CHÚA NHẬT CGS CHỊU PHÉP RỬA
Đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người. (Lc 3, 15-16.21-22)
12/01/2025
chúa nhật chúa giê-su chịu phép rửa – c
Lc 3,15-16.21-22
liên đới và đồng hành
Đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người. (Lc 3, 15-16.21-22)
Suy niệm: Hành vi đầu tiên của Đức Giê-su ngay lúc chào đời là đồng hành với các người di dân và vô gia cư, khi sinh ra trong hang bò lừa, máng cỏ. Việc làm đầu tiên của Ngài khi xuất hiện công khai là đồng hành với các tội nhân sám hối bên giòng sông Gio-đan. Hành vi cuối cùng của Ngài khi chịu chết là đồng hóa với các tử tội trên thập giá. Trọn cuộc đời của Con Thiên Chúa làm người ấy luôn là đồng hành, liên đới với những người nghèo dễ bị tổn thương, bé mọn, tội lỗi, thất bại trong nhân loại. Muốn đồng hành, Ngài phải hạ mình xuống ngang hàng với họ; để liên đới, Ngài phải chia sẻ nỗi đau của họ. Khi hạ mình cúi xuống với con người, Ngài nâng họ lên, đưa họ vào hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mời Bạn: Nhờ lòng thương xót cụ thể qua cung cách đồng hành và liên đới ấy của Con Thiên Chúa, bạn được nâng lên hàng con cái Chúa, là công dân của Nước Trời, bạn hữu của Đức Ki-tô. Bạn được mời gọi từ bỏ ích kỷ, bớt sống cho mình, để đồng hành liên đới với những người bất hạnh trong xã hội hôm nay.
Sống Lời Chúa: Tôi bày tỏ tình liên đới bằng cách tích cực tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ, các công tác tông đồ của hội đoàn hay các công việc thiện nguyện xã hội.
Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn... Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ quá nhiều điều không cần giữ. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
(Rabbouni)
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -Năm C
Ca nhập lễ
Sau khi Chúa Giê-su chịu phép rửa, các tầng trời mở ra, và Thánh Thần lấy hình bồ câu đậu xuống trên Người. Cùng lúc ấy, có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Đây là Con chí ái của Ta, Người làm cho lòng Ta vui thỏa”.
Dẫn vào Thánh Lễ
Anh chị em thân mến! Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đánh dấu cuộc đời công khai của Chúa Cứu Thế. Khi thấy Gio-an làm phép rửa sám hối, Đức Giê-su ý thức sứ mệnh gánh tội trần gian của mình, nên đã chịu phép rửa của Gio-an để đại diện cả nhân loại tỏ lòng thống hối trước mặt Thiên Chúa. Hành động này đã làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha, khiến Chúa Cha ban Thánh Thần đến dưới hình chim câu, đồng thời công khai xác nhận Ngài là Con.
Việc Chúa Giê-su chịu phép rửa hôm nay, cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta về Bí Tích rửa tội của mình, chúng ta đã được tái sinh để trở nên con Thiên Chúa. Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người trong chúng ta đã trở nên người mới, được Thiên Chúa yêu thương và được yêu mến Thiên Chúa.
Để được như thế, điều đòi buộc mỗi người là phải chết đi cho tội lỗi, chết đi cho những khuynh hướng xấu của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Giờ đây chúng ta hãy thật lòng tẩy rửa bằng tâm tình thống hối chân thành.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Ðức Ki-tô chịu phép rửa tại sông Gio-đan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin…
Hoặc:
Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con nhận biết Ðức Ki-tô Con Một Chúa xuất hiện như người phàm và mặc lấy thân xác giống hệt chúng con. Xin Chúa làm cho tâm hồn chúng con được đổi mới và trở nên giống hình ảnh Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Is 40,1-5.9-11
Vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
1Thiên Chúa phán: “Hãy an ủi, an ủi dân Ta:
2Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành:
thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong,
vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm.”
3Có tiếng hô:
“Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa,
giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng
cho Thiên Chúa chúng ta.
4Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy,
mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,
nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng,
chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.
5Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện,
và mọi người phàm sẽ cùng được thấy
rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán.”
9Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao.
Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem,
hãy cất tiếng lên cho thật mạnh.
Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo các thành miền Giu-đa rằng :
“Kìa Thiên Chúa các ngươi !”
10Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền.
Bên cạnh Người, này công lao lập được,
trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên.
11Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa,
tập trung cả đoàn dưới cánh tay.
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng,
bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.
Đáp ca: Tv 103,1b-2a.2b-4.24-25.27-28.29-30 (Đ. x. c.1)
Đ. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Chúa muôn trùng cao cả.
1bLạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!
Áo Ngài mặc: toàn oai phong lẫm liệt,
2acẩm bào Ngài khoác : muôn vạn ánh hào quang.
Đ. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Chúa muôn trùng cao cả.
