THỨ HAI TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

“Dù người anh em của anh xúc phạm anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần nó trở lại và nói với anh: ‘Tôi hối hận’ thì anh cũng phải tha cho nó.” (Lc 17, 4)

08.11.2021
THỨ HAI TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN



Lc 17, 1-6

THA THỨ KHÔNG GIỚI HẠN

“Dù người anh em của anh xúc phạm anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần nó trở lại và nói với anh: ‘Tôi hối hận’ thì anh cũng phải tha cho nó.” (Lc 17, 4)

Suy niệm: Còn nhớ ngày nào con người vẫn xử với nhau theo “luật rừng”, “mắt đền mắt, răng đền răng.” So với thứ “luật rừng” đó, người Việt Nam chúng ta tha thứ tới mức “quá tam ba bận” đã là “cực kỳ” tiến bộ, quảng đại rồi. Ấy thế mà chưa thấm vào đâu so với tiêu chuẩn của Chúa Ki-tô: tha thứ tới 7 lần – chắc bạn còn nhớ con số 7 trong Thánh Kinh, con số nói lên sự hoàn hảo tốt đẹp thấy được trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Phúc Âm theo thánh Mát-thêu còn nói mạnh hơn “tha thứ đến 70 lần 7, ” tha thứ mà không đợi người xin lỗi. Phải chăng Chúa Giê-su muốn nói tha thứ là hành xử theo cung cách của Thiên Chúa, là góp phần làm cho người anh em được trở nên con người mới như thể được sáng tạo một lần nữa?

Mời Bạn: Điều làm cho người ta khó tha thứ là khi bị xúc phạm người ta cảm thấy một cái gì đó uất nghẹn như thể bị đè nén, một cái gì đó mất mát như thể bị chiếm đoạt, một cái gì đó đau đớn như thể đang chết đi. Đó chính là một nửa của cái gọi là “cục tự ái” của bạn đấy (xin mách nhỏ “nửa kia” của cục tự ái là cảm giác khó khăn khi bạn phải xin lỗi ai đó). Phải “giải phẫu” cái khối u đó ra khỏi tim bạn thì bạn mới có thể tha thứ được – và cũng biết xin lỗi nữa.

Sống Lời Chúa: Mỗi khi bạn bị xúc phạm, hoặc cảm thấy khó tha thứ, hãy nhìn ngắm thật kỹ Đức Ki-tô trên thập giá và hỏi Chúa: “Ở địa vị của con, Chúa sẽ làm gì?”

Cầu nguyện: Hát kinh Hoà Bình, đặc biệt ghi nhớ câu: “Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ.”

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Xin cho lời tôi khẩn nguyện thấu đến tai Chúa; lạy Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng tôi kêu cầu.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến chúng con, trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 1, 1-7

“Thần trí khôn ngoan thì nhân hậu; Thánh Thần Chúa tràn ngập hoàn cầu”.

Khởi đầu sách Khôn Ngoan.

Hỡi các vị lãnh đạo trần gian, hãy chuộng đức công chính. Hãy tưởng nghĩ về Chúa cách ngay lành, và hãy tìm kiếm Người với tâm hồn đơn sơ. Vì những ai không thử thách Chúa, sẽ gặp thấy Người, và Người sẽ tỏ mình cho những ai tin vào Người. Vì chưng, những tà ý làm xa cách Chúa, và quyền năng bị thử thách sẽ sửa phạt những kẻ ngu đần đó. Sự khôn ngoan sẽ không ngự vào tâm hồn gian ác, và không ở trong thân xác nô lệ tội lỗi. Vì Thánh Thần, Ðấng dạy dỗ chúng ta, sẽ xa tránh kẻ gian dối, lánh xa những tư tưởng ngông cuồng, và lui đi khi sự gian ác tới.

Thần trí khôn ngoan thì nhân hậu, nhưng không tha thứ kẻ nói lộng ngôn. Vì Thiên Chúa thấu suốt tâm can kẻ ấy, Người thực sự kiểm soát lòng nó và nghe lời nó nói. Vì thần trí Chúa tràn ngập hoàn cầu. Người nắm giữ mọi sự, và thông biết mọi lời.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 138, 1-3. 4-6. 7-8. 9-10

Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời

Xướng: Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con, Ngài biết con, lúc con ngồi khi con đứng. Ngài hiểu thấu tư tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết, Ngài để ý tới mọi đường lối của con.

Xướng: Khi lời nói chưa lên tới đầu lưỡi, thì kìa, lạy Chúa, Ngài đã biết cả rồi; sau lưng hay trước mặt, Chúa bao bọc thân con, và trên mình con, Chúa đặt tay. Ðối với con, sự thông minh này quá ư huyền diệu, quá cao xa, con thực không thể hiểu ra.

Xướng: Con đi đâu xa khuất được thần linh của Chúa? Con trốn đâu cho khỏi thiên nhan Ngài? Nếu con leo được tới trời, thì cũng có Ngài ngự đó, nếu con nằm dưới âm phủ, thì đây cũng có mặt Ngài.

