CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN – A

“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy. Ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Mt 10, 37-42)

02/07/2023
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN – A

Mt 10, 37-42

CÔNG ÍT THƯỞNG NHIỀU
“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy. Ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Mt 10, 37-42)

Suy niệm: Thiên Chúa luôn luôn ân thưởng vượt quá công trạng cũng như sự mong đợi của con người. Đón tiếp một tiên tri sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri, đón tiếp người công chính sẽ hưởng phần công trạng của người công chính. Trước mặt Thiên Chúa, dù một bát nước lã dành cho một người bé mọn cũng không bị bỏ quên. Giá trị của phần thưởng không tuỳ thuộc ở độ lớn của việc làm của chúng ta, nhưng hệ tại ở chỗ chúng ta làm việc đó cho ai, vì ai: Làm việc cho Thiên Chúa thì sẽ lãnh công từ nơi Thiên Chúa. Mà thực ra, tự bản thân chúng ta nào có công trạng gì! Nhưng vì Thiên Chúa tính công cho chúng ta theo một “ba-rem” luỹ tiến quy về chính Chúa: “ai đón tiếp anh em đón tiếp Thầy,”“ai đón tiếp Thầy đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

Mời Bạn: Bạn không phải lo mình mất phần thưởng từ Thiên Chúa, nhưng hãy sợ mình không trung thành với Ngài; chỉ cần bạn làm những việc phục vụ dù nhỏ bé nhưng với tất cả tấm lòng chân thành yêu mến Chúa thì bạn cũng xứng đáng lãnh nhận phần thưởng gấp bội phần so với những gì mình đã làm được.

Chia sẻ: Động lực nào thúc đẩy bạn hy sinh từ bỏ mình và dấn thân phục vụ? Bạn cảm nhận gì khi sống và phục vụ những người mình không ưa thích?

Sống Lời Chúa: Sẵn sàng chấp nhận hy sinh bản thân mình để phục vụ cho phần rỗi của tha nhân và để làm vinh danh Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim mới, một trái tim biết yêu thương bằng tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con sẵn sàng phục vụ tha nhân cách khiêm tốn như Chúa đã tự hạ phục vụ chúng con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Chúa Nhật XIII Thường Niên - Năm A


Dẫn vào thánh lễ

Anh chị em thần mến! Làm môn đệ Chúa Kitô là đặt Ngài trên hết mọi sự, quên cả những người mà ta yêu mến nhất, trên cả mạng sống của ta: chính là vác thập giá mình mà theo Ngài, chính là sẵn sàng chết cho Ngài, sẵn sàng mở rộng cõi lòng đón tiếp người anh em như chính Chúa Kitô. Và vì thế, trong buổi họp mừng Chúa Phục Sinh hôm nay, chúng ta được mời gọi hãy ý thức lại một lần nữa sứ mệnh và những đòi hỏi của người môn đệ Chúa Kitô. Chúng ta hãy tẩy sạch tâm hồn khỏi mọi tội lỗi để xứng đáng cho buổi họp mừng này.

Ca nhập lễ

Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa với tiếng reo vui.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dủ lòng thương nhận chúng con làm nghĩa tử để chúng con trở thành con cái ánh sáng; xin đừng để chúng con sa vào cảnh tối tăm lầm lạc nhưng gìn giữ chúng con luôn rạng ngời ánh sáng chân lý Chúa. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: 2 V 4, 8-11. 14-16a

"Người đến trọ nhà mình, là một vị thánh của Thiên Chúa".

Trích sách Các Vua quyển thứ hai.

Một ngày nọ, Êlisê đi ngang qua miền Sunam. Ở đó có một bà sang trọng mời ông ở lại dùng bữa. Và từ đấy, mỗi khi ông đi ngang qua đó, ông đều đến nhà bà dùng bữa. Bà nói với chồng bà rằng: "Tôi biết rằng người thường trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy làm cho ông một căn phòng trên lầu, và đặt trong căn phòng đó một cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cây đèn, để mỗi khi đến, ông ở đó".

Một ngày nọ Êlisê đến, ông lên căn phòng trên lầu và nghỉ tại đó. Ông nói (với Giêzê, tiểu đồng của ông): "Bà muốn chúng ta làm gì cho bà?" Giêzê nói rằng: "Thầy khỏi hỏi, bà ấy không có con, và chồng bà đã già". Êlisê bảo gọi bà ta. Nghe gọi, bà liền đến đứng trước cửa, ông nói với bà rằng: "Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng bế một bé trai".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 16-17. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.