2bTầng trời thẳm, Chúa căng như màn trướng,
3điện cao vời, dựng trên khối nước cõi thanh không.
Chúa ngự giá xe mây, Ngài lướt bay cánh gió.
4Sứ giả Ngài: làm gió bốn phương,
nô bộc Chúa: lửa hồng muôn ngọn.
Đ. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Chúa muôn trùng cao cả.
24Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng!
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,
những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.
25Này đại dương bát ngát mênh mông,
nơi muôn vàn sinh vật to lẫn nhỏ vẫy vùng.
Đ. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Chúa muôn trùng cao cả.
27Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa
đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn.
28Ngài ban xuống, chúng lượm về,
Ngài mở tay, chúng thoả thuê ơn phước.
Đ.Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Chúa muôn trùng cao cả.
29Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi;
lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.
30Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,
là chúng được dựng nên,
và Ngài đổi mới mặt đất này.
Đ. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
Chúa muôn trùng cao cả.
Bài đọc 2: Tt 2,11-14 ; 3,4-7
Thiên Chúa đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-tô.
2 11 Anh thân mến, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. 12 Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. 13 Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. 14 Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.
3 4 Khi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, biểu lộ lòng từ bi và nhân ái của Người, 5 Người đã cứu chúng ta, không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót. Người cứu chúng ta nhờ phép Rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện. 6 Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn Thánh Thần trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta. 7 Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng.
Tung hô Tin Mừng: x. Lc 3,16
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Ông Gio-an nói: Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến;
chính Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.
Ha-lê-lui-a.
Phúc Âm: Lc 3, 15-16. 21-22
“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gio-an có phải là Ðấng Ki-tô không?”, Gio-an lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giê-su cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tín hữu
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Vì thương xót loài người tội lỗi, Chúa Cha đã ban Thánh Thần và tấn phong Chúa Giê-su làm Ðấng Cứu Thế chuộc tội chúng ta. Chúng ta vui mừng cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lên Ngài những lời nguyện xin:
1. “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các vị mục tử trong Hội Thánh, luôn biết can đảm làm chứng cho Tin Mừng, để xứng đáng trở nên con yêu dấu của Chúa.
2. “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các nhà lãnh đạo quốc gia, biết hành động theo tiếng lương tâm, để tận tình lo cho dân nước được an cư, lạc nghiệp.
3. “Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu, biết sống xứng đáng với ơn phép Rửa tội, luôn khiêm tốn và hăng say làm việc lành, để Nước Chúa được lan rộng khắp nơi.
4. “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, cảm nghiệm được lòng Chúa yêu thương, để cũng biết thương xót người khác như Chúa đã xót thương mình.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha yêu thương, chúng con cảm tạ Cha đã sai Con Một xuống trần gian để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con biết lắng nghe và vâng theo lời dạy bảo của Người, để chúng con được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, trong ngày Chúa mặc khải Ðức Kitô Con yêu dấu, đoàn tín hữu chúng con dâng lên Chúa những lễ vật này: cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và làm cho trở nên lễ hy sinh hoàn hảo của Người là chính Ðấng đã thương rửa sạch tội lỗi trần gian. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Khi Ðức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Chúa đã dùng những dấu lạ này tỏ bày mầu nhiệm phép rửa mới: Nhờ tiếng Chúa từ trời vọng xuống, chúng con tin rằng Ngôi Lời của Chúa ở giữa loài người; và nhờ Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu hiện xuống, chúng con nhận biết Ðức Kitô là Tôi Trung của Chúa, được xức dầu hoan lạc và được sai đi rao giảng Tin Mừng cho kẻ khó nghèo. Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:
Thánh ! Thánh ! Thánh!
Ca hiệp lễ
Đây là Đấng mà ông Gio-an đã nói: “Tôi đã thấy và xin làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa”.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, nơi bàn tiệc thánh, Chúa đã cho chúng con được no lòng thoả dạ. Xin cũng giúp chúng con luôn trung thành nghe theo lời Con Một Chúa dạy bảo, để không những chúng con chỉ mang danh là con cái Chúa mà còn thực sự sống với Chúa cho phải đạo làm con. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
Con cái Chúa
Như chúng ta đã biết: Geoge Wasinhton là vị tướng tài ba và là vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Thế nhưng, rất ít người biết ông còn là một tấm gương sống động về lòng hiếu thảo đối với người mẹ của mình.
Sau những trận chiến cam go nhất, cũng như giữa những công việc bề bộn và nặng nề nhất của một vị nguyên thủ quốc gia, ông vẫn dành thời giờ về thăm hỏi và trò chuyện lâu giờ với người mẹ già. Một hôm mẹ đã hỏi ông như sau: Tại sao con dành nhiều thời giờ thăm nom mẹ như vậy? Ông liền trả lời: Thưa mẹ, ngồi bên mẹ để lắng nghe mẹ nói thực không phải là việc mất giờ. Chính sự bình thản và lòng tốt của mẹ dạy con muốn tiếp tục sống.
