THỨ BA TUẦN 3 THƯỜNG NIÊN
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.” (Lc 1,39-55)
28/01/2025
thứ ba tuần 3 thường niên
Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lc 1,39-55
TẠ ƠN NGÀY CUỐI NĂM
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.” (Lc 1,39-55)
Suy niệm: Thiên Chúa đã ban cho ta 365 ngày trong năm qua; do đó, dành ra ngày cuối năm để bày tỏ lòng biết ơn Ngài là điều phải đạo. Với lòng tri ân, ta nhận ra một năm qua với bao sự kiện nối tiếp nhau không vô nghĩa nhưng là trong bàn tay quan phòng yêu thương của Ngài. Với lòng tri ân cảm tạ, ta sống ngày cuối năm với sự an bình nội tâm, và hướng về năm mới, Năm Thánh 2025, năm của người lữ hành trên đường hy vọng. Khi sống tâm tình tạ ơn, ta có được một thứ hoa trái quý giá cho cuộc sống, đó là niềm vui. Nhà thần học K. Barth nói rằng niềm vui là hình thức đơn giản nhất của lòng biết ơn. Ta vui khi sống tâm tình biết ơn, ta mừng như một cung cách bày tỏ lòng tri ân với ân nhân của mình. Vì thế, ngày tạ ơn cuối năm phải là ngày vui 24/24 giờ, bù lại những ngày u ám buồn tẻ khi lòng biết ơn chưa ghi đậm nét nơi trái tim mình.
Mời Bạn: Niềm vui ấy trước hết rộn ràng nơi tâm hồn, rồi cũng được diễn tả trên khuôn mặt của người con cái Chúa. Một khuôn mặt lúc nào cũng cau có, bực tức, không thể thường xuyên xuất hiện nơi dung mạo người ghi khắc lòng tri ân Thiên Chúa, vị Đại Ân của đời mình. Bạn thử soi gương nhìn vào khuôn mặt bạn, xem đâu là cảm xúc ‘thường trú’ nơi khuôn mặt ấy.
Sống Lời Chúa: Tối nay, sau thánh lễ tất niên, tôi hay cả gia đình quỳ trước bàn thờ gia đình, cùng đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, suy niệm 5 Phút Lời Chúa, và tạ ơn Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin lỗi Chúa vì bao thiếu sót lầm lỗi, và cũng tạ ơn Chúa vì vô vàn ân huệ Chúa ban cho con trong năm qua. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ ba tuần 3 thường niên
Ca nhập lễ
Toàn thể địa cầu, hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy ca mừng Chúa. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan Người, uy hùng và tráng lệ phủ trên ngai báu Người.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hướng dẫn chúng con biết hành động theo thánh ý Chúa, để nhờ kết hợp với con Một Chúa là Ðức Giê-su Ki-tô, chúng con đem lại hoa quả dồi dào là việc lành phúc đức. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 10, 1-10
“Lạy Chúa, này tôi đến để làm theo thánh ý Chúa”
Bài trích thơ gửi tín hữu Do thái.
Anh em thân mến, lề luật là bóng dáng của những việc tốt lành tương lai, chớ không phải chính hình ảnh chân chính của sự thật.
Lề luật ấy với những hy tế được hiến dâng liên tiếp hằng năm không bao giờ có thể làm cho những kẻ đến tham dự được hoàn hảo.
Chẳng vậy, người ta sẽ chấm dứt việc tế lễ, vì lẽ những người làm việc phượng tự này, đã được tẩy sạch một lần rồi, nên không còn ý thức mình có tội nữa.
Ngược lại, các lễ tế hằng năm nhắc nhở người ta nhớ đến tội lỗi.
Bởi chưng máu bò dê không thể xóa bỏ tội lỗi.
Vì thế, khi đến trong thế gian, Chúa Giê-su phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác.
Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội.
Nên tôi nói: Lạy Chúa, nầy tôi đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về tôi ở đoạn đầu cuốn sách.
Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật”.
Ðoạn Người nói tiếp: “Lạy Chúa, nầy đây tôi đến để thi hành thánh ý Chúa”.
Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau, chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hóa nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv. 39,2 và 4ab, 7-8a, 7-9, 10, 11
Ðáp: Lạy Chúa, nầy tôi xin đến, để thực thi ý Chúa. (8a và 9a)
Xướng: Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên tôi, và Ngài đã nghe tiếng tôi kêu cầu. Ngài đã đặt trong miệng tôi một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta.
Xướng: Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai tôi. Chúa không đòi hỏi hy lễ toàn thiêu và đền tội, bấy giờ tôi đã thưa: “Nầy tôi xin đến”.