Xướng: Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời"; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. - Ðáp.

Xướng: Phúc thay dân tộc biết hân hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài. - Ðáp.

Xướng: Vì Chúa là vinh quang quyền năng của họ; nhờ ân huệ Chúa, uy quyền của chúng tôi được suy tôn. Bởi chưng khiên thuẫn chúng tôi là của Chúa, và vua chúng tôi thuộc về Ðấng Thánh của Israel. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 6, 3-4. 8-11

"Chúng ta chịu mai táng với Ngài nhờ phép rửa, chúng ta phải sống đời sống mới".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi vì được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng: chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Pr 2,9

Alleluia, alleluia! – Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, để loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 37-42

"Kẻ nào không mang lấy thập giá, thì không xứng đáng với Thầy; kẻ nào tiếp đón các con, là tiếp đón Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: "Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.

"Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi hãy từ bỏ mình vác thập giá hằng ngày mà theo Người. Với quyết tâm dấn thân theo Chúa, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

1. “Tôi biết rằng người thường trọ nhà mình là một vị Thánh của Thiên Chúa".- Xin Chúa thánh hoá các vị lãnh đạo dân Chúa để các ngài luôn sống thánh thiện, gương mẫu. Nhờ đó lời giảng dạy của các ngài có sức cuốn hút nhiều người tìm đến Chúa.

2. “Ai không vác Thập giá mình mà theo Ta, không xứng đáng với Ta”,- Xin cho các gia đình Kitô hữu biết vui nhận thánh giá Chúa gửi đến qua đời sống hằng ngày, để có thể đáp trả một phần nào tình yêu của Thiên Chúa đã gọi từ hư vô và còn cho sống trong Hội Thánh.

3. “Ai đành mất mạng sống vì Thầy sẽ được lại nó”,- Xin Chúa giúp những người hiến thân vì Chúa luôn ý thức vai trò chứng nhân của mình trước mặt dân Chúa, để biết không ngừng canh tân lòng yêu mến Chúa, và sẵn sàng hy sinh mọi sự vì Chúa.

4. "Nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người".- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết vui nhận những nghịch cảnh của đời sống, để cùng với Đức Kitô đi qua đau khổ, sự chết và bứơc vào sự sống muôn đời.

Chủ tế: Lạy Chúa, cuộc đời chúng con được như hôm nay là do hy sinh của bao người. Xin cho chúng con nhận ra Đức Kitô nơi những người nghèo khổ, để biết quảng đại giúp lại những anh chị em đó, như cách thế tích góp kho tàng nơi Quê Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa dùng các bí tích để ban phát ơn cứu độ; xin cho cộng đoàn chúng con biết cử hành lễ tế thờ phượng này với tinh thần phục vụ của Ðức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi hãy chúc tụng thánh danh Người.

Hoặc đọc:

Chúa nguyện rằng: Lạy Cha, Con cầu xin cho chúng, để chúng nên một như Ta, hầu thế gian tin rằng Cha đã sai Con.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chúng con vừa dâng lễ tạ ơn và đã được rước Mình và Máu Con Chúa là nguồn mạch sức sống dồi dào; xin cho chúng con hằng gắn bó cùng Chúa để sinh hoa quả tồn tại đến muôn đời. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

THIÊN CHÚA KHÔNG THUA LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA CON NGƯỜI

(2 V 4, 8-11.14-16a; Rm 6, 3-4.8-11; Mt 10, 37-42)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

 

Tại một Tòa Giám Mục miền Bắc Việt Nam, trong khuôn viên Tòa Giám mục, có một khẩu hiệu rất đặc biệt, đó là: “Mỗi vị khách là một Đức Giêsu”. Ấn tượng hơn nữa là cung cách của vị Giám Mục và nhiều nhân viên trong đó đã để lại cho người đến thăm nhiều cảm xúc qua cách đón tiếp mang đậm chất Kitô.

Khi ra về, nhiều người đã không ngớt lời khen ngợi tấm lòng hiếu khách, chân tình và đơn sơ của Đức Giám Mục và những người ở nơi đây.