Đoạn Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta thấy mối liên hệ giữa Đức Kitô với Chúa Cha, cũng như giữa chúng ta với Thiên Chúa. Trước hết là mối liên hệ giữa Đức Kitô và Chúa Cha.
Như chúng ta đã biết Đức Kitô chính là người con duy nhất của Chúa Cha. Vì vâng phục Ngài đã xuống thế làm người để cứu độ chúng ta. Ở mọi nơi và trong mọi lúc, nỗi ưu tư số một của Ngài là chu toàn thánh ý Chúa Cha, đến nỗi thánh Phaolô đã phải viết: Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá.
Chính vì thái độ vâng phục vô điều kiện này, mà hôm nay bên bờ sông Giođan, cũng như mấy năm sau trên đỉnh Taborê, chính Chúa Cha đã tuyên phong Ngài: Này là con Ta yêu dấu. Ta hài lòng về con. Hãy vâng lời Ngài.
Còn mối liên hệ giữa chúng ta và Thiên Chúa thì sao? Như chúng ta đã biết nhờ công nghiệp tử nạn của Đức Kitô qua dòng nước của bí tích Rửa Tội, chúng ta được tẩy xoá khỏi mọi dấu vết tội lỗi, lấy lại được địa vị làm con cái Thiên Chúa. Thế nhưng để xứng đáng làm con cái Ngài, thì chúng ta cần phải vâng phục, cần phải chu toàn thánh ý Ngài trong lòng cuộc đời chúng ta.
Thực vậy, một người con ngoan sẽ không phải là một người con vùng vằng cãi trả mỗi khi cha mẹ sai bảo điều gì. Trái lại phải là một người con mau mắn vui vẻ tuân giữ những điều cha mẹ chỉ dạy. Đối với Thiên Chúa cũng vậy. Để xứng đáng làm con cái Chúa, chúng ta cũng phải vui vẻ và mau mắn thực thi thánh ý Ngài. Thánh ý ấy được biểu lộ qua tiếng nói lương tâm, qua mười điều răn Ngài truyền cho Maisen trên núi Sinai, qua những điều Ngài truyền dạy trong Kinh Thánh, nhất là qua giới luật yêu thương của Phúc Âm. Cũng như qua những điều Giáo Hội, thay quyền Chúa mà chỉ dạy cho chúng ta.
Thế nhưng, nếu như lúc này Ngài nhìn mỗi người chúng ta, liệu Ngài có thể nói lên như xưa Ngài đã nói với Đức Giêsu bên bờ sông Giođan: Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng hay không?
Chúa chịu phép rửa
Khi suy niệm về biến cố Chúa Giêsu chịu phép Rửa, tôi thấy có một cái gì gần gũi với ý nghĩa của hình ảnh “hoa sen nở trên bùn lầy”.
Thực vậy, Đức Kitô là Đấng thánh thiện tuyệt vời, nơi Ngài không hề vương vấn bất cứ vết nhơ nào của tội lỗi, vậy mà Ngài đã làm một chuyện thật lạ lùng và khó hiểu, đó là xin Gioan làm phép rửa cho mình tại sông Giođan.
Bấy giờ Gioan đang kêu gọi người ta chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối ăn năn. Chuyện đó thật bình thường và dễ hiểu đối với con người, bởi vì con người ai mà chẳng có tội. Nhưng Đức Kitô thì có tội lỗi gì mà phải sám hối ăn năn và do đó, Ngài chẳng có lý do để mà chịu phép Rửa.
Thánh Phêrô trong bức thư thứ nhất, có nói một câu thật chí lý: Tội lỗi của chúng ta Ngài đã mang lấy vào thân, hầu đưa lên cây thập giá. Đức Kitô đã không chỉ tha tội và xoá tội cho nhân loại như người ta tha cho một tù nhân, hay như người ta xoá bỏ một món nợ, nhưng Ngài đã gánh vác, đã nhận lấy cho mình mọi hậu quả của tội lỗi.
Sen mọc trên bùn, đã không tránh né cái nhơ bẩn của bùn, trái lại đã thu hút chính cái bùn nhơ đó vào thân mà biến đổi nó thành hoa thơm. Đức Kitô cũng đã mang lấy, cũng đã gánh lấy tội lỗi của loài người, đem nó vào thân thể Ngài, để biến đổi, để gạn lọc, và làm cho nó trở thành hương thơm, trở thành vẻ đẹp. Ngài đã biến đổi trong chính bản thân Ngài tất cả tội lỗi của trần gian, làm cho nó trở thành thánh đức. Đó là ý nghĩa của việc Ngài chịu phép Rửa, bởi vì Ngài đã không chỉ tha tội mà còn thánh hoá nhân loại, không chỉ xoá bỏ tội lỗi con người mà còn làm cho con người tội lỗi trở nên thánh thiện và công chính.
