THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH
Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,12-17.23-25)
06/01/2025
Thứ hai sau lễ hiển linh
Mt 4,12-17.23-25
sám hối: hành trình biến đổi toàn diện và liên tục
Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,12-17.23-25)Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4,12-17.23-25)
Suy niệm: Trong Thánh Kinh, từ “sám hối” không chỉ đơn thuần là cảm giác hối hận về tội lỗi mà còn hàm ý một sự thay đổi sâu xa trong tâm hồn và cách suy nghĩ. Đó là việc từ bỏ tội lỗi để quay về với Thiên Chúa. Đó là sự biến đổi toàn diện và khẩn cấp đòi hỏi mọi người canh tân đời sống để thực thi thánh ý Chúa. Như thế, sám hối không chỉ là hành động diễn ra một lần, mà là một hành trình liên tục và không ngừng cho đến khi “trở nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). “Sám hối”, đó chính là đòi hỏi tiên quyết của Đức Ki-tô ngay từ lúc khởi đầu công cuộc rao giảng và xuyên suốt sứ vụ công khai của Ngài.
Mời Bạn hãy dừng lại và suy ngẫm về cuộc sống của mình: Đâu là những điều cần thay đổi để trở về với Chúa? Bạn nhớ rằng sám hối là hành vi không thể thiếu để đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Đó là nhận biết tội lỗi của mình để khiêm tốn quay về hoà giải với Chúa và sống thân tình với Ngài. Mỗi ngày, chúng ta được mời gọi để làm mới lại con người của mình, bước ra khỏi những cám dỗ, ích kỷ và những thói hư tật xấu, để hướng tới ánh sáng và sự thật của Tin Mừng.
Sống Lời Chúa: Mỗi cuối ngày, bạn dành ít phút để kiểm điểm lại bản thân: xem mình đã làm gì chưa đẹp lòng Chúa và bạn quyết tâm sửa đổi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ơn soi sáng và sức mạnh để chúng con nhận ra và can đảm dứt bỏ tất cả những gì làm chúng con lìa xa Chúa, để đáp lại tình yêu và lòng thương xót Chúa đã dành cho chúng con. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ hai sau lễ hiển linh
Ca nhập lễ
Ngày thánh đã bừng lên chiếu rọi chúng ta. Muôn dân hỡi, đến mà thờ lạy Chúa. Vì hôm nay, ánh huy hoàng rực rỡ tỏa xuống khắp cõi trần.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin chiếu giãi ánh sáng huy hoàng của Chúa vào tâm hồn chúng con. Nhờ đó, chúng con sẽ đủ sức vượt qua cuộc đời tối tăm này, và đạt tới quê trời vĩnh cửu. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: 1 Ga 3, 22 – 4, 6
“Hãy nghiệm xét các thần trí, coi có phải bởi Thiên Chúa hay không”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gio-an Tông đồ.
Các con thân mến, bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng lãnh nhận được nơi Chúa, vì chúng ta giữ các giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người. Và đây là giới răn của Người: chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người, là Chúa Giê-su Ki-tô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.
Các con thân mến, chớ tin bất cứ thần trí nào, nhưng hãy nghiệm xét các thần trí, coi có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì có nhiều tiên tri giả đã xuất hiện trong thế gian. Do điều này mà các con biết là thần trí của Thiên Chúa: Thần trí nào tuyên xưng Chúa Giê-su Ki-tô đã đến trong xác phàm thì là bởi Thiên Chúa; còn thần trí nào phủ nhận Chúa Giê-su, thì không bởi Thiên Chúa mà ra, đó là thần trí của Phản Ki-tô; các con nghe nói rằng nó đến, và hiện giờ nó đã ở trong thế gian rồi.
Các con thân mến, các con bởi Thiên Chúa mà ra và đã thắng nó, vì Ðấng ở trong các con thì cao trọng hơn kẻ ở trong thế gian. Chúng thuộc về thế gian, nên nói chuyện thế gian, và thế gian nghe theo chúng. Chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra. Ai biết Thiên Chúa, thì nghe chúng ta; còn ai không bởi Thiên Chúa, thì không nghe chúng ta. Do đó mà chúng ta biết được thần trí chân thật và thần trí dối trá.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 2, 7-8. 10-11
Ðáp: Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp (c. 8a).
