Về cử hành Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân

Ủy Ban Phụng Tự: Về cử hành Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân và Nghi Thức An Táng trong hoàn cảnh dịch bệnh

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
ỦY BAN PHỤNG TỰ

Ngày 29 tháng 8 năm 2021

VỀ CỬ HÀNH BÍ TÍCH
XỨC DẦU BỆNH NHÂN VÀ NGHI THỨC AN TÁNG
TRONG HOÀN CẢNH DỊCH BỆNH

Ủy Ban Phụng Tự đã nhận được những câu hỏi của một số linh mục, tu sĩ và thiện nguyện viên muốn giúp đỡ phần thiêng liêng cho các bệnh nhân Công giáo trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, chúng tôi xin trình bày những điều có thể thực hiện không chỉ trong lĩnh vực phụng vụ, nhưng bao hàm cả nội dung của việc đồng hành thiêng liêng với các bệnh nhân.

1) Khi một tín hữu nhiễm bệnh truyền nhiễm (như COVID-19) và phải nhập viện hoặc cấp cứu mà không kịp nhận lãnh các bí tích hoà giải và xức dầu bệnh nhân cần phải làm gì để dọn mình chết lành?

2) Khi chăm sóc bệnh nhân đang hấp hối (hoặc được dự đoán sẽ tử vong) mà không có linh mục thì có thể làm gì để giúp bệnh nhân về phần thiêng liêng?

3) Khi một bệnh nhân COVID-19 đã qua đời trong bệnh viện mà không có người thân bên cạnh, cũng không thể mời thừa tác viên có chức thánh (phó tế, linh mục, giám mục) đến cử hành các nghi thức thì sao?

Vấn đề được đặt ra liên quan đến 3 việc:

- Dọn mình chết lành

- Cử hành và lãnh nhận các bí tích sau hết

- Cử hành nghi thức An táng

1. Dọn mình chết lành

Các tín hữu vẫn được nhắc nhở phải luôn tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa vào bất cứ lúc nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, các bệnh nhân, đặc biệt những người đã nhiễm COVID-19, càng cần đến sự ý thức nơi chính bản thân, sự nâng đỡ của Hội Thánh và anh chị em trong việc chuẩn bị cho giây phút đến trước tòa Chúa.

Thuật ngữ “dọn mình chết lành” chính là lời nhắc nhở các bệnh nhân về ý hướng chủ yếu trong tâm tình cầu nguyện và thái độ sẵn sàng của những người tin vào sự sống vĩnh cửu đời sau. Vì thế, nếu không gặp được linh mục để lãnh Bí tích Hòa giải thì:

- Bản thân người tín hữu:

+ thành tâm ăn năn tội cách trọn, sau khi xét mình, nhớ lại các tội đã phạm, nhất là những tội chưa được xưng thú qua Bí tích Hòa giải. Tuy nhiên, phải tránh tâm trạng bối rối, ngã lòng, vì không có tội nào mà Chúa không tha thứ khi chúng ta thành tâm xin lỗi Chúa.

Có thể đọc lời kinh sau đây hoặc tương tự:

“Lạy Chúa, con thành tâm thống hối vì đã phạm tội phản nghịch cùng Chúa. Con chê ghét các tội lỗi đã phạm, con đau buồn vì đã xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của con, Đấng đầy lòng tốt lành và là Đấng con phải luôn trọn tình yêu mến. Amen.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nếu bạn làm những điều đó, bạn sẽ trở về ngay với ơn của Chúa. “Chính bạn có thể nhận được ơn tha thứ của Chúa khi không thể gặp được linh mục. Hãy nhớ: “Đây là lúc”, và ngay chính lúc này, việc Ăn Năn Tội Cách Trọn, được thực hiện với lòng thành, sẽ làm tâm hồn chúng ta trở nên trắng như tuyết.” (ĐGH Phanxicô, Bài giảng Thánh lễ Thứ Sáu tuần 3 Mùa Chay, 20.3.2020)

+ rước Chúa cách thiêng liêng, khi nhớ đến Chúa vào bất cứ lúc nào trong ngày.

