Chúa Nhật- Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ

“Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. (Lc 23, 35-43)

Chúa Nhật XXXIV Thường Niên – Năm C
Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ

Lc 23, 35-43


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật XXXIV Thường Niên – Năm C
Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ

Ca nhập lễ

Con chiên bị giết, xứng đáng lãnh nhận quyền năng, thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quangvà chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ, Hội Thánh mừng kính trọng thể lễ Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ Người là Thượng Đế và là Đấng tác tạo nên chúng ta, nên mọi việc chúng ta làm đều quy hướng về Người và làm cho danh Người được cả sáng trên trần gian. Khi long trọng mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta mong đợi ngày hồng phúc, ngày Chúa của chúng ta vinh quang ngự đến, xét xử mọi người chúng ta. Vì thế, từng giây phút chúng ta phải sẵn sàng và chuẩn bị tâm hồn để đón rước Vua của chúng ta, ngự đến trong giờ sau hết của đời chúng ta. Ngày xét xử đó có thể là ngày hạnh phúc, vui mừng và vinh quang nhưng cũng có thể là ngày tăm tối, khóc lóc và nghiến răng.

Chúng ta cũng bình tâm lại để soi xét lại cuộc đời mình vì thiếu sót và lầm lỗi, vì bao đam mê và vương vấn trần tục để xứng đáng lãnh nhận ơn Thánh Chúa.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin…

 Bài Ðọc I: 2 Sm 5, 1-3

“Họ xức dầu phong Ðavít làm vua Israel”.

Trích sách Samuel quyển thứ hai.

Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel đến cùng Ðavít tại Hebron mà nói rằng: “Ðây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng: ‘Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel'”.

Vậy tất cả các vị kỳ lão Israel đều đến tìm nhà vua tại Hebron, và tại đó, vua Ðavít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Ðavít làm vua Israel.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa” (c. 1).

Xướng: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi.

Xướng: Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. 

Xướng: Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. 

Bài Ðọc II: Cl 1, 12-20

“Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha, Ðấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tôi.

Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người.

Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 11, 10

Alleluia, alleluia! – Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Ðavid tổ phụ chúng ta đã đến. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 23, 35-43

“Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người Này Là Vua Dân Do Thái”.

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa tạo dựng thế giới với mong muốn con người được hạnh phúc, no ấm, bình an và yêu thương nhau. Thế nhưng, qua bao thế kỷ, con người vẫn sống trong chiến tranh, hận thù, nghèo khổ và tội lỗi. Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện :

1. “Họ xức dầu phong David làm vua Israel” – Xin cho các vị Mục tử biết noi gương Chúa Kitô vua tình thương, rao giảng vương quyền Người bằng sự tha thứ và phục vụ yêu thương.

2. “Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người” – Xin cho mọi thành phần dân Chúa luôn can trường trước những thử thách đau thương của cuộc đời, đồng thời biết thăng hoa cuộc sống. Nhờ đó, họ biết tích cực kiến tạo một thế giới tốt đẹp cho trần thế, để sửa soạn cho Nước Trời vĩnh cửu.

3. “Các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu” – Xin cho các nhà lãnh đạo các Quốc Gia nhận biết vương quyền Chúa, để họ biết tôn trọng sự thật, dẹp tan những tham vọng bạo tàn, hầu xây dựng một thế giới hòa hiệp và an bình, trong đó mọi người được tự do sống niềm tin của mình.

4. “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” – Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta biết nhận Chúa là vua an bình của gia đình mình, biết biến đổi mình thành những chứng nhân tình yêu trong cuộc sống hôm nay, hầu góp phần kiến tạo Nước Đức Kitô đang hình thành giữa lòng thế giới.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vua chiến thắng, là Vua hòa bình, là Vua yêu thương! tất cả chúng con là của Chúa, và muốn thuộc về Chúa. Xin giúp chúng con ở đời này biết đặt niềm tin cậy vào Chúa, để mai sau được cùng Chúa hưởng vinh quang bất diệt trong nhà Chúa Cha, Chúa là đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Kitô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Chúa đã xức dầu hoan lạc tấn phong Con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con làm linh mục đời đời và làm vua vũ trụ, để khi hiến thân trên bàn thờ thập giá làm lễ phẩm hoà giải và tinh tuyền, người hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc chúng con. Khi đã bắt mọi loài quy phục quyền bính mình, Người trao lại cho Chúa là Ðấng uy linh cao cả, một vương quốc vĩnh cữu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa vinh hiển và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Kitô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm
 

Phán xét

Đoạn Tin Mừng hôm nay đặt chúng ta vào trong quang cảnh hùng vĩ của cuộc phán xét chung. Ở đó, Đức Kitô giữ vai trò xét xử bá nhân bá tánh. Vậy thì sẽ phải xét xử ra làm sao? Hơn nữa, mỗi người có những hoàn cảnh, những nhiệm vụ, những khả năng riêng, do đó quả cân nào sẽ phân định tội trạng và công phúc?

Thế nhưng, đối với Chúa Giêsu mọi sự xem ra lại đơn giản. Muôn dân thiên hạ cuối cùng được phân chia thành hai loại được đặt ở bên phải và bên trái của Ngài. Tiêu chuẩn để phân biệt cũng rất đơn giản: Đã làm gì cho những kẻ bé mọn. Đối xử với những kẻ bé mọn, đói khát, trần truồng, tù tội, đau yếu là đối xử với chính Chúa vậy.

Sự phân xử của Chúa Giêsu trong ngày phán xét làm cho cả người lành lẫn kẻ dữ phải ngạc nhiên sửng sốt. Mọi sự sẽ dễ dàng hơn nếu như mỗi người trong cuộc đời của mình đã có lần được gặp Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt, với một bảng tên rõ ràng và một lý lịch minh mạch. Biết bao nhiêu người đã xả thân để giải phóng thánh địa chỉ vì đó là nơi đã ghi dấu tích sự hiện diện của Chúa, huồng hồ là gặp Chúa đói khát, trần truồng, đau yếu và tù tội. Ai có thể lại làm ngơ.

Nhưng cái làm cho chúng ta lúng túng đó là Chúa Giêsu đã đồng hoá mình với mỗi người trong anh em chúng ta, với những con người chúng ta gặp trong cuộc sống thường ngày tại khu phố, tại trường học, trên đồng ruộng, nơi công sở, ngoài chợ ngoài đường và nhất là với những kẻ làm chúng ta khó chịu vì cái nghèo nàn, thô kệch và quấy rầy của họ. Mọi người đều ngạc nhiên.

