CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN - NĂM C

“Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12, 21)

31/07/2022
CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN - C



Lc 12, 13-21

 
CÙNG ĐÍCH CUỘC ĐỜI TA 

“Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12, 21)

Suy niệm: “Tham lam là cái hố không đáy, làm kiệt sức những người nỗ lực không ngừng nhằm thỏa mãn nhu cầu mà không bao giờ được thỏa mãn” (Nhà tâm lý E. Fromm). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giê-su từ chối làm vị quan tòa giải quyết việc phân chia gia tài. Việc phân chia ấy con người có thể tự giải quyết với nhau, không gì phải nại đến Ngài. Là Thiên Chúa làm người, Ngài đến để hướng dẫn con người nhận biết cùng đích tối hậu của đời người là thờ phượng, yêu mến Thiên Chúa, mưu cầu sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc muôn đời cho mình và người khác. Một khi xác định được cùng đích tối hậu ấy, ta sẽ đặt tiền bạc, của cải vào đúng vị trí của nó: giúp ta phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân; không tham lam, nhưng hoàn toàn tự do với của cải cuộc đời.

Mời Bạn: “Lòng kiêu hãnh, tính ghen tị, sự tham lam - Ba điều này là tia lửa làm bùng ngọn lửa trong trái tim con người” (D. Alighieri). Ngọn lửa nào trong ba ngọn lửa ấy cũng đốt cháy tâm hồn bạn, làm tiêu tan bao tâm tình đạo đức với Chúa, tình nghĩa với người thân, cũng như sự an bình trong tâm hồn. Bạn cần xem nơi mình có ba tia lửa nguy hiểm ấy không để trừ khử hầu sống đúng tư thế người con cái Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín lại cùng đích tối hậu của đời mình, để biết sử dụng của cải theo ý Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến để đem ơn cứu độ cho nhân loại: Sống mối tương quan tốt đẹp với Chúa Cha trong tình con thảo, với người thân cận như anh chị em. Xin nâng đỡ con đón nhận ơn cứu độ với lòng trân trọng.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN - C

Ca nhập lễ

Ôi Thiên Chúa, xin Chúa vui lòng giải thoát tôi, Lạy Chúa, xin Ngài hãy mau mau giúp đỡ tôi. Chúa là Đấng giúp đỡ và giải thoát tôi; Ôi lạy Chúa, xin Ngài chớ nên chậm trễ.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Một trong những nỗi khát vọng lớn của con người là ước muốn được an toàn. Những quảng cáo bảo hiểm, để dành tiền trong ngân hàng, đều đánh đúng vào cái bản năng muốn được an toàn và sinh tồn. Xét về đời sống vật chất, chúng ta đều sửa soạn dự liệu cho tương lai khi về già.

Bài sách Giảng Viên nói về những người làm việc vì sự nghiệp trần gian, coi đó là cùng đích, thì những cố gắng của họ là hư không, vì nó không dựa trên những sự nghiệp vĩnh cửu, nên con người ăn không ngon ngủ không yên là phải. Vì thế, Thánh Phaolô Tông Đồ trong thư gửi tín hữu Colosê căn dặn ta hãy tìm kiếm những sự trên trời, đừng lo những của cải trần thế.

Chính vì vậy Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng đã muốn chúng ta hãy đặt cho đúng chỗ những ước muốn của con người. Vậy chúng ta hãy bước theo Đức Kitô trong hiến tế giờ đây, bằng lòng thống hối ăn năn, cương quyết từ bỏ những ràng buộc bất chính để xứng đáng cử hành Mầu Nhiệm Thánh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con tự hào vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn; xin Chúa hằng dủ thương nâng đỡ chúng con, cùng ban ơn đổi mới và gìn giữ mọi loài Chúa dựng nên cho chúng con được hưởng nhờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Gv 1, 2; 2, 21-23

“Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm”.

Trích sách Giảng Viên.

Giảng Viên đã dạy rằng: Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không, và mọi sự đều hư không. Vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không, thì thật là hư không và tai hại lớn lao. Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm mà phải chịu đau khổ cực lòng dưới phàm trần? Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng, thế thì chẳng phải là hư không sao?

