SUY TƯ VỀ MẦU NHIỆM NHẬP THỂ ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc


SUY TƯ VỀ MẦU NHIỆM NHẬP THỂ
THEO LƯỢC ĐỒ THẦN HỌC CỦA CHALCÉDOINE

 
ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc
 
 
I.  MẦU NHIỆM NHẬP THỂ.
         
Chúng ta đã quá quen dùng từ ngữ “nhập thể” để chỉ mầu nhiệm Con Thiên Chúa đồng bản thể với Thiên Chúa, đã làm người và ở giữa loài người chúng ta.
         
Thực ra từ ngữ “nhập thể” còn nhiều khiếm khuyết. Chữ “nhập” gợi ra hình ảnh một vị thần linh nhập vào trong một người hay một thực tại nào đó. Đột nhập chứ không đồng hóa, không trở nên, nghĩa là vẫn còn một khoảng cách hữu thể. Vả lại “nhập vào” là hành vi có tính cách nhất thời, vì nhập vào rồi sẽ xuất ra. Dù thời gian nhập vào kéo dài bao lâu đi nữa, thời gian ấy vẫn qua đi, và như vậy thì không diễn tả đúng mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, trở nên một con người cụ thể là Giêsu Nazareth.
         
Đối với niềm tin của chúng ta, giữa Giêsu Nazareth và Con Thiên Chúa không còn một khoảng cách hữu thể nào nữa : Giêsu Nazareth là Con Thiên Chúa, và Con Thiên Chúa đã trở nên Giêsu Nazareth. Giêsu Nazareth là Con và mãi mãi là Con Thiên Chúa, và từ lúc làm người, Con Thiên Chúa không bao giờ rũ bỏ nhân tính của mình nữa.
         
Khi chúng ta tuyên xưng một Đức Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời... Vì chúng ta... đã từ trời xuống thế và đã làm người, chúng ta tuyên xưng hai điều cốt yếu :
 
Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật.
 
Thiên Chúa thật đã trở thành người thật.
         
Hiểu được Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật quả là một điều rất khó, là điều mà lý trí không làm nổi. Bởi lẽ Thiên Chúa thường được quan niệm là Đấng Tuyệt ĐốiVô Hạnlà Đấng trường sinh bất tử. Còn con người là tương đối, hữu hạn, là hữu thể thời gian, là vong nhân phải chết.
         
Khó khăn càng lớn vì ảnh hưởng của khoa siêu hình học Hylạp, khoa Thượng Đế học kinh viện, nhấn mạnh sự đồng nhất và bất biến nơi Thiên Chúa hay Thượng Đế. Thượng Đế không thể nào thay đổi, vì thay đổi là bất toàn.
         
Nhận định trên của các nhà thần học hiện đại nói chung là đúng, nhưng không giải quyết được vấn đề, vì khó khăn nội tại trong chính mầu nhiệm, trí tuệ con người không tài nào suy thấu : Thiên Chúa là Tạo Hóa, con người là tạo vật. Thiên Chúa làm người có nghĩa là Tạo Hóa trở nên tạo vật. Lời tựa Tin Mừng Gioan khẳng định “Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Nhờ Người mà mọi sự được tạo thành, và không có Người thì không có gì được tạo thành (Ga 1,3). Và cũng theo Tin Mừng Gioan “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Xác phàm là tạo vật được Kinh Thánh ví như cỏ rả, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn lại di tích.
         
Một chủ vị vừa là Tạo Hóa vừa là tạo vật. Vừa là Đấng dựng nên vừa là người được dựng nên, là điều không thể hiểu đối với lý trí loài người chúng ta. Chính vì thế mà giáo phụ Tertullien đã thốt ra những lời táo bạo : “Tôi tin vì không thể tin được”.
         
Chính Đức Giêsu cũng đã thấy rõ khó khăn này nên Người vẫn thường xuyên tuyên bố : “Phúc cho những ai không vấp phạm vì Ta”, và khi muốn nhấn mạnh đòi hỏi đức tin, Người khẳng định : “không có điều gì là không thể được đối với Thiên Chúa”, và khẳng định này là khẳng định hợp lý. Nếu tin Thiên Chúa là Thiên Chúa, thì không thể nghĩ rằng điều này hay điều kia không ở trong tầm tay của Người.
         
Khẳng định hợp lý này của Đức Giêsu làm cho điều phi lý trở nên có lý, và điều nghịch lý ở đây không còn là nghịch lý nữa, mà trở thành điều nghịch thường : cứ sự thường không thể có như vậy, chưa từng có và không bao giờ có như thế. Đó là huyền nhiệm, điều mắt không hề thấy, tai không hề nghe, điều giấu kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa nay tỏ hiện. Kế hoạch hay chương trình không thể thực hiện được đối với con người, thì nay đã được Thiên Chúa thể hiện và hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô.
         
Việc Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa trở thành xác phàm, làm một người cụ thể là điều có lý lẽ của nóù. Theo toàn bộ Tân Ước, lý lẽ duy nhất đó là : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Mình cho thế gian được sống” (Ga 3,16). “Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi phó nộp Con của Người cho chúng ta, thì Người không còn tiếc với chúng ta điều gì” (Rm 8,32).
         
Tình yêu là lý lẽ vượt trên muôn ngàn lý lẽ, là lý lẽ siêu lý lẽ. Như Pascal đã nói : “Tình yêu có những lý lẽ mà lý trí không có”. Trong lịch sử thần học đã có những cố gắng như thánh Anselmô giải thích lý do tại sao Thiên Chúa làm người. Nhưng những giải thích này vẫn khô khan vì là những giải thích thuần lý tựa vào lý luận của con người, và hơn thế nữa mang nặng tính pháp lý.
         