Xướng: Ta sẽ tuyên rao thánh chỉ của Chúa: Chúa đã phán bảo cùng Ta: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh thành ra Con. Hãy xin Cha và Cha sẽ cho Con được chư dân làm phần sản nghiệp, và cùng kiệt cõi đất làm gia tài”. – Ðáp.
Xướng: Giờ đây, hỡi các vua, hãy nên hiểu biết; quân vương mặt đất nên giác ngộ. Hãy kính sợ làm tôi Chúa và hân hoan mừng Ngài; hãy khiếp run tỏ bày sự vâng phục Chúa. – Ðáp.
Alleluia: Mt 4,17
Alleluia, alleluia! – Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 4, 12-17. 23-25
“Nước trời đã đến gần”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
Khi ấy, nghe tin Gio-an bị nộp, Chúa Giê-su lui về Ga-li-lê-a. Người rời bỏ Na-da-rét, đến ở miền duyên hải thành Ca-phác-na-um, giáp ranh đất Da-vu-lun và Nép-ta-li, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri I-sai-a rằng:
“Hỡi đất Da-vu-lun và đất Nép-ta-li, đường dọc theo biển, bên kia sông Gio-đan, Ga-li-lê-a của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”.
Và Chúa Giê-su đi rảo quanh khắp xứ Ga-li-lê-a, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Ga-li-lê-a, miền Thập Tỉnh, Giê-ru-sa-lem, Giu-đê-a và vùng bên kia sông Gio-đan.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin chấp nhận lễ vật của chúng con và thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu trong thánh lễ này: là cho chúng con được đón nhận chính Chúa khi chúng con dâng tiến của lễ do Chúa tặng ban. Chúng con cầu xin…
Kinh Tiền tụng
Lời tiền tụng Lễ Hiển Linh
Ca hiệp lễ
Chúng ta đã nhìn thấy vinh quang của Ngôi Lời nhập thể, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và chân lý.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin nhận lời chúng con cầu nguyện: ước gì bí tích Thánh Thể không ngừng gia tăng sinh lực cho chúng con trong cuộc sống thường ngày. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
CHÚA GIÊ-SU RAO GIẢNG Ở GA-LI-LÊ (Mt 4,13-17. 23-25)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
1. Nghe tin Gio-an bị bắt, Chúa Giêsu lánh về Ga-li-lê để tránh sự thù hằn của nhóm biệt phái và luật sĩ, đúng như lời tiên tri I-sai-a đã nói: dân ngồi trong bóng tối sự chết đã nhìn thấy ánh sáng của Chúa, Vì ở đó, Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng Tin Mừng, kêu gọi mọi người sám hối và chữa lành các bệnh tật. Tiếng tăm người đồn ra khắp xứ Syria, nên dân chúng từ khắp nơi tuốn đến theo Người.
2. Ca-phác-na-um, trung tâm truyền giáo.
Khi Gio-an bị bắt cầm tù, nhiệm vụ của ông đã xong, vai phụ phải lui vào hậu trường để nhân vật chính xuất hiện. Đức Giê-su đã rời Na-da-rét đến Ga-li-lê và chọn Ca-phác-na-um làm trung tâm truyền giáo. Vùng Ga-li-lê này bị người ta khinh dể bởi vì đối với thủ đô, Ga-li-lê chỉ là tỉnh lẻ; đối với người mộ đạo sùng tín, miền này thật đáng nghi ngờ. Đó là miền hầu như thuộc ngoại bang, nơi hội tụ dân ngoại. Một dân cư phức tạp, nông dân và ngư dân có giọng nói nặng chịch vốn là đề tài phong phú cho các câu chuyện diễu cợt hằng ngày.
Thế mà tại sao Đức Giê-su lại tới cư ngụ tại Ca-phác-na-um, bên bờ hồ? Thưa Ngài chọn Ca-phác-na-um làm trung tâm truyền giáo vì ba lý do:
– Thứ nhất để thực hiện lời tiên tri I-sai-a đã loan báo từ 732 năm trước cho các chi họ sống chung đụng với các dân ngoại.
– Thứ hai Ca-phác-na-um là quê hương của bốn môn đệ đầu tiên mà có lẽ nhà ông Phê-rô là nơi thuận tiện cho việc truyền giáo.
– Thứ ba đây là lý do quan trọng nhất: để cho muôn dân được thấy “một ánh sáng huy hoàng”.