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8).

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. 

Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. 

Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”. 

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-5, 9-11

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang. Vậy còn sống trên địa cầu, anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng.

Anh em chớ nói dối với nhau; anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Ðấng đã tạo thành nó: ở đấy không còn là dân ngoại và Do-thái, chịu phép cắt bì hay không chịu phép cắt bì, người man rợ hay người Scytha, nô lệ hay tự do nữa, nhưng mọi sự và trong mọi sự có Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 13-21

“Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”. Người bảo kẻ ấy rằng: “Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?” Rồi Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: “Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: ‘Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?’ Ðoạn người ấy nói: ‘Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: “Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi”. Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: ‘Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?’ Vì kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Của cải vật chất là hồng ân Chúa ban để ta hưởng dùng và mưu cầu hạnh phúc. Nhưng phải sử dụng cách nào cho hợp ý Chúa. Trông cậy ơn Chúa giúp, chúng ta dâng lời cầu xin.

1. “Ích gì cho ngươi bởi mọi việc mình làm mà phải chịu đau khổ cực lòng dưới phàm trần?”- Xin cho các vị lãnh đạo dân Chúa tha thiết với sứ vụ, vì ý thức rằng sau khi lận đận vì đoàn chiên Chúa, luôn được Chúa trao lại cho phần thưởng cả đời này lẫn đời sau.

2. “Anh em hãy lột bỏ con người cũ cùng các việc làm của nó”.- Xin cho các tín hữu nhờ ân sủng của Chúa và sống hi sinh, theo gương Chúa Kitô và các Thánh, để trị diệt con người cũ và thăng hoa con người mới, xứng với danh hiệu nghĩa tử của Thiên Chúa.

3. “Các ngươi hãy coi chừng giữ mình tránh khỏi mọi thứ tham lam”– Xin cho các nhà khoa học biết yêu chuộng hòa bình, quyết tâm không phát minh những vũ khí giết hại nhân loại, hầu có thể thực tâm mưu cầu hòa bình cho mọi nơi, để thế giới mà Chúa đã tạo dựng cách tốt đẹp, không bị hủy diệt vì bàn tay tội lỗi của con người

4. “Chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm đâu”- Xin cho những người sống đời dâng hiến luôn nhớ rằng: nhân loại cần lời cầu nguyện chân thành và sốt sáng của họ hơn bất cứ gì khác, để thế giới được ổn định và phát triển.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhớ rằng: cầu nguyện là hiện diện trước nhan Chúa, bầy tỏ tình yêu và gắn bó với Ngài, để không gì có thể làm chúng con xa lìa Chúa dù tiồn tài, danh vọng hay bất cứ gì khác. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thánh hóa và chấp nhận của lễ này là biểu hiện lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ban cho chúng tôi bánh bởi trời, có đủ mọi mùi thơm ngon và mọi hương vị ngọt ngào.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không  hề khát bao giờ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúa không ngừng ban ơn phù trợ và lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con; xin tiếp tục chở che nâng đỡ để chúng con xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

“Tiền nhiều để làm gì?”

Chúa nhật thứ XVIII mùa Thường niên – năm C
+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Từ vài tháng nay, trong ngôn ngữ thường ngày hoặc các bài viết trên báo mạng, người ta trích dẫn một câu nói đã trở thành “nổi tiếng”: “Tiền nhiều để làm gì?”. Đây là phát ngôn của một vị đại gia có tiếng tăm trong thương trường, được người ta tôn làm “vua” và sở hữu một tài sản khổng lồ. Điều đáng nói là vị đại gia ấy, tuy nhiều tiền, mà hạnh phúc lại long đong. Thế nên, sau nhiều năm chung sống, đôi vợ chồng ấy có nhiều bất đồng và phải ra tòa ly dị. Báo chí tốn khá nhiều giấy mực về việc ly hôn của cặp vợ chồng này. Vụ án xem ra chưa có hồi kết thúc, vì còn nhiều bất đồng về việc chia tài sản.