Xướng: Nếu con mượn đôi cánh của hồng đông, và bay đến cư ngụ nơi biên cương biển cả, tại nơi đây cũng bàn tay Chúa dẫn dắt con, và tay hữu Ngài nắm giữ con.

Bài Ðọc I: (Năm II) Tt 1, 1-9

“Thiết lập các Trưởng lão trong mỗi thành như cha đã căn dặn con”.

Khởi đầu bức thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Phaolô, tôi tớ Thiên Chúa, cùng là Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô, để rao giảng đức tin cho những kẻ được Thiên Chúa kén chọn và làm cho họ nhận biết chân lý; chân lý đó giúp họ ăn ở đức hạnh và ban cho họ niềm hy vọng sống đời đời mà Chúa, Ðấng chẳng hề nói dối, đã hứa từ thuở đời đời. Khi đã đến thời, Người đã tỏ lời Người ra bằng việc rao giảng mà Người đã uỷ thác cho cha theo lệnh của Thiên Chúa là Ðấng cứu chuộc chúng ta. Gửi cho Titô, con yêu dấu thuộc cùng một đức tin. Nguyện ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha và của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu chuộc chúng ta, ở cùng con.

Lý do Cha để con ở lại đảo Crêta là để con chỉnh đốn những gì còn thiếu sót, và thiết lập các Trưởng lão trong mỗi thành như cha đã căn dặn. Con người được chọn phải là người không có gì đáng trách, chỉ kết hôn một lần; có con cái ngoan đạo, không mang tiếng buông tuồng hoặc ngỗ nghịch. Vì chưng, chủ tịch cộng đoàn, theo tư cách là người quản lý của Chúa, phải là người không có gì đáng trách, không kiêu căng, không nóng nảy, không mê rượu, không gây gỗ, không trục lợi đê hèn, nhưng hiếu khách, hiền lành, tiết độ, công minh, thánh thiện, tiết hạnh, nắm giữ lời chân thật hợp với đạo lý, để có thể dùng đạo lý lành mạnh mà khuyên dụ và phi bác những kẻ chống đối.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6a

Ðáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi tìm kiếm long nhan Chúa (x. c. 6).

Xướng: Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Ngài xây dựng nó trên biển cả, và Ngài giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. 

Xướng: Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Ngài? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hưởng bả phù hoa. 

Xướng: Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. 

Alleluia: Mt 11, 25

Alleluia, alleluia! – Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm nước trời cho những kẻ bé mọn. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 1-6

“Dù một ngày bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: Tôi hối hận, thì con hãy tha cho nó”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này.

“Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: “Tôi hối hận”, thì con hãy tha thứ cho nó”.

Các Tông đồ thưa với Chúa rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: “Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển”, nó liền vâng lời các con”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin mở lượng khoan hồng đoái nhìn lễ vật Hội Thánh Chúa tiến dâng; để khi cử hành lễ tưởng niệm Con Chúa chịu khổ hình thập giá, chúng con biết đem cả tâm hồn lãnh nhận ơn phục sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ, Người hướng dẫn tôi tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi.

Hoặc đọc

Hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con xin hết lòng cảm tạ, vì Chúa đã dùng của ăn thánh bồi dưỡng chúng con, và tuôn đổ trên chúng con sức mạnh của Chúa, xin tiếp tục ban ơn Thánh Thần giúp chúng con bền chí sống cuộc đời ngay thẳng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

SỐNG CHỨNG NHÂN HƠN THẦY DẠY (Lc 17, 1-6)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 41 của Đức Thánh Cha Phaolô VI, có viết: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”. Như vậy, chúng ta có quyền nghĩ rằng: nếu đời sống chứng nhân có tác dụng rất tốt trong việc loan báo Tin Mừng, thì ngược lại, không có gì nguy hại cho bằng đời sống phản chứng nơi người Kitô hữu!

Thật thế, Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng đề cao đời sống chứng nhân nơi người môn đệ khi Ngài dùng phương pháp phản biện để làm toát lên tính quan trọng của gương sáng. Ngài nói: “Vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này”. Nêu gương xấu là điều tắc trách, nhưng gây nên cho những trẻ nhỏ, những người bé mọn, người kém đức tin là một tội ác vì tính chất nguy hiểm khôn cùng của nó! 

Gương xấu được ví như một thứ ôn dịch và có nguy cơ lây lan rất cao.

Gương sáng thì khó làm, khó sống, nhưng gương xấu thì quá dễ làm, dễ bắt trước. Làm gương sáng cần phải có một sự cố gắng cao với nhiều hy sinh, từ bỏ. Nó được ví như một người leo núi với tất cả sự cố gắng, hy sinh… Còn gương xấu thì thực sự chẳng khác gì một người buông mình xuống núi, chúng ta không cần phải cố gắng thì vận tốc rơi xuống cũng sẽ nhanh chóng… 

Như vậy, với bản tính của con người, chúng ta dễ hướng chiều về điều xấu hơn điều tốt. Dễ làm điều bất chính hơn điều thiện. Vì thế, tội lỗi luôn có cơ hội len lỏi vào trong suy nghĩ và hành động của chúng ta hơn là điều tốt. 