Tại sao nơi đó lại có cung cách đối đãi tốt như vậy? Thưa, bởi vì nơi đó đã thấm đượm bài học của chính Đức Giêsu dạy: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10, 40).

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay sẽ lần lượt làm sáng tỏ nhằm giúp chúng ta hiểu tâm tình trên.

1. Lời Chúa

Khởi đi từ bài đọc 1, tác giả sách các Vua kể về sự kiện tiên tri Êlisê được một phụ nữ người Sunam đón tiếp rất thịnh tình khi ông và tiểu đồng đi ngang qua đây.

Người phụ nữ này là người thuộc giới thượng lưu trong thành. Gia đình giàu có. Đời sống vợ chồng rất ấm êm. Tuy nhiên, có một nỗi khổ tâm quá lớn đối với vợ chồng bà, đó là ông bà đã lớn tuổi mà không có con.

Nguyện vọng của ông bà là mong sao được Chúa thương nhận lời cho mình mụn con để nối dòng.

Được tiếp đãi tử tế và rất thân tình, tiên tri Êlisê nghĩ đến ân nghĩa, nên trước khi rời khỏi nơi ấy, ông đã ngỏ ý muốn trả ơn vì những điều mà gia đình đã làm cho ông cũng như tiểu đồng.

Tuy nhiên, bà chủ đã hoàn toàn khước từ, bởi bà luôn nghĩ rằng: “Người đến trọ nhà mình là một vị thánh”. Vì thế, khi đón tiếp Ngài là đón tiếp người của Thiên Chúa. Vì thế, không lẽ lại sòng phẳng như “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại???” Vì thế, dù nói thế nào, bà đều từ chối không hề nhận bất cứ thứ gì mà vị tiên tri đáp lễ.

Thấy được tấm lòng chân thành ấy, Êlisê cũng áy náy! Tuy nhiên, khi được tiểu đồng mách cho biết nguyện vọng của ông bà là muốn có một người con để nối dõi tông đường cũng như tránh đi sự tủi nhục.

Thấy được sự khao khát chính đáng, Êlisê đã cầu nguyện và chúc phúc cho hai ông bà và nói tiên tri: “Vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai bồng”. Sau đó tiên tri Êlisê lên đường. Đúng như điều đã nói, bằng rầy sang năm, ông bà đã có một người con trai.

Tuy nhiên, niềm vui chỉ được ít lâu, vì chỉ vài năm sau, thằng bé bị bệnh và qua đời.

Khi nghe tin ấy, tiên tri Êlisê đã không ngớt cầu xin Chúa cho con bà được sống lại, và Chúa đã nhận lời. Đứa trẻ đã sống lại để sống một cuộc sống mới trong ân sủng và tình thương của Thiên Chúa.

Qua câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy: Thiên Chúa không thua lòng quảng đại của con người. Nếu chúng ta rộng tay làm phúc cho Chúa hay những người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta với lòng mến, thì chắc chắn Chúa sẽ trả ơn gấp bội.

Sang bài đọc 2, thánh Phaolô đi xa hơn để cho thấy nền tảng và nguồn gốc của sự sống mới chính là Đức Giêsu, Đấng đã sống cuộc sống như ta, đã chết và đã sống lại vì nhân loại. Ngài nói: “Nếu ta cùng chết, cùng được mai táng với Ngài, thì ta cũng có được một đời sống mới như Ngài”.

Nếu trước kia, tâm hồn chúng ta đầy rãy những tội lỗi, bon chen, ích kỷ, hận thù, kiêu ngạo và thiếu tinh thần bác ái, thì khi ta được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, nghĩa là ta được dìm mình vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh của Đức Giêsu Kitô. Từ đó, con người của ta được biến đổi và được mặc lấy sự sống mới trong Ngài.

Thật vậy, nếu chết đi cho tội là loại bỏ những ích kỷ, tham vọng, nhục dục, thù hận, ghét ghen, vô cảm, vô tâm, dửng dưng, thì sống một đời sống mới trong Đức Giêsu Kitô là biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy; biết yêu thương, tha thứ, nhân từ, cảm thông, liên đới, quảng đại, dấn thân vì người nghèo..., bởi vì những thứ đó thuộc về phẩm chất của Thiên Chúa và chúng ta được mời gọi loan truyền tình thương của Ngài qua những hành vi đó.

Đỉnh cao của phụng vụ Lời Chúa hôm nay là bài Tin Mừng.

