CHTT: Bài 49 - Khái quát về nghi thức kết lễ
Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
CHTT: BÀI 49 -KHÁI QUÁT VỀ NGHI THỨC KẾT LỄ
WHĐ (23/9/2024) - Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 49: KHÁI QUÁT VỀ NGHI THỨC KẾT LỄ
I/ NGHI THỨC
Sau lời nguyện hiệp lễ, nếu có những thông báo cần thiết, có thể nói cách vắn tắt (NTTL 140; QCSL 90a). Tiếp đến, linh mục quay về phía cộng đoàn, dang tay chào: “Chúa ở cùng anh chị em.” Cộng đoàn thưa: “Và ở cùng Cha.” Linh mục ban phép lành cho dân chúng và nói: “Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con + và Thánh Thần, ban phúc lành cho anh chị em.” Cộng đoàn thưa: “Amen” (NTTL 141; QCSL 90b). Rồi phó tế hoặc linh mục chắp tay quay về phía cộng đoàn tuyên bố giải tán: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an.” Cộng đoàn thưa: “Tạ ơn Chúa” (NTTL 144; QCSL 90c). Tiếp đến, linh mục cung kính hôn bàn thờ như lúc đầu lễ. Sau hết, cùng với các thừa tác viên cúi mình sâu chào bàn thờ và rời cung thánh (NTTL 145; QCSL 90d).
II/ LỊCH SỬ - Ý NGHĨA
Hầu như ngay từ đầu, việc cử hành Thánh Thể kết thúc sau nghi thức hiệp lễ, tức sau lời tạ ơn sau hiệp lễ, nhưng rồi các Kitô hữu muốn hoàn tất buổi cử hành phụng vụ bằng một nghi thức kết lễ. Vào thế kỷ II, thánh Justinô tử đạo mô tả rằng sau khi những người hiện diện rước lễ, phó tế sẽ mang Thánh Thể đến cho những người vắng mặt. Ngài còn thêm rằng vị chủ tọa cộng đoàn sẽ đem những tặng phẩm do những người giàu có mang tới mà phân phát cho những người trong cộng đoàn cần đến. Như vậy, không có lời nguyện hiệp lễ và bất cứ nghi thức giải tán nào cả.[1] Sách Truyền thống Tông đồ (số 21) không đề cập đến nghi lễ truyền chức kết thúc như thế nào, nhưng lại mô tả phần kết của nghi thức khai tâm là “mọi người hăm hở thi hành những việc tốt lành.”[2]
Cuối thế kỷ IV, người ta biết đến một vài trường hợp kết lễ “đơn giản.” Sách Hiến Chế Các Tông Đồ (năm 380) cho biết rằng có một lời nguyện cảm tạ dài theo sau nghi thức rước lễ, phó tế nói: “Xin cúi đầu trước Thiên Chúa qua Đức Kitô của Người để lãnh nhận phép lành” (VIII, 15,6-10). Sau đó, Đức Giám mục đọc một lời nguyện chúc phúc dài. Tiếp theo, thầy phó tế nói: “Hãy ra đi bình an.” Egeria (năm 386) đi hành hương và đã mô tả phần kết của một số cử hành buổi phụng vụ tại Giêrusalem và những nơi gần Đất Thánh rằng: “Sau khi ngài (chủ tế) đọc lời nguyện và chúc lành cho các tín hữu, Đức Giám mục đi ra khỏi cung thánh, lập tức những người hiện diện đến với ngài để hôn tay, ngài chúc lành cho từng người đang khi đi ra ngoài. Và vì thế sự giải tán được công bố , bấy giờ trời còn thanh thiên bạch nhật.” (Itinerarium 24,2).[3]
Theo cuốn Ordo Romanus I, sau khi chủ tế là Đức Giáo hoàng đọc một lời nguyện sau hiệp lễ (oratio ad complendum) thì vị tổng phó tế được ngài ra hiệu bằng cái gật đầu, sẽ xướng to lên: “Ite, missa est”, còn dân chúng cùng đáp lại: “Deo gratias” (Tạ ơn Chúa). Một đoàn rước bao gồm những người mang theo 7 chân nến và hương trầm dẫn đầu tiến ra ngoài. Khi Đức Giáo hoàng đi ngang qua những nhóm người khác nhau, ngài nói với họ rằng; “Benedicat nos dominus” (Xin Chúa chúc lành cho chúng ta), dân chúng đáp lại: “Amen.” Sau cùng đoàn rước đi vào phòng thánh.[4]
Nghi thức Thánh lễ Frankish cho biết thứ tự phần kết lễ như sau: Lời giải tán “Ite, missa est”; Hôn bàn thờ; Lời nguyện thứ I [Placeat tibi sancta trinitas] được đọc ở giữa bàn thờ; Lời nguyện thứ II [Meritis et intercessionibus]; Các thừa tác viên tiến vào phòng thánh; Các thừa tác viên đọc một loạt lời nguyện. Phép lành cuối lễ dường như chỉ được ban khi Đức Giám mục làm chủ tế.[5]
