THỨ HAI TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi. (Mc 6,53-56)

05/02/2024
THỨ HAI TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Thánh Agatha, trinh nữ, tử đạo

t2 t5 TN

Mc 6,53-56


CHẠM ĐẾN CHÚA
Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi. (Mc 6,53-56)

Suy niệm: Thần thoại Hy lạp kể lại chuyện vua Midas được một vị thần ban cho một điều ước: bất cứ ông ước muốn điều gì, ông liền có được điều ấy. Ông vua tham lam ước rằng mọi thứ ông chạm đến đều hoá thành vàng. Nhưng tai hoạ cũng từ đó mà đến, ngay cả thức ăn khi vừa chạm đến miệng vua đều hoá thành vàng. Và dù có đói lả, vua cũng không thể ăn vàng mà sống được! Trái lại nơi Chúa Giê-su, bất cứ điều gì chạm đến Ngài đều được thánh hoá. Mọi kẻ ốm đau dù chỉ chạm đến tua áo choàng của Chúa đều được chữa lành. Bất cứ nơi đâu có Chúa hiện diện và được Ngài chạm đến, nơi đó “người mù sẽ nhìn thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7,18-23). Cây thập giá, vốn là nhục hình cho tử tội, nhưng khi được thân thể Chúa chạm đến, đã trở thành thánh giá ban ơn cứu độ.

Mời Bạn: Còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta được Chúa chạm đến và biến đổi? Chắc chắn rằng, Chúa luôn muốn hiện diện và chạm đến từng người trong mỗi khoảnh khắc, mỗi niềm vui, nỗi buồn, mỗi khó khăn, đau khổ mà chúng ta đang đương đầu. Bởi Người hứa sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Bạn đã sẵn sàng để Chúa chạm đến cuộc đời mình chưa?

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn hướng về Chúa, xin Chúa hiện diện và thánh hoá công việc bạn sắp làm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin chạm đến tâm hồn con và biến đổi đời sống con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN

 

Ca nhập lễ

Hãy tiến lên, chúng ta hãy thờ lạy Thiên Chúa, và hãy tiến bước trước nhan thánh Chúa, Đấng tạo thành chúng ta, vì chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con là con cái trong nhà, chỉ đứng vững khi dựa vào ơn Chúa, xin Chúa hằng che chở chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) St 1, 1-19

“Thiên Chúa phán: và xảy ra như vậy”.

Trích sách Sáng Thế.

Từ nguyên thủy Thiên Chúa đã tạo thành trời đất. Ðất còn hoang vu trống rỗng, tối tăm bao trùm vực thẳm, và Thần trí Thiên Chúa bay sà trên mặt nước.

Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng”. Và có ánh sáng. Thiên Chúa thấy ánh sáng tốt đẹp, Người phân rẽ ánh sáng khỏi tối tăm. Thiên Chúa gọi ánh sáng là ngày, tối tăm là đêm. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.

Thiên Chúa phán: “Hãy có một vòm trời ở giữa nước, phân rẽ nước với nước”, và Thiên Chúa làm nên vòm trời, và phân rẽ nước phía trên vòm trời với nước dưới vòm trời. Và xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là trời. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.

Thiên Chúa phán: “Nước dưới trời hãy tụ tại một nơi, để lộ ra chỗ khô cạn. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ khô cạn là đất, và Người gọi khối nước là biển. Thiên Chúa thấy tốt đẹp. Và Thiên Chúa phán: “Ðất hãy trổ sinh thảo mộc xanh tươi mang hạt giống, và cây ăn trái phát sinh trái theo giống nó, và trong trái có hạt giống, trên mặt đất. Và đã xảy ra như vậy. Tức thì đất sản xuất thảo mộc xanh tươi mang hạt theo giống nó, và cây phát sinh trái trong có hạt tuỳ theo loại nó. Và Thiên Chúa thấy nó tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.