Hay nói khác đi, Con Thiên Chúa làm người không phải chỉ để chuộc tội, tha tội hay đền tội thay cho loài người mà còn mang lấy kiếp người tội lỗi, để biến đổi chúng ta trở thành con Thiên Chúa. Khi Đức Kitô chịu để cho Gioan rửa mình trong nước sông Giođan chính là lúc, hơn bao giờ hết, Ngài ý thức mình đang ngụp lặn, đang chìm sâu dưới dòng nước tội lỗi của nhân loại chồng chất từ thời Adong Eva. Ngài chấp nhận cho tội lỗi ngập đầu ngập cổ mình để rồi biến đổi chính dòng nước tội lỗi ấy thành một dòng sông của tình thương, một nguồn suối của ơn sủng. Ngài quả là một bông sen mọc lên từ chính chỗ bùn lầy, vươn lên từ chính nước ao tù, biến đổi bùn lầy và ao tù ấy trở thành hương sắc.
Nhập thể đối với Đức Kitô không phải chỉ là việc đội lốt người, một cuộc dạo chơi trong xã hội, mà thực sự là một việc hộp nhập, hơn thế nữa, phải nói là một sự dính dấp hoàn toàn đối với thân phận và định mệnh con người, kể cả thân phận tội lỗi và số kiếp tử vong.
Đức Kitô là Đấng thánh thiện, nhưng đã tự ý chấp nhận thân phận tội lỗi của con người với tất cả những hệ luỵ của nó. Bởi đó chấp nhận dìm mình dưới dòng nước Giođan, chính là chấp nhận cái chết. Vì thế, chúng ta mới hiểu được tại sao Đức Kitô lại nói về cái chết của Ngài như một phép rửa. Và hành động chịu phép rửa hôm nay có tính cách quyết định cho cả sứ vụ của Ngài. Đây là một lời tiên tri loan báo ý định dấn thân tới cùng sẽ dẫn đưa Ngài tới cái chết thập giá, thế nhưng cũng chính nhờ đó mà Ngài đã được Chúa Cha tuyên phong: Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.
Phép Rửa khiêm nhường
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Sông Gio-đăng, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Gio-đăng phát nguồn từ ngọn núi Héc-mon ở độ cao 520m. suốt 220km đường dài dòng sông không ngừng đi xuống. Thoạt tiên sông chảy vào hồ Hu-lê chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu thường qua lại, và các tông đồ thường chài lưới. Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam, đổ vào Biển Chết. Ở đây độ sâu là 394m dưới mức nước biển. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.
Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Gio-đăng để chịu phép rửa, Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội. Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa tội, Chúa Giêsu đã hoà mình vào dòng thác người tội lỗi, cần thống hối ăn năn. Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu không cho mình quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ. Không ai nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.
Trong đêm Giáng Sinh, ta được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người. Làm một người bé nhỏ nghèo hèn như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi.
Hôm nay, bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Người bắt đầu xuất hiện để rao giảng Tin Mừng. Trước khi tiến ra gặp gỡ quần chúng, Chúa Giêsu đã tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Để chuẩn bị ra gặp loài người Chúa Giêsu cảm thấy cần phải thanh tẩy. Mặc lấy xác phàm, Chúa Giêsu chưa cảm thấy mình gần với nhân loại cho đủ. Người còn hạ mình xuống làm một người tội lỗi. Người gìm mình xuống lòng sông Gio-đăng, dường như muốn mượn làn nước trong xanh tẩy sạch đi tất cả dáng vẻ cao quý của Thiên Chúa còn vương vấn nơi thân xác nhân loại của Người. Tẩy sạch đi tất cả những gì ngăn cách, để Người được thực sự là một người anh em của mọi người.
Dòng nước sông Gio-đăng có trong xanh đến mấy cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Khiêm nhướng là một phép rửa. Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết đi một chút. Gìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Cái chết chính là phép rửa như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy còn phải chịu một phép rửa, và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,50). Người còn hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi hai ông này đến xin được ngồi bên tả, bên hữu trong nước Người: “Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?” (Mc 10,38). Khi nói thế Chúa Giêsu có ý nói đến cái chết Người sẽ phải chịu.
Một câu châm ngôn nói; Không ai thấy được tình yêu. Người ta chỉ thấy được những bằng chứng của tình yêu. Bằng chứng tình yêu của Chúa Giêsu đối với ta đó là sự hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt. Đó là sự khiêm nhường hoà mình vào đoàn lũ những tội nhân tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng nước sám hối xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.
Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi ta. Nếu ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa. Nếu ta cảm thấy mình cần được thanh tẩy. Đừng ngần ngại thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa của Chúa Giêsu để trở nên gần gũi với Người. Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Chúa Giêsu, ta vẫn có thể được thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung. Như lời vua Đavit nói: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50)/
Khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để ta đón nhận Phúc Âm. Khiêm nhường sám hối là quay trở về nhà Cha, sống trọn tâm tình của người con thảo hiếu. Khi khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ ta. Người sẽ nói về ta như nói về Chúa Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con”.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết đến với Chúa và đến với anh em bằng sự khiêm nhường sám hối. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Chúa Giêsu không ngừng đi xuống. Còn bạn, bạn có tự hạ, hay là lúc nào bạn cũng muốn gìm người khác xuống?
2. Làm thế nào để trở nên “Con yêu dấu” của Đức Chúa Cha?
3. Hằng ngày, bạn có cảm thấy cần phải chịu phép rửa khiêm nhường của Chúa Giêsu không?
PHÉP RỬA TRONG THÁNH THẦN VÀ LỬA
(LỄ ĐỨC GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Đức Giêsu Chịu Phép Rửa hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Khi Đức Kitô chịu phép rửa tại sông Giođan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái, xin Chúa cho chúng ta là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa.
Nghĩa tử được tái sinh thi hành ý Chúa, bằng cách vâng nghe lời Con Yêu Dấu của Chúa Cha, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Người Tôi Trung dịu hiền của Thiên Chúa chính là ánh sáng muôn dân. Như các sách Tin Mừng cho ta thấy: đối với các Kitô hữu ngay từ thế hệ đầu tiên, Người Tôi Trung của sách ngôn sứ Isaia xuất hiện như một nhân vật huyền bí với những nét hết sức đặc biệt, đưa chúng ta vào mầu nhiệm Đức Kitô. Ở đây, Thiên Chúa gọi Người Tôi Trung là người được tuyển chọn. Chính Thiên Chúa lặp lại những từ đó khi Đức Kitô chịu phép rửa. Ước gì đối với chúng ta, Người Tôi Trung luôn là ánh sáng muôn dân, là người quy tụ dân riêng của Chúa, giúp chúng ta chịu đau khổ, chịu chết với Người. Hôm nay, trong sông Giođan, khi Chúa chịu phép rửa, các tầng trời mở ra, Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Rồi có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.
Nghĩa tử được tái sinh thi hành ý Chúa, bằng cách tin nhận Đức Giêsu là Đấng Chúa Cha sai đến, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Nadien nói: Đức Kitô tỏa sáng, chúng ta hãy tỏa sáng cùng với Người. Đức Kitô được dìm xuống nước, chúng ta hãy cùng xuống để rồi cùng lên với Người… Hôm nay trời rộng mở, biển cả nên hiền hòa, đất mừng vui hớn hở, núi đồi cũng hoan ca. Vì Đức Kitô đến bên bờ sông Giođan xin ông Gioan làm phép rửa. Biển kia ơi, việc gì mà trốn chạy? Giođan hỡi, cớ chi chảy ngược dòng?
Nghĩa tử được tái sinh thi hành ý Chúa, bằng cách sống một đời sống mới, để mọi người nhận biết vinh quang của Thiên Chúa chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia nói: Vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 103, vịnh gia đã kêu gọi: Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi! Chúa muôn trùng cao cả. Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả! Áo Ngài mặc: toàn oai phong lẫm liệt, cẩm bào Ngài khoác: muôn vạn ánh hào quang. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Thiên Chúa đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ông Gioan nói: Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến; chính Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca tường thuật lại: Đức Giêsu chịu phép rửa xong và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra. Chúa muốn thánh hóa kẻ sắp làm phép rửa cho Chúa, và muốn chôn vùi trọn vẹn con người Ađam cũ trong dòng nước. Trước khi thanh tẩy ta, Chúa thánh hóa sông Giođan. Đức Giêsu từ dưới nước đi lên, Người nâng thế gian lên cao với Người. Trời mở ra, vì xưa kia, khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, chính Ađam đã đóng cửa trời lại, không cho mình và con cháu được vào. Chúa không ưa thích điều gì hơn việc con người hối cải và được cứu độ: mọi lời giảng dạy và mọi mầu nhiệm đều hướng tới mục đích này. Như những tia sáng hoàn hảo bên cạnh Nguồn Sáng cao cả, chúng ta hãy để mình được thấm nhuần ánh huy hoàng của Nguồn Sáng đó, bằng cách tuân giữ những gì Chúa truyền dạy. Khi Đức Kitô chịu phép rửa tại sông Giođan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái, ước gì chúng ta là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng biết thi hành ý Chúa. Ước gì được như thế!