Thứ tự của phần kết lễ trong Sách lễ 1570 và được lặp lại trong Sách lễ 1962 như sau: Tôn kính bàn thờ; Lời chào; Lời giải tán (nếu không có kinh Vinh danh trong Thánh lễ); Lời nguyện hướng đến Chúa Ba Ngôi đang khi cúi ở giữa bàn thờ; Hôn bàn thờ; Phép lành trên dân chúng: Xin Thiên Chúa toàn năng chúc lành cho anh chị em, và dân chúng đáp lại: “Amen”; Lời chào “Chúa ở cùng anh chị em” cùng lời đáp của dân chúng cũng như việc ghi dấu thánh giá trên sách, trán, miệng, ngực và bản văn Phúc Âm (Tựa ngôn Tin Mừng theo thánh Gioan); tiếp theo là công bố đoạn Tựa ngôn Tin Mừng theo thánh Gioan (1,1-14); (Trong một số Thánh lễ), vào năm 1884, Đức Lêô XIII còn thêm vào phần cuối Thánh lễ một số lời nguyện phải đọc sau Thánh lễ.[6]
Lòng ước ao đón nhận phép lành cuối lễ bởi bất kỳ ai làm chủ tế phát triển dần dần vào thời Trung cổ. Đầu tiên, chủ tế ban phép lành cho dân bằng Bánh Thánh hay bằng một thánh tích. Trong thế kỷ XIII, việc chúc lành cho dân được sử dụng bằng chén thánh, hoặc đĩa thánh hay khăn thánh. Từ Sách lễ 1570 đến nay, việc ban phép lành bằng tay của chủ tế đã được quy định thành luật.[7]
Hiện nay, Nghi thức Thánh lễ nói chung được đơn giản hóa rất nhiều kể cả phần nghi thức kết lễ Thánh lễ nói riêng. Cụ thể như sau: Nghi thức kết lễ gồm có: a. Loan báo ngắn, nếu cần; b. Chào và ban phép lành: có những ngày và có những trường hợp phép lành này được diễn tả một cách phong phú bằng một lời nguyện trên dân Chúa hay một công thức long trọng hơn; c. Giải tán cộng đoàn giáo dân do phó tế hay vị tư tế nói; d. Vị tư tế và phó tế hôn bàn thờ và sau đó các vị này cùng với các thừa tác viên khác cúi mình sâu chào bàn thờ (QCSL 90). Nếu ngay sau Thánh lễ có cử hành nghi thức phụng vụ nào khác, thì bỏ nghi thức kết lễ, tức là bỏ lời chào, lời chúc lành và giải tán (QCSL 170).
Chúng ta nhận ra phần kết thúc Thánh lễ có những điểm giống với biến cố Chúa Kitô phục sinh như được tường thuật trong các bản văn Tin Mừng, đó là: (1) Có sự hiện diện của Chúa Kitô sống lại; (2) Có lời chúc bình an; (3) Có sứ mệnh được trao phó. Lời chào và ban phép lành cuối lễ cũng chính là sự cầu chúc Chúa Kitô phục sinh sẽ đồng hành và hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống lữ hành trần thế. Lời giải tán cộng đoàn gợi nhớ biến cố Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các tông đồ cũng như môn đệ của Ngài và trao phó cho họ một đại sứ mệnh. Ngày nay, Chúa cũng hiện diện với chúng ta trong Thánh lễ để rồi cũng trao cho chúng ta một sứ mệnh khi kết thúc Thánh lễ là ra đi đem bình an của Chúa Kitô phục sinh cho mọi người, là loan truyền ơn cứu rỗi cho nhân loại bằng chứng từ đời sống đức tin và bác ái của mình, là gieo niềm vui và hy vọng cho thế giới vì Chúa Kitô luôn ở với chúng ta.[8]
II/ SUY NIỆM
1/ Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha, và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em
Lạy Chúa Giêsu, ngay lúc đầu lễ, chủ tế đã kêu cầu danh Chúa Ba Ngôi với hành động làm dấu thánh giá. Chính sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi mà chúng con tưởng nhớ Chúa đã chịu chết trên thập giá. Cuối Thánh lễ, chủ tế kêu cầu Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho chúng con, để trong hành trình dương thế, Chúa luôn đồng hành với chúng con và giữ cho tâm trí chúng con luôn hướng tới những thực tại bền vững muôn đời.