Thiên Chúa còn phán: “Hãy có những vật sáng trên vòm trời và hãy phân chia ngày và đêm, và trở thành dấu chỉ thời gian, ngày và năm tháng, để soi sáng trên vòm trời và giãi sáng mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa đã làm nên hai vầng sáng lớn: Vầng sáng lớn hơn làm chủ ban ngày, và vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm; và Ngài cũng làm nên các tinh tú. Thiên Chúa đặt chúng trên vòm trời để soi sáng trên mặt đất, và làm chủ ngày đêm, và phân chia ánh sáng với tối tăm. Thiên Chúa thấy tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 103, 1-2a. 5-6. 10 và 12. 24 và 35c

Ðáp: Nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa (c. 31b).

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài rất ư vĩ đại! Ngài mặc lấy oai nghiêm huy hoàng, ánh sáng choàng thân như mang áo khoác. 

Xướng: Ngài dựng vững địa cầu trên nền tảng, cho tới muôn đời nó chẳng lung lay. Ngài dùng biển che phủ nó như áo che thân, trên ngọn núi non muôn ngàn nước đọng.

Xướng: Ngài lệnh cho mạch nước tràn ra thành suối, chúng chảy rì rào giữa miền non núi. Bên cạnh chúng, chim trời cư ngụ, từ trong ngành cây vang ra tiếng hót.

Xướng: Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ngài đã tạo thành vạn vật cách khôn ngoan, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 8, 1-7. 9-13

“Họ mang hòm bia Thiên Chúa vào nơi Cực Thánh, và mây bao phủ nhà Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, các kỳ lão Israel, cùng những thủ lãnh các chi họ và những trưởng gia tộc con cái Israel đều tề tựu trước mặt vua tại Giêrusalem, để cung nghinh hòm bia Thiên Chúa từ thành Ðavít, tức là thành Sion. Trong ngày đại lễ, nhằm tháng Ethanim, tức tháng bảy, toàn dân Israel tụ họp quanh vua Salomon. Khi các kỳ lão Israel đến, các tư tế liền khiêng hòm bia, và mang hòm bia Chúa đi, mang cả nhà tạm giao ước và tất cả những đồ thánh trong nhà tạm; các tư tế và các thầy Lêvi phụ trách khiêng đi.

Vua Salomon và toàn dân Israel tề tựu quanh ngài, tiến đi với ngài trước hòm bia, và tế lễ vô số chiên bò không kể xiết. Các tư tế khiêng hòm bia Thiên Chúa đặt vào nơi đã chỉ định tại đền thờ, nơi cực thánh, dưới cánh các tượng vệ binh thần. Các tượng này giang cánh trên nơi để hòm bia, và che phủ hòm bia và các đòn khiêng. Trong hòm bia không có gì khác ngoài hai bia đá mà Môsê đã đặt vào hòm ở núi Horeb, lúc Chúa lập giao ước với con cái Israel khi họ ra khỏi đất Ai-cập. Khi các tư tế lui ra khỏi cung thánh, thì có mây bao phủ nhà Chúa. Vì mây mù, nên các tư tế không thể đứng đó mà thi hành chức vụ: vì vinh quang của Chúa tràn đầy nhà Chúa. Bấy giờ Salomon nói rằng: “Chúa đã từng phán sẽ ngự trong đám mây. Vậy tôi đã xây cất ngôi nhà làm nơi ở cho Chúa, một nơi vững chắc Chúa ngự đến muôi đời”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 131, 6-7. 8-10

Ðáp: Lạy Chúa, xin lên đường đi tới nơi an nghỉ (c. 8a).

Xướng: Ðây là điều chúng tôi đã nghe nói tại Ephrata, chúng tôi đã gặp thấy nơi đồng ruộng Gia-ar. Chúng ta hãy tiến vào nhà Chúa, hãy sụp lạy trước bệ dưới chân Ngài.

