Chúa Nhật Chúa Thánh thần Hiện Xuống

"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần". Ga 20, 19-23
CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
 
 

Chúa Nhật Chúa Thánh thần Hiện Xuống

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống kết thúc mùa Phục Sinh. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần đã làm thay đổi con người các tông đồ. Chúa Thánh Thần ban cho các ông một sức sống mới từ Thiên Chúa. Kể từ giây phút đó, các ông đã đứng lên rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh, Hội Thánh được khai sinh và bắt đầu đi đến tận cùng trái đất, một Hội Thánh luôn luôn có Chúa Thánh Thần hiện diện. Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mỗi người Kitô hữu đều cảm nhận được sức sống mới đang họat động trong cuộc đời mình. Bằng sự sống của Chúa chúng ta làm cho người khác sống đúng với phẩm giá con người. Để được như vậy chính chúng ta cũng phải được biến đổi nhờ Bí tích Thánh Thể.

Ca nhập lễ

Thánh Thần Chúa tran hoà khắp vũ trụ, Người nắm giữ mọi sự và thông biết mọi lời - Alleluia.

Hoặc đọc:

Tình yêu Thiên Chúa tràn đầy trên tâm hồn chúng ta, nhờ Thánh Thần Người ngự trong lòng chúng ta - Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần đến thánh hoá Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai, và sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện và tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Cv 2, 1-11

"Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.

Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: "Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!"

[Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: "Thế này nghĩa là gì?" Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: "Họ đầy rượu rồi".]

Ðó là lời Chúa.

Ðáp ca: Tv 103, 1ab và 24ac. 29bc-30. 31 và 34

Ðáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất (c. 30).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:  Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài quá ư vĩ đại! Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ðịa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. - Ðáp.

Xướng: Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất. - Ðáp.

Xướng:  Nguyện vinh quang Chúa còn tới muôn đời, nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa. Ước chi tiếng nói của con làm cho Chúa được vui; phần con, con sẽ hân hoan trong Chúa. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13

"Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, không ai có thể nói "Ðức Giêsu là Chúa" mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích.

Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,

và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!

Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;

Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!

Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,

là khách trọ hiền lương của tâm hồn,

là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.

Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,

là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,

xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.

Nếu không có Chúa trợ phù,

trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.

Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,

và chữa cho lành nơi thương tích.

Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,

chỉnh đốn lại chỗ trật đường.

Xin Chúa ban cho các tín hữu,

là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.

Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,

được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.

(Amen. Alleluia.)

Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 19-23

"Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa đã tuôn đổ Thánh Thần của Ngài vào trong tâm hồn chúng ta và biến đổi chúng ta trở nên con cái trong Đức Kitô. Giờ đây hiệp nhất trong một Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, chúng ta xin Chúa Cha sai Thánh Thần đến thánh hóa Hội Thánh và đổi mới thế giới.

1. Chúa Thánh Thần làm cho dân chúng thập phương tại Giê-ru-sa-lem nghe Tin Mừng bằng thổ ngữ của họ. Xin cho Hội Thánh luôn kiên trì tìm kiếm những cách thức mới hữu hiệu để rao giảng chân lý cứu độ cho con người thời nay.

2. Chúa Thánh Thần là Đấng mang lại bình an và đổi mới mặt địa cầu. Xin cho các vị lãnh đạo chính quyền biết chăm lo cho hòa bình và lợi ích chung.

3. Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi. Xin cho những người đau khổ, bệnh tật, tù đày, nhất là những ai đang cần đến lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay, được cảm nghiệm lòng Chúa xót thương.

4. Chúa Thánh Thần là tình yêu và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Xin cho những người đang sống ơn gọi hôn nhân và gia đình luôn biết mở rộng tâm hồn đón nhận nhau trong yêu thương chân thành.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin đổ đầy Thánh Thần Chúa trên chúng con, để chúng con cũng cảm nghiệm được sức mạnh của Thánh Thần đã ban cho các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, nhờ đó chúng con có được đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng, đức mến nồng nàn và can đảm ra đi giới thiệu Chúa cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thực hiện lời hứa của Thánh Tử Giêsu Kitô, mà cử Thánh Thần đến giúp chúng con thấu hiểu mầu nhiệm hy lễ, và hướng dẫn chúng con tới chân lý vẹn toàn. Chúng con cầu xin...