Như một lời hiệu triệu, Đức Giêsu đã nói về sự liên đới giữa Ngài với ta, giữa ta với Ngài và Thiên Chúa Cha trong một đường dây bác ái. Ngài nói: “Ai đón tiếp một trẻ nhỏ... là đón tiếp Thầy... ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy...”. Mối liên hệ này cho thấy sự khăng khít và giao hảo giữa ba thành phần: Thiên Chúa - Đức Kitô và nhân loại.  Nói khác đi, ta được Thiên Chúa cứu độ nhờ Đức Kitô và cùng với anh chị em.

Chính vì thế mà Đức Giêsu đã đặt trọng tâm của sự liên kết này qua người nghèo và mời gọi người môn đệ hãy làm cho mối liên hệ này được trở nên sống động hơn.

Như vậy, qua 3 bài đọc, chúng ta thấy có một chủ đề xuyên suốt, đó là: nếu ta rộng lòng quảng đại giúp đỡ những người khó khăn, bần cùng trong tâm tình mến yêu Chúa và anh chị em, ta sẽ được Thiên Chúa trọng thưởng ở ngay đời này và cả đời sau. Thiên Chúa không bao giờ thua lòng quảng đại của chúng ta. Ngược lại, Người sẽ trả công hậu hĩnh đến không ngờ.

2. Sống sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đi vào mối tương quan với Thiên Chúa cách sống động.

Hành trình này có thể được ví như một hành trình đức tin. Đức tin ấy được chứng minh bằng những việc thực thi đức ái, từ bỏ tội lỗi để sống cho Thiên Chúa.

Chúng ta không thể nói rằng: đức tin của tôi chỉ cần được ghi trong sổ Rửa Tội; đức tin của tôi cũng chỉ cần ở trong nhà thờ; hay đức tin của tôi chẳng cần phải tỏ lộ ra bên ngoài.

Không! Nói như thế là tự mâu thuẫn, không nền tảng và vu vơ, chẳng khác gì người xây nhà mình trên nền cát, bởi vì: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 26); hay như thánh Gioan nói: “Người anh em chúng ta nhìn thấy mà không yêu mến, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Đấng ta không thấy?” (x. 1 Ga 4, 20)

Đức tin mà chúng ta được đón nhận phải đưa chúng ta vào trong sự sống mới của Đức Kitô, mà sự sống mới của Đức Kitô chính là vâng lời Chúa Cha tuyệt đối và yêu con người đến cùng.

Như vậy, nếu ta nói mình là môn đệ, là người thuộc về Đức Kitô mà ta không lắng nghe Lời Chúa, hay lắng nghe xong rồi bỏ, hoặc nghe một đàng làm một nẻo... thì chúng ta không khác gì hạt giống gieo bên vệ đường, bụi gai, sỏi đá.

Hay nếu nói là người đi theo Chúa, mà ta không mang trong mình tâm tư của Chúa, đó là từ bi, nhân hậu, bao dung, tha thứ, liên đới, nhất là thi hành bác ái dối với người nghèo, bảo vệ người cô thế cô thân, bênh vực cho công bằng, sống sự thật...thì chúng ta có khác gì những Pharisêu giả hình thời xưa đâu?

Mong sao, Lời Đức Giêsu dạy khi xưa: "Mỗi lần các ngươi làm cho một người nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40), sẽ được chúng ta ý thức và mau mắn thi hành trong lòng mến, để sau này, chúng ta được Thiên Chúa trọng thưởng trên Thiên Đàng.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết yêu thương anh chị em chúng con bằng tình yêu chân thành và đầy lòng mến. Xin cũng ban cho chúng con biết sống xứng đáng là con cái Chúa khi chúng con biết đi theo đường lối của Thiên Chúa trong ánh sáng và chân lý. Amen.

Chúa Nhật XIII Thường Niên - Năm A
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 10, 37-42).
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ rằng: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.
 
“Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.
 
Suy niệm
 
Hành trình đức tin của mỗi tín hữu là một hành trình đầy những thách đố, lắm lúc có những chọn lựa rất quyết liệt. Những chọn lựa đó có thể làm tổn hại đến cuộc sống hiện tại, hay có những chọn lựa có thể làm cho bản thân thua thiệt và mất mát. Để có được hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa, người môn đệ phải chấp nhận những mất mát, những thua thiệt đó, để xứng đáng với ơn cứu độ Con Thiên Chúa đã đem đến cho con người.
 