Xướng: Như trong cuốn sách đã chép về tôi: lạy Chúa, tôi sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận lòng tôi.
Xướng: Tôi đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực tôi đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.
Xướng: Tôi chẳng có che đậy đức công minh Chúa trong lòng tôi: tôi đã kể ra lòng trung thành với ơn phù trợ Chúa, tôi đã không giấu giếm gì với Ðại Hội về ân sủng và lòng trung thành của Chúa.
Bài Ðọc I: (Năm II) 2 Sm 6, 12b-15, 17-19
“Ða-vít và toàn dân Ít-ra-en hân hoan đi rước hòm bia Thiên Chúa”.
Trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Ða-vít hân hoan đi mang hòm bia Thiên Chúa từ nhà Ô-vết Ê-đôm về thành Ða-vít. Vua dẫn theo bảy ca đoàn và đàn bò con làm của lễ. Khi những người mang hòm bia Thiên Chúa đi được sáu bước, thì Ða-vít hiến tế một con bò và một con bê. Ngài tận lực nhảy múa trước Thiên Chúa. Ngài mang khăn vải điều ngang lưng. Ngài và toàn thể nhà Ít-ra-en mang hòm bia Thiên Chúa hân hoan và trong tiếng kèn trống. Họ rước hòm bia Thiên Chúa vào đặt giữa nhà tạm mà Ða-vít đã dựng sẵn. Rồi ngài hiến dâng của lễ toàn thiêu và của lễ bình an; ngài nhân danh Chúa các đạo binh mà chúc lành cho dân chúng, đoạn ngài phân phát cho toàn dân Israel, nam cũng như nữ, mỗi người một ổ bánh mì, một miếng thịt và một chiếc bánh chiên dầu. Và toàn dân giải tán, ai về nhà nấy.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 23, 7. 8. 9. 10
Ðáp: Vua hiển vinh là ai vậy? Chính Người là Thiên Chúa
Xướng: Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên; vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự quá!
Xướng: Nhưng vua hiển vinh là ai vậy? Ðó là Chúa dũng lực hùng anh, đó là Chúa anh hùng của chiến chinh.
Xướng: Các cửa ơi, hãy ngẩng đầu lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua hiển vinh Người ngự quá.
Xướng: Nhưng vua hiển vinh là ai vậy? Ðó là Chúa đạo thiên binh, chính Người là Hoàng Ðế hiển vinh.
Alleluia: Ga 15,15b
Alleluia, Alleluia. – Chúa phán: “Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3, 31-35
“Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Mác-cô.
Khi ấy, mẹ Chúa Giê-su và anh em Người đến và đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra.
Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình với Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”.
Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?”
Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Ðây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.
Ðó là Lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con dâng, và lấy quyền năng Thánh Thần mà thánh hoá, để nhờ của lễ này, chúng con được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Các bạn hãy nhìn về Chúa, thì các bạn sẽ vui tươi, và sẽ không hổ ngươi bẽ mặt.
Hoặc đọc:
Chúa phán: “Ta là ánh sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ không đi trong u tối, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã rộng ban cho chúng con Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô, Con Một Chúa là nguồn mạch sự sống dồi dào; xin cho chúng con được luôn luôn hoan hỷ vì ân huệ Chúa ban. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
GIA ĐÌNH THIÊNG LIÊNG CỦA CHÚA (Mc 3,31-35)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em và là mẹ tôi”. Phải chăng câu trả lời của Đức Giê-su nhắc cho mỗi người chúng ta rằng, ngoài sợi dây theo huyết nhục còn một sợi dây cao quí hơn do lời Chúa liên kết, biến chúng ta thành anh chị em với nhau. Thật vậy, mối dây bền chặt nhất là liên hệ với Thiên Chúa bằng cách nghe và thực thi ý Ngài. Vậy mỗi người chúng ta luôn phải tìm hiểu và sống Lời Chúa. Lời Chúa sẽ làm cho chúng ta nên thân thiện với nhau và sống trong hạnh phúc.
2. Trong lúc Đức Giê-su đang rao giảng, dân chúng đông đảo vây quanh Ngài, khiến cho mẹ và thân nhân có việc muốn gặp Ngài, nên không thể chen chân vào được.
Sự việc xảy ra sau chuyện (M 3,20-27) bà con được tin Chúa làm việc quá sức mình, quên ăn quên nghỉ; đàng khác gây nên bao nhiêu thù địch nên muốn đến bắt Ngài, đưa về nơi yên ổn, giữ sức khỏe cho Ngài, nhất là để tránh những biệt phái gây chuyện khiến thế quyền và giáo quyền có thể thi hành quyền đối với Ngài và liên lụy cho bà con họ hàng.