Ngày nay, nếu có dùng trí tuệ để tìm hiểu thì cũng là để  truy tầm cho đến tận cùng cái lý lẽ của “Tình yêu”. Thế nhưng, ai yêu thì kẻ đó mới có thể giải thích đúng nhất về tình yêu và con đường của tình yêu. Chính vì thế mà, nói theo kiểu Hàn Mặc Tửû : “Hãy để cho Trời giải nghĩa yêu, để cho mạc khải giải thích mạc khải”.
         
Mạc khải giải thích bằng lời mời gọi : Hãy nhìn vào con người Giêsu để khám phá ra Thiên Chúa ! Đừng có những tiền quan niệm về Thiên Chúa, đừng có định kiến về sự toàn năng, toàn tri và vô hạn của Thiên Chúa. Đừng định nghĩa Thiên Chúa không như Người tự giới thiệu. Thiên Chúa là Tình Yêu, và tình yêu không định nghĩa được, và tình yêu thường làm những chuyện bất ngờ. Tình yêu càng vĩ đại thì bất ngờ càng lớn lao. Tình yêu vô cùng thì bất ngờ cũng vô hạn. Dĩ nhiên đó là sự bất ngờ lý thú, bất ngờ mang đến niềm vui và hạnh phúc. Bất ngờ cho những kẻ được yêu, nhưng không bất ngờ đối với người yêu. Tình yêu có kế hoạch của tình yêu. Con Thiên Chúa là kế hoạch cứu độ của tình yêu Ba Ngôi. Theo kế hoạch này, Chúa Con làm người chứ không phải Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần. Có người cho rằng : vì Chúa Con là Ngôi Lời, và nhân loại cần Ngôi Lời đến với họ để mạc khải cho họ biết Thiên Chúa. Điều này rất đúng, nhưng chúng ta chỉ có thể trả lời như vậy sau khi đã tin Đức Giêsu là Ngôi Lời xuống thế gian với sứ mạng mạc khải tình yêu của Chúa Cha, và như thế là đã để cho mạc khải giải thích mạc khải. Dựa trên điều mạc khải này, ngày nay chúng ta có thể suy tư rất nhiều để biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết sức lực, hết trí khôn.
 
A. TẠI SAO NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI ?
         
Vì Lời của Thiên Chúa là Lời yêu thương ngỏ với con người, mà lời yêu thương thì phải là lời hiểu được, nghe được, thấy được, sờ được, và cảm nghiệm được. Lời yêu thương ấy đã đi đến tận cùng vai trò ngỏ lời của mình. Vì yêu thương, Lời của Thiên Chúa đã trở thành lời của con người, mà Lời của Thiên Chúa là một chủ vị được thần học gọi là Ngôi Lời, nên khi đi vào thế giới con người, Lời đã trở thành một nhân vị.
 
B. LÀM SAO MÀ CHỦ VỊ THẦN LINH TRỞ NÊN CHỦ VỊ NHÂN LINH ?                    
         
Chúng ta cũng trả lời bằng mạc khải : do tác động của Chúa Thánh Thần trên con người Đức Trinh Nữ Maria. Không phải là Chúa Thánh Thần làm người hay đầu thai trong lòng Đức Mẹ, nhưng là Ngôi Lời đã đầu thai trong lòng Đức Mẹ bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (Lc 1,35). Sự hình thành của con trẻ Giêsu, vừa là người vừa là Thiên Chúa, nhịp cầu, gạch nối giữa đất với trời, sự hòa hợp trọn vẹn giữa trời và đất, giữa Tạo Hóa và tạo vật, là công trình của Chúa Thánh Thần, là tác phẩm của tình yêu Thần Linh. Sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa có tác dụng kỳ diệu và lạ lùng : Đức Giêsu sinh ra từ hôn lễ giữa hai tình yêu : tình yêu thần linh của Thiên Chúa và tình yêu nhân linh của Đức Mẹ. Điều này càng sáng tỏ hơn nếu được đặt trong khung cảnh “quan hệ phu thê” giữa Thiên Chúa với Dân Người trong Cựu Ước. Thiên Chúa yêu mến Dân Người lắm, tình yêu nồng cháy này đã được diễn tả bằng tình yêu nam nữ trong sách Diệu Ca. Hoa quả của tình yêu đó là Đức Giêsu Kitô, “Đấng vừa là con của Thiên Chúa vừa là con của Dân Người. Giêsu Kitô sinh từ dòng giống Đavít theo xác phàm, là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Khí “ (Rm 1,3-4).
         
Nói theo kiểu Phaolô, nơi Đức Giêsu Kitô có cả xác phàm, có cả Thần Khí ; có nguyên vẹn xác phàm, có trọn vẹn Thần Khí, mà có Thần Khí trọn vẹn là có thần tính trọn vẹn. Trong thư Côlôsê, Phaolô đã quả quyết : “Sự viên mãn của thần tính đậu lại trên Ngài” (Cl 1,19).
         
Nói theo kiểu tín lý của công đồng Chalcédoine (451), nơi Đức Giêsu Kitô có nhân tính nguyên vẹn và trọn vẹn thần tính. Công đồng Chalcédoine còn thêm bốn trạng từ cần ghi nhận để hiểu đúng mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người theo mạc khải : “Chỉ có một Đức Giêsu Kitô duy nhất, một con người duy nhất trong hai bản tính không lẫn lộn, không phân chiakhông thay đổi, không tách rời”.
 