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Ðể hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua, hôm nay Chúa rộng ban Chúa Thánh Thần cho những người đã được Chúa nhận làm nghĩa tử, nhờ kết hợp với Con Một Chúa. Chính trong ngày khai sinh Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã làm cho hết thảy chư dân nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ tuyên xưng cùng một đức tin. Vì thế, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu, lòng tràn ngập niềm vui ngày Chúa sống lại, đều mừng rỡ hân hoan. Ðồng thời, cả triều thần thiên quốc hát bài ca chúc tụng Chúa vinh hiển và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!...

Ca hiệp lễ

Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa - Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã rộng ban cho Giáo Hội những hồng ân cao cả là Thần Khí và bánh bởi trời; xin bảo toàn ơn Chúa tặng ban, để Thần Khí Chúa luôn tác động mạnh mẽ trong đời sống chúng con, và bánh bởi trời ban sinh lực giúp cho người thế đạt tới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin...

Ðể giải tán dân chúng, phó tế hay Linh mục nói:

Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. Halêluia. Halêluia.

Ð. Tạ ơn Chúa. Halêluia. Halêluia.

Suy niệm

Ngọn lửa thần linh
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 

Lễ Hiện Xuống

Lửa là biểu tượng của Chúa Thánh Thần. Tác giả sách Công vụ Tông đồ kể lại: vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống như hình lưỡi lửa trên mỗi tông đồ trong lúc các ông đang cầu nguyện xung quanh Đức Maria. Kể từ giây phút Chúa Thánh Thần ngự đến, các ông trở thành những chứng nhân can đảm của Đấng Phục sinh. Họ mở tung cánh cửa trước đó còn đóng kín. Họ mạnh mẽ rao giảng về Đức Giêsu. Lời giảng ấy có sức thuyết phục đến nỗi trong ngày hôm ấy có ba ngàn người xin theo Đạo. Ngọn lửa là Thánh Thần có sức mạnh thật kỳ diệu. Đó là ngọn lửa thần linh.

Công dụng của lửa trước hết là để sưởi ấm. Vào thời cuộc sống còn hoang sơ cũng như hiện nay tại miền thôn quê hẻo lánh, người ta cần có lửa để sưởi ấm vào mùa đông. Chúa Thánh Thần là Đấng sưởi ấm tâm hồn chúng ta. Do tội lỗi, tâm hồn chúng ta trở nên băng giá, sức sống bị bóp nghẹt. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta được ơn tha tội và được hồi sinh, trở nên ấm áp bình an. Chúa Thánh Thần vừa ban cho chúng ta sự ấm áp của tình Chúa, vừa giúp chúng ta tìm thấy sự ấm áp của tình người, nhờ đó mối tương quan với tha nhân sẽ được cải thiện, chan hòa và bừng cháy yêu thương. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại, vào chính ngày Phục sinh, Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ. Lúc đó các ông đang buồn sầu hoang mang sợ hãi. Chúa đã sưởi ấm tâm hồn các ông bằng Thánh Thần. Nhờ vậy, nỗi buồn nơi các ông biến mất, các ông vui mừng vì được thấy Chúa và tin vào những gì Người đã dạy trước đó.

Công dụng của lửa cũng để soi sáng. Trong đêm tối, ngọn lửa sẽ giúp người ta không lạc đường và tránh được những nguy hiểm. Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng tâm hồn các tín hữu, nhờ đó họ biết đường ngay nẻo chính và không bị lạc đường. Con đường lý tưởng là chính Chúa Giêsu. Điểm tới của con đường ấy là hạnh phúc đích thực, vì con đường này dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Cuộc sống trần gian như dòng sông trôi về muôn hướng, nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta biết chọn hướng đi đem lại hạnh phúc cho tương lai cuộc đời mình. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mỗi người Kitô hữu cũng trở nên ánh sáng để soi cho những ai lầm đường lạc lối, chỉ cho họ thấy con đường chân lý, cảnh báo những nguy hiểm giúp họ an vui.

Chức năng của lửa cũng là để tôi luyện. Những thanh sắt thô sơ, nhờ tác động của lửa, sẽ trở thành dụng cụ công hiệu sắc bén trong đời sống hằng ngày. Nhờ Chúa Thánh Thần giúp sức, người tín hữu sẽ trở nên chiến sĩ của Chúa Kitô, góp phần chinh phục thế gian và làm cho vương quốc tình yêu lan rộng. Cuộc tôi luyện nào cũng cần phải hy sinh gian khổ. Để trở nên dụng cụ của Chúa, chúng ta phải để Chúa Thánh Thần thanh luyện, như lửa luyện sắt. Được trang bị sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ can đảm và trung thành với Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Các Thánh tử đạo là những người được Chúa Thánh Thần tôi luyện, nên các ngài không khuất phục trước cường quyền và bạo chúa, kiên quyết một niềm theo Chúa Kitô và trung tín đến cùng.

