Có hai quan điểm thần học quan trọng về câu hỏi này. Nhiều Giáo phụ Tây phương có khuynh hướng tin rằng Đức Trinh Nữ Maria đã trải qua cái chết thể lý thực sự, trái lại, các Giáo phụ Đông phương đề xuất rằng Đức Maria “rơi vào giấc ngủ” (gọi là giấc ngủ thánh) nhưng đã không thực sự chết trước khi rời bỏ trần gian. Dù được bảo vệ khỏi tội nguyên tổ từ trong lòng mẹ là bà thánh Anna, qua ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, dù sao, Đức Maria chết bởi thế giới đã mất đi quà tặng siêu nhiên khi Sa ngã. Khi Adam và Eva phạm tội, họ đã đánh mất những quà tặng chắc chắn được ban tặng một cách hào phóng cho nhân loại. Những quà tặng này gồm có trí thông minh, sức khoẻ (không ai phải đau bệnh hoặc trở nên già nua), sự nhanh nhẹn lanh lợi (không phải khổ sở trong lao động và đau đớn khi sinh con), sự quân bình hoàn hảo trong bản tính, và không bao giờ phải chết. Những quà tặng này không còn thích hợp với chúng ta. Thân xác của chúng ta thiên về bệnh tật và đau ốm, vì thế khi những quà tặng này mất đi, chúng ta bị mất đi điều tốt lành.
Đức Maria thuộc về nhân loại. Dù Mẹ được bảo vệ khỏi tội nguyên tổ trong cách thức hoàn hảo nhất, mẹ vẫn trải nghiệm một thế giới với hệ quả của tội- chẳng hạn, sự mất quân bình trong thiên nhiên; bão táp, lạnh giá, và sự nóng bức; thân xác trở nên bệnh tạt, trí khôn mù tối; và nhu cầu học hành. Vì thế, có thể hiểu được rằng vào cuối đời của Mẹ, Mẹ cũng chết và trải qua sự phục sinh của thân xác và được cho rằng Mẹ đã được Con của Mẹ, là Đức Giêsu Kitô đưa vào thiên quốc. Trong kinh Tin Kính Công đồng Nicéa, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào sự phục sinh của thân xác, điều ấy có nghĩa là sau khi chúng ta chết và thế giới đi đến chung cục, thân xác chúng ta sẽ sống lại trong tình trạng vinh quang của chúng sau Đấng Cứu Độ chúng ta và Mẹ của Người, Đức Maria, và thân xác vinh quang ấy sẽ được hợp nhất với linh hồn của chúng ta. Giáo lý về Đức Mẹ Lên Trời có nghĩa là sự phục sinh xảy ra với Đức Mẹ cách ngay tức khắc; Mẹ không phải chờ đợi cho tới ngày tận thế, vì chưng, việc chờ đợi ấy là dành cho những ai phải chịu hình phạt do tội nguyên tổ, mà Mẹ đã được bảo vệ khỏi tội nguyên tổ [nên Mẹ được hưởng thiên đang ngay lập tức].
Giáo hội Đông phương, chẳng hạn như Giáo hội Công Giáo Byzantine (trong sự hiệp nhất với Rôma) và Chính Thống (Hy Lạp, Nga, và một số Giáo hội vốn không hiệp nhất với Rôma), tuyên xưng niềm tin vào biến cố Đức Mẹ Lên Trời (nghĩa là “rơi vào giấc ngủ”) của Đức Maria,” điều này xác định cách đơn giản là bởi vì Đức Maria được bảo vệ khỏi tội nguyên tổ, thậm chí Mẹ không phải chết. Đúng hơn, vào lúc cuối đời sống trần thế, Mẹ đã rơi vào giấc ngủ cách nhẹ nhàng và vì thế Mẹ được cho rằng đã vào trong thiên quốc bởi quyền năng của Con của Mẹ. Tại Giêrusalem, có những lăng mộ và vương cung thánh đường Đức Mẹ Lên Trời tuyệt đẹp.
Cả hai cách nhìn có thể được chấp nhận để tin một cách trọn vẹn. Điều quan trọng trong luận điểm có tính thần học là sự thật rằng Đức Maria đã không phải chịu đau khổ vốn là hậu quả của tội nguyên tổ bởi vì Mẹ được bảo vệ khỏi tội nguyên tổ ngay từ khi thụ thai [trong lòng bà thánh Anna], và vì thế Mẹ được trị vì trên thiên quốc như nữ vương của thiêng đàng và trần gian.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 63-64.
https://sjjs.edu.vn/blog/2018/04/05/cau-hoi-45-co-phai-duc-me-maria-da-chet/