SUY NIỆM CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – NĂM C
(Xp 3, 14-18a; Pl 4, 4-7; Lc 3, 10-18)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Lúc còn sinh thời, Mẹ Têrêxa Calcutta đã được thế giới biết đến nhờ vào lòng bao dung qua tình thương của Mẹ dành cho người nghèo! Tuy nhiên, điều mà thế giới ít biết đến, đó là món quà thiêng liêng mà mẹ dành tặng cho bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đó là: nụ cười.
Đã có nhiều cá nhân, đoàn thể, với những đối tượng khác nhau, họ đã xin Mẹ lời khuyên để sống bình an, hạnh phúc và tốt đẹp hơn! Khi được đề nghị như vậy, Mẹ đã nói: “Quí vị hãy về và ban tặng cho nhau những nụ cười… Hãy cười tươi với tất cả mọi người, bất luận người đó là ai! Với những nụ cười tươi như thế, quí vị sẽ lớn lên trong tình yêu hỗ tương”.
Còn đối với người Việt Nam, chúng ta cũng thấy mẫu gương này của Đấng Đáng Kính – Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận: ngài đã cười với mọi người, kể cả kẻ thù; ngài cười lúc bình an; khi chịu đau khổ; hiểu lầm, thử thách; ngài cười lúc tự do; nhưng cũng không thiếu những nụ cười ngay khi bị tù đầy khốn cùng nơi nhà lao… lý giải cho điều này, ngài đã chia sẻ trong sách Đường Hy Vọng như sau: “Vui với người thương con.Vui với người ghét con.Vui lúc con hớn hở.Vui lúc lòng con đau khổ tê tái.Vui lúc mọi người theo con.Vui lúc con cô đơn bị bỏ rơi.Vui tươi và làm cho mọi người đến với con cũng cảm thấy bầu khí vui tươi, mặc dù lòng con tan nát. Đó là thánh thiện hơn mọi sự ăn chay, hãm mình” (ĐHV. số 539), bởi lẽ: một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn.
Và ngài khuyên: “Con không có tiền? Con không có quà để tặng? Con không có gì cả. Con quên tặng họ niềm vui, tặng sự bình an mà thế gian không thể cho được, kho tàng vui tươi của con phải vô tận” (ĐHV. số 540).
Qua những mẫu gương đó, chắc hẳn chúng ta không khỏi thắc mắc rằng: tại sao các ngài có được niềm vui như thế? Thưa! Đơn giản: vì các ngài có Chúa trong mình và làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa và con người.
Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng hôm nay còn được gọi là Chúa Nhật của niềm vui, hay Chúa Nhật Hồng. Phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy vui lên trong Chúa; hãy cảm nghiệm được tình thương và sự giải thoát của Thiên Chúa trong cuộc đời, nhất là tình thương cứu chuộc qua con của Người là Đức Giêsu. Tuy nhiên, để làm sao có được niềm vui cứu độ! Đây là điều chúng ta cùng nhau tìm hiểu qua ba bài đọc trong phụng vụ hôm nay.
1. Ý nghĩa Lời Chúa
Khi nói về niềm vui, chúng ta không thể chấp nhận một niềm vui giả tạo, nhưng niềm vui phải khởi đi từ chính nội tâm. Tâm tình này đã được tiên tri Sôphônia cảm nghiệm trong thời của Ngài.
Khi đối diện với cảnh nhiễu nhương, loạn lạc, cướp bóc, trả thù, tất cả những cái đó đã làm cho dân chúng thời bấy giờ rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi và làm hao mòn thể xác, héo hon tinh thần… Hơn nữa, khi sống trong thảm trạng cơ cực, nhục nhã, đắng cay, bên trong thì suy đồi đạo đức, bên ngoài thì họa xâm lăng tứ phía…. Điều này đã làm cho dân Chúa luôn khao khát, mong chờ từng ngày với hy vọng được giải thoát khỏi cảnh khổ đau sầu thương họ đang chịu…
Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, tiên tri Sôphônia đã tìm được niềm vui khi nhận ra sự tha thứ của Thiên Chúa, nên ngài hân hoan kêu gọi cũng như loan báo cho dân tin vui mừng: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa” (Xp 3, 14-15).
Niềm vui ấy cũng được thánh Phaolô diễn tả qua bài đọc 2 trong thư gửi giáo đoàn Philipphê khi mời gọi và loan báo về ơn giải thoát qua sự kiện Chúa gần đến, ngài nói: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến” (Pl 4,5).
Sang bài Tin Mừng, Gioan Tẩy Giả đã chỉ ra cho dân chúng thấy đâu là niềm vui thật và đâu là niềm vui giả tạo! Muốn có được niềm vui thực sự thì phải làm gì!
Giáo huấn của Gioan Tẩy Giả được bắt đầu bằng câu hỏi của dân chúng sau khi nghe ông rao giảng và kêu gọi sám hối để được hưởng trọn niềm vui của ơn cứu độ qua Đấng Cứu Thế: “Chúng tôi phải làm gì?”.