Nhưng Đức Kitô trong cương vị Đấng xét xử, đã tuyên bố: Những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất là các ngươi đã làm cho chính ta. Và những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất là các ngươi đã không làm cho chính Ta. Thế là đã rõ. Đức Kitô xét xử theo tình yêu chúng ta đã có hay không có đối với anh em đồng loại, nhất là đối với những người hèn mọn về chức tước, danh vọng và của cải. Vương quốc của Đức Kitô chính là vương quốc của tình yêu. Giáo Hội tôn vinh Đức Kitô là Vua, nhưng Ngài không muốn ngự trên ngai vàng để mọi người bái phục, nhưng Ngài đã đến phục vụ những kẻ hèn và đồng hoá mình với họ.

Đức Kitô Vua

Đức Kitô có phải là Vua không? Chắc chắn Đức Kitô không phải là một thủ lãnh của một đảng phái đối lập, cũng chẳng phải là một vị vua chúa như người đời vẫn quan niệm. Suốt cuộc sống công khai, Ngài không bao giờ chấp nhận tước hiệu Messia, tước hiệu là vua theo mơ ước của dân chúng. Vì mơ ước của họ pha trộn quá nhiều những yếu tố trần tục, quá nhiều những tham vọng chính trị. Thực vậy, sứ mệnh của Ngài không như sứ mệnh của quận vương Hêrôđê, quyền bính của Ngài không như quyền bính của hoàng đế Lamã hay như bất kỳ một vị vua chúa nào trên trần gian.

Sứ mệnh của Ngài thuộc một lãnh vực khác. Chính vì thế mà chúng ta thấy nhiều lần Ngài đã từ chối cái cách tôn phong Ngài lên làm vua của dân chúng. Sau phép lạ bánh hoá nhiều dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua, nhưng Ngài đã lẩn trốn. Nhưng cũng có lần Ngài sẵn sàng biểu dương trước công chúng, khi Ngài hiên ngang tiến vào Giêrusalem, xuất hiện với những phương tiện khiêm tốn, phù hợp với lời tiên báo của Giacaria. Ngài để cho dân chúng tung hô như là vua Israel. Trong phiên toà dân sự tại dinh Philatô, đề tài xét xử chính là vương quyền của Ngài. Khi Philatô hỏi: Ông có phải là vua dân Do Thái không? Chúa Giêsu không phủ nhận tước hiệu ấy, nhưng Ngài đã minh xác rằng: Vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này.

Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, là Vua mọi dân tộc, là Vua trên muôn vua, thế nhưng Ngài lại là một vị Vua bị đóng đinh, hoàn toàn bị tước lột khỏi những quyền lực trần thế. Đức Kitô đã lên ngôi bằng con đường của thập giá, của tình yêu. Kẻ thù duy nhất của Ngài là vương quốc của Satan, của thù hận, của chia rẽ và của tội lỗi.

Các ngai vàng, các vương miện, các triều thiên và áo cẩm bào chỉ là những đồ trang sức tạm bợ chóng qua, chúng ta không được phép hiểu vương quyền của Đức Kitô qua những hình ảnh đó. Chính Ngài cũng đã tự tách mình ra khỏi các thủ lãnh của trần gian như lời Ngài đã phán: Vua chúa các nước thì cai trị ân, và những kẻ làm lớn thì lấy quyền mà áp chế dân. Đức Kitô không phải là một thủ lãnh áp chế, trái lại cai trị theo Ngài có nghĩa là lột sạch mọi tự cao, hào nhoáng và vênh vang, cai trị đối với Ngài chính là phục vụ.

Đức Kitô phục vụ chúng ta và Ngài phục vụ một cách khiêm tốn, thận trọng và kín đáo. Ngài đã phục vụ đến độ hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Sự tự hạ của Ngài đi đến chỗ đồng hoá với những kẻ bé mọn và thấp kém nhất. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã thực sự dấn thân để phục vụ và giúp đỡ những kẻ bé mọn thấp kém chung quanh chúng ta hay chưa?

CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ - C
(Lc.
23:35-43) Lm Lã Mộng Thường

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Kitô vua nhưng bài Phúc Âm nói về sự thể xảy đến nơi cuộc tử nạn của Ngài. Mọi người chúng ta đều nhận biết Đức Giêsu được sai đến để rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho nhân loại. Cũng vì nhiệm vụ này, cũng vì thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà người ta đã nhân danh Thiên Chúa để giết chết Ngài. Qua Phúc Âm chúng ta đọc được những đoạn nói về việc người ta muốn ném đá Ngài hoặc muốn giết Ngài bằng cách xô Ngài xuống triền đồi. Điều này minh chứng, trước đó người ta đã có những lời ong tiếng ve khinh chê hoặc mạt sát Ngài mà Phúc Âm đã không nhắc tới.

Kinh nghiệm sống minh chứng, nếu ai đề xướng bất cứ điều gì khác với quan niệm hoặc không thuận với thói quen hay tập tục của một tổ chức nào đều khiến những người thuộc tổ chức đó khó chịu hay tức giận. Chúng ta có thể kiểm chứng lời minh xác này nơi tâm tình mỗi người. Chẳng hạn người nào đó nói lên những điều gì hay ý kiến nên xét lại vấn đề tập quán giữ đạo của người Công Giáo, tất nhiên chúng ta dù không nói ra nhưng vẫn cảm thấy khó chịu. Hoặc rõ ràng hơn, những ý kiến hoặc nhận định không giống với những gì chúng ta đã được dạy dỗ 30, 40, hoặc 50 năm về trước thường bị chúng ta cho rằng rối đạo hoặc sai lầm. Sở dĩ sự kiện này xảy đến nơi tâm tưởng cũng chỉ vì cuộc sống thay đổi, não trạng và nhận định của con người thay đổi nhưng chúng ta không muốn thay đổi; có thể bởi chúng ta ỷ lại, không dám suy tư vì nếu suy tư chúng ta phải đối diện với muôn ngàn cố gắng hầu thỏa mãn khát vọng nhận biết Chúa nơi tâm tư mình; và cũng có thể chúng ta e sợ sự nhận biết thực thể nội tâm đó là sự nhận biết còn nhiều điều mình đã không biết.

Phúc Âm minh chứng chính Đức Giêsu đã phải đối diện với sự thể này khi ghi lại, “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (Mc.
3:20-22).