Tin Mừng Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
Lc 3, 15-16. 21-22
“Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Ðấng Kitô không?”, Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật -Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm
TA HÀI LÒNG VỀ CON
(Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều kết thúc thuật trình Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan bằng lời tuyên phán của Chúa Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Con” hoặc “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (x.Mt 3,17; Mc 1,11 ; Lc 3,22). Chúa Cha hài lòng với Chúa Chúa Giêsu về chuyện gì đây? Dĩ nhiên là về chuyện Chúa Giêsu tự nguyện xếp mình vào hàng đoàn người tội lỗi đang đến để cho Gioan Tẩy Giả làm phép rửa bày tỏ lòng sám hối ăn năn. Thế nhưng Chúa Giêsu vốn là Thiên Chúa dù đã mặc lấy xác phàm nhân loại như chúng ta mọi đàng nhưng chẳng hề vương bẩn tội nhơ (x.Dt 4,15). Là Đấng Thánh của Thiên Chúa, Người hoàn toàn thanh sạch thế mà Người xếp hàng giữa đám người tội lỗi để làm gì? Chắc chắn không phải là để nhờ Gioan làm phép thanh tẩy hầu được nên thanh sạch. Cũng chắc chắn rằng không phải Người cố tình làm gương cho chúng ta về việc hoán cải ăn năn như đã có nhiều nhà tu đức từng suy diễn. Không ai có thể làm gương một việc mà chính mình không thực làm. Như thế chìa khoá vấn đề phải nằm ở chỗ khác.
Mang lấy xác phàm, trở nên giống loài người chúng ta mọi đàng, thì Chúa Giêsu vẫn phải cần có thời gian để hiểu biết ý Chúa Cha cũng như tự nhận thức về căn tính của mình. Các nhà Kitô học đồng thuận với nhau rằng khi còn nằm trong nôi, còn ôm lấy bầu sữa mẹ, thì trẻ Giêsu chưa thể nhận thức được căn tính Thiên Chúa của mình. Và một điều ít ai chối cãi đó là năm lên mười hai tuổi, khi lưu lại Đền thờ Giêrusalem ba ngày nhân chuyến cùng cha mẹ hành hương, thì thiếu niên Giêsu đã ý thức về căn tính Thiên Chúa của mình. Biết mình là Thiên Chúa, thế nhưng để biết sứ vụ của mình là cứu độ nhân loại và cứu độ nhân loại như thế nào thì Chúa Giêsu cũng cần phải có thời gian cần thiết để tìm hiểu thánh ý Chúa Cha.
Nhiều nhà Kitô học nhìn nhận rằng khi Chúa Giêsu đến chịu phép rửa tại bờ sông Giođan chính là lúc Người tìm ra con đường cứu độ. Nói đến ơn cứu độ, các nhà thần học lẫn tu đức thường dùng hình ảnh cứu vớt người đang chìm dưới sông nước. Không biết bơi mà rơi xuống hố nước sâu thì sự sống như không còn thuộc vào chính bản thân mình. Cần phải có một ai đó độ trì, cứu vớt, may ra mới được sống.
Để cứu độ nhân loại khỏi vũng lầy tội lỗi, Chúa Kitô không đứng bên trên mà kéo. Người đã tự nguyện đi xuống tận đáy sâu kiếp người khi vào trần gian. Đồng thân với con người trong kiếp phàm hèn chưa đủ, Chúa Kitô còn muốn chung phận với loài người trong kiếp tội nhân, dù Người hoàn toàn vô tội. Tình yêu lên đến đỉnh cao khi người ta tự nguyện chung thân, đồng phận với nhau. Chung thân, đồng phận với nhau là một trong những hình thức liên đới đến cùng. Là con chiên tinh tuyền, là người tôi tớ trung thành và nhân hậu, Chúa Kitô đã nhận lấy mọi hậu quả tội lỗi của loài người vào chính bản thân Người. Điều đã được Ngôn sứ Isaia loan báo xưa về “Người Tôi Trung” nay ứng nghiệm nơi chính Chúa Kitô (x.Is 42,1-9; 49,1-7; 50,4-11).
Chọn con đường đi xuống để nâng loài người sa ngã lên, sự chọn lựa của Chúa Giêsu đã làm hài lòng Chúa Cha. Đây là một sự chọn lựa phát xuất bởi tình yêu sung mãn. Chúa Thánh Thần với hình chim bồ câu ngự xuống trên Người là một dấu chỉ. Và các tầng trời mở ra, nghĩa là con đường cứu độ nay đã khai mở cho con người. Việc Chúa Giêsu chọn con đường đi xuống giúp chúng ta xác tín những chân lý sau:
1. Không một ai là không có thể được cứu rỗi: Các cứu hộ viên đứng trên bờ sông mà đưa tay ra thì những người ở xa bờ hay đang chìm dưới nước quả là khó có cơ may được cứu. Trái lại khi các cứu hộ viên đã lặn sâu xuống đáy sông thì mọi người đều có thể được cứu sống. Chúa Giêsu đã cúi xuống dưới chân các tông đồ, Người đã cúi xuống dưới chân Giuđa, kẻ đã rắp tâm phản bội Người và Người sẵn sàng cúi xuống dưới chân hết mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Chỉ cần chúng ta đồng thuận thì Người sẽ nâng chúng ta lên cùng Chúa Cha.