Có thể dùng lời kinh sau đây hoặc tương tự:

“Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa ngự trong Bí Tích Mình Thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, cùng ước ao rước Chúa vào linh hồn con. Nhưng, bởi vì bây giờ con không thể rước Chúa được, thì xin Chúa ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng, chẳng khác gì như con được rước Chúa thật. Con xin đón rước Chúa, cùng kết hợp làm một với Chúa cho trọn. Xin Chúa đừng để con lìa bỏ Chúa bao giờ. Amen.”

- Người thân trong gia đình hoặc thiện nguyện viên đang giúp đỡ bệnh nhân: an ủi, cùng cầu nguyện, gợi ý và thông hiệp trong tâm tình thống hối, rước Chúa cách thiêng liêng, lãnh ơn Toàn xá ... 

Theo hướng dẫn của Tòa Ân giải (văn thư ngày 20.3.2020) có những ân xá đặc biệt trong đại dịch:

Để giúp các bệnh nhân COVID-19, những người đang thực sự sống trong mầu nhiệm đau khổ, có thể nhận ra một lần nữa “cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ của Đức Kitô” (Salvifici Doloris, 30), Tòa Ân giải, do thẩm quyền Tông Tòa, tin tưởng vào lời Chúa Kitô và nhận định trong tinh thần đức tin đối với đại dịch hiện nay, được sống thời điểm này trong tâm tình thống hối cá nhân, nay thuận ban các ân xá theo những quy định sau đây.

Các tín hữu đã [nhiễm COVID-19], những người đang bị cách ly trong các bệnh viện hay tại tư gia theo quyết định của thẩm quyền y tế, được lãnh ơn Toàn xá khi quyết tâm từ bỏ tội lỗi và hợp ý qua các phương tiện truyền thông để tham dự cử hành Thánh Lễ, đọc kinh Mân Côi, ngắm đàng Thánh Giá hay những thực hành đạo đức khác, hoặc ít là đọc một kinh Tin kính, một kinh Lạy Cha và một lời khẩn cầu với Đức Trinh Nữ Maria, dâng cơn đau bệnh trong tinh thần đức tin hướng về Chúa và đức ái hướng đến anh chị em tha nhân, với ý định sẽ chu toàn sớm hết sức có thể những điều kiện thông thường để lãnh ân xá (xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng) ngay sau khi khỏi bệnh.

Ơn Toàn xá cũng được ban theo những điều kiện nói trên, cho các nhân viên y tế, người nhà của bệnh nhân và tất cả những ai, theo gương người xứ Samaria nhân hậu, tự nguyện chấp nhận nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đang chăm sóc cho những bệnh nhân COVID-19, như lời Chúa đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” (Ga 15, 13).

Trong cơn đại dịch toàn cầu hiện nay, Tòa Ân giải cũng sẵn lòng ban ơn Toàn xá theo những điều kiện nói trên, cho các tín hữu dâng những giờ viếng, giờ chầu Thánh Thể, đọc Thánh Kinh ít là trong 30 phút, đọc kinh Mân Côi, ngắm đàng Thánh Giá, lần chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót, để khẩn cầu Thiên Chúa Toàn năng chấm dứt đại dịch này, nâng đỡ những người nhiễm bệnh và ban ơn cứu rỗi muôn đời cho những kẻ đã được Chúa gọi về bên Chúa.

Hội Thánh cầu nguyện cho những ai không thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân và rước Của Ăn đàng, trong mầu nhiệm các thánh thông công, Hội Thánh phó dâng tất cả và từng người cho lòng Chúa Thương xót, đồng thời ban ơn Toàn xá cho các tín hữu trong giờ lâm tử, miễn là những người ấy đã chuẩn bị tâm hồn cách thích đáng và đã đọc một ít kinh nguyện khi còn sống (trong trường hợp này Hội Thánh sẽ bù đắp cho ba điều kiện thông thường để lãnh nhận ân xá). Cần lãnh nhận ân xá này trước tượng Chúa chịu đóng đinh hoặc Thánh Giá (x. Enchiridion indulgentiarum, số 12).