Câu chuyện trong bài đọc 1 trích từ sách Các Vua quyển thứ nhất kể lại câu chuyện về một gia đình ở Sunam vào thời Ngôn sứ Êlisê, đây là một gia đình khá giả nhưng vợ chồng lại ở trong tình trạng hiếm muộn con cái. Do đó, dù có đủ tiện nghi về cuộc sống, nhưng trong tâm hồn mỗi người vẫn có những nét đượm buồn bởi vắng bóng con cái. Thay vì để mình sa đọa vào những tệ nạn xã hội hay ngoại tình, vợ chồng này đã dùng những gì mình có để giúp đỡ người của Thiên Chúa: “Một ngày nọ, Êlisê đi ngang qua miền Sunam. Ở đó có một bà sang trọng mời ông ở lại dùng bữa. Và từ đấy, mỗi khi ông đi ngang qua đó, ông đều đến nhà bà dùng bữa. Bà nói với chồng bà rằng: “Tôi biết rằng người thường trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa”. Chấp nhận hy sinh những gì mình có cho Thiên Chúa qua những ngôn sứ hay các môn đệ là một sự hy sinh không rơi vào quên lãng, sau khi đã chia sẻ những gì mình có cho Ngôn sứ Êlisê, gia đình ở Sunan đã có một đứa con nối dòng. Quả là một món quà của Giavê dành cho những ai sẵn sàng hy sinh tình cảm riêng tư, hy sinh những của cải nơi gia đình, để giúp đỡ Thiên Chúa trong chương trình của Ngài: “Êlisê bảo gọi bà ta. Nghe gọi, bà liền đến đứng trước cửa, ông nói với bà rằng: “Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng bế một bé trai”.
 
Đứng trước những lo lắng của dân thành Roma về những mất mát, những thiệt thòi khi từ bỏ mọi sự đi theo Đức Giêsu phục sinh, thánh Phaolô đã giải thích cho họ biết, đi theo Đức Giêsu, Thầy Chí Thánh, đấng đã chết và đã phục sinh, sẽ không bao giờ phải thiệt thòi, phải mất mát: “nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng: chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa”. Khi chọn con đường mang tên Giêsu, nhiều người vẫn nghĩ đó là con đường màu hồng, nhưng thực tế, khi đối diện với cuộc sống, sẽ khó nhận ra đó có phải là màu hồng của niềm vui hay đầy những thất bại và thiệt thòi trong màu xám. Chọn con đường Giêsu, với thế gian là điên rồ, nhưng với Thầy Giêsu, đó là một chọn lựa đem lại nhiều lợi ích thiêng thánh và phần rỗi đời sau. Thế gian thường chê bai và khinh miệt con đường đó, nhưng lời hứa cứu độ của Con Thiên Chúa dành cho ai đi theo con đường đó là được sống đời đời.
 
Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe có vẻ hơi chói tai bởi những đòi hỏi của Đức Giêsu, Ngài đề nghị với các môn đệ: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó”. Đức Giêsu không phủ nhận những giá trị của gia đình, của tình anh chị em trong cùng một tổ ấm, cùng chung một Cha, một Mẹ với nhau, nhưng Ngài muốn chúng ta dựa trên những giá trị của Tin Mừng, để xây dựng một tình người ấm áp hơn trong một gia đình, một cộng đoàn. Gia đình là cộng đoàn đầu tiên và cũng là nền tảng để con người hiện hữu và lớn lên tron một xã hội và trong Giáo hội, nơi cộng đoàn đó, con người được giáo dục để sống tình người, để yêu thương nhau, để giúp đỡ và chi sẻ với nhau mọi khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng, khi đề cập đến giá trị của Nước Trời, Đức Giêsu lại đặt giá trị gia đình sang một bên, tưởng chừng như giảm nhẹ giá trị của nó, nhưng thực ra, nếu đặt tất cả những lời giáo huấn của Đức Giêsu trong sứ mạng cứu độ nhân loại, Đức Giêsu mong muốn tất cả đều được xây dựng trên những giá trị của Tin Mừng, những giá trị đó nếu đem so sánh với những giá trị của thế gian, có thể làm cho người nghe chói tai và khó chịu, nhưng thực ra ngay cả gia đình và tình người trong cuộc sống, nếu dựa vào những giá trị nhân bản Kitô giáo từ Tin Mừng, nếu dựa trên giá trị của tình yêu đích thực đến từ Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy những giá trị đó phát triển từng ngày, và hoa trái của nó sẽ là những trái ngọt, quả thơm. Nếu chúng ta chọn những giá trị của thế gian, những yếu tố của trần thế, để xây dựng gia đình, để giáo dục con cái, thì sẽ sớm rơi vào vết xe đổ của tội lỗi và các thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn, sớm trở thành nạn nhân của bạo lực, của hận thù và của chết chóc.
 