Mọi người đều có thể được cứu rỗi. Một chân lý của niềm tin và của niềm hy vọng. Bất cứ ai, dù trong hoàn cảnh tồi tệ nào đi nữa, thì vẫn luôn có Giêsu Kitô đứng dưới chân để sẵn sàng nâng lên. Chính vì thế mà thất vọng về chính mình là một sự tồi tệ thật đáng trách không kém gì khi ta thất vọng về tha nhân.
2. Trước tiên hãy trách mình, đừng trách tha nhân hay phàn nàn Chúa, nếu giả như chúng ta vẫn mải mê trong tội. Một trong những thói xấu của người đắm chìm trong tội đó là tìm đủ lý do để bào chữa. Để làm giảm nhẹ trách nhiệm của mình, khi phạm tội, chúng ta thường hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho tha nhân, cho ma quỷ và có khi cho cả Thiên Chúa. Phải tiên thiên loại trừ việc gán cho Thiên Chúa là tác nhân gây sự xấu vì Thiên Chúa không hề, đúng hơn là không thể cám dỗ một ai. Chúng ta cũng cần chân nhận rằng thần dữ, người xấu hay ngoại cảnh cũng có góp phần nào đó trong tội của chúng ta. Tuy nhiên, các tác nhân ấy chỉ có thể làm tăng giảm mức độ trách nhiệm của chúng ta trên tội của mình. Nhưng không ai khác, chính chúng ta phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm mọi hành vi tội lỗi của mình.
Mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu phép rửa, mở đầu cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, hãy cùng cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa vì đã yêu thương loài người đến cùng. Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự nguyện đồng hàng với chúng ta trong kiếp tội nhân: cúi mình để cho Gioan làm phép rửa là điểm khởi đầu và điểm kết thúc là thân phận một tội nhân trên thập giá.
Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Giê-su chịu phép rửa -C
Linh mục. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gio-an có phải là Ðấng Ki-tô không?”, Gio-an lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giê-su cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật -Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh
Suy niệm
Âm vang tiếng hát của các Thiên Thần còn vọng lại trong không gian khi đại lễ Giáng sinh đã đi qua, Con Thiên Chúa đã chính thức bước vào ngôi nhà của nhân loại. Hôm nay, toàn thể Giáo hội long trọng mừng lễ Chúa Giesu chịu thanh tẩy, ngày Con Thiên Chúa xếp hàng với các tội nhân, đi xuống dòng sông Giodan, để được thánh Gioan cử hành nghi thức thanh tẩy. Đây cũng là một ngày lễ đặc biệt, nhắc lại biến cố Chúa Cha long trọng giới thiệu người Con yêu dấu của mình cho nhân loại, đồng thời, Ngài cũng nhắc cho nhân loại biết, Thiên Chúa Ba Ngôi đang hiện diện giữa gia đình nhân loại, chứ không chỉ có Chúa Con mà thôi.
Để chuẩn bị cho ngày trọng đại này, Chúa Cha đã nhờ các tiên tri loan báo về sự xuất hiện của một người Con từ trời đến, người Con đó sẽ đem thái bình, thịnh vượng đến cho nhân loại, hơn nữa còn đem sự công bằng, tình thương và tình nhân ái đến cho hết mọi người dân, đó là tâm tình của bài đọc thứ nhất trong sách tiên tri I-sa-i-a: “Ðây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người”. Thiên Chúa Cha không gởi người Con của mình tới trần gian để bày tỏ quyền bính, vinh quang của trời cao, nhưng là đem đến cho con người niềm vui, quyền làm người, quyền được sống trong công bằng và hòa bình. Sự xuất hiện của Thiên Chúa trong thế giới như là dấu chỉ của tình yêu cứu độ và bình an đích thực.
Thiên Chúa đi vào ngôi nhà nhân loại với những món quà vô giá, tất cả nhằm giúp con người tìm thấy giá trị thực của chính mình. Phần con người sẽ làm gì khi được đón nhận những món quà đó, tác giả sách Tông Đồ Công Vụ đã gợi ý cho họ để mỗi người biết tìm cho mình một tâm tình đáp đền tình yêu: “Trong những ngày ấy, Phê-rô mở miệng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Ít-ra-en, loan tin bình an, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa muôn loài”. Thiên Chúa luôn mong con người được bình an, hạnh phúc và được cứu độ, nếu mỗi người đọc được khát vọng đó của Thiên Chúa và cố gắng đổi thay cuộc đời, họ sẽ đón nhận được nhiều và nhiều hơn nữa tình yêu từ trời cao.