Cùng với vụ ly hôn đình đám vừa nêu, xung quanh chúng ta có biết bao tranh chấp thường xuyên xảy ra và đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Đó là những xung đột, kiện cáo nhau ra tòa. Nhiều vụ việc mà đương đơn và bị đơn là những người có mối liên hệ rất gần gũi thiêng liêng, thậm chí là cha mẹ với con cái. Những điều này cho thấy không phải lúc nào tiền bạc cũng đem lại cho con người hạnh phúc.

“Tiền nhiều để làm gì”, khi mái ấm không còn, tình yêu biến thành thù hận, vợ chồng thành kẻ thù? Đây là một trải nghiệm cay đắng. Bởi lẽ tiền bạc rất quý, nhưng không phải lúc nào nó cũng đem cho chúng ta hạnh phúc.

Dù không trực tiếp đặt câu hỏi chính xác như trên, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng ngầm hỏi anh phú hộ: “Tiền để làm gì?” qua lời kết án: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”. Anh phú hộ đáng trách không phải vì anh giàu, mà vì anh sống ích kỷ, khép kín và không quan tâm đến người khác. Anh nghĩ rằng tiền bạc sẽ đem lại cho anh tất cả, và nhất là cho anh được hạnh phúc. Nhưng thực tế không phải như vậy. Trong khi anh tự cho mình là giàu có và những người khác trầm trồ khen ngợi anh là khôn ngoan, thì Thiên Chúa lại bảo anh ta là “đồ ngốc”. Anh mải mê tính toán và quá tự tin vào kho tàng của mình, nhưng điều quan trọng là sự sống con người thì anh lại chẳng giữ được.

Chúa Giêsu đã kết luận câu chuyện: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”. Thông điệp mà Chúa muốn gửi cho chúng ta qua hình ảnh người phú hộ quá rõ ràng: có nhiều người giàu có về của cải mà nghèo nàn về tình người. Họ cũng sẽ phải chịu số phận như anh phú hộ trên đây. Nếu chỉ lo tích cóp nhiều của cải, khi chết nào có mang được gì đâu.

Cuộc đời là phù du. Tác giả sách Giảng Viên có lối hành văn của một lãng tử. Ông coi mọi sự như rơm rác và cho rằng mọi sự dưới gầm trời này chỉ là “sắc sắc không không”. Tất cả chi là hư vô. Trăm năm trước chẳng có ta; trăm năm sau cũng thế. Cuộc đời sẽ rất nhàm chán và đơn điệu nếu như không có Chúa. Ngài là lý tưởng của đời sống chúng ta. Tin vào Ngài làm cho cuộc này đậm đà hương vị và ý nghĩa ngọt ngào. Tin vào Chúa giúp ta mở rộng tâm hồn để chia sẻ và cảm thông với tha nhân, và như thế cuộc đời bớt đi vẻ đơn điệu. Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy một cuộc sống ích kỷ, khép kín dù có phú túc mà thiếu niềm vui, dù có dồi dào mà không hạnh phúc. Khi kết luận mọi sự để hư vô, tác giả sách Giảng Viên khuyên chúng ta hãy tìm đến những giá trị bền vững, kiếm tìm những của cải không ai lấy mất được.

Thực ra, ai trong chúng ta cũng cần tiền và ai trong chúng ta cũng phải có tiền mới sống được. Tiền bạc giúp chúng ta có cuộc sống ổn định và xứng với phẩm giá con người. Tuy vậy, những ai tham lam và kiếm tiền bằng những phương pháp trái với lương tâm và luật Chúa, sớm hay muộn cũng sẽ thất bại. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, cùng với việc kiếm kế sinh nhai để bảo đảm cuộc sống cách lương thiện, chúng ta cũng phải lo lắng cho tâm hồn, để đến lúc Chúa đến gọi, chúng ta sẵn sàng và thanh thản về với Ngài.