Xướng: Lạy Chúa, xin lên đường đi tới nơi an nghỉ, Chúa và Hòm Bia oai quyền của Chúa cùng đi! Các tư tế của Ngài hãy mặc lấy lòng đạo đức, và các tín đồ của Ngài hãy mừng rỡ hân hoan. Xin vì Ðavít là tôi tớ Chúa, Chúa đừng hắt hủi người được Chúa xức dầu. 

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 53-56

“Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.

Đó là Lời Chúa

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong muôn vật Chúa đã dựng nên, Chúa đã lấy bánh và rượu để nuôi dưỡng loài người; xin cho bánh rượu này cũng trở nên bí tích đem lại cho chúng con sự sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Thiên hạ hãy cảm ơn Chúa vì Chúa nhân hậu, và những điều kỳ diệu của Ngài đối với loài người, bởi Người đã cho người đói khát được no nê, người cơ hàn được tràn trề thiện hảo.

Hoặc đọc:

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, thì họ sẽ được no thoả.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu; xin cho cộng đoàn chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Ðức Kitô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

AI ĐẾN VỚI CHÚA CŨNG ĐỀU ĐƯỢC CHỮA LÀNH (Mc 6,53-56)
Lm. Antôn Nguyễn Văn  Độ

Với ba câu Tin Mừng do Thánh Mác-cô mô tả thật vắn gọn nhưng rất ý nghĩa và tràn đầy hạnh phúc cho những ai đến gặp Chúa Giê-su.

Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều vì chạnh lòng thương xót để năm ngàn người không kể đàn bà và con trẻ ăn no bằng lương thực hàng ngày là bánh và cá (x. Mc 6,30-44), khống chế sự dữ trên biển cả khi thuyền của các Tông đồ bị chao đảo, bị sóng dập vùi (x. Mc 6,45-52). Chúa Giê-su đã chữa lành nhiều người đủ các chứng bệnh, “và tất cả những ai chạm tới, Người đều được khỏi bệnh” (Mc 6, 56).            

Như vậy, qua đoạn Mc 6,53-56, chúng ta thấy Chúa Giê-su đã thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ một cách hoàn hảo. Người loan báo tin lành bằng cả lời nói lẫn việc làm. Giải thoát con người khỏi ách thống trị của sự dữ, chữa khỏi hết bệnh hoạn tật nguyền và xua trừ mà quỷ. Chúa Giê-su để cho bệnh nhân đụng đến áo Người, hay bóng Người ngả trên họ, hoặc chính họ chạm đến Chúa nghĩa là vai trò của vị Mục Tử nhân lành được thực hiện cụ thể và thời Mê-si-a chữa lành đã xuất hiện.

Như vậy, qua đoạn Mc 6,53-56, chúng ta thấy Chúa Giê-su đã thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ một cách hoàn hảo. Người loan báo tin lành bằng cả lời nói lẫn việc làm. Giải thoát con người khỏi ách thống trị của sự dữ, chữa khỏi hết bệnh hoạn tật nguyền và xua trừ mà quỷ. Chúa Giê-su để cho bệnh nhân đụng đến áo Người, hay bóng Người ngả trên họ, hoặc chính họ chạm đến Chúa nghĩa là vai trò của vị Mục Tử nhân lành được thực hiện cụ thể và thời Mê-si-a chữa lành đã xuất hiện.

Hôm nay kính nhớ các thánh tử đạo Nhật Bản

Nói đến 26 vị tử đạo Nhật Bản đã bị treo trên thập giá ở một ngọn đồi nhìn xuống Nagasaki, bây giờ thường được gọi là Núi Thánh thời aiko, Toyotomi Hideyoshi, vào ngày 5 tháng Hai năm 1597 là người ta nhắc đến Phaolô Miki và 25 người bạn khác. Tất cả các vị tử đạo Nhật Bản được phong chân phước năm 1627, và phong thánh năm 1862. Như vậy, nước Nhật đã khích lệ chiến sĩ Giáo Hội và đã làm cho Giáo Hội được khải hoàn nhờ các Thánh Tử Đạo vinh quang.