2. Cử hành và lãnh nhận bí tích Hòa giải, Thánh Thể và Xức dầu bệnh nhân

Các linh mục thực hành theo văn thư hướng dẫn của Tòa Ân giải (19.3.2020).

“Nếu bất ngờ xảy ra nhu cầu phải ban bí tích tha tội cho nhiều tín hữu cùng lúc, linh mục buộc phải báo trước cho giám mục giáo phận ngay khi có thể hoặc, nếu không thể, phải báo lại cho ngài càng sớm càng tốt (x. Ordo Paenitentiae, 32).

Do đó, trong tình trạng khẩn cấp của đại dịch hiện nay, giám mục giáo phận có bổn phận chỉ dẫn các linh mục và hối nhân những điều cần lưu tâm và áp dụng cách thận trọng khi cử hành Bí tích Hoà giải cá nhân, chẳng hạn như có thể cử hành ở một nơi thông thoáng bên ngoài tòa giải tội, giữ khoảng cách phù hợp, sử dụng khẩu trang bảo vệ, miễn là không làm phương hại đến mối quan tâm bảo vệ tuyệt đối ấn tín toà giải tội và sự kín đáo cần thiết.

Hơn nữa, trong từng địa giới liên quan đến mức độ ảnh hưởng dịch bệnh, các giám mục giáo phận luôn có thẩm quyền và bổn phận xác định các trường hợp khẩn thiết nghiêm trọng nào được giải tội tập thể cách hợp pháp: ví dụ, khi các tín hữu nhập viện vì nhiễm bệnh với nguy cơ tử vong, cho phép sử dụng các phương tiện âm thanh (hoặc tăng âm) thích hợp để (các) hối nhân có thể nghe được lời xá giải.

Khi cần thiết, cần thỏa thuận với các cơ quan y tế, xem xét đến nhu cầu và phương thức thích hợp để thành lập các nhóm “tuyên uý bệnh viện ngoại thường”, để bảo đảm việc trợ giúp thiêng liêng cần thiết cho người bệnh và người hấp hối. Cũng lưu ý đến nguyên tắc tự nguyện và tuân thủ các quy tắc đề phòng lây nhiễm.

Trường hợp cá nhân tín hữu thấy mình trong cơn đau đớn không thể lãnh Bí tích Hòa giải, thì nên nhớ rằng khi ăn năn tội cách trọn, vì yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, thể hiện bằng lời chân thành xin ơn tha thứ (mà hiện tại hối nhân có thể bày tỏ) cùng với lòng ước ao xưng tội [votum confessionis], nghĩa là quyết tâm đi xưng tội, càng sớm càng tốt, thì đã được tha tội, kể cả tội trọng (x. GLHTCG, 1452).”

3. Cử hành nghi thức An táng

- Nếu không có linh mục và phó tế, giáo dân có thể chủ sự các nghi thức, tại nhà tang và nghĩa trang, như canh thức cầu nguyện cho người quá cố, nhập quan, từ biệt (xem Nghi thức An táng, Những điều cần biết trước, số 19)

- Khi nhận tin báo tử, gia đình và cộng đoàn tín hữu, với lời kêu gọi của vị mục tử trong giáo xứ, dù không có thi hài người vừa qua đời, cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ tang gia, thể hiện tình bác ái liên đới chân thành và thiết thực.

Tất cả chúng ta tiếp tục cậy nhờ lời chuyển cầu của Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ những người trong cơn nguy tử, của Mẹ Maria là Đấng cứu kẻ liệt kẻ khốn, bàu chữa kẻ có tội, an ủi kẻ âu lo, dâng lên Chúa Giêsu, vị lương y đầy quyền năng và giàu lòng thương xót, những lời khẩn cầu tha thiết trong cơn đại nạn.

+Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn
Giám mục Giáo phận Bà Rịa,
Chủ tịch Ủy ban Phụng tự

Hình tóm tắt hướng dẫn trên của Ủy ban Phụng tự:

WHĐ (30.8.2021)
 

 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...