Con Thiên Chúa xếp hàng, bước xuống dòng sông, hòa mình vào dòng chảy của các tội nhân để xin thanh tẩy. Thánh Gioan giật mình, tại sao Thầy làm thế, con không xứng đáng cởi quai dép cho Thầy, giờ Thầy còn yêu cầu con thanh tẩy cho Thầy nữa, không đời nào học trò cử hành nghi thức thanh tẩy cho Thầy, con không làm đâu. Con cứ làm đi, giờ con chưa hiểu, sau này con sẽ hiểu: “Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giê-su cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Dù có xếp hàng với các tội nhân để xin thanh tẩy, Ngài vẫn là Thiên Chúa thật, dù có làm người như bao con người, Ngài vẫn là Thiên Chúa, một Thiên Chúa cúi xuống với con người, sống với con người mỗi ngày. Thiên Chúa tình yêu là thế, không tính toán, không vụ lợi và không mong được đền đáp.
Làm sao con người có thể hiểu được câu chuyện một Thiên Chúa xếp hàng với các tội nhân, rồi cùng nhau bước xuống dòng sông xin được thanh tẩy. Thiên Chúa có tội tình gì, Ngài còn nợ nần gì ai hay đã làm cho ai phải đau khổ hay buồn phiền, tất nhiên Ngài phải có lý do riêng để rồi bước vào hàng cùng với các tội nhân. Con Thiên Chúa nhập thể không để củng cố địa vị hay kiến tạo một vương quốc riêng, nhưng là để được sống, được chia sẻ và được cảm thông với con người, từng bước trong dòng đời của con người luôn có sự hiện diện của Con Thiên Chúa làm người, có xếp hàng đứng bên cạnh họ, Ngài mới hiểu được họ bởi họ cũng chỉ là nạn nhân của ma quỷ, của tội lỗi, chúng đã dụ dỗ, đem ra những lời đường mật để lôi kéo và đưa con người tới chỗ chết đời đời. Đứng vào hàng các tội nhân, Con Thiên Chúa bày tỏ tình yêu tự hiến của Ngài cách trọn vẹn và đong đầy.
Cũng từ chỗ đứng cuối cùng của xã hội, Con Thiên Chúa được Chúa Cha nâng lên khi long trọng giới thiệu về thân thế của Ngài, đó là Người Con duy nhất của Chúa Cha. Người Con đó đi vào thế giới không chỉ có một mình, nhưng bên cạnh luôn có bóng hình người Cha. Tình yêu giữa Cha và Con là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, có thể nói rằng khi giờ của Thiên Chúa đã đến, Ba Ngôi Thiên Chúa đã đi vào thế gian, sống với con người và cứu độ con người bằng sự hy sinh của người Con duy nhất của Chúa Cha. Ơn cứu độ của Thiên Chúa chỉ xảy ra một lần, nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này thì luôn mãi, Ba Ngôi Thiên Chúa luôn làm việc và làm việc miệt mài, tất cả để cứu độ con người và đưa con người trở về với Ba Ngôi trên Thiên quốc.
Mỗi tín hữu Kitô khi được lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, là được dìm mình trong dòng nước qua nghi thức đổ nước tượng trưng, họ trở thành con người mới với tên gọi mới: Kitô hữu. Từ đây, trong cuộc đời của họ luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, đó là một sự hiện diện thiêng liêng nhưng rất gần gũi. Ý thức được sự cao quý Thiên Chúa dành cho mình, người tín hữu Kitô phải làm gì trong từng ngày sống, có can đảm thay đổi con người mình trở thành ngôi nhà tạm cho Ba Ngôi Thiên Chúa ở lại, có mạnh dạn lên đường để giới thiệu một Thiên Chúa đã cúi xuống, đang đồng hành với con người, luôn yêu thương con người, đặc biệt là các tội nhân, để họ biết mình vẫn đang được yêu, đang được đợi chờ và đang được Thiên Chúa ghé thăm, để tất cả cùng hòa mình trong niềm vui cứu độ và được ở trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lạy Chúa, bước xuống dòng sông trong đoàn người xin thanh tẩy, Chúa bày tỏ cho chúng con biết Thiên Chúa yêu con người biết chừng nào, đặc biệt là các tội nhân, xin đánh thức lương tâm mỗi người, đặc biệt là những người đang dìm mình trong vũng bùn tội lỗi, để họ can đảm đứng lên trở về với Thiên Chúa, người Cha nhân lành đang đợi chờ. Chúa đã được Chúa Cha long trọng giới thiệu và bày tỏ tình Cha – Con luôn gắn bó trong mọi nơi mọi lúc, xin giúp chúng con biết cố gắng xây dựng tình người dựa trên nền tảng tình Chúa Ba Ngôi, để gia đình của Chúa luôn ấm áp và hiệp thông với nhau, để mọi người nhận ra nhau là anh chị em, để mọi dân nước biết tìm về với Mẹ Giáo hội, đó là ngôi nhà chung của Thiên Chúa xây dựng cho con người. Amen.