1. Không lẫn lộn.
         
Thần tính là thần tính, nhân tính là nhân tính. Không thể có thần tính pha nhân tính, nhân tính pha thần tính. Đức Giêsu Kitô - Thần - Nhân, không phải là nửa người nửa Chúa, Chúa không ra Chúa, người không ra người, mà là Thiên Chúa thật và là người thật. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa trọn vẹn như Thiên Chúa Cha và cùng với Thiên Chúa Cha ; là con người thực sự như chúng ta và cùng với chúng ta. Bất cứ một sự pha trộn nào cũng đều làm hỏng cả thần tính lẫn nhân tính. Vả lại tình yêu không bao giờ chấp nhận pha trộn, vì pha trộn sẽ làm hỏng bản chất của tình yêu. Tình yêu thường đồng hóa mà không bao giờ lẫn lộn.
 
2. Không phân chia.
         
Tình yêu làm cho nên một hai thực thể hoàn toàn khác biệt, khác biệt mà vẫn là một, là một mà vẫn khác biệt. Đó là ý nghĩa của từ ngữ “không phân chia”. Chúng ta không thể chủ trương có hai người con như lạc giáo Nestorio : con của Thiên Chúa và con của Đức Maria. Đức Giêsu Kitô không là một chủ vị kép, gồm chủ vị thần linh và chủ vị nhân linh cộng lại.
 
3. Không thay đổi.
         
Trong mầu nhiệm làm người, Con Thiên Chúa không trở thành một chủ vị khác. Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, trở nên một con người cụ thể là Giêsu Nazareth, nhưng  không  trở  thành  một chủ vị khác. Không thể ứng dụng cho Đức Giêsu Kitô kiểu nói của triết gia Fichte : “Tôi đã trở thành không phải tôi”. Vẫn một ngôi vị là Ngôi Hai Thiên Chúa mà vẫn một chủ vị con người Giêsu Nazareth. Chủ vị thực sự thì khai mở chứ không khai trừ : Ngôi Lời không khai trừ chủ vị con người Giêsu Nazareth, nhưng “khai mở”, “đảm nhận” chủ vị con người Giêsu Nazareth. Đảm nhận có nghĩa là để cho chủ vị ấy nguyên vẹn, đồng thời vẫn là một với mình.
         
Chúng ta không thể chấp nhận quan niệm ngôi vị thần linh nhập vào bản tính con người và biến đổi bản tính ấy như lửa biến đổi thanh củi thành lửa. Lạc giáo “nhất tính thuyết” chủ trương nhân tính của Đức Giêsu bị mất hút trong thần tính và như vậy Đức Giêsu không còn thực sự là người nữa.
 
4. Không tách rời.
         
Đảm nhận không chỉ là tiếp đón, vì tiếp đón thì còn có ngày giã biệt. Chúng ta không thể quan niệm là Con Thiên Chúa đã đến cư ngụ nơi con người Giêsu Nazareth trong thời gian 30 năm ở đất Palestine để rồi khi hết đời Giêsu Nazareth, Con Thiên Chúa lại rời bỏ kiếp sống trần gian để trở về Thiên Quốc. Trái lại, dựa trên mạc khải và tín điều, chúng ta phải khẳng định : từ lúc Con Thiên Chúa làm người, không còn có thể tách rời con người Giêsu với Ngôi Hai Thiên Chúa nữa. Mãi mãi Ngôi Hai Thiên Chúa là Giêsu Nazareth và mãi mãi Giêsu Nazareth là Ngôi Hai Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa trạng từ “không thể tách rời” của tín lý công đồng Chalcédoine. Chúng ta không thể chấp nhận một thái độ giả vờ của Con Thiên Chúa như “Ảo thân thuyết” (Docétisme) của phái ngộ đạo.
 
o
o      o
         
Khi suy nghĩ thật kỹ về tín điều công đồng Chalcédoine, chúng ta nhận rằng Công Đồng đã thành công trong việc diễn tả  mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người trên bình diện “tĩnh”. Công Đồng đã cho thấy rõ Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật như trong Kinh Tin Kính và trong mạc khải Kinh Thánh. Nhưng Công Đồng đã không làm rõ nét phương diện “động” của mầu nhiệm Nhập Thể.
         
Tin Mừng Gioan đã dùng động từ “trở nên” để diễn tả mầu nhiệm Nhập Thể. Ngôi Lời đã thành xác phàm : Con Thiên Chúa làm người. Một số thần học gia đề nghị dùng chữ “nhân thành” thay mầu nhiệm Nhập Thể. Chúng ta nên dùng từ ngữ đơn sơ nhất là “làm người”. Chữ “làm người” bao hàm một tiến trình một sắc thái động, một cuộc sống cụ thể, đồng thời cũng là một lý tưởng, một ơn gọi. Chữ “làm người” còn cho thấy sự dấn thân trọn vẹn của Con Thiên Chúa, dấn thân đến mức cuối cùng của kiếp sống con người là phải đau khổ và chết. Khi suy gẫm về ý nghĩa cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, có giáo phụ đã thốt lên : “Một trong Ba Ngôi đã chịu khổ hình”.
         