Ngày nay, một thời đại mới đã đến với Giáo Hội Nhật. Mặc dù số người Công Giáo không nhiều, nhưng Giáo Hội được tôn trọng và được tự do tôn giáo. Việc phát triển Kitô Giáo ở Viễn Ðông thì chậm và khó khăn. Một đức tin như của 26 vị tử đạo thì rất cần thiết cho ngày nay cũng như trước đây.

Lạy các thánh tử đạo Nhật Bản. Cầu cho chúng con. Amen.

CHÚA CHỮA LÀNH CÁC BỆNH NHÂN (Mc 6,53-56)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Khi Chúa Giê-su vừa lên bờ đến miền dân ngoại là Ghê-nê-xa-rét, người ta đã nô nức kéo nhau đến với Chúa. Khi người đi đến đâu thì người ta cũng khiêng những người bệnh tật đến đấy, xin cho chạm vào áo Người. Tất cả những ai được chạm vào áo Người đều được khỏi bệnh. Chúa Giê-su luôn tỏ ra yêu thương và quan tâm đến con người, nhất là những người đau khổ và yếu đuối. Không ai đến với Người mà phải thất vọng.

2. Sự hiện diện của Chúa Giê-su.

Chúng ta vẫn thường hát: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời, đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người…” Phải, nơi nào có Chúa, nơi đó có niềm vui, bình an, trông cậy và chữa lành. Cụ thể là như bài Tin Mừng hôm nay nói tới, Chúa Giê-su có mặt ở đâu, thì người ta chen nhau tới với Người để được ân sủng  Người chữa lành. Sự hiện diện của Chúa Giê-su là sự hiện diện của tình yêu và lòng bác ái. Ngài gần gũi và quan tâm đến con người, đặc biệt những người đau khổ và yếu đuối.

Thế nên, Chúa Giê-su mời gọi mọi người chúng ta sống chiều kích hiện diện đầy yêu thương, đem đến bình an và thực thi đức bác ái, hầu xoa dịu sự đau khổ của kiếp người. Chính sự hiện diện đó làm cho mọi người cảm kích mà chạy đến với Chúa, tựa như bông hoa tỏa hương thu hút muôn loài đến với nó.

3. Lúc bệnh và đau khổ là lúc người ta dễ hướng về Chúa.

Người hấp hối than thở với Cha sở rằng chẳng cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Cha sở lấy một chiếc ghế đặt bên cạnh, rồi bảo ông hãy nghĩ rằng Chúa Giê-su đang ngồi đó, hãy đặt tay mình trên tay Ngài trên thành ghế. Người đó làm theo và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Mấy hôm sau, được tin ông qua đời, Cha sở đến thăm và thấy tay ông vẫn còn đặt trên bàn tay vô hình ở thành ghế (Góp nhặt).

4. “Người ta cũng đặt kẻ đau ốm ở ngoài chợ và xin Chúa Giê-su cho họ được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì được khỏi” (Mc 6,56).

Ngày quốc tế bệnh nhân được thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II thiết lập liên kết với ngày lễ kính Đức Mẹ tại Lộ Đức, nơi khách hành hương tuôn đến xin chữa bệnh và chứng kiến những phép lạ chữa lành. Chính Ngài cũng chứng nhận về những ơn lạ Thiên Chúa ban cho trong những đau đớn thương tích của Ngài. Kinh nghiệm được chữa lành như thế cũng là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, bởi mọi sự chữa lành đều phát xuất từ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Nói cách khác, lòng thương xót là phương dược Thiên Chúa chữa lành mọi cơn đau đớn bệnh tật của con người. Bất cứ ai chạm đến Chúa đều được khỏi. Niềm tin vững mạnh đó càng thôi thúc bệnh nhân mọi thời nài xin Mẹ khẩn cầu Chúa thương chữa lành những ai đang đau đớn thể xác, tinh thần và linh hồn, những người đang đối mặt với bệnh tật. Tình yêu của Chúa chữa lành bệnh nhân, tình yêu của Mẹ khẩn nài cho bệnh nhân (5 phút Lời Chúa).