3. Nội dung việc rao giảng của Chúa Giê-su.
Có thể nói thánh Mát-thêu đã tóm gọn nội dung việc rao giảng của Chúa Giê-su trong một câu: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến”. Thực ra, nội dung việc giảng dạy này đã được Gio-an Tẩy Giả rao giảng và sau này các tông đồ cũng tiếp tục thực hiện.
“Sám hối” là bước dứt khoát đầu tiên vào Nước Trời, là sức mạnh nhạy bén biến đổi đời người nên mới. Nền tảng sự hối cải là khiêm tốn, nhìn nhận sự lỗi lầm và tội lỗi của mình trước Thiên Chúa. Đề tài sám hối rất thích hợp với tâm hồn của dân Ga-li-lê. Họ thờ Thiên Chúa nhưng lòng họ bị ô nhiễm quá nhiều bóng tối sự chết, bóng tối của tà thần, của tệ đoan xã hội, của lòng tham do các dân ngoại cư ngụ, buôn bán ở Ca-phác-na-um.
Sám hối là nền tảng niềm tin của Ki-tô giáo. Một trong những nghịch lý lớn nhất của Ki-tô giáo là càng nhận ra sự nhỏ bé bất toàn của mình, con người càng lớn lên trong ân sủng của Chúa. Chính khi Gio-an Tẩy Giả nhận mình nhỏ bé, Chúa lại cho Ngài được lớn lên, chính lúc ý thức mình thấp kém, Chúa lại tôn vinh Ngài như người cao trọng nhất trong Nước Trời.
4. “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17).
Lời đầu tiên Đức Giê-su dạy khi rao giảng Tin Mừng là “Hãy sám hối”. Theo nguyên nghĩa của nó là trở lại (metanoia). Tại sao chúng ta phải quay trở lại? Vì đã đi lạc đường. Đời sống con người là một hành trình đi về quê trời. Cuộc hành trình nào cũng phải có đích đến và cuộc hành trình chỉ kết thúc khi tới đích. Trong cuộc hành trình có những người đi lạc hướng, mà nếu đã lạc hướng thì không bao giờ tới đích. Ai đã lạc hướng mà càng chạy nhanh thì càng xa đích đến. Thánh Au-gút-ti-nô khen họ là những người “bene currit, sed extra viam”: chạy nhanh đấy nhưng lạc hướng.
Điều kiện sám hối là phải “biết mình”, xem mình đang ở trong tình trạng nào và phải chỉnh hướng cuộc đời làm sao cho đúng. Cổ nhân thường nói: ”Khôn chết, dại chết, biết là sống”. Chính vì thế ông Socrate đã mở đầu triết thuyết của ông bằng câu châm ngôn nổi tiêng: “Anh hãy tự biết mình”.
5. Truyện: Tướng cướp biết sám hối.
Trong một khu rừng già núi Hắc Sơn ở nước Đức, một bọn cướp đang chia nhau chiến lợi phẩm mà chúng lấy được hồi đêm. Bọn cướp này có thói quen bán đấu giá với nhau của cải chúng cướp được, rồi sau đó chúng mới bán lại cho người khác.
Hôm ấy, món cuối cùng chúng đem ra đấu giá là một cuốn Thánh Kinh. Tên cướp đóng vai hộ giá viên giới thiệu món hàng này bằng những lời diễu cợt phạm thượng khiến cả bọn cười ồ lên. Một tên khác mở đại một trang như kiểu bói toán. Hắn chỉ vào một câu và đọc to lên rồi thêm những lời trào phúng làm cho cả bọn cười ngặt nghẹo.
Nhưng tên cầm đầu trong bọn bỗng dưng trở nên nghiêm nghị, hai tay ôm đầu rồi gục xuống tỏ vẻ suy nghĩ. Ba mươi năm về trước, chính vào buổi sáng ngày hắn quyết định bỏ nhà ra đi, hắn đã nghe ông bố hắn đọc những lời Thánh Kinh này trong giờ kinh sáng của gia đình. Lúc này đây hắn không thể ngờ được rằng hắn lại nghe vang lên những lời ấy.
Tên cướp còn đang chúi đầu về dĩ vãng thì một đồng bọn vỗ vai hắn và bảo: “Này, sao đàn anh có vẻ mơ mộng thế? Đàn anh muốn mua nó không? Đàn anh cần cuốn Thánh Kinh hơn đàn em đó, vì điển mặt anh hùng phạm pháp trên thế giới thì đàn anh phải là vô địch mà”.