Nhận định như thế, chúng ta phải đối diện với thực thể nội tâm nơi mỗi người đó là chúng ta tuyên dương, tuyên xưng Đức Giêsu là vua trong khi rất ngại ngùng hoặc cố tránh né tìm hiểu những điều Ngài giảng dạy nơi Phúc Âm. Lý do thật đơn giản và quá rõ ràng: chính vì Phúc Âm đã không được viết giống như những gì xưa nay chúng ta hằng tin tưởng. Hơn thế nữa, nếu ai đó cố gắng suy luận về ý nghĩa câu Phúc Âm nào đó để có thể áp dụng một cách hài hòa nơi cuộc đời thì đồng thời lại phải đối diện với những câu Phúc Âm khác mang ý nghĩa chống nghịch phá tan tành công trình suy tư để dồn mình vào ngõ bí không biết cách nào suy luận. Tâm trạng này có thể là nguyên nhân khiến chúng ta nhụt nhuệ khí, nhụt lòng hăng say hoặc cảm thấy chán nản khi suy tưởng Lời Chúa nơi Phúc Âm. Giả sử nếu ai trong chúng ta đã để ý suy nghiệm Phúc Âm và đã phải mang tâm trạng này, tôi đề nghị không nên nản lòng mà hãy để tâm trí luẩn quẩn với câu Phúc Âm nào đó đã mang nghĩa khó cho mình có thể chấp nhận. Hãy mở rộng lòng và không giới hạn suy tư để cố tìm hiểu Lời Chúa theo mọi chiều hướng có thể xảy đến nơi tâm trí. Một ngày vẫn chưa có giải đáp, hãy suy nghĩ một tuần. Một tháng vẫn mông lung, hãy để tâm đến câu Phúc Âm một năm và hơn thế nữa, hoặc hai, hoặc ba, và có thể mười năm, hai mươi năm hay hơn.

Thực ra, mười năm, năm mươi năm hoặc cả cuộc đời đem so với hành trình vĩnh cửu của linh hồn nào thấm thía chi. Cũng chỉ vì công bố Tin Mừng bằng cách rao giảng những lời nói khôn ngoan, Đức Giêsu đã bị anh em họ hàng cho là mất trí, bị người đời kết án, rình mò tìm cơ hội giết bằng nhiều cách và cuối cùng đã bị người ta nhân danh Thiên Chúa mà đóng đinh trên cây thập tự thì chúng ta không hiểu nổi lời Ngài tất nhiên là chuyện thường tình. Đức Giêsu không rao giảng cho những người thiếu khả năng nhận biết nhưng người ta đã không muốn nhận biết. Phúc Âm không dạy cho người ta lối sống đam mê thế tục nhưng chúng ta đã dùng sự hiểu biết thế tục để giải nghĩa Phúc Âm. Đức Giêsu đem Tin Mừng đến cho nhân loại nhưng con người đã dùng Ngài để quảng bá tin buồn, rao truyền tội lỗi cho những người đơn sơ chất phác, và dẫu không từ hỏa ngục hiện về, người ta đã cố dẫn đường để người khác nhận biết về một cái hỏa ngục đáng ghê sợ theo tưởng tượng suy luận thế tục.


Ngày xưa, người ta đã không suy nghiệm về những lời giảng dạy của Đức Giêsu, ngược lại chê cười Ngài. Ngày nay, chúng ta tôn kính Ngài nhưng chúng ta cũng đã không suy nghiệm những lời dạy của Ngài chẳng khác gì họ ngày xưa. Ai trong chúng ta không vương vấn đôi tâm tình khinh chê những người biệt phái và luật sĩ đã bị Đức Giêsu lên án, “Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình vì các ngươi khóa nước trời, chận người ta lại! Các ngươi sẽ chẳng vào đã rồi mà những kẻ muốn vào các ngươi chẳng để cho vào” (Mt.
23:13); ngược lại, bất cứ những gì nghe không thuận với sự hiểu biết giáo điều hạn hẹp nơi bổn đồng ấu chúng ta cho là rối đạo. Ăn ở không thuận phép đời, phép đạo thì chúng ta nhắm mắt cúi đầu ôm ấp nhiều khi còn cảm thấy hãnh diện, nghênh ngang, nhưng Lời khôn ngoan của Chúa dẫn dắt con đường cứu rỗi, chúng ta coi thường không cần để ý. Chúng ta chỉ tưởng tượng được Chúa cứu chuộc nhưng đã không cho Ngài cơ hội để cứu chúng ta thoát khỏi ngay cả lòng ham muốn của chính mình.

Thế nên, nhân ngày tôn kính Đức Giêsu Kitô vua, chúng ta nên lòng tự hỏi lòng và đặt lại vấn đề. Chúng ta tuyên dương Đức Giêsu là vua mang ý nghĩa gì và liên hệ đến cuộc đời cũng như hành trình đức tin của chúng ta thế nào. Chúng ta gọi Ngài là vua để sống theo những lời giảng dạy của Ngài nơi Phúc Âm hay chỉ thấy người ta nói sao mình lập lại như vậy cho có vẻ con nhà có đạo? Đức Giêsu dạy chúng ta những gì và chúng ta đã sống và theo Ngài ra sao? Những ai tuyên xưng Đức Giêsu là vua nhưng không cần biết Ngài lời Ngài dạy dỗ, phỏng họ thuộc thành phần như thế nào? Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng phỏng cuộc đời của chúng ta có đang minh chứng tin mừng Ngài đem đến hay đã biến tin mừng của Ngài thành tin buồn chẳng những cho chính mình mà còn cho những người sống chung quanh. Amen.

 

DÂN VI QUÝ
(Chúa Nhật XXXIV TN C - Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Hằng năm vào ngày Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo Hội hiệp với toàn thể vũ hoàn suy tôn Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô, Người Con chí ái của Thiên Chúa (x.Cl 1, 16). Khi suy tôn Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ, Giáo Hội muốn khẳng định chân lý mà thánh tông đồ dân ngoại đã nói với tín hữu Côlôxê, đó là mọi sự trên trời cùng dưới đất đều được Thiên Chúa tạo thành nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô. Chúa Kitô không chỉ là nguyên lý và là cứu cánh của mọi hiện hữu mà Người còn là khuôn mẫu của mọi vật mọi loài, vì người là Trưởng tử của mọi loài thọ sinh.

Loài người là loài cao trọng nhất trong các loài thọ tạo hữu hình. Thánh Kinh minh định chân lý này qua việc bàn bạc của Thiên Chúa trước khi tạo dựng con người và sự lao nhọc của Thiên Chúa khi dựng nên con người, trong khi các loài thọ tạo khác thì Thiên Chúa chỉ phán một lời thì liền “có như vậy”. Sự cao trọng của con người còn được khẳng định khi được dựng nên “giống hình ảnh” của Đấng Tạo Thành và được trao quyền làm chủ vũ trụ vạn vật (x.St 1, 26-29). Hình ảnh của Đấng vô hình nay đã được mạc khải cách hoàn hảo và rõ nét nơi chính Đức Kitô (x.Cl 1, 15). Qua các bài đọc của Chúa Nhật XXXIV TN C mà Giáo Hội cho trích đọc chúng ta nhận ra khuôn mẫu, lẽ sống mà Đức Kitô tỏ bày đó là hiện hữu cùng và hiện hữu cho.

“Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai và người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1, 23). Khi vào trần gian, Đức Kitô đã mạc khải cho nhân loại chúng thấy ý nghĩa của các hiện hữu là hiện hữu trong tương quan. Mọi thụ tạo, nhất là loài người, không ai là một hòn đảo. Ta chỉ là ta trong tương quan với người. Có người thì mới có ta. Trong mối tương quan gia đình dòng tộc, cha ông chúng ta có câu ngạn ngữ rất tượng hình: có con rồi mới có cha, có cháu rồi mới có ông, có bà.

Mối tương quan “cùng-với” này vừa nói lên sự tuỳ thuộc vừa nói lên sự liên đới giữa các hiện hữu. Nhiều muông thú hay vật nuôi như chim, gà, mèo, chó…, khi được nuôi riêng một mình thì chúng vẫn phát triển thành chúng, trái lại, con người không thể lớn lên, phát triển thành người cách đúng nghĩa khi sống một mình. Hiện tượng “người rừng” đó đây, không có khả năng nói, không có khả năng giao tiếp với đồng loại… là một minh chứng. Chúng ta làm người, chào đời, có mặt ở trần gian này là nhờ ai đó và với ai đó. Vì thế có thể nói rằng một trong những mục đích và ý nghĩa nền tảng của sự hiện hữu của con người đó là sống cùng, sống với và sống cho.

Cả cuộc đời của Đức Kitô trên trần gian, rõ nét nhất là quãng thời gian rao giảng Tin Mừng và đích điểm là cái chết trên thập giá khẳng định cho chúng ta về mục đích ý nghĩa của kiếp nhân sinh. Đức Kitô là Đấng đi đến đâu thì giáng phúc thi ân đến đó (x.Cv 10, 38). Và chính Người đã minh định rõ ràng: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28).

Trên đỉnh đồi Gôngôta, dù có thể tự cứu mình khỏi án hình thập giá, nhưng Chúa Kitô đã không tự cứu mình. Dù không tìm cách tự cứu mình thế mà Người đã hứa ban hạnh phúc Thiên đàng cho người bị treo bên phải Người, đồng thời xin Chúa Cha tha cho những người đang phỉ nhổ, hành hạ và giết mình mà trong số đó chắc chắn có cả người gian phi bị treo bên trái Người (x.Lc 23, 39-43).

“Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Một vị minh quân đúng nghĩa là người lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ. Hình ảnh vị minh quân này đã được Chúa Kitô thể hiện bằng vị mục tử nhân lành sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì đàn chiên và vì từng con chiên một. Xuất thân từ một người chăn chiên, Đavít đã được chọn gọi để làm vua
Israel. Dù còn nhiều thiếu sót và lỗi lầm tày trời, nhưng Đavít chính là một hình ảnh tiên báo cho vị Mục Tử Nhân lành, vị Vua Công chính là Đức Kitô, Đấng đã dùng tình yêu của mình để dẫn đưa mọi thụ tạo, nhất là loài người về với sự thật căn bản: chúng ta là loài thụ tạo, chúng ta sẽ chỉ là mình khi hiện hữu đúng với thánh ý Đấng Tạo Thành đó là sống cùng và sống cho tha nhân.

Dõng dạc trước Philatô, Chúa Kitô minh nhiên công bố: “Tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật, thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37). Và sự thật ấy được tỏ bày cách hoàn hảo bằng một Con Người chịu treo trên thập giá, với trái tim bị đâm thâu, hầu đưa toàn thể nhân loại đi lên và những ai tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời (x.Ga 3, 14-15), đồng thời làm cho muôn vật muôn loài được hòa giải với Thiên Chúa (x.Cl 1, 20).

Suy tôn Chúa Kitô là Vua tức nhìn nhận quyền tối thượng của Người trên đời chúng ta, là đón nhận lẽ sống, quy luật hiện hữu mà Người đã ban ra. Chúng ta có thể nhận ra quy luật ấy qua lời khẳng định của Chúa Kitô: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy… (Mc 8, 34-38; Mt 16, 24-28; Lc 9, 23-27). Và đến ngày tận thế, chính Đấng là Vua Vũ Trụ, khi “ngự trên ngai vinh hiển của Người” sẽ thẩm xét chúng ta dựa trên tiêu chí là thái độ sống cùng, sống cho tha nhân của chúng ta, đặc biệt cho những người anh em “bé mọn” (x.Mt 25, 31-46).


 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN C
LỄ CHÚA GIÊ-SU VUA

2 Sm 5, 1-3; Cl 1, 12-20; Lc 23, 35-43
LM ĐAN VINH - HHTM

 

TÔN VINH VUA GIÊ-SU TRONG CUỘC SỐNG ĐỨC TIN
I. HỌC LỜI CHÚA


1. TIN MỪNG: Lc 23,35-43

(35) Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời chế nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn”. (36) Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống, (37) và nói: “Nếu ông là Vua dân Do-thái, thì cứu lấy mình đi! (38) Phía trên đầu Người có bản án viết: “Đây là Vua người Do-thái”. (39) Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”. (40) Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà có Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! (41) Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”. (42) Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi! Khi vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (43) Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh: Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng”.

2. Ý CHÍNH:  

Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su trên thánh giá như một ông Vua ngự trên ngai vàng. Hầu hết những kẻ hiện diện do đã quen hình ảnh một ông vua trần tục nên không nhận ra Đức Giê-su là ông Vua Mê-si-am nên có thái độ khác nhau: Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời chế nhạo… Lính tráng cũng chế giễu Người. Hai tên gian phi thì một kẻ nhục mạ Người, còn kẻ tin Chúa thì bênh vực và cầu xin Người thương xót nên đã trở thành người đầu tiên nhận được ơn cứu độ của Người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 35-38: + Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời chế nhạo: Khi đối diện với thập giá của Đức Giê-su, dân chúng ngỡ ngàng đứng nhìn hậu quả của việc mình đã về hùa với kẻ mạnh mà lên án bất công cho người công chính. Còn các đầu mục Do-thái thì hả hê vì đã hạ gục được một kẻ dám chống lại họ. + Là Đấng Ki-tô: Ki-tô (Christos) là tiếng Hy Lạp, tương đương với từ Mê-si-a trong tiếng A-ram hay Do-thái. Cả hai từ Mê-si-a và Ki-tô đều có nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu”. Xức dầu là một nghi thức tấn phong, giống như Sa-mu-en đã xức dầu phong Đa-vít làm Vua (x. 1 Sm 16, 13) ; như Mô-sê đã xức dầu phong A-a-ron làm Tư tế (x. 1 V 19, 16) ; như Ê-li-a được lệnh xức dầu phong Ê-li-sê làm Ngôn sứ thay thế mình (x. 1 V 19, 16; Is 61, 1). + Là người được tuyển chọn: Đây là tước hiệu đã được Chúa Cha xác nhận trước mặt ba môn đệ khi Người hiển dung (x. Lc 9, 35), phù hợp với lời tuyên sấm của I-sai-a về Đức Giê-su là “người Tôi Trung, được Thiên Chúa tuyển chọn” để thực hiện công trình cứu độ, nhưng lại bị người đời khinh dể (x. Is 42, 1). + Lính tráng cũng chế giễu Người: Lính tráng ở đây là binh sĩ Rô-ma. Chúng thi hành án lệnh của quan Tổng trấn Phi-la-tô đóng đinh Đức Giê-su. Bọn lính này cũng vào hùa với các đầu mục Do-thái chế giễu nhục mạ Người. + Chúng lại gần đưa giấm cho Người uống: Giấm là một thứ nước có pha giấm chua gọi là Pos-ca mà lính Rô-ma hay dùng. + Đây là Vua người Do-thái: Câu này do quan Phi-la-tô truyền viết gắn lên phía trên thập giá như một bản án. Ngày nay trên cây Thánh Giá, có chữ INRI, viết tắt của câu tiếng La tinh: “JESUS NAZARETH REX JUDEORUM” - Giê-su Na-da-rét Vua dân Do-thái (x. Ga 19, 19).

- C 39-41: + “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”: Tên gian phi này đã nghĩ Đức Giê-su chỉ là Vua Thiên Sai giả, không thể làm được những điều kỳ diệu, nên đã lên tiếng chế giễu Người. Đây cũng là cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa, yêu cầu Người làm phép lạ phục vụ cho mình, giống như ma quỷ đã cám dỗ Người khi bắt đầu đi rao giảng Tin mừng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy”... (Lc 4, 3). Dân làng Na-da-rét cũng có lần đã cám dỗ Người như thế (x. Lc 4, 23). + Nhưng tên kia mắng nó...: Chỉ Tin mừng Lu-ca mới nhắc đến thái độ khác biệt của người gian phi có lòng sám hối này.

- C 42-43: + Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!: Trong hoàn cảnh đau thương như vậy thì lời bênh vực và kêu xin của người gian phi, dù yếu ớt, nhưng cũng an ủi Người rất nhiều. Người đã lập tức tha tội và hứa ban hạnh phúc Thiên đàng cho anh. Thật đúng như Người đã nói: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19, 10). + “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng”: Đối với một số người Do-thái thì Thiên Đàng là nơi những người công chính ở, chờ ngày sống lại (x. Lc 16, 22-31). Còn đối với chúng ta thì Thiên Đàng là “Trời cao” như lời thánh Phao-lô: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Thiên Đàng còn là “Trời Mới, Đất Mới” thay thế “trời cũ đất cũ” bị biết mất (x. Kh 21, 1). Nơi đó sẽ “không có sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (x. Kh 21, 4). + Thập giá”: Trước khi Chúa Giêsu chịu khổ hình thì cây thập tự được gọi là Thập tự giá, là một cái giá để hành hình tử tội mang hình chữ thập. Thập tự giá đối với những người không có niềm tin là sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn (1 Cr 1,23), nhưng đới với người tín hữu lại là biểu tượng của sự hy sinh hãm mình: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo!” (Lc. 9:23). + Thánh giá: Sau khi Chúa Giê-su phục sinh thì cây Thập giá trở thành Thánh Giá là biểu tượng của niềm tin Ki-tô. Khi dâng thánh lễ, trên bàn thờ luôn phải có cây Thánh giá.

4. CÂU HỎI:

1) Tin mừng Lu-ca ghi nhận thế nào về thái độ của dân chúng, các đầu mục Do-thái, lính canh, hai tên gian phi khi chứng kiến thập giá của Đức Giê-su?

2) Ki-tô hay Mê-si-a nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu”. Trong Thánh kinh, ba chức vụ nào được xức dầu tấn phong?


3) Chữ INRI gắn phía trên cây Thánh Giá nghĩa là gì?

4) Cơn cám dỗ cuối cùng Đức Giê-su trải qua trên Thánh Giá là gì?

5) Câu nào của Đức Giê-su cho thấy Người ưu ái đặc biệt đối với tội nhân có lòng sám hối?

6) Theo Thánh kinh thì Thiên Đàng là gì?

7) Tại sao lại gọi cây thập giá Đức Giê-su chịu khổ nạn là cây Thánh Giá?


II. SỐNG LỜI CHÚA


1. LỜI CHÚA: Phía trên đầu Người có bản án viết: “Đây là Vua người Do-thái” (Lc 23, 38).

2. CÂU CHUYỆN:

1) ANH KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ CHO EM HƠN THẾ NỮA.

Gần đây, các thợ lặn đã tìm được một con tàu đã bị đắm ở ngoài khơi biển Bắc Ái-nhĩ-lan cách đây 400 năm. Trong số các báu vật tìm được trên con tàu này, có một chiếc nhẫn cưới của một người đàn ông. Sau khi được lau chùi sạch sẽ, trên mặt nhẫn hiện ra một hàng chữ kèm theo hình một bàn tay đang cầm một quả tim đưa ra. Người ta đọc được câu ấy như sau: “Anh không còn gì để cho em hơn thế này nữa”. Trong tất cả những báu vật tìm thấy trên con tàu, không vật nào khiến cho các tay thợ lặn cảm động bằng chiếc nhẫn với hàng chữ khắc ghi trên đó.

2) BỨC HỌA NGÀY THẨM PHÁN:

Trần thánh điện của Nhà thờ Six-tine tại Va-ti-can có một bức danh họa vĩ đại của Michel-Ange về Ngày Thẩm phán theo Tin Mừng Mat-thêu. Đây quả thật là một bức tranh vĩ đại. Họa sĩ phải để ra một năm, hằng ngày nằm trên sàn vẽ, vừa vẽ vừa suy niệm về ngày phán xét chung. Chúa Giê-su, Vua Thẩm Phán đến trong vinh quang để xét xử công tội của mỗi người. Bài Tin Mừng hôm nay, tuy nói đến cuộc quang lâm của Chúa, nhưng trước tiên nói đến số phận của mỗi người: "Ngài sẽ đến ngự trên ngai uy linh, có hết thảy mọi Thiên thần hầu cận và Ngài sẽ phân chia họ ra".

Trước mặt Ngài chỉ có những người đã sống trong Tình yêu và những người đã chối bỏ Tình yêu. Mọi người đều lộ diện rõ ràng trước Vua Thẩm Phán Tối Cao. Người sẽ phán với họ: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính mình Ta. Và những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em hèn mọn nhất của Ta, là các ngươi đã không làm cho chính mình Ta".

Đây là một cuộc xét xử về Tình yêu: Mến Chúa và yêu người. Nếu được xét xử vào ngày ấy, chúng ta sẽ được xếp vào hàng chiên bên phải hay dê bên trái của Chúa?

3) PHỤC VỤ BỆNH NHÂN NGHÈO NHƯ PHỤC VỤ CHÍNH CHÚA KI-TÔ:

Hôm ấy, có một thiếu nữ Ấn-độ đến gặp Mẹ Tê-rê-xa Cal-cut-ta để tìm hiểu Hội Dòng của Mẹ. Mẹ liền nói với người thiếu nữ ấy rằng: "Con hãy qua nhà hấp hối. Ở đó, con sẽ gặp nhiều người bệnh tật bất hạnh đang nằm chờ chết. Con hãy săn sóc an ủi họ".

Thiếu nữ vừa quay lưng đi thì Mẹ Tê--xa gọi giật lại và nhắn nhủ: "Này con, khi dâng thánh lễ, con thấy linh mục trân trọng Mình Thánh Chúa Giê-su thế nào, thì con cũng hãy trân trọng những con người bất hạnh như thế".

Qua câu nói đps, Mẹ Tê--xa muốn dạy rằng: mỗi một người dù bần cùng khốn khổ đến đâu cũng phải được chúng ta tôn trọng như chính Thân Mình của Chúa.

4) KÍNH TRỌNG THÂN MÌNH ĐỨC KI-TÔ NƠI NGƯỜI NGHÈO KHỔ:

Tại Đại hội Thánh Thể 1982 ở Lộ Đức, Đức cha Ca-ma-ra đã kể lại câu chuyện như sau:

“Có một số nông dân đến gặp tôi. Họ kể lại rằng một tên ăn trộm đã đột nhập vào nhà thờ, cậy cửa nhà tạm và lấy Mình Thánh mang đi. Hôm sau, họ đã tìm thấy Bánh Thánh nằm vương vãi trong bùn nhơ”. Nói tới đây họ òa khóc, rồi xin tôi dâng một lễ tạ ơn.
Dĩ nhiên là tôi vui lòng dâng lễ và trong buổi lễ hôm đó tôi đã nói với họ như sau:

“Chúng ta thật mù quáng biết bao. Chúng ta đã sững sờ khi thấy Bánh Thánh nằm giữa bùn nhơ, nhưng lại không biết rằng đó cũng là hiện tượng thường hay xảy ra: Đức Ki-tô cũng đang hiện diện trong những con người nghèo khổ sống trong những căn nhà ổ chuột. Đức Ki-tô hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể thế nào thì Người cũng hiện diện trong những con người khốn khổ như vậy”.

Rõ ràng việc bác ái là thành tích có giá trị thưởng phạt trong ngày phán xét. Việc bác ái là chứng chỉ duy nhất để ta được nhận vào số những người được Chúa Cha chúc phúc. Làm việc đạo đức mà thiếu tâm tình bác ái thì cũng không được Chúa thừa nhận. Đức Ki-tô là Vua Tình Yêu và Vương quốc của Người là Vương quốc Tình Yêu, nên chỉ những ai sống yêu thương cụ thể mới gặp được Chúa và gia nhập vào Vương Quốc của Người.

3. SUY NIỆM:

1) TÔN VINH VUA GIÊ-SU: 

Giữa công trường Thánh Phê-rô ở Rô-ma có một ngọn tháp cao chót vót gắn một cây Thánh giá vươn lên giữa trời xanh. Ngọn tháp này có từ đời Hoàng đế Ca-li-gu-la, được đưa về dựng giữa công trường năm 1586. Trên ngọn tháp có khắc ba câu tôn vinh Chúa Ki-tô là Vua như sau:

Christus vincit: Chúa Ki-tô toàn thắng.

Christus regnat: Chúa Ki-tô hiển trị.

Christus imperat: Chúa Ki-tô thống lĩnh.

Ngày hôm nay, Hội Thánh cũng tôn vinh Chúa Giêsu là Vua vào Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ, để tuyên xưng đức tin: Chúa Giê-su chính là An-pha (Khởi đầu) và là Ô-mê-ga (Cùng đích) của nhân loại và toàn thể vũ trụ.

2) TÌNH CHÚA TÌNH NGƯỜI:

Trong câu chuyện chiếc nhẫn tình yêu: hình chạm và dòng chữ: “Anh không còn gì để cho em hơn nữa” rất phù hợp với ý nghĩa của Thánh lễ Chúa Giê-su Vua hôm nay. Bởi vì trên thập giá, Đức Giê-su đã cho chúng ta mọi sự Người có là tình yêu và mạng sống của Người. Người đã chứng tỏ tình yêu tột cùng đối với chúng ta khi nói với các môn đệ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13).

3) ĐỨC GIÊ-SU LÀ VUA THIÊN SAI:

Chúng ta thường nghe nói rằng: Sư tử là vua vì là con vật mạnh mẽ nhất trong muôn loài thú. Ta cũng thấy người ta gọi người này là ông vua dầu lửa, người kia là ông vua thép, người khác là ông vua nhạc Rốc... Đó là những nhân vật tài giỏi nhất, làm bá chủ về một lãnh vực nào đó. Tương tự như thế, Đức Giê-su được gọi là “Vua”, vì Ngài là một con người hoàn hảo nhất, cao thượng nhất và quyền năng nhất. Thánh Phao-lô đã viết: “Nhờ đã hạ mình vâng lời chịu chết, một cái chết thập giá, mà Người đã được Thiên Chúa siêu tôn và ban một Danh trổi vượt trên muôn ngàn Danh hiệu. Để khi nghe danh Giê-su mọi loài trên trời dưới đất đều phải quỳ lạy và mọi miệng lưỡi đều phải tuyên xưng: Đức Giê-su Ki-tô là Chúa để tôn vinh Chúa Cha” (x. Pl 2, 8-9).

4) GIÊ-SU NA-DA-RÉT VUA DÂN DO THÁI:

Bài Tin mừng hôm nay đưa chúng ta về với hình ảnh Đức Giê-su trên cây thập tự với bản án trên đầu: “Giê-su Na-da-rét Vua dân Do-thái”.

Nhưng tước hiệu Vua của Đức Giê-su không giống các ông vua trần thế:

Đức Giê-su là VUA THIÊN SAI: Vương miện của Người là vòng gai nhọn cuốn trên đầu, cẩm bào Người khoác là sự trần trụi ô nhục. Không có những lời tung hô vạn tuế, mà chỉ có những lời nhạo báng khinh chê.

Đức Giê-su là VUA HÒA BÌNH ngồi trên lưng con lừa hiền lành thay vì ngựa chiến để khải hoàn vào thành thánh Giê-ru-sa-lem.

Đức Giê-su là VUA MỤC TỬ, chăm lo cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào, sẵn sàng thí mạng để bảo vệ đoàn chiên khỏi bị sói rừng giết hại.

ĐỨC GIÊ-SU là VUA TÌNH YÊU, chịu lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn để máu và nước chảy ra thanh tẩy tội lỗi và ban ơn cứu độ cho trần gian. Chỉ Người mới xứng đáng nói với chúng ta câu khắc trên nhẫn vàng trong câu chuyện trên: “THẦY KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ TRAO CHO ANH EM HƠN THẾ NỮA”.

5) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?

Đức Giê-su không muốn chúng ta tin Người vì đã được thấy phép lạ. Người muốn chúng ta tin nhờ được gặp gỡ và lắng nghe Lời Người, được nhìn thấy các việc tốt đẹp Người làm. Từ đó cảm nhận được tình yêu của Người và dứt khoát chọn đi theo Người.

Các bà mẹ trong gia đình cần học theo gương của một bà mẹ có lòng đạo đức, đã chỉ vào cây Thánh Giá mà khuyên đứa con nhỏ của mình như sau: “Con ơi! Hãy nhìn xem cho kỹ. Chính Chúa Giê-su đã chết đau thương trên cây thánh giá để đền tội thay cho con đó”. Mỗi lần nhìn lên Thánh Giá, chúng ta cần có thái độ nào?

- Đứng nhìn như dân chúng?

- Chế nhạo như những kẻ đầu mục Do-thái?

- Xin Chúa tha tội như tên gian phi có lòng sám hối và đức tin chân thành?

4. THẢO LUẬN: 1) Bạn có đồng ý câu: “Yêu thương là cho đi. Cho nhiều là dấu yêu thương nhiều. Cho cả mạng sống của mình là dấu chứng tỏ tình yêu tột đỉnh”? 2) Trong những ngày này bạn sẽ cho người thân những gì để biểu lộ tình yêu của bạn?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU VUA VŨ TRỤ. Nếu chúng con chỉ nhìn Chúa vác thập giá và tuyên xưng Chúa là Vua thì chưa đủ.

Nếu chúng con chỉ ca ngợi Chúa trong thánh lễ hôm nay mà thôi thì cũng chưa đủ.

Chúng con còn phải yêu mến và sống chết cho Chúa, phải chu toàn bổn phận làm cho Vương quốc của Chúa mau trị đến.

Xin cho chúng con biết luôn quên mình và chấp nhận vác thập giá là những bệnh tật, những con người trái tính trái nết đang sống bên cạnh, là những tai nạn rủi ro chúng con gặp phải trong cuộc sống... mà bước theo chân Chúa.

Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ trở nên những môn đệ trung tín và khôn ngoan, sẽ được Chúa nói trong giờ chết: “Ta bảo thật, hôm nay, con sẽ được ở với Ta trên Thiên đàng”.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Chúa nhật thứ 34 thường niên – Đức Kitô Vua
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 23, 35-43).

Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: “Người Này Là Vua Dân Do-thái”.

Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Suy niệm

Một năm phụng vụ nữa đang dần khép lại với đại lễ suy tôn Đức Giêsu là Vua. Ngài là vua của Tình yêu, vua của Hòa bình. Hàng năm, Chúa nhật thứ 34 thường niên được dành kính trọng thể ngày Giáo hội suy tôn vị Vua tình yêu. Ngài đến trần gian trong chương trình của Thiên Chúa Cha, đem sứ điệp tình yêu cứu độ của Cha đến cho nhân loại, đồng thời mở ra cho con người con đường để trở về mái ấm gia đình tình yêu của Thiên Chúa. Phụng vụ Lời Chúa tuần lễ này mời con cái hướng về một quê hương đích thực có một vị vua cai trị nơi đó, triều đại của vị vua đó không dùng quyền bính để bóc lột, để kiểm soát tất cả mọi sinh hoạt của con người, nhưng triều đại đó dùng sức mạnh của tình yêu để cảm hóa, để tha thứ, để đón nhận và tái sinh những ai mong được làm con cái Thiên Chúa ngay từ hôm nay và trong tương lai.

Sau khi được an cư lạc nghiệp trên vùng đất Thiên Chúa đã hứa với cha ông, người Do-thái đầy tự tin để kiến tạo một dân tộc xứng danh là dân riêng của Thiên Chúa. Họ không cầu xin hay tìm những thế lực từ thế gian, để hướng dẫn họ, để bảo vệ họ và để cùng với họ tạo nên một sức mạnh tinh thần trong cộng đoàn. Họ cúi xuống, cầu xin Giavê cho họ một vị vua anh minh, để dẫn dắt họ. Đa-vit, vị vua thứ hai, do chính Thiên Chúa tìm chọn cho họ, họ đón nhận ông như vị đại diện của Giavê trong hành trình sống tại đất hứa. Bài đọc 1 từ sách Sa-mu-el quyển thứ nhất, nhắc lại biến cố toàn dân suy tôn Đa-vit lên làm vua của họ: “Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Israel đến cùng Ðavít tại Hebron mà nói rằng: “Ðây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Saolê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Israel. Và Chúa đã nói với ngài rằng: 'Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Israel”. Đi trong đường lối của Thiên Chúa, sống dưới sự chăm sóc và hướng dẫn của Ngài, con người khỏi phải lo lắng, không phải sợ hãi, bởi Ngài luôn đem đến cho con người cảm giác an toàn và bình an giữa đời. Đa-vit là một vị vua được gọi là vua hòa bình, đã đem đến cho dân Do-thái một thời kỳ thịnh vượng và bình an, đó là hình ảnh một vương quốc của Thiên Chúa đang dần được thiết lập, trong vương quốc đó không còn khổ đau, không còn chết chóc, chỉ có bình an và tình yêu ngự trị.

Là một tín hữu Kitô, điều tất yếu là người đó không còn thuộc về thế gian, nhưng hoàn toàn thuộc về Nước Thiên Chúa. Để xứng đáng với phần phúc lớn lao đó, người tín hữu cần ý thức về thân phận của mình, là một công dân Nước Trời, hay là một công dân hạng hai của thế gian. Nếu là một công dân Nước Trời như lời thánh Phaolô nhắc cho giáo đoàn Co-lo-xê, thì người tín hữu phải thực hiện bổn phận của người công dân trong vương quốc đó: “Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha, Ðấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tội”. Nước Thiên Chúa không phải là một lãnh thổ, không phải là một đất nước có bờ cõi, có chủ
quyền, nhưng đó là một vương quốc do Thiên Chúa thiết lập, không dính bén gì với thế gian, bởi đó là một vương quốc sự sống, vương quốc của tình yêu và là một vương quốc ngập tràn sự sống của Thiên Chúa, chứ không thuộc về thế gian.

Khởi đầu để thiết lập một vương quốc, Con Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại, Ngài đã đặt nền móng cho vương quốc đó qua mầu nhiệm tự hủy vì tình yêu. Đỉnh cao của mầu nhiệm đó là thập giá, chính trên thập giá, Đức Giêsu đã xác định vương quốc của Ngài đã có mặt trên thế gian, và chính Ngài là chủ tể vương quốc đó: “Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. Đức Giêsu đến trần gian không để tạo dựng một đất nước, một vương quốc như bao vương quốc trên thế gian, nhưng Ngài muốn đưa con người bước vào một thời đại mới, thời đại của Chúa Thánh Thần. Trong thời đại này, Thiên Chúa không để cho bóng dáng của tội lỗi hay sự chết thống trị con người, nhưng tất cả sống trong tinh thần và chân lý. Hình ảnh vương quốc Đức Giêsu giới thiệu cho nhân loại là hình ảnh của một vương quốc thời cánh chung, mọi dân tộc sẽ tập hợp trước ngai Con Chiên, ánh sáng của thành phát ra từ ngai tòa Con Chiên. Đó là một vương quốc hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

Suy tôn Đức Giêsu là Vua vũ trụ không phải là mong Ngài thâu tóm tất cả mọi quyền lực của thế gian để con người không còn lệ thuộc vào bất cứ lề luật gì, nhưng mời con người hướng về tương lai của thế giới, đó là một thế giới đại đồng, một thế giới không còn chiến tranh tương tàn, không còn phân biệt giàu nghèo hay sang hèn, tất cả đều được tôn trọng, được yêu thương và được bảo vệ dưới cánh tay uy quyền của Thiên Chúa. Trong thế giới đó, con người sử dụng ngôn ngữ của tin mừng, đó là ngôn ngữ của tình yêu, họ sẽ sống với nhau bằng luật tin mừng, và đó cũng là luật tình yêu. Trong thế giới đó, con người không còn chứng kiến cảnh tượng tranh giành quyền bính hay của cải, không còn cảnh bệnh tật khổ đau và bất hạnh nữa, tất cả được kéo lên đóng đinh vào thập giá của Con Thiên Chúa. Cây thập giá được coi là chiếc chìa khóa vạn năng để mở mọi cánh cửa, giúp con người tiến về quê hương đích thực của mình là Nước Trời, là vương quốc của tình yêu.

Đó không phải là những viễn cảnh cho ngày mai, nhưng là sự thật, bởi Con Thiên Chúa đã chuẩn bị cho vương quốc tình yêu đó khi Ngài nhập thể làm người. Tiếc thay con người đã và đang tìm cách để dập tắt sức mạnh của Thánh Thần và làm cho việc gầy dựng vương quốc tình yêu đó gặp nhiều khó khăn. Tất cả đến từ một trái tim vô biên, không có giới hạn, vì là vô biên, trái tim đó muốn chứa đựng cả thế giới này, trái tim đó muố làm chủ vũ trụ này, và còn muốn biến con người thành bất tử, trở nên thần linh trong thế giới, con người đã quên đi cội nguồn của mình, quên luôn phẩm giá của mình trước mặt Thiên Chúa và tha nhân, vì thế, sức mạnh của tội lỗi và sự chết trong thế giới này, vẫn là kẻ thù tìm cách đối đầu với Thiên Chúa.

Trước những tham vọng lớn lao của con người, Mẹ Giáo hội đã và đang tìm mọi phương thế để cảnh tỉnh con cái mình. Giáo hội đã dùng sức mạnh từ Lời Chúa để nhắc nhở, để gióng lên những hồi chuông, để con cái biết tỉnh thức, biết sám hối và biết thay đổi cuộc đời. Khi có sự thay đổi tích cực nơi người tín hữu, đó là lúc họ đang tẩy áo mình trong máu con chiên, họ đang cố gắng để cho sức mạnh của Lời Chúa thẩm thấu vào trong từng nhịp sống, hầu có thể được xứng đáng bước vào vương quốc của Con Thiên Chúa làm người.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài là Vua cõi lòng chúng con, Ngài là Vua toàn cõi vũ trụ, chúng con tin nhận và tung hô mỗi ngày, xin Ngài luôn làm chủ cuộc đời chúng con, luôn dạy dỗ và cai trị chúng con theo những mối phúc Ngài đã dạy dỗ dân riêng xưa kia. Chúa đã chấp nhận bị treo lên cây thập giá, và đó là lúc Ngài đặt mình vào ngai vàng của vương quốc tình yêu, xin giúp chúng con khám phá chiều sâu thánh thiêng của mầu nhiệm thập giá và biết đón nhận mầu nhiệm ấy trong hành trình đức tin của chúng con. Amen.

 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...