Để giúp cho mọi thành phần được ơn cứu độ, và hưởng trọn niềm vui đích thực, Gioan đã mời gọi họ dân chúng sống tình huynh đệ, sẻ chia: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”; với những người thu thuế, ngài dạy họ: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”; còn với quân nhân, Gioan lên tiếng dạy họ cách dứt khoát: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.
Những lời dạy của Gioan thật chí lý, thấu tình và thiết thực, không vòng vo, không trừu tượng, cũng như không quá khó! Những đường lối mà Gioan định hướng cho dân, ai cũng có thể làm được, nếu họ có đủ lòng khiêm tốn, sám hối và chân thành, nhất là nếu họ đặt mục đích tối hậu của cuộc đời mình nơi Chúa.
Khi dạy như thế, Gioan đã không buộc họ phải thay đổi nghề nghiệp, nhưng nếu để được hưởng trọn niềm vui đích thực thì phải thay đổi lối sống và cung cách hành xử.
2. Sống Lời Chúa
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta: hãy sám hối để thay đổi lối sống cho phù hợp với thánh ý Chúa.
Nếu lối sống cũ là một lối sống ích kỷ, nhỏ nhen, ưa sống hào nhoáng, hình thức bên ngoài, thì từ nay, hãy sống quảng đại, bao dung, tha thứ, nhất là tình thương ấy được ưu tiên cho người nghèo.
Nếu trước kia, chúng ta sống kiểu bề trên kẻ cả, lộng quyền, gian tham, bóc lột, thì từ nay, chúng ta phải sống trong tinh thần phục vụ, mình vì mọi người, chứ không phải mọi người vì mình, xây dựng sự công bằng, bác ái với nhau.
Nếu trước kia, chúng ta thường hay nói hành, nói xấu, vu vạ cáo gian, nhất là nhân danh điều tốt để làm chứng gian hại người, thì từ nay, chúng ta hãy sống trong sự thật, đơn sơ, chân thành…
Sống được như thế, chúng ta sẽ có niềm vui Tin Mừng đích thực, bởi tất cả những điều thiện hảo đó chính là hoa trái của sự sám hối.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con có được niềm vui sâu xa từ bên trong tâm hồn bằng việc thay đổi lối sống cho phù hợp với tinh thần của Chúa. Có được niềm vui đó, chúng con mới xứng đáng trở thành con của Chúa. Amen.
CHÚA NHẬT 3C MÙA VỌNG –2001
(Lc. 13:1-9) Lm Lã Mộng Thường
Bài Phúc Âm vừa được công bố bao gồm hai phần, mới thoạt nghe hay đọc tưởng chừng như chủ đích nói về sự ăn năn hối cải. Tuy nhiên, nếu để tâm nhận định, những sự thể được nhắc đến khuyến khích mọi người chúng ta nên đặt lại vấn đề nhận thức hầu giúp khả năng suy tư của chúng ta nơi hành trình đức tin nhận biết Tin Mừng Nước Trời. Phần thứ nhất của bài Phúc Âm nêu lên nhận định về những cái chết bất thường của một số người dân xứ Galilê bị ngược đãi, bị giết, và bị lấy máu hòa lẫn với máu thú vật để cúng tế, cũng như 18 người bị tháp Si-lô-ê sập đổ và đè chết. Tuy Phúc Âm nhắc đến những sự thể này nhưng Kinh Thánh không có nơi nào nhắc đến chuyện Philatô đã làm như vậy và đồng thời cũng không có tháp nào được gọi là tháp Si-lô-ê ở Jerusalem.
Thử bình tâm đôi phút nhớ lại về nhận định thường tình của mỗi người nói riêng và của đa số quần chúng nói chung, chúng ta đã quá quen thuộc với những suy tư nhân quả. Chẳng hạn, “Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió gặt bão”, “Trồng cây dâu ăn trái dâu” để khuyến khích con người sống hiền lành ngay thẳng. Qua Ca Dao, người xưa cho rằng cuộc sống của một người còn ảnh hưởng đến con cháu sau này vì “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, hoặc, “Ông cha kiếp trước khéo tu, nên sanh con cháu võng dù nghênh ngang”.
Có người suy gẫm về những diễn biến cuộc đời cho rằng có sự quả báo nhãn tiền để giải thích sự thể xảy đến cho ai đó nơi vài trường hợp. Đọc nơi Cựu Ước, chúng ta thường gặp quan niệm về một Thiên Chúa phù trợ kẻ có lòng ngay và tiêu diệt hay trừng phạt những ai chống lại Ngài hoặc đàn áp con dân của Ngài. Thế nên, bất cứ những sự gì có vẻ bất tường, nhất là những sự kiện e sợ xảy đến cho mình, chúng ta tự động gán ép hay mường tưởng về một nguyên nhân tương xứng đi kèm. Nơi hai trường hợp được nêu lên mà bình thường mọi người đều có ý nghĩ không hay về nguyên nhân luân lýhay đạo đức đã kiến tạo nên sự thể đáng ngại, Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu câu giải thích, “Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi sẽ bị hủy diệt như vậy”.