Lần này có sự hiện diện của Đức Mẹ cùng với bà con muốn đến gặp Đức Giê-su, khi Ngài đang giảng dạy ở Ca-phác-num, và có đông đảo dân chúng đến nghe. Sự việc này nói lên tính cách liên đới ruột thịt máu mủ giữa những phần tử trong gia đình và trong họ hàng.
3. “Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi” (Mc 3,33)?
Câu nói của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là khi bắt đầu đời công khai, Đức Giê-su đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy”. Chẳng những Đức Giê-su không ra gặp mẹ, mà còn nói: ”Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta”.
Thật ra, qua câu nói này, Đức Giê-su gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Đức Giê-su, con của Mẹ. Như thế câu nói của Đức Giê-su cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.
4. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, là mẹ Ta” (Mc 3,35).
Đối với bản thân mình, Đức Giê-su coi trọng việc rao giảng Lời Chúa hơn việc gặp bà con; đối với người khác, Ngài coi trọng những người nghe Lời Chúa hơn cả bà con của Ngài.
Điều này làm chúng ta phải suy nghĩ và tự hỏi mình: bản thân tôi là Ki-tô hữu, tôi đã thuộc về Đức Ki-tô chưa. Biết và thi hành ý muốn của Chúa, tôi sẽ là mẹ, là anh chị em của Ngài. Vâng, Chúa đã nói với những kẻ ngồi xung quanh Ngài như thế.
Hôm nay, Chúa cũng tha thiết nói với tôi, với những người xung quanh tôi như vậy, từ những người trí thức đến những người thấp kém trong xã hội. Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ đón nhận và làm cho Lời Chúa thấm nhuần cả đời sống của ta, gia đình và xã hội, để Đức Giê-su không ngừng lớn lên trong ta và trong mọi người. Như thế đó, ta vừa là mẹ vừa là anh chị em của Ngài.
Nhiều lần tôi đã từ chối chức vụ cao trọng ấy, vì còn miệt mài cạnh tranh, dành giật những địa vị khá hơn, cao hơn; mong cho cuộc sống được “sung túc”.
Lạy Chúa, xin cho con biết trọng địa vị cao sang Chúa dành cho con là được làm mẹ và làm anh chị em Ngài, khi lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. (Epphata).
5. Truyện: Thực hành Lời Chúa.
Trong Chúa nhật đầu tiên tại một giáo xứ, vị linh mục vừa nhận chức đã giảng một bài giảng rất văn hoa, xúc tích, sâu sắc, hùng hồn. Tất cả các tín hữu có mặt hôm ấy cảm thấy rất sốt sắng và phấn khởi. Có lẽ có nhiều người đã dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho họ một vị linh mục có tài ăn nói: “Phun châu nhả ngọc”.
Tiếng đồn về cha xứ mới lan mau như lửa cháy, vì thế vào Chúa nhật kế tiếp, nhà thờ bỗng trở nên đông đảo hơn các Chúa nhật khác. Mọi người nóng lòng chở đợi cho đến lúc cha giảng. Nhưng cha xứ lại giảng một bài gần giống như bài giảng Chúa nhật tuần trước đó. Rồi trong Thánh lễ Chúa nhật thứ 3, thứ 4, kế tiếp đó cũng vẫn một bài giảng đó.
Hội đồng giáo xứ liền cử người đến hỏi cha xứ xem tại sao mà ngài lại cứ giảng đi giảng lại một bài giảng hoài như vậy? Cha xứ bèn trả lời:
– Tại sao anh chị em vẫn cứ sống như cách đây 6 tuần trước. Khi nào anh chị em đem áp dụng những gì tôi đã trình bầy tôi sẽ giảng bài giảng mới.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Ca nhập lễ
Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan, và lưỡi người nói điều đoan chính; luật Thiên Chúa ở trong lòng người.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã làm cho Thánh Tô-ma trở nên một bậc thầy lỗi lạc vì đã ban cho người lòng tha thiết sống cuộc đời thánh thiện và hăng say giảng dạy đạo lý cao siêu. Xin Chúa thương mở lòng soi trí để chúng con ngày càng hiểu biết điều người dạy và ra công bắt chước việc người làm. Chúng con cầu xin …
Bài Ðọc
Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin dủ thương chấp nhận của lễ chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa nhân ngày mừng kính thánh Toma Aquino Trung thành với giáo huấn của thánh nhân, chúng con muốn hiến trọn thân mình, cùng với của lễ đang dâng tiến Chúa đây. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con bằng bánh trường sinh là Ðức Kitô. Xin cũng nhờ Ðức Kitô là thầy mà giáo huấn chúng con. Nhờ thế, chúng con sẽ noi gương thánh Toma Aquino để lại mà học biết chân lý của Chúa và đem ra thực hành, bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Chúng con cầu xin…
Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Vì ngày 07.03, ngày qua đời của thánh Tôma Aquinô, luôn rơi vào Mùa Chay, nên lễ nhớ của ngài được dời lại ngày 28.01, kỷ niệm ngày chuyển di hài thánh nhân về tu viện Đaminh ở Toulouse ngày 28.01.1368.
