Bờ Biển Ngà, nơi sự tôn trọng sâu sắc gắn kết người Kitô giáo và người Hồi giáo


“Nếu nói rằng tại khu vực này của Bờ Biển Ngà, người Kitô giáo và người Hồi giáo khoan dung lẫn nhau tức là hạ thấp hiện tượng này. Có sự tôn trọng lẫn nhau một cách sâu sắc ở đây.” Đây là lời của Cha Matteo Pettinari, 36 tuổi, một nhà truyền giáo dòng Consolata. Từ năm 2011 đến nay, ngài đã sống tại Dianra, một thị trấn nhỏ ở phía bắc của đất nước châu Phi này. Cùng sống với ngài là hai linh mục cùng dòng và các ngài cùng nhau phụ trách một giáo điểm bao phủ một vùng đất rộng khoảng 3.000 km vuông. Giáo điểm bao gồm hai xã thuộc Dianra, cư dân chủ yếu thuộc nhóm sắc tộc Senufo (theo Kitô giáo, Hồi giáo và Bái vật giáo), và Xã Dianra, phần lớn dân số lại thuộc nhóm sắc tộc Mandinka (theo Hồi giáo). Tổng cộng có khoảng 100.000 cư dân: người Công giáo chiếm chưa đến 2%, người theo đạo Tin Lành chiếm 3%, trên 65% là người Hồi giáo, và 30% theo tôn giáo truyền thống.

Một mảnh đất màu mỡ cho tôn giáo

Cha Matteo cho biết để hiểu được mối quan hệ giữa người Kitô giáo và người Hồi giáo tại khu vực này của Bờ Biển Ngà, cần phải hiểu rằng “ý thức tôn giáo ở đây rất mạnh mẽ: người ta tin chắc chắn là có Thiên Chúa và trông cậy vào Người. Điều đó cũng được phản ánh trong ngôn ngữ hàng ngày: ví dụ, để nói lời tạm biệt, họ sử dụng câu ‘Cầu xin Chúa ban cho bạn một ngày tốt lành.’ Thiên Chúa tồn tại và gần gũi với mọi người: niềm tin này gắn kết tất cả mọi người. Do đó, có một sự tôn trọng thực sự và sâu sắc giữa người Kitô giáo và người Hồi giáo. Các nhà truyền giáo chúng tôi được gọi là ‘người của Chúa’; người Hồi giáo thường xin chúng tôi cầu nguyện cho họ.”

Tăng cường mối quan hệ

Khi các nhà truyền giáo dòng Consolata đến vùng đất này vào năm 2001, các ngài đã quyết định xây dựng một giáo điểm với các dự án xã hội nhỏ mà dân chúng có thể điều hành và có thể sử dụng những người trẻ tuổi được đào tạo đầy đủ. Cha Matteo nói: “Các nhà truyền giáo chúng tôi luôn luôn lôi kéo mọi người tham gia vào công việc của chúng tôi bằng cách cổ vũ và củng cố mối quan hệ giữa người Kitô giáo, người Hồi giáo và những người theo tôn giáo truyền thống.” Tinh thần huynh đệ chỉ đạo tất cả những lựa chọn của các nhà truyền giáo; các ngài chăm sóc những người dân sống đạm bạc đã phải chịu rất nhiều đau khổ và thiếu thốn trong một cuộc xung đột kéo dài gần mười năm. Phần phía bắc này của Bờ Biển Ngà vẫn nằm trong tay các lực lượng nổi dậy từ năm 2002 đến năm 2011 và suốt thời gian đó không có viên chức nhà nước, không có bác sĩ, không có giáo viên.

Trung tâm y tế

Trong nhiều năm, các nhà truyền giáo đã mở các điểm y tế nhỏ ở một số thôn làng và một trung tâm y tế tại Xã Dianra, nơi hiện nay phòng nha khoa đang được xây dựng, trong khi khoa phụ sản đã đi vào hoạt động. Lúc đầu, người dân rất nghi ngờ: họ thích dựa vào các thầy lang trong vùng, nhưng tình trạng đang dần thay đổi và số lượng bệnh nhân đến trung tâm ngày càng đông. Đội ngũ nhân viên của Trung tâm Y tế Xã Dianra đã lên đến 14 người. Trong số đó, có những người trẻ tuổi theo Kitô giáo và Hồi giáo Senufo được các nhà truyền giáo cung cấp chi phí đào tạo và ngày nay là các y tá chuyên nghiệp và nhân viên cung cấp dịch vụ y tế cùng làm việc trong tinh thần hợp tác.