Nếu dừng lại ở các phạm trù của khoa Thượng Đế học kinh viện, hay khoa siêu hình học Hylạp, chúng ta sẽ không hiểu được điều các giáo phụ nói. Theo quan niệm Hylạp, Thần tính bao giờ cũng bất biến, bất diệt, bất tử. Vậy làm sao một trong Ba Ngôi có thể chịu khổ hình ? Theo khoa Thượng Đế học cổ điển, phải phủ nhận sự đau khổ của Thượng Đế. Nhưng đó không phải là quan điểm của Kinh Thánh. Nhờ Kinh Thánh, chúng ta hiểu được sự đau khổ vì tình yêu của Thiên Chúa. Chủ đề “đau khổ của Thiên Chúa” là một chủ đề hiện đại trong khoa thần học tín lý. Chúng ta phải trở lại với câu nói thời danh của Pascal : “Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacop không phải là Thiên Chúa của các triết gia”. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa bao dung, huệ ái, đầy lòng nhân nghĩa tín thành, là Đấng giàu lòng thương xót. Lòng thương xót đã mang lại biết bao nhiêu đau khổ cho Thiên Chúa, và lòng thương xót của Thiên Chúa cuối cùng được biểu lộ trọn vẹn nơi một con người chịu đóng đinh.
         
Theo Tin Mừng Gioan, cái chết của Đức Giêsu là cao điểm của tình yêu Nhập Thể : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì  bạn hữu” (Ga 15,13). Tình yêu của Thiên Chúa đã trở thành tình yêu của con người. Vì yêu thương, Con Thiên Chúa đã phải học làm người. Nơi mầu nhiệm làm người của Con Thiên Chúa, chúng ta có thể chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa ẩn mình trong xác phàm. Thực tại lớn nhất trở thành thực tại mỏng giòn. Hay nói theo kiểu của một số giáo phụ : “Vĩnh cửu trở thành thời gian, vô hạn trở thành hữu hạn, vô hình trở thành hữu hình, Đấng bất tử trở thành khả tử, cái lớn nhất trở nên nhỏ nhất để cho cái nhỏ nhất trở nên lớn nhất”. Đó là con đường của Tình Yêu Cứu Độ. Thần linh đã trở nên con người để con người trở nên thần linh. Tiến trình này thể hiện tiên vàn nơi con người Đức Giêsu Kitô, để rồi từ đó trở nên con đường cho bất cứ ai muốn có sự sống thần linh. Nơi Đức Giêsu Kitô, con người và Thiên Chúa không đối lập nhau, trái lại càng là người bao nhiêu thì càng là Thiên Chúa bấy nhiêu. Là người tối đa biểu lộ tư cách là Thiên Chúa tối đa. Là Thiên Chúa tối đa trong mầu nhiệm nhân thành là làm người tối đa. Đức Giêsu Kitô là sự thật về Thiên Chúa và về con người. Vì Ngài là người thật và là Thiên Chúa thật. Vậy nếu có người hỏi Thiên Chúa là ai, chúng ta chỉ vào Đức Giêsu Kitô. Đồng thời khi có người hỏi con người là ai, chúng ta cũng chỉ vào Đức Giêsu Kitô.
         
Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người là “sự biến thành”, nếu chúng ta nhìn về phía Thiên Chúa và rồi hướng về phía con người, hay nói cách khác, chúng ta theo một “Kitô-học từ trên”. Nếu nhìn từ hai phía cùng một lúc, chúng ta có một sự “gặp gỡ”. Một sự gặp gỡ kỳ diệu giữa Thiên Chúa và con người, thắm thiết đến nỗi là một thực tại duy nhất nơi Đức Giêsu Kitô. Kết hợp hai cách nhìn, chúng ta có mầu nhiệm Ngôi Hiệp : Thần tính và nhân tính kết hiệp với nhau trong cùng một ngôi vị Con Thiên Chúa : Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa Cha bất tử và con loài người khả tử.
         
Cả hai quan niệm tĩnh và động về mầu nhiệm Nhập Thể đều cần thiết để giữ thế quân bình trong Kitô-học, không cho phép suy tư thần học đi trật hướng tín điều và mạc khải. Quan điểm tĩnh gìn giữ cho nội dung đức tin được rõ ràng, phân minh để mỗi người chúng ta có thể nói : “Tôi biết tôi tin vào ai”. Nhưng quan điểm động cần thiết để tránh một cái nhìn đóng khung về mầu nhiệm làm mất đi sự sống động và cụ thể trong hành trình yêu thương của Thiên Chúa xuyên qua lịch sử cứu độ.
         
Mạc khải Kinh Thánh nhấn mạnh tối đa nhân tính của Đức Giêsu. Thậm chí còn bảo vệ nhân tính ấy bằng mọi giá. Các thư Gioan vạch mặt chỉ tên hạng người “phản Kitô”, đó là những người không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô đến trong xác thịt (1 Ga 4,2-3  ; 2 Ga 1,7). Các giáo phụ ngay từ những thế kỷ đầu cũng đã mạnh mẽ lên án những người chối nhân tính đích thực của Đức Giêsu Kitô như các lạc giáo ngộ đạo. Huấn quyền trong Giáo Hội đã quyết liệt bênh vực nhân tính của Đức Giêsu Kitô trong các Công Đồng Chalcédoine và Constantiple III (680 - 681) chống lại các lạc giáo “nhất tính thuyết” và “nhất ý thuyết”.
         
Tại sao thế ?
         