Con của một công tước ở miền nam nước Ý và người mẹ gốc Đức, thánh Tôma sinh năm 1226 tại lâu đài Roccasecca (Aquin) gần Mont-Cassin, thuộc vương quốc Naples. Từ thuở bé đã đi tìm Chúa, nên đến Đan viện Mont-Cassin để được giáo dục. Sau đó được gởi đến đại học ở Naples : dưới ảnh hưởng của các thầy xuất sắc, người thanh niên này có được những khởi đầu thật tốt về khoa học tự nhiên và luận lý.
Vào năm 1244, lúc 18 tuổi, chống lại ý muốn của cha mẹ, ngài đã vào Dòng Đaminh tại Naples để sống đặc sủng của thánh Đaminh: “Rao giảng Lời Chúa bằng cách chiêm ngăm say sưa, cử hành cách long trọng và học hỏi cách khoa học”. Sau những khó khăn do gia đình gây nên, Tôma lên đường đến Cologne, nhưng ngài bị bắt và bị nhốt trong một lâu đài 15 tháng. Khi được trả tự do, lúc 21 tuổi, Tôma được phép sống lý tưởng Đaminh, mà ngài rất tha thiết.
Năm 1245, thánh Tôma học tại Paris trong trường của thánh Albertô Cả, ngài cũng theo thánh nhân đến Cologne. Trở về Paris năm 1252, ngài được gọi làm giáo sư thần học (1256) và bắt đầu giảng dạy. Trở về Ý, từ năm 1259 đến 1269, ngài phục vụ Đức Giáo Hoàng Urbain IV. Trong các tác phẩm, ngài đã soạn quyển “Dây xích mạ vàng” để giúp hàng giáo sĩ hiểu được Lời Chúa; “Tổng luận chống lại kẻ ngoại” để cung cấp cho các nhà truyền giáo nơi người Hồi giáo một giáo lý đại kết vững vàng; “Phụng Vụ lễ Thánh Thể”, được Đức Giáo Hoàng Urbain IV thiết lập.
Trong những năm 1269-1272, ngài ở Paris để bảo vệ tính hợp pháp của những trường Dòng mới được Hội thánh chấp nhận, cũng như tính chính thống riêng của đường hướng triết và thần học. Đường hướng này dựa trên thuyết Duy thực của Aristote, gây nghi ngờ với phái cổ điển theo Augustinô mà trường phái Phanxicô đang đại diện. Trong thời gian này, ngài viết tác phẩm “Dẫn giải các tác phẩm của Aristote”; trong quyển này, ngài minh chứng cách áp dụng tư tưởng triết học Aristote vào việc giảng dạy thần học. Từ đó ngài soạn thảo tác phẩm vĩ đại “Tổng luận thần học” (1266-1273) trình bày hợp đề mà ngài đã khổ công làm việc và cho thấy rõ tư tưởng của mình.
Được gọi về Naples, nơi Charles D’Anjou tái lập đại học tại đây, Tôma đã giảng dạy tại đây. Khi được Đức Giáo Hoàng Grégoire X mời tham dự Công đồng đại kết thứ 2 tại Lyon (1274) như cố vấn thần học để kết nối lại các Kitô hữu của Constantinople và Rôma, ngài ngã bệnh trên đường đi đến Lyon và qua đời tại Fossanova, gần Rôma ngày 07.03.1274, lúc 48 tuổi. Ngài vừa viết xong một chuyên khảo về “Đức tin vào Chúa Ba Ngôi”.
Được Đức Giáo Hoàng Gioan XXII phong thánh vào năm 1323, khi tuyên bố thánh Tôma đã làm nhiều phép lạ cũng bằng các đề tài ngài viết ; Thánh nhân được tôn vinh làm tiến sĩ Hội thánh vào năm 1567. Được gọi là “tiến sĩ Thiên thần – Docteur angélique” vào thế kỷ XVI vì đời sống thánh thiện, và “tiến sĩ chung – Docteur commun” về khả năng tổng hợp và sự hiểu biết Thánh Truyền. Năm 1880, ngài được nâng lên làm thánh quan thầy các đại học và các trường Công giáo.
