THỨ NĂM TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Khi Đức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng. (Lc 11, 53-54)
14/10/2021
THỨ NĂM TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Lc 11, 47-54
ĐỪNG CỐ CHẤP TRONG TỘI!
Khi Đức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng. (Lc 11, 53-54)
Suy niệm: Chúa Giêsu đã không ngần ngại khiển trách mạnh mẽ những vị được coi là đạo đức và là thầy dạy của người Do thái. Tuy nhiên, trước những lời khiển trách này con tim cứng cỏi của họ vẫn không lay động. Trái lại, họ lại càng lún sâu hơn vào đường sai trái khi hợp mưu với nhau để tấn công, tìm cách bắt bẻ Ngài. Trái với người phục thiện khiêm tốn nhận ra điều sai lỗi của mình và sửa chữa, kẻ cố chấp trong tội lỗi lại bới lông tìm vết nơi người khác để khoả lấp những lầm lạc sai trái của mình.
Mời Bạn: Tuân Tử nói: “Người chê ta mà chê đúng là thầy ta, người khen ta mà khen đúng là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”. Lời Chúa và lời giảng dạy của Giáo Hội nhiều khi đánh trúng “điểm yếu” của bạn. Bạn cảm thấy khó chịu ư? Nhưng bạn ơi, Lời đó chính là Lời hằng sống, Lời dạy chân lý; Lời đó mới giúp bạn đạt được đời sống vĩnh cửu.
Chia sẻ: Bạn cảm thấy thế nào khi nghe một bài giảng đánh trúng “tim đen”, hoặc bóc trần “tật xấu” của bạn? Phản ứng của bạn ra sao?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm Lời Chúa để không cố chấp trong tội: “Ngày hôm nay ước gì anh em nghe tiếng Chúa, anh em đừng cứng lòng” (Tv 94, 7-8).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nghe điều sửa dạy thật chẳng dễ, nhưng xin giúp con biết đón nhận những Lời Chúa răn dạy và lời giáo huấn của các đấng thay mặt Chúa để con biết sửa mình sống đẹp lòng Chúa. Xin Chúa đừng để con mãi cố chấp trong tội. Amen.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, lạy Chúa, nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, nào ai chịu nổi được ư? Vì lạy Thiên Chúa Is-ra-el, Chúa thường rộng lượng thứ tha.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy, Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 3, 21-30a
“Con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, hiện giờ sự công chính của Thiên Chúa đã tỏ hiện không tuỳ vào lề luật, nhưng có lề luật và các tiên tri làm chứng. Sự công chính của Thiên Chúa nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô sẽ ban cho mọi kẻ tin vào Người, không có gì phân biệt: vì mọi người đều phạm tội và đã thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa, họ được công chính hoá cách nhưng không, do ơn nghĩa của Người và nhờ sự cứu chuộc nơi Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Thiên Chúa đã đặt làm của lễ đền tội, nhờ tin vào máu của Người, để tỏ cho thấy đức công chính của Người, bởi Người tha thứ những tội đã phạm khi trước, trong thời kỳ nhịn nhục của Thiên Chúa, ngõ hầu tỏ ra đức công chính của Người trong lúc này, để tỏ ra chính Người là Ðấng công chính và công chính hoá người tin vào Ðức Giêsu Kitô.
Vậy đâu là việc tự hào của ngươi? Nó đã bị loại đi rồi. Bởi lề luật nào? Có phải lề luật chỉ việc làm không? Không phải, song là bởi lề luật đức tin. Quả thế, chúng tôi thâm tín rằng: con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật. Hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của người Do-thái thôi sao? Người không phải là Thiên Chúa các dân ngoại nữa sao? Ắt hẳn Người là Thiên Chúa các dân ngoại nữa: vì chỉ có một Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab. 4c-5
Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giầu ơn cứu độ
Xướng: Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu! Dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con.
Xướng: Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu.
Xướng: Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn con mong đợi Chúa, hơn người lính gác mong trời rạng đông. Hơn lính gác mong hừng đông dậy, Israel đang mong đợi Chúa.
Bài Ðọc I: (Năm II) Ep 1, 1-10
“Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian”.
Khởi đầu bức thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Phaolô, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô bởi ý định của Thiên Chúa, kính gửi các thánh ở Êphêxô và (là) các tín hữu trong Ðức Giêsu Kitô. (Nguyện chúc) ân sủng và bình an cho anh em do tự Thiên Chúa, Cha chúng ta, và Chúa Giêsu Kitô.
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương. Chiếu theo thánh ý của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Con yêu dấu của Ngài.
Trong Người, chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng này Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí, khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài theo ý Ngài đã định về Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời dưới đất trong Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).
Xướng: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.
Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.
Xướng: Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! – Ðáp.