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần nhớ lại ánh sáng đức tin ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội để sống cuộc đời nhân chứng cho xứng đáng với ơn đã lãnh nhận. Cần làm cho hình ảnh Đức Kitô hiền lành, dễ thương, giàu lòng thương xót ngay trong cuộc sống, qua lời nói, hành động và việc làm của chúng ta. 

Tuy nhiên, để sống được điều đó, chúng ta cần phải xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta. Bởi vì nếu không có đức tin, chúng ta khó có thể tha thứ, kiên trì, tôn trọng và nâng đỡ người khác.

Lạy Chúa Giêsu, nhiều khi chúng con đã trở nên những người gây ra gương mù gương xấu cho người khác. Xin tha thứ cho chúng con. Xin cũng ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con can đảm, trung thành sống cuộc đời chứng nhân. Amen.
 

CỚ VẤP NGÃ

(Thứ Hai sau Chúa Nhật XXXII TN – Lc 17,1-6) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


 

Thật đáng sợ trước những lời cảnh giác của Chúa Giêsu: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và bỏ xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã” (Lc 17,2-3). Nguyên cớ làm cho tha nhân nhất là những người bé mọn vấp ngã thì có nhiều. Tuy nhiên chúng ta có thể phân thành hai loại đó là nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp.

Người trực tiếp gây ra cớ cho ai đó phạm tội được xét như là người đồng phạm. Và dưới cái nhìn pháp luật thì người đồng phạm có thể thuộc ba loại này: thứ nhất là người tổ chức, tức là người chủ mưu, chỉ huy kẻ khác phạm tội; thứ hai là người xúi giục, tức là người kích động, dụ dỗ kẻ khác phạm tội; và thứ ba là người giúp sức, tức là người tạo điều kiện, cung cấp phương tiện cho ai đó phạm tội.

Theo chiều kích luân lý đạo đức thì khi nói đến nguyên cớ trực tiếp làm cho tha nhân vấp ngã  thì phải kể đến là gương mù gương xấu. Tính chất xấu xa càng tăng lên khi gương mù lại xuất hiện nơi hành vi của những người vai cao, vị trọng ngoài xã hội, trong các tập thể tôn giáo và những người có ảnh hưởng đến công chúng, chẳng hạn giới văn nhân, nghệ sĩ…

Chúng ta dễ dàng nhận ra tính xấu xa và sự nguy hiểm của các nguyên nhân trực tiếp gây ra cớ vấp phạm. Xin được đặc biệt nói đến các nguyên nhân gián tiếp mà nhiều khi chúng ta ít lưu ý và vì thế nhiều khi chúng ta lại dễ an tâm dù mình là chủ thể của các nguyên nhân ấy.

Theo quan điểm pháp luật thì có loại tội được xem là gián tiếp như tội không tố giác. Sau khi cảnh báo về việc hãy đề phòng, đừng gây cớ vấp phạm cho kẻ khác thì Chúa Giêsu nói thêm về nghĩa vụ phải răn bảo, sửa sai người có tội, dù một ngày đến cả bảy lần (Lc 17,3-4). Sống dửng dưng, vị kỷ theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng; hồn ai nấy giữ” thì không xứng với đạo làm người, đạo làm con cái Thiên Chúa. Làm sao chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” mà lại hững hờ, vô tâm với nhau?

Chính vì thế việc sửa bảo nhau là một trong những bổn phận của Kitô hữu thuộc mọi cương vị, mọi bậc sống. Ngôn sứ Êdêkiel đã minh nhiên lời dạy của Thiên Chúa: “Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta nói cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, thì Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8).

Vấn đề đặt ra là hậu ý của người chọn lối sống dửng dưng với những sai lỗi của tha nhân là gì? Nếu những người phạm lỗi là người thuộc quyền, là đám đông dân chúng thì chúng ta có thể nhận ra một hậu ý của người “làm thinh” đó là để lấy lòng vì mục đích nào đó chẳng hạn như để có thêm nhiều phiếu bầu… Nếu những người phạm lỗi là người ngang hàng phận chức với mình thì việc chọn kiểu sống “làm thinh” là muốn sống an phận và giữ kẻ, vì nghĩ rằng mình chẳng hơn gì ai và mình cũng có thể lỗi phạm như họ mà có khi tồi tệ hơn thì sao. Nếu những người phạm lỗi là người cấp cao, vị trọng mà chúng ta “làm thinh” thì có thể vì sợ hãi, sợ bị trù dập hay bị bắt bớ hoặc cũng có thể vì muốn ẩn mình, nín thở qua sông, chờ dịp tiến thân.

Nhiều bậc thức giả và hiền sĩ chẳng hạn như Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền Mỹ gốc Phi, từng đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964, đã từng nói rằng: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đến đáng sợ của người tốt”. Theo góc nhìn này thì đây là cái cớ vấp ngã đáng sợ và đáng cột cối đá lớn mà xô xuống biển còn hơn.

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...