THỨ SÁU TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN
Chúa Giê-su nói: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó vì họ không tin. (Mt 13, 54-58)
02/08/2024
THỨ SÁU TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN
Thánh Phêrô Julianô Eymard, linh mục
Mt 13, 54-58
chúa không thể làm phép lạ
Đức Giê-su không thể làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin. (Mt 13,54-58)
Suy niệm: Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng toàn năng, “không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37); hơn nữa Ngài là Chúa giàu lòng thương xót, luôn “chạnh lòng thương” đoàn dân chúng “lầm than vất vưởng” (x. Mt 9,36) sẵn sàng cứu giúp họ ngay cả khi họ chưa kịp kêu xin. Thế mà, giờ đây tại quê nhà Na-da-rét, Ngài “không thể làm nhiều phép lạ” chỉ vì một lý do duy nhất là dân chúng đã không tin. Thật kỳ lạ, sự cứng lòng của con người như bức tường đồng khiến cho quyền năng vô biên của Thiên Chúa cũng không thể xuyên thủng. Và còn kỳ lạ hơn nữa, Trái Tim của Chúa thật mềm lòng, dễ chạnh thương, chỉ cần ta có “lòng tin lớn bằng hạt cải” thôi, là Chúa khiến cho cả núi non cũng phải chuyển dời (x. Mt 17,20).
Bạn thân mến, Chúa không tỏ quyền năng của Ngài khi làm phép lạ để ép bạn ‘vô thế’ phải tin theo Ngài; niềm tin đích thực phải xuất phát bởi tự do và tình yêu mến. Mặt khác, một khi bạn đặt niềm tin mến nơi Chúa, dù lòng tin của bạn còn yếu kém, thì Chúa sẽ ban cho bạn hồng ân cứu độ và cho bạn hưởng trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc bên Ngài muôn đời. Bạn còn ngần ngại chi mà không thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con tin Chúa. Nhưng xin Chúa giúp thêm lòng tin còn yếu kém của con” (Mc 9,24)?
Sống Lời Chúa: Để giúp củng cố lòng tin còn yếu kém của bạn, mời bạn dành ít phút để cầu nguyện trước và sau mỗi hành động của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su xin thương xót con, vì con đã yếu đuối lại còn cứng lòng. Xin ban cho con ơn hoán cải và xin củng cố lòng tin còn yếu kém của con. Amen.
Ngày 2: Lạy Chúa! Ưu tư, căng thẳng, và những trạng thái tiêu cực khác đã tách chúng con ra khỏi năng lực của phút giây hiện tại, phút giây “đang là”, khiến chúng con rơi vào ảo tưởng rằng: chúng con đã bị tách rời khỏi năng lực lớn lao của Chúa. Chúng con cảm thấy âu lo, căng thẳng và khiến cho những cảm xúc tiêu cực nổi lên ở trong chúng con, là vì, chúng con đã chối bỏ phút giây “đang là”, chúng con cho rằng: có một điều nào khác quan trọng hơn. Xin cho chúng con đừng lãng quên mục đích chủ yếu của mình là trân trọng, và có mặt với Chúa ngay phút giây hiện tại, ngay phút giây “đang là” này. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 17 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người; Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những kẻ bị bỏ rơi. Chính Người ban cho dân Người được quyền năng và mãnh lực.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng con không có Chúa chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện; xin mở lòng nhân hậu hướng dẫn chúng con để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) Lv 23, 1. 4-11. 15-16. 27. 34b-37
“Các ngươi phải kể những ngày của Chúa là những ngày rất trọng thể và là ngày thánh”.
Trích sách Lêvi.
Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ðây là những ngày lễ của Chúa mà các ngươi phải mừng lễ trong thời gian của nó. Chiều ngày mười bốn tháng Giêng là Lễ Vượt Qua của Chúa; và ngày mười lăm tháng Giêng, là lễ trọng không men của Chúa: Các ngươi sẽ ăn bánh không men trong bảy ngày. Ngày thứ nhất, các ngươi phải kể là ngày rất trọng thể, và là ngày thánh, các ngươi không nên làm mọi việc xác trong ngày ấy”. Trong bảy ngày, các người phải thiêu hy lễ dâng lên Chúa. Ngày thứ bảy là ngày trọng thể và là ngày thánh hơn, các ngươi không làm việc xác nào trong ngày ấy”.