Chúng con lãnh nhận phép lành của linh mục bằng việc làm dấu thánh giá. Lạy Chúa, nhờ dấu thánh giá được ghi trên bản thân, chúng con nhận lãnh phúc lành của Thiên Chúa toàn năng. Chúng con sẽ mang theo dấu thánh giá khi bước đi trong cuộc đời nhiều sóng gió. Xin để thánh giá trở thành nơi che chở và bảo vệ chúng con. Xin gắn kết chúng con với dấu thánh giá và tuôn đổ trên chúng con phúc lành của Chúa Ba Ngôi, để những cám dỗ của tiền tài ích kỷ, của tham vọng vô độ, và của thú vui xác thịt bất chính không đè bẹp chúng con.
Khi lãnh nhận phép lành, chúng con làm dấu thánh giá. Bấy giờ, chúng con không chỉ cầu xin nguồn sức mạnh và sự chở che của Chúa mà còn làm chứng cho sự tác động mạnh mẽ của thập giá. Sau Thánh lễ, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, khi làm dấu thánh giá, chúng con tuyên xưng niềm tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng con rao giảng về Chúa và cuộc khổ nạn của Chúa. Dấu thánh giá giản đơn mà chúng con làm nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần như là lời công bố Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Dấu thánh giá nhắc nhớ chúng con về bí tích rửa tội đã lãnh nhận trong nước thánh nhờ sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Dấu thánh giá thúc đẩy chúng con giữ vững đức tin. Đồng thời, dấu thánh giá thuyết phục những ai không tin tìm kiếm nơi thâm tâm họ và khám phá ra sự thật mà chúng con tuyên xưng cũng như thông điệp mà chúng con rao giảng.
Lạy Chúa, chúng con tôn vinh thánh giá Chúa, vì ơn cứu độ, sự sống và phục sinh của chúng con là ở nơi Chúa; nhờ Chúa, chúng con được cứu độ và giải thoát. Lạy Chúa, xin cho chúng con trở thành những tông đồ của thánh giá Chúa. Amen.
2/ Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con quà tặng Thánh lễ. Cộng đoàn phụng vụ, thừa tác viên phụng vụ, Lời Chúa, nghi thức bẻ bánh: tất cả là những biểu tượng, ẩn dụ và thơ ca đưa chúng con đến với Chúa. Đó là các bí tích của Chúa, nghĩa là nhờ đó, chúng con được gặp gỡ Chúa trong các bí tích. Hy lễ Tạ ơn là một trải nghiệm dồi dào về sự hiện diện của Chúa trong đời chúng con. Trong Thánh lễ, Chúa nuôi dưỡng chúng con bằng quà tặng của đức tin sống động, của đức cậy canh tân và đức mến mãnh liệt. Lạy Chúa, lãnh nhận quá nhiều và cảm nhận được sự dư tràn nên chúng con có bổn phận phải chia sẻ với mọi người về sự dồi dào phong phú ấy nơi chúng con.
Lạy Chúa, kết thúc cử hành Hy lễ Tạ ơn là sai đi, chúng con được sai đi qua lời giải tán: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”. Sự kết nối giữa Thánh lễ (missa) và sứ vụ (missio) thật rõ ràng. Lời giải tán cộng đoàn phụng vụ nhấn mạnh sự kết nối đó. Mỗi thành viên trong cộng đoàn phụng vụ chúng con được mời gọi trở về với môi trường mình đang sống để thực hiện những việc thiện hảo, ngợi khen và chúc tụng Chúa. Cộng đoàn phụng vụ ngày Chúa nhật hay Thánh lễ nói chung không kết thúc trong nhà thờ nhưng vẫn tiếp tục trong cuộc đời chúng con. Lạy Chúa, ước gì lời chào chúc “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” dẫn đưa chúng con về với gia đình, cộng đồng và thế giới, nơi đây, chúng con sẽ hoàn tất phụng vụ Thánh lễ bằng những công việc phục vụ và hành động yêu thương. Amen.
______
[1] X. Nguyễn Văn Trinh, Phụng vụ Thánh lễ (Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, 2008), 480.
[2] Pau Brashaw, Maxwell Johnson, L. Edward Philips, The Apostolic Traditon: A Commentary, ed. Harold W. Attridge, Hermeneia series (Minneapolis: Fortress Press, 2002), 122-23.
[3] Michael Witczak, “History of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, gen. ed. Edward Foley (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 628.
[4] Ibid., 627-28.
[5] X. Ibid., 628-29; Joseph A. Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite: Its Origins and Development (Missarum Sollemnia), vol. 2, trans. Francis A. Brunner (New York : Benziger Brothers, 1951), 437-39.
[6] Witczak, 629; Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 446-51.
[7] Witczak, 629; Jungmann, SJ, The Mass of the Roman Rite, 451-55.
[8] X. Trần Văn Khả, Mầu nhiệm Thánh lễ Tạ ơn, in lần thứ II, 157-60.