Chúa Thánh Thần tác động nơi cuộc đời người tín hữu, uốn nắn điều chỉnh, để nhờ đó, bớt đi những nết xấu, tăng thêm nhân đức. Ngài tưới gội ân sủng của Ngài nơi chúng ta, làm cho sự sống vui tươi lạc quan hơn. Thánh Phaolô so sánh Giáo Hội như một thân thể, gồm nhiều chi thể khác nhau. Chi thể nào cũng quý, cũng đáng trọng. Chính Chúa Thánh Thần nối kết các chi thể trong thân thể Giáo Hội để tạo nên sự hài hòa đồng bộ. Nhờ Chúa Thánh Thần mà các chi thể hiệp thông với nhau, chia sẻ vui buồn và nâng đỡ nhau trong cuộc sống, đồng thời góp phần làm cho thân thể được lớn mạnh.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến! đó là lời cầu nguyện của cả Giáo Hội hoàn vũ trong những ngày này. Thực ra, Chúa Thánh Thần đã đến từ ngày Lễ Ngũ Tuần và chưa bao giờ Ngài lìa xa chúng ta. Ngài hiện hữu trong vũ trụ như hơi thở đối với một thân xác. Ngài hiện diện trong Giáo Hội như linh hồn làm cho Giáo Hội sống và hoạt động. Khi cầu xin Ngài ngự đến, là chúng ta tái khám phá sự hiện diện và hoạt động của Ngài, đồng thời mở rộng tấm lòng để Ngài thực sự đi vào mọi lãnh vực đời sống của chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ được Ngài soi sáng, sưởi ấm, thanh luyện và thánh hóa. Cuộc sống sẽ chan hòa niềm vui khi có Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta.

Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 19-23).
 
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.
 
Suy niệm
 
Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Hôm nay, toàn thể Giáo hội Công giáo long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ngài là Thiên Chúa Ngôi Ba, Ngài đến để hoàn thiện chương trình cứu độ nhân loại của Chúa Cha qua việc hướng dẫn, đồng hành và thánh hóa con người trong ơn gọi là chứng nhân của tin mừng cứu độ.
 
Trở lại với câu chuyện lạ lùng trong ngày lễ Ngũ tuần mà tác giả sách Tông Đồ Công Vụ kể lại, chúng ta thấy việc làm đầu tiên của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội, đó là tạo nên sự hiệp nhất và là chất xúc tác để mỗi tín hữu, khi chân nhận tên gọi đó, sẽ tìm về với cộng đoàn huynh đệ của mình là gia đình Giáo hội. Ngày lễ Ngũ tuần là đại lễ của người Do-thái, mọi người khắp nơi trở về cố đô, và cũng ngày đó, Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn các tông đồ, đặc biệt là thánh Phêrô, mạnh dạn đứng lên, nói về tình thương Thiên Chúa qua mầu nhiệm cứu độ, đặc biệt là sự hiện diện của Thánh Thần, từng bước, Ngài sẽ giúp nhân loại nhận ra giá trị con người, nhận ra giá trị của mầu nhiệm cứu độ, và hơn nữa là nhận ra tình thương Thiên Chúa trải dài từ khởi thủy, sau khi nguyên tổ phạm tội. Và hôm nay, Ngài đã quy tụ tất cả trong mái ấm gia đình giáo hội: “Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: “Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!”. Tất cả đã được Chúa Thánh Thần nối kết trở thành anh chị em trong cùng một gia đình của Thiên Chúa.
 