Chúa lại phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy nói cùng con cái Israel và bảo họ rằng: Khi các ngươi đã tiến vào đất Ta sẽ ban cho các ngươi, và khi các ngươi gặt lúa, thì phải mang bó lúa đầu mùa đến cho tư tế, người sẽ giơ bó lúa lên trước mặt Chúa để hôm sau ngày sabbat, người xin Chúa chấp nhận cho các ngươi, và thánh hoá nó. Vậy các ngươi hãy tính từ hôm sau ngày sabbat, là ngày các ngươi đã dâng bó lúa đầu mùa, các ngươi tính đủ bảy tuần, cho đến ngày hôm sau cuối tuần thứ bảy, tức là năm mươi ngày, thì các ngươi phải dâng của lễ mới cho Chúa. Ngày mùng mười tháng Bảy, là ngày đền tội rất trọng thể, gọi là ngày thánh: trong ngày đó, các ngươi phải hãm dẹp tâm hồn, và dâng của lễ toàn thiêu cho Chúa. Từ ngày mười lăm tháng Bảy sẽ mừng lễ Nhà Xếp kính Chúa trong bảy ngày. Ngày thứ nhất sẽ gọi là ngày rất trọng thể và rất thánh, các ngươi không nên làm mọi việc xác trong ngày ấy. Và trong bảy ngày, các ngươi phải dâng của lễ toàn thiêu cho Chúa, ngày thứ tám cũng rất trọng thể và rất thánh, các ngươi phải dâng của lễ toàn thiêu cho Chúa, vì là ngày cộng đoàn tập họp, các ngươi không nên làm mọi việc xác trong ngày ấy.
“Ðó là những ngày lễ của Chúa mà các ngươi phải kể là những ngày rất trọng thể và rất thánh, trong những ngày ấy, các ngươi phải dâng lên Chúa lễ vật, của lễ toàn thiêu và lễ quán theo nghi lễ của mỗi ngày”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 80, 3-4. 5-6ab. 10-11ab
Ðáp: Hãy reo mừng Thiên Chúa là Ðấng phù trợ chúng ta
Xướng: Hãy hoà nhạc và đánh trống râm ran; dạo đàn cầm êm ái cùng với thất huyền. Hãy rúc tù và lên mừng ngày trăng mới, trong buổi trăng rằm, ngày đại lễ của chúng ta.
Xướng: Vì đó là điều đã thiết lập cho Israel; đó là huấn lệnh của Thiên Chúa nhà Giacóp. Người đã đặt ra luật này cho nhà Giuse, khi họ cất gót lên đường lìa xa Ai-cập.
Xướng: Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác; ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra ngoài Ai-cập.
Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 26, 1-9
“Toàn thể dân chúng tập họp trước Thiên Chúa”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Khi Gioakim, con của Giosia vua nước Giuđa mới lên cai trị, thì Chúa phán rằng: “Ðây Chúa phán: Ngươi hãy đứng giữa tiền đàng đền thờ Chúa, và bảo mọi thành phố nước Giuđa đến thờ lạy trong đền thờ Chúa, hãy nói cho họ biết tất cả những lời Ta truyền cho ngươi nói với họ: ngươi chớ bớt một lời; may ra ai nấy nghe mà trở lại, và bỏ đàng tội lỗi của mình, mong Ta hối tiếc tai hoạ Ta định giáng xuống họ, vì sự gian ác họ ưa thích. Và ngươi hãy bảo họ rằng: Ðây Chúa phán: Nếu các ngươi không nghe Ta để bước đi trong lề luật Ta đã ban cho các ngươi, để nghe lời các tiên tri tôi tớ Ta mà ban đêm Ta chỗi dậy và điều động sai đến các ngươi, và các ngươi không nghe, thì Ta sẽ để đền thờ này như Silô, sẽ khiến thành này bị hết thảy các dân trên địa cầu nguyền rủa”.
Các tư tế, các tiên tri, toàn dân đều nghe Giêrêmia nói những lời ấy trong đền thờ Chúa. Khi Giêrêmia nói hết những lời Chúa truyền cho ông nói với toàn dân, thì các tư tế, các tiên tri, và toàn dân bắt ông và nói rằng: “Ngươi phải chết! Tại sao ngươi nhân danh Thiên Chúa mà nói tiên tri rằng: ‘Ðền thờ này sẽ như Silô, thành này sẽ hoang vu không ai cư ngụ’?” Và toàn dân tập họp phản đối Giêrêmia trong đền thờ Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 68, 5. 8-10. 14
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi (c. 14c).