Đó là một bài học lịch sử có ý nghĩa thần học sâu xa : phủ nhận nhân tính của Đức Giêsu Kitô là phủ nhận chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, phủ nhận tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Đa số các giáo phụ đều suy tư dựa trên một nguyên tắc cứu chuộc học vững chắc : điều gì không được đảm nhận thì không được cứu độ. Nếu Đức Giêsu không đảm nhận nhân tính cách trọn vẹn, thì tất cả những gì thuộc lãnh vực nhân loại không được Thiên Chúa tiếp nhận và đưa vào quỹ đạo tình yêu cứu độ của Người. Điều đó hoàn toàn đi ngược với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, trái với tình yêu bao la của Người. Vì yêu thương là đảm nhận trọn vẹn chứ không là hủy bỏ, trái laiï, khi nhân tính được Thiên Chúa đảm nhận trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô đến nỗi làm một với Ngôi Lời, mãi mãi gắn liền với Ngôi Lời, thì toàn thể nhân loại với tất cả giá trị nhân sinh đều được đảm nhận trong nhân tính của Đức Giêsu Kitô. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa say mê con người và thế giới ; lịch sử loài người cũng được Thiên Chúa đảm nhận nơi sử tính của con người Giêsu. Lịch sử nhân loại không còn xa lạ đối với Thiên Chúa, nhưng rất gần gũi. Thiên Chúa thiết tha với lịch sử, Người muốn dùng lịch sử như môi trường cứu độ.
         
Khi dùng lịch sử, Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của con người. Vì tự  do là thành phần cốt yếu cấu tạo nên lịch sử. Ở đây chúng ta bước sang khía cạnh thứ hai của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại : yêu thương là kính trọng. Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh của Người, hình ảnh ấy bị hoen ố bởi tội lỗi, nhưng vẫn còn là hình ảnh, con người có tự do, có trí tuệ, có tình yêu như Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn sửa chữa hình ảnh ấy, muốn tái tạo, làm cho hình ảnh ấy đẹp hơn lên và trở nên viên mãn. Thiên Chúa muốn cho chúng ta làm người và làm người một cách viên mãn. Tình yêu vô biên của Thiên Chúa không hủy hoại “bản chất người” của con người trong Đức Giêsu Kitô, tình yêu thần linh muốn biểu lộ qua tình yêu con người chứ không muốn mất tình yêu ấy. Thần tính không làm tiêu tan nhân tính nơi Đức Giêsu Kitô.
         
Theo một số nhà thần học hiện đại, mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô còn xác nhận sự độc lập của lãnh vực trần thế. Trần thế xét là một lãnh vực độc lập có những quy luật riêng, có giá trị rất lớn trước mặt Thiên Chúa. Những nỗ lực xây dựng trần thế, làm chủ vũ trụ và thiên nhiên, làm đẹp xã hội loài người chẳng những không ra ngoài mà còn nằm trong logic của mầu nhiệm Nhập Thể.
 
II. THẦN HỌC CỦA SÁCH GIÁO LÝ mới CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỀ MẦU NHIỆM NHẬP THỂ.
         
Để diễn tả mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, trong Sách Giáo Lý mới, Giáo Hội đã sử dụng tối đa ngôn từ của Kinh Thánh. Để trả lời câu hỏi vì sao Ngôi Lời trở thành xác phàm, Giáo Hội không lý luận kiểu thánh Anselmô trong tác phẩm “Cur Deus homo”, nhưng hoàn toàn dựa vào Kinh Thánh. Những lý do đưa ra cho thấy rõ động lực chính yếu là tình yêu cứu độ.
         
Ngôn ngữ Kinh Thánh rất gần với trái tim của con người, đáp ứng những khát vọng của con người, đồng thời rất hiện sinh, làm cho con người sống, chứ không thuần túy lý thuyết.
         
Sau đó, khi đề cập đến lạc giáo, Giáo Hội mới dùng ngôn ngữ triết học. Việc sử dụng phạm trù hữu thể học là điều bó buộc để tránh những sai lầm nguy hiểm, làm hủy hoại đức tin Kitô-giáo. Nhưng mục tiêu của Giáo Hội là bảo vệ đức tin, chứ không nhằm dạy “khoa thần học kinh viện”. Giáo Hội nhắc lại tín điều của các công đồng chung : Nixê, Constantinople, Êphêsô, Chalcédoine...
         
Tất cả đều nhằm bảo vệ một điều cốt yếu trong đức tin Kitô-giáo : Đức Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật.
         
Một điều khác cần lưu ý là Sách Giáo Lý mới không tuyệt đối hóa từ “nhập thể” (Incarnatio) (số 461), mà coi đó là một cách nói Giáo Hội dùng để diễn tả mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người. Ngay trong cách sắp xếp, ta thấy tựa đề chính của đoạn I (Paragraphe I) trong khoản III (article III) của Kinh Tin Kính là “Con Thiên Chúa làm người”. Và đoạn I lại chia làm bốn phần : Phần I trình bày lý do Ngôi Lời trở thành xác phàm, phần II mới nói đến chính sự kiện Nhập Thể, phần III dài hơn nói đến thần tính và nhân tính của Đức Kitô, phần IV nhấn mạnh nhiều hơn nữa đến nhân tính điùch thực của Đức Kitô.
 
CON THIÊN CHÚA ĐÃ LÀM NGƯỜI
 
A. VÌ SAO NGÔI LỜI LÀM NGƯỜI ?
         
Chúng ta trả lời bằng cách tuyên xưng cùng với tín biểu Nixê - Constantinople : Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế ; bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người (Số 456).
         
Ngôi Lời đã trở thành xác phàm để cứu rỗi chúng ta, hòa giải chúng ta lại với Thiên Chúa : “Người đã yêu mến ta, và sai Con của Người đến làm hy sinh đền tạ tội lỗi ta” (1 Ga 4,10) ; “Cha đã sai Con đến làm Đấng cứu thế gian” (1 Ga 4,14) ; “Đấng  ấy đã tỏ hiện là để cất tội lỗi, và tội lỗi không có trong Ngài” (1 Ga 3,5) - (Số 457).
         
Bệnh tật, bản tính của chúng ta cần được chữa lành ; sa đọa, nó cần được nâng dậy ; chết, nó cần được phục sinh. Chúng ta đã đánh mất sự thiện, cần phải có lại. Chúng ta bị giam cầm trong bóng tối, cần phải mang ánh sáng đến cho chúng ta. Chúng ta bị bắt, cần phải có người đến cứu. Chúng ta bị tù, cần phải có người giúp đỡ. Chúng ta là nô lệ, cần có người giải phóng. Các lý do ấy không quan trọng sao ? Chúng không đáng để làm cho Thiên Chúa phải xúc động đến mức phải xuống cùng bản tính nhân loại chúng ta để viếng thăm, vì nhân loại đã ở trong tình trạng khốn khổ và bất hạnh ? (Số 457).
         
Ngôi Lời trở thành xác phàm để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa : “Nơi điều này đã hiện tỏ giữa ta lòng mến của Thiên Chúa : là Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến trong thế gian, ngõ hầu ta được sống nhờ Ngài” (1 Ga 4,9). “Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế đến nỗi đã ban Con Một của Người, ngõ hầu ai tin vào Ngài khỏi phải hư đi, nhưng được sự sống đời đời” (Ga 3,16) - (Số 458).
         
Ngôi Lời đã trở thành xác phàm để nên gương mẫu thánh thiện : “Hãy mang lấy ách của Ta vào mình mà thụ giáo với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường...” (Mt 11,29). “Đàng và sự thật, sự sống chính là Ta. Không ai đến với Cha được mà lại không nhờ Ta” (Ga 14,6).
         
Chúa Cha, trên núi Biến Hình, đã ra lệnh : “Hãy nghe lời Ngài” (Mc 9,7). Ngôi Lời Nhập Thể thực sự là mẫu mực tám mối phúc và là tiêu chuẩn cho Lề Luật mới : “Các ngươi hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các ngươi” (Ga 15,12). Tình yêu ấy đòi hỏi sự tự hiến như Ngài (Số 459).
         
Ngôi Lời đã trở trở thành xác phàm để cho chúng ta thông phần “bản tính thần linh” (2 Pr 1,4). Đây là lý do khiến Ngôi Lời làm người, và Con Thiên Chúa trở nên con loài người : để cho con người được hiệp thông với Ngôi Lời và nhận lãnh tương quan làm Con Thiên Chúa, trở nên con cái Thiên Chúa.
         
Con Thiên Chúa làm người để thần hóa chúng ta. Con Duy Nhất của Thiên Chúa, muốn chúng ta thông phần thần tính của Ngài, Ngài đảm nhận bản tính của chúng ta, để chính Ngài, khi đã làm người, làm cho con người trở nên thần linh (Số 460).
B. NHẬP THỂ.
         
Lấy lại thành ngữ của thánh Gioan (Lời đã thành xác phàm - Ga 1,14), Giáo Hội gọi là “nhập thể” sự kiện Con Thiên Chúa đảm nhận bản tính nhân loại để hoàn thành việc cứu độ chúng ta nơi bản tính ấy. Trong một bài thánh thi được Phaolô ghi lại, Giáo Hội ca hát mầu nhiệm Nhập Thể :
 
Ngài phận là phận của một vì Thiên Chúa,
nhưng Ngài đã không nghĩ phải giành cho được
chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa.
Song Ngài đã hủy mình ra không,
là lĩnh lấy thân phận tôi đòi,
trở thành giống hẳn người ta ;
đem thân đội lốt người phàm,
Ngài đã hạ mình thấp hèn,
trở thành vâng phục cho đến chết,
và là cái chết thập giá”.  (Pl 2,6-8)  -  (Số 461)
 
Thư Dothái nói đến cũng mầu nhiệm ấy :
 
Bởi đó lúc vào trần gian Ngài nói :
Hy sinh cùng lễ vật Người đã chẳng màng,
nhưng Người đã nắn nên thân xác cho con.
Các lễ toàn thiêu và tạ tội, Người đã chẳng đoái
bấy giờ Con nói : Này Con đến ...
để thi hành ý muốn Người ...  (Dt 10,5-7) - (Số 462)
         
Tin vào mầu nhiệm Nhập Thể đích thực là dấu hiệu đặc thù của đức tin Kitô-giáo : “Nơi điều này anh em biết được Thần Khí của Thiên Chúa : Phàm thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô đã đến trong xác thịt là thuộc về Thiên Chúa” (1 Ga 4,2). Đó là sự xác tín đầy hoan lạc của Giáo Hội ngay từ lúc ban đầu, khi Giáo Hội ca hát mầu nhiệm lớn lao của chân đạo : “Ngài đã hiển hiện trong xác thịt” (1 Tm 3,16) - (Số 463).
 