Xướng: Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 47-54
“Sẽ bị đòi nợ máu của các tiên tri đã đổ ra, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa phán: “Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ. Bởi đó mà sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ lại”.
Khi người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, để làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Bọn giàu sang đã sa cơ nghèo đói; nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.
Hoặc đọc:
Khi Chúa tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng cao cả. Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô làm của ăn nuôi dưỡng chúng con; chúng con nài xin Chúa cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Người, Người hằng sống và hiển trị muôn đời…
Suy niệm
ĐỪNG PHẢN BỘI SỨ VỤ LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT (Lc 11, 47-54)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
Đức Giêsu đến để làm chứng cho sự thật. Vì thế, Ngài không bao giờ chấp nhận lối sống giả hình, gian dối… Chính vì điều này mà đã làm cho sự căng thẳng giữa Ngài và các người Pharisêu ngày càng leo thang!
Hôm nay, Tin Mừng trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu thẳng thắn lên án nhóm Pharisêu và các Tiến Sĩ Luật về lối sống giả hình của họ cách nặng nề.
Ngài vạch trần tội ác của họ khi đồng lõa để giết các tiên tri là những người dám đứng lên loan báo và bênh đỡ sự thật. Họ còn là những người ngăn cản người khác trên con đường nhân đức nữa.
Những người này luôn coi mình là người lãnh đạo, nắm giữ chìa khóa hiểu biết, nhưng thực ra bên trong thì rỗng tuếch, chẳng qua chỉ như lớp sơn bôi bóng hay như mồ mả tô vôi với đầy dãy những sự ô uế. Họ không sống tinh thần của Chúa, mà luôn sống cuộc sống trịnh thượng, trưởng giả và bắt người khác thi hành lệnh của mình. Từ đó, họ đã trở thành những kẻ mù lại dắt kẻ mù, khiến những người được họ hướng dẫn cũng phải bơ vơ lạc lõng, mất phương hướng và không biết đi về đâu!
Khi Đức Giêsu khiển trách họ như thế, một sự đối đầu đã ập đến với Ngài. Vì thế, họ đã tìm mọi cách để bắt bẻ và tận dụng mọi cơ hội để tố cáo nhằm giết chết Ngài. Với họ, Đức Giêsu chẳng khác gì cái gai trong mắt, cái đinh trên đường, nên họ không thể đội trời chung.
Qua cung cách của họ, Đức Giêsu không phải không biết những đau khổ do những người này gây nên, nhưng trước sau như một, Ngài luôn trung thành với sứ mạng của mình. Dù đòn vọt, gươm đao, và chết chóc, không gì có thể làm cho Ngài phản bội sứ vụ của Thiên Chúa Cha đã trao phó nơi Ngài là: loan báo và làm chứng cho sự thật.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trung thành với đường lối của Thiên Chúa là làm chứng cho sự thật. Chấp nhận mọi thử thách, dù là cái chết, miễn sao sự thật được lên tiếng. Không được sống kiểu ăn mày tiếng khen mà sợ tiếng chửi kiểu những người Pharisêu khi xưa. Cũng đừng lấy danh này tiếng kia để bắt người khác phải phục vụ mình. Cần trung thành với Giáo Huấn của Chúa trong khi phục vụ người khác.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng là đường là sự thật và là sự sống, xin hướng dẫn chúng con đi trên con đường Chúa đã đi để được sống đời đời. Amen.
MỤC ĐÍCH VÀ PHƯƠNG TIỆN
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Một cô giáo gốc lương dân đã vào Công giáo hỏi rằng: “Mục đích của chủ nghĩa cộng sản là muốn xây dựng thiên đàng ngay tại trần thế. Kitô hữu được mời gọi nỗ lực làm cho Nước Chúa trị đến. Vậy tại sao thường nghe nói là chủ nghĩa cộng sản và Công giáo xung khắc nhau, có người nói là không đội trời chung?