“Hãy hướng lòng trí về thượng giới!”. Thánh Phaolô khuyên chúng ta như vậy (Bài đọc II). Bởi lẽ cuộc sống này chắng phải là quê hương vĩnh cửu. Chúa Giêsu đã sống lại, như một bảo chứng của quyền năng Thiên Chúa. Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới là mặc lấy Đức Kitô. Ngược lại với thượng giới là hạ giới, tức là những nết xấu đang tồn tại trong con người chúng ta: gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam dối trá. Khi loại bỏ được con người hạ giới, chúng ta sẽ nhẹ nhàng thanh thản để theo Đức Kitô và thuộc trọn về Người.

“Tiền bạc chưa bao giờ và không bao giờ khiến con người hạnh phúc, trong bản chất nó không có gì có thể tạo ra hạnh phúc. Một người càng có nó nhiều bao nhiêu càng muốn nó nhiều bấy nhiêu” (Benjamin Franklin).

Chúa nhật 18C Thường niên
(Lc. 12:13-21) Lm. Lã Mộng Thường

Khi đọc hoặc nghe bài Phúc Âm vừa được công bố, nhận thức kinh nghiệm sống hiện về rõ ràng nơi tâm trí mỗi người. Ai cũng thế, vào đời đơn độc và ra đi lạnh lùng. Cuộc đời này không ai dọn sẵn cỗ cho ai và cũng không ai đợi chờ cơ hội sẵn cỗ ngồi vào. Nơi cuộc sống, tay làm hàm nhai, tay quai tất nhiên miệng trễ. Nếu ai để ý xem xét sẽ nhận được điều khá lạ lùng đó là có những người chịu khó làm lụng cực khổ, ăn tiêu chừng mực thế mà nghèo vẫn hoàn nghèo trong khi lại cũng có những người chúng ta thường gọi là được sinh ra trong bọc điều, làm chơi ăn thật, giầu có, cuộc sống thảnh thơi.…

Tuy nhiên, cho dù có cuộc đời thế nào chăng nữa, khi xuôi tay nhắm mắt, người giầu có, quyền hành cũng như nghèo hèn, khốn khổ, đều bị chôn vùi nơi lòng đất và xác thân trở thành tro bụi như nhau. Nếu có những trường hợp đặc biệt lại tùy thuộc cuộc sống tâm linh của người đó thế nào. Qua nhận xét tổng quát như thế, chúng ta có thể nêu lên nhận định: cuộc đời là phương tiện cũng như cơ hội cho con người trong giai đoạn có sự hiện hữu hữu hình. Và vì có xác thân nên của cải vật chất là phương tiện giúp con người tiếp tục sống để hoàn thành sứ mạng được trao phó… cũng như công việc làm là phương tiện cung cấp nhu yếu, là kế sinh nhai để con người tiếp tục sống. Nếu nhận xét về sự sống của một con người, chúng ta được sinh ra với đầy đủ những điều kiện thiết yếu như nhau, dẫu có những trường hợp đặc biệt mà bình thường, chúng ta chưa có đủ khả năng để nhận biết nguyên nhân tại sao. Ai cũng có con tim liên tục đập, lá phổi thở, mắt mũi, tay chân v.v... nhưng vì đã không để ý tìm hiểu chính mình, chúng ta cho thân xác của mình là sự thường bởi đó đã đặt nặng giá trị của một người dựa trên giá trị tiền bạc, tài sản, của cải mình có được.

Khi đặt giá trị con người nơi tiếng tăm gặt hái được qua công việc hay lối sống, chúng ta có câu, “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”. Tiếng ở đây là tiếng tốt chứ không phải tiếng xấu. Hay như quan niệm của Nguyễn Công Trứ qua lời thơ, “Đã sinh ra ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông”. Hoặc đôi khi chúng ta thấy nơi những chương trình truyền hình, người ta định giá con người bằng giá trị Mỹ kim… Ông nghệ sĩ này trị giá vài triệu Mỹ kim, nữ tài tử kia vài chục triệu hoặc hơn hay kém.