Trong mỹ thuật, thánh Tôma Aquinô được trình bày trong tu phục Đaminh, cầm một quyển sách và một ngôi sao toả sáng trên ngực. Ngài cũng được vẽ chung với các thánh trong bức “Đội triều thiên cho Đức Trinh Nữ” (Fra Angelico), trong bức “Tranh luận về bí tích Thánh Thể” (Raphael, Vatican), trong bức “Khải hoàn của thánh Tôma Aquin” (Zurbaran, Séville).
Thông điệp và tính thời sự
Thánh Tôma Aquinô được gọi là “tiến sĩ Thiên thần”, cũng được gọi là “người khôn ngoan trên tất cả các thánh và người thánh nhất trên các kẻ khôn ngoan”. Lời cầu nguyện riêng công nhận Thiên Chúa đã tạo ngài “thành một mẫu gương kỳ diệu trong việc tìm kiếm một đời sống thánh thiện và tình yêu với khoa học thánh”.
Khao khát sự thánh thiện từ khi còn thơ bé, ngài thực tập một kỷ luật nghiêm khắc trong suốt cuộc đời, đặt việc cầu nguyện và chiêm ngắm trên hết. Theo gương Chúa Giêsu là mục tiêu đời sống của mình. Trong một lần đối thoại hàng ngày với Đức Giêsu, ngài đã nghe Thầy Chí Thánh dạy : “Tôma, ngươi đã viết nhiều điều tốt đẹp về Ta, ngươi muốn ta thưởng gì cho ngươi ? – Lạy Chúa, không gì cả, ngoài chính Ngài.”
Đấng chịu đóng đinh vào thập giá là quyển sách mà thánh nhân rút mọi nguồn khoa học của mình, ngài nói, “Người ta chỉ chuyển đạt cho kẻ khác điều mà người ta đã suy niệm”. Trong một cuộc thảo luận về Kinh Tin Kính, thánh nhân động viên các học sinh của mình: “…Không một mẫu gương nhân đức nào mà lại thiếu vắng thập tự. Nếu anh muốn tìm một gương bác ái… một gương kiên nhẫn…một gương khiêm nhường, hãy nhìn cây Thánh giá”. Chúa luôn là Đấng được phục vụ, là Đấng đầu tiên được yêu mến. Câu đáp của kinh Benedictus: “Thánh Tôma yêu Người trong kinh nguyện, trong lao động và trong sự tìm kiếm chân lý.” Thánh Tôma Aquinô luôn tìm chân lý, nhưng rất nhân từ, ngay với kẻ thù. Peckham, giáo sư Dòng thánh Phanxicô, đánh giá thánh Tôma “một người tranh luận tuyệt vời, nhưng vẫn luôn nghiêm khắc, đạo đức và nhân ái trong khi tranh luận”.
“Tình yêu đối với khoa học thánh” thúc đẩy thánh Tôma trước hết học Thánh Kinh ; ngài đã viết nhiều tập giải thích Thánh Kinh : về các Ngôn sứ, về nhiều Sách Thánh, không kể đến quyển “Sợi xích vàng” hay là quyển thu tập các tác phẩm Giáo phụ về đoạn giải thích Thánh Kinh. Chống lại thuyết Averroisme đang lan tràn, tác phẩm của thánh Tôma là một cố gắng lớn để kiến tạo giáo lý Kitô giáo, hòa hợp giữa đức tin và lý trí, các tín điều Kitô giáo với lý thuyết của Aristote.
Tác phẩm vĩ đại của thánh tiến sĩ Thiên thần được tô vẽ trong một bức tranh mà người ta có thể chiêm ngắm trong thánh đường Santa Maria Novella ở Florence (Chiến thắng của sự khôn ngoan: thế kỷ thứ XIII). Giữa bức tranh, thánh Tôma ngồi, cầm quyển sách đang mở và người ta đọc được hàng chữ: Tôi cầu nguyện và Chúa đã ban sự khôn ngoan cho tôi. Tôi van xin, Thần trí khôn ngoan đến với tôi. Tôi ưa thích Thần trí này hơn mọi ngai vàng hay vương trượng; bên cạnh sự khôn ngoan này, tôi không coi sự giàu sang là cái gì cả”. (Kn 7,7-8)
Theo thánh Tôma Aquinô, sự khôn ngoan là điều kiện của cả tình yêu, chỉ vì, theo ngài, “sự hạnh phúc của một tạo vật có lý trí được tìm thấy trong sự khôn ngoan”.
Trong Lời nguyện nhập lễ, chúng ta cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu những lời giảng dạy và noi gương sáng của thánh Tôma. Vì thế, về việc đào tạo hàng giáo sĩ, điều 252 của Giáo luật, ghi chú về vị thánh tiến sĩ này: “Cần có các lớp về thần học Tín Lý, luôn luôn dựa vào Lời Chúa chứa đựng trong Thánh Kinh cùng với thánh Truyền, nhờ vậy, với thánh Tôma làm tôn sư, các chủng sinh học biết tường tận mầu nhiệm cứu độ.”