Thực ra xét theo phương diện vật chất, bất cứ ai cho dù chết cách nào, thân xác chúng ta sau một thời gian sẽ trở thành bụi đất. Thế nên, thân xác ai rồi cuối cùng cũng bị hủy diệt như nhau. Bởi vậy, sự ăn năn hối cải được Phúc Âm nhắc tới tất nhiên chỉ về trạng thái tâm hồn con người. Mọi người chúng ta đều hiểu, ngôn từ “Ăn năn hối cải” được phiên dịch do động từ Hy Lạp “Metanoia” có nghĩa thay đổi chiều hướng suy tư, suy nghĩ khác thường. Phúc Âm đặt nơi miệng Đức Giêsu câu trả lời khác thường đối với quan niệm nhận thức nhân sinh. Phúc Âm nhắc nhở chúng ta không nên nông nổi nhận định sự thể cuộc đời theo quan niệm hạn hẹp nhân sinh. Trường hợp cây vả trồng nơi vườn nho cũng thế, mới thoạt nghe, quả là quá dễ hiểu, và ai cũng đều nghĩ rằng cây vả không sinh trái thì đáng bị chặt bỏ. Cây vả tiếng Mỹ gọi là “fig tree” có trái như trái sung, khi chín ăn ngọt và thơm, đôi khi chúng ta thấy mọc bên đường.
Tuy nhiên, quý ông bà anh chị em đã quá quen với kinh nghiệm trồng cây, cấy rau, đều hiểu và thuộc nằm lòng câu ngạn ngữ, “Cây chạm lá, cá chạm vi”. Cây vả bị trồng nơi vườn nho, bị bóng rợp của giàn nho che khuất ánh nắng thì sao có thể lớn và sinh trái.
Xét như vậy, ông chủ đất ra lệnh chặt cây vả nhưng thực ra lên án người làm vườn vì đã không chịu suy nghĩ, nhận định nên trồng cây vả dưới bóng rợp của giàn nho. Nếu nhận định thâm trầm hơn theo lối viết ám định nơi Thánh Kinh thường gọi dân Chúa là vườn nho và chính Ngài là chủ vườn, bài Phúc Âm lên tiếng răn đe những vị lãnh nhận trách nhiệm rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Dân Chúa nơi bài Phúc Âm được ví như cây vả và người làm vườn là bất cứ ai khoác lên mình sứ vụ tông đồ truyền giáo, rao giảng ơn cứu độ, rao giảng Nước Chúa, hy sinh cho Chúa, hy sinh cứu các linh hồn, linh mục, tu sĩ, bề trên, bề dưới, và cả bề ngang v.v... đủ mọi thứ bề, đủ mọi chức tước. Bất cứ ai được trao trách nhiệm hoặc tự nhận trách nhiệm trước dân Chúa mà không suy nghiệm Phúc Âm để học theo Đức Giêsu để công bố, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, nhưng cổ võ cho những công chuyện nào đó, hoặc luân lý, hoặc phương diện thế tục khiến dân Chúa trở nên mù tối, không phát sinh hoa trái là sự thăng tiến nơi hành trình đức tin, hành trình nghiệm chứng Nước Thiên Chúa, đều là những tên làm vườn đáng bị lên án.
Lời Chúa là Thần Khí, là chính quyền lực của Ngài. Đây là lý do tại sao gọi Đức Giêsu là Ngôi Lời. Thần Khí, Lời Chúa, Ngôi Lời, Tin Mừng không được tuyên xưng, tuyên dương mà cổ võ cho luân lý thế tục, cho quyền hành, danh vọng, chức nọ, tước kia, thì những người làm vườn đã lạm dụng dân Chúa như thế phỏng đáng bị kết án như thế nào.
Suy như thế, bất cứ ai trong sứ vụ rao giảng Phúc Âm mà dùng bất cứ quyền lực hay phương tiện nào để tuyên truyền, cổ võ cho bất cứ gì không thuộc về Tin Mừng Nước Trời, hoặc rao giảng Phúc Âm theo nhận định thế tục chắc chắn đều bị lên án vì đã không giúp dân Chúa nhận biết và tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Phúc Âm viết ông chủ vườn nho ra lệnh cho người làm vườn chặt cây vả không sinh hoa trái quả là thâm trầm, khôn ngoan, và quá tuyệt vời nơi lối văn chương diễn xuất. Chẳng lạ gì Phúc Âm đã cho rằng Đức Giêsu đến để khiến kẻ mù được sáng và người sáng suốt trở nên tối tăm (Gn. 9:39), đồng thời lên án, khốn cho những kẻ cất đi chìa khóa mở đàng hiểu biết (Lc. 11:52). Amen.