C. ĐỨC KITÔ LÀ THIÊN CHÚA THẬT VÀ LÀ NGƯỜI THẬT.
         
Những lạc giáo ban đầu chối nhân tính đích thực của Đức Kitô (ảo thân thuyết gốc ngộ đạo) thường xuyên hơn là chối thần tính của Ngài. Từ thời các thánh Tông Đồ, đức tin Kitô-giáo nhấn mạnh sự Nhập Thể đích thực của Con Thiên Chúa đến trong xác thịt. Nhưng từ thế kỷ III, Giáo Hội đã phải khẳng định, chống Paul de Samosate, trong Công Đồng họp tại Antiokia : Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa do bản tính, chứ không do tuyển chọn (dưỡng tử thuyết). Công Đồng chung đầu tiên họp tại Nixê năm 325, tuyên xưng trong tín biểu là : Con Thiên Chúa được sinh ra, chứ không được tạo thành, cùng một bản thể với Chúa Cha (homoousios) và đã kết án Ariô chủ trương Con Thiên Chúa có từ hư vô và từ một bản thể khác Chúa Cha (Số 465).
         
Lạc giáo Nestôriô nhìn nơi Đức Kitô một nhân vị gắn liền với Ngôi vị thần linh “Con Thiên Chúa”. Chống lại lạc giáo ấy, thánh Cyrillo Alexandria và Công Đồng chung thứ ba họp tại Êphêsô đã tuyên xưng “Ngôi Lời, kết hợp trong ngôi vị mình, với một thân xác được linh hoạt bởi linh hồn có lý trí, đã trở thành người. Nhân tính của Đức Kitô không có chủ vị nào khác ngoài ngôi vị thần linh Con Thiên Chúa, Đấng đã đảm nhận nhân tính và làm thành của mình. Vì lý do đó, Công Đồng Êphêsô đã tuyên bố năm 431 “Đức Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa thực thụ vì đã thụ thai Con Thiên Chúa” : Mẹ Thiên Chúa, không phải vì Ngôi Lời nhận lãnh bản tính thần linh, nhưng vì nhận lãnh từ Mẹ thân xác với linh hồn có lý trí. Ngôi Lời kết hợp với thân xác ấy trong ngôi vị của mình, nên được coi là “sinh ra theo xác phàm” (Số 466).
         
Lạc giáo “độc tính thuyết” khẳng định rằng “nhân tính” đã chấm dứt hiện hữu nơi Đức Kitô khi được đảm nhận bởi ngôi vị thần linh Con Thiên Chúa. Chống lại lạc giáo này, Công Đồng chung thứ tư họp tại Chalcédoine, đã tuyên xưng năm 451:
         
Theo sau các giáo phụ, chúng tôi đồng thanh dạy phải tuyên xưng Một Chúa Con duy nhất (un seul et même Fils), Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cùng một Đấng vừa trọn hảo về thần tính, vừa trọn hảo về nhân tính, cùng một Đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, có linh hồn thiêng liêng và thân xác, đồng bản thể với Chúa Cha về thần tính, đồng bản thể với chúng ta về nhân tính, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15) ; được sinh ra bởi Chúa Cha từ muôn thuở xét về thần tính, trong những ngày sau cùng, vì chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Ngài đã sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, Đấng là Mẹ Thiên Chúa theo nhân tính.
         
Cùng một Đức Kitô duy nhất, là Chúa, là Con duy nhất, mà chúng ta phải nhận biết trong hai bản tính không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách rời. Sự khác biệt bản tính không mất đi vì sự kết hợp, đặc điểm của mỗi bản tính đều được bảo toàn và kết hợp trong một ngôi vị duy nhất (une seule personne  et un seul hypostase) (Số 467).
         
Sau công đồng Chalcédoine, có người cho rằng nhân tính của Đức Kitô là một loại “chủ vị” (sujet personel). Công Đồng chung thứ năm họp tại Constantinople năm 553, đã tuyên xưng chống lại  họ : “Chỉ có một ngôi vị duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, là một trong Ba Ngôi”. Tất cả những gì thuộc về nhân tính Đức Kitô phải được gán cho ngôi vị thần linh như là chủ thể, không những các phép lạ, mà cả những đau khổ và sự chết nữa : “Đấng bị đóng đinh trong xác phàm, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, là Thiên Chúa thật, là Chúa vinh quang và là một trong Ba Ngôi” (Số 468).
         
Giáo Hội tuyên xưng rằng Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật (không tách biệt), Ngài đích thực là Con Thiên Chúa làm người, người anh em của chúng ta, nhưng vẫn là Thiên Chúa, Chúa chúng ta.
         
“Ngài vẫn là Đấng Ngài đã là, Ngài đảm nhận điều Ngài không là” - phụng vụ Rôma hát như vậy. Phụng vụ thánh Gioan Kim Khẩu loan báo và hát : Lạy Chúa Con duy nhất và Ngôi Lời Thiên Chúa, tuy là bất tử, để cứu rỗi chúng tôi, Người đã nhập thể nơi cung lòng Mẹ Thiên Chúa, Đấng mãi mãi là Trinh Nữ Maria. Ngài, không thay đổi, nhưng đã làm người, đã chịu đóng đinh. “Lạy Đức Kitô là Thiên Chúa, Đấng đã tiêu diệt tử thần bằng cái chết của mình, Đấng là một trong Ba Ngôi, Đấng cùng được tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, xin hãy cứu chúng tôi !”. (Số 469).
 