Sứ điệp của thánh Tôma Aquinô được tóm tắt trong đáp ca của kinh Magnificát ban chiều : “Sự khôn ngoan được ban cho những ai khao khát ; ai chiếm hữu được sự khôn ngoan, sẽ trở thành bạn của Thiên Chúa.” Thánh tiến sĩ Thiên thần, qua mẫu gương đời sống của ngài, cho chúng ta thấy phải khao khát sự khôn ngoan như thế nào để có thể đạt được nó : chiêm ngắm, cầu nguyện và học hỏi không ngừng, vì “Ánh sáng của Thần trí tràn đầy tình yêu” chỉ có thể được ban cho những ai luôn sống trong khổ hạnh.
Enzo Lodi
THỰC THI Ý CHÚA
(LỄ THÁNH TÔMA AQUINÔ 28/01)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Tôma Aquinô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa làm cho thánh Tôma trở nên một bậc thầy lỗi lạc, vì đã ban cho người lòng tha thiết sống cuộc đời thánh thiện và hăng say giảng dạy đạo lý cao siêu. Xin Chúa thương mở lòng soi trí để chúng ta ngày càng hiểu biết điều người dạy và ra công bắt chước việc người làm. Thánh nhân sinh năm 1225 trong một gia đình quý tộc ở Aquinô, nước Ý, rồi theo học tại Đan Viện Montê Cátxinô, tiếp đến tại đại học Napôli, cuối cùng Tôma nhập Dòng Anh Em Thuyết Giáo và hoàn tất việc học tại Pari và Côlônhơ, dưới sự dẫn dắt của một bậc thánh sư là Anbêtô Cả. Thánh Tôma đã thể hiện trọn vẹn lý tưởng Dòng Thánh Đaminh là chiêm niệm và truyền đạt cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm. Vừa là triết gia, vừa là thần học gia, trong vai trò giáo sư, thánh nhân đã suy nghĩ, giảng dạy và viết rất nhiều, nhưng trước hết và trên hết, thánh nhân là người chiêm niệm, người đã cầu nguyện nhiều và đã tuân thủ một kỷ luật nghiêm khắc để có thể đạt tới ánh sáng tinh tuyền. Thánh nhân qua đời ngày 7 tháng 3 năm 1274 tại Đan Viện Xitô ở Phốtxanôva. Ngày 28 tháng Giêng là ngày thi hài thánh nhân được cải táng đưa về Tuludơ năm 1369.
Hiểu biết và bắt chước làm theo những gì Chúa đã truyền dạy cho cha ông chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Đệ Nhị Luật cho thấy: Để luôn tưởng nhớ giao ước giữa Thiên Chúa với Dân Người, Dân của Người phải nhắc cho nhau nhớ ngày Đức Chúa đã cho mình được trở nên Dân Thánh của Người. Anh em là dân Chúa tuyển chọn. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em là Dân của Thiên Chúa. Xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được Chúa xót thương. Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến mà chọn anh em, và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ.
Hiểu biết và bắt chước làm theo những bài học khôn ngoan của thập giá, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Tôma Aquinô nói: Không có gương nhân đức nào mà không có nơi thập giá… Tôi đã nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi đã kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi. Tôi đã trọng Đức Khôn Ngoan hơn vương trượng, hơn ngai vàng. Nếu ai trong anh em thiếu Đức Khôn Ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho, vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách mắng.
Hiểu biết và bắt chước làm theo gương vâng phục của Đức Giêsu, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thư Hípri nói: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 39, vịnh gia cũng cho thấy: Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: Này con xin đến. Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi. Chúa mặc khải những điều cao trọng cho những kẻ bé mọn, những kẻ bé mọn là những người ngoan ngùy dễ dàng vâng theo thánh ý Chúa, chấp nhận những nghịch lý của thập giá. Thật vậy, Đức Kitô chịu đau khổ để làm phương dược chữa trị tội lỗi, và để làm gương cho chúng ta noi theo. Chúng ta muốn sống đời hoàn hảo, thì không cần làm gì khác, ngoài việc, khinh chê những gì Đức Kitô đã khinh chê trên thập giá và ao ước những gì Người đã ước ao, bởi vì, không có gương nhân đức nào mà không có nơi thập giá. Thánh Tôma đã yêu mến thập giá Đức Kitô, và đã trở nên một bậc thầy lỗi lạc, để giảng dạy những đạo lý cao siêu. Ước gì chúng ta ngày càng hiểu biết điều người dạy, và ra công bắt chước việc người làm. Ước gì được như thế!