5. Tất cả đều cảm thấy “cần đến Chúa” cho nên họ đã đích thân đến với Chúa và Chúa đã không phụ lòng mong ước của họ.

Một ngày kia, có một nhà lãnh đạo Trung hoa theo Ki-tô giáo đến thăm Hoa Kỳ. Sau khi nghe ông nói chuyện tại một buổi hội họp, một sinh viên hỏi: “Tại sao nước ông đã có Khổng Tử mà còn muốn có Ki-tô giáo nữa”?

Ông đáp: “Có ba lý do:

– Thứ nhất: Khổng Tử là một vị tôn sư, còn Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế. Chúng tôi cần Đấng Cứu Thế  hơn là cần vị tôn sư.

– Thứ hai: Khổng Tử đã chết, Đức Ki-tô vẫn đang sống, chúng tôi cần một Đấng Cứu Thế đang sống chứ không cần một người đã chết.

– Thứ ba: Khổng Tử cũng có ngày chịu phán xét, chúng tôi cần biết Đức Ki-tô là Đấng Cứu Thế trước khi là vị thẩm phán”.

6. Truyện: Hãy đến với Chúa ngay đi.

June là một em bé 5 tuổi xinh đẹp và lanh lợi. Cha của em là một mục sư. Mẹ em mỗi khi đi đâu thường cho em theo. Ngày nọ, khi hai mẹ con vào bưu điện, một ông lão thấy em liền nói:

– Này bé, ai cho bé mái tóc đẹp thế?

– Chúa cho cháu đó!

Nói xong bé nhìn thẳng vào ông hỏi:

– Thế ông có được Chúa cho gì không? Có được Chúa cứu không?

Ông già kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ đó. Ông thẫn thờ đáp:

– Không, bé ạ!

– Thế thì ông phải đến với Chúa ngay đi. Rồi Chúa sẽ cho ông thành một người thật đẹp đẽ!

Nói xong, bé vội chạy theo mẹ. Ít tuần sau, người ta thấy ông tìm đến nhà thờ và xin theo đạo. Ông cho biết lời của em bé luôn ám ảnh trong đầu và ông quyết định theo Chúa.

NHỐN NHÁO
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế 

“Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Ngài ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân tới đó”.

Eric Hoffer nói, “Cảm giác vội vã thường không phải là kết quả của việc ‘sống một cuộc sống đầy đủ’; ngược lại, nó sinh ra từ một nỗi sợ mơ hồ rằng, chúng ta đang lãng phí đời mình. Khi không làm một việc phải làm, không có thời gian cho một việc nào khác, chúng ta là những người ‘nhốn nháo’ nhất trên thế giới!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Bạn có thuộc hạng người ‘nhốn nháo’ nhất trên thế giới? Thật thú vị, Lời Chúa hôm nay nói đến sự ‘nhốn nháo’ của dân Chúa thời Cựu Ước và sự ‘nhốn nháo’ của dân Ngài thời Tân Ước, “Họ rảo khắp vùng ấy; nghe tin Ngài ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân tới đó”.

Bài đọc Cựu Ước diễn tả niềm vui của vua tôi Israel, họ hình thành một đoàn kiệu khổng lồ để rước Hòm Bia Thiên Chúa. Các tư tế chạy tới, chạy lui ‘nhốn nháo’, tất bật giữa tiếng trống chiêng, não bạt và kèn đồng. Cùng nhau, họ hát ca khúc, “Lạy Chúa, xin đứng dậy, ngự về chốn nghỉ ngơi!” - Thánh Vịnh đáp ca. “Họ sát tế chiên bò nhiều vô kể, không sao đếm nổi”. Ấy thế, chính Thiên Chúa mà họ tán dương đó, rồi đây, sẽ thổ lộ, “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng thì lại xa Ta”; chỗ khác, “Lễ toàn thiêu chiên cừu, Ta đã ngấy. Những đại lễ của các ngươi, Ta không chịu nổi nữa!”.