Chúa Thánh Thần hiện diện trong Giáo hội như là hơi thở của con người, Ngài hướng dẫn mỗi người trước là sống tình hiệp nhất huynh đệ, biết tôn trọng lẫn nhau, biết yêu mến Giáo hội qua các thừa tác viên, biết chu toàn trọng trách của mình trong ơn gọi của bản thân và hoàn cảnh, để Tin Mừng cứu độ được loan đi, được trao ban, được trở nên hiện thực trong mỗi người. Để có một cộng đoàn huynh đệ, để có được sự tôn trọng và yêu mến Giáo hội, rất cần có sự hiện diện của Thánh Thần: “Anh em thân mến, không ai có thể nói “Ðức Giêsu là Chúa” mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích”. Đó là lời nhắc của thánh Tông Đồ dân ngoại khi thấy dân thành Corintho sống trong sự hỗn loạn, thiếu niềm tin, thiếu sự tôn trọng, thiếu sự yêu mến Giáo hội và thiếu tình huynh đệ. Và đó cũng là thánh nhân nhắc nhở mỗi chúng ta trong hành trình đức tin hôm nay, là thành viên của Giáo hội, hãy trân trọng trong vâng phục, là con cái Giáo hội, hãy yêu mến trong tình huynh đệ, đừng cậy dựa vào những thế lực thế gian để hành hạ Giáo hội và đánh mất tình huynh đệ cộng đoàn.
 
Thánh Gioan ghi lại biến cố Đức Giêsu hiện ra với các Tông Đồ sau khi Ngài sống lại ra sao. Trước hết, Ngài ban bình an cho họ, đó là sự bình an đến từ Thiên Chúa tình yêu, chứ không đến từ thế gian, sau nữa, Ngài nhắc lại lời mời của Ngài, các con hãy đi loan tin mừng cứu độ. Và sau cùng, Ngài thổi hơi, ban Chúa Thánh Thần cho họ. Chúa Thánh Thần là Đấng vô hình, là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, cả ba ngôi nên một trong bản tính Thiên Chúa: “Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Để có thể lắng nghe được tiếng của Chúa Thánh Thần, người môn đệ cần có một tâm hồn bình an, một tâm hồn tĩnh lặng, trong bình an đó, tiếng Thánh Thần sẽ hướng dẫn người môn đệ con đường xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn, bởi đó là nơi giúp đỡ bản thân khi đức tin bị thử thách, đó cũng là cách thức người môn đệ xây dựng Giáo hội tại cộng đoàn. Có được bình an trong tâm hồn, có được một chỗ dựa tinh thần vững chắc là cộng đoàn, người môn đệ mới mạnh dạn lên đường, đi vào giữa lòng thế giới với lệnh truyền là loan tin vui cứu độ.
 
Sống giữa một thế giới ồn ào, một thế giới người ta sợ cái cô đơn, do đó, con người luôn tìm đến chỗ ồn ào, chỗ náo nhiệt, ít ai dám tìm cái tĩnh lặng giữa dòng đời. Bởi đó, cầu nguyện là hành động xem ra khó khăn nhất đối với người môn đệ của Chúa, nếu không thể cầu nguyện được, thì làm sao nghe được tiếng Chúa Thánh Thần hướng dẫn và soi sáng. Từ khởi sự cho đến hoàn thành trong mọi công việc, khi không tìm được bình an đến từ Thánh Thần, tất sẽ không biết mình sẽ sống ơn gọi hiện tại thế nào cho đúng với Thánh Thần mong muốn. Ơn gọi hôn nhân hay tu trì đều là những lối nẻo vào đời làm chứng cho tin mừng, tưởng cũng nên nhắc lại đó là những ơn gọi đến từ Thiên Chúa chứ không là một nghề nghiệp, để bất cứ ai được mời lên đường, hãy sống ơn gọi đó cách thực thụ và đúng nghĩa trong hoàn cảnh hôm nay. Đến từ Thiên Chúa, nên mỗi ơn gọi có những linh đạo để giúp cho con người sống Tin Mừng phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình, trong điều kiện đó, người chứng nhân tin mừng trong mỗi ơn gọi cần lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để xây dựng cộng đoàn, để xây dựng xứ đạo, để xây dựng hội dòng của mình theo tinh thần Tin Mừng. Tất cả cùng chung một đấng gọi là Thần Chân Lý hướng dẫn, tiếc thay, giữa thế giới ồn ào đó, giữa thế giới nặng mùi vật chất và thực dụng. Con người muốn xây dựng cho mình những pháo đài cá nhân chủ nghĩa trong mỗi ơn gọi của mình. Khi con người cố gắng thực hiện điều đó, có phải là lúc nhân loại đang lặp lại bài học của tháp Babel, câu chuyện nói về hậu quả của tội lỗi. Trong khi đó, Giáo hội đang sống trong sự hướng dẫn của Thánh Thần, để xây dựng lại một gia đình Thiên Chúa trong tình hiệp nhất và trân trọng lẫn nhau.
 