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Lễ Tất Niên - Tạ ơn cuối năm
Ca nhập lễ
Đàn hát lên! nhờ Thánh Thần linh hứng, trót tâm tình dâng Thiên Chúa là Cha. Luôn cảm tạ Người nhân danh Thánh Tử, vì Người ban muôn phúc lộc chan hòa.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong suốt cả năm nay, Chúa đã thương ban ơn phù trợ cho hồn xác chúng con an toàn. Giờ đây năm cũ sắp qua, chúng con cùng họp nhau dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân, và xin Chúa thứ tha tội lỗi, để chúng con được thư thái bình an trước thềm năm mới. Chúng con cầu xin…
Bài đọc I: Is 63,7-9
Bài trích sách tiên tri I-sai-a
Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa, dâng lời ca tụng Đức Chúa, vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng tôi vì lòng nhân hậu lớn lao của Người đối với nhà Ít-ra-en, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân. Người đã phán: “Thật, chúng là dân của Ta, là những đứa con không biết lừa dối!” Và đối với họ, Người đã là một vị cứu tinh, trong mọi cơn quẫn bách. Không phải là một sứ giả hay một thiên thần đã cứu thoát họ, nhưng là chính tôn nhan Người. Vì yêu mến và thương cảm, chính Người đã chuộc họ về, đã vực họ dậy và mang họ đi suốt thời gian quá khứ.
Đó là lời Chúa.
Đáp ca: Tv 135,1 và 3.4 và 23.25-26
Đáp: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Xướng: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Hãy tạ ơn Chúa các chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Xướng: Chỉ có Người làm nên những kỳ công vĩ đại, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, Chúa đã nhớ đến ta giữa cảnh nhục nhằn, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Xướng: Người ban lương thực cho tất cả chúng sinh, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Hãy tạ ơn Thiên Chúa cửu trùng, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Bài đọc II: 1Cr 1,3-9
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô
Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô. Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng khiển trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ngự đến. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Đó là lời Chúa
Alleluia
Alleluia. Alleluia. Chúa đã làm cho tôi những điều cao cả, thật danh Người chí thánh chí tôn. Alleluia.
Phúc âm
“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần. Bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.
Và Maria nói: “Linh hồn tôi ca ngợi Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Người đã nhìn đến phận hèn tôi tớ Người, thực từ đây thiên hạ muôn đời sẽ khen rằng tôi có phước, vì Ðấng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Người quyền năng, và Danh Người là thánh. Ðức từ bi Người tự đời nọ tới đời kia dành cho những ai kính sợ Người. Người đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Người lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ; người đói khát, Người cho no đầy thiện hảo, bọn giàu sang, Người đuổi về tay không. Người đã nhận săn sóc Israel tôi tớ Người, bởi nhớ lại lòng từ bi của Người, như Người đã phán cùng tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và miêu duệ ông tới muôn đời”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật chúng con dâng để cảm tạ và tôn vinh Danh Thánh vì mọi ơn lành Chúa đã thương ban. Xin cho lễ tế hôm nay trở nên nguồn sinh lực hằng nâng đỡ mọi người chúng con trong những ngày tháng tới. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng chung IV.
Ca hiệp lễ
Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, trong thánh lễ tất niên này, Chúa đã cho chúng con được no thỏa nhờ lời Chúa và bánh thánh. Xin cho chúng con được đầy lòng tin yêu, để sang năm mới chúng con thêm phấn khởi sẵn sàng phục vụ Chúa và tất cả mọi người. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
ĐƯỢC TẠ ƠN CHÚA LÀ MỘT HỒNG ÂN
Giuse – Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
Biết ơn là một hành vi hết sức nhân văn của con người ở mọi thời và mọi nơi. Ai càng biết ơn nhiều bao nhiêu, người đó càng trở nên người hơn bấy nhiêu. Vì thế, khi ta nhận được một ân huệ nào đó của ai, ta thường nói lời cám ơn. Người không biết cám ơn là người sống chưa trưởng thành đủ.
Chiều tối hôm nay, chúng ta quy tụ nhau tại nơi đây để cử hành thánh lễ tất niên. Gọi là tất niên, vì đây là thời điểm kết thúc 365 ngày của năm cũ. Nhìn lại, trong suốt một năm qua, chúng ta lãnh nhận biết bao ơn lành đến từ Chúa. Vì thế, thái độ tạ ơn là điều rất chính đáng và phải đạo để dâng lên cho Chúa trong thánh lễ hôm nay.
Kinh Thánh dạy cho con người biết phải tạ ơn
Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy đây đó, rất nhiều chỗ nói về thái độ biết ơn cần phải có của con người đối với Thiên Chúa.