Thử đặt lại vấn đề, giả sử con tim của chúng ta không đập mới đáng ngại, không nhà lớn, không xe đẹp, chúng ta vẫn sống. Dù được định giá bao nhiêu hay không bao giờ được ai để ý, cuộc đời hoặc giá trị của con người chúng ta cũng thế mà thôi. Khi xuôi tay nhắm mắt, thân xác của ai rồi cũng như ai, trở về lòng đất. Như vậy, giá trị của một người không tùy thuộc bất cứ gì mà tự có giá trị bởi có được sự hiện hữu, có cuộc đời nơi dương thế. Tự xét, chúng ta không ai biết lý do tại sao mình được sinh ra trong cuộc đời và vì lý do gì mình có cuộc đời như mình đang có.

Thêm vào đó, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, bất cứ ai trong chúng ta cũng cảm thấy tha thiết với cuộc sống đồng thời sợ chết và chúng ta cho rằng cuộc đời là một hồng ân vì mình đã được sinh vào thế giới hữu hình như nơi kinh Cám Ơn chúng ta thường đọc và có lẽ ít khi để ý, “Con cám ơn Đức Chúa Trời là Đấng hằng có, lòng lành vô cùng, chẳng để con không đời đời mà đã sinh ra con, cho con được làm người”. Đọc nơi Phúc Âm chúng ta biết mục đích chính yếu của cuộc đời mỗi người đó là, “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, và các sự khác sẽ được ban thêm cho các ngươi” (Mt. 6:33).

Như vậy, đối với những ai đặt niềm tin nơi Đức Giêsu và những lời giảng dạy của Ngài, cuộc đời được ban cho chính là cơ hội để thăng tiến nơi hành trình đức tin, hành trình tâm linh. Và như vậy, cuộc đời là phương tiện để nhận ra thực thể Tin Mừng Nước Trời Ngài đã rao giảng. Cuộc đời một người chính là hành trình để tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Nói cách khác, mục đích tối hậu của những ai tin nơi Phúc Âm đó là cuộc sống đạt tới thực thể Tin Mừng Nước Trời, nhận thực ra Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động từng giây từng phút nơi mình;có cuộc sống minh chứng Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Phúc Âm Mátthêu nói thêm, “Vì thế Ta bảo các ngươi: Chớ lo cho mạng sống mình, các ngươi ăn gì, hay về thân xác, các ngươi mặc gì. Há mạng sống không hơn của ăn và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy coi chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm và Cha các ngươi, Đấng ở trên trời nuôi nấng chúng! Các ngươi không hơn chúng sao? Ai trong các ngươi chỉ lo mà có thể thêm cho đời mình một gang nữa? Còn về áo mặc, các ngươi lo làm gì? Hãy ngắm hoa huệ ngoài đồng xem chúng lớn lên thế nào? Không nhọc nhằn, cũng chẳng canh cửi! Nhưng Ta bảo các ngươi: Salômôn trong tất cả vinh hoa đời ông cũng không ăn vận sánh tày một đóa hoa đó. Nếu cỏ đồng nội, nay còn, mai sẽ quăng lò mà Thiên Chúa còn mặc cho như thế thì huống chi là các ngươi, hỡi quân yếu tin!” (Mt. 6:25-30).

Tóm lại, mỗi người được sinh ra với cuộc đời được kiến tạo qua những môi trường khác nhau vì được gọi theo những hành trình khác nhau nhưng tựu trung mục đích tối hậu của mỗi người vẫn chỉ là đạt tới thực thể Tin Mừng Nước Trời, nhận biết thâm sâu chính Thiên Chúa đang ngự trị và hoạt động nơi mình. Bởi Thiên Chúa ngự trị nơi chúng ta nên đức tin chính là quyền lực của Ngài nơi mỗi người mà chúng ta vẫn chưa nhận biết.

Phúc Âm cũng khuyên chúng ta, những gì chúng ta cầm buộc lòng dạ mình, những gì chúng ta theo đuổi nơi cuộc sống này, linh hồn chúng ta sau khi chết sẽ lệ thuộc những ước mơ ấy. Cuộc đời được ban cho trở thành cơ hội thăng tiến đức tin hay án buộc linh hồn sau này tùy thuộc mục đích, ước muốn của mỗi người ngay bây giờ và những ngày còn sót lại trước khi từ giã cõi trần. Amen.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...