Sự bình an tâm hồn là yếu tố đầu tiên và cần thiết để xây dựng sự hiệp nhất cộng đoàn, thứ đến là tình yêu, Chúa Thánh Thần còn được gọi là Đấng Tình Yêu, có yêu rồi mới làm được mọi điều ước mong, có yêu mới tha thứ, có yêu mới cảm thông, có yêu mới trân trọng, có yêu mới dám hy sinh. Sự bình an đích thực đó Chúa phục sinh đã ban cho nhân loại, tình yêu đích thực đó, Chúa Thánh Thần đã đem đến cho từng người, phần còn lại là sự cộng góp của con người, của mỗi người trong ơn gọi được mời.
 
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã ban Chúa Thánh Thần cho chúng con, để Ngài hướng dẫn chúng con tới sự thật vẹn toàn, tới sự bình an đích thực và được chạm tay tới tình yêu tuyệt đối, xin cho mỗi người chúng con luôn biết khiêm tốn lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần hướng dẫn và can đảm đi theo sự chỉ lối của Ngài, để chúng con được ngụp lặn trong tình yêu tự hiến của Thiên Chúa, được ở lại trong sự bình an của Thiên Chúa và được đi trên con đường chân lý và sự thật vẹn toàn của Thiên Chúa. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN (Ga 20,22)
(Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Một trường phái triết học tuy không mới lắm nhưng vẫn mang tính thời sự, đó là “hiện tượng luận”. Theo cái nhìn này, xin được nêu lên một vài hiện tượng như sau: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần năm xưa, khi hiện ra với các môn đệ tại nhà Tiệc ly mà không có ông Tôma ở đó, Chúa Giêsu đã thổi hơi trên các ngài và ban Thánh Thần. Hôm ấy các cánh cửa của căn phòng được đóng kín vì các vị sợ người Do Thái hãm hại. Một tuần sau, các vị cũng tề tựu ở đó, có Tôma ở cùng, thế mà các cửa vẫn đóng kín (x.Ga 20,26). Một hiện tượng khác: Các em thiếu niên 13-14 tuổi xét chung đang ngoan ngoãn, siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên cần học giáo lý, sau khi được Giám Mục đặt tay ban Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức, thì một số không ít lại trở chứng, ngang bướng, lười tham dự Thánh Lễ và hay bỏ học giáo lý…

Là Kitô hữu Công giáo, chúng ta tin nhận tính “tại sự” (ex opere operato) theo thần học bí tích. Tuy nhiên tính “tại sự” ấy của bí tích không cấm chúng ta đặt vấn đề rằng cớ sao trong nhiều trường hợp như chiều ngày thứ nhất trong tuần của năm nào tại căn nhà Tiệc Ly, Thánh Thần đã được ban tặng mà hiệu quả dường như chưa thấy? Vấn nạn xem ra tuy khó có lời giải, nhưng dựa vào lời của Đấng Cứu Thế chiều hôm ấy, chúng ta có thể thấy được vấn đề. “Hãy nhận lấy Thánh Thần!” Chúa đã thổi hơi ban Thánh Thần, nhưng các Tông đồ phải biết đón nhận. Mặt trời đã mọc lên nhưng các cánh cửa căn nhà còn đóng kín thì căn nhà vẫn chìm trong bóng tối. Theo toán học thì ngoài điều kiện cần, phải có điều kiện đủ, thì kết quả mới xảy ra. Triết học gọi đó là nguyên nhân và cơ hội, còn thần học thì phân biệt nguyên nhân tác thành hay còn gọi là nguyên nhân đệ nhất và nguyên nhân đệ nhị. Anh em Phật tử lại dùng hai từ nhân và duyên.

Để hồng ân Thánh Thần mà chúng ta được trao ban, phát sinh hoa trái, thiết tưởng không thể thiếu thái độ sẵn sàng đón nhận, vì đây chính là duyên, là nguyên nhân đệ nhị, là cơ hội, là điều kiện đủ. Để sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần cách hiệu quả, không gì hơn, hãy nhớ lại những gì Chúa Kitô và các Tông đồ nói về Thánh Thần, đặc biệt qua vài Danh xưng của Người. Người là Thiên Chúa thật trong Ba Ngôi Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Đấng An ủi, Đấng Bảo Trợ, là Nguyên lý của các đặc sủng… Qua các Danh xưng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể thấy một vài điều kiện để có thể sẵn sàng đón nhận Người.