Trước lời diễu cợt bạo gan đó, hắn chỉ chậm rải trả lời: “Mày nói đúng! Tao chính là thằng phạm tội nặng nhất. Cứ để cuốn sách cho tao, bao nhiêu cũng được”.
Bọn cướp chia tay để đem các món hàng đi bán. Riêng tên tướng cướp thì cầm cuốn Thánh Kinh, đi tìm một chỗ vắng trong rừng ở lại đó đọc Lời Chúa và ăn năn sám hối về cuộc đời tội lỗi của mình (Mỗi ngày một tin vui).
NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN
(THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa chiếu giãi ánh sáng huy hoàng của Chúa vào tâm hồn chúng ta, nhờ đó, chúng ta sẽ đủ sức vượt qua cuộc đời tăm tối này, mà đạt tới quê trời vĩnh cửu.
Chúa chiếu giãi ánh sáng huy hoàng, và chúng ta phải làm cho ánh sáng cứu độ của Chúa được lan tỏa khắp nơi, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy Thần Khí của Đức Chúa ngự trên Người Tôi Trung: Sau những lời tuyên bố của chính Chúa Kitô tại hội đường Nadarét, chúng ta cũng có thể xem như nói về mình: lấy cả cuộc đời để loan báo và làm chứng về ơn giải thoát, mà Chúa Kitô đem đến cho con người bị tội lỗi giam hãm. Thần khí của Đức Chúa ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân. Tôi phát xuất từ Thiên Chúa, và bởi Thiên Chúa mà đến. Tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.
Chúa chiếu giãi ánh sáng huy hoàng, bởi vì, Chúa muốn cho cả hoàn cầu nhận biết ơn cứu độ của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Phêrô Kim Ngôn nói: Đấng đã muốn sinh ra cho chúng ta, lại không muốn chúng ta không nhận biết Người sao… Bảo vật các hiền sĩ dâng tiến Chúa ngày xưa đều ám chỉ các mầu nhiệm thánh. Vàng tượng trưng uy quyền bậc quân vương, nhũ hương nói lên chức vụ thượng tế, và một dược báo trước ngày Chúa chịu mai táng trong mồ. Các hiền sĩ vào nhà, thờ lạy Đấng cứu độ chúng ta, và dâng Người bảo vật tượng trưng những thực tại cao vời.
Chúa chiếu giãi ánh sáng huy hoàng, để chúng ta nhận ra thần khí nào đến từ Chúa, mà biết cách cầu xin và phụng sự Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không? Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 2, vịnh gia đã cho thấy: Con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng. Vậy giờ đây, hỡi các vua chúa, hãy biết điều, thủ lãnh trần gian, nào tỉnh ngộ! Đem lòng kính sợ mà phụng thờ Đức Chúa, hãy khiếp run phủ phục dưới chân Người!
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần. Đức Giêsu rao giảng và chữa lành, để mọi người chuẩn bị tâm hồn mà đón nhận Nước Trời, bằng cách tin nhận những mầu nhiệm vượt quá sức hiểu của loài người, như các nhà chiêm tinh đi tìm Đấng chói lòa giữa các vì sao, Đấng cả thế giới không chứa nổi lại giam mình trong tấm thân nhỏ bé; họ ngỡ ngàng khi thấy: trời ở dưới đất, đất ở trên trời, con người trong Thiên Chúa, Thiên Chúa trong con người. Các nhà chiêm tinh đã diễn tả niềm tin của mình qua các tặng vật. Nhờ đức tin của các nhà chiêm tinh, mà niềm tin của lương dân được khai mở, khiến cho, dân ngoại là những kẻ đứng cuối, lại được lên hàng đầu. Ông Gioan Tẩy Giả đã làm phép rửa cho Đức Giêsu, ông đóng vai người làm phép rửa, để thay mặt cho toàn dân lãnh nhận, chứ không phải, ông ban phát ơn tha thứ. Bồ câu đậu trên đầu Đức Giêsu, không mang ngành ôliu như bồ câu xưa, nhưng đổ trên đầu Vị Thủ Lãnh một lớp dầu mới để ứng nghiệm lời ngôn sứ: Thiên Chúa đã tôn phong Người vượt trổi các đồng liêu mà xức cho dầu thơm hoan lạc. Dấu hiệu đầu tiên của thực tại Nước Trời, khi nước biến thành rượu, báo trước Đức Kitô sẽ rót thứ rượu nguyên chất từ bình là thân xác Người cho ta uống. Ước gì Chúa chiếu giãi ánh sáng huy hoàng của Chúa vào tâm hồn chúng ta, nhờ đó, chúng ta sẽ đủ sức vượt qua cuộc đời tăm tối này, mà đạt tới quê trời vĩnh cửu. Ước gì được như thế!