Xướng: Những kẻ thù ghét con vô cớ, chúng nhiều hơn số tóc trên đầu con. Chúng thực là mạnh thế hơn con, những con người phản hại con trái lẽ: điều mà con không lấy, con cũng phải đền ư?
Xướng: Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người cùng con một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi; điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con.
Xướng: Nhưng lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa con. Ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa.
Alleluia: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 13, 54-58
“Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: “Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?” Và họ vấp phạm đến Người.
Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: “Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình”. Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con dâng lên những của lễ Chúa đã rộng ban cho chúng con; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và cho lễ tế này đem lại ân sủng dồi dào để chúng con được thánh hóa trong cuộc đời hiện tại và đạt tới hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con tham dự vào bí tích Thánh Thể, để chúng con đời đời tưởng nhớ Ðức Giêsu Con Một Chúa, đã chịu khổ hình và sống lại hiển vinh; xin cho bí tích tình yêu Người trối lại dẫn chúng con tới hưởng ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
SỐ PHẬN CỦA CÁC NGÔN SỨ
(THỨ SÁU TUẦN 17 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 17 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng ta, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện. Xin Chúa mở lòng nhân hậu mà hướng dẫn chúng ta, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng ta đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại.
Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, khi ý thức được sức mạnh của Chúa được biểu lộ trong sự yếu đuối của chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô hãnh diện vì những yếu đuối của mình. Sở dĩ, người Tông Đồ lên tiếng rao giảng, là bởi vì, chính bản thân họ đã cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu của Chúa Kitô. Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Kho tàng ơn thánh, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa. Vì sức mạnh của Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của chúng ta.
Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, khi nhẫn nại chịu khổ vì Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Inhaxiô Antiôkhia nói với thánh Pôlycáp: Hãy vững vàng như đe dưới búa. Chúng ta phải biết chịu đựng tất cả vì Thiên Chúa, bởi vì, chính Người đã chịu đựng vì chúng ta. Đấng vô hình, nhưng, đã trở nên hữu hình vì chúng ta. Người là Đấng không ai chạm tới được, không ai làm khổ được, nhưng, đã trở thành con người biết chịu khổ, và đã vì chúng ta mà chịu mọi nhục hình… Anh hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa. Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời.
Đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại, khi chấp nhận bị thiệt thân vì lo việc nhà Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách ngôn sứ Giêrêmia cho thấy: Các tư tế, các ngôn sứ và toàn dân túm lấy Giêrêmia mà bảo: Thế nào ông cũng phải chết! Tại sao ông lại dám nhân danh Đức Chúa mà tuyên sấm rằng: Nhà này sẽ nên như Silô, còn thành này sẽ ra điêu tàn, không ai cư ngụ? Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 68, vịnh gia cũng đã cho thấy: Lạy Chúa, xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày. Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thóa mạ, chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày. Anh em nhà kể con như người dưng nước lã, hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi. Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân. Lời kẻ thóa mạ Ngài, này chính con hứng chịu.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng. Trong bài Tin Mừng, dân chúng sửng sốt và nói: Ông không phải là con bác thợ sao? Đức Giêsu nói: Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương và trong gia đình mình mà thôi. Lời Chúa muôn đời tồn tại, đó là Tin Mừng cứu độ được loan báo cho chúng ta, và chúng ta cũng có sứ mạng loan truyền Tin Mừng đó cho tất cả mọi người. Các ngôn sứ xưa và nay đều cùng chung một số phận: bị rẻ rúng, bị thóa mạ, bị khinh chê. Tuy nhiên, chúng ta hãy bắt chước Đức Kitô, vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta: hãy lấy lòng bác ái, mà nhẫn nhục chịu đựng mọi người; hãy lấy đức hiền hòa, mà cảm hóa những kẻ hư hỏng nhất; hãy gánh đỡ sự yếu đuối của mọi người, vất vả càng nhiều, công phúc càng lớn. Chúa là sức mạnh và là niềm trông cậy của chúng ta, không có Chúa, chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện. Chúa đã mở lòng nhân hậu đối với chúng ta, ước gì đang khi dùng những của cải chóng qua đời này, chúng ta đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại. Ước gì được như thế!
