Ý NGHĨA VÀ SỨ ĐIỆP CỦA MẦU NHIỆM NHẬP THỂ


Ý NGHĨA VÀ SỨ ĐIỆP CỦA MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

 


Giáng sinh là sự kiện quan trọng trong đức tin Kitô. Cùng tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể qua góc nhìn thần học của cha Phêrô Trần Mạnh Hùng, từ thành phố Perth, Tiểu bang Tây Úc. Ngài là tiến sĩ Thần học Luân lý và từng là giáo sư thỉnh giảng tại các Đại Chủng viện và các Học viện Thần học Công giáo tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại về bộ môn Thần học luân lý và Đạo đức sinh học

Các bạn trẻ Công Giáo thân mến,

Có thể nói mầu nhiệm nhập thể hay còn gọi là mầu nhiệm “Con Thiên Chúa xuống thế làm người” là một trong những mầu nhiệm cao cả và vĩ đại nhất của đức tin và nền thần học Công giáo, theo như truyền thống của Giáo hội.

Chính vì lý do đó mà hôm nay, cha muốn cùng với các bạn trẻ, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa sâu xa và sứ điệp tuyệt vời của mầu nhiệm giáng sinh, ngõ hầu rút ra cho chính mình những bài học quý giá trong đời sống đức tin, và đồng thời ghi dấu thật thẩm sâu trong tâm hồn, về tình yêu bao la và vĩ đại mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, qua việc con Thiên Chúa xuống thế làm người. Cho nên, trước hết, cha muốn nói đến ý nghĩa của mầu nhiệm nhập thể.

Ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể

Như chúng ta đọc thấy trong thư gởi tín hữu Do Thái (Híp-Ri), trong chương thứ nhất, từ câu 1-3 trích dẫn dưới đây:

Địa vị cao trọng của Con Thiên Chúa làm người

“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời” (Dt 1:1-3).

Khi chúng ta đọc những lời đầu tiên viết trong thư gởi tín hữu Do Thái, tác giả đã cho chúng ta biết sơ qua về lịch sử của mầu nhiệm ơn cứu độ do Thiên Chúa thực hiện. Nó chính là một sự mặc khải tiệm tiến của Thiên Chúa đối với  nhân loại về chương trình cứu độ của Ngài [1] dành cho chúng ta, kể từ khi tổ tông của loài người (Adam và Eva) đã phạm tội vì bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa, và đã bị tống ra khỏi khu vườn điạ đàng [2]. Cho dù Adam và Eva phạm tội và cắt đứt mối tâm giao với Thiên Chúa [3], thì Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc loài người trong vũng lầy của tội lỗi và bản án khắc nghiệt là cái chết trầm luân hay đời đời kiếp kiếp trong hỏa ngục.

File:Jordaens Adam and Eve.jpg - Wikimedia Commons

Adam và Eve phạm tội bất tuân Thiên Chúa. Nhưng Ngài không bỏ rơi loài người (Tranh của Jordaens)

Ngay sau khi ông bà của chúng ta phạm tội, thì Thiên Chúa đã tuyên hứa là Ngài sẽ cứu độ và giải thoát loài người ra khỏi án phạt của sự chết và quyền lực của bóng tối. Đó chính là quyền lực của ma quỷ và các bầy tôi của chúng, đại diện cho sự dữ, và là kẻ thù của Thiên Chúa và con người. Ngài đã hứa rằng: chính Ngài sẽ giải thoát và cứu rỗi chúng ta khỏi thần chết và cho con người được thông phần vinh quang và hưởng hạnh phúc với Ngài trên quê trời. Chính điều này đã được ghi lại rất rõ rệt trong Sách Sáng Thế, chương 3, từ câu 14-15.

“ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”

Ngay tại đây được ghi lại trong sách Sáng Thế (St 3:14-15), chúng ta đã thấy hé mở một tin mừng lớn lao tiên khởi, đến từ sự tuyên chiến của Thiên Chúa đối với Satan và bầy tôi của chúng và đối với miêu duệ của “người Nữ”. Theo một số các nhà chú giải Kinh Thánh thì họ giải thích câu 15 này có những ý nghĩa như sau:

  • Thiên Chúa công khai tuyên chiến với Satan và người đàn bà. Người đàn bà này ám chỉ hình ảnh của Đức trinh nữ Maria

  • Thiên Chúa đồng thời cũng chính thức tuyên chiến giữa bầy tôi của Ma Quỷ và miêu duệ của người nữ, là những người sẽ được tái sinh trong Đức Giêsu Kitô, qua bí tích thanh tẩy. Lời tuyên chiến này cũng ngụ ý và đồng thời tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai (Messiah), sẽ được sinh ra từ nơi một người nữ (ám chỉ Đức trinh nữ Maria)

  • Chính Đức Giêsu Kitô, con một của Thiên Chúa, sinh hạ bởi Đức trinh nữ Maria, do quyền năng và sự tác động của Chúa Thánh Thần sẽ đạp nát đầu con rắn (Satan) và tiêu diệt nó, còn con rắn thì chỉ có thể cắn vào gót của Ngài. Nghĩa là Đức Giêsu Kitô sẽ toàn thắng và dẹp tan bè lũ ma quỷ, giải thoát con người khỏi tội lỗi và án phạt đời đời kiếp kiếp trong sự chết.