CÙNG MỘT THÔNG ĐIỆP
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói, “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!”.
“Các linh mục nổi tiếng về việc mượn những câu chuyện của nhau để giảng lễ! Lần kia, tôi đồng tế tại một đám tang; hôm đó, linh mục giảng lễ kể một câu chuyện thật sâu sắc về thời thơ ấu của mình. Thực ra, đó là câu chuyện về thời thơ ấu của tôi, và ngài không bao giờ đề cập điều đó; cũng có thể ngài không biết!” - Mgr. James Vlaun.
Kính thưa Anh Chị em,
Thật thú vị, Tin Mừng hôm nay tiết lộ một chuyện tương tự ngay ngày đầu tiên thi hành sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngài ‘tạm mượn’ thông điệp của Gioan để ‘giảng lễ mở tay’ cách ngon ơ! ‘Cùng một thông điệp’ của Gioan, Chúa Giêsu nói, “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!”. Điều xảy ra với Đức Ông Vlaun cũng đã xảy ra với Gioan Tấy Giả!
‘Cùng một thông điệp’; tuy nhiên, từ môi miệng Chúa Giêsu, những lời này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Gioan loan báo một Nước Trời sắp đến - điều mà bản thân Gioan có lẽ cũng rất mù mờ; đang khi Nước Trời đó chính là Chúa Giêsu! Rồi đây, Ngài sẽ xác nhận, “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông!”. Với Chúa Giêsu, “sám hối” cũng mang một ý nghĩa khác! “Sám hối” thường được hiểu là hối hận, đau buồn vì những điều sai trái một người đã làm; ở đây, “sám hối”, “metanoia” là đổi thay hoàn toàn và triệt để bên trong về cách thức nhìn cuộc sống. “Sám hối” Chúa Giêsu kêu gọi không quan tâm quá khứ, nhưng tương lai!
“Nước Trời đã đến gần” vì nó đã hiện thân trong con người Chúa Giêsu - Đấng thể hiện sự hiện diện đầy quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, “Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa lành họ!”. “Chữa lành” có nghĩa là khôi phục sự toàn vẹn; vì lẽ, mục tiêu của Nước Trời là cứu độ, khôi phục sự toàn vẹn những gì hỏng hóc của con người, của thế giới. Và đó là lý do của Giáng Sinh, cũng là lý do tại sao Hài Nhi Giêsu - Chúa Cứu Độ, Con Thiên Chúa - trong máng cỏ gắn liền với sứ mệnh mà Ngài phải chu toàn và chu toàn cho đến chết.
Kính thưa Anh Chị em,
“Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!”. ‘Cùng một thông điệp’ như Gioan, Chúa Giêsu đang nói những lời đó với mỗi người chúng ta. Rằng, “Thiên Chúa đã đến thăm chúng ta bằng chính con người Ngài. Ngài không chấp nhận phận người vì bổn phận, nhưng vì tình yêu. Ngài mặc lấy bản tính con người vì người ta chấp nhận những gì họ yêu. Thiên Chúa mặc lấy bản tính con người vì yêu thương chúng ta và mong muốn tự do ban cho chúng ta ơn cứu độ mà chỉ một mình Ngài - không ai khác - có thể có, cũng như tự sức, không ai đạt được. Ngài muốn ở lại, ban cho chúng ta vẻ đẹp cuộc sống, sự bình an, niềm vui được tha thứ và cảm thấy được yêu thương!” - Phanxicô. ‘Cùng một thông điệp’ hãy sám hối, nhưng thông điệp của Chúa Giêsu dẫn chúng ta tới một thông điệp quan trọng gấp bội, “Hãy trở thành con người mới mà Chúa muốn chúng ta trở thành!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi ngày Chúa gửi cho con bao điều Chúa muốn nhắn gửi. Đừng để con giả điếc, giả mù trước lời mời gọi của Chúa; nhờ đó, con sẽ sớm nên thánh!”, Amen.
AUDIO
Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh