Linh mục Nerella: từ Ấn Độ đến Amazon.


Ngày 4 tháng 6 sẽ là lễ trọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày sinh nhật của Giáo Hội, ngày các môn đệ của Chúa Kitô khởi đầu công cuộc truyền giáo khắp thế gian. Cách đây những  vài thập niên, các nhà truyền giáo đều xuất thân từ Châu Âu hay Bắc Mỹ và từ đó các ngài đến Châu Á, Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi để loan báo Tin Mừng. Ngày nay không còn như thế nữa. Các nhà truyền giáo từ các nước phương Tây ngày càng ít đi. Bây giờ đến lượt các nhà truyền giáo từ Châu Á, Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi tích cực thực hiện ý muốn của Chúa Giêsu: “Hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho muôn dân!” Cha Nerella, nhà truyền giáo Ấn Độ trong Câu chuyện Truyền giáo tháng này, là một trong những vị đó. 500 nhà truyền giáo Việt Nam ad gentes (cho muôn dân) cũng đang làm công việc của các ngài. Nhưng... ở Việt Nam có khoảng 30.000 tu sĩ... Có thể làm gì hơn để rao giảng Tin Mừng trên khắp thế giới hay không? Có thể có thêm nhiều nhà truyền giáo Việt Nam góp phần duy trì động lực truyền giáo toàn cầu của Giáo Hội, đã bắt đầu vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, hay không?

Cha John Raju Nerella là một linh mục Ấn Độ đến từ bang Andhra Pradesh. Là thành viên của Dòng Truyền giáo Nước Ngoài của Học viện Giáo hoàng (PIME), ngài đã làm việc tại Brazil được 16 năm. Sứ mệnh đầu tiên của ngài là phục vụ các cộng đoàn Kitô hữu trong khu vực rừng Amazon và sau đó chuyển đến các cộng đoàn trong các đồn điền (fazendas). Cuối cùng ngài đã đến làm việc tại các khu nhà ổ chuột của São Paulo. Nói về ơn gọi truyền giáo của mình, ngài cho biết: “Ban đầu, tôi không biết mình sẽ được sai ra nước ngoài. Tôi muốn trở nên giống như những nhà truyền giáo PIME đã đến Ấn Độ làm điều thiện. Tôi cũng muốn theo gương của cha tôi: khi tôi còn nhỏ, ông thường đưa tôi đến các làng để tổ chức các buổi đọc kinh. Các bạn biết đấy, cha tôi như một nhà truyền giáo!”

Nhớ lại thời gian truyền giáo cho các gia đình ở khu vực Amazon, ngài nói: “Tôi đã đến đó vì họ, để mang Chúa Kitô đến cho họ. Nhưng từng chút một, tuy họ không ý thức , người bản địa đã giúp tôi trở thành một người tốt hơn.”

Linh mục Nerella, 47 tuổi, xuất thân từ làng Annadevarapeta, một ngôi làng nhỏ thuộc giáo phận Eluru (bang Andhra Pradesh, Ấn Độ). Ngài nói rằng ngài là “hoa trái của hoạt động truyền giáo của dòng PIME tại Ấn Độ”, vì ngài là một trong số những nhà truyền giáo địa phương đầu tiên được nhận vào dòng thông qua sáng kiến của cha Benito Picascia, cựu bề trên dòng tại Ấn Độ.

Khi còn nhỏ, ngài “hít thở” công việc truyền giáo vì cha ngài, người đã lập gia đình trong một buổi lễ do các nhà truyền giáo cử hành, đã được “đào tạo thần học, một thứ chức phó tế (nhưng không được truyền chức) để làm giáo lý viên ad tempus (có thời hạn) và đưa tôi đi cùng khi ông đến các làng tổ chức các buổi đọc kinh. Ông đã làm công việc đó trong 45 năm: có thể gọi ông là một nhà truyền giáo!”

Theo ngài, các nhà truyền giáo “tạo ra mọi thứ ở Eluru: trường học, nhà thờ, trợ giúp cho dân chúng.” Ở tuổi 14-15, ngài đã đến gặp Cha Picascia, và thưa với cha rằng ngài có một “ao ước thiêng liêng”. Từ thời điểm đó, giai đoạn tìm hiểu ơn gọi của ngài bắt đầu, kéo dài 20-21 năm. Trong thời gian này, ngài học toán học, vật lý và hóa học, vì đối với ngài, những môn học này, cùng với triết học, “là rất quan trọng đối với tôn giáo. Vì hoạt động lý tính và hoạt động tâm linh tạo nên sự kết hợp hoàn hảo cho con người.”

Tháng 8 năm 2000, ngài được thụ phong linh mục và các bề trên của ngài báo cho ngài biết ngài sẽ đến Campuchia. Nhưng ngài xin được sai đến một châu lục khác. Ngài giải thích: “Tôi là người Châu Á. Tôi đã sống ở Châu Âu để học tập, và tôi hy vọng được đến Châu Phi hoặc Châu Mỹ La Tinh. Tôi muốn mang Tin Mừng, với tư cách một linh mục Châu Á, đến với một đất nước xa xôi.” Vài tháng sau, vào tháng giêng năm 2001, ngài đã có được điều ngài mong ước và ngài được sai tới khu vực rừng Amazon của Brazil, một quốc gia có những khác biệt về sắc tộc, xã hội và kinh tế, đặc biệt giữa thành phố và thôn quê. Tại đây, ngài đã trải qua 16 năm tiếp sau đó.

Ngài cho biết: “Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là ở phía Bắc, Macapà, nơi các nhà truyền giáo dòng PIME đã thành lập giáo phận địa phương. Ở đây, Giáo Hội đã tham gia vào công cuộc truyền bá Phúc Âm đầu tiên cho những người sống hai bên bờ sông Amazon và các chi lưu. Tôi đã làm mọi công việc mục vụ: dạy giáo lý, dạy Kinh Thánh, ban phép Rửa Tội, ban Bí tích Thánh Thể, ban phép Hôn Phối. Công việc rất thú vị; tôi tràn đầy năng lượng và ham muốn làm việc.”

Dần dần, ngài thừa nhận, tôi càng đồng cảm và thấu hiểu người dân bản địa và tôi nhận ra rằng tôi đã thay đổi. Tôi đến đó vì họ, nhưng người bản xứ cũng đã giúp tôi trở thành một người tốt hơn, một linh mục tốt hơn. Ngài nói “điều khiến tôi gắn bó với người dân địa phương là cách tôi làm việc. Tôi không có ý định đến đó để đặt mình trên bệ. Tôi sống với họ; Tôi ăn uống với họ.”

Sau đó, bắt đầu từ năm 2005, Cha Nerella làm việc tại bang Mato Grosso, trong các đồn điền địa phương (fazendas). “Ở đây nhiệm vụ khó khăn hơn bởi vì khu vực nơi tôi hoạt động rất xa xôi và rộng lớn. Việc dạy giáo lý rất khó khăn bởi vì người dân sống tản mác trong các khu vực rộng lớn hơn, vì vậy khi đến các fazendas để dạy giáo lý, chúng tôi đã dạy chung cho tất cả mọi người, cả già và trẻ.”
Năm 2008, ngài được chuyển đến Bang Paranà, ở đó phương pháp rao giảng Tin Mừng của ngài lại phải thay đổi. “Đó là một môi trường đô thị, với dân số có học vấn. Ở đây, công việc truyền giáo phải bắt kịp với xã hội, trở nên ‘tri thức’ hơn, sử dụng những phương tiện giao tiếp cao cấp hơn.” Trong ba năm tiếp theo, nhà truyền giáo dòng PIME này làm việc trong các nhà tù và đào tạo một nhóm giáo dân để đến thăm những người bị giam giữ và gia đình của họ, “gia đình không nên bị bỏ rơi. Nếu họ cải thiện được cuộc sống thì ngay cả những tù nhân cũng cảm giác thanh thản hơn.”

Cuối cùng, vào năm 2011, nơi đến của ngài ở Braxin là các favelas, những khu nhà ổ chuột của São Paulo, nơi sinh sống của hàng triệu người. Tại siêu đô thị này, nhiệm vụ truyền giáo tập trung chủ yếu cho thanh niên và các gia đình.

Điều đã thúc đẩy Cha Nerella đi hoạt động truyền giáo ở nước ngoài “là gương của các linh mục dòng PIME, những người đã đến Ấn Độ để làm việc thiện cho người khác, cho tôi.” Tuy nhiên, “ngoài việc nêu gương tốt, việc trở thành các nhà truyền giáo có nghĩa là làm chứng cho niềm tin của mình vào Chúa Kitô. Nếu bạn không tin, bạn sẽ không ra đi, bạn sẽ không ra khỏi đất nước của mình để rao giảng Phúc Âm. Nếu Chúa Kitô không thúc giục bạn, bạn sẽ không quyết định như vậy. Đó là một sự lựa chọn ngược dòng, giống như một lực chống lại lực hấp dẫn, trước các lực hút của cuộc sống, của xã hội, của văn hóa khiến bạn phải từ bỏ. Nhưng trở thành nhà truyền giáo là một cuộc sống rất tuyệt vời!”

Nguồn: www.asianews

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...