Dân chúng trong Tin Mừng hôm nay cũng bát nháo xuôi ngược tìm Chúa Giêsu. Thật đáng tiếc, họ vội vàng, nhưng sự vội vàng của họ chỉ với mục đích là mang những người bệnh đến để được Chúa Giêsu chữa lành phần xác; đang khi quan trọng hơn, phần hồn. Xem ra không ai đến với Ngài, hoặc được đưa đến với Ngài để cầu xin sự tha thứ và sự chữa lành tâm linh. Con người thường sợ bệnh tật thể xác hơn sợ thương tật linh hồn! Vậy mà, gánh nặng nề nhất luôn luôn là những gánh nặng do tội lỗi vốn đến từ bên trong, “Tự lòng người, phát xuất những ý định gian tà… Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế”.

Khác với chúng ta, thánh Ambrôsiô thật khôn ngoan, ngài thường cầu nguyện trước khi cử hành Thánh Lễ thế này, “Lạy Chúa, trái tim con tổn thương bởi tội lỗi; trí tâm, miệng lưỡi con không được bảo vệ cẩn thận. Trong sự yếu hèn, con hướng về Chúa, suối nguồn xót thương; con nao nức chạy đến với Chúa để được chữa lành. Con không xấu hổ chỉ cho Chúa những vết thương của con. Chỉ Chúa mới biết tội con ngần nào và nghiêm trọng đến mức nào; và dẫu chúng có thể khiến con lo sợ cho phần rỗi, con vẫn đặt hy vọng vào lòng Chúa từ nhân. Vậy, xin nhìn đến, nghe con và tha thứ mọi tội lỗi, yếu đuối của con!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Họ rảo khắp vùng ấy”. Có lẽ bạn và tôi đã ‘nhốn nháo’ nhất thế giới; hay khá hơn, như những người thời Chúa Giêsu, chạy tìm Ngài chỉ để thoả mãn những gì nhất thời bên ngoài. Lời Chúa mời gọi chúng ta bắt đầu tìm kiếm Ngài trong đời thường, tìm kiếm mỗi ngày, mỗi giây phút, để được tắm gội trong ân sủng và được ‘chữa lành bên trong’. Chúa Giêsu đang chờ đợi để có thể chạm đến chúng ta, chạm đến một điều gì đó hoàn toàn nội tâm hầu có thể tạo nên nơi chúng ta một sự khác biệt. Phải, một sự khác biệt cho một Năm Mới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để ngày sống của con trở nên ‘nhốn nháo’ động đạc. Dạy con khát khao một sự ‘chữa lành bên trong’ hầu may ra, con có thể tạo nên một sự khác biệt!”, Amen.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Agatha, trinh nữ, tử đạo