Chẳng hạn như trong Thánh Vịnh, chúng ta bắt gặp câu: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x. Tv 136); hay: “Lạy Chúa, xin dâng lời cảm tạ, vì Ngài đã nghe lời miệng con xin” (x. Tv 138); và “Hãy dâng Chúa bài ca cảm tạ, gảy khúc hạc cầm mừng Thiên Chúa chúng ta” (Tv 147).
Tâm tình tạ ơn chúng ta còn tìm thấy ngay trong bài đọc I hôm nay. Tiên tri Isaia đã nhắc lại cho dân về những ân tình mà Thiên Chúa đã vì yêu thương mà ban tặng cho con người, ngài nói:
“Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Đức Chúa, dâng lời ca tụng Đức Chúa, vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng tôi vì lòng nhân hậu lớn lao của Người đối với nhà Itraen, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân” (Is 63, 7).
Sang bài đọc II, thánh Phaolô cũng nhắc cho dân về tình yêu và lượng hải hà mà Thiên Chúa ban nơi Đức Giêsu. Hơn nữa, chính thánh nhân là người đã cất cao lời tạ ơn Chúa thay cho con cái của mình: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu”. Đây là hành động nêu gương cho cộng đoàn của ngài về thái độ biết ơn Chúa (x. 1 Cr 1,3-9). Thánh nhân còn mời gọi: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” vì “đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:16-18).
Đỉnh cao của thái độ tạ ơn chính là ơn cứu chuộc. Tâm tình này đã được Giáo Hội đưa vào Kinh tiền tụng IV như sau: “Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời”.
Tuy nhiên, muốn tạ ơn cho xứng đáng, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thái độ tạ ơn của Mẹ Maria và của chúng ta
Khi ý thức được thân phận tôi hèn nơi mình, nhưng lại được Thiên Chúa yêu thương và trao ban một ân huệ lớn lao là được trở thành Mẹ Thiên Chúa ngang qua việc cưu mang và sinh hạ Đức Giêsu. Ngay lập tức, mẹ đã coi đây là ân huệ lớn lao không chỉ cho riêng Mẹ, nhưng cho toàn thể nhân loại qua muôn ngàn thế hệ, vì thế, Mẹ đã cất lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.
Lời tạ ơn này phải là lời tạ ơn kiểu mẫu cho hết mọi người ở mọi nơi.
Thế nên, ngay lúc này, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria để: Tạ ơn Chúa vì hồng ân sự sống, hồng ân Đức Tin; tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu Chúa đã làm nơi mình và tha nhân; Tạ ơn Chúa vì Ngài đã cứu giúp, bênh đỡ ta khỏi muôn điều ác hại.
Như vậy, hành vi tạ ơn của chúng ta không chỉ dừng lại nơi thánh lễ hôm nay, mà nó phải kéo dài trong suốt cuộc đời của mình. Nó cũng không dừng lại ở khía cánh nhất thời, nhưng phải liên lỷ; nó không chỉ dược cất lên lúc thuận buồm xuôi gió, lúc ăn nên làm ra, lúc thoát khỏi bệnh tật hiểm nguy…mà là trong mọi hoàn cảnh.
Vì thế, tâm tình tạ ơn không có tính thời vụ theo kiểu buôn bán, cũng chẳng phải lâm thời theo kiểu nay người mai ta, nhưng tâm tình tạ ơn phải như nhịp đạp con tim, hơi thở linh hồn…
Khi tạ ơn như thế, chúng ta dễ nhận ra ơn lành của Thiên Chúa trên cuộc đời, và hơn nữa, luôn được bàn tay của Thiên Chúa phù trợ trở che.
Trong giờ phút linh thiêng huyền nhiệm này, chúng ta hãy thành khẩn xin lỗi Chúa vì biết bao lần chúng ta để cho thái độ vô ơn ngự trị trong tâm hồn. Đã biết bao lần chúng ta bị ảnh hưởng và đi đến những tuyên bố trắng trợn rằng: những gì tôi có là do công khó của tôi, do tự nhiên có, chứ đâu có bàn tay can thiệp gì của Thiên Chúa.
Xin Chúa tha thứ những tội lỗi ấy cho chúng ta. Và giờ đây, chúng ta hãy cùng với chính hy tế của Đức Giêsu trên bàn thờ để dâng lên Thiên Chúa trong tâm tình tạ ơn, để Ngài ban nhiều ơn lành cho chúng ta.
Đây chính là tâm tình và sứ điệp của Lời Kinh tạ ơn Magnificat mà Đức Trinh Nữ Maria đã cất lên trong bài Tin Mừng chúng ta vừa đón nghe. Amen.
AUDIO
Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba tuần 3 Thường Niên