Vì là hỏi đáp nhanh trong cuộc hội thảo nên tôi đã giải thích: Trước hết cần phân biệt chủ nghĩa cộng sản với người anh em theo chủ nghĩa cộng sản. Người anh em cộng sản và người Công giáo rất có thể sống chung hài hòa trong yêu thương và liên đới nhiều mặt. Cũng có thể có trường hợp “phải chung sống” vì nhiều lý do khách quan và cả chủ quan. Xin đề cập đến niềm tin Kitô giáo, cách riêng Công giáo với lý thuyết cộng sản xét như một chủ nghĩa. Có sự khác biệt lớn giữa hai phạm trù này và nhiều sự khác biệt xem như là tương khắc. Chẳng hạn niềm tin Công giáo là hữu thần còn chủ nghĩa cộng sản là vô thần. Công giáo thì xác tín rằng mục đích không thể biện minh cho phương tiện. Để đạt mục đích tốt thì phải sử dụng những phương tiện tốt, ít nữa là trung dung nghĩa là không xấu. Chủ nghĩa cộng sản thì chủ trương ngược lại: mục đích biện minh cho phương tiện. Để đạt được mục đích tốt thì có thể sử dụng bất cứ phương tiện nào. Nói cách cụ thể như lời ông Đặng Tiểu Bình đó là “không cần biết mèo vàng hay hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt”. Để đạt được sự ổn định về chính trị hay để giữ được quyền cai trị thì có thể sử dụng mọi phương thế cho dù theo cái nhìn Kitô giáo là không chính đáng và phải đạo chẳng hạn như tuyên truyền, bạo lực…
Sau khi nói rằng thế hệ này đòi điềm lạ nhưng sẽ chẳng cho thế hệ này điềm lạ nào ngoài điềm lạ ngôn sứ Giona thì Chúa Giêsu khẳng định mình còn hơn cả Giona nữa (x.Lc 11,32). Điềm lạ ở đây đó là sự can đảm nói lời chân lý khi mà chân lý đụng tới lối sống bất chính của nhiều người chức cao, vị trọng. Thánh sử Luca tường thuật tiếp liền sau đó là những lời khiển trách rất gay gắt của Chúa Giêsu nhắm vào nhóm biệt phái và luật sĩ với cụm từ lặp đi lặp lại: “khốn cho các ngươi”.
Bài Tin Mừng ngày thứ Năm sau Chúa Nhật XXVIII TN tường thuật những lời kết án của Chúa Giêsu nhắm vào cả hai nhóm người trên. Với nhóm biệt phái thì Chúa Giêsu đã vạch rõ sự sai lạc của họ khi họ cố tình làm một việc tốt với mục đích xấu. Họ bỏ công sức xây lăng mộ cho các ngôn sứ để che đậy gian ý của họ hiện nay là đang tìm cách hãm hại Chúa Giêsu, người mà dân chúng tôn kính như là một sứ ngôn. Khi mục đích đã là xấu rồi thì việc chúng ta làm dù có tốt cũng thành xấu mà nhiều khi trở thành tệ hại vì nó thường có tính lường gạt tha nhân và nhiều khi cả chính mình cũng bị lầm.
Với các ngài tiến sĩ luật thì Chúa Giêsu khiển trách họ đã “cất giấu sự hiểu biết” con đường vào Nước Trời. Bản thân đã lầm đường mà họ lại còn dẫn dắt dân chúng đi lạc lối (x.Lc 11,52). Vì sự cao ngạo và với lòng tham lam họ đã vẽ vời nhiều con đường nhỏ quanh co mà bỏ qua chính lộ Thiên Chúa đã vạch ra. Chúa Giêsu đã trưng dẫn nhiều đan cử cụ thể: họ dạy dân chúng giữ kỹ lưỡng việc đóng thuế thập phân đến cả các thứ rau nhỏ xíu như bạc hà, thì là… mà bỏ qua đức công bình, lòng nhân và sự thành tín (x.Mt 23,23). Thậm chí họ dạy dân chúng rằng những gì mình có để phụng dưỡng cha mẹ mà nếu đã dâng vào đền thờ rồi thì được miễn sống đạo thảo hiếu (x.Mt 15,1-6). Chắc hẳn các vị tiến sĩ luật đều muốn cho bản thân và người mình dạy dỗ vào Nước Trời. Thế nhưng mục đích tốt là vào Nước Trời không thể biện mình cho cách thế giảng dạy sai lạc của họ. Vì thế chúng ta mới hiểu được thái độ nghiêm khắc của Chúa Giêsu khi phê phán nhóm người này.
Dưới ánh sáng lời mạc khải và theo lời dạy của giáo hội, thiển nghĩ rằng hàng giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và Kitô hữu giáo dân trưởng thành trong Công giáo cách nào đó vốn nắm rõ các mối tương quan giữa các phạm trù: “chính việc làm, ý hướng, mục đích và phương tiện” theo chiều kích thần học luân lý. Sự hiểu biết và việc tin nhận có song hành với cuộc sống ra sao thì còn nhiều vấn đề phải xét suy và tự kiểm. Chẳng hạn xây nhà Chúa vốn thường là một việc tốt. Nhưng để có ngân khoản để xây dựng mà dùng cách thế “khích lòng háo danh” của người dâng cúng thì có đẹp lòng Chúa không? Đã hiểu biết nguyên tắc luân lý mà còn vô tình vi phạm thì thật đáng tiếc. Giả như hữu ý sai lỗi thì chắc chắn lời khiển trách nặng nề của Chúa Cứu Thế lại phải vọng vang: “Khốn cho các ngươi! Khốn cho các ngươi!”