơn, khi đối diện với một thực tại không thể phủ nhận, tương đối hóa hay che giấu, ta vẫn có thể tha thứ. Khi đối diện với một hành động không bao giờ có thể dung thứ, biện minh hay bào chữa, chúng ta vẫn có thể tha thứ. Đối diện với một điều gì đó không thể quên vì bất cứ lý do gì, chúng ta vẫn có thể tha thứ. Tha thứ tự do và chân thành là một điều cao quý, phản ảnh khả năng tha thứ vô hạn của Thiên Chúa. Nếu sự tha thứ là nhưng không, thì nó có thể được biểu lộ ngay cả với những người cưỡng lại sự ăn năn và không thể cầu xin sự tha thứ.
251. Những ai thật lòng tha thứ vẫn không quên. Thay vào đó, họ nhất định không nhượng bộ trước cùng một sức mạnh hủy diệt từng gây ra cho họ rất nhiều đau khổ. Họ phá vỡ cái vòng luẩn quẩn; họ ngăn chặn bước tiến của các lực lượng hủy diệt. Họ nhất định không loan truyền trong xã hội tinh thần trả thù, một tinh thần sớm muộn gì cũng sẽ trở lại đòi trả giá. Việc trả thù không bao giờ thực sự thỏa mãn nạn nhân. Một số tội ác khủng khiếp và tàn nhẫn đến nỗi hình phạt của những kẻ đã gây ra chúng không thể dùng để sửa chữa được những tổn hại đã gây ra. Ngay cả việc giết chết tên tội phạm cũng không đủ, và bất cứ hình thức tra tấn nào cũng không thể chứng minh là tương xứng với những đau khổ gây ra cho nạn nhân. Trả thù không giải quyết được gì.
252. Điều này không có nghĩa là miễn trừng phạt. Công lý được tìm kiếm một cách thích đáng chỉ vì tình yêu công lý, vì tôn trọng nạn nhân, như một phương tiện ngăn ngừa tội ác mới và bảo vệ quyền lợi chung, chứ không phải như một lối thoát cho sự tức giận bản thân. Tha thứ chính là điều giúp chúng ta theo đuổi công lý mà không rơi vào vòng xoáy trả thù hay sự bất công của lãng quên.
253. Khi sự bất công xảy ra cho cả hai bên, điều quan trọng là phải xem xét rõ ràng xem chúng có trầm trọng như nhau hay có thể so sánh bất cứ cách nào hay không. Bạo lực do nhà nước gây ra, qua việc sử dụng các cơ cấu và quyền lực của nó, không ở cùng bình diện với bạo lực do các nhóm đặc thù gây ra. Dù sao, người ta không thể cho rằng những đau khổ bất công của một bên nên được tưởng niệm. Các Giám mục Croatia đã tuyên bố rằng, “chúng ta phải tôn trọng như nhau mọi nạn nhân vô tội. Không thể có sự khác biệt về chủng tộc, quốc gia, tuyên tín hoặc đảng phái” [235].
254. Tôi cầu xin Thiên Chúa “chuẩn bị tâm hồn chúng ta để gặp gỡ anh chị em của mình, để chúng ta có thể vượt qua các dị biệt bắt nguồn từ tư duy chính trị, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo. Chúng ta hãy cầu xin Người xức dầu cho toàn bộ con người chúng ta bằng dầu thương xót của Người, dầu thơm chữa lành các bất công do sai lầm, hiểu lầm và tranh chấp gây ra. Và chúng ta hãy cầu xin Người ban ơn cho chúng ta ra đi, trong khiêm nhường và hiền lành, trên con đường tìm kiếm hòa bình đầy đòi hỏi nhưng làm ta phong phú” [236].
Kỳ tới: Chiến TRanh và Án Tử Hình
Vietcatholic News