Trong đời sống hôn nhân, đây là một ơn gọi nên thánh giữa đời, những người chồng người vợ trong các gia đình đều được mời gọi thi hành trách vụ của mình dựa trên nền tảng là Tin Mừng, là những giá trị của tình yêu đích thực đến từ Thiên Chúa. Khi họ bước vào đời sống hôn nhân, trước hết tình yêu họ là tình yêu tự hiến, một tình yêu sẵn sàng chết cho người mình yêu, chết đi cái tôi, chết đi sự ích kỷ và hẹp hòi của mình, để cho người mình yêu được sống và sống dồi dào. Họ còn được mời đi vào quỹ đạo của tình yêu phục vụ, phục vụ gia đình, phục vụ con cái như Thầy Chí Thánh của mình đã phục vụ nhân loại. Tất cả những giá trị đó luôn vượt lên trên tất cả những giá trị của thế gian, do đó, Đức Giêsu đã mời các môn đệ của Ngài khi thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng, hãy đặt tất cả trên nền tảng của Tin Mừng cứu độ, đặt nền tảng trên những giá trị của tình yêu đích thực, đừng đặt tất cả trên nền tảng hạnh phúc của thế gian và giả tạo.
 
Bước vào thế giới hôm nay, sự giả tạo hay hình thức bên ngoài có lúc được quan tâm hơn những giá trị đích thực dựa trên Tin Mừng. Đời sống tận hiến là một ơn gọi đặc biệt, được mời phục vụ tha nhân trong tình yêu của Đức Giêsu phục sinh. Quả thực đó là một ơn gọi có một chiều sâu nội tâm rất lớn, thế nhưng, những con người được mời lên đường trong ơn gọi đó, là những người đi trong thế giới này, một thế giới nghiêng chiều về hưởng thụ và đề cao tính cá nhân, có những lúc họ bị cám dỗ sống cho cái tôi của mình trong sự hưởng thụ, bởi thế, những giá trị của thế gian được đề cao và tục hóa những giá trị thiêng thánh của ơn gọi và của mỗi linh đạo. Có phải những lúc đó, con người yêu mến thế gian hơn yêu mến Nước Trời không? Có phải vô tình họ đang chối bỏ những giá trị của Tin Mừng, và thay vào đó những giá trị của thế gian không?
 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đem đến cho nhân loại một niềm vui đó là niềm vui được cứu độ, được làm con Thiên Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết chọn lấy những giá trị của ơn cứu độ, để được sống và sống trong gia đình của Ngài. Chúa đã đặt giá trị của sự vâng phục Chúa Cha trên tất cả những cám dỗ giữa đời, xin cho chúng con biết học bài học của sự khiêm tốn và vâng phục, để được Chúa yêu và được yêu Chúa mãi mãi. Amen.

ĐỊA CHỈ TỐI ƯU
(Chúa Nhật XIII TN A) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Các bạn trẻ ngày nay rất thích nghe diễn giảng về chủ đề thành công trong cuộc sống. Có một vài điểm chung trong các bài diễn thuyết của nhiều danh nhân, doanh nhân thành đạt mà có thể kể ra hai điểm chung thường thấy trình bày đó là để đạt thành công trong cuộc sống thì cần phải có “hoài bão” (ambition) và biết cách “đầu tư” (investing). Sống mà không có hoài bão tức là không có mục đích, lý tưởng cụ thể thì hầu chắc không thể thành công. Người có hoài bão mà không biết đầu tư công sức, thời giờ và cả vật chất cho mục tiêu lý tưởng muốn đạt thì cũng chỉ là người mộng mơ viễn vông.