TÌM KIẾM SỰ HIỆN DIỆN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương và trong gia đình mình thôi!”.
“‘Nản chí’ là bất mãn với quá khứ, ghét bỏ hiện tại và ngờ vực tương lai. ‘Nản chí’ là vô ơn với phúc lành hôm qua, thờ ơ với cơ hội hôm nay và bất an với sức mạnh ngày mai. Đó là thiếu kiên nhẫn với thời gian, non nớt với suy nghĩ và bất lịch sự với Thiên Chúa. Vì thế, trong mọi sự, bạn hãy tìm kiếm sự hiện diện của Ngài!” - William Ward.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu không ‘nản chí’ khi những người cùng quê - dẫu đã chứng kiến sự khôn ngoan và những việc vĩ đại Ngài làm - không ‘tìm kiếm một sự hiện diện khác’ nơi Ngài.
Đồng hương của Chúa Giêsu hẳn đã biết Maria, mẹ Ngài, và cô hẳn đã làm chứng hàng ngày về những đức tính đáng kinh ngạc; họ hẳn đã biết Giuse, một người chính trực; và Chúa Giêsu hẳn đã thể hiện hoàn hảo mọi đức tính nhân bản khi Ngài lớn lên. Thế nhưng, nhiều người đã không nhận ra sự thánh thiện của Ngài và của Thánh Gia Thất.
Trải nghiệm này nhắc chúng ta rằng, chúng ta cũng sẽ dễ dàng bỏ lỡ sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống mình. Nếu những người gần gũi với Chúa Giêsu không nhận ra những đức hạnh và sự thánh thiện phi thường của Ngài, thì chúng ta lại càng không thể thấy sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của những anh chị em chung quanh! Vì một lý do nào đó, có lẽ phải đấu tranh với lòng kiêu hãnh và sự tức giận, nên chúng ta dễ nhìn vào lỗi lầm của người khác hơn là nhìn vào các nhân đức của họ. Câu chuyện Phúc Âm hôm nay khuyến khích chúng ta làm mọi cách để có thể nhìn xa hơn ‘các bề mặt’ và ‘tìm kiếm sự hiện diện’ của Chúa trong mọi cuộc sống chúng ta gặp gỡ trên đường đời.
Ở cấp độ căn bản nhất, Chúa ngự trong mỗi người và mọi người được Ngài dựng nên! Ngay cả những người ở trong tình trạng tội lỗi nghiêm trọng và dai dẳng vẫn được Ngài tạo tác và phản ánh hình ảnh Ngài theo chính bản chất của họ. Chúng ta phải thấy điều này! Cũng thế, cả những người ở trong tình trạng ân sủng mang theo sự hiện diện của Chúa, không chỉ trong bản chất của họ mà còn phản chiếu hoạt động của Ngài trong cuộc sống họ. Vì thế, chúng ta phải nỗ lực ‘tìm kiếm sự hiện diện’ của Chúa trong mọi sự, mọi người, để có thể nhìn thấy Ngài trong thế giới và trong mỗi người.
Kính thưa Anh Chị em,
“Hãy tìm kiếm sự hiện diện của Chúa” bằng cách bắt đầu nghĩ về những người mà bạn thân thiết nhất. Khi nghĩ về họ, bạn nghĩ đến điều gì? Qua nhiều năm, chúng ta có thể hình thành một thói quen chỉ trích lầm lỗi của họ. Và những thói quen đó rất khó bỏ. Chúng ta chỉ có thể bỏ chúng bằng cách nỗ lực ‘tìm kiếm sự hiện diện’ của Chúa trong cuộc sống họ. Như đã lưu ý, nếu những người dân thành Nazareth đã gặp khó khăn khi làm điều này với Chúa Giêsu, Đấng hoàn hảo tuyệt đối, thì chúng ta sẽ còn khó khăn hơn khi làm điều đó với những con người bất toàn. Thế nhưng, nếu vượt qua những định kiến này mà không nản chí, thì đó là một nỗ lực rất thánh thiện mà - với ơn Chúa - bạn sẽ thực hiện được.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con vô ơn với phúc lành hôm qua, thờ ơ với cơ hội hôm nay và bất an với sức mạnh ngày mai khi con bỏ lỡ ‘những lần thăm’ của Chúa qua anh chị em con!”, Amen.