Ca nhập lễ

Chúng ta hãy vui mừng và hân hoan, vì Chúa muôn loài đã yêu thương trinh nữ thánh thiện và hiển vinh.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, thánh nữ A-ga-ta đã luôn luôn làm đẹp lòng Chúa, vì vừa sống cuộc đời kiên trinh, vừa can trường hi sinh tử đạo. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu cho chúng con được ơn tha thứ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ Lời Chúa (Theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con ca tụng Chúa đã làm những việc kỳ diệu nơi thánh trinh nữ A-ga-ta xin vui lòng chấp nhận lễ tế chúng con thành kính dâng lên Chúa và xin ban cho chúng con trung thành phụng sự Chúa suốt cả cuộc đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Người trinh nữ khôn ngoan đã chọn lấy phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban lương thực bởi trời để chúng con được thêm sức mạnh. Xin cũng giúp chúng con, biết noi gương sáng của thánh trinh nữ A-ga-ta  là chỉ sống cho Chúa khi mang trong thân mình cuộc thương khó của Chúa Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Agata, theo nghĩa tiếng Hy Lạp “người tốt”, là một thiếu nữ Sicilien, sinh tại Catane, dưới chân núi Etna. Được tử đạo vào năm 251 trong thời bách hại của Dèce ; việc tôn kính nữ thánh từ Sicile lan tràn cả Phương Tây (Constantinople) lẫn Phương Đông (Rôma, Milan, Ravenne) từ thế kỷ thứ V, được mừng vào ngày 05.02. Tại Rôma, có một thánh đường được dâng kính thánh nữ vào thế kỷ thứ V, được gọi là Saint-Agathe-des-Goths. Vào đầu thế kỷ thứ VI, Đức Giáo Hoàng Symmaque đã đưa việc tôn kính thánh nữ vào thành thánh và cung hiến một đại thánh đường trên đường Via Aurelia cho thánh nữ. Người ta cho rằng Đức Giáo Hoàng Grégoire Cả đã đưa tên thánh nữ vào Kinh Nguyện Thánh Thể Rôma; tên thánh nữ có trong các hạnh tử đạo Hy Lạp lẫn La Tinh.

Thánh nữ Agata được tôn kính cách đặc biệt tại Catane; dân thành phố này tin rằng thánh nữ đã làm nhiều phép lạ trong thời đất nước gặp khó khăn; họ tin rằng nhờ lời cầu bầu của thánh nữ đã cứu được thành khỏi bị núi lửa Etna bùng nổ. Agata được xem như thánh quan thầy của các cô bảo mẫu, người làm chuông, làm đồ nữ trang… Ngài được kể vào các thánh Bảo Trợ, được kêu cầu khi người ta bị bệnh đau thận. Mỹ thuật trình bày thánh nữ cầm một cái dĩa trong tay, trên có đôi vú bị cắt.

2. Thông điệp và tính thời sự

Thánh nữ Agata biết làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng việc thánh hiến sự đồng trinh và sự can đảm trong cuộc tử đạo.

a. Theo truyền thuyết, ngay từ bé, Agata đã chọn con đường tận hiến trinh khiết, hoàn toàn tự do dâng hiến cho tình yêu Chúa Kitô. Để chống lại các đòi hỏi của tổng trấn ngoại giáo Quitinien mà thánh nữ bị bắt, bị hành hình đau khổ và bị giết chết.

Thánh Méthode, giáo chủ Constantinople (+ 487), trong bài giảng ngày lễ tử đạo của thánh nữ, đã nhấn mạnh đến sự thánh hiến của thánh Agata, “đính hôn với hôn phu duy nhất là Đức Kitô… thánh nữ suy niệm và luôn chiêm ngắm cái chết của hôn phu một cách say mê”. Tình yêu nồng cháy đã làm cho thánh nữ hạnh phúc, như tên của thánh nữ, chỉ vì Thiên Chúa là nguồn mọi điều tốt lành.

b. Trong thời bách hại của Dèce, rất nhiều người được tử đạo, nhưng cũng có nhiều người chối đạo. Sự can đảm của các chứng nhân đức tin trước các lý hình nhấn mạnh đến tính chất anh hùng của hy tế và gương mẫu của họ, đã giúp đỡ rất nhiều người Kitô hữu thêm vững vàng trong đức tin, như thánh nữ Agata, theo như Hạnh tử đạo của bà, “vui tươi và chiếu sáng, bước vào tù ngục như vào một bàn tiệc.”

Thánh Méthode khuyến khích các tín hữu của ngài chạy đến với nữ thánh tử đạo, “như đang chiến thắng trận chiến hiện tại, thánh nữ Agata mời gọi mọi người đến với Bà, dạy dỗ bằng mẫu gương của mình : mọi người hãy đến với bà, đến với sự tốt lành chân thật, không gì khác hơn là chính Thiên Chúa.”

Enzo Lodi

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...