Phụng vụ Lời Chúa, Giáo hội dọn cho đoàn tín hữu trong Chúa Nhật XIII TN A có thể nói tập trung vào chủ đề “đầu tư đúng địa chỉ tối ưu” để được hạnh phúc viên mãn, để được sống đời đời. Đầu tư là hành vi bỏ ra, tiêu phí một khoản nào đó và rồi sau đó mong sẽ thu lại một khoản nhiều hơn phần đã bỏ ra. Dĩ nhiên đã và đang có đó nhiều người đầu tư cách thiếu khôn ngoan, lầm lạc và hậu quả là phần thu lại ít hơn phần đã bỏ ra và có khi là chẳng thu lại được gì, kiểu “dã tràng xe cát”. Một trong những lý do gây ra các hậu quả trên đó là vì họ đã đầu tư không đúng địa chỉ.

Bài đọc thứ nhất trích Sách các vua quyển thứ hai tường thuật câu chuyện một cặp vợ chồng cao niên ở miền Sunam đã biết khôn ngoan đầu tư đúng địa chỉ. Hai vợ chồng đã đón tiếp ngôn sứ Êlisêu và dâng cho Ngài căn phòng khá đủ tiện nghi trên lầu. Hiệu quả của sự đầu tư của hai vợ chồng như nhãn tiền với lời khẳng định của vị ngôn sứ: “Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng một bé trai” (2V 4, 16a). Trong cảnh già nua mà vẫn son sẻ thì quả là một điều bất hạnh và là một nỗi nhục trước mặt người đời. Dâng trao cho vị ngôn sứ chỉ một căn phòng vật chất và rồi lại được một người con nối dõi tông đường thì quả là thu một món lời khôn kể xiết. Ngoài ra căn phòng ấy cũng không mất đâu cả vì hầu chắc vị ngôn sứ sẽ không ở lại đó mãi mãi. Đầu tư đúng địa chỉ quả là một hành vi khôn ngoan.

Bài Tin Mừng tường thuật những lời của Chúa Giêsu thoạt xem ra có vẻ nghịch thường. Một vị tôn sư lại thẳng thừng kêu gọi người ta phải yêu mến mình hơn cả mẹ cha. Người lại còn mạnh mẽ khẳng định rằng kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Người, thì sẽ tìm lại được mạng sống (x.Mt 10,37-39).

Một lý chứng duy nhất biện minh cho người có những lời lẽ xem ra nghịch thường và cả sống sượng như thế, đó là vì người ấy chính là Thiên Chúa, là Đấng dựng nên các bậc sinh thành của chúng ta, là Đấng cho chúng ta từ hư vô làm người trên cõi dương trần này. Những ai tin nhận Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật thì mới có thể đón nhận và sống theo những lời ấy.

Đã tin Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, là Đấng mà nhờ Người mọi vật mọi loài được dựng nên (x.Col 1, 15-20), thì việc chọn yêu mến Người hơn cả mẹ cha, việc sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì Người chính là việc đầu tư khôn ngoan nhất vì đã đầu tư đúng địa chỉ tối ưu nhất. Chắc chắn một khi đã đầu tư đúng địa chỉ tối ưu thì phần sẽ thu lại là gấp trăm gấp ngàn lần phần đã bỏ ra. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng minh định rõ sự thật này với các môn đệ. Khi Phêrô lên tiếng thưa: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” thì Chúa Giêsu đã nói: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái, ruộng đất gấp trăm lần, cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10, 28-30).

Cần lưu ý là trong lời khẳng định của Chúa Giêsu có đó sự ngược đãi. Đây là một hiện thực và cũng là một chướng ngại phải vượt qua. Bất cứ sự đầu tư nào cũng có đó phần khó khăn vì kết quả luôn ở thì tương lai. Để mong thành công trong những thiện hảo đời này thì người đầu tư dĩ nhiên cần một chút liều lĩnh nào đó, nói đúng hơn là sự can đảm và kiên trì vượt khó. “Đường đến thành công không hề có bóng chân của người ngại khó, sợ khổ” (Franklin). Để được thành nhân và nhất là được hạnh phúc vĩnh cửu thì khi khôn ngoan đầu tư mọi sự vào Đấng Cứu Độ thì vẫn có đó chướng ngại phải can đảm vượt qua. Đó là mầu nhiệm thập giá mà Chúa Kitô đã nói rõ ràng: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23). 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...