D. CON THIÊN CHÚA LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO ?
         
Trong sự  “nhiệm hiệp” của biến cố Nhập Thể, bản tính nhân loại được đảm nhận chứ không phải bị tan “biến” (absorbée). Trải qua các thế kỷ, Giáo Hội đã tuyên xưng Đức Kitô có trọn vẹn linh hồn và thân xác nhân loại, liên hệ với sinh hoạt trí thức và ý muốn. Đồng thời Giáo Hội cũng đã thường xuyên nhắc lại rằng bản tính nhân loại của Đức Kitô thuộc về ngôi vị thần linh Con Thiên Chúa, Đấng đã đảm nhận bản tính ấy. “Tất cả những gì Ngài là và Ngài làm do Một trong Ba Ngôi”. Con Thiên Chúa đã thông cho nhân tính của mình tư cách ngôi vị trong Ba ngôi (cách thế hiện hữu trong Ba Ngôi). Như thế, nơi linh hồn và thân xác, Đức Kitô đã diễn tả, theo kiểu loài người, lối sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa (Số 470).
 
1. Linh hồn và tri thức nhân loại của Đức Kitô.
         
Apollinaire de Laodicée đã khẳng định là trong Đức Kitô, Ngôi Lời đã thay vào chỗ linh hồn hay tinh thần. Chống lại sai lầm ấy, Giáo Hội tuyên xưng rằng Chúa Con vĩnh cửu đã đảm nhận một linh hồn có lý trí nhân loại (Số 471).
         
Linh hồn nhân loại mà Con Thiên Chúa đã đảm nhận, có trí thức nhân loại thực sự. Tri thức nhân loại không thể vô hạn : tri thức ấy thể hiện trong những điều kiện lịch sử của cuộc sống trong không gian và thời gian.
           
Chính vì vậy Con Thiên Chúa đã chấp nhận, khi làm người, lớn lên trong khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng (Lc 2,52) ; trong cuộc sống, con người phải học hỏi bằng kinh nghiệm. Điều đó phù hợp với việc Ngài tự ý hạ mình trong “thân phận tôi đòi” (Pl 2,7) - (Số 472).
         
Tri thức thực sự nhân loại của Con Thiên Chúa diễn tả sự sống thần linh của ngôi vị Ngài. Bản tính nhân loại của Con Thiên Chúa, không bởi chính mình, mà bởi sự hiệp nhất với Ngôi Lời, biết và biểu lộ tất cả những gì phù hợp với Thiên Chúa. Trước hết đó là việc Con Thiên Chúa làm người biết Chúa Cha cách thâm sâu và trực tiếp. Chúa Con cũng cho thấy, trong tri thức nhân loại của Ngài, sự thấu suốt thần linh về những tư tưởng ẩn kín trong tâm hồn con người (Số 473).
         
Vì sự kết hiệp với “Khôn ngoan thần linh”, tri thức nhân loại của Đức Kitô biết cách trọn vẹn các ý định đời đời của Thiên Chúa, mà Ngài đến thế gian để mạc khải. Điều mà Ngài nhận rằng không biết trong lãnh vực này, chỗ khác Ngài tuyên bố không có sứ mạng mạc khải (Số 474).
 
2. Ý chí nhân loại của Đức Kitô.
         
Giáo Hội đã tuyên xưng tại Công Đồng chung thứ sáu (Constantinople III năm 681) rằng Đức Kitô có hai ý chí và sinh hoạt, thần linh và nhân loại, không phải đối lập nhau, nhưng cộng tác với nhau mật thiết. Ngôi Lời Nhập Thể đã muốn thực sự với tư cách là người (trong vâng phục đối với Chúa Cha) tất cả những gì mà Ngài đã quyết định với tư cách là Thiên Chúa cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần để cứu rỗi chúng ta. Ý chí nhân loại của Đức Kitô vâng theo ý chí thần linh, không cưỡng cũng không chống lại, nhưng tùng phục ý chí toàn năng ấy (Số 475).
 
3. Thân xác đích  thực của Đức Kitô.
         
Vì Ngôi Lời Nhập Thể đã thực sự đảm nhận nhân tính, thân xác Đức Kitô “bị giới hạn” (délimité). Do đó khuôn mặt con người Đức Giêsu có thể được vẽ ra. Tại Công Đồng chung thứ sáu, Giáo Hội đã quyết định cho phép diễn tả Ngài bằng những ảnh tượng thánh (Số 476).
         
Đồng thời Giáo Hội cũng nhìn nhận rằng, trong thân xác của Đức Giêsu, Đấng Thiên Chúa tự bản chất vô hình, đã trở nên hữu hình trước mắt chúng ta. Những nét đặc thù cá nhân của thân xác Đức Kitô diễn tả ngôi vị thần linh Con Thiên Chúa. Ngôi Con đã đảm nhận cho mình những nét của thân xác con người đến mức độ, khi những nét ấy được vẽ trong một bức ảnh thánh, có thể được tôn kính, bởi vì, khi người tín hữu tôn kính ảnh tượng, thực sự tôn kính Đấng được vẽ trong ấy (Nicée II năm 787) - (Số 477).
 
4. Trái tim của Ngôi Lời Nhập Thể.
         
Đức Giêsu đã biết và yêu mến chúng ta tất cả và từng người, khi Ngài còn sống, khi Ngài hấp hối, khi chịu khổ nạn và nộp mình cho mỗi người chúng ta : “Con Thiên Chúa đã yêu mến tôi và đã nộp mình vì tôi” (Gl 2,20). Ngài đã yêu mến chúng ta bằng một trái tim nhân loại. Vì lý do đó, Thánh Tâm Đức Giêsu, bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, được coi như là dấu chỉ và biểu tượng tuyệt hảo nhất của tình yêu mà Đấng cứu thế không ngừng dâng lên Chúa Cha hằng hữu và dâng cho mọi người.


http://www.simonhoadalat.com/hochoi/THANHOC/DucKyto/Chuong12.htm
Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...