Và để thực hiện lời hứa ấy, Thiên Chúa đã dùng các Tiên Tri trong thời Cựu Ước để loan báo về chương trình cứu độ mà Ngài sẽ thực hiện cho con người (xc. Dt 1:1). Ngài muốn nói cho họ biết là đừng có thất vọng nhưng hãy kiên nhẫn và đặt niềm cậy trông ở nơi TC, vì Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, ngay cả khi con người bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa và quay lưng chống đối Ngài.

Cũng trong nội dung của bức thư gởi cho các tín hữu Do Thái 1:2-3, Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta biết là khi đến thời đã định, chính Ngài sẽ sai người con chí ái của mình là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, qua mầu nhiệm nhập thể. Vì vậy, Đức Giêsu Kitô đã được cưu mang và sanh hạ bởi Đức trinh nữ Maria, do quyền năng và sự tác động của Chúa Thánh Thần. Chính ngài sẽ mặc khải cho chúng ta biết về bản chất đích thực của Ba Ngôi Thiên Chúa và về chương trình cũng như ý định cứu độ của TC dành cho con người. Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, là hiện thân đích thực của Chúa Cha, vì Ngài chính là Con Thiên Chúa, như đã được mặc khải trong Thư gởi tín hữu Do Thái

“Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời” (Hipri 1:3).

Đức Giêsu Kitô, chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, và nhờ Người mà vạn vật và vũ trụ này đã được tạo thành và duy trì, như phúc âm của Thánh Gioan đã ghi lại (Ga 1:1-3)

“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.” Nhưng nay Ngôi Lời ấy đã hoá thành nhục thể và đã làm người giữa chúng ta: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Gioan 1:14).

Đây chính là ý nghĩa của mầu nhiệm nhập thể: NGÔI LỜI ĐÃ HOÁ THÀNH NHỤC THỂ và ĐÃ CƯ NGỤ GIỮA CHÚNG TA, ngõ hầu chúng ta có thể chiêm ngắm vinh quanh của Người, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người trước khi tạo thiên lập điạ.

Đức Giêsu Kitô đến trần gian để loan báo Tin Mừng. Tin mừng này là một tin vui thật lớn lao: đó chính là Thiên Chúa luôn yêu thương con người, ngay cả khi con người bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa và sống ngụp lặn trong tội lỗi, dẫu vậy đi chăng nữa thì Thiên Chúa vẫn muốn cứu vớt con người khỏi sự chết đời đời, bằng cách ân xá cho họ và xoá bỏ tất cả mọi lỗi lầm mà con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa qua sự thương khó và cái chết ô nhục của Đức Giêsu Kitô trên thập tự giá, bằng chính mầu nhiệm tử nạn và phục sinh. Cái chết của Con Một Thiên Chúa trên cây thánh giá đã mang lại nguồn ơn cứu độ cho con người và vũ trụ và ban cho họ một sự sống trường sinh và vĩnh cữu. Con người từ nay trở đi cho đến tận thế, nhờ vào công cuộc cứu rỗi do Đức Giêsu Kitô thực hiện, đã mang lại sự giao hoà với Thiên Chúa và trao ban cho họ cái tước vị là con cái của Thiên Chúa, mà trước đây đã bị đánh mất do sự bất tùng phục, bởi Adam và Eva, tổ tông của loài người.

Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cũng cho chúng ta thấy được cái ý định của Thiên Chúa. Ngài muốn làm người và sống giữa chúng ta, ngõ hầu Ngài có thể chia sẻ và cảm thông với thân phận làm người. Với những sự mỏng dòn, sự yếu đuối và tính dễ sa ngã của kiếp làm người… Ngang qua mầu nhiệm nhập thể, Con Một Thiên Chúa sẽ sống đầy đủ và trọn vẹn với tư cách là thân phận của con người, nhờ đó Thiên Chúa sẽ đồng cảm với cái suy nghĩ và những khiếm khuyết trong cuộc sống con người. Nhưng đồng thời cũng qua đó, tôi muốn nói đến mầu nhiệm nhập thể, bằng việc xuống thế làm người, Con Một Thiên Chúa đã nâng điạ vị và tư cách của con người lên thêm một bậc cấp cao sang, có lẽ chỉ thua các thiên thần, là được trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa. Nhờ vào mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa đã mặc lấy thân xác loài người. ngõ hầu biến đổi thân xác mỏng dòn ấy. trở thành đền thờ sống động và là cung điện của Ba Ngôi cực thánh, như Thánh Phalolô đã khẳng định.