Vị bác sĩ Hồi giáo

Bác sĩ đầu tiên phục vụ tại Xã Dianra là Abudu Sumaila, 45 tuổi, một người Hồi giáo, kết hôn và có hai con. Cha Matteo mô tả ông là “một người bạn tốt, một người rất có lòng nhân đạo và chính trực”. Mới đây bác sĩ Sumaila đã chuyển đi nơi khác nhưng vẫn gắn bó với các nhà truyền giáo và không quên thời gian phục vụ tại trung tâm y tế mà các ngài quản lý. Ông nói: “Tôi yêu công việc đó. Sự nghiêm khắc, tính kỷ luật, luôn theo đuổi những gì tốt nhất và tôn trọng nhân phẩm là lương thực hàng ngày của chúng tôi.” Về quan hệ của ông với các Kitô hữu, ông nói: “Họ rất tuyệt vời, đặc biệt là người Công Giáo: nhiều người đã trở thành bạn bè thân thiết.”

Tình trạng mù chữ phổ biến

Thật không may, khu vực này của Bờ Biển Ngà có tỷ lệ mù chữ cao nhất nước. Đối với các nhà truyền giáo, khó khăn lớn nhất không phải là gây quỹ để xây dựng các trung tâm xoá mù chữ mà là làm cho người ta hiểu được tầm quan trọng của việc học đọc học viết vì họ chưa bao giờ thực sự cảm thấy có nhu cầu đó. Các nhà truyền giáo vẫn đang thực hiện công việc thuyết phục một cách tinh tế và kiên nhẫn: và mặc dù đó chỉ là giọt nước trong biển cả, nhưng kết quả rất đáng khích lệ. Đến nay các ngài đã mở được sáu trung tâm tổ chức các lớp học buổi tối. Các trung tâm này do các giáo viên Kitô giáo và Hồi giáo giảng dạy, và hiện tại có 220 người theo học, chủ yếu là người lớn.

Đề cao phẩm giá phụ nữ

Các nhà truyền giáo cũng đã giúp 160 phụ nữ mở cửa hàng buôn bán nhỏ. Mỗi năm, các phụ nữ này hoàn trả 10% số tiền mà họ nhận được và số tiền này được cấp cho những khoản vay mới.

Cha Matteo cho biết thêm: “Để thực hiện hoạt động này, chúng tôi đã mời sáu phụ nữ trong đó có một người Hồi giáo tham gia quản lý. Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc họp để giúp phụ nữ nhận thức được phẩm giá và giá trị của mình. Thật không may, nhiều bé gái bị cắt xén bộ phận sinh dục nữ, một tập quán lâu đời ở đây: rất khó thuyết phục các bà mẹ (ngay cả Kitô hữu) từ bỏ tập quán đó.”

Nhà nguyện được người Hồi giáo giúp sơn lại

Năm ngoái, tại khu vực có cư dân phần lớn là người Mandinka (theo Hồi giáo) xảy ra một sự kiện khiến Cha Matteo vô cùng xúc động: “Vị Imam của thị trấn Sononzo đã thúc đẩy một hoạt động gây quỹ xây đền thờ Hồi giáo và xin phép tôi sử dụng một phần quỹ đó để làm việc tương tự cho ngôi nhà nguyện đang xuống cấp của chúng tôi. Tôi chấp nhận, ngạc nhiên và xúc động trước đề nghị này. Khi tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi, vị Imam đã nói với tôi rằng với cử chỉ này, người dân muốn cảm ơn chúng tôi về trung tâm xoá mù chữ và cái giếng mà chúng tôi đã xây dựng, hai dự án cho thấy sự tham gia của cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bé và cộng đoàn Hồi giáo, giống như trong cùng một gia đình lớn.”

Bác sĩ Abudu kết luận: “Khắp Bờ Biển Ngà, mối quan hệ giữa người Kitô giáo và người Hồi giáo nói chung là rất tốt. Tôi tin rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa người Kitô giáo và người Hồi giáo là một yếu tố cơ bản xây dựng sự gắn kết xã hội, không chỉ ở đất nước tôi mà cả ở phần còn lại của thế giới. Tôi nghĩ việc những người thực sự có đạo thuộc các tôn giáo khác nhau sống và làm việc cùng nhau trong hòa hợp và hòa bình có thể chứng tỏ và dạy cho thế giới biết rằng yêu mến Chúa cũng có nghĩa là yêu thương nhau.”

Tác giả: Cristina Ugoccioni

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...