1. Sự khiêm nhu: Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý. Người dẫn chúng ta đến sự thật, Người soi sáng cho chúng ta nhận thức sự vật hiện tượng, nhận thức chính bản thân ta và tha nhân, nhận biết Thiên Chúa và chương trình ý định của Người cách đúng đắn. Để tiếp cận với chân lý, trên hết và trước hết cần phải có sự khiêm nhu chân thành. Người khiêm nhu thì chân nhận mình còn mù mờ, thấy sự việc như trong sương, trong chiếc gương đồng (x.1Cor 13,12). Người khiêm nhu thì sẵn sàng biết lắng nghe và chân thành học hỏi. Người khiêm nhu còn can đảm nhìn nhận con người bất toàn và đầy thiếu sót lẫn sai lầm của chính mình. Thiếu nữ Maria, làng quê Nagiarét, nhờ biết khiêm nhu cách sâu thẳm, nên đã đón nhận ân sủng Thánh Thần cách đầy tràn (x. Lc 1,26-38). Trái lại, chính lòng kiêu căng đã làm cho nhiều biệt phái và luật sĩ khôn ngoan, thông thái năm xưa không thể tiếp nhận chân lý (x.Lc 10,21).

2. Sự tín thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa: Người biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì sẽ dễ dàng đón nhận Đấng Bảo trợ, đặc biệt trong những cơn gian nan thử thách. Các Thánh Tử đạo là những người làm chứng cho chúng ta về điều kiện này. Dù xuất thân bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau, dù khác nhau về trình độ học vấn, dù khác nhau cả về mức độ đạo đức hay chức vị, danh phận… thì các ngài vẫn bình an trong cơn gian khổ, bách hại, vì luôn có Đấng Bảo trợ, Thần An ủi ở cùng. Sự bình an trong cơn gian nan, khốn khó là một trong những nét trổi vượt của các thánh Tử đạo so với những anh hùng dân tộc. Cũng là chịu hy sinh cách anh dũng vì “chính đạo”, nhưng các anh hùng dân tộc thì phẫn uất, căm thù kẻ làm hại mình, còn các thánh Tử đạo thì hân hoan, an bình và còn cầu nguyện cho cả kẻ giết mình. Được như vậy là nhờ các ngài luôn tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Sự tín thác này được thể hiện bằng niềm tin rằng chính sự sống của mình là do Chúa ban tặng, tin nhận rằng Thiên Chúa không chỉ là Đấng quyền năng đã dựng nên mình từ hư vô mà còn là Người Cha nhân hậu chăm sóc mình đến từng sợi tóc (x.Mt 10,30; Lc 12,7), là Đấng trọn lành cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn tội nhân (x.Mt 5,44-45).

3. Có tấm lòng vì ích chung: Một người có tấm lòng vì ích chung, cách riêng vì ích lợi của những người nghèo, những người cô thế, kém phận thì rất dễ sẵn sàng hiến thân theo khả năng và hoàn cảnh cách hết mình. Và họ sẽ nhận được nhiều đặc sủng như chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri, phân định thần khí… do Thánh Thần ban tặng (x.1Cor 12,7-11). Tấm lòng vì ích chung có thể nói là đối nghịch với tâm hồn ích kỷ, chỉ biết lợi ích riêng mình. Khi đã có tấm lòng vì ích chung thì ta sẽ dễ dàng xây dựng sự hiệp nhất trong sự tôn trọng cái khác biệt của tha nhân. Trái lại khi đã đặt cái tôi của mình lên trên hết, thì ta sẽ có nguy cơ tìm cách bắt kẻ khác phục vụ mình, làm theo ý riêng mình cách độc đoán, độc tài và có thể là độc ác nếu ta có chút quyền hay chút tài lực.

Gió muốn thổi đi đâu thì thổi (x.Ga 3,8). Không ai thấy gió nhưng người ta có thể nhận ra gió qua các hiệu ứng của nó như lá bay, cây lay… Xem quả thì biết cây (x.Mt 7,16-20). Mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, một lần nữa xin hãy kiểm định xem chúng ta đã trổ sinh những hoa trái nào. Giả như chúng ta chưa sinh hoa kết trái tốt lành là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa đón nhận hồng ân Thánh Thần mà Chúa Kitô đã ban tặng. Nếu chúng ta chưa sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần thì cũng là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa thật sự khiêm nhu, chưa biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, chưa biết mưu cầu ích chung, nhất là ích lợi của của người nghèo, người kém phận…

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

Đang xử lý, vui lòng đợi trong giây lát...