Bây giờ cha muốn chia sẻ với các bạn trẻ về sứ điệp của mầu nhiệm nhập thể, đây chính là điểm cốt yếu trong đời sống đức tin của chúng ta và trong tư cách sống đạo và hành đạo của mình, chiếu theo mẫu gương cao cả của Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa đã làm người.

Sứ điệp của mầu nhiệm Nhập Thể

Thánh Gioan đã ghi lại rất rõ trong Phúc Âm của Ngài [4]: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3:16-18).

Sứ điệp của mầu nhiệm nhập thể là một sứ điệp vĩ đại, nó chứa đựng tin mừng lớn lao cho toàn thể nhân loại, kể từ khi tổ tông của chúng ta đã phạm tội và đã đánh mất ân tình với Thiên Chúa. Như Thánh Gioan đã khẳng định một cách xác quyết rằng: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Vì Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” 

Đối với bản thân của cha, mỗi khi cha có dịp để suy niệm về đoạn Kinh Thánh này, cha cảm thấy trong lòng một niềm hạnh phúc vô biên và một tâm tình sung sướng ngây ngất. Cha vui sướng và cảm thấy hạnh phúc lớn lao vì biết mình được Thiên Chúa yêu mến, vì chính Ngài đã mặc khải cho nhân loại nói chung và cho cha nói riêng, là Ngài yêu thương con người, nên đã sai Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người. Ngài đến trần gian không phải để xét xử hay luận phạt chúng ta, nhưng Ngài đến để cứu rỗi chúng ta và ban cho chúng ta quyền được làm con cái của Thiên Chúa, và đồng thời, ban cho chúng ta sự sống viên mãn và đời đời trên thiên quốc, nếu chúng ta biết tin nhận vào Đấng Thiên Sai.

Đây chính là SỨ ĐIỆP TÌNH YÊU vĩ đại mà Thiên Chúa dành cho con người. Đây cũng là lời tỏ tình một cách minh bạch mà Thiên Chúa muốn gởi đến cho mỗi người trong chúng ta, qua mọi thế hệ và cho đến tận cùng trái đất, cũng như cho đến tận cùng thời gian rằng: “THIÊN CHÚA YÊU THẾ GIAN ĐẾN NỖI ĐÃ BAN CON MỘT CỦA NGƯỜI, ĐỂ AI TIN VÀO CON CỦA NGƯỜI THÌ KHỎI PHẢI CHẾT, NHƯNG ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI” (Ga 3:16).

Cha chân thành cầu chúc cho các bạn trẻ và tất cả mọi người thân yêu trong gia đình của chúng con luôn xác tín về điều này, nghĩa là Thiên Chúa luôn yêu thương con người, ngay cả khi chúng ta sa ngã, và tình yêu của Ngài là bất biến và sẽ không bao giờ thay đổi, mặc cho con người có đổi thay.

Cha cầu chúc cho các bạn trẻ và cho tất cả mọi tín hữu Công Giáo trên khắp năm châu, bốn bể một giáng sinh an bình, hạnh phúc và tràn ngập tình yêu của Thiên Chúa trong đại lễ giáng sinh năm 2020.

Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng

TP. Perth, Tiểu bang Tây Úc, Noel 2020

---------------------------------------------

[1] Hay còn gọi là sự bày tỏ của Thiên Chúa, một cách từ từ ngang qua lịch sử của nhân loại.

[2] Sa ngã của Tổ tông loài người (St 3:1-7)

“Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn’ không?” Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.’” Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Người đàn bà thấy trái cây đó: ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.”

[3] "ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, để thăm viếng Adam và Eva, nhưng Adam và vợ mình đã trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa” (St 3:8)

[4] Theo các nhà chuyên môn về Kinh Thánh thì Phúc Âm theo Thánh Gioan được gọi là Phúc Âm thứ tư, vì có thể cuốn sách Tin Mừng này đã được viết bởi nhiều tác giả, chứ không phải chỉ có một mình Thánh Gioan. Tuy nhiên, để đơn giản hóa vấn đề, tôi vẫn gọi là Phúc Âm theo Thánh Gioan cho mọi người dễ hiểu.
 

https://legiomariaevn.com/chi-tiet-tin-tuc/1233/y-nghia-va-su-diep-cua-mau-nhiem-nhap-the.html

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...